Bản tin tuần Biển Đông (ngày 1.6-7.6.2024)

TIÊU ĐIỂM

  1. Diễn đàn Cảnh sát biển ASEAN 2024 diễn ra tại thành phố Davao, Philippines từ ngày 05-08/06 với sự tham gia của Đại diện Lực lượng Cảnh sát biển mười nước ASEAN
  2. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ - Nhật - Hàn thống nhất ký Khuôn khổ hợp tác an ninh ba nước trong cuộc họp bên lề đối thoại Shangri-La
  3. Cựu Thủ tướng Campuchia Hun Sen yêu cầu Mỹ không lôi kéo nước này vào cuộc cạnh tranh địa chính trị và chiến lược địa chính trị của Mỹ, ủng hộ việc cải thiện quan hệ song phương
  4. Bộ trưởng Ngoại giao Malaysia: Với tư cách chủ tịch ASEAN 2025, Malaysia sẽ tiếp tục thúc đẩy vai trò trung tâm của ASEAN, gắn kết, kết hợp với đối tác bên ngoài để giảm thiểu tác động tiêu cực của cạnh tranh nước lớn ở Châu Á - Thái Bình Dương
  5. Bộ Thương mại và Công nghiệp Singapore, Bộ Công Thương Việt Nam, Bộ Năng lượng Hoa Kỳ thành lập Nhóm công tác nhằm thúc đẩy dự án năng lượng tái tạo, phát triển hệ thống cáp ngầm để tạo thuận lợi cho thương mại điện xuyên biên giới

TIN TỨC

THỰC ĐỊA

Truyền thông Trung Quốc đưa tin lính Philippines chĩa súng vào Hải cảnh Trung Quốc; Philippines phản bác

Ngày 02/06, Truyền thông Trung Quốc “tố” lính Philippines đóng ở bãi Cỏ Mây đã chĩa súng vào tàu Hải cảnh Trung Quốc và đưa ra một số video clip ngắn làm bằng chứng. Trong clip, có hai người đeo mũ trùm đầu đen, mang một vật màu đen giống súng trường. Tuy nhiên, hình ảnh của video không rõ ràng và được phía Trung Quốc phóng to ra. Hai người trong phim đang trong tư thế đeo súng hơn là chĩa súng sẵn sàng bắn. Philippines đã lên tiếng khẳng định lính của mình không chĩa súng vào Hải cảnh Trung Quốc mà hành xử rất chuyên nghiệp.

Mỹ điều máy bay ném bom B-1B tập trận cùng không quân Hàn Quốc nhằm răn đe Bắc Triều Tiên

Ngày 05/06, Mỹ đã điều máy bay ném bom B-1B phối hợp với không quân Hàn Quốc diễn tập ném bom chuẩn xác JCAMs tại nhiều mục tiêu khác nhau. Cuộc tập trận diễn ra sau khi Bắc Triều Tiên thả gần 100 khinh khí cầu mang rác bẩn đến Hàn Quốc. Mỹ và Hàn Quốc lần đầu tổ chức lại cuộc tập trận không quân ném bom sau bảy năm gián đoạn (kể từ 2017). Hoạt động nằm trong cam kết tăng cường hợp tác an ninh quốc phòng Hàn Quốc - Mỹ đưa ra năm 2013, theo đó Mỹ tăng cường hiện diện quân sự tại Hàn Quốc nhằm răn đe Bắc Triều Tiên. B-1B ném bom chính xác nhiều mục tiêu, có khả năng phá huỷ hệ thống địa đạo của Bắc Triều Tiên.

Mỹ - Nhật Bản - Hàn Quốc lần đầu tiên tổ chức tập trận Cảnh sát biển tại vùng biển Nhật Bản, dự phòng cho các tình huống an ninh trong khu vực

Ngày 06/06, Cảnh sát biển ba nước Mỹ - Nhật Bản - Hàn Quốc đã tổ chức diễn tập chung lần đầu tiên tại vùng biển Nhật Bản để triển khai Thỏa thuận Phối hợp chung ký vào tháng 8/2023. Cuộc tập trận diễn ra trong bối cảnh các vụ đụng độ trên Biển Đông giữa các tàu Trung Quốc và Philippines liên tục diễn ra, có khả năng dẫn đến sự can dự của Mỹ. Nội dung tập trận là triển khai hoạt động tìm kiếm và cứu nạn một tàu của Hàn Quốc bị va chạm và cháy ở trong khu vực.

