Động thái của các quốc gia

+ Trung Quốc:

Quân đội Trung Quốc diễn tập trái phép tại Trường Sa. Từ ngày 8-9/5, biên đội tàu huấn luyện xa bờ của Hạm đội Nam Hải đã tới các thực thể Trung Quốc chiếm đóng phi pháp tại Quần đảo Trường Sa để tiến hành một loạt hoạt động. Biên đội tàu đã phối hợp cùng với binh sỹ đồn trú trên các đảo tiến hành diễn tập tấn công và phòng ngự đảo để nâng cao khả năng tác chiến cho binh sỹ. Theo báo chí Trung Quốc, biên đội tàu này, gồm 3 chiếc: tàu khu trục tên lửa Type 052D Hợp Phì, tàu hộ vệ tên lửa Type 054A Tam Á và tàu tiếp tế số hiệu 963, đã lần lượt tới tuần tra ở khu vực biển thuộc Đá Xu bi, đá Gạc Ma, đá Chữ Thập, đá Châu Viên, đá Vành Khăn, đá Gaven, đá Tư Nghĩa thuộc  Quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Trung Quốc muốn hợp tác với chính phủ mới của Philippines. Phát biểu trong cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 10/5, Người phát ngôn Lục Khảng cho hay: “Trung Quốc theo sát cuộc bầu cử của Philippines và chúng tôi muốn nhấn mạnh rằng Philippines là người láng giềng gần gũi và nhân dân hai nước có mối quan hệ truyền thống tốt đẹp. Trung Quốc hy vọng chính phủ mới của Philippines có thể hợp tác cùng Trung Quốc đi theo một hướng, giải quyết thỏa đáng các tranh chấp liên quan, đưa quan hệ hai nước trở về quỹ đạo phát triển bằng những hành động cụ thể.” Về việc tàu chiến Mỹ tàu chiến USS William P.Lawrence tuần tra gần Đá Chữ Thập, ông Lục cho hay “Mỹ đang giương khẩu hiệu tự do hàng hải và hàng không để phô trương sức mạnh ở Biển Đông bằng việc cho đưa tàu chiến và máy bay đến các khu vực gần các đảo, đá của Trung Quốc. Trung Quốc phản đối hành động của Mỹ và tiếp tục tiến hành các biện pháp cần thiết để bảo vệ an ninh và chủ quyền của Trung Quốc.” Bộ Quốc phòng Trung Quốc cũng cho biết ngay lúc đã đã điều 2 máy bay chiến đấu và 3 chiến hạm theo sát và yêu cầu tàu khu trục Mỹ ra khỏi khu vực đang hoạt động. Về việc Trợ lý Ngoại trưởng Daniel Russel hôm 10/5 cho rằng hoạt động tự do hàng hải đóng vai trò rất quan trọng với các nước nhỏ, ông Lục hôm 11/5 tuyên bố: “Sẽ tốt hơn nếu Mỹ có thể thông qua và gia nhập UNCLOS, điều này sẽ làm tuyên bố trên thuyết phục hơn khi nói về luật pháp quốc tế. Lần tới nếu quan chức Mỹ tiếp tục đề cập tới vấn đề tự do hàng hải, báo giới cõ lẽ hãy yêu cầu họ làm rõ kiểu tự do hàng hải nào họ đang đề cập tới, thương mại hay quân sự, bởi hai hành động tự do hàng hải này hoàn toàn khác nhau.” Về thông tin hội nghị Thượng đỉnh G7 tại Nhật Bản trong tháng này sẽ đề cập về vấn đề Biển Đông, ông Lục hôm 12/5 tuyên bố: “Nhật Bản đang hành động chống lại luật pháp dù hiểu luật pháp rất rõ. Nhật Bản đang lôi kéo các bên khác vào chiến dịch quốc tế hóa luật pháp tại thượng đnh G7 trong khi cũng phá vỡ luật pháp. Điều này cho thấy Nhật Bản không hề nghiêm túc. Nếu các tổ chức liên quan vẫn chấp nhận cách hành xử của Nhật Bản thì điều này sẽ thật nực cười.” Về vụ kiện của Philippines, Vụ trưởng Vụ Điều ước và Luật pháp, thuộc Bộ Ngoại giao Trung Quốc ông Tô Hoành hôm 12/5 tuyên bố Bắc Kinh không bị cô lập trong vụ kiện này và đây chẳng qua chỉ là một màn dàn dựng. Bắc Kinh hoàn toàn có quyền không tham gia vụ kiện mà Philippines khởi xướng.

