19/09/2016
Chuyến thăm của Thủ tướng Naendra Modi tới Việt Nam đã đưa mối quan hệ hai nước đã được nâng cấp từ đối tác chiến lược lên đối tác chiến lược toàn diện. Bài viết này đề cập tới tiềm năng hợp tác quốc phòng giữa hai quốc gia Việt Nam - Ấn Độ trong tương lai dựa trên nền tảng lịch sử cũng như những thế mạnh và vai trò của mỗi nước trong chính sách đối ngoại của nhau.
Chuyến thăm của Thủ tướng Naendra Modi là chuyến thăm Việt Nam lần đầu tiên sau 15 năm của một thủ tướng Ấn Độ. Quan hệ hai nước đã được nâng cấp từ đối tác chiến lược lên đối tác chiến lược toàn diện, mà một trong những điểm nhấn là việc Ấn Độ cung cấp một khoản tín dụng 500 triệu USD nhằm thúc đẩy hợp tác quốc phòng giữa hai nước. Bài viết này đề cập tới tiềm năng hợp tác quốc phòng giữa hai quốc gia Việt Nam - Ấn Độ trong tương lai dựa trên nền tảng lịch sử cũng như những thế mạnh và vai trò của mỗi nước trong chính sách đối ngoại của nhau.
Quan hệ truyền thống Việt-Ấn
Trên thực tế, mối quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Ấn Độ được đánh giá là mối quan hệ toàn diện và có bề dày lịch sử. Sau khi Ấn Độ độc lập, Jawaharlal Nehru đã giành nhiều ủng hộ cho Chủ tịch Hồ Chí Minh và công cuộc kháng chiến chống Pháp của Việt Nam. Thủ tướng Nehru cũng là nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên thăm Hà Nội vào tháng 10 năm 1954. Chuyến thăm này giúp cải thiện quan hệ giữa Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và Ấn Độ, đặt nền móng sâu rộng cho các bước phát triển quan hệ về sau. Trong chuyến thăm đáp lễ tới Ấn Độ năm 1958, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được Thủ tướng Nehru chào đón như “một nhà cách mạng vĩ đại và một người anh hùng huyền thoại”.
Trong kháng chiến chống Mỹ, Ấn Độ - một trong những quốc gia sáng lập Phong trào Không liên kết - đã nhiều lần ủng hộ Việt Nam trên các diễn đàn quốc tế. Ấn Độ cũng là quốc gia không thuộc khối xã hội chủ nghĩa đầu tiên công nhận nước Việt Nam thống nhất năm 1976. Khi Trung Quốc tấn công Việt Nam năm 1979, Ngoại trưởng Ấn Độ khi đó là AB Vajpayee trong khi thăm Trung Quốc đã huỷ bỏ chuyến thăm quay về nước như một hành động phản đối.
Lịch sử thân thiết đã khiến quan hệ Việt-Ấn hiện tại vận hành dựa trên lòng tin rất lớn mà hai bên dành cho nhau. Trong chính sách “Hành động hướng Đông” (Act East Policy) của mình, Ấn Độ đã nhấn mạnh rằng Việt Nam là một trong những đối tác quan trọng nhất. Không chỉ trên lĩnh vực kinh thế hay thương mại, an ninh quốc phòng trong thời gian gần đây nổi lên là lĩnh vực có tốc độ phát triển hợp tác nhanh chóng giữa hai bên.
Song trùng lợi ích
Một số quan chức và học giả có đường lối cứng rắn ở New Delhi cho rằng Việt Nam có thể đóng vai trò giống như vai trò của Pakistan đối với Trung Quốc. Ấn Độ có thể đẩy mạnh hợp tác hơn nữa về mặt quốc phòng với Việt Nam, biến Việt Nam trở thành một đối trọng mạnh về cả ngoại giao và quân sự ngay tại sườn phía nam nhằm kiềm chế Bắc Kinh. Một số khác lại nhấn mạnh tới niềm tin chiến lược, cũng như tính chất thực dụng trong chính sách đối ngoại của Việt Nam và do đó cho rằng vai trò của Việt Nam đối với Ấn Độ không thể và cũng không nên giống như của Pakistan (đối với Trung Quốc).
