Bản tin tuần Biển Đông (ngày 11.5-17.5.2024)

TIÊU ĐIỂM

  1. Trung Quốc công bố thủ tục thực thi pháp luật hành chính của Lực lượng Hải cảnh, không nhắc nhiều đến cách thức xử lý tàu nước ngoài vi phạm
  2. Trung Quốc điều thêm hai tàu chiến đến Campuchia và Đông Timo
  3. Philippines khởi công doanh trại và trung tâm y tế tại đảo Thị Tứ: Bước đi nhằm củng cố các vị trí chiếm đóng tại Trường Sa
  4. Malaysia mua máy bay không người lái Thổ Nhĩ Kỳ để theo dõi tình hình thực địa trên Biển Đông: động thái cho thấy tầm quan trọng của nhận thức hàng hải đối với các quốc gia Đông Nam Á
  5. Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam điện đàm với Bộ trưởng Ngoại giao Anh: Hai bên thống nhất xây dựng và thực hiện Kế hoạch hành động Việt Nam - Anh 2024 - 2026, ủng hộ duy trì hòa bình, ổn định, tự do hàng hải, hàng không, luật pháp quốc tế trên Biển Đông

TIN TỨC

Thực địa

Trung Quốc điều thêm hai tàu chiến đến Campuchia và Đông Timo

Ngày 10/05, Bộ Quốc phòng Trung Quốc thông báo sẽ đưa hai tàu chiến đến Campuchia và Đông Timor trong thời gian từ nửa đầu tháng 5 đến giữa tháng 06/2024. Cụ thể, Trung Quốc sẽ đưa tàu huấn luyện hải quân Thích Kế Quang (Qijiguang) cùng tàu đổ bộ Tỉnh Cương Sơn (Jinggangshan) đến huấn luyện cùng lực lượng hải quân của hai nước. Tàu đổ bộ Tỉnh Cương Sơn có khả năng vận chuyển trực thăng, xe bọc thép, tàu đổ bộ và gần 1000 binh lính. Tàu Thích Kế Quang nhỏ hơn, nhưng là tàu huấn luyện quân sự hiện đại nhất về kỹ thuật của Trung Quốc. Tuy nhiên Trung Quốc không nêu rõ hai tàu này sẽ đến cảng nào của Campuchia và Đông Timor.

Trung Quốc tập trận chống tên lửa, tàu ngầm tại Biển Đông sau khi cuộc tập trận Balikatan kết thúc

Ngày 11/05, Bộ tư lệnh Chiến khu miền Nam Trung Quốc cho biết sẽ tiến hành cuộc tập trận chống tên lửa, tàu ngầm tại Biển Đông. Đợt tập trận lần này có sự tham gia của tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường Zunyi - đây là một trong những tàu chiến được cho là mạnh nhất thế giới. Các tàu khu trục khác như Haikou, Kunming và Xianning cũng được triển khai "tác chiến tấn công trên biển", sẵn sàng tấn công các mục tiêu đến từ không trung, mặt nước và dưới nước.

Philippines nghi ngờ Trung Quốc xây dựng thêm đảo nhân tạo ở Bãi Sa Bin Biển Đông

Ngày 11/05, Người phát ngôn Jay Tarriela của Lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines cho biết tàu Philippines neo đậu tại bãi Sa Bin đã phát hiện các đống san hô bị nghiền nát trên các bãi cát, cùng với đó là sự hiện diện của hàng chục tàu nghiên cứu, tàu hải quân Trung Quốc. Do nghi ngờ Trung Quốc đang tiến hành cải tạo quy mô nhỏ bãi cạn Sa Bin, Philippines đã cử tàu giám sát "các hoạt động được cho là bất hợp pháp của Trung Quốc nhằm xây đảo nhân tạo".

Quân đội Campuchia-Trung Quốc sẽ tổ chức tập trận Rồng Vàng chung lớn nhất từ trước tới nay vào ngày 16 - 30/05 với chủ đề: Hoạt động chung chống khủng bố và cứu trợ nhân đạo

Ngày 13/05, Thiếu tướng Thong Solimo cho biết, Campuchia-Trung Quốc sẽ sớm tổ chức cuộc tập trận chung “Rồng Vàng” năm 2024 với chủ đề: “Hoạt động chung chống khủng bố và cứu trợ nhân đạo”. Cuộc tập trận này sẽ diễn ra trong 15 ngày, từ ngày 16 - 30/05.

Địa điểm tổ chức tập trận là trung tâm huấn luyện lực lượng Hiến binh Phnum Chum Sen Reak Reay, tỉnh Kampong Chhnang và vùng biển ngoài khơi tỉnh Preah Sihanouk. Nội dung cuộc tập trận sẽ tập trung vào công tác phòng chống khủng bố và cứu trợ nhân đạo, ngoài ra sẽ tập trung vào chiến lược chống máy bay không người lái. Tổng số binh sĩ tham gia cuộc tập trận lần này là 2.075 người, trong đó có 1315 binh sĩ Campuchia và 760 binh sĩ Trung Quốc. Trang thiết bị phục vụ cho cuộc tập trận trên bộ gồm: 79 xe bọc thép, thiết bị xử lý vật liệu nổ, thiết bị truyền hóa chất,…Trang thiết bị cho cuộc tập trận trên biển gồm 14 tàu chiến, 02 trực thăng… Cuộc tập trận lần này sẽ mời đại diện các nước trong khu vực ASEAN tham gia quan sát thực tế.

Tập trận Rồng Vàng là hoạt động ngoại giao quốc phòng thường niên giữa Trung Quốc và Campuchia, được tổ chức lần đầu vào năm 2016. Đây là lần thứ sáu cuộc tập trận được hai nước tổ chức với quy mô lớn. Trong lần gần đây nhất (tháng 03/2023), cuộc tập trận chỉ có sự tham dự của 500 binh sĩ Campuchia và 200 thành viên quân đội Trung Quốc.