Đài Loan làm chậm phán quyết của Tòa trong vụ kiện Philippines. Hiệp hội Luật quốc tế Đài Loan tháng 4 đã gửi văn bản đến Tòa Trọng tài đang xử vụ kiện của  Philippines, trong đó dẫn lại nhiều báo cáo, thông cáo của chính quyền Đài Bắc, theo đó khẳng định đảo Ba Bình do Đài Loan kiểm soát phải được hưởng quy chế Vùng EEZ 200 hải lý theo UNCLOS. Theo một số nguồn tin, Tòa Trọng tài đã chấp nhận xem xét bằng chứng của Hiệp hội Luật quốc tế Đài Loan. Song song với đó, các Thẩm phán cũng đề nghị có thêm thông tin từ Philippines và Trung Quốc. Các nhà quan sát cho rằng động thái này có thể làm chậm phán quyết của các Thẩm phán, dự kiến trong vòng 2 tháng nữa.

Trung Quốc phản ứng với báo cáo của Mỹ về quân đội Trung Quốc. Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Dương Vũ Quân hôm 15/5 đã bày tỏ “sự bất bình mạnh mẽ” và “cực lực phản đối” báo cáo thường niên của Bộ Quốc phòng Mỹ về hoạt động quân sự của Trung Quốc ở Biển Đông. Theo ông Dương, báo cáo này đã làm “tổn hại nghiêm trọng sự tin cậy lẫn nhau khi thổi phồng quá mức mối đe dọa và sự thiếu minh hoạch trong các hoạt động quân sự của Trung Quốc. Chính sách quốc phòng của Trung Quốc là mang tính phòng thủ.”

+ Việt Nam:

Việt Nam yêu cầu Đài Loan chấm dứt hoạt động thăm đảo Ba Bình. Ngày 12/5, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình nêu rõ: “Việc phía Đài Loan bất chấp những quan ngại và phản đối của Việt Nam trước đây, tiếp tục tiến hành nhiều hoạt động trái phép, trong đó có các việc tổ chức đoàn cựu quan chức cấp cao ra đảo Ba Bình thuộc quần đảo Trường Sa và phát hành tem thể hiện yêu sách tại Biển Đông là xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, làm phức tạp thêm tình hình, không có lợi cho việc duy trì hòa bình, ổn định khu vực. Những việc làm này của phía Đài Loan không thể thay đổi được sự thực là Việt Nam có chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.”

+ Philippines:

Tân Tổng thống Philippines muốn cải thiện quan hệ với Trung Quốc. Phát biểu trước phóng viên tại thành phố Davao, miền Nam Philippines hôm 15/5, Tổng thống đắc cử của Philippines ông Rodrigo Duterte tuyên bố Philippines muốn có mối quan hệ hữu nghị với Trung Quốc, đồng thời khẳng định sẵn sàng đàm phán trực tiếp với Bắc Kinh về vấn đề tranh chấp lãnh thổ giữa hai bên. Ông Duterte cũng cho biết Đại sứ Trung Quốc tại Manila sẽ là một trong 3 đại sứ nước ngoài đầu tiên mà ông dự định tiếp đón trong ngày 16/5, Các mối quan hệ chưa bao giờ lạnh nhạt. Tôi muốn thiết lập quan hệ hữu nghị với tất cả các nước”. Trước đó người phát ngôn viên của Tân Tổng thống Duterte, ông Peter Lavina hôm 10/5 cho hay Philippines sẵn sàng cùng hợp tác với Trung Quốc để khai thác dầu khí cũng như hướng tới hệ thống quản lý đánh bắt chung trên Biển Đông.

