Bản tin tuần Biển Đông (ngày 18.5-24.5.2024)
Tổng hợp tin tức nổi bật và đánh giá đa chiều về tình hình Biển Đông trong tuần.
Tổng hợp tin tức nổi bật và đánh giá đa chiều về tình hình Biển Đông trong tuần.
TIÊU ĐIỂM
TIN TỨC
Thực địa
Hải quân Mỹ và Hà Lan tập trận chung tại Biển Đông
Ngày 22/05, lực lượng hải quân Mỹ và Hà Lan đã tập trận chung tại Biển Đông. Các tàu tham gia bao gồm tàu tác chiến ven biển USS Mobile (LCS 26), tàu vận tải hải quân USNS Wally Schirra (T-AKE 8) thuộc Hạm đội 7 và khinh hạm HNLMS TROMP thuộc Hải quân Hoàng gia Hà Lan. Đây được đánh giá là cuộc tập trận hàng hải có độ phức tạp cao.
An ninh - quốc phòng
Ngày 18/05, Quân đội Philippines thông báo Chuẩn Đô đốc Alfonso Torres Jr sẽ thay thế Phó Đô Đốc Alberto Carlos làm Tư lệnh Bộ tư lệnh miền Tây. Trước đó, ông Carlos đã “xin nghỉ phép” và không thể trả lời phỏng vấn báo chí liên quan đến băng ghi âm do Đại sứ quán Trung Quốc tiết lộ. Phía Philippines khẳng định việc thay thế nằm trong kế hoạch thay đổi lãnh đạo quân đội nhằm đối phó với tình hình mới.
Ngày 18/05, Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Enrique Manalo và Đại sứ Nhật Bản tại Philippines đã ký kết giai đoạn ba của đề án Nâng cao năng lực an toàn hàng hải theo đó Nhật Bản sẽ cung cấp 425 triệu USD dưới hình thức ODA để Philippines đóng mới năm tàu tuần tra đa năng từ giờ đến 2028 cùng với 5 năm tàu hỗ trợ hậu cần. Các tàu này có chiều dài 97m và có thể thực hiện nhiều nhiệm vụ trên biển. Phía Philippines đánh giá đây sẽ là hạm đội hiện đại nhất và lớn nhất của Tuần duyên nước này.
Ngày 19/05, Wall Street Journal dẫn tin độc quyền từ quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, Mỹ đang quan ngại các hoạt đọng gián điệp từ công ty sửa chữa cáp ngầm S.B.Submarine Systems (SBSS) của Trung Quốc. Cụ thể, Ba tàu Fu Hai, Fu Tai và Bold Maverick của SBSS có dấu hiệu tắt tín hiệu định vị khi đi qua khu vực Đài Loan, Indonesia và các địa điểm ven biển khác ở châu Á. Các quan chức cảnh báo đây có thể là hoạt động gián điệp cáp ngầm liên quan đến việc chặn, thao túng hoặc giả mạo trái phép để truy cập dữ liệu thương mại và quân sự. Các công ty lớn của Mỹ như Google, Meta tuy sở hữu số lượng lớn đường cáp nhưng lại phải dựa vào các công ty xây dựng và sửa chữa nước ngoài, bao gồm các công ty từ Trung Quốc.
Chính trị - Ngoại giao
Ngày 16/05, trong tuyên bố chung giữa Nga và Trung Quốc nhân chuyến thăm Bắc Kinh của Tổng thống Nga Vladimir Putin, hai bên dành một đoạn đề cập đến vấn đề Biển Đông. Cụ thể, theo tuyên bố chung, (i) Nga ủng hộ Trung Quốc và các nước ASEAN cùng bảo vệ hòa bình, ổn định ở Biển Đông; (ii) hai bên cho rằng vấn đề Biển Đông cần được giải quyết thông qua đàm phán - hiệp thương giữa các nước trực tiếp liên quan, kiên quyết phản đối các nước bên ngoài can thiệp vào vấn đề Biển Đông; (iii) Nga ủng hộ Trung Quốc và các nước ASEAN thực hiện DOC, sớm hoàn thành COC.