Tuy nhiên, cần phải nhấn mạnh rằng yếu tố Trung Quốc có thể là một trong những yếu tố quan trọng, nhưng không phải là yếu tố quan trọng duy nhất định hình quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt – Ấn. Có thể thấy quan hệ giữa Việt Nam và Ấn Độ được xây dựng trên nền tảng lợi ích chung trong việc duy trì hoà bình, ổn định ở Châu Á – Thái Bình Dương và một trật tự công bằng dựa trên thượng tôn pháp luật. Bên cạnh đó, các mối quan hệ kinh tế, thương mại, trao đổi khoa học kỹ thuật cũng là các trụ cột phát triển chính giữa hai nước. Tất cả dựa trên nền tảng sự tin cậy và tôn trọng lẫn nhau giữa hai bên.
Mặc dù vậy, đề cập tới yếu tố Trung Quốc là cần thiết để cho thấy rõ chất xúc tác chính cho mối quan hệ chiến lược đang ngày càng khăng khít giữa Việt Nam và Ấn Độ. Chính sách quyết đoán, đơn phương của Trung Quốc đối với các vùng lãnh thổ tranh chấp đang ảnh hưởng tiêu cực tới môi trường an ninh và đối ngoại của cả Ấn Độ và Việt Nam. Và do vậy, việc Việt Nam xích lại gần hơn với Ấn Độ trên lĩnh vực hợp tác an ninh quốc phòng là một điều có thể được dự đoán trước.
Giữa Trung Quốc và Ấn Độ vẫn còn nhiều tồn tại do lịch sử để lại chưa được giải quyết. Xung đột biên giới giữa hai nước vẫn còn âm ỉ, thậm chí chiến tranh đã bùng nổ vào năm 1962. Trong cuộc chiến này, Trung Quốc chiếm đóng vùng Aksai Chin vốn thuộc bang Jammu Kashmir của Ấn Độ. Hiện nay giữa hai nước vẫn tồn tại các tranh chấp chưa được giải quyết dọc theo đường biên giới hiểm trở trên dãy Himalaya. Căng thẳng cũng bắt nguồn từ việc Bắc Kinh cho rằng Ấn Độ chứa chấp các phần tử Tây Tạng lưu vong (chính quyền Tây Tạng lưu vong hiện tại đặt trụ sở tại Dharamsala thuộc bang Himachal Pradesh của Ấn Độ).
Thêm vào đó, Trung Quốc đã và đang đẩy mạnh xâm nhập vào khu vực Nam Á và Ấn Độ Dương, vùng ảnh hưởng truyền thống của Ấn Độ, thông qua các dự án cảng biển và cơ sở hạ tầng tại Sri Lanka, Bangladesh hay Pakistan. Pakistan được xem là một trong những quốc gia có quan hệ chặt chẽ với Trung Quốc, cả về kinh tế lẫn quốc phòng. Có lập luận cho rằng Ấn Độ chính là chất keo kết dính quan hệ chiến lược Trung Quốc – Pakistan, và Trung Quốc mong muốn duy trì “hiềm khích” giữa hai nước láng giềng Nam Á.
Islamabad “đóng vai trò to lớn trong quá trình trỗi dậy từ cường quốc khu vực sang cường quốc toàn cầu của Trung Quốc”. Có thể thấy rõ điều này qua vai trò của Pakistan trong đại dự án Một vành đai-Một con đường: Karachi và Gwadar là những hải cảng quan trọng giúp Trung Quốc vươn ra Ấn Độ Dương hay Cơ quan tình báo Pakistan (ISI) được đánh giá là quan trọng với Trung Quốc cũng như là một kênh tiếp cận của Bắc Kinh tới thế giới Hồi giáo.
Do vậy, bản thân New Delhi cũng mong muốn tìm kiếm cho mình một đối tác, vừa có đủ năng lực và vừa đủ tin cậy, để giúp Ấn Độ hiện diện mạnh mẽ hơn tại Đông Nam Á như một đối trọng cần thiết với Trung Quốc. Nội bộ giới hoạch định chính sách Ấn Độ hiện tại đều ủng hộ một mối quan hệ chiến lược chặt chẽ hơn giữa hai nước Việt-Ấn, tuy nhiên nội hàm của mối quan hệ chiến lược giữa hai nước vẫn còn là chủ đề đang được bàn luận.