+ Mỹ:

Tàu chiến Mỹ tiếp tục tuần tra ở Trường Sa. Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ ông Bill Urban hôm 10/5 cho biết, tàu chiến USS William P.Lawrence của Hải quân Mỹ đã đi vào phạm vi 12 hải lý xung quanh Đá Chữ Thập để “thách thức yêu sách biển quá mức của một số bên tranh chấp ở Biển Đông”. Trong tuyên bố được gửi bằng thư điện tử, ông Urban nói thêm rằng: “Những yêu sách quá mức này đi ngược lại luật pháp quốc tế, như đã quy định trong UNCLOS, bởi chúng nhằm mục đích hạn chế quyền tự do đi lại Mỹ và tất cả các nước đáng được hưởng.Đây là lần thứ ba các tàu chiến của Mỹ thực hiện hoạt động tuần tra quanh các đảo Trung Quốc bồi lấp trái phép ở Biển Đông.

+ Úc:

Úc ủng hộ hoạt động tuần tra của Mỹ ở Biển Đông. Về việc một tàu chiến Mỹ hôm 10/5 tiến vào khu vực 12 hải lý quanh đá Chữ Thập ở Trường Sa, Ngoại trưởng Úc Julie Bishop hôm 10/5 cho hay: “Tất cả các quốc gia đều có quyền tiến hành các hoạt động tự do hàng hải, tự do hàng không ở Biển Đông dựa theo luật lệ quốc tế. Tôi hiểu rằng Mỹ đang đơn giản thực thi quyền như họ đã làm và đây là một hoạt động thường xuyên”. Theo bà Bishop, “Úc không đứng về bên nào trong tranh chấp nhưng thúc giục các bên kiềm chế và cần tuân thủ luật pháp quốc tế.”

Quan hệ các nước

Bộ Quốc phòng Anh lần đầu tổ chức khóa đào tạo tại Việt Nam. 25 sỹ quan từ các lực lượng hải quân, không quân, cảnh sát biển thuộc Bộ Quốc phòng các nước Đông Nam Á đã tham gia khóa đào tạo quốc tế về Bảo vệ Vùng Đặc quyền Kinh tế do Bộ Quốc phòng, Vương Quốc Anh tổ chức tại Đà Nẵng từ ngày 9-13/5. Chủ đề thảo luận bao gồm các tổ chức biển quốc tế và luật quốc tế về biển; các mối đe dọa trong lĩnh vực biển hiện nay và cách đối phó; bảo vệ ngành đánh bắt hải sản; hệ thống an toàn biển, hoạt động tìm kiếm và cứu hộ, và các cơ quan thực hiện; và các vấn đề môi trường và quản lý thiên tai.

Nhật - Mỹ khẳng định hợp tác trong các vấn đề nóng của khu vực. Ngày 9/5 tại Nhật Bản, Bộ trưởng Quốc phòng nước này đã hội đàm với Bộ trưởng Hải quân Mỹ Ray Mabus. Hai bên nhất trí liên kết chặt chẽ để đối phó với việc Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo và Trung Quốc tăng cường hoạt động trên Biển Đông. Trong hội đàm, Bộ trưởng Nakatani tuyên bố: “Trong năm nay, Trung Quốc đã tăng cường các hoạt động trên biển. Môi trường an ninh xung quanh Nhật Bản đang ngày càng khắc nghiệt, khả năng răn đe và đối phó của đồng minh Nhật - Mỹ là điều rất có ý nghĩa”. Về phần mình, Bộ trưởng Mabus cho rằng “cần phải cho thế giới thấy Nhật - Mỹ phối hợp xử lý với việc Triều Tiên phóng tên lửa cũng như kiên quyết đương đầu với các động thái nhằm thay đổi nguyên trạng trên Biển Hoa Đông và Biển Đông”.