Ngoài ra, tuyên bố chung lần này cũng có một số điểm đáng chú ý khác như: (i) Hai nước tái khẳng định quan hệ song phương đã vượt quá mô hình đồng minh từ thời Chiến tranh Lạnh; (ii) chỉ trích nỗ lực thay thế luật pháp quốc tế bằng “trật tự dựa trên luật lệ”; (iii) quan ngại trước các hành động của Mỹ và đồng minh như triển khai tên lửa, hệ thống phòng thủ tên lửa đến các quốc gia khác, thỏa thuận chia sẻ vũ khí hạt nhân, AUKUS, thiết lập các nhóm riêng ở châu Á - Thái Bình Dương,… Hai nước cũng phê phán Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ và hành động của NATO tác động tiêu cực đến khu vực; (iv) Nga đánh giá tích cực lập trường của Trung Quốc về vấn đề Ucraina, hoan nghênh Trung Quốc đóng vai trò trong giải quyết vấn đề Ucraina; (v) nhắc nhiều đến AI và nhu cầu hợp tác quản lý AI.
Ngày 21/05, Quan chức cấp cao của Bộ ngoại giao, Bộ quốc phòng và hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ - Ý tổ chức đối thoại song phương về khu vực Ấn - Thái, trong đó hai bên khẳng định giữ hòa bình, ổn định tại Biển Đông và eo biển Đài Loan là mục tiêu chung của hai nước tại khu vực, sẽ được thực hiện thông qua hợp tác an ninh biển ở khu vực. Ngoài ra, hai nước kêu gọi Trung Quốc ngưng chuyển hàng hóa lưỡng dụng sang Nga,..
Ngày 23/05, tại họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao, Phó Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Đoàn Khắc Việt trả lời câu hỏi của phóng viên về quan điểm của Việt Nam trước vấn đề Trung Quốc ban hành quy định cho phép lực lượng Cảnh sát biển giam giữ đối với người nước ngoài xâm phạm lãnh hải hoặc vùng biển mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền mà không qua xét xử. Ông cho biết:
"Như đã nhiều lần khẳng định, Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, phù hợp với luật pháp quốc tế, cũng như chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán đối với các vùng biển được xác lập phù hợp với Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS). Việt Nam luôn kiên quyết, kiên trì bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam tại các vùng biển, cũng như lợi ích chính đáng của công dân Việt Nam, phù hợp với UNCLOS và luật pháp của Việt Nam".
Trả lời về việc ngày 22/05 truyền thông Trung Quốc cho biết, gần đây nước này đã đưa một tàu bệnh viện đến các thực thể tại quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam để khám và điều trị cho những binh sĩ đang đồn trú tại đây, Phó Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Đoàn Khắc Việt nhấn mạnh: "Việt Nam kiên quyết phản đối mọi hoạt động vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa".
Kinh tế - kết nối
Ngày 15/05, trả lời phỏng vấn Báo Thế giới và Việt Nam, ông Choi Bundo (Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Hàn Quốc tại Việt Nam) cho biết Việt Nam là điểm đến lý tưởng của các nhà đầu tư Hàn Quốc, tuy nhiên vẫn còn cải thiện nhiều yếu tố để cải thiện môi trường đầu tư. Cụ thể:
Ngày 18/05, phát biểu trong một cuộc họp báo, ông Jean-François Tain, Bộ trưởng bên cạnh Thủ tướng Campuchia cho biết chính phủ nước này hiện đang thúc đẩy thêm làn sóng đầu tư từ Hàn Quốc vào Campuchia. Ông nhận định Campuchia sẽ là môi trường đầu tư lý tưởng của Hàn Quốc vì các lý do:
(i) Campuchia sẽ là nước có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất trong ASEAN trong năm 2024 (vượt mức 6%);
(ii) Nguồn nhân lực trẻ trung, năng động, phẩm chất tốt;
(iii) Môi trường đầu tư an toàn nhờ nền chính trị ổn định;
(iv) Cơ sở hạ tầng của Campuchia trong những năm gần đây đã có nhiều cải thiện;
(v) Campuchia hiện đang tham gia nhiều hiệp định tự do thương mại, trong đó có Hiệp định Tự do Thương mại Campuchia - Hàn Quốc và RCEP.