Trung Quốc đang cử nhiều tàu đến bãi cạn Scarborough để ngăn chặn chiến dịch "cuộc đua hòa bình và đoàn kết" của tàu cá Philippines. Cảnh sát biển Philippines cam kết sẽ bảo vệ an toàn cho tàu Philippines

Ngày 14/05, tín hiệu AIS cho biết Trung Quốc đang gửi một lực lượng tàu lớn để phong tỏa bãi cạn Scarborough nhằm ngăn chặn đoàn 100 tàu cá của Atin Ito, Philippines thực hiện thả bia và phao tại khu vực này từ 14 đến 17 tháng 5 năm 2024. Theo học giả Ray Powell, đây sẽ là "biện pháp phong tỏa lớn nhất" mà Trung Quốc từng thực hiện tại bãi cạn Scarborough. Phát ngôn viên của Lực lượng Cảnh sát biển Philippines Jay Tarriela cho biết rằng báo cáo của Ray Powell là một cảnh báo an toàn và Cảnh sát biển sẽ đảm bảo an toàn cho những người tham gia nhiệm vụ dân sự này. Atin Ito cho biết họ sẽ tiếp tục hoạt động của mình bất chấp sự hiện diện của tàu Trung Quốc.

Hải quân Mỹ và Đài Loan bí mật tổ chức tập trận tại Thái Bình Dương vào tháng 04/2024

Ngày 14/05, tờ Reuters dẫn tin từ một nguồn giấu tên, cho biết hải quân Mỹ và Đài Loan đã bí mật tổ chức tập trận ở Tây - Thái Bình Dương vào tháng 04/2024. Nhiều khí tài quân sự đã được hai bên triển khai trong cuộc tập trận, bao gồm khoảng sáu tàu hải quân, các tàu khu trục, tàu tiếp tế và tàu hỗ trợ. Cuộc tập trận kéo dài nhiều ngày bao gồm các nội dung như hoạt động cơ bản như liên lạc, tiếp nhiên liệu và tiếp tế.

Đặc biệt, các cuộc tập trận này không được công bố chính thức và được triển khai dưới hình thức hai bên vô tình gặp nhau trên biển, thực hiện tập trận chung, có thể để tránh phản ứng của Trung Quốc.

Máy bay quân sự Trung Quốc hiện diện ở quanh Đài Loan trong vòng 24h với tần suất nhiều nhất từ đầu năm đến nay

Ngày 15/05, Cơ quan phòng vệ Đài Loan cho biết đã phát hiện 45 máy bay và tàu hải quân của Trung Quốc hoạt động quanh đảo Đài Loan trong 24h, tính đến 6h ngày 15/05 theo giờ Đài Loan (5h giờ Việt Nam).Trong đó 26 máy bay đã vượt qua đường trung tuyến eo biển Đài Loan. Đây là lần phát hiện số lượng máy bay nhiều nhất trong một ngày kể từ đầu năm. Động thái này diễn ra trong bối cảnh Lễ nhậm chức của Tổng thống đắc cử Lại Thanh Đức của Đài Loan sẽ diễn ra vào 20/5.

Đoàn tàu cá Philippines Atin Ito dừng cách bãi cạn Scarborough rồi quay về: động thái tránh đụng độ, gia tăng căng thẳng với Trung Quốc

Ngày 16/05, trang ABC News đưa tin đoàn 100 tàu cá Philippines do liên minh Atin Ito tổ chức đã quyết định dừng cách bãi cạn Scarborough 58 hải lý mà không tiến vào gần hơn. Tại đây, những người tham gia đã tiến hành phân phát lương thực cho ngư dân Philippines rồi quay về. Tuy nhiên, một nhóm mười người tham gia đã vượt qua được khoảng ít nhất 46 tàu Trung Quốc cản đường để phân phát lương thực cho các tàu cá Philippines ở gần bãi cạn Scarborough hơn và tuyên bố “nhiệm vụ hoàn thành”.

Philippines khởi công doanh trại và trung tâm y tế tại đảo Thị Tứ: Bước đi nhằm củng cố các vị trí chiếm đóng tại Trường Sa

Ngày 16/05, Hải quân Philippines đã khởi công xây dựng doanh trại và một trung tâm y tế tại đảo Thị Tứ, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Tham dự buổi lễ khởi công có ông Juan Miguel Zubiri, Chủ tịch Thượng viện Philippines và một số Thượng Nghị sĩ. Phát biểu tại buổi lễ, ông Juan Miguel Zubiri cho biết hai dự án này nhằm chứng tỏ cho Trung Quốc và thế giới biết Philippines đang có một cộng đồng rất phát triển tại khu vực này.

An ninh - Quốc phòng

Cảnh sát biển Mỹ - Nhật - Hàn ký thỏa thuận ba bên, bao gồm điều khoản về hợp tác nâng cao năng lực cho Đông Nam Á

Ngày 09/05, Bộ An ninh nội địa Mỹ đưa tin Cảnh sát biển Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc đã hoàn thành ký kết thư bày tỏ ý định (letter of intent) nhằm tăng cường hợp tác giữa ba lực lượng. Các nội dung hợp tác được nhắc đến bao gồm: (i) nâng cao năng lực cho các nước Đông Nam Á và Thái Bình Dương; (ii) bảo vệ tài nguyên biển; (iii) chống đánh bắt IUU; (iv) tìm kiếm cứu nạn.

Mỹ tài trợ xây dựng cơ sở Bảo trì và Sửa chữa Hạm đội (MRG) cho lực lượng cảnh sát biển Philippines

Ngày 10/05, Đại sứ quán Mỹ tại Philippines cho biết Mỹ đã tài trợ xây dựng cơ sở Bảo trì và Sửa chữa Hạm đội (MRG) cho lực lượng cảnh sát biển Philippines (PCG) với khoản đầu tư 950.000 USD. MRG là cơ sở đầu tiên của PCG được xây dựng đặc biệt nhằm mục đích bảo trì tàu. Cơ sở được đặt tại lối vào Vịnh Manila, tại căn cứ Cavite Buoy ở Sangley Point, rộng 400m2.

