Bản tin tuần Biển Đông (ngày 8.6-14.6.2024)

TIÊU ĐIỂM

  1. Navalnews: Philippines mời các công ty tham gia đấu thầu dự án xây dựng căn cứ giám sát tiền phương mới tại Vịnh Subic để tăng cường khả năng giám sát hàng không ở Biển Đông
  2. Lực lượng bảo vệ bờ biển các quốc gia ASEAN đồng ý xây dựng Nghị định thư Đông Nam Á về cam kết trên biển của Cảnh sát biển và Cơ quan thực thi pháp luật hàng hải ASEAN (SEA-PEACE)
  3. Đoàn Việt Nam do Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ dẫn đầu tham dự SPLOS-34: nhấn mạnh tinh thần thượng tôn pháp luật, cam kết thực thi UNCLOS; khẳng định vai trò quan trọng của các cơ quan thành lập theo UNCLOS (ITLOS, CLCS, ISA); đề nghị các nước thành viên tuân thủ UNCLOS
  4. Tổng Thư ký Cơ quan Đáy biển quốc tế (ISA) thăm Trung Quốc, thảo luận về dự thảo Quy định Khai thác đáy biển, các lĩnh vực hợp tác tiềm năng, ký Thư hợp tác giữa ISA và Viện Hải dương học thứ hai (Trung Quốc)
  5. Tư lệnh Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương mới của Mỹ, Samuel Paparo cho biết kế hoạch bảo vệ Đài Loan bằng hàng ngàn tàu ngầm, tàu mặt nước, máy bay không người lái

 

TIN TỨC

THỰC ĐỊA

Navalnews: Philippines mời các công ty tham gia đấu thầu dự án xây dựng căn cứ giám sát tiền phương mới tại Vịnh Subic để tăng cường khả năng giám sát hàng không ở Biển Đông

Ngày 11/06, trang Navalnews đưa tin cho biết, theo tài liệu Đấu thầu và kế hoạch phát triển của Không quân Philippines, Philippines đang chuẩn bị tiến hành xây dựng một căn cứ giám sát tiền phương mới có thể hỗ trợ máy bay trinh sát và tấn công tại Sân bay Vịnh Subic.

Theo các hồ sơ dự thầu sơ bộ được đưa ra, dự án này trị giá khoảng 2,5 triệu USD và chỉ bao gồm việc nâng cấp nhà ở và an ninh. Tuy nhiên, sơ đồ của kế hoạch phác thảo còn có những kế hoạch khác trong tương lai bao gồm xây dựng căn cứ cho máy bay chiến đấu, kho chứa tên lửa, nhà chứa máy bay lớn và có thể hỗ trợ khả năng giám sát máy bay.

Hướng dẫn Kế hoạch Quốc phòng 2020-2025 của Bộ Quốc phòng Philippines đã chỉ đạo Lực lượng Không quân Philippines “tiếp tục phát triển toàn diện căn cứ và nhà chứa máy bay” cho các máy bay trinh sát tại Sân bay Quốc tế Vịnh Subic. Các tài liệu cũng đề cập đến việc xây dựng lâu dài một căn cứ tuần tra hàng hải và máy bay không người lái chuyên dụng tại đá Subi.

Vị trí của căn cứ mới này trước kia là địa điểm của Trạm Không quân Hải quân Hoa Kỳ Cubi Point. Sân bay Quốc tế Vịnh Subic được thành lập sau khi quân đội Mỹ rút quân khỏi Philippines vào những năm 1990. Năm 2012, Chính phủ Philippines lần đầu công bố Kế hoạch nhằm phát triển Vịnh Subic thành cơ sở quân sự, bốn tháng sau khi Trung Quốc chiếm đóng bãi cạn Scarborough.

Tàu Cảnh sát biển Đài Loan đến Hawaii, Đài Loan bác tin tham gia RIMPAC

Ngày 12/06, Cảnh sát biển Đài Loan xác nhận thông tin tàu Cảnh sát biển 5002 Tân Trúc (4000 tấn) đang neo đậu ở cảng Honolulu, Hawaii, Mỹ; cho biết tàu Tân Trúc đang tham gia hoạt động tuần tra nghề cá ở vùng biển xa bờ và tới Hawaii để tiếp liệu. Đài Loan cũng tuyên bố mục đích của chuyến cập cảng không phải diễn tập trong cuộc tập trận RIMPAC 24 như một số tin đồn trước đó. Theo báo chí Đài Loan, tàu Tân Trúc rời cảng Cơ Long ngày 29/05 để tham gia hoạt động kéo dài 35 ngày trên biển, nhưng đã tắt AIS từ thời điểm đó vào chỉ bật lại tại Hawaii.

Tư lệnh Hải quân Philippines John Percie Alcos: Philippines chỉ cử quan sát viên, không cử tàu tham gia cuộc tập trận Vành đai Thái Bình Dương (RIMPAC) vào ngày 27/06

Ngày 13/06, trang Inquirer đưa tin từ Người phát ngôn Hải quân Philippines, Tư lệnh John Percie Alcos, theo đó cho biết Philippines sẽ không cử tàu tham gia mà chỉ cử quan sát viên tới cuộc tập trận Vành đai Thái Bình Dương (RIMPAC) “do nhu cầu hoạt động khẩn cấp” (operational exigencies).

Phía Philippines giải thích nước này có rất nhiều hoạt động đang diễn ra trong nước, cần huy động tàu khu trục để tuần tra nên cần tập trung tất cả tàu tại khu vực. Trước đó vào năm 2022, Philippines đã cử  BRP Antonio Luna, một trong hai tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường, tham gia RIMPAC.