Malaysia - Trung Quốc khẳng định thúc đẩy COC ở Biển Đông. Tại Kuala Lumpur, ngày 10/5, Bộ trưởng Ngoại giao Malaysia ông Anifah Aman cho biết nước này và Trung Quốc nhất trí giải quyết các vấn đề liên quan đến Biển Đông thông qua DOC và thúc đẩy việc hoàn thành Bộ Quy tắc Ứng xử. Bộ trưởng Ngoại giao Malaysia Anifah Aman đưa ra tuyên bố trên sau cuộc gặp với Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc Dương Khiết Trì đang có chuyến thăm hai ngày tại Malaysia. Trong cuộc gặp này, hai bên cũng thảo luận về việc các ngư dân Trung Quốc xâm phạm vào vùng biển của Malaysia. Phía Malaysia đã nêu lên quan ngại của mình và ông Dương Khiết Trì cho biết sẽ xem xét kỹ vấn đề này. Cũng tại cuộc gặp, hai bên còn thảo luận về mối quan hệ song phương, kinh tế và biện pháp tăng cường quan hệ thương mại và đầu tư giữa hai nước.

Phân tích và đánh giá

Mỹ sẽ thực hiện FONOP tiếp theo như thế nào?” của Zack CooperBonnie S. Glaser

Tàu USS William P. Lawrence của Hải quân Mỹ đã tiến hành hoạt động tự do hàng hải (FONOP) lần thứ ba tại Biển Đông, gần Đá Chữ Thập vào ngày 10/5 là một bất ngờ đối với nhiều chuyên gia về Biển Đông.

Cả hai cuộc FONOP đầu tiên đều tiến hành ở các cấu trúc có thể có vùng lãnh hải theo Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, gồm Đá Xu Bi và đảo Tri Tôn. Đá Subi mặc dù chìm hoàn toàn dưới nước khi thủy triều lên nhưng lại nằm trong vùng lãnh hải của một cấu trúc khác (đảo Thị Tứ), trong khi đó, đảo Tri Tôn là một cấu trúc nổi trên mặt nước khi thủy triều lên, được hưởng một vùng lãnh hải. Do đó, các tàu Hải quân Mỹ phải thực hiện việc qua lại vô hại và không thực hiện các hoạt động quân sự trong các vùng biển này.

Nhiều chuyên gia cho rằng lẽ ra Mỹ nên tiến hành FONOP đi qua Đá Vành Khăn, một cấu trúc hoàn toàn nằm dưới nước khi thủy triều lên, cách biệt với các cấu trúc khác, do đó không thể có vùng lãnh hải theo UNCLOS. Việc tiến hành FONOP ở Đá Vành Khăn sẽ cho Trung Quốc thấy Mỹ không coi các cấu trúc chìm dưới nước khi thủy triều lên là đảo hay đá, ngay cả khi Trung Quốc đã xây dựng những cấu trúc nhân tạo ở trên đó. 

Tuy nhiên, rốt cuộc, Mỹ lại chỉ tiến hành một cuộc FONOP tương tự như hai cuộc trước đó tại Đá Chữ Thập: qua lại vô hại trong vùng 12 hải lý. Có hai giả thuyết chính cho lý do của sự lựa chọn này:

Thứ nhất, Nhà Trắng có thể muốn tránh các căng thẳng có thể có với Trung Quốc trong năm cuối cùng của Chính quyền Tổng thống Barack Obama. Nếu tiến hành FONOP ở Đá Vành Khăn, tàu của Hải quân Mỹ sẽ buộc phải tiến hành các hoạt động quân sự để thách thức tuyên bố chủ quyền ở đây. Điều đó có thể dẫn đến việc gia tăng căng thẳng. Đá Chữ Thập, một trong ba cấu trúc có đường băng của Trung Quốc tại Trường Sa, sau đá Subi và Đá Vành Khăn. Do đó, đây là lựa chọn hợp lý. 

Thứ hai, Nhà Trắng có thể đang để dành việc FONOP tại Đá Vành Khăn đến sau khi Tòa Trọng tài Thường trực tuyên bố phán quyết về vụ kiện Biển Đông. Phán quyết này nhiều khả năng sẽ khẳng định Đá Vành Khăn là một cấu trúc chìm dưới nước, không phải đảo hay bãi đá. Khi đó, Trung Quốc sẽ khó có thể nói rằng việc tiến hành FONOP bao gồm cả các hoạt động quân sự trong phạm vi 12 hải lý quanh Đá Vành Khăn là một hành động khiêu khích. Do đó, Nhà Trắng đã quyết định đợi để tiến hành FONOP sau khi Tòa ra phán quyết, qua đó vừa củng cố quyết định của Tòa, vừa tránh được việc gia tăng căng thẳng với Trung Quốc.