MRG được xây dựng dựa theo mô hình cơ sở của lực lượng cảnh sát biển Mỹ. Cấu trúc chuyên dụng của cơ sở cho phép sửa chữa tất cả các loại tàu bất kể kích cỡ, chức năng hoặc quốc gia xuất xứ.

Mỹ yêu cầu công ty MineOne Partners Limited và đối tác bán bất động sản đã mua gần căn cứ không quân Francis E. Warren của Mỹ, cáo buộc công ty có liên kết với Trung Quốc, đe dọa đến an ninh Mỹ

Ngày 13/05, Nhà Trắng ra thông báo yêu cầu công ty MineOne Partners Limited và các đối tác phải bán bất động sản đã mua gần căn cứ không quân Francis E. Warren của Mỹ trong thời hạn 120 ngày, cáo buộc các công ty có liên kết với Trung Quốc và đe dọa đến an ninh Mỹ.

Theo Nhà Trắng, MineOne Partners Limited thuộc sở hữu của các công dân Trung Quốc. Công ty này đã hợp tác với các công ty khác để mua bất động sản phục vụ cho hoạt động khai thác tiền điện tử từ tháng 06/2022. Địa điểm được mua nằm trong bán kính 1,6km tính từ căn cứ không quân Francis E. Warren tại bang Wyoming, nơi đặt một phần kho vũ khí tên lửa đạn đạo xuyên lục địa của Mỹ. "Việc các bất động sản thuộc sở hữu của người nước ngoài đặt gần căn cứ tên lửa chiến lược - vốn là yếu tố then chốt trong bộ ba hạt nhân của Mỹ, cũng như sự hiện diện của các thiết bị chuyên dụng có nguồn gốc nước ngoài có khả năng tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động giám sát và do thám, gây rủi ro an ninh quốc gia đối với Mỹ".

Mỹ - Philippines lần đầu đối thoại về không gian vũ trụ, bao gồm ứng dụng của vũ trụ với nâng cao nhận thức biển (MDA)

Ngày 13/05, Mỹ và Philippines lần đầu tiên tổ chức đối thoại về không gian vũ trụ (Space Dialogue) tại Washington D.C., một năm sau khi cơ chế được nhắc đến trong trong tuyên bố chung giữa tổng thống hai nước vào tháng 05/2023. Trong tuyên bố chung sau đối thoại, hai bên đề cập đến việc tăng cường hợp tác nâng cao nhận thức biển (MDA) và chương trình SeaVision với mục tiêu theo dõi tàu trên vùng biển Philippines và chống đánh bắt IUU.

Ngoài hợp tác với Philippines, trong thời gian gần đây, Mỹ cũng đã thiết lập cơ chế đối thoại không gian vũ trụ với một số quốc gia khác trong khu vực như Singapore (tháng 12/2023), New Zealand (tháng 04/2024). Ngoài ra, Mỹ cũng đã có cơ chế với một số nước khác từ trước như Việt Nam, Thái Lan, Hàn Quốc (tên chính thức là “Đối thoại vũ trụ dân sự”) và Nhật Bản (tên chính thức là “Đối thoại toàn diện về không gian”). Ngoài ra, tuyên bố chung của Mỹ với Nhật, Hàn, Singapore cũng đề cập đến ứng dụng của vũ trụ với MDA.

Malaysia mua máy bay không người lái Thổ Nhĩ Kỳ để theo dõi tình hình thực địa trên Biển Đông: động thái cho thấy tầm quan trọng của nhận thức biển đối với các quốc gia Đông Nam Á

Ngày 15/05, trang Global Defense News đưa tin Hải quân Hoàng Gia Malaysia mua ba máy bay không người lái Anka-S của công ty TAI, Thổ Nhĩ Kỳ để nâng cao khả năng theo dõi tình hình thực địa trên Biển Đông. Anka là một máy bay không người lái tầm trung, có thời gian bay dài để phục vụ nhiệm vụ trinh sát. Máy bay được trang bị radar tổng hợp, vũ khí chính xác và hệ thống liên lạc qua vệ tinh. Máy bay được phát triển từ những năm 2000 để thực hiện các nhiệm vụ giám sát và trinh sát từ không gian. Từ năm 2021, Malaysia đã thiết lập một phi đội riêng để vận hành các máy bay này.

Chính trị - Ngoại giao

Phái đoàn Ban Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc (CPC) thăm Lào từ ngày 09 - 12/05, đồng thuận cùng nhau xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Trung Quốc - Lào tiêu chuẩn cao, chất lượng cao, trình độ cao

Từ ngày 09 - 12/05, Zhao Shitong, Trợ lý Bộ trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc (CPC), dẫn đầu phái đoàn CPC có chuyến thăm Lào theo lời mời của Đảng Nhân dân Cách mạng Lào (LPRP).

Trong chuyến thăm, phía CPC đã gặp nhiều nhân sự cấp cao của Đảng Nhân dân Cách mạng Lào gồm: ông Bounthong Chitmany (Ủy viên Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương LPRP, Ủy viên thường trực Ban Bí thư Ban Chấp hành Trung ương LPRP kiêm Phó Chủ tịch nước Lào); ông Khamphanh Pheuyavong (Ủy viên Ban Bí thư Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương LPRP); ông Thongsavanh Phomvihane (Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương LPRP) và hội đàm với người đứng đầu các cơ quan đảng, chính phủ Lào.

Hai bên nhất trí tăng cường trao đổi và hợp tác giữa, cùng nhau xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Trung Quốc - Lào tiêu chuẩn cao, chất lượng cao, trình độ cao.

Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam điện đàm với Bộ trưởng Ngoại giao Anh: Hai bên thống nhất xây dựng và thực hiện Kế hoạch hành động Việt Nam - Anh 2024 - 2026, ủng hộ duy trì hòa bình, ổn định, tự do hàng hải, hàng không, luật pháp quốc tế trên Biển Đông

Ngày 10/05, Bộ trường Ngoại giao Việt Nam, ông Bùi Thanh Sơn và Bộ trưởng Ngoại giao và Phát triển Vương Quốc Anh, ông James Cameron đã có buổi điện đàm. Hai bên thống nhất sẽ thúc đẩy hợp tác chính trị, trong đó có việc xây dựng và thúc đẩy Kế hoạch hành động Việt Nam - Anh 2024-2026. Việt Nam cũng cam kết ủng hộ Anh gia nhập CPTPP. Liên quan đến Biển Đông, hai Bộ trưởng cùng bày tỏ sự ủng hộ đối với hòa bình, ổn định, tự do và an ninh hàng hải, hàng không, giải quyết hòa bình các tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Luật biển 1982.

Tham vấn SOM ASEAN - Trung Quốc lần thứ 30: ASEAN muốn hợp tác thực hiện Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, Trung Quốc nhấn mạnh Cộng đồng chung vận mệnh ASEAN - Trung Quốc

Từ ngày 10 - 11/05 tại Jakarta, Indonesia, Tham vấn SOM ASEAN - Trung Quốc lần thứ 30 đã được tổ chức. Trưởng đoàn Trung Quốc là Thứ trưởng Ngoại giao Sun Weidong, trưởng đoàn ASEAN là Vụ trưởng Vụ ASEAN của Myanmar, bà Khin Thidar Aye. Hai bên đã thảo luận các biện pháp thúc đẩy hợp tác nhằm thúc đẩy mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, đặc biệt trong các lĩnh vực thương mại và đầu tư, kết nối, kinh tế số, kinh tế xanh, năng lượng sạch, nông nghiệp và an ninh lương thực, văn hóa và du lịch. Hai bên cũng hướng tới chuẩn bị cho Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao và Cấp Cao ASEAN - Trung Quốc, đồng thời thúc đẩy hoàn thành đàm phán Khu vực thương mại tự do ASEAN - Trung Quốc 3.0.

Cục An ninh Đài Loan (NSB): Chuyến thăm gần đây của Chủ tịch Tập Cận Bình tới Pháp, Serbia và Hungary nhằm gây ảnh hưởng tới quan hệ Mỹ - EU và chính sách liên quan đến Đài Loan

Ngày 11/05, trang Focus Taiwan đưa tin về báo cáo của Cục An ninh Đài Loan (NSB) phân tích về chuyến thăm gần đây của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới Pháp, Serbia và Hungary, cụ thể:

(i) Mấu chốt trong các chiến thuật của Trung Quốc là khuyến khích Pháp thúc đẩy khái niệm về quyền "tự chủ chiến lược" của châu Âu, từ đó tác động đến quan hệ Mỹ - EU;

(ii) Mối quan hệ đang phát triển của Trung Quốc với Serbia và Hungary đóng vai trò kích động bất đồng ​​​​trong EU và thúc đẩy các nhóm hoạt động thân Trung Quốc tại đây;

(iii) Ngoài ra, trong bối cảnh các cuộc bầu cử quan trọng sắp diễn ra ở Anh, Bỉ và Litva, Trung Quốc đánh giá đây là thời điểm thích hợp để gây ảnh hưởng và ngăn chặn vận động ủng hộ Đài Loan trong EU.

Bộ Ngoại giao Philippines: Kiên quyết tuân theo và kêu gọi tôn trọng luật pháp quốc tế và trong nước; sẽ xem xét mọi báo cáo về hoạt động bất hợp pháp của các nhà ngoại giao, sẽ hành động cần thiết theo luật pháp và quy định hiện hành

Ngày 13/05, Bộ Ngoại giao Philippines (BNG Philippines) ra tuyên bố liên quan đến việc nhà ngoại giao của Đại sứ quán Trung Quốc tung đoạn ghi âm được cho là cuộc trò chuyện qua điện thoại giữa một nhà ngoại giao Trung Quốc và một quan chức quốc phòng Philippines. Cụ thể:

(i) Philippines ủng hộ mạnh mẽ quản trị dựa trên luật lệ, kiên quyết tôn trọng luật pháp trong nước và quốc tế. Với tư cách là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, Philippines kêu gọi các nước tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có Hiến chương Liên hợp quốc, Công ước Vienna về quan hệ ngoại giao 1961 và UNCLOS 1982;

(ii) Các nhà ngoại giao nước ngoài được ở Philippines được trao các quyền tự do cần thiết để thực hiện nhiệm vụ ngoại giao của mình, cần thực hiện các hoạt động ngoại giao của mình một cách liêm chính và chuyên nghiệp nhằm theo đuổi lợi ích chung và mục tiêu đôi bên cùng có lợi;

(iii) Philippines sẽ xem xét mọi báo cáo về các hoạt động bất hợp pháp của các nhà ngoại giao và thực hiện các hành động cần thiết theo luật pháp và quy định hiện hành;

(iv) Philippines sẽ tiếp tục tập trung nỗ lực thúc đẩy hợp tác với tất cả các nước.

Người phát ngôn Lực lượng Cảnh sát biển Philippines Jay Tarriela: Lực lượng Cảnh sát biển Philippines cam kết duy trì sự hiện diện tại bãi Sa Bin để ngăn chặn Trung Quốc tiến hành hoạt động cải tạo, xây đảo nhân tạo

Ngày 13/05, Người phát ngôn Lực lượng Cảnh sát biển Philippines đưa ra tuyên bố trong một cuộc họp báo về việc Trung Quốc đang chuẩn bị tiến hành xây thêm đảo nhân tạo ở bãi Sa Bin. Ông cho biết Lực lượng Cảnh sát biển Philippines cam kết duy trì sự hiện diện tại bãi Sa Bin và sẽ ngăn chặn Trung Quốc tiến hành hoạt động cải tạo, xây đảo nhân tạo ở bãi cạn. 