Tuy nhiên, đối ngoại Việt Nam hiện nay vận hành dựa trên chính sách đa phương hoá, đa dạng hoá các mối quan hệ. Việt Nam không chỉ thúc đẩy quan hệ với Ấn Độ, mà với các nước quan trọng khác trong khu vực như Nhật Bản, Hàn Quốc, các nước ASEAN…Tất nhiên, cần khẳng định nhu cầu cấp thiết của Việt Nam hiện nay là nâng cao năng lực quốc phòng để dự phòng cho những bất ổn có khả năng xảy ra, nhất là một cuộc xung đột cục bộ trên biển. Quan hệ quốc phòng và hợp tác an ninh giữa hai nước trong tương lai sẽ tiến triển mạnh mẽ hơn nhưng thận trọng và phù hợp với lợi ích của mỗi nước trong môi trường an ninh chung ở khu vực.
Triển vọng hợp tác quốc phòng Việt-Ấn
Cũng cần phải lưu ý rằng Ấn Độ có tham vọng nâng kim ngạch xuất khẩu vũ khí hằng năm của mình lên con số 2 tỷ USD. Chiến lược xuất khẩu các sản phẩm quốc phòng của Ấn Độ phù hợp với sáng kiến “Make in India” mà chính phủ của Thủ tướng Modi đã xây dựng. Bước đầu, Ấn Độ sẽ chú trọng tập trung vào quảng bá các hệ thống tên lửa và tàu chiến nội địa vốn đã có tỷ lệ nội địa hoá cao. Một số loại vũ khí cấp độ chiến thuật sẽ được New Delhi quảng bá rộng rãi. Tuy nhiên đối với một số vũ khí mang tính chiến lược, Ấn Độ sẽ chỉ chào bán tới một số đối tác chiến lược nhất định.
Chuyến thăm Việt Nam cách đây 2 tháng của Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Manohar Parrikar mang lại nhiều tín hiệu tích cực trong việc đẩy mạnh mua bán các sản phẩm quốc phòng giữa hai bên. Đây cũng là chuyến thăm “tiền trạm” trước khi Thủ tướng Modi sang thăm Việt Nam. Nhiều thông tin đã được báo chí và các nhà phân tích đưa ra nhằm làm rõ hơn triển vọng mua bán vũ khí giữa Việt Nam và Ấn Độ. Có thể những thông tin này không hoàn toàn chính xác, xong chúng cho thấy một tương lai tích cực và rộng mở trong quan hệ hợp tác quốc phòng giữa hai bên.
Đầu tiên là thông tin về khả năng Ấn Độ sẽ bán cho Việt Nam loại tên lửa đối hải được đánh giá là nguy hiểm nhất hiện nay: Brahmos. Một sản phẩm liên doanh giữa Nga và Ấn Độ, tên lửa này có tầm bắn tối đa 290 km, tốc độ gấp 2,8 lần tốc độ âm thanh và có thể “hạ gục” một tàu sân bay chỉ trong một phát bắn do rất khó đánh chặn. Brahmos, hay như các loại tên lửa đối hạm khác trong kho vũ khí của Việt Nam, đóng vai trò quan trọng trong chiến lược bất đối xứng. Trong đó, nếu được sử dụng đúng cách thì một tên lửa đối hạm (giá của Brahmos vào khoảng 2,5 triệu USD) có khả năng đánh chìm một tàu khu trục hay thậm chí một tàu sân bay có giá trị gấp hàng chục lần.