AN NINH - QUỐC PHÒNG

Bộ trưởng Quốc phòng hai nước Nhật Bản - Hàn Quốc thống nhất sẽ nối lại đầy đủ các hợp tác quốc phòng trước đây bị dừng

Ngày 02/06, bên lề Đối thoại Shangri-La tại Singapore, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản và Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc đã họp song phương và thống nhất nối lại đầy đủ hợp tác quốc phòng. Đồng thời, hai bên nhất trí sẽ ngăn chặn các sự vụ có thẻ gây ảnh hưởng quan hệ hợp tác hai nước, trong đó có vụ việc tàu chiến Hàn Quốc đã khoá radar vào máy bay Nhật Bản.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ - Nhật - Hàn thống nhất ký Khuôn khổ hợp tác an ninh ba nước trong cuộc họp bên lề đối thoại Shangri-La

Ngày 02/06, bên lề Đối thoại Shangri-La tại Singapore, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc đã có cuộc gặp ba bên và thống nhất sẽ ký kết Khuôn khổ hợp tác an ninh nhằm thúc đẩy hợp tác quốc phòng chung. Các nội dung dự kiến cho khuôn khổ hợp tác an ninh ba nước gồm: tham vấn về chính sách ở cấp cao, chia sẻ thông tin, tập trận chung, trao đổi hợp tác quốc phòng. Ba nước đồng ý sẽ luân phiên tổ chức đối thoại cấp cao quốc phòng bắt đầu từ năm 2024. Trong mùa hè năm nay, ba nước sẽ tổ chức cuộc tập trận đa nội dung Freedom Edge đầu tiên, bao gồm trên bộ, trên biển, trên không và trên không gian mạng. Ngoài ra, Mỹ - Nhật - Hàn cũng sẽ tổ chức tập trận giả định ba bên nhằm ứng phó với các tình huống an ninh tại eo biển Đài Loan và ở khu vực Ấn Độ Dương  - Thái Bình Dương.

Mỹ trừng phạt công ty bán dẫn của Malaysia Jatronics Sdn Bhd vì cung cấp các linh kiện điện tử quan trọng cho một công ty liên quan tới quân đội Nga

Ngày 03/06, trang Free Malaysia Today đưa tin một công ty sản xuất bán dẫn của Malaysia, Jatronics Sdn Bhd, nằm trong 300 tổ chức bị Mỹ trừng phạt do ủng hộ các nỗ lực chiến tranh của Nga tại Ukraine. Theo đó, Jatronics bị tố cáo đã chuyển nhiều bộ phận điện tử để có thể dùng trong tên lửa, máy bay và phương tiện bay không người lái cho các công ty có liên hệ với quân đội Nga. Các biện pháp trừng phạt sẽ là đóng băng các tài sản của công ty ở Mỹ và không được giao dịch với các công ty thuộc thẩm quyền của Mỹ. Đây là đòn đánh mạnh vào kế hoạch của Thủ tướng Anwar Ibrahim muốn biến Malaysia thành trung tâm trung lập sản xuất chip bán dẫn, thu hút 100 tỷ USD và có khả năng làm quan hệ Mỹ-Malaysia xấu đi.

Diễn đàn Cảnh sát biển ASEAN 2024 diễn ra tại thành phố Davao, Philippines từ ngày 05-08/06 với sự tham gia của Đại diện Lực lượng Cảnh sát biển mười nước ASEAN

Từ ngày 05-08/06, Lực lượng bảo vệ bờ biển và đại diện từ các quốc gia thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) gồm Philippines, Singapore, Malaysia, Indonesia, Brunei, Lào, Campuchia, Myanmar, Việt Nam và Thái Lan tham gia Diễn đàn Cảnh sát biển ASEAN 2024 tại thành phố Davao, Philippines để thảo luận về an ninh hàng hải. Trọng tâm của diễn đàn năm nay là xây dựng các cam kết trên biển. Các quan chức Cảnh sát biển tham gia sẽ hoàn thiện tài liệu bao gồm các khái niệm và điều khoản tham chiếu (TOR), bắt đầu xây dựng Nghị định thư Đông Nam Á về Cam kết trên Biển cho Cảnh sát biển ASEAN và Cơ quan Thực thi Luật Hàng hải (SEA-PEACE) để hướng dẫn Cảnh sát biển các nước thành viên giải quyết các hoạt động thực thi pháp luật trên biển.

CHÍNH TRỊ - NGOẠI GIAO

Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Đổng Quân phát biểu tại Đối thoại Shangri-La 2024, nhấn mạnh về Sáng kiến An ninh toàn cầu, nêu ra năm khái niệm v chính sách quốc phòng Trung Quốc các kiến nghị cho an ninh khu vực

Ngày 02/06, tại Đối thoại Shangri-La 2024, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Đổng Quân nhấn mạnh về Sáng kiến An ninh toàn cầu. Ông nêu ra năm khái niệm về chính sách quốc phòng Trung Quốc: (i) Văn hóa chiến lược Trung Quốc nhấn mạnh yêu chuộng hòa bình, phản đối chiến tranh; (ii) Tìm kiếm an ninh chung; (iii) Kiên trì tôn trọng bình đẳng; (iv) Duy trì quan hệ quốc phòng Mỹ - Trung; (v) Bảo vệ lợi ích cốt lõi.

Ông cũng đưa ra một số kiến nghị cho an ninh khu vực: (i) Duy trì lợi ích an ninh chính đáng của các nước; (ii) Cùng tạo ra trật tự quốc tế công bằng hợp lý; (iii) Phát huy vị thế các khuôn khổ an ninh khu vực; (iv) Thúc đẩy hợp tác quốc phòng thực chất và rộng mở; (v) Xây dựng điển hình hợp tác an ninh trên biển; (vi) Tăng cường quản trị an ninh trong các lĩnh vực mới.

