Bản tin tuần Biển Đông (ngày 4.5-10.5.2024)

TIÊU ĐIỂM

  1. Hạm Đội miền Đông Hải quân Ấn Độ ở Biển Đông cử ba tàu Hải quân tới Singapore, Malaysia, Philippines
  2. Mỹ tiến hành hoạt động tự do hàng hải (FONOP) gần quần đảo Hoàng Sa; FONOP đầu tiên của Mỹ tại Biển Đông trong năm 2024
  3. Trung Quốc nói về "thỏa thuận" năm 2016 với Philippines về quyền tiếp cận các đảo ở Biển Đông
  4. Hội đồng An ninh Quốc gia Philippines kêu gọi Bộ Ngoại giao có hành động thích hợp đối với Đại sứ quán Trung Quốc vì tung đoạn ghi âm với thông tin sai lệch, gây bất hòa, vi phạm chuẩn mực cơ bản về ngoại giao, vi phạm luật pháp Philppines và Công ước Viên về Quan hệ Ngoại giao, đề nghị trục xuất cá nhân có trách nhiệm
  5. Tổng thống Philippines Ferdinand R. Marcos sẽ không trang bị vòi rồng cho các tàu Cảnh sát biển Philippines để trả đũa các hành động hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông

 

TIN TỨC

THỰC ĐỊA

Hạm Đội miền Đông Hải quân Ấn Độ ở Biển Đông cử ba tàu Hải quân tới thăm Singapore, Malaysia, Philippines

Ngày 07/05, ba tàu Hải quân, INS Delhi, INS Shakti và INS Kiltan do Chuẩn Đô đốc Rajesh Dhankhar lãnh đạo đã đến Singapore và tham gia trao đổi về an ninh hàng hải với Hải quân Singapore. Đây là một phần của việc thực hiện chương trình Triển khai Vận hành (Operational Deployment) của Hạm đội miền Đông của nước này tại Biển Đông. Hiện tại chưa rõ các hoạt động cụ thể của các tàu này tại Biển Đông, song có thông tin là các tàu sẽ thăm Singapore, Malaysia và Philippines và có thể sẽ tham gia một số cuộc tập trận chung.

Mỹ điều tàu khu trục USS Halsey qua eo biển Đài Loan - lần thứ ba trong năm 2024

Ngày 08/05, Hạm đội 7 Hải quân Mỹ cho biết tàu khu trục USS Halsey đã đi qua eo biển Đài Loan. Theo Hải quân Mỹ, đây là vùng biển "nằm ngoài lãnh hải của các quốc gia nơi tự do hàng hải và hàng không trên biển được áp dụng theo luật quốc tế”. Đây là lần thứ ba Mỹ điều tàu chiến qua eo Đài Loan trong năm 2024. Tàu khu trục USS Halsey từng được điều 1 lần vào 30/08/2020.

Thông tấn xã Trung ương Đài Loan (CNA): Khoảng 20 nghị sĩ Quốc Dân Đảng và Đảng Dân Chúng dự kiến có chuyến bay đến thăm đảo Ba Bình vào ngày 18/05 để thăm bến cảng mới

Ngày 09/05, Thông tấn xã Trung ương Đài Loan đưa tin khoảng 20 nghị sĩ Quốc Dân Đảng và Đảng Dân Chúng dự kiến có chuyến bay đến thăm đảo Ba Bình vào ngày 18/05 để thăm bến cảng mới. Dân Tiến Đảng không có nghị sĩ nào tham gia. Mã Văn Quân, nghị sĩ của Quốc Dân Đảng là trưởng đoàn. Đoàn kiểm tra ban đầu dự kiến ​​khởi hành vào ngày 16/05, tuy nhiên Viện Lập pháp sẽ tiến hành bỏ phiếu về các dự luật quan trọng vào ngày 17, nên ngày thăm đảo đã bị hoãn lại sang ngày 18/05.

Trước đó, Cựu Tổng thống Mã Anh Cửu cho biết ông hi vọng Tân Tổng thống Lại Thanh Đức sẽ suy nghĩ kỹ về việc đích thân đến thăm đảo Ba Bình để bảo vệ lợi ích quốc gia và khích lệ tinh thần dân quân trên đảo. Việc Tổng thống Đài Loan đến thăm đảo sẽ thể hiện thái độ, lập trường của Đài Loan đối với đảo Ba Bình.