Hai dự án khác cũng được lộ diện sau chuyến thăm của Bộ trưởng Parrikar. Thứ nhất là dự án trị giá 200 triệu rubi mà Ấn Độ giúp Việt Nam nâng cấp 2 trong số 5 tàu Petya. Petya là lớp tàu hộ tống chống ngầm hạng nhẹ được Liên Xô chế tạo trong thập niên 1960 và chuyển giao cho Việt Nam cuối những năm 70 (2 tàu Petya III) đầu những năm 80 (3 tàu Petya II). Cho tới hiện tại, đây là những tàu chiến chống ngầm duy nhất của hải quân Việt Nam. Tác chiến chống ngầm là một trong những cấu phần quan trọng trong tác chiến hải quân. Hiện tại, khả năng chống ngầm của Việt Nam tương đối còn hạn chế. Dự án nâng cấp sẽ giúp gia tăng đáng kể sức chiến đấu của các tàu Petya hiện tại, cùng với hai tàu Gepard có khả năng chống ngầm sắp được biên chế trong tương lai.
Thông tin cho rằng các tàu Petya sẽ được lắp hệ thống sonar mới, hệ thống điều khiển hoả lực mới, thay thế ống phóng ngư lôi và các rốc két chống ngầm mới. Một vài loại vũ khí khí tài có nguồn gốc từ Liên Xô khác mà Ấn Độ đã từng giúp Việt Nam hiện đại hoá có thể kể tới các xe tăng chủ lực T-54/55 và các loại xe chiến đấu bộ binh đang có trong biên chế vốn được nâng cấp khả năng quang ảnh nhiệt và hệ thống kiểm soát hoả lực mới. Việt Nam dường như cũng đã mua một số hệ thống ra-đi-ô mới của Ấn Độ để sử dụng trong các đơn vị bộ binh và thiết giáp.
Ngoài ra, cả hai bên cũng đã thảo luận thêm về khả năng Việt Nam mua loại ngư lôi chống ngầm mới mang tên “Varunastra” của Ấn Độ. Đây là loại vũ khí do Ấn Độ tự nghiên cứu phát triển và mới được thử nghiệm gần đây. Ngư lôi có thể tiêu diệt các tàu ngầm ở trạng thái tĩnh và hoạt động tốt ở cả môi trường nước nông và nước sâu hay môi trường biển động. Nếu dự án náy thành hiện thực, hải quân Việt Nam sẽ có thểm lựa chọn vũ khí cho tàu ngầm Kilo cũng như cho các tàu chiến khác trong tương lai, đặc biệt là lớp tàu chống ngầm Petya như đã đề cập.
Hợp tác quốc phòng Việt-Ấn thực chất được đẩy mạnh từ năm 2014 trong chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tới New Delhi. Khi đó, các vị lãnh đạo của cả hai bên tuyên bố sẽ tăng cường mối quan hệ quốc phòng thông qua đối thoại an ninh song phương, đẩy mạnh hợp tác giữa các quân binh chủng, đẩy mạnh hỗ trợ xây dựng năng lực tác chiến và các hoạt động nhân đạo thông qua diễn đàn ADMM+.
Ngoài ra, hai bên còn ký kết một bản ghi nhớ về việc Ấn Độ cung cấp khoản tín dụng trị giá 100 triệu USD liên quan tới mua bán trang thiết bị quốc phòng, mà cụ thể là việc Việt Nam sẽ mua các tàu tuần tra xa bờ của Ấn Độ. Cũng trong năm 2014, Ấn Độ cũng đã hợp tác giúp Việt Nam đào tạo phi công máy bay Su-30. Năm 2013, New Delhi nhận đào tạo 500 thuỷ thủ tàu ngầm Việt Nam thực tập trên các tàu Kilo của Ấn Độ.
