Đàm phán COC: tiếp tục công cuộc vượt cạn

Hải Đăng & Đỗ Hải Hà[1]

Tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 56 cùng các hội nghị liên quan diễn ra tại Jakarta, Indonesia Tháng 7 năm 2023 vừa qua, hai bước tiến quan trọng liên quan đến Bộ Quy tắc về ứng xử của các bên tại Biển Đông, hay COC, đã đạt được. Trước hết, lần đọc thứ hai của Dự thảo duy nhất văn kiện đàm phán COC (Single Draft COC Negotiating Text) đã được hoàn thành. Thứ hai, một Bộ Hướng dẫn thúc đẩy sớm ký kết Bộ Quy tắc ứng xử của các bên tại Biển Đông đã thông qua tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao 10+1 với Trung Quốc. Mặc dù các bước tiến này được Chủ tịch ASEAN năm nay, Bộ Ngoại giao Indonesia, coi là “những thành quả quan trọng” trong quan hệ ASEAN – Trung Quốc, cho đến thời điểm này không có bất cứ chi tiết nào về những thành quả này được Jakarta tiết lộ. Theo thông tin từ báo chí, Bộ Hướng dẫn thúc đẩy sớm ký kết Bộ Quy tắc ứng xử của các bên tại Biển Đông kêu gọi Nhóm làm việc chung ASEAN – Trung Quốc về việc thực hiện Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông hoàn thành đàm phán COC trong vòng ba năm. Bộ Hướng dẫn cũng đề nghị Nhóm làm việc chung gặp gỡ nhau nhiều hơn và bắt đầu đàm phán những vấn đề gây tranh cãi nhiều nhất, bao gồm liệu Bộ Quy tắc có tính ràng buộc về pháp lý không hay phạm vi địa lý của Bộ Quy tắc là gì. Trong khi đó, lần đọc thứ hai bao gồm phần mở đầu được hoàn thành từ năm 2022 và một số nguyên tắc cơ bản đã được thống nhất từ trước, bao gồm việc Bộ Quy tắc phải tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982. Điểm khác nhau chính với lần đọc thứ nhất là việc đạt được thỏa thuận tạm thời đối với một số đoạn bằng cách tránh một số vấn đề nhạy cảm, khó đạt được đồng thuận.

Dựa trên những thông tin này, có thể khẳng định rằng cả việc thông qua Bộ Hướng dẫn và lần đọc thứ hai chủ yếu là một thỏa thuận giữa các bên liên quan về mặt quy trình (và có thể là chính trị) hơn là một tiến bộ về mặt nội dung trong cuộc đàm phán. Bài bình luận này sẽ đánh giá những bước tiến này từ hai quan điểm khác nhau: một quan điểm thận trọng và một quan điểm lạc quan. Trước hết, bài viết cho rằng sẽ là không hiệu quả nếu cố ép một thời hạn cho quá trình đàm phán. Thứ hai, bài viết khẳng định điểm tốt là các bên vẫn sẵn sàng đàm phán với nhau. 

Tại sao lại phải vội vàng…?

Không ai có thể phủ nhận việc đám phán COC đã bị kéo dài rất lâu vì quá trình này đã tiến hành từ năm 1996. Tuy nhiên, việc bị kéo dài này không phải bởi vì những người tham gia đàm phán muốn như vậy mà bởi vì có những vấn đề rất khó đạt được thỏa thuận. Một số vấn đề đã được coi là phức tạp từ những năm 1990 và vẫn rất phức tạp vào thời điểm hiện tại, như phạm vi địa lý của COC, địa vị pháp lý của văn kiện này và các hành vi nào bị cấm. Cách duy nhất để có thể thúc đẩy việc đàm phán diễn ra nhanh hơn là bỏ qua hết các vấn đề này nhưng làm như vậy thì COC sẽ không khác gì với DOC cả. Từ quan điểm này, việc đưa ra một thời hạn để kết thúc đàm phán COC chỉ có tác dụng khiến những cán bộ tham gia đàm phán COC phải chịu nhiều áp lực hơn mà không hiểu rõ những thách thức mà họ phải đối mặt.

Đây không phải là lần đầu tiên một thời hạn được đưa ra. Từ năm 2019, Trung Quốc đã muốn kết thúc đàm phán COC trong vòng ba năm. Hiện tại là cuối năm 2024 mà đàm phán COC vẫn kết thúc. Người ta có thể đổ cho COVID-19 là lý do khiến cho đàm phán COC không thể kết thúc đúng thời hạn nhưng thế giới vẫn luôn có những điều không thể lường trước. Bên cạnh đó, cần phải nhìn nhận rằng ba năm thực tế là một thời hạn rất ngắn trong một “vòng đời” quốc tế.

Vì vậy, thay vì coi là một thời hạn, khoảng thời gian ba năm có thể trở thành điểm mốc cho một giai đoạn đàm phán. Sau khi giai đoạn này kết thúc, các Quốc gia thành viên ASEAN và Trung Quốc có thể kiểm điểm lại quá trình đàm phán để đánh giá đã đạt được những gì, những vấn đề gì vẫn còn tồn tại và cách tiếp cận nào mới có thể được áp dụng cho giai đoạn tiếp theo. Việc này sẽ giúp những người tham gia đàm phán không phải chịu áp lực cũng như tạo cơ hội cho họ được nhìn lại cách tiếp cận và chiến thuật của mình để có thể chỉnh sửa nếu cần thiết. 

Điều quan trọng là các bên vẫn tiếp tục đàm phán với nhau.

Bất chấp những điều đã nói ở trên, cần khẳng định các thành quả đã được là một tín hiệu rất tích cực. Đó là các Quốc gia thành viên ASEAN và Trung Quốc vẫn tiếp tục tham vấn với nhau một cách thường xuyên và cặn kẽ nhằm đạt được một thỏa thuận liên quan đến Biển Đông. Các cuộc đàm phán kéo dài chính là do các bên liên quan đang rất nỗ lực để đạt được thỏa thuận đối với các vấn đề khó khăn; và việc các bên muốn tăng cường độ gặp gỡ và tham vấn cũng như xác định một thời hạn có nghĩa là tất cả đều muốn nỗ lực hơn nữa để giải quyết các khó khăn. Các cuộc đàm phán này không phải dễ dàng, thậm chí đôi lúc còn rất căng thẳng và nhiều tranh cãi. Tuy nhiên, tất cả mọi người đều hiểu là xung đột ở bàn đàm phán vẫn còn tốt hơn nhiều là xung đột trên biển và một điều rất rõ ràng là các nhà ngoại giao từ các bên liên quan sẵn sàng tiếp tục mang gánh nặng này để tránh xung đột trên biển. Đây là một hành động rất dũng cảm và cần được tuyên dương. 

            Tóm lại, mặc dù việc thông qua Bộ Hướng dẫn nhằm thúc đẩy việc sớm ký kết một Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông và kết thúc lần đọc thứ hai của Dự thảo Văn kiện đàm phán COC duy nhất không thể được coi là một tiến bộ thực sự về mặt nội dung, đây vẫn là những tín hiệu rất tích cực để cho thế giới thấy là các bên liên quan vẫn quyết tâm tiếp tục tham vấn với nhau. 

 

[1] Bài viết này được dịch từ bài bình luận Vu Hai Dang, “COC Negotiators Will Carry on the Burden” ISIS Focus No.19 (01/2024) online: https://www.isis.org.my/wp-content/uploads/2024/01/IF19-06-min.pdf