Tổng thống Ukraine gặp Thủ tướng và Tổng thống Singapore sau Đối thoại Shangri-La, ký kết thỏa thuận kết nối hàng không, mời tham dự Hội nghị Hòa bình tại Geneva tháng 6

Ngày 02/06, Tổng thống Ukraine, Volodymyr Zelenskyy đã gặp gỡ với Tổng thống Tharman Shanmugaratnam và Thủ tướng Lawrence Wong của Singapore. Hai bên đã chứng kiến lễ ký kết Thỏa thuận tăng cường kết nối hàng không giữa hai nước. Theo đó, các hãng hàng không hai nước sẽ được sử dụng các tần số dịch vụ hành khách và hàng hóa không giới hạn. Ngoài ra, Tổng thống Zelenskyy cũng mời Thủ tướng Singapore tham dự Hội nghị Hòa bình cho Ukraine tại Thụy Sĩ diễn ra vào tháng 06 tới. Ngoài Singapore, ông Zelenskyy còn gặp Tổng thống Indonesia và Timor-Leste bên lề của Đối thoại.

Singapore cử Bộ trưởng Cao cấp Sim Ann dự Hội nghị hòa bình cho Ukraine ở Thụy Sĩ, quốc gia thứ hai ở Đông Nam Á khẳng định tham dự Hội nghị sau Philippines

Ngày 04/06, trang Channel News Asia đưa tin Singapore cử Bộ trưởng Cao cấp Sim Ann tham dự Hội nghị hòa bình cho Ukraine diễn ra ngày 15-16/06 sắp tới tại Geneva, Thụy Sĩ. Singapore khẳng định đã thông báo với Tổng thống Thụy Sĩ Viola Amherd về quyết định này. Sau Philippines, Singapore là quốc gia Đông Nam Á thứ hai cử người tham dự Hội nghị hòa bình cho Ukraine. Có khả năng Indonesia sẽ cử người tham dự Hội nghị. Tại Đối thoại Shangri-La, Tổng thống Ukraine đã có buổi tiếp xúc bên lề với Tổng thống Indonesia để thuyết phục nước này cử người tham dự. Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia sau đó đã tránh trả lời câu hỏi có tham dự không.

Bộ trưởng Ngoại giao Malaysia: Với tư cách chủ tịch ASEAN 2025, Malaysia sẽ tiếp tục thúc đẩy vai trò trung tâm của ASEAN, gắn kết, kết hợp với đối tác bên ngoài để giảm thiểu tác động tiêu cực của cạnh tranh nước lớn ở Châu Á - Thái Bình Dương

Ngày 04/06, tại Hội nghị bàn tròn châu Á-Thái Bình Dương (APR) lần thứ 37 do ISIS tổ chức, Bộ trưởng Ngoại giao Malaysia Datuk Seri Mohamad Hasan cho biết với tư cách chủ tịch ASEAN năm 2025, Malaysia sẽ tiếp tục hỗ trợ tích cực cho ASEAN để củng cố vai trò trung tâm của tổ chức. Ông cho biết sẽ hợp tác với các đối tác ngoài khu vực sẽ giúp giảm thiểu tác động tiêu cực từ cuộc cạnh tranh nước lớn ở Châu Á - Thái Bình Dương.

Cựu Thủ tướng Campuchia Hun Sen yêu cầu Mỹ không lôi kéo nước này vào cuộc cạnh tranh địa chính trị và chiến lược địa chính trị của Mỹ, ủng hộ việc cải thiện quan hệ song phương

Ngày 04/06, trong cuộc gặp với Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin, Cựu Thủ tướng Campuchia Hun Sen đã nhấn mạnh một số điểm: (i) Yêu cầu Mỹ không lôi kéo Campuchia vào cuộc cạnh tranh địa chính trị và chiến lược địa chính trị của Mỹ;

(ii) Campuchia ủng hộ việc cải thiện quan hệ song phương, đồng thời cho biết từ trước đến nay, hai bên đã thiếu sự tin tưởng, thiếu thông tin và có những đánh giá sai về nhau, dẫn đến hiểu lầm;(iii) Đối thoại trong lĩnh vực quốc phòng của cả hai nước là ưu tiên hàng đầu nhằm xây dựng thêm niềm tin lẫn nhau; (iv) Campuchia cám ơn sự hỗ trợ của Mỹ trong nhiều lĩnh vực và khuyến khích hợp tác hiệu quả hơn. Ông Hun Sen cũng nhấn mạnh việc Mỹ tăng cường đầu tư vào Campuchia không chỉ có lợi đối với tăng trưởng kinh tế của đất nước mà còn đối với việc tăng cường mối quan hệ song phương.