“ Vai trò của ông Rodrigo Duterte đối với tranh chấp trên Biển Đông” của Malcolm Davis

Chiến thắng của Rodrigo Duterte trong cuộc bầu cử Tổng thống Philippines đã gợi ra một sự bất ổn trong viễn cảnh an ninh Châu Á.

Với vai trò là Chủ tịch ASEAN năm 2017, lập trường của ông Duterte trong cuộc khủng hoảng ngày càng tăng ở Biển Đông có vai trò cực kỳ quan trọng. Tuy nhiên, trong các diễn văn tranh cử, quan điểm đối ngoại của ông Duterte là không rõ ràng: một mặt tỏ ý sẵn sàng tiếp cận song phương để đổi lấy quan hệ kinh tế với Trung Quốc; mặt khác lại đề xuất phương án đàm phán đa phương - điều mà chắc chắn Trung Quốc sẽ phản đối. Do đó rất có khả năng dưới nhiệm kỳ Tổng thống mới, Philippines có thể đột ngột thay đổi lập trường về Biển Đông một cách khó đoán trước và điều đó làm suy yếu khả năng ASEAN duy trì lập trường chung chống lại Trung Quốc.

Việc thay đổi lập trường của vị Tổng thống mới được bầu sẽ làm tăng nguy cơ xảy ra những tính toán sai lầm của cả hai bên và khả năng xảy ra xung đột. Trong bối cảnh PCA đang chuẩn bị ra phán quyết nhiều khả năng có lợi cho Philippines và Trung Quốc cũng tuyên bố sẽ không chấp nhận phán quyết, ông Duterte lại thể hiện thái độ không coi trọng việc giải quyết xung đột bằng biện pháp pháp lý qua phát biểu “Tôi có quan điểm gần giống với Trung Quốc. Tôi không tin tưởng việc giải quyết xung đột thông qua tòa trọng tài”. Quan điểm này sẽ càng khiến Trung Quốc hung hăng hơn và trong nhiệm kỳ này ông Duterte có thể khiến các diễn biến căng thẳng ở Biển Đông thay đổi theo hướng có lợi cho Trung Quốc.

Chính phủ mới cũng có thể đặt ra thách thức mới với các đối tác chính như Mỹ, Nhật, Úc. Hiện tại Úc thực sự không mấy dễ chịu với ông Deterte trong bối cảnh ông này đưa ra những bình luận không hay về một phụ nữ truyền giáo Úc bị giết hại ở Philippines. Ông Duterte dọa cắt mối quan hệ do chỉ trích của các nhà ngoại giao Úc về những bình luận này. Nếu Duterter tiếp tục có chính sách bàn tay sắt và quyết định đi ngược với tiến trình dân chủ thì Úc sẽ khó tìm kiếm được quan hệ gần gũi hơn.

Úc cần cần xem xét các hệ quả sâu rộng trong chính sách ngoại giao quốc phòng với Philippines dưới thời ông Duterte. Sách trắng quốc phòng 2016 đề cao vai trò của Philippines do vị trí chiến lược, cách tiếp cận với an ninh biển, chống khủng bố cũng như các khía cạnh khác liên quan đến an ninh khu vực. Nếu ông Duterte bắt đầu chuyển hướng chính sách quốc phòng ở Biển Đông theo hướng thuận cho Trung Quốc (có thể qua thỏa thuận song phương, hoặc bỏ qua phán quyết của Tòa), điều đó sẽ làm xói mòn những nỗ lực củng cố trật tự quốc tế dựa trên luật pháp vốn là cơ sở cho chính sách quốc phòng của Úc. Điều này sẽ dẫn đến xói mòn đoàn kết ASEAN, gây rắc rối trong quan hệ của Philippines với Mỹ, Nhật và Trung Quốc sẽ là người được hưởng lợi trực tiếp.

