[DIỄN BIẾN PHÁP LÝ MỚI TRÊN BIỂN ĐÔNG] Philippines đệ trình thềm lục địa mở rộng lên Ủy ban Ranh giới Thềm lục địa Liên Hợp Quốc.

Lưu ý: Bản đồ chỉ phục vụ cho mục đích minh họa

Ngày 14/6, Philippines đã nộp lên Ủy ban Ranh giới thềm lục địa Liên Hợp Quốc (Commission on the Limits of the Continental Shelf – CLCS) bản đệ trình thềm lục địa mở rộng tại khu vực Tây Palawan. Đây là đệ trình thứ hai của Philippines; trước đó, nước này đã nộp đệ trình vào năm 2009 ở khu vực Benham Rise ở Thái Bình Dương. Ngày 19/6, Bản tóm tắt của bản đệ trình đã được công khai trên trang web của CLCS:

https://www.un.org/depts/los/clcs_new/submissions_files/phl1/2023PhlEsDoc001Secured.pdf.

Khu vực thềm lục địa ngoài 200 hải lý mà Philippines yêu sách trong bản đệ trình lần này nằm ở phía Tây đảo Palawan, thuộc khu vực giữa của Biển Đông. Bản đệ trình khẳng định việc đệ trình của Philippines là phù hợp với Điều 76 của Công ước Luật biển của Liên hợp quốc năm 1982, nhằm mục đích xây dựng lòng tin, thúc đẩy hợp tác và giải quyết hòa bình các vấn đề biên giới biển. Philippines ghi nhận đệ trình của mình có thể chồng lấn với đệ trình của Việt Nam ở phía Bắc Biển Đông (2009), đệ trình chung giữa Việt Nam và Malaysia (2009), và đệ trình gần đây nhất của Malaysia (2019). Tuy nhiên, Philippines khẳng định các đệ trình này được thực hiện phù hợp với Điều 76 của Công ước Luật biển và phù hợp với Phán quyết Biển Đông năm 2016. Philippines cũng nói sẵn sàng thảo luận với các nước liên quan để phân định biển.

Phạm vi thềm lục địa mở rộng mà Philippines yêu sách trong bản đệ trình cho thấy: i) Philippines yêu sách cả thềm lục địa mở rộng từ đảo Sabah/North Borneo, nơi đang có tranh chấp chủ quyền với Malaysia và ii) ngoài chồng lần với các khu vực đệ trình chung của Việt Nam và Malaysia, đệ trình ở phía Bắc Biển Đông của Việt Nam, đệ trình của Malaysia năm 2019, yêu sách của Philippines còn chồng lấn với vùng thềm lục địa 200 hải lý của Việt Nam tính từ đường cơ sở (xem bản đồ minh họa).

Ngày 17/6, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lin Jiang đã phát biểu trong họp báo, khẳng định đệ trình đơn phương của Philippines vi phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán của Trung Quốc, vi phạm luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển và đi ngược lại Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông. Ông Lin Jiang cho biết thêm, theo các quy tắc thủ tục của CLCS, cơ quan này sẽ không xem xét hay xác nhận đệ trình của Philippines nếu có liên quan đến phân định vùng biển tranh chấp.

Ngày 18/6, Phái đoàn Thường trực Trung Quốc tại Liên hợp quốc đã gửi Công hàm cho Tổng Thư ký Liên hợp quốc nói Trung Quốc có chủ quyền đối với các nhóm đảo ở Biển Đông, quyền chủ quyền và quyền tài phán tại các vùng nước phụ thuộc và đáy biển của các nhóm đảo này và cho rằng đệ trình vùng thềm lục địa ngoài 200 hải lý của Philippines đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Trung Quốc trên Biển Đông. Trung Quốc yêu cầu CLCS không xem xét bản đệ trình của Philippines.

Ngày 20/6, trả lời câu hỏi của phóng viên, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng nêu rõ các quốc gia ven biển thành viên của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS) có quyền xác định ranh giới ngoài thềm lục địa mở rộng của mình trên cơ sở phù hợp với các quy định liên quan. Tuy nhiên, quốc gia ven biển khi đệ trình ranh giới ngoài thềm lục địa cần tôn trọng các quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của các quốc gia ven biển liên quan khác có bờ biển đối diện hoặc tiếp liền. Việt Nam bảo lưu toàn bộ quyền và lợi ích của mình theo luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS 1982 và sẵn sàng trao đổi với Philippines để tìm kiếm và đi đến giải pháp phù hợp với lợi ích của cả hai nước. Việt Nam cũng khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế, và các quyền hợp pháp đối với các vùng biển của mình, được xác lập phù hợp với UNCLOS 1982./.