Tăng cường kết nối với Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương: đề xuất hướng phát triển cáp quang biển cho Việt Nam trong thời gian tới

Trong khoảng thời gian kéo dài gần tám tháng suốt năm 2023, chưa bao giờ người dùng Internet ở Việt Nam lại thấy “sốt ruột” đến thế khi mà kết nối mạng vừa chậm vừa hay bị đứt đoạn.[1] Sở dĩ có điều này là do cả năm tuyến cáp ngầm viễn thông trên biển kết nối với Việt Nam thời gian đó cùng một lúc gặp sự cố.[2][3] Với hơn 70 triệu người dùng, một triệu công ty ứng dụng công nghệ và 70 nghìn doanh nghiệp số, các sự cố Internet đang gây ra nhiều hậu quả kinh tế to lớn đối với nước ta. Và hậu quả này có thể sẽ còn to lớn hơn nữa trong tương lai khi mà nhu cầu về lưu lượng truy cập mạng quốc tế của Việt Nam dự kiến tăng 30 đến 50% mỗi năm.[4] Để khắc phục tình trạng này, Việt Nam có kế hoạch nâng cao số lượng cáp ngầm viễn thông trên biển được kết nối với đất nước để giảm sự phụ thuộc vào các tuyến cáp hiện có, trong đó có những tuyến có tuổi đời cao và có thể dừng vận hành trong thời gian tới,[5] và cải thiện độ an toàn, ổn định chất lượng dịch vụ viễn thông.[6] Theo Quy hoạch hạ tầng thông tin và truyền thông thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được phê duyệt tháng 1 năm 2024, Việt Nam có kế hoạch phát triển các tuyến cáp quang phục vụ kết nối liên vùng, liên Á trên các hành lang kinh tế Đông-Tây. Đặc biệt, Việt Nam sẽ phát triển thêm 4 – 6 tuyến cáp quang biển quốc tế đến năm 2030, đưa tổng cộng số cáp quang biển kết nối với Việt Nam lên 10 tuyến[7] vừa phục vụ nhu cầu trong nước và đáp ứng yêu cầu trung tâm dữ liệu khu vực, có điểm cập bờ dọc bờ biển, ưu tiên các vị trí đã có các trạm cập bờ, có kết nối với các huyện đảo, đảo lớn của Việt Nam, trong đó quy hoạch một tuyến cáp quang tại khu vực Vịnh Thái Lan, dự kiến đặt trạm cập bờ tại khu vực trên hành lang kinh tế  Hà Tiên – Rạch Giá – Cà Mau, có kết nối ra huyện đảo Phú Quốc và các đảo lớn của Việt Nam.[8] Các tuyến cáp này sẽ có vai trò bảo đảm kết nối dung lượng lớn, tốc độ cao từ Việt Nam đi quốc tế (với tổng dung lượng kết nối quốc tế đạt 60 Tb/s vào năm 2025), san tải với các tuyến cáp quốc tế hiện có, làm tăng tốc độ an toàn mạng lưới, bảo đảm nâng cao chất lượng các dịch vụ viễn thông cung cấp đến người dùng và bảo đảm chất lượng kết nối Internet của người sử dụng không bị ảnh hưởng trong mọi tình huống.[9] Để thực hiện các mục tiêu này, gần đây nhất, Việt Nam và Singapore đã thỏa thuận sẽ xây dựng tuyến cáp VTS kết nối trực tiếp giữa Việt Nam và Singapore do Viettel và Singtel cùng xây dựng với các nhánh cập bờ tại Campuchia, Thái Lan và Malaysia. VTS dự kiến sẽ được đi vào khai thác từ quý II/2027.[10]

Vùng biển Việt Nam nằm ở vị trí trung tâm của khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Về mặt địa chính trị, khu vực này có thể được hiểu là vùng biển nằm giữa hai đại dương: Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương; bao gồm các vùng biển Đông Bắc Á, Đông Nam Á, Nam Á, và Châu Đại Dương.[11] Khu vực này bao gồm khoảng trên 40 quốc gia và vùng lãnh thổ;[12] đóng một phần quan trọng trong GDP và dân số thế giới. Bài viết này sẽ thống kê các hệ thống cáp quang biển trong vùng Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, đánh giá thực trạng kết nối cáp quang biển giữa Việt Nam với khu vực và thế giới và đề xuất một số kiến nghị liên quan đến việc phát triển thêm các tuyến cáp quang biển quốc tế của Việt Nam.