Trong chuyến thăm của Thủ tướng Naendra Modi tới Việt Nam, bốn văn kiện hợp tác về an ninh quốc phòng đã được ký kết với nội dung liên quan tới các lĩnh vực như đóng tàu, an ninh mạng và huấn luyện (lực lượng gìn giữ hoà bình). Đây cũng chính là những lĩnh vực mà Ấn Độ có thế mạnh và có truyền thống hợp tác trong nhiều năm với Việt Nam. Khoản tín dụng 500 triệu USD cũng là một con số tương đối lớn, làm gia tăng biên độ và mức độ hợp tác quốc phòng giữa hai nước trong thời gian tới. Có thể nhận thấy, tiềm năng hợp tác lớn về quân sự quốc phòng giữa hai nước dựa trên những nền tảng đặc biệt sau:
Thứ nhất chính là mối quan hệ khăng khít và có lịch sử kéo dài giữa hai nước như đã đề cập ở phần trên, đặt nền móng bởi Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng Jawaharlal Nehru. Ấn Độ đã dành sự ủng hộ rất lớn cho Việt Nam trong suốt khoảng thời gian hai cuộc chiến tranh và cả sau khi Việt Nam thống nhất, đối mặt nhiều khó khăn. Niềm tin chiến lược chính là yếu tố mà hai nước đã tạo dựng được trong suốt gần 45 năm chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao.
Thứ hai, Ấn Độ là một trong những thị trường vũ khí lớn nhất thế giới. New Delhi cũng sở hữu một nền công nghiệp quốc phòng tương đối phát triển. Hợp tác mua bán vũ khí với Ấn Độ trước hết sẽ giúp Việt Nam đa dạng hoá danh mục nhập khẩu vũ khí, tránh phụ thuộc quá nhiều vào Nga. Hợp tác quốc phòng sâu rộng với Ấn Độ cũng sẽ có thể giúp Việt Nam tiếp cận với các loại công nghệ quốc phòng mới nhưng vừa túi tiền. Các chương trình phát triển vũ khí của Ấn Độ rất đa dạng, khi nước này hợp tác với cả Nga, Mỹ, Pháp, Israel…trong nhiều dự án phát triển chung. Yếu tố này khá quan trọng khi Ấn Độ không có buôn bán vũ khí với Trung Quốc, trong khi Nga thì có.
Thứ ba, Ấn Độ có nhiều kinh nghiệm phát triển lực lượng quân đội mà Việt Nam có thể học hỏi được. Đầu tiên là khả năng tích hợp đa dạng nhiều loại thiết bị, vũ khí có nguồn gốc khác nhau vào cùng một nền tảng thiết kế, huấn luyện cũng như chỉ huy và kiểm soát. Ấn Độ sở hữu một nền công nghiệp quốc phòng mạnh và họ có khả năng tự đóng tàu chiến, máy bay chiến đấu hay tàu ngầm sử dụng các bộ phận linh kiện từ nhiều nguồn khác nhau (Nga, Isarel, châu Âu, Mỹ…). Quân đội Ấn Độ cũng đã có kinh nghiệm sử dụng hỗn hợp nhiều loại vũ khí có nền tảng vận hành và bảo dưỡng hoàn toàn khác biệt. Ví dụ không quân Ấn Độ sở hữu Su-30MKK của Nga đồng thời sở hữu các máy bay Mirage hay Rafael của Pháp…
Tiếp theo là những lĩnh vực thế mạnh trong công nghiệp quốc phòng Ấn Độ mà Việt Nam có thể học hỏi, nhận chuyển giao. Đóng tàu và an ninh hàng hải là một ví dụ điển hình khi Việt Nam đang cố gắng phát triển ngành công nghiệp đóng tàu quân sự của riêng mình. Chia sẻ thông tin tình báo và các thông tin về an ninh hàng hải là một hướng tiếp cận khác. Ngoài ra còn là an ninh mạng và đào tạo đội ngũ nhân lực về an ninh mạng. Đây là yếu tố an ninh cấp bách mà Việt Nam cần cải thiện sau vụ tấn công mạng vào hai sân bay quốc tế lớn nhất cả nước tháng trước.
Một ví dụ rõ ràng nhất cho mảng hợp tác này chính là việc Ấn Độ quyết định đặt một trung tâm theo dõi và phân tích hình ảnh vệ tinh tại Thành phố Hồ Chí Minh. Mặc dù được xác định là một cơ sở dân sự, tuy nhiên công nghệ hình ảnh tiên tiến vẫn luôn có khả năng phục vụ cho nhiều mục đích khác nhau. Yếu tố khiến cho cơ sở này trên thực chất có thể mang tính lưỡng dụng. Việt Nam hoàn toàn có khả năng, từ kênh của Ấn Độ, tiếp cận các hình ảnh vệ tinh thời gian thực và nâng cao năng lực phân tích hình ảnh vệ tinh. Thông qua cơ sở vệ tinh này, năng lực ISR (tình báo, giám sát và trinh sát) của Việt Nam có khả năng được cải thiện đáng kể.