 

AN NINH – QUỐC PHÒNG

Lực lượng bảo vệ bờ biển các quốc gia ASEAN đồng ý xây dựng Nghị định thư Đông Nam Á về cam kết trên biển của Cảnh sát biển và Cơ quan thực thi pháp luật hàng hải ASEAN (SEA-PEACE)

Ngày 05-08/06, Diễn đàn Cảnh sát biển ASEAN đã diễn ra tại Davao, Philippines với trọng tâm là phối hợp khu vực và chia sẻ thông tin giữa các cơ quan Cảnh sát biển. Tại Diễn đàn, Lực lượng bảo vệ bờ biển của các quốc gia ASEAN đồng ý sẽ xây dựng một Nghị định thư Đông Nam Á về cam kết trên biển của Cảnh sát biển và Cơ quan thực thi pháp luật hàng hải ASEAN (SEA-PEACE). SEA-PEACE sẽ là văn bản hướng dẫn các quốc gia giải quyết các hoạt động thực thi pháp luật trên biển như cam kết về bảo vệ và bảo tồn môi trường biển, tìm kiếm cứu nạn; an ninh và thực thi pháp luật như buôn bán ma túy, buôn người và đánh bắt trái phép.

Lãnh đạo Lực lượng bảo vệ bờ biển các nước đồng thuận không chấp nhận quan sát viên từ các quốc gia ngoài ASEAN trong thời điểm này để có thể phát huy vai trò trung tâm của ASEAN. Người phát ngôn của Lực lượng Cảnh sát biển Philippines, Chuẩn Đô đốc Armando Balilo cho biết Lực lượng bảo vệ bờ biển cũng cân nhắc khả năng tổ chức các cuộc tập trận hàng hải và Chương trình tương tác giữa các sĩ quan trên tinh thần tuân thủ các quy tắc và thủ tục đã được thống nhất.

Diễn đàn hợp tác, mua sắm và bảo trì công nghiệp quốc phòng (DICAS) Mỹ - Nhật lần đầu tiên: nhất trí thành lập các nhóm làm việc chung về sản xuất tên lửa, sửa chữa tàu và máy bay, và phục hồi chuỗi cung ứng

Từ ngày 09-10/06, Mỹ và Nhật Bản phối hợp tổ chức Diễn đàn Hợp tác, mua sắm và bảo trì công nghiệp quốc phòng (DICAS) lần đầu tiên và tổ chức cuộc họp về việc hợp tác sản xuất, phát triển thiết bị quốc phòng tại Tokyo, Nhật Bản. Sau khi kết thúc diễn đàn, hai bên cho biết sẽ thiết lập bốn nhóm làm việc chung về sản xuất tên lửa, sửa chữa tàu và máy bay, phục hồi chuỗi cung ứng. Ngày 11/06, nhóm làm việc chung về sửa chữa tàu đã tổ chức cuộc họp đầu tiên.

Đại sứ Mỹ tại Nhật Emanuel cho biết nhóm làm việc chung về sửa chưa máy bay sẽ được thiết lập tại Đối thoại 2+2 trong tháng 7/2024, hai bên sẽ cố gắng đạt được những kết quả cụ thể về hợp tác công nghiệp quốc phòng. Đại sứ Emanuel cho rằng có Mỹ, Nhật Bản và Úc có khả năng phối hợp thiết kế tàu thủy, máy bay và cùng sản xuất trong tương lai.

DICAS được công bố tại cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio vào tháng 04/2024 nhằm mở rộng sản xuất hệ thống phòng không Patriot ở Nhật Bản, cùng hợp tác phát triển máy bay huấn luyện trong tương lai và mở rộng việc bảo trì các tàu Hải quân Mỹ tại các xưởng đóng tàu tư nhân tại Nhật Bản. DICAS diễn ra đúng hai tháng sau chuyến thăm cấp nhà nước của Thủ tướng Kishida Fumio tới Mỹ.

Tháng 08/2023, Mỹ, Nhật Bản cũng khởi động chương trình Hợp tác phát triển Máy bay đánh chặn giai đoạn lượn (Glide Phase Interceptor – GPI), hệ thống tên lửa đánh chặn PAC-3 cũng nằm trong chương trình hợp tác này.

Tư lệnh Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương mới của Mỹ, Samuel Paparo cho biết kế hoạch bảo vệ Đài Loan bằng hàng ngàn tàu ngầm, tàu mặt nước, máy bay không người lái

Ngày 10/06, tờ Washington Post đưa tin Tư lệnh Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương mới của Mỹ, Samuel Paparo đã tiết lộ kế hoạch bí mật của Mỹ nhằm bảo vệ Đài Loan. Theo đó, khi Trung Quốc vượt giới tuyến 100 hải lý, Mỹ sẽ triển khai hàng ngàn tàu ngầm, tàu mặt nước và máy bay không người lái tại eo biển Đài Loan, khiến cho Trung Quốc không thể tấn công Đài Loan một cách chớp nhoáng, tạo điều kiện để Mỹ và đồng minh có đủ thời gian trở tay và ứng cứu Đài Loan.