Các tuyến cáp quang biển ở vùng Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương

Theo cơ sở dữ liệu về cáp quang biển của TeleGeography,[13] một công ty chuyên theo dõi, ngành công nghiệp viễn thông, hiện có tổng cộng 222 tuyến cáp quang biển đi qua một phần hay toàn bộ Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (chỉ có Bắc Triều Tiên là quốc gia ven biển duy nhất trong khu vực chưa kết nối với bất cứ tuyến cáp quang biển nào). Trong số 222 tuyến cáp này thì có 64 tuyến kết nối đa phương (giữa từ ba quốc gia trở lên), 49 tuyến cáp kết nối song phương (giữa hai quốc gia), và 109 tuyến kết nối cáp đơn quốc gia (kết nối giữa các vị trị trong cùng một quốc gia). Một số trung tâm dữ liệu đồng thời cũng là điểm cập bờ của các tuyến cáp quang biển trong khu vực như Singapore (là điểm cập bờ của 31 tuyến), Mumbai (là điểm cập bờ của 16 tuyến), Sydney (là điểm cập bờ của 7 tuyến), và Hong Kong (là điểm cập bờ của hai tuyến).[14] Ngoài Mumbai thì Chennai ở Ấn Độ cũng đang được phát triển để trở thành một “ngã tư” về dữ liệu giữa Đông và Tây. Cụ thể, Colt Data Centre Services, một công ty hàng đầu thế giới về phát triển các trung tâm dữ liệu cỡ lớn, đang có kế hoạch mở rộng trung tâm dữ liệu quy mô lớn của mình ở Ambattur, Chennai nhằm cung cấp hạ tầng cho các hoạt động số hóa công nghiệp, điện toán đám mây và AI.[15] Hiện nay Chennai đang là điểm cập bờ của 8 tuyến cáp.[16]

Tăng cường kết nối với Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương: đề xuất hướng phát triển cáp quang biển cho Việt Nam trong thời gian tới

Hệ thống cáp quang biển ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương

(Submarine Cable Map)

 Thực trạng kết nối cáp quang biển giữa Việt Nam với khu vực và quốc tế

            Cũng theo TeleGeography,[17] Việt Nam hiện có năm tuyến cáp quang biển đang hoạt động, bao gồm:

            - Asia Africa Europe-1-AAE-1: kết nối giữa Pháp, Ý, Hi Lạp, Ai Cập, Ả-rập Xê-út, Yemen, Oman, Các Tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất, Qatar, Pakistan, Ấn Độ, Myanmar, Thái Lan, Malaysia, Việt Nam, và Trung Quốc;[18]

            - Asia-America Gateway Cable System-AAG: kết nối giữa Mỹ, đảo Guam, Philippines, Trung Quốc, Việt Nam, Brunei, Singapore, Malaysia, và Thái Lan;[19]

            - Asia Pacific Gateway-APG: kết nối giữa Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan, Việt Nam, Singapore, Malaysia, và Thái Lan;[20]

            - Southeast Asia – Middle East – Western Europe – SeaMeWe-3: kết nối giữa Anh, Bỉ, Đức, Bồ Đầu Nha, Ma-rốc, Ý, Hi Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ, Đảo Síp, Ai Cập, Ả-rập Xê-út, Djibouti, Các Tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất, Oman, Pakistan, Ấn Độ, Sri Lanka, Myanmar, Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Singapore, Úc, Brunei, Việt Nam, Philippines, Macao, Hồng Kông, Trung Quốc, Đài Loan, Nhật Bản và Hàn Quốc;[21] và   

            - Tata TGN-Intra Asia – TGN-IA: kết nối giữa Singapore, Việt Nam, Philippines, Trung Quốc.[22]

Dự kiến đến năm 2027, Việt Nam sẽ tham gia thêm ba tuyến cáp sau:

            - Asia Direct Cable - ADC (dự kiến vận hành trong Quý 1 năm 2024): kết nối giữa Nhật Bản, Trung Quốc, Philippines, Việt Nam, Singapore, và Thái Lan;[23]

            - Asia Link Cable - ALC (dự kiến vận hành trong Quý 3 năm 2025): kết nối giữa Trung Quốc, Philippines, Việt Nam, Brunei, Malaysia, và Singapore;[24]