Một nhà lãnh đạo khó dự đoán ở Manila có thể nhanh chóng phá vỡ một nhân tố chủ chốt của khu vực trong đối trọng với Bắc Kinh. Và khi đó cuộc khủng hoảng Biển Đông sẽ trở nên phức tạp hơn nhiều.

 Vịnh Cam Ranh đóng vai trò then chốt trong vấn đề Biển Đông” của Yevgen Sautin

Nếu cường quốc hải quân nào nắm quyền được phép hoạt động lâu dài ở căn cứ hải quân Cam Ranh, đó sẽ là trở ngại cực lớn cho bất kỳ nước nào khác muốn độc chiếm Biển Đông, cho dù nước đó có kiểm soát hầu hết các đảo đang tranh chấp.

Các quốc gia tiềm năng có thể được sử dụng vịnh Cam Ranh

Mỹ

Việc cho phép Mỹ được tiếp cận lâu dài với vịnh Cam Ranh sẽ là một sự khẳng định mạnh mẽ tượng trưng cho mối quan hệ đồng minh nảy nở giữa chính quyền Mỹ và Việt Nam, cùng lúc cũng sẽ làm vô hiệu hóa nhiều cơ sở quân sự mà Trung Quốc ở Biển Đông. Nhưng nếu điều đó xảy ra thì đó cũng là dấu hiệu cho thấy sự xuống dốc nghiêm trọng của quan hệ Việt - Trung, có thể dẫn đến sự trả đũa của Trung Quốc trên lĩnh vực kinh tế. Tuy nhiên, trong bối cảnh có lẽ chính quyền Việt Nam nhận thấy rằng quan hệ Mỹ - Trung sẽ tiếp tục trong thế giằng co lâu dài, Việt Nam sẽ muốn ở thế được cả Washington và Bắc Kinh cần tới hơn là nghiêng hẳn về phía Mỹ.

Nga

Sự hiện diện thường trực ở một căn cứ tại Việt Nam cũng sẽ có ý nghĩa tượng trưng to lớn cho Nga, tương xứng với tham vọng lấy lại thế ảnh hưởng sâu rộng trước đây cũng như đóng vai trò tích cực hơn trên trường quốc tế. Cản trở lớn nhất đối với Nga lúc này là việc Nga đang có khuynh hướng ngả theo Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông. Trong bối cảnh đó, khó có khả năng Nga ký được thỏa thuận độc quyền sử dụng quân cảng Cam Ranh.

Những quốc gia ít có khả năng tiếp cận

Nhật

Trong tháng 4 năm nay, 2 tàu khu trục của Nhật đã đến căn cứ quân sự này trong bối cảnh hải quân Nhật đang muốn tăng cường can thiệp vào Biển Đông. Nhật cần sử dụng vịnh Cam Ranh cho mục đích hậu cần. Tuy nhiên, rất khó có khả năng Nhật được sử dụng căn cứ này. Đầu tiên, điều này sẽ dẫn tới một phản ứng dội ngược mạnh mẽ từ các nước xung quanh vì quá khứ chiến tranh của Nhật. Ngoài ra, người dân Nhật - vốn đang lo lắng trước chính sách quốc phòng tích cực hơn trước của Thủ tướng Shinzo Abe - cũng có thể sẽ không thích việc chính phủ đưa quân tới Cam Ranh lâu dài.

Trung Quốc

Mặc dù Trung Quốc từng xâm lược Việt Nam vào năm 1979 và đang đối đầu với Việt Nam trong vấn đề Biển Đông, tham vọng sử dụng căn cứ Cam Ranh của Trung Quốc không phải là hoàn toàn không có. Các nhà đàm phán Việt Nam đã nói rằng sẽ để cho căn cứ này về tay Mỹ hoặc Trung Quốc nếu Nga không trả tiền thuê. Nhưng dù sao, trong bối cảnh hiện nay, sẽ không có chuyện đó bởi sự hiện diện của Trung Quốc ở Cam Ranh đồng nghĩa với giúp Trung Quốc biến Biển Đông thành “ao nhà”.