Về phía Mỹ, Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin tái khẳng định cam kết của Mỹ sẽ hợp tác với Campuchia để vượt qua những thách thức tồn tại trong mối quan hệ song phương. Ông bày tỏ sự tin tưởng vào tiềm năng phát triển và hợp tác bất chấp những khó khăn hiện tại. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ tán dương lập trường mạnh mẽ của Campuchia về quốc phòng nhằm duy trì quan hệ song phương giữa hai nước. Ngoài ra, ông cho biết Mỹ sẽ cho phép sinh viên Campuchia đăng ký học tại Học viện West Point, thúc đẩy trao đổi đối thoại quân sự và tổ chức các cuộc tập trận quân sự chung về ứng phó thảm họa nhằm tăng cường xây dựng lòng tin vì lợi ích tương lai của cả hai nước.

Trung Quốc kêu gọi Mỹ tuân thủ nguyên tắc Một Trung Quốc sau tuyên bố của Tổng thống Biden về khả năng sử dụng vũ lực để bảo vệ đảo Đài Loan

Ngày 05/06, Thời báo Hoàn cầu đưa tin cho biết Trung Quốc đã khẳng định Đài Loan là một phần lãnh thổ của Trung Quốc, kêu gọi Mỹ tôn trọng nguyên tắc Một Trung Quốc. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh khẳng định Đài Loan là một phần không thể tách rời của lãnh thổ Trung Quốc và vấn đề Đài Loan hoàn toàn là vấn đề nội bộ, không cho phép bất kỳ sự can thiệp nào từ bên ngoài, đồng thời kêu gọi Mỹ ngừng cung cấp vũ khí cho Đài Loan. Theo Diao Daming - Giáo sư tại Đại học Nhân dân Trung Quốc, quan hệ Mỹ-Trung đang bị ảnh hưởng tiêu cực bởi áp lực của cuộc bầu cử tổng thống Mỹ và các tập đoàn quân sự của Mỹ đang lợi dụng vấn đề Đài Loan để kiếm lời. Ông kiến nghị giải pháp thiết lập ranh giới đỏ và sửa chữa các mâu thuẫn cơ bản trong quan hệ Trung-Mỹ, bắt đầu bằng việc sửa chữa nhận thức về Trung Quốc và thiết lập nền tảng vững chắc cho đối thoại.

KINH TẾ - PHÁT TRIỂN

Bộ Thương mại và Công nghiệp Singapore, Bộ Công Thương Việt Nam, Bộ Năng lượng Hoa Kỳ thành lập Nhóm công tác nhằm thúc đẩy dự án năng lượng tái tạo, phát triển hệ thống cáp ngầm để tạo thuận lợi cho thương mại điện xuyên biên giới

Ngày 06/06, Tại Hội nghị Bộ trưởng IPEF, Bộ Thương mại và Công nghiệp Singapore, Bộ Công Thương Việt Nam, Bộ Năng lượng Hoa Kỳ thành lập Nhóm công tác đầu tư dự án năng lượng tái tạo, phát triển hệ thống cáp ngầm để tạo thuận lợi cho thương mại điện xuyên biên giới. Trước đó, hai tập đoàn cáp của Singapore và Việt Nam đã ký MOU hợp tác triển khai tuyến cáp biển Vietnam - Singapore Cable System (VTS) kết nối trực tiếp Việt Nam và Singapore ngày 12/04.

PHÁP LÝ

Luxembourg khởi kiện Mexico lên tòa ITLOS về tranh chấp liên quan đến việc bắt giữ tàu "Zheng He"

Ngày 03/06, Luxembourg tiến hành thủ tục tố tụng kiện Mexico trước Tòa án Quốc tế về Luật Biển (ITLOS) về tranh chấp liên quan đến việc bắt giữ một tàu có tên “Zheng He” treo cờ Luxembourg. Luxembourg cho rằng Mexico đã vi phạm các điều 2, 17, 18, 19, 21, 58, 87, 90, 92, 131 và 300 UNCLOS 1982 và yêu cầu Tòa án ITLOS xem xét, trong số những điều khác, rằng Mexico phải chấm dứt ngay lập tức mọi hành vi vi phạm đang diễn ra và Luxembourg có quyền được bồi thường mọi thiệt hại phải gánh chịu. Cả Luxembourg và Mexico đều đã đưa ra tuyên bố theo Điều 287 UNCLOS, công nhận thẩm quyền của Tòa án như một phương tiện giải quyết các tranh chấp liên quan đến việc giải thích hoặc áp dụng Công ước. Vụ việc đã được đưa vào Danh sách vụ việc của Tòa án quốc tế về Luật biển như Vụ án số 33.

