Hoạt động “vùng xám” của Trung Quốc ở Eo biển Đài Loan và tương lai màu xám cho quan hệ hai bờ?

Trong bài phát biểu tại lễ nhậm chức ngày 20/5, tân lãnh đạo Đài Bắc Lại Thanh Đức nhắc tới Trung Quốc tổng cộng 7 lần. Điểm đáng chú ý là ông Lại công khai chỉ trích hoạt động “vùng xám” của Trung Quốc, cho rằng“các hành động quân sự và hành động vùng xám của Trung Quốc bị coi là các thách thức chiến lược lớn nhất đối với hoà bình và ổn định trên thế giới”. Ông hầu hết đề cập tới Trung Quốc như một mối đe doạ hiện hữu đối với Đài Loan, chẳng hạn như “chúng tôi kêu gọi Trung Quốc ngừng ngay các hành động tấn công Đài Loan”,“Trung Quốc chưa từng từ bỏ ý định sử dụng vũ lực xâm chiếm Đài Loan”, “ngay cả khi ta chấp nhận đề xuất của Trung Quốc, chấp nhận từ bỏ chủ quyền thì âm mưu xâm chiếm Đài Loan của Trung Quốc cũng chưa bao giờ mất đi”. Những lời lẽ có phần cứng rắn của tân lãnh đạo Đài Loan có phải là một chỉ dấu cho tương lai màu xám trong quan hệ hai bờ thời gian tới?

Hành động vùng xám của Trung Quốc ở Eo biển Đài Loan…

“Vùng xám” không phải là một khái niệm hay chiến thuật mới. Nhiều năm trở lại đây, Trung Quốc đã triển khai chiến thuật vùng xám nhằm “lách luật” quốc tế, tránh bị lên án trong khi vẫn đạt được mục đích là mở rộng kiểm soát ở một số khu vực như Biển Đông, Biển Hoa Đông và cả khu vực eo biển Đài Loan.

Ở khu vực eo biển Đài Loan, Trung Quốc sử dụng cách tiếp cận tiệm tiến, phá vỡ từ từ từng bước cái gọi là “đường trung truyến ngầm” ở trên không và trên biển. Đường trung tuyến là một ranh giới trên biển và trên không không chính thức giữa Trung Quốc và Đài Loan có từ 70 năm qua. Mặc dù Trung Quốc không thừa nhận làn ranh giới này một cách chính thức, song hải quân và không quân Trung Quốc trước đây vẫn “ngầm” tôn trọng đường ranh giới này.

Từ năm 2022 trở lại đây, Trung Quốc đã áp dụng chiến thuật vùng xám, sử dụng các cuộc tập trận phong toả - kiểm soát; cử máy bay quân sự bay qua thường xuyên, cử tàu cảnh sát biển vượt qua vùng cấm để từng bước xoá bở cái gọi là “đường trung tuyến ngầm” giữa hai eo biển.

Cách làm từ từ của Trung Quốc đang dần dần tạo hiện trạng mới ở khu vực eo biển. Cách làm này của Trung Quốc cũng khiến chính quyền Đài Loan rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan khi đứng trước hai lựa chọn: nhượng bộ chấp nhận thực trạng mới hay leo thang hành động căng thẳng.

Thứ nhất, để từng bước xoá bỏ đường trung tuyến trên không, Trung Quốc đã lợi dụng chuyến thăm của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi đến Đài Loan tháng 8/2022, tiến hành tập trận quy mô lớn, bắn đạn tầm xa, thử tên lửa, thiết lập trạng thái bình thường mới. Chỉ trong vòng vài phút sau khi bà Pelosi đặt chân tới Đài Loan vào tối 2/8/2022, PLA đã thông báo bốn ngày tập trận tại sáu khu vực bao quanh hòn đảo.

Đây là cuộc tập trận có quy mô lớn nhất từ trước tới nay vì (i) Trung Quốc đã mở rộng không gian tập trận, bao vây toàn bộ Đài Loan, còn trước đây, Trung Quốc thường tập trận ở dọc đại lục. (ii) Trung Quốc mở rộng phương thức, tiến hành tập trận “phong toả” và “kiểm soát” – hai phương thức trước giờ chưa từng có. (iii) huy động sức mạnh quân sự với cường độ mạnh, sức răn đe lớn nhất từ trước tới nay. Trung Quốc đã xây dựng nền tảng tác chiến ba chiều cả trên không, trên biển, dưới ngầm ở khu vực eo biển, đồng thời cử những thiết bị trước giờ chưa từng xuất hiện như phương tiện bay không người lái.