 

CHÍNH TRỊ - NGOẠI GIAO

Tổng Thư ký Cơ quan Đáy biển quốc tế (ISA) thăm Trung Quốc, thảo luận về dự thảo Quy định Khai thác đáy biển, các lĩnh vực hợp tác tiềm năng, ký Thư hợp tác giữa ISA và Viện Hải dương học thứ hai (Trung Quốc)

Ngày 07/06, Tổng Thư ký Cơ quan Đáy biển quốc tế (ISA) Michael W. Lodge đã có chuyến thăm năm ngày tới Trung Quốc. Hai bên trao đổi về dự thảo Quy định Khai thác đáy biển, một số lĩnh vực hợp tác tiềm năng, tổ chức các cuộc họp với ba nhà thầu do Trung Quốc tài trợ và ký kết Thư hợp tác giữa ISA và Viện Hải dương học thứ hai Trung Quốc.

Tại cuộc gặp, Trung Quốc cũng bày tỏ sự ủng hộ và tham gia Lời kêu gọi Hành động nhằm đảm bảo quản lý Vùng thông qua khoa học, công nghệ và đổi mới biển sâu, trở thành Thành viên thứ 12 của ISA tham gia sáng kiến này. Trợ lý Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc Miao Deyu khẳng định, Trung Quốc sẽ tiếp tục hỗ trợ đầy đủ công việc của ISA, bao gồm cả việc tham gia tích cực vào tiến trình đàm phán dự thảo Quy định Khai thác và phát triển kế hoạch quản lý môi trường khu vực (REMP), cung cấp các cơ hội đào tạo cho các Quốc gia đang phát triển thông qua Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Liên hợp ISA-TQ và đóng góp vào các chương trình liên quan.

Ba nhà thầu do Trung Quốc tài trợ bao gồm: Hiệp hội R&D Tài nguyên Khoáng sản Đại dương Trung Quốc, Tập đoàn Phát triển Công nghệ cao Tiên phong Bắc Kinh và Tập đoàn Minmetals Trung Quốc.

Philippines đưa ra “Tuyên bố của Cố vấn An ninh Quốc gia”, tái khẳng định cam kết duy trì các quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với Bãi Cỏ Mây, cho biết vẫn sẵn sàng đối thoại và đàm phán hòa bình để giải quyết các tranh chấp trên Biển Đông

Ngày 08/06, ông Jay Tarriela, Phát ngôn viên lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines đăng trên X (Twitter) “Tuyên bố của Cố vấn An ninh Quốc gia”, đáp trả các động thái và phát ngôn của Trung Quốc về vụ đụng độ tại Bãi Cỏ Mây. Trong đó, nội dung đáng chú ý gồm:

  1. Philippines tái khẳng định cam kết duy trì các quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với Bãi Cỏ Mây;
  2. Bãi Cỏ Mây nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines, đã được Phán quyết Tòa Trọng tài năm 2016 công nhận;
  3. Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Trung Quốc đề nghị Philippines phải thông báo về việc tiếp cận Bãi Cỏ Mây là vô lý, vô nghĩa và không thể chấp nhận được. Philippines không và sẽ không bao giờ cần sự chấp thuận của Trung Quốc cho bất kỳ hoạt động nào ở đó;
  4. Vụ việc ngày 19/05 liên quan đến hành động của Cảnh sát biển Trung Quốc đối với một tàu Philippines đang sơ tán một bệnh nhân khỏi tàu BRP Sierra Madre là vô nhân đạo, không chỉ vi phạm luật quốc tế mà còn vi phạm các quyền cơ bản của con người;
  5. Philippines vẫn sẵn sàng đối thoại và đàm phán hòa bình để giải quyết các tranh chấp trên Biển Đông, tuy nhiên phải dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau và tuân thủ luật pháp quốc tế;
  6. Philippines kêu gọi Trung Quốc tôn trọng phán quyết của Tòa Trọng tài và chấm dứt mọi hành động làm leo thang căng thẳng hoặc làm suy yếu sự ổn định trong khu vực.

Phát ngôn viên Tuần duyên Philippines Jay Tarriela và Giám đốc Trung tâm Luật biển, Đại học Philippines Jay Batongbacal lên tiếng bảo vệ Việt Nam: Việt Nam không quấy rầy ngư dân Philippines ở Biển Đông, chỉ tập trung làm việc của mình.

Ngày 09/06, trang Inquirer đưa tin cả Phát ngôn viên của Tuần Duyên Philippines Jay Tarriela và Giám đốc Trung tâm Luật biển của Đại học Philippines đều lên tiếng bảo vệ Việt Nam trước thông tin Việt Nam thực hiện công việc cải tạo đảo ở Biển Đông với mức độ chỉ sau Trung Quốc. Theo ông Tarriela, Việt Nam chỉ tập trung vào làm việc của mình và cải tạo các đảo chiếm đóng trước 2002, không quấy rầy ngư dân Philippines, không hạ đặt giàn khoan trái phép và không cho tàu cá dân binh bao vây các đảo của Philippines. Ông Jay Batongbacal khẳng định Việt Nam không hành động như Trung Quốc, không cản trở Philippines sử dụng vùng đặc quyền kinh tế và không có những động thái gây hấn với Philippines.

Đoàn Việt Nam do Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ dẫn đầu tham dự SPLOS-34: nhấn mạnh tinh thần thượng tôn pháp luật, cam kết thực thi UNCLOS, khẳng định vai trò quan trọng của các cơ quan thành lập theo UNCLOS, đề nghị các nước thành viên tuân thủ UNCLOS

Ngày 10-14/06, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ dẫn đầu Đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Hội nghị các quốc gia thành viên Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển lần thứ 34 (SPLOS-34) tại trụ sở Liên hợp quốc ở New York, Mỹ. SPLOS-34 diễn ra vào dịp đánh dấu 30 năm UNCLOS 1982 có hiệu lực, cũng là kỷ niệm 30 năm Việt Nam chính thức phê chuẩn Công ước này.