Và bên thắng cuộc là…

Sẽ không có quốc gia nào được sử dụng vịnh Cam Ranh. Việc mở cửa căn cứ hải quân này cho tàu bè khắp thế giới cho phép Việt Nam xây dựng những mối quan hệ gần gũi với nhiều nước cùng một lúc, đồng thời tiếp tục để ngỏ sự lựa chọn của mình trong tương lai.

 Nguy cơ xung đột ở Biển Đông – Cần thiết phải thiết lập quy tắc ứng xử cho lực lượng tuần duyên” của Liu ZhenTeddy Ng.

Thủ tục hành chính và lợi ích xung đột về chủ quyền đang cản trở những nỗ lực thành lập bộ quy tắc ứng xử của lực lượng tuần duyên tại Biển Đông, bất chấp những nguy cơ gia tăng tại vùng biển có tranh chấp chủ quyền này có thể dẫn tới xung đột.

Một phần của vấn đề trên chính là việc các lực lượng tuần duyên thường thuộc về các cơ quan Chính phủ, đặc biệt là tại Trung Quốc, nơi chính quyền vẫn coi đây là lực lượng thực thi pháp luật trên biển, qua đó khiến Bắc Kinh khó có thể đưa ra cam kết về một bộ quy tắc ứng xử.

Căng thẳng tại Biển Đông đã gia tăng thời gian qua sau khi Trung Quốc có những hành động khiến các quốc gia láng giềng trong khu vực Đông Nam Á lo ngại, cũng như đã xảy ra một số vụ bám sát giữa tàu chiến Trung Quốc và Mỹ thời gian qua. Tuy nhiên, tư lệnh hải quân các nước thuộc khu vực Châu Á - Thái Bình Dương đã thống nhất được về quy tắc ứng xử trên biển (CUES) cách đây 2 năm nhằm hạn chế các cuộc va chạm bất ngờ giữa tàu chiến và máy bay chiến đấu.

Thời gian qua, xuất hiện những quan ngại mới trong bối cảnh lực lượng tuần duyên các nước tăng cường tuần tra trên biển. Tuy nhiên, việc thiếu một bộ quy tắc ứng xử giữa các lực lượng tuần duyên có thể gây ra rắc rối bởi CUES chỉ mới được thông qua cho tàu chiến và không bao gồm tàu của các lực lượng tuần duyên, các đội tàu cá và các lực lượng thực thi pháp luật khác trên biển.

Một biện pháp hữu dụng nhằm hướng tới quy tắc về các sự cố vô tình trên biển bao gồm việc thiết lập một đường dây nóng trực tiếp giữa chỉ huy các lực lượng tuần duyên trong khu vực, qua đó kiểm soát các vụ việc đáng tiếc trong thời gian nhanh nhất có thể.

ASEAN và Trung Quốc đã nhất trí cân nhắc một đề xuất xây dựng bộ quy tắc, bao gồm cả cho các lực lượng tuần duyên. Tuy nhiên, một số nguồn tin cho rằng Bắc Kinh không cảm thấy phải khẩn trương khi thực hiện các biện pháp xây dựng lòng tin, bao gồm việc thảo luận về bộ quy tắc ứng xử cho lực lượng tuần duyên, với các nước ASEAN bởi lực lượng tuần duyên của những nước này không quá mạnh.

Việc thiết lập một bộ quy tắc ứng xử cho lực lượng tuần duyên khó hơn nhiều so với việc chỉ thông qua bộ quy tắc CUES vì lực lượng tuần duyên thuộc quyền chỉ đạo của nhiều cơ quan khác nhau trong Chính phủ. Một vấn đề khác là về chủ quyền vì một bộ quy tắc đồng nghĩa với việc lực lượng tuần duyên đang chịu quy định từ luật pháp trong nước phải chuyển sang tuân thủ luật pháp quốc tế với các nước khác.