Ngoài tập trận quy mô lớn, Trung Quốc phóng thử tên lửa đạn đạo vào vùng biển xung quanh Đài Loan, cử nhiều tàu chiến Trung Quốc đi vào eo biển Đài Loan và hàng chục máy bay chiến đấu của PLA vượt qua “đường trung tuyến”. Theo số liệu thống kê của Bộ Quốc phòng Đài Loan công bố, Trung Quốc đã đưa tổng cộng 1.727 máy bay vào Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) của Đài Loan trong năm 2022, gấp khoảng 5 lần so với năm 2020.

Sau khi các cuộc tập trận chính thức kết thúc, các máy bay chiến đấu của PLA vẫn tiếp tục băng qua đường trung tuyến hằng ngày, thường là mười chiếc trở lên. Nếu so sánh với thời điểm tháng 7/2022, một tháng trước chuyến đi của bà Pelosi, máy bay của Trung Quốc (bao gồm cả máy bay không xác định là máy bay chiến đấu) bay qua đường trung tuyến chỉ trung bình một lần mỗi ngày.

Không chỉ từ từ vượt qua đường trung tuyến ở trên không, sau khi bước đầu thành công vào năm 2022, Trung Quốc có xu hướng tiệm tiến, mở rộng chiến thuật vùng xám ở trên biển, vào sâu vùng biển cấm ở khu vực Kim Môn do Đài Loan kiểm soát.

Ngày 14/2/2024, cơ quan thông tấn CNA của Đài Loan đưa tin, vào hồi 13:45 phút cùng ngày, tàu Cảnh sát biển Kim Môn CP-1051 phát hiện một tàu cao tốc của Trung Quốc không có số hiệu vượt qua đường biên giới, đi vào vị trí cách đảo Bắc Đính Kim Môn 1,1 hải lý về phía đông, cách vùng nước cấm 0,86 hải lý. Tàu Trung Quốc đã từ chối kiểm tra khi bị yêu cầu, đồng thời tăng tốc bỏ chạy và bị lật. Cả 4 người rơi xuống nước, trong đó 2 người tử vong do đuối nước. Trong khi đó, NPN Văn phòng Đài Loan của đại lục cho rằng, đây là “tàu cá tỉnh Phúc Kiến” đang tác nghiệp đánh bắt trong ngư trường truyền thống của Trung Quốc.

Trong khi sự việc chưa ngã ngũ, trên thực địa, Trung Quốc đã áp dụng chiến thuật vùng xám, dần hình thành cục diện theo hướng có lợi cho mình. Cảnh sát biển Trung Quốc ban hành lệnh tăng cường thực thi luật ở vùng biển Kim Môn và duy trì hiện diện thường trực ở khu vực này. Đáng chú ý, ngày 15/3, tàu Cảnh sát biển của Trung Quốc lần đầu tiên vượt qua “vùng cấm” đi sâu vùng biển cách Kim Môn 3,2 hải lý về phía tây nam, nằm hoàn toàn trong vùng mà Đài Loan gọi là “cấm và hạn chế”. Động thái bất thường này tiếp tục lặp lại sau đó và hình thành cục diện tàu cảnh sát biển và tàu hải giám của Trung Quốc hiện diện thường trực ở khu vực vùng biển do Đài Loan kiểm soát.

Hiện nay, tuy Trung Quốc chưa xâm chiếm hay sáp nhập được đảo Đài Loan. Song, thông qua hoạt động vùng xám, Trung Quốc đã đạt được mục tiêu của mình khi duy trì được hiện diện ở khu vực cốt lõi, phá vỡ được nguyên trạng eo biển mà không kích hoạt phản ứng quân sự của các bên.

… tương lai màu xám cho quan hệ hai bờ?