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ nhấn mạnh: (i) UNCLOS 1982 là “Hiến pháp của đại dương”, văn kiện pháp lý toàn diện điều chỉnh mọi hoạt động của các quốc gia trong lĩnh vực biển và đại dương; (ii) Việt Nam có nhiều thành tựu trong thực thi Công ước kể từ khi tham gia tới nay, là một trong các quốc gia đầu tiên ký BBNJ, tích cực tham gia vào tiến trình xin ý kiến tư vấn của Tòa án Luật Biển về biến đổi khí hậu, có nhiều kết quả thực chất trong hợp tác biển với các nước trong khu vực;

Thứ trưởng Nguyễn Minh Vũ cũng đề nghị các nước thành viên UNCLOS thực hiện chính sách biển một cách trách nhiệm và hợp pháp, cùng nhau bảo đảm hòa bình, ổn định, thịnh vượng và sự phát triển bền vững; đánh giá cao vai trò các cơ quan được thành lập theo UNCLOS như ITLOS, CLCS, ISA và cho rằng các cơ quan này đều góp phần quan trọng trong việc thiết lập trật tự pháp lý trong lĩnh vực biển và đại dương.

Ngoại trưởng New Zealand thăm Philippines, nâng cấp quan hệ song phương, ký kết Thỏa thuận Hỗ trợ hậu cần quân sự chung

Ngày 10/06, Ngoại trưởng New Zealand Winston Peters có chuyến thăm Philippines. Hai bên đã trao đổi những nội dung sau:

Về chính trị - ngoại giao: Hai nước hướng tới nâng tầm quan hệ Philippines – New Zealand lên Đối tác Toàn diện vào năm 2026.

Về an ninh – quốc phòng:

  • Philippines và New Zealand thảo luận về các cơ hội hợp tác đầu tư quốc phòng, ký kết Thỏa thuận Hỗ trợ hậu cần quân sự chung;
  • Hai bên thảo luận về việc đàm phán và ký kết Thỏa thuận Lực lượng thăm viếng lẫn nhau vào cuối năm 2024.

Về Biển Đông: Hai nước trao đổi quan điểm về khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, trong đó có Biển Đông; nhất trí về vai trò quan trọng của an ninh hàng hải và luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS 1982.

Mỹ - Nhật – Hàn sẽ thiết lập một cơ quan thường trực điều phối hợp tác ba bên; dự kiến công bố trong hội nghị Thứ trưởng ngoại giao ba bên diễn ra vào nửa cuối 2024

Ngày 10/06, trang Nikkei dẫn nguồn quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ, cho biết Mỹ - Nhật - Hàn sẽ thiết lập một cơ quan thường trực điều phối tất cả các khía cạnh của hợp tác ba bên và dự kiến công bố vào hội nghị thứ trưởng ngoại giao ba bên sẽ diễn ra nửa sau 2024. Cho đến hiện tại, ba nước vẫn chưa quyết định hình thức, quy mô và nhân sự của cơ quan này, tuy nhiên cơ quan sẽ hoạt động nhằm đảm bảo cam kết hợp tác giữa ba nước. Thông tin được quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ đưa ra trong họp báo về cuộc gặp ngày 31/05 giữa Thứ trưởng Ngoại giao ba nước.

Thời báo Hoàn Cầu: Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao BRICS: Trung Quốc nhấn mạnh tầm quan trọng và tăng cường cơ chế hợp tác BRICS.

Ngày 11/06, Thời báo Hoàn Cầu đưa tin về quan điểm của Trung Quốc tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao BRICS cùng ý kiến của các chuyên gia. Cụ thể:

  1. Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị: (i) nhấn mạnh tầm quan trọng của việc mở rộng và tăng cường cơ chế hợp tác BRICS; (ii) chỉ trích sự hồi sinh của tư duy Chiến tranh Lạnh và việc một số cường quốc hình thành các “vòng tròn nhỏ” địa chính trị, làm suy yếu thẩm quyền của các cơ chế đa phương; (iii) Nhấn mạnh tầm quan trọng của quan hệ Trung – Nga và cam kết hỗ trợ Nga với tư cách là chủ tịch BRICS; (iv) Ủng hộ Palestine trở thành thành viên Liên hợp quốc và giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng Ukraine thông qua đàm phán công bằng.
  2. Học giả Wang Youming (Viện nghiên cứu quốc tế Trung Quốc tại Bắc Kinh): Cơ chế BRICS đã vượt ra ngoài phạm vi hợp tác kinh tế và tài chính, đang hướng tới cách tiếp cận ba mũi nhọn: (i) lòng tin chính trị, (ii) trao đổi văn hóa và (iii) hợp tác kinh tế và tài chính;
  3. Học giả Song Wei (Đại học Ngoại giao Bắc Kinh): Đây là cuộc họp đầu tiên kể từ khi BRICS mở rộng vào năm 2023, có ý nghĩa quan trọng giúp củng cố hơn nữa sự đồng thuận giữa các nước đang phát triển và khuếch đại tiếng nói của các nước này trong quản trị toàn cầu.

Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Gilbert Teodoro: Mối đe dọa từ Trung Quốc trên Biển Đông là vấn đề sống còn đối với Philippines

Ngày 12/06, trong một cuộc phỏng vấn với Financial Times, Bộ trưởng Quốc phòng Gilbert Teodoro cho biết:

  • Mối đe dọa từ Trung Quốc trên Biển Đông là vấn đề sống còn đối với Philippines. Philippines không tìm kiếm xung đột, song sẽ không lùi bước nếu những gì thuộc về Philippines bị xâm phạm trái phép;
  • Nguồn tài nguyên ở Biển Đông có vai trò thiết yếu đối với các thế hệ người Philippines tương lai, và tuyến thương mại quốc tế đi qua biển Đông có vai trò quan trọng với nước này;
  • Teodoro từ chối cho biết liệu Philippines có tiến hành sửa chữa con tàu BRP Sierra Madre hay không, nhưng khẳng định Trung Quốc không có quyền yêu cầu Philippines phải làm gì trong khu vực quyền tài phán của mình;
  • Philippines đang tăng cường khả năng răn đe để đảm bảo an ninh, cho biết sẽ mua trang thiết bị từ “các quốc gia có lợi ích chiến lược phù hợp với lợi ích của Philippines”;
  • Philippines cũng đã tăng cường quan hệ quân sự với các nước trong đó có Mỹ, Anh và Úc, đồng thời đang can dự song phương với các nước có yêu sách ở Biển Đông;
  • Philippines không đồng ý với các hành động “bắt nạt” của Trung Quốc.

 

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Kurt Campbell: phản đối việc theo đuổi mục tiêu khiến Trung Quốc từ bỏ chế độ Cộng sản, Mỹ cần tìm cách chung sống thận trọng với Trung Quốc và giảm sự phụ thuộc vào kinh tế Trung Quốc

Ngày 11/06, phát biểu tại Trung tâm Stimson, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Kurt Campbell phản đối ý kiến trong bài báo gần đây của Cựu Phó Cố vấn an ninh quốc gia Matt Pottinger và Dân biểu vừa nghỉ hưu Mike Gallagher, theo đó cho rằng mục tiêu của chính sách Mỹ là “khiến Trung Quốc có thể vạch ra con đường thoát khỏi chế độ Cộng sản”.

Theo ông Kurt Campbell, đây là chiến lược “liều lĩnh và  không hiệu quả” vì hai lý do: (i) trước đây Mỹ đã từng nỗ lực nhằm thay đổi chế độ ở các khu vực khác trên thế giới và những nỗ lực đó đã không thành công; (ii) Mỹ trong nhiều năm đã đánh giá quá cao khả năng của mình trong việc tác động đến định hướng chính sách đối ngoại của Trung Quốc. Tuy nhiên Mỹ cần phải khiêm tốn về khả năng Mỹ có thể thay đổi cách mà Trung Quốc nhìn thế giới.

Theo đó, Ông Kurt Campbell đưa ra nhận định:

  • Mỹ cần chấp nhận Trung Quốc là một nước lớn, cần hiểu rõ các ưu tiên của Trung Quốc và “cùng tồn tại theo cách không làm tổn hại đến lợi ích của Mỹ cũng như lợi ích của các đồng minh và đối tác của Mỹ;
  • Trọng tâm chính của Trung Quốc ngày nay là phát triển kinh tế;
  • Mối quan hệ Mỹ - Trung hiện nay không giống với Mỹ và Liên Xô trong Chiến tranh Lạnh. Mỹ và Trung Quốc phụ thuộc sâu sắc lẫn nhau về kinh tế sâu sắc. Điều này có cả tác động thuận và nghịch;
  • Mỹ cần củng cố sức mạnh của mình bằng cách tạo ra chuỗi cung ứng không phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc, đồng thời duy trì chung sống hòa bình với Trung Quốc;
  • Về việc kết nối NATO với các đối tác Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, ông nhấn mạnh Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương và Châu Âu có sự gắn kết chặt chẽ nhất định. Tuy nhiên NATO cần có “bước đi cẩn thận” trong tương lai với các đối tác Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. NATO hiện không tìm kiếm thêm các nhiệm vụ ngoài khu vực vào thời điểm này.

 

KINH TẾ - PHÁT TRIỂN

Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) cam kết 1,26 tỷ USD hỗ trợ phát triển Campuchia trong năm năm, giai đoạn 2024-2028

Ngày 12/06, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) đã mở cơ quan đại diện thường trú mới tại Phnom Penh, đồng thời cho biết cam kết sẽ dành khoảng 1,26 tỷ USD để hỗ trợ chính phủ Campuchia trong giai đoạn 2024-2028. Theo Chủ tịch ADB Masatsugu Asakawa, cam kết này được điều chỉnh phù hợp với nhu cầu phát triển của Campuchia bằng cách ưu tiên đa dạng hóa kinh tế, phát triển nguồn nhân lực và khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu. Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Kinh tế và Tài chính Campuchia Aun Pornmoniroth Chiến lược này sẽ giúp thúc đẩy Campuchia trở thành quốc gia có thu nhập trung bình cao năm 2030 và quốc gia có thu nhập cao năm 2050.

Lần đầu tiên xuất khẩu của các nước ASEAN sang Mỹ vượt Trung Quốc sau sáu quý: chứng tỏ mức độ phục hồi của kinh tế Trung Quốc đang chậm lại, Mỹ tăng cường mua thiết bị bán dẫn và đồ điện tử từ Đông Nam Á

Theo trang Nikkei Asia, lần đầu tiên sau sáu quý, xuất khẩu của các nước ASEAN sang Mỹ đã vượt Trung Quốc trong quý 1 năm 2024. Cụ thể, các quốc gia ASEAN xuất sang Mỹ 67,2 tỉ USD, trong khi xuất sang Trung Quốc 57 tỉ USD. Trong số các nước Đông Nam Á, Việt Nam là quốc gia xuất khẩu sang Mỹ nhiều nhất với 25,7 tỉ đô-la, vượt xa nước đứng thứ hai là Thái Lan với 12,6 tỉ đô-la.