            - Southeast Asia-Japan Cable 2 - SJC2: Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan, Việt Nam, Singapore, và Thái Lan;[25]

            - VTC: Việt Nam, Campuchia, Thái Lan, Malaysia, và Singapore như đã nói ở trên

Việt Nam có ba điểm cập bờ, gồm Đà Nẵng (đón các tuyến ALC, SeaMeWe-3, và APG), Quy Nhơn (SJC2, ADC), và Vũng Tàu (TGN-IA, AAG và AAE-1) và ba tập đoàn viễn thông tham gia ngành công nghiệp cáp ngầm, gồm: VNPT (tham gia SJC 2, SeaMeWe-3, AAG, và AAE-1), Viettel (tham gia ADC, APG, AAG, và AAE-1), và FPT (tham gia ALC).

Từ các thông tin kể trên, có thể thấy một số thực trạng về kết nối cáp quang biển mà Việt Nam cần xem xét trong kế hoạch phát triển kết nối cáp quang biển của mình như sau:

            - Việc Viettel trực tiếp tiến hành đứng ra đầu tư xây dựng cùng Singtel một tuyến cáp quang kết nối trực tiếp với Singapore cho thấy dường nhưng Việt Nam đã thay đổi cách tiếp cận của mình liên quan đến cáp ngầm trên biển. Trước đây, Việt Nam thường có xu hướng ưu tiên kết nối với các tuyến cáp dài, có nhiều điểm cập bờ và có nhiều bên tham gia để giảm chi phí đầu tư thì hiện nay Việt Nam. Tuy nhiên, cách tiếp cận này hiện nay đang gặp vấn đề do các tuyến cáp có nhiều bên tham gia thường bị quá tải dẫn đến dẫn đến truyền tải dữ liệu chậm, hay hỏng hóc, khó nâng cấp, và đặc biệt là trong hoàn cảnh cạnh tranh Mỹ-Trung hiện nay thì các tuyến cáp đa phương còn chịu nhiều rủi ro về địa chính trị. Điều này sẽ khiến cho Việt Nam khó đạt được mục tiêu bảo đảm kết nối dung lượng lớn, tốc độ cao, tăng tốc độ an toàn mạng lưới. Vì các lý do này dường như hiện nay Việt Nam bắt đầu muốn chủ động kết nối cáp quang trực tiếp với các trung tâm dữ liệu trên thế giới. Điều này dường như cũng phù hợp với xu hướng phát triển chung khi ngày càng có nhiều những tuyến cáp quang mang tính song phương và khu vực.

            - Có bờ biển dài hơn 3000 cây số trải dài từ Bắc xuống Nam và 28 tỉnh, thành ven biển, song Việt Nam lại chưa có một tuyến cáp quang biển để kết nối giữa các tỉnh ven biển cũng như các đảo gần bờ xuyên suốt chiều dài đất nước. Việc xây dựng một tuyến cáp quang biển liên tỉnh ven bờ như vậy sẽ giúp Việt Nam tăng cường kết nối liên tỉnh, đặc biệt là thiết lập kết nối cáp quang với huyện đảo Phú Quốc và các đảo gần bờ quan trọng của Việt Nam như được nêu trong Quy hoạch hạ tầng thông tin và truyền thông thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Việc xây dựng các đường cáp quang biển nội địa cũng đã được nhiều quốc gia tiến hành với 109 đường cáp nội địa trong khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương như đã thống kê ở trên.

            - Đối với một số tuyến cáp quang biển gần đây như AAG và AAE-1, đã bắt đầu có sự liên doanh giữa các doanh nghiệp cáp Việt Nam là VNPT và Viettel. Việc liên doanh giữa các doanh nghiệp Việt Nam khi tham gia các dự án cáp quang có thể giúp nâng cao vị thế đàm phán và khả năng đóng góp của các doanh nghiệp này. Bên cạnh đó, việc liên doanh còn giúp tiết kiệm các chi phí của từng doanh nghiệp khi thực hiện đầu tư cáp quang.