Ông cho biết Lực lượng Cảnh sát biển đã hoạt động hiệu quả trong việc ngăn chặn Trung Quốc thực hiện hoạt động cải tạo quy mô nhỏ. Kể từ khi lực lượng Cảnh sát biển Philippines tiến hành ngăn chặn triển khai tàu phản ứng đa chức năng ở bãi Sa Bin vào giữa tháng 4, họ không phát hiện thêm bất kỳ hoạt động nào từ các tàu Trung Quốc có mặt ở bãi Sa Bin.

Mỹ - Trung Quốc tổ chức Đối thoại liên chính phủ đầu tiên về trí tuệ nhân tạo tại Geneva, Thụy Sĩ: Mỹ nêu quan ngại Trung Quốc lạm dụng công nghệ mới; Trung Quốc phản đối Mỹ ra các hạn chế nhằm vào Trung Quốc trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo

Ngày 14/05, Mỹ - Trung Quốc tổ chức Đối thoại liên chính phủ đầu tiên về trí tuệ nhân tạo (AI), quản trị toàn cầu và các vấn đề liên quan khác tại Geneva, Thụy Sĩ. Trong đó, hai nước cho biết đối thoại không đạt được một kết quả cụ thể nào, thay vào đó, hai nước đã trao đổi quan điểm về các rủi ro kỹ thuật của AI và các lĩnh vực quan tâm tương ứng. Mỹ nêu quan ngại Trung Quốc lạm dụng công nghệ mới; Trung Quốc phản đối Mỹ ra các hạn chế nhằm vào Trung Quốc trong lĩnh vực AI.

Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị hội đàm với Bộ trưởng Ngoại giao thứ hai Brunei Erywan Pehin Yusof, khẳng định Trung Quốc muốn xây dựng cộng đồng chia sẻ tương lai Trung Quốc - Brunei, sẵn sàng cùng ASEAN thực hiện DOC và sớm ký kết COC hiệu quả

Ngày 14/05, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã hội đàm với Bộ trưởng Ngoại giao thứ hai Brunei Erywan Pehin Yusof tại Bắc Kinh. Trong buổi gặp, ông Vương Nghị cho biết Trung Quốc muốn mở rộng quan hệ hợp tác với Brunei theo mục tiêu xây dựng cộng đồng chia sẻ tương lai Trung Quốc - Brunei trong các lĩnh vực giáo dục, du lịch văn hóa, thể thao. Trung Quốc cũng sẵn sàng làm việc với các quốc gia ASEAN để thực hiện DOC và sớm ký kết COC hiệu quả. Ông Erywan cho biết Brunei cũng sẵn sàng làm việc với Trung Quốc để gìn giữ hòa bình và ổn định cũng như thúc đẩy phát triển và thịnh vượng chung.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân: Trung Quốc đã có thỏa thuận thiện chí cho phép các tàu đánh cá nhỏ của Philippines đánh bắt ở vùng biển gần bãi cạn Scarborough, nếu Philippines lạm dụng thiện chí của Trung Quốc và xâm phạm chủ quyền lãnh thổ, quyền tài phán của Trung Quốc thì nước này sẽ có biện pháp đối phó

Ngày 15/05, đáp trả việc 100 tàu cá Philippines của Atin Ito tiến đến bãi cạn Scarborough để cung cấp hỗ trợ cho ngư dân đánh cá Philippines, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân cho biết năm 2016, Trung Quốc đã có thỏa thuận thiện chí cho phép các tàu đánh cá nhỏ của Philippines đánh bắt cá ở vùng biển gần bãi cạn Scarborough, nếu Philippines lạm dụng thiện chí của Trung Quốc và xâm phạm chủ quyền lãnh thổ, quyền tài phán của Trung Quốc thì nước này sẽ bảo vệ các quyền hợp pháp của mình và thực hiện các biện pháp đối phó.

Trước đó cùng ngày, 100 tàu cá Philippines của Atin Ito đã lắp đặt thành công các phao mang dòng chữ “WPS Atin Ito” (Biển Tây Philippines - Atin Ito) trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Philippines. Nhóm cũng đã hoàn thành đợt phân phối vật tư đầu tiên bao gồm nhiên liệu và thực phẩm cho ngư dân Philippines. Trung Quốc đã cử hai tàu Cảnh sát biển Trung Quốc cố gắng theo dõi và ngăn chặn đoàn tàu Atin Ito.

Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Enrique Manalo thăm Canada: nhờ Bộ trưởng Ngoại giao Canada Melanie Joly giúp chuyển lời giúp cho Trung Quốc là Philippines không muốn chọn phe giữa Trung Quốc và Mỹ

Ngày 14/05, theo trang CTV News, Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Enrique Manalo đã có chuyến thăm tới Canada nhân dịp 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Philippines - Canada. Tại đây, ông Manada đã hội đàm với các Bộ trưởng Bộ Thương mại, Bộ Nhập cư, và Bộ Ngoại giao. Trong Hội đàm với Bộ trưởng Ngoại giao Canada Melanie Joly, ông khẳng định Philippines không muốn chọn bên trong cuộc cạnh tranh nước lớn giữa Mỹ và Trung Quốc, đồng thời mong muốn bà Joly có thể chuyển lời của ông tới phía Trung Quốc nếu bà có chuyến thăm nước này.