GÓC NHÌN QUỐC TẾ

Joshua Paine: Bàn về Ý kiến tư vấn của ITLOS về biến đổi khí hậu: các biện pháp cần thiết; nghĩa vụ thực hiện liên tục; cách tiếp cận phòng ngừa; việc sử dụng công cụ quốc tế khác để giải thích các quy định trong UNCLOS

Ngày 03/06, học giả Joshua Paine, Giảng viên cao cấp về Luật tại Đại học Bristol có bài bình luận trên trang EJIL Talk về các khía cạnh pháp lý trong Ý kiến tư vấn của ITLOS về biến đổi khí hậu bao gồm: (i) "các biện pháp cần thiết" theo Điều 194(1) (5) UNCLOS; (ii) nghĩa vụ thực hiện liên tục; (iii) việc sử dụng các công cụ quốc tế khác để giải thích UNCLOS. Tác giả cho rằng Ý kiến ​​Tư vấn của ITLOS thúc đẩy đáng kể luật pháp môi trường hiện có. Sự phối hợp và hài hòa giữa UNCLOS và các quy tắc bên ngoài đóng vai trò quan trọng trong việc làm rõ ý nghĩa các quy định của Công ước.

Đại sứ Pou Sothirak & Him Raksmey: Mỹ cần thay đổi chính sách trừng phạt giới tinh hoa Campuchia; Campuchia cần tìm kiếm khả năng hợp tác quân sự với Mỹ để tránh bị vướng vào cạnh tranh nước lớn

Ngày 03/06, tờ Khmer Times đăng bình luận của Đại sứ Campuchia Pou Sothirak và Him Raksmey, cho rằng chuyến thăm Campuchia của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ gần đây là dấu hiệu khởi sắc cho quan hệ song phương và cho rằng Mỹ cần thay đổi chính sách trừng phạt giới tinh hoa Campuchia. Mỹ cần bỏ các hạn chế thương mại với Campuchia, bỏ các tuyên bố chỉ trích Campuchia về vấn đề dân chủ nhân quyền; không nhìn nhận Campuchia qua lăng kính Trung Quốc mà coi Campuchia là đối tác độc lập; trao đổi với Campuchia một cách tôn trọng, có thể nêu những vấn đề cần thay đổi nhưng không đòi hỏi, có thiện chí bày tỏ hỗ trợ nếu cần.

Đối với Campuchia, hai tác giả cho rằng Campuchia cần thống nhất nội bộ về tầm quan trọng của việc hợp tác với Mỹ, công nhận sự hiện diện của Mỹ tại khu vực để đa dạng hóa quan hệ và tìm kiếm khả năng hợp tác quân sự với Mỹ để tránh bị vướng vào cạnh tranh nước lớn.

Li Mingjiang và Xing Jiaying: Khả năng xảy ra xung đột quân sự trên Biển Đông: Trung Quốc sẽ tiếp tục duy trì chiến thuật vùng xám; nếu Philippines dùng các biện pháp quân sự mạnh tay, Trung Quốc sẽ trả đũa và hợp thức hóa hành vi là tự vệ

Ngày 03/06, trang Carnegie Europe đăng bình luận của hai học giả Li Mingjiang và Xing Jiaying về khả năng xảy ra xung đột quân sự trên Biển Đông, cụ thể:

  1. Các biến số ảnh hưởng đến khả năng xảy ra xung đột: (i) Yếu tố kinh tế-xã hội nội địa Trung Quốc, việc khơi mào xung đột nóng tại Biển Đông sẽ khiến chính quyền Trung Quốc mất khả năng tập trung giải quyết các vấn đề nội địa;(ii) Năng lực quân sự bất cân xứng của Philippines và Trung Quốc, do năng lực quân sự có phần hạn chế hơn nên Philippines không ưu tiên sử dụng vũ lực với Trung Quốc; (iii) Phản ứng của Mỹ khi có đụng độ xảy ra: sự hiện diện của Mỹ có thể khiến Trung Quốc quyết liệt hơn, phản ứng của Mỹ sẽ có ảnh hưởng lớn đến khả năng xảy ra xung đột quân sự; (iv) Phản ứng của các nước láng giềng và khu vực với Trung Quốc: Chính sách của Trung Quốc tại Biển Đông gắn liền với ngoại giao láng giềng và chính sách của Trung Quốc với Mỹ, Trung Quốc cần cân nhắc đưa ra các hành động vừa đảm bảo yêu sách, vừa không khiến láng giềng lo sợ.
  2. Từ những phân tích trên, tác giả dự báo hai kịch bản:

(i) Khả năng xảy ra cao: Trung Quốc sẽ tiếp tục duy trì chiến thuật vùng xám thay vì sử dụng các biện pháp quân sự mạnh tay để đảm bảo duy trì được các lợi ích về ngoại giao trong khu vực, tránh gây khủng hoảng trong quan hệ với láng giềng.

(ii) Khả năng cực đoan hơn: Nếu Philippines cảm thấy muốn vô hiệu hóa chiến thuật vùng xám của Trung Quốc, nước này sẽ dùng các biện pháp quân sự mạnh tay, liên minh quân sự với bên thứ ba. Trong trường hợp đó, Trung Quốc sẽ trả đũa và hợp thức hóa hành vi của mình là tự vệ.