Một số đề xuất cho việc phát triển cáp quang biển của Việt Nam

Từ những phân tích nói trên, bài viết đưa ra một số đề xuất cụ thể cho việc phát triển cáp quang biển của Việt Nam trong thời gian tới như sau:

i. Kết nối cáp quang với Sydney

Như đã nói ở trên, Sydney là một trong những những trung tâm dữ liệu quan trọng trên thế giới đồng thời là cũng là điểm cập bờ cho nhiều các tuyến cáp quang trong khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại, Việt Nam lại chưa có kết nối cáp quang biển với Sydney. Như vậy trong thời gian tới, Việt Nam có thể xem xét tiến hành kết nối cáp quang với Sydney.

Để làm như vậy, Việt Nam có hai cách tiếp cận. Một là ta có thể xem xét phát triển các tuyến cáp quang biển theo hướng tận dụng kết nối với các tuyến cáp đã cập bờ tại Sydney để tiết kiệm thời gian và chi phí. Như đã nói ở trên, hiện tại đang có bảy tuyến cáp quang cập bờ tại Sydney bao gồm: Coral Sea Cable System, East Coast Cable System, Gondwana-1, Hawaiki, Hawaiki Nui, PIPE Pacific Cable-1, và Sydney-Melbourne-Adelaide-Perth.[26] Trong số các tuyến cáp này thì có tuyến, Hawaiki Nui là có các điểm cập bờ gần Việt Nam nhất: tại cực Nam ở Biển Đông trên lãnh thổ Malaysia và Singapore. Như vậy, Việt Nam có thể lựa chọn kết nối với tuyến cáp này. Cách tiếp cận thứ hai là Việt Nam có thể trực tiếp đầu tư xây dựng một tuyến cáp quang kết nối với Sydney để tăng cường tính chủ động. Trục chính của tuyến cáp quang này có thể đi từ cực Nam của Việt Nam đi qua Vịnh Thái Lan, vùng biển Java, vùng biển Banda, vùng biển Arafura, vùng biển Coral và cuối cùng là Sydney. Các nhánh phụ của tuyến cáp quang này có thể kết nối với các quốc gia Đông Nam Á như Campuchia, Malaysia, Singapore, Indonesia; các quốc gia ở Thái Bình Dương như Papua New Guinea, quần đảo Solomon, New Caledonina; và cả New Zealand.

Tăng cường kết nối với Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương: đề xuất hướng phát triển cáp quang biển cho Việt Nam trong thời gian tới

Đường đi gợi ý cho trục chính tuyến cáp quang Việt Nam – Sydney
(Vũ Hải Đăng)

ii. Kết nối cáp quang với Chennai

Như đã phân tích, bang Chennai của Ấn Độ đang được phát triển thành một trung tâm dữ liệu cỡ lớn rất quan trọng, đóng vai trò “ngã tư” kết nối Đông – Tây vào năm 2027. Nếu Việt Nam đã có hai kết nối cáp ngầm với Mumbai (Asia Africa Europe-1 và SeaMeWe-3) thì đến thời điểm hiện tại, ta vẫn chưa có kết nối cáp ngầm với Chennai. Tương tự như với Sydney, việc kết nối cáp quang với Chennai cũng có thể được tiến hành bằng hai cách: tận dụng các tuyến cáp quang đã cập bờ tại Chennai hoặc đầu tư xây dựng cáp quang từ Việt Nam tới Chennai. Với cách tiếp cận thứ nhất, các tuyến cáp quang đang cập bờ Chennai hiện nay là Bay of Bengal, Chennai-Andaman & Nicolar Islands Cable, i2i Cable Network, India Asia Xpress, MIST, SeaMeWe-4, SeaMeWe-6, và Tata TGN-Tata Indicom. Trong số này, trừ hai tuyến Bay of Bengal và Chennai-Andaman & Nicolar Islands Cable còn các tuyến cáp còn lại đều kết nối với Singapore. Như vậy, khi Việt Nam xây dựng VTC thì tranh thủ phát triển thêm một nhánh phụ để kết nối với một hay nhiều tuyến cáp quang này.

Với cách tiếp cận thứ hai, Việt Nam có thể đầu tư xây dựng một tuyến cáp mới với trục chính đi từ cực Nam Việt Nam đi qua quần đảo Riau, Eo biển Malacca, Biển Adaman, Vịnh Bengal, và cuối cùng là Chennai. Các nhánh phụ có thể kết nối với Campuchia, Malaysia, Singapore, Indonesia, Thái Lan, Myanmar, và Sri Lanka.