 

GÓC NHÌN QUỐC TẾ

Connor Fiddler (Asia Times): Triển vọng thành lập NATO tại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương sẽ khó thành hiện thức do nhiều lần thất bại trong lịch sử

Ngày 05/06, trang Asia Times đăng bình luận của Connor Fiddler cho rằng, từ khóa “NATO Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương” nổi lên từ sau bài phát biểu của đại diện Trung Quốc tại Hội nghị Shangri-La 2024. Tuy nhiên, triển vọng thành lập NATO phiên bản Ấn – Thái sẽ khó thành hiện thực do đã thất bại nhiều lần trong lịch sử.

Kể từ khi kết thúc Thế chiến II, đã có ba lần các quốc gia trong khu vực nỗ lực thành lập một NATO Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương là Pacific Pact (phát triển bởi Hàn Quốc, Đài Loan và Philippines năm 1949), Pacific Ocean Pact (đề xuất của Mỹ sau chiến tranh Nam-Bắc Triều Tiên) và Tổ chức Hiệp ước Đông Nam Á (SEATO – có Thái Lan và Philippines tham gia). Tuy nhiên, các nỗ lực trên đều thất bài do hai nguyên nhân: (i) Các đối tác Thái Bình Dương có sự khác biệt về lịch sử, thể chế chính trị và xác định mối đe dọa khác nhau; (ii) các nước Ấn – Thái có liên kết và phụ thuộc sâu sắc với Trung Quốc trong lĩnh vực kinh tế.

Ritu Sharma (Eurasian Times): Sau Philippines, Trung Quốc sẽ gia tăng hành động quyết đoán với Việt Nam trên Biển Đông; Tàu khảo sát Hải Dương 26 của Trung Quốc còn có mục đích dân sự và quân sự.

Ngày 08/06, trang The Eurasian Times đăng tải bình luận của Ritu Sharma cho rằng Trung Quốc sẽ gia tăng hành động hung hãn với Việt Nam trên Biển Đông sau Philippines. Dẫn chứng cụ thể là hoạt động khảo sát trái phép của tàu Hải Dương 26 của Trung Quốc trong vùng EEZ và thềm lục địa của Việt Nam.

Tác giả cho rằng, bên cạnh các mục tiêu khoa học, các cuộc khảo sát đáy biển phục vụ mục đích dân sự và quân sự, cụ thể: (i) Hoạt động khảo sát có ý nghĩa quân sự vì việc thu thập dữ liệu dưới nước (hydrocarbon, chất lượng nước và đáy biển) nhằm hỗ trợ triển khai tàu ngầm và phương tiện tự hành dưới nước (AUV); (ii) Ngoài ra, hiểu được độ sâu tối đa dưới biển sẽ hỗ trợ việc đưa ra các kịch bản chiến tranh mìn; thu thập dữ liệu gió sẽ hỗ trợ hoạt động của không quân.

Nhật Bản đóng tàu tuần duyên lớn nhất trong lịch sử nhằm chống lại các hoạt động hàng hải của Trung Quốc mà không gây ra xung đột trực tiếp trong khu vực

Ngày 10/06, Hoa Nam Nhật Báo đăng tải ý kiến của các học giả về việc Nhật Bản đóng tàu tuần duyên lớn nhất từ ​​trước đến nay để tăng cường tuần tra quanh quần đảo Điếu Ngư đang tranh chấp. Cụ thể:

  • Động thái này diễn ra trong bối cảnh căng thẳng gia tăng sau khi Trung Quốc đưa tàu có vũ trang xâm nhập vùng biển Nhật Bản kiểm soát;
  • Nhật Bản có ý định sử dụng tàu mới này làm căn cứ nổi bán cố định gần khu vực tranh chấp;
  • Nhật Bản đang đề phòng khả năng Trung Quốc chiếm đóng quần đảo không người ở tương tự như hành động của Trung Quốc tại Biển Đông;
  • Trung Quốc khó có thể tấn công Nhật Bản do cam kết hỗ trợ của Mỹ đối với Nhật Bản. Một cuộc đụng độ vô tình xảy ra dẫn đến leo thang căng thẳng nhanh chóng là mối lo ngại lớn hơn đối với Nhật Bản;
  • Mặc dù kế hoạch này có thể gây ra chỉ trích từ Trung Quốc và gặp khó khăn kỹ thuật, nhưng Trung Quốc chưa sẵn sàng xâm lược các đảo này vì sẽ phải đối mặt với sự chỉ trích và trừng phạt quốc tế;
  • Lo ngại một tình huống leo thang và không bên nào có thể lùi bước giống như vụ việc gây ra sự cố ngoại giao vào năm 2010.