Carl Thayer: Quan hệ Mỹ-Campuchia đang đứng trước bước ngoặt sau khi Hun Manet trở thành thủ tướng; hai bên sẵn sàng từ bỏ chính sách cứng nhắc và tham gia đối thoại để tìm kiếm điểm chung

Ngày 04/06, tờ CNA trích lời học giả Carl Thayer (Đại học New South Wales, Úc). Carl Thayer cho biết "Quan hệ Mỹ-Campuchia đang ở thời điểm bước ngoặt sau khi Hun Manet trở thành Thủ tướng.” Ông cho rằng chuyến thăm của Austin tới Campuchia "biểu thị rằng hai bên sẵn sàng từ bỏ một số chính sách cứng nhắc hạn chế hợp tác quốc phòng và tham gia vào các cuộc đối thoại đổi mới để tìm kiếm điểm chung.”

Arthur R. Kroeber: Trung Quốc huy động “lực lượng sản xuất chất lượng mới” để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; chọn công nghệ làm trọng tâm phát triển kinh tế

Ngày 04/06, Viện Brookings đăng tải đánh giá của Arthur R. Kroeber về chính sách sử dụng “lực lượng sản xuất chất lượng mới” (新质生产力) của Trung Quốc, đánh giá đây là chiến lược tăng trưởng dựa trên công nghệ của Trung Quốc, cụ thể:

(i) “Lực lượng sản xuất chất lượng mới” là một thuật ngữ của chủ nghĩa Mác, trong khi các sáng kiến ​​chính sách công nghiệp trước đây có tiêu đề trung lập về mặt ý thức hệ và kỹ trị;

(ii) Mục tiêu phát triển sử dụng “lực lượng sản xuất chất lượng mới” là tạo ra những bước đột phá toàn nền kinh tế chứ không chỉ là cải thiện nền công nghiệp công nghệ hiện tại;

(iii) Tham vọng mới này đòi hỏi một “hệ thống quốc gia mới” (新型举国体制) với sự tập trung cao hơn và hỗ trợ tài chính. Cơ quan điều phối chính cho chính sách này là Ủy ban Khoa học và Công nghệ Trung ương (CSTC).

IISS: Thống kê xu hướng tập trận tại Châu Á - Thái Bình Dương trong giai đoạn 2003-2022: Mỹ và Trung Quốc là hai quốc gia hàng đầu dẫn dắt các cuộc tập trận chung, góp phần định hình cấu trúc an ninh khu vực, Mỹ là đối tác tập trận quan trọng nhất

Trong báo cáo đưa ra ngày 02/06, Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế của Anh (IISS) đưa ra bài phân tích thống kê xu hướng các cuộc tập trận trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương từ năm 2003 – 2022, cho thấy Mỹ là đối tác tập trận quan trọng nhất của khu vực, số lượng các cuộc tập trận Trung Quốc thực hiện trong cùng thời kỳ bằng 10% các cuộc tập trận của Mỹ. Các cuộc tập trận này là một trong những trụ cột cốt lõi của trật tự an ninh khu vực. Cụ thể:

  1. Thực trạng:
  • Mỹ tham gia 1.113 cuộc tập trận với 14 nước trong khu vực từ năm 2003 đến năm 2022, tập trung vào tác chiến chung, các hoạt động tác chiến hải quân và không quân trong tình huống xung đột bất ngờ;
  • Trung Quốc thực hiện 128 cuộc tập trận trong cùng thời kỳ (10% những gì Mỹ làm). Số lượng cuộc tập trận của Trung Quốc tăng dần trong 10 năm qua, tập trung vào các hoạt động trên bộ, chống khủng bố, hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thiên tai (HADR). Vị trí tập trận truyền thống ở Biển Hoa Đông, Biển Đông và đang tăng cường ở Ấn Độ Dương (với Pakistan);
  • Các nước Úc, Ấn Độ và Indonesia có quy mô tập trận nhỏ hơn Mỹ nhưng vẫn là đối tác quan trọng. Các nước châu Âu (Pháp, Đức, Anh) đang tìm cách tăng cường cam kết quốc phòng với khu vực thông qua các cuộc tập trận quân sự chung, nhưng mức độ tin cậy và hợp tác bền vững không cao.
  1. Mục tiêu của Mỹ và Trung Quốc:
  • Mỹ cần đáp ứng nhu cầu: (i) duy trì liên minh quân sự, thể hiện cam kết và độ tin cậy, khả năng ngăn chặn đối thủ; (ii) thực hành khả năng tương tác và xây dựng cơ sở hạ tầng trong trường hợp Mỹ tham chiến tại khu vực trong tương lai;
  • Mục tiêu của Trung Quốc: (i) tự đánh giá hoạt động; (ii) xây dựng lòng tin; (iii) phát tín hiệu chiến lược;
  • Các đối tác khu vực sẽ đánh giá các cuộc tập trận dựa trên một số yếu tố: độ phức tạp, mức độ đa dạng đối tác tham gia, khả năng duy trì hợp tác lâu dài, …
  1. Vai trò các cuộc tập trận trong khu vực:
  • Các cuộc tập trận ảnh hưởng khả năng ứng phó với thách thức và tình huống an ninh bất ngờ của các quốc gia, định hình sự ổn định trong khu vực.
  1. Kết luận:
  • Cả Mỹ và Trung Quốc đã, đang và sẽ vẫn là những trung tâm chính cho các cuộc tập trận quân sự chung trên khắp châu Á-Thái Bình Dương;
  • Các cuộc tập trận quân sự kết hợp là một trong những trụ cột cốt lõi của trật tự an ninh châu Á-Thái Bình Dương.