Dưới thời bà Thái Anh Văn, không quân Trung Quốc đã tiến vào khu vực được gọi là “Vùng nhận dạng phòng không” tây nam của Đài Loan, vượt qua đường trung tuyến ngầm trên không, vượt qua đường gọi là “cấm và hạn chế” ở khu vực biển Kim Môn. Trung Quốc gần như đã tạo một thế “gọng kìm” bao vây Đài Loan ở cả phía nam và phía bắc.

Trong bối cảnh ấy, tân lãnh đạo Đài Loan trong bài phát biểu nhậm chức đã nhấn mạnh đến quyết tâm bảo vệ lãnh thổ của Đài Loan, nâng cao ý thức và cải thiện hệ thống pháp luật về an ninh của Đài Loan, và đặc biệt là nâng cao năng lực quốc phòng. Ngân sách quốc phòng của Đài Loan đã tăng trong 7 năm liên tiếp. Năm 2017, chi tiêu cho quốc phòng của Đài Loan chiếm 1,82% GDP. Năm 2022, chi tiêu cho quốc phòng là 16,8 tỷ USD, tương đương 2% GDP. Xu hướng này tiếp tục tăng, đến năm 2024, ngân sách cho quốc phòng của Đài Loan đã tăng lên khoảng 19 tỷ USD, tương đương 2,5% GDP[1].

Bên cạnh tăng chi tiêu cho quốc phòng, dưới thời Thái Anh Văn, Đài Loan được cho là đã chuyển từ cân bằng giữa hai nước lớn sang đứng về phía Mỹ, liên kết với Mỹ để đối phó với Trung Quốc. Đài Loan tạo dư địa cho Mỹ sử dụng Đài Loan như một “con bài” trong cạnh tranh nước lớn. Bà Thái Anh Văn đã thành lập Cục Ấn – Thái thuộc Bộ Ngoại giao và tuyên bố Đài Loan là một mắt xích quan trọng không thể thiếu trong chiến lược Ấn – Thái của Mỹ. Đài Loan thậm chí mập mờ để ngỏ việc sẵn sàng xem xét cho Mỹ tiếp cận đảo Ba Bình (Đài Loan gọi là “đảo Thái Bình”) thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Đài Loan cũng nhìn nhận hành động tàu chiến Mỹ cùng các đồng minh đi qua eo biển là biểu hiện tích cực thực hiện tầm nhìn chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở.

Về phía Mỹ, tuy không duy trì quan hệ chính thức với Đài Loan, song từ thời Tổng thống Donal Trump, trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược Mỹ-Trung gia tăng, Mỹ đã tăng cường sử dụng “con bài Đài Loan”, không ngừng thúc đẩy vai trò của Đài Loan trong chiến lược “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở”.

Tại lễ nhậm chức ngày 20/5 của ông Lại Thanh Đức, chính quyền Biden khẳng định sự nhất quán trong chính sách của Mỹ đối với Đài Loan. Mỹ cử Phái đoàn do Giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia Mỹ (NEC) Brian Deese và cựu Thứ trưởng Ngoại giao Richard Armitage dẫn đầu tới tham dự[2]. Trước đó, ngay sau khi ông Lại Thanh Đức đắc cử, ngày 15/1/2024, Mỹ cũng cử cựu cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Stephen J.Hadley và cựu Quốc vụ khanh James B. Steinberg tới gặp gỡ ông Lại Thanh Đức và bà Tiêu Mỹ Cầm[3]. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cũng gửi lời chúc mừng ngay sau lễ nhậm chức của ông Lại, bày tỏ Mỹ sẽ hợp tác cùng Đài Loan để thúc đẩy các giá trị và lợi ích chung cũng như duy trì hoà bình và ổn định ở eo biển Đài Loan.[4]

Trong khi đó, đại lục dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình cho thấy những chỉ dấu chính sách ngày càng cứng rắn trong vấn đề Đài Loan.