Luật pháp quốc tế
Ngày 15/05, Cảnh sát biển Trung Quốc thông qua quy định mới, trong đó lực lượng này được phép giam giữ không cần xét xử người nước ngoài tình nghi xâm nhập biên giới trái phép trong 60 ngày. Lệnh giam giữ này cũng áp dụng cho những ai hỗ trợ việc ra vào lãnh thổ bất hợp pháp, cư trú hoặc làm việc bất hợp pháp. Quy định được thông qua vào ngày 15/05, cùng ngày liên minh “Atin Ito” bắt đầu ra khơi tới bãi cạn Scarborough. Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos nói điều khoản này là không thể chấp nhận được và Philippines sẽ làm mọi cách để bảo vệ công dân của mình.
Cụ thể, quy định có 16 chương, 281 điều, nội dung bao trùm các lĩnh vực và các bước của công tác chấp pháp hành chính trên biển, là tiêu chuẩn cơ bản để cơ quan hải cảnh Trung Quốc triển khai công tác chấp pháp hành chính.
(i) Làm rõ các nguyên tắc cơ bản để cơ quan hải cảnh thực hiện công tác thực thi pháp luật hành chính trên biển, xác lập nguyên tắc thẩm quyền đối với các vụ án hành chính trên biển và các phương pháp giải quyết tranh chấp tài phán, đồng thời quy định các điều kiện, thủ tục và biện pháp khắc phục để phòng tránh;
(ii) Làm rõ phạm vi, phương pháp và biện pháp để cơ quan Hải cảnh thực hiện giám sát, kiểm tra tại chỗ; thiết lập các nguyên tắc và yêu cầu điều tra; thu thập chứng cứ; chuẩn hóa trình tự thực hiện các biện pháp điều tra và biện pháp cưỡng chế hành chính như trưng cầu ý kiến, điều tra, kiểm tra, giám định, phán đoán, tra cứu, lấy mẫu, thu thập chứng cứ...;
(iii) Hoàn thiện các quy định liên quan của trình tự lấy lời khai, trình tự đơn giản hóa, giải quyết nhanh chóng vụ án hành chính; làm rõ thời hiệu truy cứu hành vi vi phạm pháp luật và thời hạn giải quyết vụ việc; quy định phạm vi áp dụng phạm vi và nguyên tắc hòa giải liên quan đến quản lý an ninh hàng hải; làm rõ các yêu cầu về việc tạm giữ và xử lý tài sản liên quan đến vụ việc, chuẩn hóa các mức phạt tiền và thi hành tạm giữ hành chính;
(iv) Thiết lập các nguyên tắc cơ bản để cơ quan hải cảnh giải quyết các vụ việc hành chính liên quan đến nước ngoài, quy định các điều kiện áp dụng và thủ tục thực hiện các biện pháp bắt buộc có liên quan, đồng thời làm rõ các yêu cầu ghi lại toàn bộ quá trình thực thi pháp luật hành chính và cung cấp thông tin cho việc thực thi pháp luật và xử lý vụ việc.
Điều 11: đối với các vụ án hành chính xảy ra trong vùng biển tài phán của Trung Quốc, thẩm quyền giải quyết sẽ thuộc về cơ quan Hải cảnh nơi xảy ra vi phạm theo quy định của pháp luật;
Điều 12: đối với các vụ án hành chính xảy ra bên ngoài vùng biển tài phán của Trung Quốc, thẩm quyền giải quyết sẽ thuộc về cơ quan Hải cảnh phát hiện đầu tiên hành vi vi phạm.
