Tân lãnh đạo Đài Bắc nhậm chức và những chỉ dấu chính sách đầu tiên

Tháng 1/2024, quốc đảo Thái Bình Dương Nauru thông báo cắt đứt quan hệ ngoại giao với Đài Loan và công nhận Trung Quốc, khiến số đồng minh ngoại giao của hòn đảo Đài Loan giảm xuống chỉ còn 12 quốc gia. Giống như đại đa số các nước trên thế giới, Việt Nam kiên định thực hiện chính sách “một Trung Quốc”, công nhận Đài Loan là một phần không thể tách rời của lãnh thổ Trung Quốc, Việt Nam chỉ duy trì và phát triển quan hệ dân gian, phi chính phủ với Đài Loan trên các lĩnh vực kinh tế - thương mại, đầu tư, khoa học – công nghệ, văn hoá, giáo dục,…; không phát triển bất cứ quan hệ cấp nhà nước nào với Đài Loan.

Tuy vậy, với vị trí địa chiến lược quan trọng trong khu vực, là điểm nóng trong cạnh tranh giữa các nước lớn, tình hình tại eo biển Đài Loan tác động trực tiếp đến an ninh và ổn định khu vực. Bởi vị trí địa chiến lược then chốt, mọi động thái của Đài Loan đều thu hút sự quan tâm của cộng đồng quốc tế và khu vực. Lễ nhậm chức của nhà cầm quyền Đài Bắc Lại Thanh Đức diễn ra ngày 20/5/2024 vừa qua đang thu hút sự quan tâm của dư luận về triển vọng quan hai bờ, quan hệ Mỹ - Đài cũng như những điều chỉnh chính sách của Đài Bắc đối với khu vực.

Quan hệ Mỹ - Đài vẫn lạc quan

Trong bài phát biểu nhậm chức, ông Lại Thanh Đức nói tới bối cảnh tình hình thế giới phức tạp, đặc biệt là cuộc chiến Nga-Ukraine và cuộc chiến Israel-Hamas tiếp tục là điểm nóng tác động đến an ninh và ổn định trên thế giới. Song trong thế giới phức tạp ấy, tân lãnh đạo Đài Bắc nhấn mạnh tới điểm sáng cho Đài Bắc là “nỗ lực của các nước nhằm duy trì hoà bình và ổn định trong khu vực”, trong đó “hoà bình và ổn định ở eo biển Đài Loan là yếu tố không thể thiếu cho an ninh và phát triển trên thế giới”.

Minh chứng được tân lãnh đạo Đài Bắc nhắc tới là tháng 4 vừa qua, Mỹ đã thông qua “Dự luật bổ sung kinh phí quốc phòng đảm bảo an ninh khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương”. Với Đài Loan, đây là cam kết duy trì và cung cấp hỗ trợ an ninh nhằm đảm bảo hoà bình và ổn định ở eo biển Đài Loan. Việc nhắc tới dự luật này cũng là thông điệp đầu tiên nhằm trấn an và ngầm tuyên bố về triển vọng tương lai quan hệ Mỹ-Đài sẽ tiếp tục đi theo quỹ đạo ở nhiệm kỳ cầm quyền của ông Lại Thanh Đức.

Tất nhiên, chính sách “một Trung Quốc” đã được Mỹ duy trì từ nhiều thập kỷ trước trong đó “hòn đá tảng” là ba thông cáo chung năm 1972, 1979 và 1982. Ngoài ra, từ năm 1982, Tổng thống Mỹ Ronald Reagan đã đưa ra “sáu đảm bảo”, bao gồm (a) không đặt ra thời hạn dừng bán vũ khí cho Đài Loan; (b) không tham vấn với Trung Quốc về việc bán vũ khí cho Đài Loan; (c) không làm trung gian giữa Trung Quốc và Đài Loan; (d) không chỉnh sửa Đạo luật Quan hệ Đài Loan; (e) không thay đổi lập trường về chủ quyền liên quan đến Đài Loan; và (g) không gây áp lực buộc Đài Loan đàm phán với Trung Quốc[1]. Tuy Mỹ từng có những dấu hiệu phản ánh một phần nội bộ muốn điều chỉnh chính sách với Đài Loan, song nhìn chung, những định hướng chính sách lớn vẫn đang được Mỹ theo đuổi.