Kinh tế - phát triển

Mỹ xem xét công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường; phía ủng hộ cho rằng Việt Nam đã đáp ứng sáu tiêu chí mà Bộ Thương mại Mỹ đưa ra; phía phản đối lo ngại về giao dịch không công bằng và tình trạng lách thuế từ Trung Quốc

Ngày 08/05, Bộ Thương mại Mỹ nghe các bên tranh luận để quyết định có công nhận Việt Nam là "nền kinh tế thị trường" hay không. Cụ thể:

  • Các nhà sản xuất thép, nuôi tôm và sản xuất mật ong tại Mỹ phản đối việc nâng Việt Nam lên quy chế "kinh tế thị trường", trong khi các nhà bán lẻ và các nhóm kinh doanh khác ủng hộ động thái này;
  • Luật sư Eric Emerson của Steptoe LLP, đại diện cho Bộ Công Thương Việt Nam, cho biết Việt Nam đã đáp ứng sáu tiêu chí mà Bộ Thương mại Mỹ sử dụng để đánh giá nền kinh tế thị trường nên Việt Nam cần được công nhận là nền kinh tế thị trường.
  • Phe phản đối lập luận rằng các cam kết chính sách của Việt Nam chưa tương ứng với các hành động cụ thể và Đảng cộng sản vẫn điều hành nền kinh tế. Ông Jeffrey Gerrish, cựu quan chức thương mại của chính quyền Donal Trump cho biết việc nâng cấp sẽ giải phóng làn sóng hàng nhập khẩu được giao dịch không công bằng từ Việt Nam, có thể trở thành nền tảng để Trung Quốc lách thuế Mỹ.

Quá trình đánh giá sẽ kết thúc vào ngày 26/07 sắp tới. Trước đó vào năm 2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đề nghị Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen tiếp tục dành nguồn lực để thúc đẩy quan hệ kinh tế - tài chính giữa Việt Nam và Mỹ, và đề nghị Mỹ sớm công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam.

Sáu yếu tố được Bộ thương mại Hoa Kỳ xem xét trong việc xác định tình trạng thị trường khi tiến hành điều tra chống bán phá giá gồm:(i) Mức độ chuyển đổi tiền tệ trong nước; (ii) Mức độ tự do quyết định tiền lương thông qua đàm phán; (iii) Cơ hội cho các công ty nước ngoài tham gia liên doanh hoặc đầu tư; (iv) Sự giám sát của chính phủ liên quan đến nguyên liệu sản xuất; (v) Kiểm soát của chính phủ đối với việc phân bổ nguồn lực và các quyết định về giá cả và sản lượng của doanh nghiệp; (vi) Bất kỳ yếu tố liên quan nào khác được xác định bởi cơ quan quản lý.

Tổng thống Mỹ Joe Biden chỉ đạo tăng thuế mạnh lên hàng hóa chiến lược của Trung Quốc nhằm chống lại các “hành vi thị trường không công bằng” của nước này

Ngày 14/05, Tổng thống Biden chỉ đạo tăng thuế mạnh lên hàng hóa Trung Quốc, bao gồm các mặt hàng chiến lược như thép, nhôm, xe điện, chất bán dẫn, chip máy tính, khoáng sản quan trọng, pin mặt trời,... Mỹ cho biết việc tăng thuế nhằm chống lại các “hành vi thị trường không công bằng của Trung Quốc”. Cụ thể:

  • Tăng gấp đôi thuế đối với chất bán dẫn (từ 25% lên 50%) vào năm 2025;
  • Tăng gấp bốn lần thuế đối với xe điện (EV) (từ 25% lên 100%) trong năm 2024;
  • Thuế đối với khoáng sản quan trọng: tăng từ 0% lên 25% đối với than chì tự nhiên và nam châm vĩnh cửu vào năm 2026; tăng từ 0% lên 25% đối với các khoáng sản quan trọng khác vào năm 2025.

Campuchia và Hàn Quốc nâng cấp quan hệ lên mức Đối tác chiến lược, thúc đẩy hợp tác kinh tế mạnh mẽ hơn

Ngày 16/05, Campuchia và Hàn Quốc ra tuyên bố chung nâng cấp quan hệ song phương lên Quan hệ Đối tác Chiến lược. Quan hệ hợp tác kinh tế được hai nước nhất trí nhấn mạnh, cụ thể: tăng cường Hiệp định Thương mại Tự do Campuchia - Hàn Quốc và RCEP; Thành lập kênh tham vấn thường xuyên giữa Hội đồng Phát triển Campuchia và Đại sứ quán Hàn Quốc tại Campuchia.

Ngoài ra, hai nước còn cân nhắc xây dựng Khu kinh tế đặc biệt Campuchia - Hàn Quốc. Trong diễn đàn doanh nghiệp Campuchia - Hàn Quốc cùng ngày, Thủ tướng Hun Manet đã chủ trì ký kết Nghị định thư sửa đổi Thỏa thuận khung liên quan đến các khoản vay từ Quỹ Hợp tác Phát triển Kinh tế (EDCF) trong các năm 2022 - 2026, Bản ghi nhớ về Hợp tác Đầu tư và Bản ghi nhớ về Hợp tác Tăng cường Sở hữu Trí tuệ.

Luật pháp quốc tế

Trung Quốc công bố thủ tục thực thi pháp luật hành chính của Lực lượng Hải cảnh, không nhắc nhiều đến cách thức xử lý tàu nước ngoài vi phạm

Ngày 15/05, Hải cảnh Trung Quốc công bố “Quy định thủ tục thực thi pháp luật hành chính của cơ quan hải cảnh”. Quy định gồm 16 chương, 281 điều, quy định chi tiết về các vấn đề liên quan tới hoạt động thực thi pháp luật của hải cảnh Trung Quốc trong lĩnh vực hành chính như thủ tục kiểm tra giám sát, xử phạt, bắt giữ, xử lý khi có yếu tố nước ngoài, …