Campuchia sẽ tổ chức tập trận chung Rồng Vàng 2024 từ ngày 16/05 về chống khủng bố và cứu nạn với sự tham gia của bốn tàu của Trung Quốc

Trung Quốc và Campuchia sẽ tiến hành tập trận Rồng Vàng lần thứ sáu từ ngày 16 - 30/05 với chủ đề "chống khủng bố và cứu nạn" ở ngoài khơi Sihanoukville. Đây sẽ là cuộc tập trận trên biển lớn nhất từ trước tới nay giữa Trung Quốc và Campuchia với sự tham gia của bốn tàu Hải quân Trung Quốc. Hai trong số các tàu này đã đậu ở quân cảng Ream suốt năm tháng nay. Ngoài ra, hai tàu Trung Quốc là tàu huấn luyện Qijiguang và tàu đổ bộ Jinggangshan đang trên đường từ Trung Quốc tới Campuchia. Sau khi tập trận hai tàu này sẽ lên đường đi Đông Timor.

Mỹ tiến hành hoạt động tự do hàng hải (FONOP) gần quần đảo Hoàng Sa; FONOP đầu tiên của Mỹ tại Biển Đông trong năm 2024

Ngày 10/05, Hãm đội 7 của Mỹ cung cấp thông tin, tàu USS Halsey (DDG 97) đã tiến hành hoạt động tự do hàng hải (FONOP) gần quần đảo Hoàng Sa. Đây là FONOP đầu tiên của Mỹ tại Biển Đông trong năm 2024.

CHÍNH TRỊ - NGOẠI GIAO

Trung Quốc nói về "thỏa thuận" năm 2016 với Philippines về quyền tiếp cận các đảo ở Biển Đông

Ngày 04/05, lần đầu tiên Trung Quốc công bố “thỏa thuận bất thành văn” năm 2016 với Philippines về quyền tiếp cận các đảo ở Biển Đông.

Đại sứ quán Trung Quốc tại Manila cho biết “thỏa thuận đặc biệt tạm thời” đã được hai nước đồng ý trong chuyến thăm Bắc Kinh của cựu Tổng thống Rodrigo Duterte, theo đó Philippines được đánh bắt cá quy mô nhỏ quanh các đảo nhưng hạn chế quyền tiếp cận của quân đội, lực lượng tuần duyên và các máy bay, các tàu chính thức khác tới giới hạn lãnh hải 12 hải lý (22 km) lãnh hải.

Theo tuyên bố của Đại sứ quán Trung tại Manila, Philippines đã tôn trọng thỏa thuận trong suốt bảy năm. Tuy nhiên, việc Philippines sau đó từ bỏ tuân thủ thỏa thuận là nguyên nhân cơ bản dẫn đến gia tăng căng thẳng giữa Trung Quốc và Philippine trên Biển Đông.

Philippines khẳng định các tuyên bố của Trung Quốc về “mô hình mới” giải quyết vấn đề trên Biển Đông là vô lý; Philippines không cam kết bất kỳ đề xuất nào ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia

Ngày 05/05, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Gilberto Teodoro Jr và Cố vấn An ninh Quốc gia Eduardo Ano phủ nhận tuyên bố của Trung Quốc rằng Philippines đã đồng ý một “mô hình mới” để giải quyết các tranh chấp trên Biển Đông giữa hai nước. Ông Teodoro gọi tuyên bố của Trung Quốc là “âm mưu quỷ quyệt”; ông Ano cho rằng tuyên bố của Trung Quốc “hoàn toàn vô lý và lố bịch”.

Trước đó, ngày 04/05, Đại sứ quán Trung Quốc tại Philippines cho biết Lực lượng vũ trang Philippines - Bộ chỉ huy miền Tây (AFP WESCOM) và chính quyền Trung Quốc đã nhất trí về một “mô hình mới” về ứng xử của hai nước ở Bãi Cỏ Mây. Theo một phát ngôn viên giấu tên của đại sứ quán, “mô hình mới” này đã được các quan chức trong Bộ Quốc phòng và Cố vấn An ninh Quốc gia Philippines Philippines phê duyệt. Tuy nhiên, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Teodoro cho biết Bộ Quốc phòng nước này không biết và cũng không tham gia bất kỳ thỏa thuận nào với Trung Quốc về Bãi Cỏ Mây kể từ khi Tổng thống Ferdinand R. Marcos, Jr., nhậm chức.