Học giả Ấn Độ Anwar Sadat: Ý kiến tư vấn về biến đổi khí hậu của ITLOS chỉ xác định nghĩa vụ chung nên chỉ có giá trị tượng trưng

Ngày 11/06, The Hindu đăng bài bình luận của học giả Ấn Độ Anwar Sadat, giảng viên Luật Môi trường Quốc tế tại Hiệp hội Luật Quốc tế Ấn Độ, New Delhi về Ý kiến tư vấn về biến đổi khí hậu của Tòa án Luật biển Quốc tế ITLOS, cụ thể:

  • Ý kiến ​​đã làm rõ rằng việc con người thải carbon dioxide một cách trực tiếp hay gián tiếp có khả năng gây ảnh hưởng xấu đến môi trường biển theo nghĩa của Điều 1(1) hay Điều (4) UNCLOS. Việc ITLOS làm rõ carbon là chất gây ô nhiễm giúp củng cố quan điểm của cộng đồng khoa học rằng bề mặt đại dương hấp thụ khoảng 1/4 lượng CO2 thải vào khí quyển, với tốc độ ngày càng nhanh, dẫn đến quá trình axit hóa đại dương ngày càng tăng;
  • Tòa ITLOS nhấn mạnh nguyên tắc phòng ngừa (precaution) hay không gây hại (no harm rule) nhằm tránh tác hại xuyên biên giới giữa các quốc gia và đã bổ sung các biện pháp cần thiết sẽ được quyết định dựa trên cơ sở khoa học tốt nhất hiện có cũng như các quy tắc và tiêu chuẩn quốc tế có liên quan trong Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu, Thỏa thuận biến đổi khí hậu Paris 2015;
  • Ý kiến ​​của Tòa cũng khẳng định nghĩa vụ liên quan đến việc thực hiện các biện pháp cần thiết là nghĩa vụ “due deligence” (nghĩa vụ thẩm tra nghiên cứu trước khi tiến hành biện pháp nào) nhưng tiêu chuẩn của nghĩa vụ này ​​rất nghiêm ngặt do có nguy cơ cao gây tổn hại nghiêm trọng và không thể đảo ngược đối với môi trường biển từ những phát thải đó;
  • Nghĩa vụ của các Bên trong việc thực hiện tất cả các biện pháp cần thiết để giảm phát thải khí nhà kính do con người gây ra trong Điều 194 (1) về bản chất là rất chung chung. Có thể được hiểu là không cần phải ngăn chặn việc thải ra toàn bộ ô nhiễm (GHG) cũng như không phải dừng phát thải GHG do con người gây ra ngay lập tức. Do đó mặc dù các quốc gia không có toàn quyền quyết định trong việc giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu thì việc Ý kiến chỉ xác định nghĩa vụ chung sẽ có giá trị tượng trưng và không đầy đủ.

Hoa Nam Nhật Báo: Eo biển Đài Loan có thể trở thành chiến trường của các thiết bị quân sự không người lái giữa Mỹ và Trung Quốc

Ngày 12/06, Hoa Nam Nhật Báo đăng tin bình luận cho biết cả Mỹ và Trung Quốc đang chuẩn bị cho một cuộc chiến mới tại eo biển Đài Loan bằng cách sử dụng các thiết bị không người lái kết hợp công nghệ AI, cụ thể:

  • Mỹ: có kế hoạch sử dụng các thiết bị và hệ thống không người lái ở Eo biển Đài Loan để ngăn chặn mọi hành động quân sự tiềm tàng của Trung Quốc; cung cấp các hệ thống tự động cho Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương;
  • Trung Quốc: Theo Nhà phân tích quân sự Trung Quốc Song Zhongping, Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc có thể triển khai các hệ thống không người lái sử dụng công nghệ AI tiên tiến trên quy mô lớn hơn để chống lại các đoàn máy bay không người lái của Mỹ;
  • Học giả Shi Yinhong (Đại học Nhân dân Trung Quốc): Mỹ đang cho thấy sự rõ ràng hơn về mặt chiến lược trong việc bảo vệ Đài Loan; Mỹ và Trung Quốc đang gia tăng đối đầu nhau theo cách tinh vi và nghiêm túc hơn;
  • Học giả Fu Qianshao (Nhà phân tích quân sự Trung Quốc): Kế hoạch của Mỹ được đúc kết từ kinh nghiệm từ cuộc chiến ở Ukraine và giải quyết những thách thức do ngành đóng tàu của Mỹ đang suy thoái đặt ra; Trung Quốc nhấn mạnh rằng năng lực sản xuất máy bay không người lái của Trung Quốc vượt trội so với Mỹ.

Hoa Nam Nhật Báo: Căng thẳng leo thang khi Trung Quốc đưa thêm tàu thuyền tới Biển Tây Philippines (Biển Đông), Philippines chuẩn bị cho tình huống xấu nhất

Ngày 13/06, Hoa Nam Nhật Báo cho biết Trung Quốc đã tăng đáng kể số lượng tàu thuyền ở Biển Tây Philippines (Biển Đông) trước khi thi hành luật bắt giữ công dân nước ngoài xâm phạm vùng biển thuộc chủ quyền của nước này, cùng với đó là phản ứng của chính quyền Philippines và các học giả, cụ thể:

  • Tổng thống Philippines Bongbong Marcos: Đưa ra cảnh báo với quân đội trong nước về mối đe dọa bên ngoài trên Biển Đông; Chuẩn bị cho trường hợp xấu nhất tại miền Bắc Philippines do vị trí gần Đài Loan.
  • Roy Vincent Trinidad (Người phát ngôn của hải quân Philippines): Phát hiện 146 tàu Trung Quốc, bao gồm 22 tàu chiến, tăng so với 125 tàu của tuần trước; Hải quân Philippines đã tăng cường tuần tra và phối hợp với các đối tác an ninh.
  • Học giả Edmund Tayao (Tổ chức Nghiên cứu chiến lược và nghiên cứu cơ bản kinh tế chính trị): Hành động của Trung Quốc nhằm khiêu khích các quốc gia khác vi phạm luật quốc tế trướ
  • Chester Cabalza (Tổ chức nghiên cứu Hợp tác Phát triển và An ninh Quốc tế):Trung Quốc có thể điều chỉnh cách tiếp cận của mình khi đối mặt với sự phản đối mạnh mẽ từ Philippines và cộng đồng quốc tế để tránh gây ra chiến tranh; Hành động của Trung Quốc là một phần trong “chiến thuật vùng xám” nhằm khẳng định vị thế mà không dẫn tới xung đột trực tiếp.