Nghị quyết lịch sử lần thứ 3 của Trung Quốc ban hành tháng 11/2021 lần đầu tiên cho thấy tư duy đang “điều chỉnh” theo hướng cứng rắn của Trung Quốc. Tại Phiên họp lần thứ sáu của Uỷ ban Trung ương Đảng tháng 11/2021, Trung Quốc đã lần đầu tiên đề xuất “Chiến lược tổng thể của Đảng để giải quyết vấn đề Đài Loan trong kỷ nguyên mới”. Trong bản chiến lược tổng thể này, khái niệm “thống nhất” đã được lặp đi lặp lại 81 lần, khái niệm “hoà bình” được lặp lại 25 lần. Mặc dù “chống Đài độc”, “chống sự can thiệp của thế lực bên ngoài”, “thúc đẩy thống nhất”, “thúc đẩy hội nhập” vẫn được coi là trọng tâm công tác của Trung Quốc trong vấn đề Đài Loan[5].

Song về mặt triển khai, Bản chiến lược tổng thể này đã cho thấy sự điều chỉnh về mặt tư duy của Trung Quốc theo hướng chuyển từ thế bị động sang thế chủ động giành ưu thế và chuyển từ tư duy “phòng thủ chiến lược” sang “sẵn sàng đấu tranh”, chuyển từ tâm thế “trì hoãn và chờ đợi sự thay đổi trong hành động của Đài Loan” sang chủ động đưa ra sự lựa chọn “thống nhất hoà bình” hay “thông nhất quân sự” cho Đài Loan; từng bước thăm dò và thu hẹp phạm vi “mơ hồ chiến lược” của Mỹ[6].

Sau Đại hội Đảng lần thứ 20 của Trung Quốc, Giám đốc Văn phòng các vấn đề Đài Loan Lưu Kiết Nhất tiếp tục làm rõ nội hàm của “chiến lược Đài Loan” hiện nay của Trung Quốc với thông điệp chính là khẳng định quyết tâm “thống nhất” Đài Loan của Trung Quốc. Đây là những chỉ dấu cho thấy Tập Cận Bình hiện nay đã bắt đầu triển khai một “kế hoạch thống nhất” trong vấn đề Đài Loan và đưa mục tiêu này vào chương trình nghị sự, bàn thảo một cách kỹ lưỡng và nghiêm túc.

Nhìn chung, với vị trí địa chiến lược quan trọng, Đài Loan đang là điểm nóng trong cuộc cạnh tranh nước lớn. Chính bởi vậy, quan hệ hai bờ chịu tác động rất lớn từ xu thế gia tăng căng thẳng Mỹ - Trung và các biến số trong chính sách của Mỹ và Trung Quốc. Bài phát biểu của Lại Thanh Đức mang hơi hướng cứng rắn, để ngỏ khả năng quan hệ hai bờ có thể gia tăng căng thẳng. Song để đi đến nguy cơ xung đột quân sự có lẽ là điều cả Bắc Kinh và Đài Bắc đều không muốn xảy ra, bởi những tổn thất cho cả hai bên. Không chỉ thế, hai bờ hiện vẫn duy trì được những cơ chế để quản lý và kiểm soát khủng hoảng. Và điều quan trọng hơn, duy trì cục diện hoà bình, ổn định, thịnh vượng là điều mà mọi quốc gia và vùng lãnh thổ trong khu vực đều mong muốn và bài phát biểu của tân lãnh đạo Đài Bắc cũng cho thấy điều này.

Hoàng Lan, nghiên cứu viên Viện Biển Đông, Học viện Ngoại giao. Bài viết  thể hiện quan điểm riêng của tác giả, không đại diện cho quan điểm của đơn vị tác giả đang công tác.

 

 

 

[1] https://tw.news.yahoo.com/%E7%B8%BD%E7%B5%B1

[2] https://vn.taiwantoday.tw/news.php?unit=458&post=252930&unitname=Ch%C3%ADnh-

[3] https://vn.rti.org.tw/news/view/id/2010874

[4] https://vn.taiwantoday.tw/news.php?unit=458&post=253008

[5] 新時代黨解決台灣問題的總體方略」第一次出現在中共第十九屆六中全會通過的第三份歷史決議,不過只有一句話,請見,〈(授權發布)中共中央關於黨的百年奮鬥重大成就和歷史經驗的決議〉,《新華網》,2021年11月16日,http://www.news.cn/politics/2021-11/16/c_1128069706.htm

[6] 劉結一,〈堅持貫徹新時代黨解決台灣問題的總體方略〉,《求是》,2022年12月1日,http://www.qstheory.cn/dukan/qs/2022-12/01/c_1129172940.htm。