Quốc vương mới đăng quang của Malaysia có chuyến công du nước ngoài đầu tiên đến Singapore: dấu hiệu tốt cho quan hệ giữa Singapore và Malaysia, đặc biệt là với bang Johor

Ông Ibrahim Iskandar, Quốc vương mới đăng quang của Malaysia, vốn là Tiểu vương Johor, vừa đăng quang ngày 31/01/2024 đã có chuyến thăm Singapore từ ngày 05 - 06/05. Đây là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của Quốc vương Malaysia, đúng vào thời điểm Singapore cũng đang chuyển giao lãnh đạo sang Thủ tướng Lawrence Wong. Tại Singapore, ông Iskandar sẽ gặp Tổng thống Singapore Tharman Shanmugaratnam, Thủ tướng Lí Hiển Long,  Phó Thủ tướng Lawrence Wong và Chủ tịch Quốc hội Seah Kian Peng. Ông sẽ thị sát tiến độ của dự án đường kết nối nhanh giữa Singapore và bang Johor của Malaysia.

Tổng thống Philippines Ferdinand R. Marcos sẽ không trang bị vòi rồng cho các tàu Cảnh sát biển Philippines để trả đũa các hành động hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông

Ngày 06/05, trả lời phỏng vấn của Thông tấn xã Philippines, Tổng thống Philippines Ferdinand R. Marcos cho biết ông sẽ không cho phép các tàu Philippines trang bị vòi rồng để trả đũa các hành động hung hăng của Trung Quốc ở Biển Tây Philippines. Ông cho biết nhiệm vụ của các tàu Cảnh sát biển Philippines là duy trì sự hiện diện ở Biển Tây Philippines và khẳng định chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Philippines, đồng thời không gây thiệt hại cho các tàu khác, không làm leo thang căng thẳng.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc cung cấp thêm thông tin về "thỏa thuận quân tử" hay "mô hình mới" về Bãi Cỏ Mây giữa Philippines và Trung Quốc

Ngày 06/05, trả lời câu hỏi của phóng viên về 'thỏa thuận bất thành văn" hay "mô hình mới" tại Bãi cạn Second Thomas, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lâm Kiếm cho biết, Trung Quốc luôn cam kết giải quyết các tranh chấp biển với Philippines, gồm vấn đề Bãi Cỏ Mây thông qua đối thoại và tham vấn. Dù là “thỏa thuận quân tử”, "sự đồng thuận nội bộ" hay “mô hình mới”, tất cả đều phản ánh nỗ lực và sự chân thành của Trung Quốc trong vấn đề này. Ông cũng cung cấp thêm một số thông tin về "thỏa thuận quân tử":

  1. Cuối năm 2021, Trung Quốc và Philippines đã đạt được “thỏa thuận quân tử” sau quá trình trao đổi và đàm phán chuyên sâu. Trong những ngày đầu của chính phủ Philippines hiện nay, hai bên tiếp tục thực hiện “thỏa thuận quân tử” cho đến tháng 02/2023 khi Philippines không còn tuân thủ nữa;
  2. Tháng 09/2023, Trung Quốc đã mời đặc phái viên Philippines tại Trung Quốc đến tham vấn, hai bên đã đạt được sự đồng thuận nội bộ về việc quản lý và kiểm soát tình hình tại Bãi Cỏ Mây. Thỏa thuận này đã được lãnh đạo Philippines chấp thuận và được thực hiện một lần trong quá trình tiếp tế Bãi Cỏ Mây, và sau đó bị Philippines từ bỏ;
  3. Đầu năm 2024, Trung Quốc đã nhiều lần tổ chức các cuộc thảo luận với Bộ tư lệnh miền Tây Philippines thông qua các kênh ngoại giao và đạt được “mô hình mới” về tiếp tế tại Bãi Cỏ Mây. Quân đội Philippines nhiều lần khẳng định "mô hình mới" đã được toàn bộ hệ thống chỉ huy, bao gồm Bộ trưởng Quốc phòng và Cố vấn An ninh Quốc gia Philippines chấp thuận. “Mô hình mới” được Philippines thực hiện một lần vào ngày 02/02 và sau đó bị Philippines từ bỏ.