Điều 105: Thông qua sự phê chuẩn của người phụ trách cơ quan Hải cảnh của Cục Hải cảnh cấp Thành phố trở lên, có thể tiến hành bắt giữ đối với các tàu thuyền nước ngoài di chuyển phi pháp vào lãnh hải hoặc các vùng biển bên trong của Trung Quốc;
Điều 257: Cơ quan Hải cảnh có thể bắt giam, điều tra người nước ngoài có nghi ngờ về xuất nhập cảnh trái phép và có tình nghi làm tổn hại an ninh và lợi ích quốc gia Trung Quốc, phá hoại trật tự công cộng xã hội, hoặc tình nghi thực hiện các hoạt động vi phạm pháp luật; thời gian bắt giam không quá 30 ngày hoặc không quá 60 ngày đối với các vụ án phức tạp và có sự phê chuẩn của cơ quan Hải cảnh cấp trên;
Điều 263: Hải cảnh Trung Quốc có thể quyết định việc hạn chế xuất cảnh đối với tổ chức hoặc cá nhân nước ngoài vi phạm “Luật đo đạc bản đồ Trung Quốc” và tiến hành đo đạc bản đồ có tình tiết nghiêm trọng trong vùng biển tài phán Trung Quốc mà chưa được sự chấp thuận hoặc chưa tiến hành hợp tác với các cơ quan/đơn vị của Trung Quốc.
Điều 101: trong khi cơ quan Hải cảnh tiến hành các vụ án hành chính, có thể thực hiện các biện pháp cưỡng chế hành chính hoặc các biện pháp cưỡng chế khác theo quy định của pháp luật gồm (i) giam giữ, tạm giữ, niêm phong đối với vật phẩm và thiết bị, đóng băng đối với các hiện vật tài chính của người tình nghi có hoạt động khủng bố; (ii) cấm rời khỏi cảng đối với tàu thuyền đang trong thời gian điều tra (iii) các biện pháp cưỡng chế khác theo quy định của pháp luật…
Điều 28: Cơ quan Hải cảnh có thể tiến hành kiểm tra và giám sát với các hoạt động trên biển, bao gồm (1) công tác sử dụng biển, (2) bảo vệ biển đảo và việc tận dụng khai thác đảo không người ở, (3) khai thác và khảo sát tài nguyên khoáng sản biển, (4) xây dựng và bảo vệ cáp quang và đường ống dưới biển, (5) đo lượng và khảo sát trên biển, (6) hoạt động vẽ bản đồ biển cơ bản, (7) nghiên cứu khoa học biển liên quan đến nước ngoài, (8) xây dựng công trình trên biển và các hoạt động làm ô nhiễm môi trường biển;
Điều 33: trong quá trình giám sát và kiểm tra đối với hoạt động sản xuất và tác nghiệp trên biển, cơ quan Hải cảnh có quyền lên thuyền và tiến hành kiểm tra theo quy định pháp luật đối với các hoạt động di chuyển hàng hải, dừng đỗ, tác nghiệp của tàu thuyền và giàn khoan dầu khí trên biển. Đối với các trường hợp không hợp tác hoặc bỏ chạt, cơ quan Hải cảnh có quyền thực hiện các biện pháp bắt buộc để tiến hành ngăn chặn và truy duổi. Đối với việc lên thuyền, kiểm tra, ngăn chặn, truy đuổi tàu thuyền nước ngoài cần tôn trọng các điều ước quốc tế mà Trung Quốc đã ký kết.
Ngày 21/05, Tòa án Luật Biển quốc tế (ITLOS) đã ra Ý kiến tư vấn đối với Yêu cầu xin ý kiến tư vấn về biến đổi khí hậu và luật quốc tế do Ủy ban Các quốc đảo nhỏ (COSIS) đệ trình. Tòa ITLOS xác định rằng UNCLOS 1982 yêu cầu 169 Quốc gia thành viên phải thực hiện các bước cụ thể để ngăn chặn, giảm thiểu và kiểm soát ô nhiễm môi trường biển do phát thải khí nhà kính. Đây là lần đầu tiên một cơ quan tài phán quốc tế ra kết luận về nghĩa vụ pháp lý quốc tế của các quốc gia trong việc giảm thiểu biến đổi khí hậu.