Nhìn lại lịch sử, tuy không duy trì quan hệ chính thức, song từ tháng 1/2017, trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược Mỹ-Trung gia tăng, sau khi Tổng tổng Donal Trump lên nắm quyền, Mỹ đã tăng cường sử dụng “con bài Đài Loan”, không ngừng thúc đẩy vai trò của Đài Loan trong chiến lược “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở”. Dưới thời Tổng thống Trump, nhiều quan chức Mỹ có tư tưởng “cứng rắn” với Trung Quốc và nỗ lực thúc đẩy việc bán các gói vũ khí cho Đài Loan. Tháng 12/2016, ngay sau khi đắc cử, TT Trump điện đàm với nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn, trở thành Tổng thống Mỹ đầu tiên có động thái này từ năm 1979[2]. Năm 2018, Mỹ lần đầu thông qua Đạo luật Đi lại Đài Loan và Đại luật Bảo đảm Đài Loan giúp quan chức cấp cao hai bên dễ dàng thăm lẫn nhau hơn[3]. Mỹ cũng phê duyệt các thương vụ vũ khí kỷ lục với Đài Loan với giá trị lên tới hơn 18 tỷ USD trong bốn năm cầm quyền của Tổng thống Trump[4].

Dưới thời Tổng thống Biden, Mỹ tiếp tục đường lối của Tổng thống Trump, vừa duy trì hiện diện của lực lượng quân sự Mỹ ở eo biển Đài Loan, thúc đẩy hoạt động của tàu chiến Mỹ ở khu vực và thúc đẩy mạnh mẽ hơn việc triển khai chính sách Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, trong đó, Đài Loan được coi như một mắt xích quan trọng.

Tại lễ nhậm chức ngày 20/5 của ông Lại Thanh Đức, giống như thông tin được đưa ra từ cuộc họp báo ngày 13/5 của chính quyền Biden, Phái đoàn Mỹ tới Đài Loan tham dự lễ nhậm chức do Giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia Mỹ (NEC) Brian Deese và cựu Thứ trưởng Ngoại giao Richard Armitage dẫn đầu, các thành viên bao gồm cựu Chủ tịch Hiệp hội Mỹ tại Đài Loan (AIT) Richard C. Bush và Chủ tịch AIT đương nhiệm Laura Rosenberger[5]. Trước đó, ngay sau khi ông Lại Thanh Đức đắc cử, ngày 15/1/2024, Mỹ đã cử cựu cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Stephen J.Hadley và cựu Quốc vụ khanh James B. Steinberg tới gặp gỡ ông Lại Thanh Đức và bà Tiêu Mỹ Cầm[6]. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cũng gửi lời chúc mừng ngay sau lễ nhậm chức của ông Lại, bày tỏ Mỹ sẽ hợp tác cùng Đài Loan để thúc đẩy các giá trị và lợi ích chung cũng như duy trì hoà bình và ổn định ở eo biển Đài Loan.[7]

Việc truyền tải những thông điệp này, Mỹ cho thấy sự liên tục và nhất quán trong chính sách Đài Loan của chính quyền hiện nay. Về phía Đài Loan, từ thời Tổng thống Thái Anh Văn, Đài Loan đã có xu hướng chuyển từ cân bằng nước lớn sang đứng về phía Mỹ, liên kết với Mỹ, tạo dư địa cho Mỹ sử dụng Đài Loan như một “con bài” trong cạnh tranh nước lớn. Bà Thái Anh Văn đã thành lập Cục Ấn – Thái thuộc Bộ Ngoại giao và tuyên bố Đài Loan là một mắt xích quan trọng không thể thiếu trong chiến lược Ấn – Thái của Mỹ. Đài Loan thậm chí mập mờ để ngỏ việc sẵn sàng xem xét cho Mỹ tiếp cận đảo Ba Bình (Đài Loan gọi là “đảo Thái Bình”) thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Sau khi Lại Thanh Đức lên nắm quyền, tiếp tục đường lối của Dân tiến Đảng, nhiều khả năng ông Lại vẫn sẽ tiếp tục mạch chính sách với Mỹ như dưới thời Thái Anh Văn. 