Bộ trưởng Quốc phòng và Cố vấn An ninh Quốc gia Philippines phủ nhận có “thỏa thuận kiểu mẫu mới” với Trung Quốc, báo chí nói phía Philippines chỉ nhắc đến “cách tiếp cận ngoại giao” để giải quyết vấn đề Biển Đông

Ngày 06/05, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Gilberto Teodoro Jnr và Cố vấn An ninh Quốc gia Eduardo M. Año đã ra các tuyên bố phủ nhận Philippines chấp nhận “thỏa thuận kiểu mẫu mới” với Trung Quốc. Báo chí Philippines đưa tin nói Đại sứ Trung Quốc Hoàng Tích Liên có gặp Phó Đô đốc Philippines Alberto Carlos tháng 7 năm ngoái nhưng ông này chỉ nhắc đến “cách tiếp cận ngoại giao” để giải quyết tranh chấp Biển Đông. Hội đồng An ninh Quốc gia cho biết sẽ để quân đội Philippines xem xét có điều tra ông Carlos về vấn đề này không.

Đại sứ quán Trung Quốc tại Philippines công bố đoạn ghi âm thỏa thuận về kiểm soát tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông giữa Trung Quốc và Philippines

Ngày 07/05, Đại sứ quán Trung Quốc tại Philippines đã công bố nội dung liên quan trong cuộc trao đổi giữa Trung Quốc và Philippines về việc quản lý và kiểm soát tình hình tại Bãi Cỏ Mây theo mô hình mới: Philippines sẽ cử ít tàu hơn cho các nhiệm vụ tiếp tế binh lính trên bãi Cỏ Mây và báo trước cho phía Trung Quốc thời gian tiến hành các nhiệm vụ này. Báo Manila Times đưa ra bản chép lời của cuộc gọi được cho là giữa lãnh đạo Mặt trận phía Tây của Quân đội Philippines (Wescom) Alberto Carlos và một quan chức Đại sứ quán Trung Quốc. Ông Carlos được cho là đã đồng ý đề xuất của Trung Quốc về "mô hình mới" nêu trên. Tuy nhiên, phía Philippines phủ nhận thông tin này.

Bộ Ngoại giao Philippines ra tuyên bố liên quan đến việc Trung Quốc tung ghi âm về "mô hình mới" ở Bãi Cỏ Mây, cảnh báo dư luận không nên tin những tường thuật sai sự thật, yêu cầu các nhà ngoại giao Trung Quốc tuân thủ Điều 41 Công ước Viên 1961 về Quan hệ Ngoại giao

Ngày 09/05, Bộ Ngoại giao Philippines ra tuyên bố liên quan đến việc nhà ngoại giao Trung Quốc tung đoạn ghi âm được cho là cuộc trò chuyện giữa người đứng đầu Lực lượng vũ trang của Bộ Tư lệnh miền Tây Philippines (AFP-WESCOM) và một nhà ngoại giao Trung Quốc liên quan đến thỏa thuận được cho là "mô hình mới" về Bãi Cỏ Mây.

Bộ Ngoại giao Philippines cảnh báo dư luận không nên tin những lời tường thuật sai sự thật. Việc sử dụng các "chiến thuật" như công bố các bản ghi âm không thể xác minh được về các cuộc trò chuyện được cho là với các quan chức Philippines mà thể hiện nỗ lực gây ra bất hòa và chia rẽ các cơ quan Philippines với công chúng nước này.

Bộ Ngoại giao Philippines cũng cho biết các nhà ngoại giao phải tuân thủ nghiêm ngặt Công ước Viên về Quan hệ Ngoại giao (VCDR) năm 1961, đặc biệt là Điều 41, trong đó nêu rõ rằng "...nghĩa vụ của tất cả mọi người...là tôn trọng luật pháp và quy định của nước sở tại và có nghĩa vụ không can thiệp vào công việc nội bộ của quốc gia đó."

Trước đó, ngày 08/05, Bộ trưởng Quốc phòng Gilberto Teodoro Jr. cho biết nếu sự việc ghi âm là đúng, thì Trung Quốc đã vi phạm luật ngoại giao trong quan hệ quốc tế và đã vi phạm pháp luật khi không phối hợp với Bộ Ngoại giao Philippines vì họ đã hoạt động ngầm. Ông cũng viện dẫn Đạo luật Cộng hòa 4200 hoặc Luật chống nghe lén quy định bất kỳ người nào, không có sự đồng ý của tất cả các bên liên quan thì không được sử dụng bất kỳ thiết bị hoặc sự sắp xếp nào khác để bí mật nghe lén, chặn hoặc ghi lại bất kỳ liên lạc riêng tư của người khác. Cùng ngày, Tham mưu trưởng Lực lượng vũ trang Philippines Gen Romeo S Brawner Jr cho biết bản ghi âm có thể dễ dàng được chế tạo giả mạo. Những báo cáo này chỉ nhằm mục đích đánh lạc hướng hành vi hung hăng đang diễn ra của Hải cảnh Trung Quốc ở Biển Tây Philippines.