Tăng cường kết nối với Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương: đề xuất hướng phát triển cáp quang biển cho Việt Nam trong thời gian tớiĐường đi gợi ý cho trục chính tuyến cáp quang Việt Nam – Chennai

(Vũ Hải Đăng)

iii. Xây dựng tuyến cáp quang biển nội bộ chạy dọc theo bờ biển Việt Nam

Rất nhiều quốc gia trong khu vực đã xây dựng các tuyến cáp quang biển nội địa để kết nối giữa lục địa với các đảo ven bờ, giữa các đảo với nhau và giữa các địa phương ven biển như Mỹ, Canada, Indonesia, Philippines, Malaysia, Úc, các quốc đảo Thái Bình Dương, Trung Quốc và Nhật Bản. Việt Nam có thể xem xét xây dựng một tuyến cáp quang biển nội bộ kết nối 28 tỉnh ven biển cũng như là các đảo ven bờ quan trọng như Phú Quốc, Côn Đảo, và Vân Đồn. Chúng ta có thể tận dụng các hạ tầng sẵn có cho tuyến cáp này như các đường ống dẫn dầu, các đường dây cáp điện. Trên thế giới có nhiều tuyến dây cáp quang sử dụng các cơ sở hạ tầng sẵn có như tuyến cáp Sorsogon-Samar Submarine Fiber Optical Interconnection[27] của Philippines vốn là đường dây cáp điện, có đường dây cáp quang gắn cùng hay tuyến PGASCOM[28] kết nối giữa Indonesia và Singapore được gắn lên một đường ống dẫn khí.

iv. Xây dựng liên doanh giữa các danh nghiệp cáp quang biển Việt Nam

Thời gần đây bắt đầu xuất hiện xu hướng liên doanh giữa các doanh nghiệp cáp quang biển Việt Nam để tham gia các dự án mới. Cụ thể, VNPT và Viettel đã liên doanh cùng tham gia các tuyến cáp AAG và AAE-1. Đây là một xu hướng mà Việt Nam nên xem xét khuyến khích để tận dụng tất cả các nguồn lực trong việc phát triển cáp quang trên biển. Ba doanh nghiệp cáp quang biển Việt Nam (thêm cả FPT) có thể xem xét hợp tác, liên doanh để tham gia các dự án xây dựng cáp quang quốc tế mới. Tuy nhiên, các cơ quan quản lý cạnh tranh của Việt Nam cũng cần theo dõi sát sao các hợp tác, liên doanh này để tránh việc độc quyền, cấu kết nâng giá trên thị trường Việt Nam. 

Kết luận

Bài viết này đưa ra một số đề xuất cụ thể cho việc phát triển cáp quang biển của Việt Nam trên cơ sở xem xét, đánh giá tình hình các hệ thống cáp quang biển trong khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương và thực trạng kết nối của Việt Nam với khu vực và thế giới. Cụ thể, Việt Nam có thể xem xét tham gia các tuyến cáp quang biển kết nối đầu từ xây dựng tuyến cáp quang mới kết nối với Sydney và Chennai, xây dựng một tuyến dây cáp quang ven biển nội bộ, và xây dựng liên doanh giữa các doanh nghiệp cáp quang biển Việt Nam.

 

[1] Quỳnh Nga, “Vì sao tuyến cáp quang biển APG chưa thể khôi phục sau 8 tháng?” (20/8/2023) online: Công Thương https://congthuong.vn/vi-sao-tuyen-cap-quang-bien-apg-chua-the-khoi-phuc-sau-8-thang-267793.html.

[2] Nhĩ Anh, “Cả 5 tuyến cáp biển nối Internet Việt Nam đi quốc tế đồng loạt bị sự cố” (22/02/2023) online: VnEconomy https://vneconomy.vn/ca-5-tuyen-cap-bien-noi-internet-viet-nam-di-quoc-te-dong-loat-bi-su-co.htm.

[3] “Cáp quang biển Việt Nam đứt 10 lần mỗi năm” (16/12/2021) online: Vnexpress <https://vnexpress.net/cap-quang-bien-viet-nam-dut-10-lan-moi-nam-4403945.html>. 

[4] “Internet Việt Nam mong manh thế nào” (9/2/2022) online: Vnexpress <https://vnexpress.net/internet-viet-nam-mong-manh-the-nao-4567967.html>.  