Trước đó, ngày 12/12/2022, COSIS đã đệ trình hai câu hỏi xin ý kiến tư vấn lên Tòa ITLOS:
Các Quốc gia thành viên UNCLOS có những nghĩa vụ cụ thể gì (bao gồm theo Phần XVII) đối với:
(1) Việc ngăn ngừa, giảm thiểu và kiểm soát ô nhiễm môi trường biển liên quan đến các tác động có hại là kết quả hoặc có khả năng là kết quả của biến đổi khí hậu, bao gồm sự nóng lên của đại dương, mực nước biển dâng và axit hóa đại dương do phát thải khí nhà kính vào khí quyển;
(2) Việc bảo vệ và bảo tồn môi trường biển trước các tác động của biến đổi khí hậu, bao gồm hiện tượng nóng lên của đại dương, mực nước biển dâng và axit hóa đại dương?
* Tóm tắt nội dung của Ý kiến tư vấn:
=> Điều 2(2) của Thỏa thuận Ủy ban Các quốc đảo nhỏ (COSIS) quy định Ủy ban có quyền yêu cầu ý kiến tư vấn từ Tòa ITLOS về bất kỳ vấn đề pháp lý nào trong phạm vi UNCLOS. Do đó, Tòa ITLOS kết luận rằng Thỏa thuận COSIS đã “trao thẩm quyền cho Tòa”. Ngoài ra, Tòa cũng cho biết hầu hết các bên tham gia thủ tục xin ý kiến đều nhất trí với thẩm quyền cho ý kiến tư vấn của Tòa.
=> Tòa kết luận: (1) Thỏa thuận COSIS được thiết lập với mục đích giải quyết vấn đề khí thải nhà kính đối với môi trường biển. Do đó, Thỏa thuận COSIS là một thỏa thuận quốc tế liên quan đến mục đích của UNCLOS; (2) Yêu cầu xin ý kiến tư vấn được đệ trình bởi Chủ tọa của COSIS trong Cuộc họp thứ ba (ngày 26/8/2022); (3) Các câu hỏi xin ý kiến tư vấn là câu hỏi pháp lý, yêu cầu giải thích các điều khoản liên quan của UNCLOS và các quy tắc khác của luật quốc tế
Kết luận: Từ các quy định và lập luận trên, Tòa ITLOS kết luận Tòa có thẩm quyền cho ý kiến tư vấn đối với vụ việc này.
GÓC NHÌN QUỐC TẾ
Ngày 18/05, DingDuo và Chen Xiangmiao (Viện Nghiên cứu Nam Hải) bình luận về việc Cục Hải cảnh Trung Quốc ban hành "Quy định về Trình tự Chấp pháp Hành chính của Cơ quan Hải cảnh", cho rằng:
(i) Philippines cố ý thổi phồng, bẻ cong sự thật và cố ý bôi nhọ về Quy định của Trung Quốc;
(ii) Quy định là các quy phạm và trình tự cơ căn cứ vào nhu cầu về xây dựng và thực hiện chế độ của Hải cảnh Trung Quốc, các nước không nên giải thích quá mức về điều này;
(iii) Quy định sẽ khiến công tác chấp pháp hành chính và toàn bộ quá trình xử lý sẽ càng có thẩm quyền, chuẩn mực và chuyên nghiệp hơn;
(iv) Quy định để làm rõ căn cứ pháp luật cho Hải cảnh Trung Quốc thực thi chấp pháp hành chính trên biển, không nhắm đến các vùng biển như bãi cạn Scarborough, Bãi Cỏ Mây, cũng như nhắm đến các hoạt động cụ thể nào;
(v) Scaborough - Hoàng Nham là lãnh thổ cố hữu của Trung Quốc, bất luận Quy định có được đưa ra hay không thì chỉ cần xâm phạm chủ quyền và quyền tài phán của Trung Quốc, nước này sẽ thực hiện các biện pháp cần thiết.