NHẬN XÉT, BÌNH LUẬN TỪ VIỆN BIỂN ĐÔNG

BÀI PHÁT BIỂU CỦA TỔNG THỐNG PHILIPPINES FERDINARD R. MARCOS JR TẠI ĐỐI THOẠI SHANGRI LA 2024 CÓ GÌ ĐÁNG CHÚ Ý?

Ngày 31/05, Tổng thống Philippines Ferdinand R. Marcos Jr đã có bài phát biểu quan trọng tại Đối thoại Shangri-La 2024 (Singapore), đặc biệt đề cập đến vấn đề an ninh biển và an ninh khu vực. Một số nội dung đáng chú ý trong bài phát biểu của Tổng thống Ferdinand R. Marcos Jr:

  1. Về vấn đề an ninh biển:

(i) Philippines bảo vệ chủ quyền và kiến thiết đất nước dựa trên luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982, được thể hiện trong Điều 1 của Hiến pháp Philippines về biên giới, vùng biển, tuân thủ tinh thần của luật pháp quốc tế. Luật Đường cơ sở Philippines (the Philippine Baselines Law) khẳng định quyền tài phán của nước này. Trong thời gian tới, có thể Philippines sẽ phê chuẩn Luật Khu vực Hàng hải (the Maritime Zones Law), mô tả rõ giới hạn địa lý khu vực hàng hải của Philippines;

(ii) Những nỗ lực của Philippines tương phản hoàn toàn với các tuyên bố thiếu cơ sở và các hành vi áp đặt quyền lực, đe doạ và lừa dối;

(iii) Philippines là một thành viên tích cực của UNCLOS, thực hiện và tuân thủ các nghĩa vụ khi tham gia UNCLOS;

(iv) Các yêu sách của Philippines trên biển đã được nộp lên những cơ quan luật pháp quốc tế, không phải là trí tưởng tượng của Philippines. UNCLOS 1982 và phán quyết tòa trọng tài 2016 đứng về phía Philippines;

(v) Philippines sẽ dùng mọi biện pháp để bảo vệ chủ quyền;

(vi) Philippines là một quốc gia muốn giải quyết xung đột bằng các biện pháp hòa bình.

  1. Tổng thống Ferdinand R. Marcos Jr đưa ra 7 “thực tế” tại khu vực trong tương lai, gồm:
  2. i) Tương lai khu vực sẽ được định đoạt bởi nhiều quốc gia với nhiều lợi ích và động lực khác nhau. Các nỗ lực làm suy yếu niềm tin vào các tập quán quốc tế sẽ tạo ra thách thức với tính tự chủ của quốc gia;
  3. ii) Cạnh tranh Mỹ-Trung thu hẹp dư địa lựa chọn chiến lược của các nước trong khu vực, tạo ra nhiều thế tiến thoái lưỡng nan về an ninh;

iii) Trong giai đoạn khó khăn này, ASEAN cần phát huy vai trò của mình, song khối đang gặp nhiều thách thức làm suy yếu sự đoàn kết và vai trò trung tâm;

  1. iv) Trong giai đoạn hiện nay, vai trò cầu nối và chủ nghĩa đa phương rất quan trọng để hàn gắn rạn nứt chính trị;
  2. v) Việc các quốc gia đang phát triển có thể tiếp cận biển cả và các tiến bộ công nghệ-kĩ thuật mới sẽ đóng góp cho sự phát triển quốc tế;
  3. vi) Biến đổi khí hậu là thách thức sống còn trong khu vực và trên thế giới, đòi hỏi nỗ lực và hành động của tất cả các cá nhân;

vii) Sự phát triển nhanh chóng của công nghệ hiện đại giải quyết nhiều vấn đề cho nhân loại, xong cũng tiềm ẩn những nguy cơ gây xáo trộn trật tự chính trị-xã hội.

  1. Về an ninh khu vực:

(i) Mỹ và Trung Quốc cần quản trị cạnh tranh một cách có trách nhiệm, xóa bỏ nguy cơ hạt nhân trong khu vực;

(ii) Tương lai khu vực phải do tất cả các quốc gia định đoạt, an ninh và ổn định là trách nhiệm của tất cả các quốc gia;

(iii) An ninh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, gồm an ninh tại Biển Đông, eo biển Đài Loan, Bán đảo Triều Tiên rất quan trọng với tương lai tất cả các quốc gia;

(iv) Khi được hỏi hành động nào từ phía Cảnh sát Biển Trung Quốc sẽ vượt qua giới hạn đỏ của Philippines, Tổng thống Ferdinand R. Marcos Jr trả lời rằng việc người dân nước này thiệt mạng do hành vi cố ý là rất gần với ranh giới đỏ của nước này.