[5] Như tuyến Southeast Asia – Middle East – Western Europe (SEA-Me-We hay SMW 3) đã hoạt động 24 năm

[6] Hà Thanh, “Việt Nam cần cấp thiết có thêm tuyến cáp internet mới” (14/02/2023) online: Kinh tế và Đô thị https://kinhtedothi.vn/viet-nam-can-cap-thiet-co-them-tuyen-cap-internet-moi.html#:~:text=Vi%E1%BB%87t%20Nam%20s%E1%BA%BD%20c%C3%B3%20th%C3%AAm,%C4%91%C6%B0%E1%BB%A3c%20n%C3%A2ng%20l%C3%AAn%207%20tuy%E1%BA%BFn.

[7] Minh Đức, “10 tuyến cáp quang biển sẽ kết nối vào Việt Nam” (14/10/2023) VTV online: https://vtv.vn/cong-nghe/10-tuyen-cap-quang-bien-se-ket-noi-vao-viet-nam-20230214165840177.htm.

[8] Quyết định số 36/QĐ-TTg ngày 11 tháng 01 năm 2024 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch hạ tầng thông tin và truyền thông thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

[9] Quyết định số 36/QĐ-TTg ngày 11 tháng 01 năm 2024 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch hạ tầng thông tin và truyền thông thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

[10] “Sắp có tuyến cáp Internet nối thẳng Việt Nam – Singapore” (13/4/2024) online: Quảng Ninh điện tử https://baoquangninh.vn/sap-co-tuyen-cap-internet-noi-thang-viet-nam-singapore-3293630.html#:~:text=Tuy%E1%BA%BFn%20c%C3%A1p%20quang%20bi%E1%BB%83n%20VTS,Campuchia%2C%20Th%C3%A1i%20Lan%2C%20Malaysia.

[11] Indo-Pacific Strategy of the United States (February 2022), online: White House https://www.whitehouse.gov/wp-content/uploads/2022/02/U.S.-Indo-Pacific-Strategy.pdf.

[12] Ấn Độ, Bangladesh, Bhutan, Brunei, Campuchia, Đài Loan, Indonesia, Hàn Quốc, Hồng Kông, Lào, Macau, Malaysia, Maldives, Mông Cổ, Myanmar, Nepal, New Zeland, Nhật Bản, Pakistan, Philippines, Sri Lanka, Singapore, Thái Lan, Timor-Leste, Triều Tiên, Trung Quốc, Úc, Việt Nam và 14 đảo quốc Thái Bình Dương.

[13] https://www.submarinecablemap.com/.

[14] Xem CBRE, Global Data Center Trends 2023 Report, CBRE Reseach (14 July 2023) online: https://www.cbre.com/insights/reports/global-data-center-trends-2023 và DC Byte, The Knight Frank Report, Q1 (2023) online: https://app.dcbyte.com/knight-frank-data-centres-report/Q1-2023

[15] Dan Swinhoe, “STT GDC breaks ground on third Chennai data center campus in India”, online: DCD https://www.datacenterdynamics.com/en/news/stt-gdc-breaks-ground-on-third-chennai-data-center-campus-in-india/.

[16] https://www.submarinecablemap.com/landing-point/chennai-india.

[17] https://www.submarinecablemap.com/country/vietnam.

[18] https://www.submarinecablemap.com/submarine-cable/asia-africa-europe-1-aae-1

[19] https://www.submarinecablemap.com/submarine-cable/asia-america-gateway-aag-cable-system

[20] https://www.submarinecablemap.com/submarine-cable/asia-pacific-gateway-apg

[21] https://www.submarinecablemap.com/submarine-cable/seamewe-3

[22] https://www.submarinecablemap.com/submarine-cable/tata-tgn-intra-asia-tgn-ia

[23] https://www.submarinecablemap.com/submarine-cable/asia-direct-cable-adc

[24] https://www.submarinecablemap.com/submarine-cable/asia-link-cable-alc

[25] https://www.submarinecablemap.com/submarine-cable/southeast-asia-japan-cable-2-sjc2

[26] Submarine Cable Map, Sydney, NSW, Australia, online: https://www.submarinecablemap.com/landing-point/sydney-nsw-australia.

[27] https://www.submarinecablemap.com/submarine-cable/sorsogon-samar-submarine-fiber-optical-interconnection-project-sssfoip

[28] https://www.submarinecablemap.com/submarine-cable/pgascom