Duy trì hiện trạng, đối thoại và hợp tác là ưu tiên trong quan hệ hai bờ

Bài phát biểu của ông Lại Thanh Đức ngày 20/5 nhắc đến một số nội dung đáng chú ý, cho thấy hàm ý triển vọng quan hệ hai bờ. Thứ nhất, ông Lại Thanh Đức khẳng định những nguyên tắc mà Đài Loan đảm bảo trong duy trì quan hệ hai bờ bao gồm: 1. Đài Loan đảm bảo thực hiện “bốn kiên trì” (i. kiên trì theo hệ thống hiến pháp tự do dân chủ; ii. kiên trì nguyên tắc Trung Hoa Dân quốc và Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa không phụ thuộc lẫn nhau; iii. đảm bảo quyền bất khả xâm phạm về chủ quyền hay sáp nhập; iv. kiên trì đi theo ý nguyện của toàn thể nhân dân Đài Loan), 2. cư xử đúng mực vừa phải, 3. duy trì hiện trạng[8].

Biểu đồ minh hoạ: Ba đảm bảo của Đài Loan trong quan hệ hai bờ dưới thời Tổng thống Lại Thanh Đức

Tân lãnh đạo Đài Bắc nhậm chức và những chỉ dấu chính sách đầu tiên

Nguồn: Tác giả tổng hợp

Thứ hai, ông Lại nhắc tới bốn thông điệp truyền tải đến Trung Quốc bao gồm: 1.mong muốn Trung Quốc ngừng mọi loại tấn công, bao gồm cả “tâm công”, “dư luận chiến” và các cuộc “tấn công quân sự”; 2. Gánh vác các trách nhiệm toàn cầu; 3. Cam kết duy trì hoà bình và ổn định trên eo biển Đài Loan và trong khu vực; 4. Đảm bảo rằng thế giới sẽ không rơi vào nỗi sợ hãi của chiến tranh. Để làm được điều này, Đài Bắc kêu gọi Bắc Kinh duy trì đối thoại thay cho đối đầu, giao lưu thay cho ngăn chặn, thúc đẩy hợp tác từ những lĩnh vực như du lịch, giáo dục[9].

Điều đáng chú ý là, sau khi đưa ra các nguyên tắc và thông điệp trong quan hệ hai bờ, ông Lại Thanh Đức khẳng định, “Trung Quốc chưa từ bỏ việc sử dụng vũ lực để xâm chiếm Đài Loan, ngay cả khi Đài Loan chấp nhận mọi đề xuất của Trung Quốc thì âm mưu sáp nhập Đài Loan của Trung Quốc sẽ không bao giờ biến mất”, đồng thời khẳng định, Đài Loan đang đứng trước nhiều mối đe doạ khác nhau đến từ Trung Quốc.

Lời khẳng định này của ông Lại Thanh Đức dấy lên cuộc tranh luận về tương lai quan hệ hai bờ. Như học giả Hoo Chiew Ping (Nghiên cứu viên, Viện Quan hệ quốc tế Đài Loan) cho rằng, bài phát biểu của ông Lại ẩn chứa thông điệp cứng rắn và sự thay đổi trong giọng điệu khi nói về đại lục. Trước đây, ngôn ngữ của các nhà lãnh đạo DPP tiền nhiệm thường mang phong vị thận trọng hơn, gọi PRC là Bắc Kinh hoặc “bên kia bờ”.

Học giả Lin Zhengyi (nghiên cứu viên, Viện Nghiên cứu châu Mỹ, Học viện Sinica) cho rằng, chính quyền Lại đang đứng trước những thách thức an ninh to lớn nhất. Chính bởi vậy mà trong bài phát biểu nhậm chức ông đã nhắc tới Trung Quốc tổng cộng 7 lần và đều đề cập tới các mối đe doạ đến từ Trung Quốc. Ông cũng cho rằng, thực tế là đối mặt với mối đe doạ ngày càng tăng từ Trung Quốc, ngân sách quốc phòng của Đài Loan năm 2024 tiếp tục tăng năm thứ 7 liên tiếp lên khoảng 19 tỷ USD, tương đương 2.5% GDP của Đài Loan[10].

Nhìn từ phía ngược lại, đại lục dưới thời nắm quyền của Chủ tịch Tập Cận Bình cũng có những chỉ dấu cho thấy sự điều chỉnh chính sách theo hướng cứng rắn trong quan điểm và vấn đề Đài Loan.

Chính sách Đài Loan của Trung Quốc hiện nay vẫn tiếp tục duy trì một số thành tố cơ bản từ thời thế hệ hạt nhân lãnh đạo Đặng Tiểu Bình, Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào. Như những khái niệm “thống nhất hoà bình, một quốc gia, hai chế độ” vẫn là chủ trương chính sách đối với Đài Loan. Các nguyên tắc được thiết lập từ thời Đặng Tiểu Bình vẫn được duy trì như nguyên tắc phản đối Đài Loan độc lập, duy trì Đồng thuận 1992, kêu gọi tăng cường giao lưu và trao đổi hai bờ; không từ bỏ sử dụng vũ lực.