Một số nhận xét:

  • Bài phát biểu của Tổng thống Ferdinand R. Marcos Jr liên tục nhắc đến các sự kiện lịch sử và những đóng góp, chính sách của Philippines từ xưa đến nay nhằm xây dựng hình ảnh một đất nước có trách nhiệm và tuân thủ luật pháp quốc tế.
  • Bài phát biểu khẳng định Philippines vẫn ưu tiên sử dụng các biện pháp ngoại giao, đối thoại-đàm phán. Tuy nhiên, nước này sẽ sẵn sàng hợp tác và phát triển quan hệ quân sự với các quốc gia khác để bảo vệ lợi ích của mình. Mặc dù thể hiện sự đề cao các diễn đàn đa phương, song thực tế cho thấy căng thẳng gia tăng trên Biên Đông đang thúc đẩy các nước, trong đó có Philippines tham gia vào các cơ chế tiểu đa phương nhiều hơn. Ví dụ như việc Mỹ-Philippines-Nhật thực hiện tập trận chung và ra Tuyên bố tầm nhìn chung, hoặc việc nước này đề xuất xây dựng Quy tắc ứng xử Biển Đông riêng với các nước trong khu vực.
  • Việc Tổng thống Ferdinand R. Marcos Jr liên tục nhấn mạnh tầm quan trọng của chủ nghĩa đa phương và tự chủ khu vực là một dấu hiệu tích cực về mối quan tâm của Philippines đối với ASEAN và thúc đẩy quản lý các tranh chấp qua các cơ chế đa phương.

NHỮNG ĐIỂM ĐÁNG CHÚ Ý TRONG CUỘC GẶP GIỮA BỘ TRƯỞNG QUỐC PHÒNG MỸ LLOYD AUSTIN VÀ CHỦ TỊCH THƯỢNG VIỆN HUN SEN

Ngày 04/06, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đã có chuyến thăm mang tính cột mốc tới Campuchia kể từ khi Thủ tướng Hun Manet lên cầm quyền. Trong đó, Bộ trưởng Lloyd Austin đã có cuộc gặp với Chủ tịch Thượng viện Campuchia Hun Sen.

Một số nhận xét:

  • Campuchia thể hiện xu hướng tăng cường quan hệ với phương Tây một cách rõ rệt. Ngoài Mỹ, kể từ khi Thủ tướng Hun Manet lên nắm quyền đến nay, nước này đã có nhiều cuộc gặp với Pháp (tháng 3/2024), Anh (tháng 3/2024), bên cạnh đó còn có Nhật (tháng 3/2024), và nâng cấp quan hệ với Hàn Quốc (tháng 5/2024).
  • Xu hướng cởi mở trong quan đối ngoại của Campuchia với phương Tây có thể bắt nguồn từ ba nhận thức: i) nhu cầu phát triển kinh tế bền vững, mạnh mẽ, đa dạng (thể hiện trong các văn bản chính sách của nước này); ii) nhận thức về tác động của cạnh tranh nước lớn và sự phụ thuộc sẽ gây ra nhiều giới hạn cho Campuchia; iii) tình hình kinh tế, khoa học-công nghệ-kĩ thuật ngày càng phức tạp; nhiều bất ổn về an ninh nên Campuchia cần đa dạng hóa quan hệ để tránh đặt đất nước vào thế bị động, tránh bị tụt lại phía sau so với các nước trong khu vực.
  • Về phía Mỹ, việc Trung Quốc ngày càng gia tăng ảnh hưởng trong khu vực nói chung và tại Campuchia nói riêng cùng những kinh nghiệm trong quan hệ với Campuchia có thể đã khiến quan chức Mỹ thay đổi cách tiếp cận trong cặp quan hệ song phương này. Trước kia, các động thái cấm vận của Mỹ lên Campuchia không khiến lập trường của Phnom Penh về các vấn đề liên quan đến chính trị nội bộ, nhân quyền và quan hệ với Trung Quốc lung lay. Có thể đây là lý do thúc đẩy Mỹ chuyển hướng hợp tác, cởi mở nhiều hơn với Campuchia dưới thời Thủ tướng Hun Manet. Đáng chú ý, khi cuộc bầu cử Campuchia năm 2023 kết thúc, Mỹ đã đưa ra tuyên bố cắt viện trợ cho Campuchia do các vấn đề về bầu cử. Tuy nhiên, Washington đã rút lại tuyên bố này sau hai tháng.
  • Tiến triển tích cực trong quan hệ Mỹ-Campuchia dự báo sẽ không tác động tiêu cực tới quan hệ Trung Quốc-Campuchia, bởi quan hệ song phương từng được lãnh đạo nước này mô tả là “cứng như sắt” (ironclad). Bên cạnh đó, việc Campuchia cởi mở với Mỹ chưa thể hiện dấu hiệu rằng Trung Quốc sẽ mất vị trí quan trọng trong chính sách đối ngoại của Campuchia.

Bản PDF tại đây