GÓC NHÌN QUỐC TẾ

Vương Thắng & Hạ Tiên Thanh: Năm điểm “đầu tiên” trong tập trận Balikatan 2024

Ngày 11/05, trong bài viết đăng trên tờ Thời báo Hoàn Cầu, Vương Thắng và Hà Tiên Thanh (Viện Nam Hải) chỉ ra năm điểm “mới” trong tập trận Balikatan 2024, gồm có (i) Cuộc tập trận được tổ chức đầu tiên ngay sau khi Philippines công bố các khái niệm an ninh mới như Chính sách An ninh Quốc gia (NSP) 2023 - 2028 hay Khái niệm Phòng thủ Quần đảo Toàn diện (Comprehensive Archipelagic Defense Concept); (ii) Phạm vi vượt quá giới hạn 12 hải lý từ lãnh thổ Philippines về hướng Biển Đông; (iii) Tiến hành đồng thời ở hướng Biển Đông và eo biển Đài Loan; (iv) Sử dụng các loại vũ khí mang tính uy hiếp như hệ thống tên lửa tầm trung Typhon; (v) Lần đàu có nhiều nước ngoài khu vực tham gia (Pháp và Úc lần đầu tham gia diễn tập trên biển ngoài phạm vi lãnh hải Philippines, 14 nước khác được mời làm quan sát viên).

Các tác giả cho rằng tình trạng này dẫn tới bốn hệ quả chính: (i) Philippines tăng cường hoạt động xâm phạm chủ quyền Trung Quốc ở Biển Đông, tăng khả năng Philippines đánh giá sai tình hình và hành động liều lĩnh; (ii) Lòng tin giữa Trung Quốc và Mỹ trong lĩnh vực quân sự sẽ giảm sút, gây ra nguy cơ đối đầu trên biển, chạy đua vũ trang; (iii) Mỹ đẩy mạnh liên kết chiến lược Biển Đông - eo Đài Loan - Hoa Đông để kiềm chế Trung Quốc; (iv) Các thế lực ngoài khu vực sẽ can dự vào Biển Đông nhiều hơn dưới danh nghĩa bảo vệ tự do hàng hải.

Việt Nam sẽ có thêm nhiều cơ hội kinh tế - thương mại nếu Mỹ công nhận Việt Nam là nước có nền kinh tế thị trường

Ngày 12/05, trang VietnamNet trích dẫn ý kiến một số chuyên gia, bình luận rằng việc Mỹ công nhận Việt Nam là nước có nền kinh tế thị trường sẽ mang lại nhiều lợi ích cho nền kinh tế Việt Nam và quan hệ song phương. Cụ thể:

  • Lê Quốc Phương (nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin Công nghiệp - Thương mại, Bộ Công Thương): Điều này sẽ dẫn đến thay đổi lớn trong vai trò, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Việc Việt Nam được coi là nền kinh tế phi thị trường trước nay đã gây ra nhiều rào cản trong hợp tác thương mại cũng như thu hút đầu tư;
  • GS.TS Đinh Trọng Thịnh (chuyên gia kinh tế): sự công nhận này mở ra nhiều cơ hội mới về hợp tác đầu tư, thương mại với nhiều đối tác khác nhau cho Việt Nam; tạo ra một góc nhìn mới về Việt Nam trong mắt các tổ chức quốc tế cũng như các đối tác tiềm năng. Nhờ đó, nền kinh tế Việt Nam sẽ tăng khả năng thu hút đầu tư, mở rộng thị trường xuất nhập khẩu với nhiều chính sách ưu đãi lớn.

Việc bị coi là nền kinh tế phi thị trường gây bất lợi rất lớn cho việc xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang Mỹ do thuế chống phá giá rất cao. Ví dụ, tôm nuôi đông lạnh nhập khẩu từ Việt Nam được Ủy ban Thương mại quốc tế của Mỹ áp thuế chống bán phá giá 25,76%, trong khi thuế áp với tôm từ Thái Lan (đã được Mỹ công nhận nền kinh tế thị trường) chỉ ở mức 5,34%. Điều này gây ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của các sản phẩm Việt Nam so với các nước khác.

Đây là thời điểm thích hợp nhất để Việt Nam thúc đẩy Mỹ công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường vì hai nước đã nâng cấp quan hệ, Mỹ cũng đang rất coi trọng quan hệ với Việt Nam nên có thể tác động nhiều đến các quan chức Mỹ trong quá trình vận động hơn.

Rahman Yaacob: Nếu rút ngắn thời hạn đàm phán, Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) sẽ không đạt được kết quả tối ưu, do đó không giải quyết được khủng hoảng Biển Đông

Ngày 15/05, Viện Lowy đăng tải bài bình luận của Tiến sĩ Rahman Yaacob về Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC). Cụ thể:

(i) Sự thiếu lòng tin giữa các bên đang ảnh hưởng đến tiến trình đàm phán COC:

  • Việc đạt đồng thuận trong phạm vi áp dụng về mặt địa lý khó khăn vì có nhiều khu vực được các bên tuyên bố chủ quyền khác nhau ở Biển Đông;
  • Một số thành viên ASEAN bị đánh giá là chậm trễ trong đàm phán, không hoàn toàn cam kết với tiến trình này, không tin rằng họ có nhiều lợi ích trong các tranh chấp. (Các nước không phải là các bên yêu sách ở Biển Đông).

(ii) Kết quả đàm phán cuối cùng của COC và hiệu quả của nó:

  • Trung Quốc sẽ không sẵn sàng ký một thỏa thuận ràng buộc về mặt pháp lý vì nước này đã tuyên bố bác bỏ kết quả phán quyết của Tòa trọng tài Phụ lục VII năm 2016. Tuy nhiên, nếu COC không ràng buộc về mặt pháp lý thì Bộ quy tắc sẽ không có giá trị gì. Ngay cả khi đạt được thỏa thuận ràng buộc về mặt pháp lý, COC cũng có thể kém hiệu quả vì không có cơ chế giám sát và xử lý mọi hành vi vi phạm;
  • ASEAN hoạt động theo quy trình ra quyết định đồng thuận. Đây sẽ là thách thức với kết quả đàm phán của COC do các thành viên có quan điểm, lợi ích khác biệt.