Ngày 18/05, trang mạng China.com đưa bình luận cho biết Quy định (i) có mục đích điều chỉnh hành vi thực thi pháp luật của Hải cảnh, đảm bảo thực hiện quyền hạn theo quy định của pháp luật, bảo vệ quyền lợi chính đáng của công dân, pháp nhân và các tổ chức khác; (ii) thiết lập các nguyên tắc cơ bản để giải quyết các vụ việc hành chính liên quan đến nước ngoài, xác định điều kiện áp dụng và thủ tục thực hiện các biện pháp bắt buộc có liên quan, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng minh bạch hồ sơ và thông tin hóa việc thực thi pháp luật trong quá trình thực thi pháp luật hành chính, v.v. nâng cao tính quy phạm và minh bạch của việc thực thi pháp luật của cơ quan Hải cảnh.
Ngày 22/05, Nam Hoa Nhật báo đưa tin một nhóm các nhà khoa học tại Học viện Hải dương Trung Quốc đã xuất bản nghiên cứu về khả năng xây dựng công trình ngầm quy mô lớn ở Vành Khăn, Xu Bi và Chữ Thập (Trường Sa). Nghiên cứu đề xuất bơm hỗn hợp dạng xi măng trộn vào lòng đất, giúp tạo độ cứng dưới lớp cát san hô. Các nhà nghiên cứu kỳ vọng có thể giúp tăng không gian sử dụng, đối phó với tình trạng đông đúc trên các căn cứ, cũng như tạo môi trường sinh hoạt tốt hơn cho binh sĩ Trung Quốc.
Hình minh họa:
BÌNH LUẬN VIỆN BIỂN ĐÔNG
TUYÊN BỐ CHUNG NGA - TRUNG THÁNG 5/2024 NHẮC GÌ ĐẾN BIỂN ĐÔNG?
Nhân chuyến thăm Trung Quốc của Tổng thống Nga Vladimir Putin tháng 5/2024, hai nước ra tuyên bố chung “Về việc làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện thời đại mới nhân 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao”. Tuyên bố chung lần này có một số điểm đáng chú ý liên quan đến Biển Đông: (i) Nga ủng hộ Trung Quốc & các nước ASEAN cùng bảo vệ hòa bình & ổn định ở Biển Đông, thực hiện DOC & sớm hoàn thành COC; (ii) Hai bên cho rằng vấn đề Biển Đông cần được giải quyết thông qua đàm phán - hiệp thương giữa các nước trực tiếp liên quan, phản đối các nước bên ngoài can thiệp vào vấn đề Biển Đông.
Đây là lần thứ hai kể từ năm 2016 hai bên đưa vấn đề Biển Đông vào Tuyên bố song phương cấp nguyên thủ. Tuy nhiên, lời lẽ giữa hai văn bản có sự khác biệt. Năm 2016 hai bên đã đề cập đến việc phản đối can thiệp từ bên ngoài & quốc tế hóa vấn đề Biển Đông nhưng nhắc đến cả yêu cầu “duy trì trập tự pháp lý trên biển dựa trên các nguyên tắc của luật pháp quốc tế & quy định của UNCLOS 1982”. Năm 2016 cũng là lần cuối UNCLOS xuất hiện trong tuyên bố chung Trung - Nga.
Trước đây Tổng thống Putin cũng từng một số lần bày tỏ phản đối các nước bên ngoài can thiệp vào Biển Đông. Tuyên bố chung 2024 cho thấy quan điểm của Nga phần nào nghiêng gần hơn về phía Trung Quốc, thể hiện mối quan hệ khăng khí hơn giữa hai bên trong những năm gần đây, nhất là từ sau khi Nga triển khai “chiến dịch quân sự đặc biệt” tại Ucraina.
Bản PDF tại đây
Tổng hợp tin tức nổi bật và đánh giá đa chiều về tình hình Biển Đông trong tuần.
Tổng hợp tin tức nổi bật và đánh giá đa chiều về tình hình Biển Đông trong tuần.
Tổng hợp tin tức nổi bật và đánh giá đa chiều về tình hình Biển Đông trong tuần.
Tổng hợp tin tức nổi bật và đánh giá đa chiều về tình hình Biển Đông trong tuần.
Tổng hợp tin tức nổi bật và đánh giá đa chiều về tình hình Biển Đông trong tuần.
Tổng hợp tin tức nổi bật và đánh giá đa chiều về tình hình Biển Đông trong tuần.