Collin Koh và Zheng Zhihua: Trung Quốc sẽ nới lỏng việc thực hiện Quy định mới ở các khu vực tranh chấp để tránh các sự cố ngoại giao và làm xấu đi quan hệ song phương

Ngày 14/06, Hoa Nam Nhật Báo đăng tải ý kiến của các quan chức và học giả về việc Trung Quốc ban hành Quy định mới cho hoạt động của Lực lượng hải cảnh trong bối cảnh căng thẳng gia tăng ở Biển Đông. Cụ thể:

  1. Tổng thống Philippines: Quy định mới đánh dấu sự leo thang trong bối cảnh các cuộc đụng độ thường xuyên giữa tàu thuyền Philippines và Trung Quốc.
  2. Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, Mỹ: Quy định mới có thể làm gia tăng căng thẳng trong khu vực, xâm phạm quyền chủ quyền và cản trở các quyền tự do trên biển.
  3. Học giả Collin Koh (Đại học Công nghệ Nanyang): (i)Trung Quốc sẽ không áp dụng nghiêm ngặt Quy định mới tại các khu vực tranh chấp do tình hình căng thẳng ở Biển Đông và khả năng leo thang xung đột; (ii) Quy định có thể là một công cụ pháp lý, nhưng việc có thực hiện hay không phụ thuộc vào các yếu tố chính trị; (iii) Quy định sử dụng ngôn ngữ mơ hồ về mặt áp dụng địa lý (Điều 11); (iv) Trung Quốc có thể sẽ thực thi quy định này tại Bãi cạn Scarborough; (v)Tàu hải quân của Philippines mắc cạn tại Bãi Cỏ Mây nên việc Trung Quốc thực thi quy định mới tại đây sẽ kích hoạt Hiệp ước phòng thủ chung (MDT) giữa Mỹ và Philippines.
  4. Học giả Zheng Zhihua (Đại học giao thông Thượng Hải): Trung Quốc có thể áp dụng nội luật tại các khu vực tranh chấp này, nhưng việc làm như vậy có khả năng ảnh hưởng xấu quan hệ song phương.

 

BÌNH LUẬN TỪ VIỆN BIỂN ĐÔNG

Tuyên bố chung Pháp – Mỹ giảm chỉ trích Trung Quốc, giảm nội dung về Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, tăng nội hàm hợp tác biển (bao gồm cáp ngầm)

So sánh với Tuyên bố chung Biden-Macron tháng 12/2022, Tuyên bố chung Mỹ-Pháp mới đây (08/06, nhân dịp Tổng thống Mỹ Joe Biden thăm Pháp) cắt bỏ đoạn nói về “thách thức Trung Quốc đặt ra đối với trật tự quốc tế dựa trên luật lệ, bao gồm tôn trọng nhân quyền”, mà chỉ nói “hoàn toàn ủng hộ các tuyên bố của G7 về Trung Quốc và phối hợp chặt chẽ trong các thách thức liên quan tới các biện pháp và chính sách của Trung Quốc”. Tuyên bố chung cũng bỏ đoạn khẳng định hai nước là “quốc gia Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương” và đẩy phần về Ấn – Thái xuống sau phần về Trung Đông và châu Phi.

Nội hàm hợp tác biển được đề cập đến nhiều hơn, các lĩnh vực được đề cập bao gồm: (i) hợp tác phát triển cáp ngầm ở Thái Bình Dương; (ii) BBNJ; (iii) bảo vệ môi trường khỏi tác động từ khai thác khoáng sản biển; (iv) các cơ chế quốc tế như Hội nghị đại dương Liên Hợp quốc, Hội thảo Đại dương của Chúng ta (Our Ocean Conference), Đối tác Hợp tác Đại Tây Dương (Partnership for Atlantic Cooperation), Thượng đỉnh về quản trị nguồn nước toàn cầu (One Water Summit). Tuy nhiên, nội hàm an ninh biển không được nêu nổi bật như Tuyên bố chung năm 2022 mà được đề cập cùng với các lĩnh vực hợp tác biển khác.

Sự thay đổi này nhiều khả năng đến từ phía Pháp. Một số giả thuyết cho việc Pháp giảm trọng tâm vào Ấn – Thái là: (i) căng thẳng tại New Caledonia khiến Pháp không muốn nhấn mạnh vào khu vực này; (ii) xung đột châu Âu và Trung Đông khiến Pháp muốn tập trung vào hai khu vực này hơn; (ii) Pháp muốn giữ quan hệ tương đối ổn định với Trung Quốc, thể hiện qua chuyến thăm của Tập Cận Bình vào tháng 05/2024. Trong cuộc họp song phương với Biden, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron có nhắc đến nhu cầu phối hợp để đối phó với các chính sách “không công bằng” trong lĩnh vực kinh tế - thương mại của Trung Quốc (như sản xuất dư thừa) nhưng nội dung này không được đưa vào Tuyên bố chung.

Bản PDF tại đây

Biên tập nội dung: Minh Châu

Thiết kế: Thục Ngân, Tuyết Giang