Cuối cùng, sự xích lại gần nhau về mặt an ninh quốc phòng giữa Việt Nam - Ấn Độ phù hợp với xu thế chuyển động chung của tình hình khu vực. Việt Nam không muốn phụ thuộc quá nhiều vào bất cứ một đối tác nào và mong muốn thiết lập một mạng lưới các đối tác chiến lược được xây dựng dựa trên lòng tin và lợi ích. Trong khi đó, Ấn Độ lại có mối quan hệ thân thiết với Mỹ và phương Tây và cả Nga. Mỹ hiện tại mong muốn các đối tác và đồng minh của mình đóng vai trò quan trọng hơn, chủ động hơn trong bức tranh an ninh khu vực chung. Vì thế, quan hệ chặt chẽ giữa hơn về mặt an ninh quốc phòng giữa Việt Nam và Ấn Độ hay Việt Nam và Nhật Bản chắc chắn sẽ gặp nhiều thuận lợi hơn nữa trong tương lai.
Nguyễn Thế Phương, Nghiên cứu viên cộng tác thuộc Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế (SCIS), Đại học KHXH&NV, ĐHQG TP.HCM.
Bài viết thuộc bản quyền Nghiên cứu Biển Đông. Đề nghị chỉ được dẫn đường link bài viết, không đăng lại khi chưa có sự đồng ý của Ban Biên tập.
Ngày 08/7/2024, tại cuộc họp 2+2 giữa Bộ trưởng Ngoại giao và Quốc phòng giữa Nhật Bản và Philippines tại Manila, hai nước đã ký Hiệp định Tiếp cận quân sự tương hỗ (RAA). Đây là thỏa thuận RAA đầu tiên Philippines ký với nước khác và là RAA đầu tiên Nhật Bản ký với một nước Đông Nam Á cũng là RAA thứ...
Ngày 17/6, lực lượng tác chiến đặc biệt và lực lượng cứu hộ dân sự Philippines đã sử dụng một tàu vận tải, 5 xuồng cao su tốc độ cao để tiếp tế cho binh lính đồn trú trên tàu Sierra Madre nằm cạn tại Bãi Cỏ Mây. Trước diễn biến này, Trung Quốc cũng dùng các tàu, xuồng của lực lượng hải cảnh để ngăn chặn,...
Việt Nam có thể xem xét tham gia các tuyến cáp quang biển kết nối đầu từ xây dựng tuyến cáp quang mới kết nối với Sydney và Chennai, xây dựng một tuyến dây cáp quang ven biển nội bộ, và xây dựng liên doanh giữa các doanh nghiệp cáp quang biển Việt Nam.
Dự báo trong thời gian tới, Campuchia sẽ thúc đẩy quan hệ với Mỹ, đồng thời tiếp tục duy trì và đẩy mạnh quan hệ với Trung Quốc. Song, Campuchia sẽ cần khéo léo trong đường lối đối ngoại để có thể vừa tối đa hóa lợi ích quốc gia, vừa cân bằng được quan hệ với Mỹ-Trung.
Lễ nhậm chức của nhà cầm quyền Đài Bắc Lại Thanh Đức diễn ra ngày 20/5/2024 vừa qua đang thu hút sự quan tâm của dư luận về triển vọng quan hai bờ, quan hệ Mỹ - Đài cũng như những điều chỉnh chính sách của Đài Bắc đối với khu vực.
Trong bài phát biểu tại lễ nhậm chức ngày 20/5, tân lãnh đạo Đài Bắc Lại Thanh Đức nhắc tới Trung Quốc tổng cộng 7 lần. Điểm đáng chú ý là ông Lại công khai chỉ trích hoạt động “vùng xám” của Trung Quốc, cho rằng“các hành động quân sự và hành động vùng xám của Trung Quốc bị coi là các thách thức chiến...