Hoàng Sa: 50 năm, Việt Nam chưa bao giờ và không bao giờ mất chủ quyền

Sự kiện Hoàng Sa năm 1974: manh nha từ “vùng xám” đến “sử dụng vũ lực” 

Trong những năm gần đây, dư luận được nghe nhiều tới những thuật ngữ như “chiến thuật vùng xám” hay “chiến tranh phức hợp”. Những thuật ngữ này hàm ý về việc sử dụng tích hợp các công cụ, phương thức, lực lượng, dân sự và quân sự để đạt được các mục tiêu chiến lược, thậm chí là những mục tiêu phi pháp, không phù hợp với quy định của luật pháp quốc tế. Từ cách tiếp cận này và soi chiếu vào sự kiện Hoàng Sa năm 1974, có thể thấy Trung Quốc đã hình thành “chiến thuật vùng xám” từ sớm. Theo nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, lực lượng tham gia vào cuộc tấn công Hoàng Sa của Việt Nam không chỉ có quân đội Trung Quốc mà còn có sự tham gia của các loại tàu cá dân binh “ẩn danh”. Trong một báo cáo của Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á (AMTI) của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS, Mỹ) công bố năm 2021, lực lượng tàu cá dân binh biển Trung Quốc được ghi nhận đã tham gia vào chiến dịch chiếm Hoàng Sa vào năm 1974. Lực lượng tàu cá của Trung Quốc bắt đầu hiện diện từ ngày 14/1/1974 và dần đổ bộ lên các đảo Duy Mộng, Quang Hoà, Quang Hoà Tây vào ngày 18/1/1974. Khi lực lượng quân đội của chính quyền Sài Gòn đổ bộ lên Quang Hoà và Quang Hoà Tây vào ngày 19/1 thì bị lực lượng tàu cá dân binh nổ súng. Nhiều nghiên cứu chỉ ra đây chính là tiền thân của lực lượng dân binh được chuyên nghiệp của Trung Quốc hiện nay.[1]  Như vậy có thể thấy rằng, trong sự kiện chiếm quần đảo Hoàng Sa, Trung Quốc cũng đã sớm áp dụng “chiến thuật vùng xám”, từ từ đẩy lên thành hành vi sử dụng vũ lực thực sự và xâm chiếm lãnh thổ một cách bất hợp pháp. Trong sự kiện Hoàng Sa, không chỉ đánh dấu sự có mặt của quân đội mà còn có cả sự tham gia của lực lượng tàu cá dân binh “ẩn danh”. Nhìn lại vào tình hình Biển Đông những năm vừa qua, Trung Quốc đã và đang tiếp tục áp dụng chiến thuật “lát cắt salami”, ở nhiều vùng biển của các quốc gia khác ven Biển Đông, với việc triển khai nhiều tàu thuyền thuộc các lực lượng: hải quân, hải cảnh, tàu cá dân binh và gần đây là các loại tàu khảo sát khoa học biển, thăm dò địa chất. Sự kiện Trung Quốc xâm chiếm Hoàng Sa năm 1974 có thể được xem là một bài học kinh nghiệm sâu sắc để cảnh giác với những bước đi tinh vi của Trung Quốc, với những cái gọi là – “chiến thuật vùng xám”, “tam chủng chiến pháp” hay “cách thức tác chiến không giới hạn”.

Sự kiện Hoàng Sa năm 1974 – hành vi vi phạm luật pháp quốc tế có hệ thống của Trung Quốc

Từ góc độ của luật pháp quốc tế, có thể thấy rằng Trung Quốc đã không tuân thủ các quy định về thụ đắc lãnh thổ và một số nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế.

Liên quan đến thụ đắc lãnh thổ, 4 phương thức thụ đắc lãnh thổ được xem là phù hợp với luật pháp quốc tế để các quốc gia thiết lập chủ quyền đối với lãnh thổ, gồm: (1) chiếm hữu, (2) chiếm hữu theo thời hiệu, (3) chuyển nhượng và (4) thụ đắc lãnh thổ trên cơ sở thay đổi của tự nhiên. Phương thức thụ đắc lãnh thổ thông qua “xâm chiếm” hay thông qua vũ lực từng được xem là phương thức hợp pháp để thụ đắc lãnh thổ.