(iii) Kết luận:

  • Các quốc gia ASEAN không nhất thiết phải đặt ra thời hạn để đẩy nhanh tiến độ đàm phán COC bởi nó có thể tạo ra một phiên bản COC không hiệu quả;
  • Thay vào đó, các bên có yêu sách trong ASEAN nên tiếp tục xây dựng năng lực và hợp tác với các cường quốc bên ngoài khác, như Úc và Nhật Bản, để bảo vệ lợi ích hàng hải của mình.

Derek Grossman: Xung đột Israel-Palestine có lợi ích chiến lược đối với Trung Quốc; tạo cơ sở để chỉ trích Mỹ và đánh lạc hướng dư luận khỏi các "điểm nóng" Đài Loan và Biển Đông

Ngày 16/05, Nikkei Asia đăng bình luận của Derek Grossman cho rằng cuộc chiến giữa Israel-Palestine ở Gaza có lợi ích chiến lược đối với Trung Quốc do cuộc chiến giúp nước này: (i) có cơ sở để chỉ trích Mỹ và nâng cao vai trò của Trung Quốc trong quản trị toàn cầu; (ii) đánh lạc hướng dư luận khỏi các "điểm nóng" khu vực là Đài Loan và Biển Đông; (iii) tăng cường mối quan hệ Nga và Iran, (iv) tạo ra sự tương phản với Ấn Độ (ủng hộ Israel) để dẫn dắt nhóm nước Nam Bán cầu. Cụ thể:

  • Trên thực tế, quan hệ Trung Quốc - Israel đã từng tương đối tốt. Tháng 06/2023, Chủ tịch Tập Cận Bình đã mời Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu thăm Trung Quốc. Tuy nhiên, mối quan hệ song phương đang có dấu hiệu rạn nứt, đặc biệt từ sau sự kiện Hamas tấn công Israel vào tháng 10/2023. Trung Quốc không đề cập các cuộc tấn công từ Hamas hay vụ tấn công của Iran nhắm vào Israel, trong khi lại phản đối mọi hoạt động quân sự của Israel.
  • Ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc ở Trung Đông không chỉ bao gồm việc tăng cường quan hệ đối tác chiến lược với Iran mà còn có mối quan hệ chặt chẽ với Ả Rập Saudi và các quốc gia vùng Vịnh khác.

Naval News: Trung Quốc có thể đang đóng tàu sân bay chuyên phục vụ máy bay không người lái, là con tàu đầu tiên trên thế giới có thiết kế như vậy

Ngày 15/05, dựa trên đánh giá hình ảnh vệ tinh của nhà phân tích J. Michael Dahm (Mitchell Institute), tờ Naval News đặt nghi vấn Trung Quốc đóng một tàu sân bay chuyên dụng cho UAV cánh bằng (fixed-wing) tại nhà máy đóng tàu Giang Tô Đại Dương (Jiangsu Dayang Marine). Con tàu này đã hạ thủy vào tháng 12/2022. Theo phân tích, con tàu này có hình dáng tương đồng nhưng có một số điểm khác biệt so với tàu sân bay thường, gồm có: (i) Kích thước nhỏ hơn (chiều dài tương đương 1/3, chiều rộng tương đương 1/2 so với các tàu sân bay thường của Mỹ hay Trung Quốc); (ii) Thiết kế khiến máy bay không thể cất/hạ cánh cùng lúc; (iii) Không có nhà đỗ máy bay.

Theo tác giả, đây là con tàu đầu tiên có thiết kế này trên thế giới. Tuy nhiên, ngoài khả năng là tàu phục vụ UAV, bài viết cũng đặt ra giả thiết đây cũng có thể là tàu “quân xanh” dùng để thử nghiệm vũ khí.

BÌNH LUẬN VBĐ

“BIỆT ĐỘI” (SQUAD) - PHIÊN BẢN MỚI CỦA QUAD?

Ngày 03/05, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng bốn nước Mỹ, Úc, Nhật và Philippines đã tiến hành họp nhóm riêng lần thứ hai (lần đầu vào tháng 6/2023) tại Hawaii, Mỹ. Theo trang Bloomberg, quan chức Lầu Năm Góc đã đặt tên (không chính thức) cho nhóm là “Biệt đội” (SQUAD), cách chơi chữ chỉ nhóm “Bộ tứ” (QUAD) mới tập trung vào các vấn đề an ninh.

Giới quan sát đã nhanh chóng đưa ra nhiều quan điểm về SQUAD và khả năng nhóm này thay thế QUAD (Mỹ, Úc, Nhật Bản và Ấn Độ).

Một số cho rằng SQUAD có thể dần thay thế QUAD hoặc Mỹ sẽ chuyển dần đầu tư vào SQUAD thay cho QUAD, nhất là khi: QUAD có dấu hiệu đình trệ sau khi hội nghị thượng đỉnh bị hoãn vào đầu năm 2024; Ấn Độ và Mỹ đang tập trung vào bầu cử nội bộ; bốn nước (đặc biệt là Ấn Độ) có nhận thức khác biệt về mối đe dọa và ưu tiên chính sách trong khu vực...

Một số cho rằng QUAD vẫn sẽ duy trì được vai trò của mình vì: QUAD có mức độ chính thức - thể chế hóa cao hơn; QUAD tập trung hơn vào Ấn Độ Dương và eo biển Malacca còn SQUAD tập trung hơn vào Biển Đông và Hoa Đông; QUAD hướng tới an ninh phi truyền thống, trong khi SQUAD hướng tới an ninh truyền thống nên hai nhóm có thể bổ trợ cho nhau.

Dù thế nào, cả hai nhóm hiện diện song song phần nào cho thấy Mỹ và đồng minh - đối tác đang tích cực phát triển mô hình hợp tác theo nhóm vừa và nhỏ (một số gọi là “tiểu đa phương”) để mở rộng ảnh hưởng về an ninh của mình trong khu vực và chuẩn bị cho các tình huống bất trắc trong tương lai.

Bản PDF tại đây