Trong khi đó, phán quyết sắp tới của Toà Thường trực Quốc tế về vụ Philippines kiện Trung Quốc liên quan tới các vấn đề chủ quyền ở Biển Đông sẽ gây ra nhiều khó khăn cho Bắc Kinh vì “Đây là giai đoạn cực kỳ nhạy cảm trước khi toà án ra phán quyết. Sẽ rất khó cho Hải quân và lực lượng hải cảnh Trung Quốc trong vấn đề này vì họ chưa thực sự sẵn sàng đưa ra cam kết với một thoả thuận về ứng xử trên biển”

 Câu hỏi hóc búa của Nga về Biển Đông” của Jeremy Maxie

Biển Đông là một câu hỏi hóc búa đối với Nga. Moscow đang phải đối mặt với những khó khăn trong việc cân bằng mối quan hệ với Bắc Kinh và Hà Nội. Nga đang theo đuổi chiến lược phòng ngừa ở Đông Nam Á. Cho đến nay ngoài Việt Nam, thành công của chiến lược này của Nga khá hạn chế trong khu vực Đông Nam Á. Vị trí vai trò và vị thế của Nga về mặt quân sự ở Đông Nam Á chủ yếu gắn liền với khả năng truy cập và sử dụng dịch vụ tại cảng Cam Ranh của Việt Nam. Nga cũng là nhà cung cấp vũ khí chủ yếu của Việt Nam cũng như vai trò quan trọng trong an ninh năng lượng của của Việt Nam.

Chính sách không can thiệp khi có xung đột

Mặc dù có lợi ích chung trong việc giảm bớt ảnh hưởng của Mỹ ở châu Á - Thái Bình Dương, sự ủng hộ của Nga với các nỗ lực thay đổi hiện trạng đơn phương của Bắc Kinh ở Biển Đông sẽ vẫn rất hạn chế và thận trọng, đặc biệt là khi các sự kiện tiếp tục leo thang.

Bởi lẽ sự hỗ trợ rõ ràng của Moscow với Bắc Kinh trong vấn đề Biển Đông sẽ phải đối mặt với những câu hỏi hóc búa về pháp lý, ngoại giao và chiến lược. Sự coi thường của Trung Quốc với UNCLOS cũng như nỗ lực của Bắc Kinh nhằm hạn chế tự do hàng hải hàng không ở Biển Đông sẽ tạo ra rủi ro chiến lược lâu dài cho chính nước Nga.

Tuy nhiên, trong trường hợp xảy ra một cuộc đối đầu quân sự ở Biển Đông, Nga chắc chắn sẽ hỗ trợ Trung Quốc về mặt ngoại giao bằng cách không biểu quyết tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (thay vì phủ quyết bất cứ dự thảo nghị quyết nào chống lại Trung Quốc). Đây chính là cách Bắc Kinh đã thể hiện quan điểm khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea.

Nga không có động cơ can thiệp quân sự vào Biển Đông bởi những hạn chế về tầm quan trọng chiến lược của khu vực đối với Nga và điều đó cũng sẽ làm loãng ưu tiên chiến lược của Nga ở Ukraine và Syria. Trong trường hợp nổ ra xung đột quân sự giữa Trung Quốc và Việt Nam trên Biển Đông, với mối quan hệ chiến lược với cả hai quốc gia thì khả năng là Nga sẽ đảm nhiệm vai trò trung gian hòa giải. Còn trong trường hợp Trung Quốc đụng độ với Philippines, nhiều khả năng Nga sẽ đứng ngoài lề bởi đây là vấn đề liên quan đến lợi ích chiến lược sống còn của Mỹ. Ít khả năng Nga tham gia vào một cuộc xung đột quân sự giữa Trung Quốc với Mỹ.

Một điều quan trọng cần phải tính đến về kết quả phán quyết của Ủy ban Ranh giới Thềm lục địa của Liên Hợp Quốc về yêu sách của Nga với Bắc Cực. Một tuyên bố bất lợi có thể khuyến khích Moscow đứng chung hàng ngũ với Bắc Kinh để viết lại các quy tắc về chủ quyền trên biển theo hướng có lợi cho hai nước. Tuy nhiên Nga sẽ “ẩn mình chờ thời” để đánh giá tương quan lực lượng trước khi gây ra bất cứ hệ quả nào ở Biển Đông hay Bắc Cực./.