Với Hiến chương Hội Quốc Liên năm 1919, Hiệp ước Briand Kellog năm 1928,  và quan trọng hơn cả là Hiến chương Liên hợp quốc năm 1945, các quốc gia chính thức công nhận cấm sử dụng vũ lực hay đe doạ sử dụng vũ lực để chống lại sự toàn vẹn lãnh thổ và độc lập chính trị của quốc gia khác là một trong nguyên tắc cơ bản của luật quốc tế (Điều 2.4 Hiến chương Liên hợp quốc). Nguyên tắc cấm sử dụng vũ lực hoặc đe doạ sử dụng vũ lực còn nhắc lại và làm rõ trong Tuyên bố về các nguyên tắc luật quốc tế liên quan đến quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa các quốc gia phù hợp với Hiến chương Liên hợp quốc.[2] Và đáng chú ý, lần đầu tiên, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã đưa ra định nghĩa về “xâm lược” trong Nghị quyết 3314 năm 1974. Theo đó, Điều 1 Phụ lục trong Nghị quyết 3314 định nghĩa: Xâm lược là việc một quốc gia sử dụng lực lượng vũ trang chống lại chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và độc lập chính ttrị của quốc gia. Xâm lược là hình thức sử dụng vũ lực bất hợp pháp nghiêm trọng nhất và nguy hiểm nhất. Như vậy, kể từ sau 1945, luật pháp quốc tế đã đưa ra các quy định cụ thể liên quan đến cấm sử dụng hay đe doạ sử dụng vũ lực. Nguyên tắc này còn trở thành một jus cogens (một quy phạm mệnh lệnh bắt buộc chung).[3] Mọi hành vi sử dụng vũ lực để thụ đắc lãnh thổ là vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc nói riêng. Liên hệ với sự kiện Hoàng Sa năm 1974, việc quân đội Trung Quốc pháo kích vào các đảo hoàn toàn là một hành vi sử dụng vũ lực và là hành vi “xâm lược” theo định nghĩa của Nghị quyết 3314 của Đại hội đồng Liên hợp quốc. Hành động của Trung Quốc sử dụng vũ lực đánh chiếm Hoàng Sa không thể biện minh là việc thực thi quyền tự vệ chính đáng; bởi lẽ vào thời điểm đó, Việt Nam đang chiếm hữu và quản lý một cách hoà bình Hoàng Sa. Học giả Stein Tonnesson nhận định: hành vi sử dụng vũ lực để biến Hoàng Sa trở thành lãnh thổ của Trung Quốc đã dẫn đến việc thụ đắc lãnh thổ trở thành vô hiệu.[4]

Bên cạnh đó, vào thời điểm đó, Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa đã trở thành thành viên của Liên hợp quốc. Do đó, Trung Quốc phải có nghĩa vụ tuân thủ các nghĩa vụ và quy định theo Hiến chương Liên hợp quốc. Trong Nghị quyết 2625 cùng Tuyên bố về các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế năm 1970, mỗi quốc gia có nghĩa vụ phải thực thi thiện chí các nghĩa vụ của mình theo các nguyên tắc được công nhận rộng rãi và các quy định của luật pháp quốc tế. Với hành vi sử dụng vũ lực tại Hoàng Sa năm 1974, Trung Quốc đã vi phạm nguyên tắc thiện chí thực hiện các nghĩa vụ quốc tế (pacta sunt servanda).

Hoàng Sa mãi mãi là bộ phận không thể tách rời của lãnh thổ Việt Nam

Có thể thấy rằng sự kiện Trung Quốc sử dụng vũ lực xâm chiếm Hoàng Sa năm 1974 vi phạm hoàn toàn và có hệ thống với những nguyên tắc cơ bản của luật quốc tế như nguyên tắc cấm đe doạ sử dụng hoặc sử dụng vũ lực, nguyên tắc thiện chí thực thực hiện các cam kết quốc tế trong Hiến chương Liên hợp quốc mà Trung Quốc là thành viên. Việc thụ đắc lãnh thổ thông qua hành vi sử dụng vũ lực để chiếm đóng lãnh thổ của quốc gia có chủ quyền là hành vi bất hợp pháp, không mang lại danh nghĩa chủ quyền hợp pháp đối với lãnh thổ bị chiếm đóng.