Tuy nhiên, dưới thời nắm quyền của Chủ tịch Tập Cận Bình, quyết tâm thống nhất đất nước của Trung Quốc rõ nét hơn so với thời kỳ trước. Tại Lễ Kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Đảng 1/7/2021, Tập đã đề cập “không ai nên đánh giá thấp quyết tâm mạnh mẽ, ý chí kiên định và khả năng của người dân Trung Quốc trong việc bảo vệ chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ”. Trong lời nói khi Báo cáo tại Đại hội 20, Tập cũng nhấn mạnh “việc thống nhất hoàn toàn Tổ quốc phải được thực hiện và nhất định phải đạt được”. Trong Sách trắng về vấn đề Đài Loan được công bố tháng 8/2022 sau chuyến thăm của Pelosi cũng cho thấy Chủ tịch Tập Cận Bình có xu hướng sử dụng những lời lẽ mạnh mẽ hơn. Chính bởi vậy mà trong Sách trắng, Tập tuyên bố phải “nắm vững ưu thế và thế chủ động trong quan hệ hai bờ, […] kiên quyết thúc đẩy tiến trình thống nhất Tổ quốc[11].

Trên thực tế, dưới thời Tập Cận Bình, Trung Quốc đã thiết lập trạng thái bình thường mới ở eo biển Đài Loan thông qua việc tăng tần suất máy bay và tàu quân sự của PLA bay vào vùng nhận diện phòng không của Đài Loan. Tiêu biểu là trong cuộc tập trận phản đối chuyến thăm của Chủ tịch Pelosi đến Đài Loan vào tháng 8/2022, Trung Quốc đã tiến hành nhiều động thái trước giờ chưa từng có như mở rộng không gian tập trận, bao vây toàn bộ Đài Loan; mở rộng phương thức, tiến hành tập trận “phong toả” và “kiểm soát”; đồng thời, huy động sức mạnh quân sự với cường độ mạnh, sức răn đe lớn nhất từ trước tới nay. Trung Quốc cũng xây dựng nền tảng tác chiến ba chiều cả trên không, trên biển, dưới ngầm ở khu vực eo biển Đài Loan, đồng thời cử những thiết bị trước giờ chưa từng xuất hiện như phương tiện bay không người lái.

Mặc dù nhiều đánh giá thiên về kịch bản gia tăng căng thẳng trong quan hệ hai bờ dưới thời Lại Thanh Đức, tuy vậy, hiện nay, Đài Bắc và Bắc Kinh vẫn đang duy trì các cơ chế đối thoại và trao đổi đã được thiết lập từ lâu như thông qua kênh Hội đồng các vấn đề đại lục (MAC), Quỹ trao đổi eo biển của Đài Loan (SEF), Nhóm lãnh đạo Trung ương về các vấn đề Đài Loan và Văn phòng các vấn đề Đài Loan của Trung Quốc (TAO). Các cơ chế vẫn đang phát huy tác dụng và kiểm soát tốt các sự vụ diễn ra có khả năng tác động tiêu cực đến quan hệ hai bờ.

Chính sách Hướng nam mới thời Thái Anh Văn liệu có còn tiếp tục? 

Chính sách hướng nam là tên gọi một chính sách kinh tế và đầu tư của nhà đương cục Đài Loan đưa ra vào những năm 1990 nhằm thúc đẩy sự chuyển dịch kinh tế đầu tư của Đài Loan xuống các nước Đông Nam Á. Dưới thời Thái Anh Văn, ngay trong diễn văn nhậm chức, bà đã nói về chuyển đổi mô hình kinh tế Đài Loan trong đó đề cập tới chính sách Hướng nam mới của Đài Loan.

Chính sách này bắt đầu từ bốn khía cạnh chính là “hợp tác kinh tế thương mại”, “trao đổi nhân tài", “chia sẻ tài nguyên”, “kết nối khu vực”, thông qua thúc đẩy liên kết trên các mặt kinh tế và thương mại, công nghệ, văn hóa,... giữa Đài Bắc với các quốc gia của ASEAN, Nam Á, New Zealand, Úc và các nước khác, cùng chia sẻ tài nguyên, nhân tài và thị trường, đồng thời tạo ra mô hình hợp tác mới cùng có lợi, cùng thắng.