Hiện nay, cũng tồn tại nhiều luồng quan điểm cho rằng sau 50 năm, Hoàng Sa sẽ trở thành lãnh thổ của Trung Quốc. Liên quan đến vấn đề thời hiệu để thụ đắc lãnh thổ, luật pháp quốc tế có quy định về chiếm hữu thời hiệu – nghĩa là việc xác lập chủ quyền lãnh thổ thông qua các hoạt động thực thi chủ quyền theo thực tế liên tục, hoà bình trong một thời gian hợp lý. Đối tượng của chiếm hữu thời hiệu là một vùng lãnh thổ không còn hoặc chưa có chủ sở hữu hợp pháp. Bên cạnh đó, đối với chiếm hữu theo thời hiệu, cũng sẽ cần xem xét lập trường quan điểm của các quốc gia khác. Nếu một quốc gia sở hữu hoà bình một vùng lãnh thổ trong một khoảng thời gian, không có quốc gia nào phản đối thì có thể được xem là chủ ý thừa nhận chủ quyền của quốc gia đó.[5] Liên hệ với trường hợp Hoàng Sa, có thể thấy rằng: Thứ nhất, luật pháp quốc tế không quy định khoảng thời gian thế nào là “hợp lý” để chiếm hữu theo thời hiệu. Thứ hai, vào thời điểm Trung Quốc sử dụng vũ lực, Việt Nam đang chiếm hữu và quản lý một cách hoà bình Hoàng Sa; do đó, Hoàng Sa không thể bị coi là một vùng lãnh thổ không còn hoặc chưa có chủ sở hữu hợp pháp. Thứ ba, Trung Quốc không thực thi chủ quyền trên thực tế một cách “hoà bình” mà thông qua vũ lực bất hợp pháp. Thứ tư, 50 năm trôi qua, Việt Nam chưa bao giờ từ bỏ chủ quyền đối với Hoàng Sa và Trường Sa. Hoàng Sa và Trường Sa luôn là lãnh thổ không thể tách rời của Việt Nam. Chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa và Trường Sa được khẳng định dựa trên những bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý vững chắc. Lập trường nhất quán này của Việt Nam được thể hiện trong nhiều văn bản chính thức quan trọng như Sách trắng về chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa (năm 1979, 1981 và 1988), trong các tuyên bố chính thức, các văn bản lưu hành tại Liên hợp quốc và các đệ trình, tuyên bố gửi các cơ quan quốc tế liên quan.

50 năm nhìn nhận lại sự kiện Hoàng Sa để thấy rằng cần tiếp tục lên tiếng để khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với vùng lãnh thổ thiêng liêng này. Đồng thời, nhìn về quá khứ để soi rọi vào diễn biến tình hình Biển Đông hiện nay, chúng ta có thể rút ra kinh nghiệm và cảnh giác trước những hành vi “vùng xám” nhằm hiện thực hoá những yêu sách không phù hợp với luật pháp quốc tế trên Biển Đông.

TS. Nguyễn Thị Lan Hương - Viện Biển Đông. Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.

 

[1] CSIS, “Vén màn sự thật về Dân quân hàng hải Trung Quốc”, năm 2021, https://csis-website-prod.s3.amazonaws.com/s3fs-public/publication/211118_Maritime_Militia_Vietnamese_0.pdf?VersionId=m_bX1inUmSM7ejiPO.RYtH3RhQtF.uyJ (bản dịch tiếng Việt). Bản gốc tham khảo tại đây, CSIS, “Pulling Back the Curtain on China’s Maritime Militia”, 2021, https://csis-website-prod.s3.amazonaws.com/s3fs-public/publication/211118_Poling_Maritime_Militia.pdf?VersionId=Y5iaJ4NT8eITSlAKTr.TWxtDHuLIq7wR

[2]Tuyên bố về các nguyên tắc luật quốc tế liên quan đến quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa các quốc gia phù hợp với Hiến chương Liên hợp quốc, Nghị quyết 2625 (XXV) năm 1970.

[3] Phán quyết Vụ các hoạt động quân sự và bán quân sự chống lại Nicaragua, Toà án Công lý quốc tế (ICJ), 1986.

[4] Stein Tonnesson, “The Paracels: The “Other” South China Dispute”, Asian Perspective, Vo.26, No.4. 2002, pp. 145-169, tham khảo trên trang JSTOR: https://www.jstor.org/stable/42704389?read-now=1&seq=1#page_scan_tab_contents

[5] TS. Phạm Lan Dung, Giáo trình Luật Quốc tế, NXB. Thế giới, 2022, tr.206.