Để triển khai chính sách này, chính phủ Thái Anh Văn đã thành lập “Văn phòng Chính sách Hướng Nam mới”; thành lập “Viện Nghiên cứu ASEAN và Nam Á”; thúc đẩy giao lưu các cấp khác nhau với các nước ASEAN; thành lập “Taiwan Desk” tại một số quốc gia ASEAN, với mục đích cung cấp các dịch vụ tư vấn đầu tư liên quan đến ngành nghề, pháp luật cũng như thuế quan cho các doanh nghiệp Đài Loan.

Chính sách hướng nam mới dưới thời bà Thái đã đạt được nhiều hiệu quả, như lấy năm 2022 làm ví dụ, tổng kim ngạch xuất khẩu của Đài Loan sang các quốc gia là đối tượng của thuộc chính sách hướng Nam mới đạt 96,9 tỷ USD, tăng trưởng 17,3 % so với năm 2021, tỷ trọng xuất khẩu từ 17,7% vào năm 2020 cũng tăng lên thành 20,2% vào năm 2022. Trong khi đó tỷ trọng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, từ 43,9% vào năm 2020 đã giảm xuống thành 38,8% vào năm 2022.[12]

Song, trong diễn văn nhậm chức của ông Lại Thanh Đức, khu vực Đông Nam Á không được nhắc tới như một ưu tiên trong triển khai chính sách của Đài Bắc thời gian tới. Điều này dấy lên câu hỏi về khả năng điều chỉnh chính sách với các quốc gia Đông Nam Á của Đài Bắc?

Tuy vậy, mối quan hệ không chính thức giữa Đài Bắc và các quốc gia Đông Nam Á hiện đang phát triển tốt đẹp, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế, đầu tư, thương mại. Định hướng chính sách với các quốc gia Đông Nam Á của Đài Bắc thời gian tới vẫn sẽ cần tiếp tục quan sát, song nhiều khả năng, chính quyền mới của Lại Thanh Đức sẽ tiếp tục ưu tiên phát triển quan hệ với các quốc gia hướng Nam.

***

 Thời gian tới, triển vọng tương lai quan hệ Mỹ-Đài, quan hệ hai bờ hay quan hệ giữa Đài Bắc với các quốc gia Đông Nam Á sẽ còn phụ thuộc nhiều vào những biến số, trong đó quan trọng nhất phải kể đến cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ tháng 11/2024. Tổng thống Biden hay Tổng thống Trump tiếp tục nắm quyền không loại trừ sẽ có những đường hướng chính sách mới trong bối cảnh thời kỳ biến động mới. Cuộc cạnh tranh nước lớn có thể diễn biến theo hướng ngày càng gay gắt, khốc liệt, khó lường, bất định, song cũng không loại trừ khả năng “thoả hiệp”. Điều này sẽ tác động trực tiếp đến đường hướng chính sách của các đối tác, đồng minh của Mỹ, trong đó có Đài Bắc.

Hoàng Lan, nghiên cứu viên Viện Biển Đông, Học viện Ngoại giao. Bài viết  thể hiện quan điểm riêng của tác giả, không đại diện cho quan điểm của đơn vị tác giả đang công tác.

 

 

 

[1] https://sgp.fas.org/crs/row/IF11665.pdf

[2] https://www.bbc.com/news/world-us-canada-38191711 

[3] https://www.reuters.com/article/us-usa-taiwan-china-idUSKCN1GS2SN

[4] http://inpr.org.tw/m/405-1728-8533,c111.php?Lang=en

[5] https://vn.taiwantoday.tw/news.php?unit=458&post=252930&unitname=Ch%C3%ADnh-

[6] https://vn.rti.org.tw/news/view/id/2010874

[7] https://vn.taiwantoday.tw/news.php?unit=458&post=253008

[8] Trích bài phát biểu tại Lễ nhậm chức của ông Lại Thanh Đức, https://www.president.gov.tw/News/28428

[9] Nt

[10] https://tw.news.yahoo.com/%E7%B8%BD%E7%B5%B1

[11] 白皮書第五部分大篇幅描述「統一後」的好處,詳見〈台灣問題與新時代中國統一事業〉,《中國共產黨新聞網》,2022年8月11日,http://cpc.people.com.cn/BIG5/n1/2022/0811/c64387-32499836.html。

[12] https://vn.rti.org.tw/news/view/id/2009846