Hội đồng An ninh Quốc gia Philippines kêu gọi Bộ Ngoại giao có hành động thích hợp đối với Đại sứ quán Trung Quốc vì tung đoạn ghi âm với thông tin sai lệch, gây bất hòa, vi phạm chuẩn mực cơ bản về ngoại giao, vi phạm luật pháp Philppines và Công ước Viên về Quan hệ Ngoại giao, đề nghị trục xuất cá nhân có trách nhiệm

Ngày 10/05, sau khi Đại sứ quán Trung Quốc tung cuộc trò chuyện liên quan đến "mô hình mới" mà Trung Quốc đưa ra ở Bãi Cỏ Mây, Cố vấn An ninh Quốc gia Philippines Eduardo M. Año đã ra tuyên bố:

  1. Hội đồng An ninh Quốc gia cùng với Bộ trưởng Gilberto Teodoro kêu gọi Bộ Ngoại giao có hành động thích hợp đối với các cá nhân trong Đại sứ quán Trung Quốc, những người đã tung bản ghi âm cuộc trò chuyện qua điện thoại giữa một nhà ngoại giao Trung Quốc và một quan chức quốc phòng. Điều này vi phạm luật pháp Philippines, đặc biệt là Đạo luật chống nghe lén, cũng như vi phạm nghiêm trọng các nghi thức và công ước ngoại giao;
  2. Các hành vi lặp đi lặp lại của Đại sứ quán Trung Quốc nhằm phổ biến thông tin sai lệch, gồm phát hành bản ghi âm hoặc bản ghi âm giả mạo các cuộc trò chuyện giữa các quan chức của nước sở tại sẽ không được phép được dung thứ, phải bị trừng phạt nghiêm khắc;
  3. Hội đồng An ninh Quốc gia nhấn mạnh rằng việc Đại sứ quán CHND Trung Hoa tung ra những thông tin sai lệch là bôi nhọ và gây bất hòa, chia rẽ, mất đoàn kết giữa chính phủ và người dân Philippines. Đây là những hành vi vi phạm nghiêm trọng các chuẩn mực cơ bản về quan hệ quốc tế và ngoại giao của các CQĐD;
  4. Việc bỏ qua các kênh và nghi thức chính thức, lâu đời, thay vào đó là nói chuyện với các quan chức không có thẩm quyền hoặc không có thiện chí, cùng với việc tuyên bố ác ý rằng các cuộc thảo luận ràng buộc chính phủ Philippines là điều lố bịch và liều lĩnh;
  5. Những cá nhân trong Đại sứ quán Trung Quốc phải chịu trách nhiệm vì vi phạm luật pháp Philippines và Công ước Viên về Quan hệ Ngoại giao cũng như những người chịu trách nhiệm về các hoạt động can thiệp và ảnh hưởng ác ý này phải bị trục xuất khỏi đất nước ngay lập tức.

KINH TẾ - PHÁT TRIỂN

Campuchia kỳ vọng sẽ thu được 88 triệu USD (hơn 2.235 tỉ đồng)/năm từ vận tải qua kênh đào Phù Nam-Techo vào năm 2050

Phó thủ tướng Campuchia kiêm Phó chủ tịch thứ nhất Hội đồng Phát triển Campuchia Sun Chanthol cho biết Campuchia kỳ vọng sẽ thu được 88 triệu USD (hơn 2.235 tỉ đồng)/năm từ vận tải qua kênh đào Phù Nam-Techo vào năm 2050 và sau đó đạt 570 triệu USD/năm.

Ông Sun Chanthol nhấn mạnh dựa trên tính toán Tỷ suất hoàn vốn nội bộ (EIRR), dự án kênh đào Phù Nam-Techo dự kiến sẽ mang lại nhiều lợi ích cho nền kinh tế Campuchia như việc làm, nguồn thu ngân sách quốc gia từ thuế, đô thị hóa, xây dựng và bất động sản. Với tất cả các dự án, Bộ Kinh tế và Tài chính CPC hoặc Ngân hàng Thế giới chỉ cấp vốn nếu EIRR đạt ngưỡng tối thiểu là 12%. Tuy nhiên, đối với Dự án Kênh đào Phù Nam-Techo, EIRR là 30% nên triển vọng tài chính rất mạnh mẽ.

Mỹ trừng phạt công ty Trung Quốc liên quan đến vụ khinh khí cầu do thám

Ngày 09/05, Chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden vừa đưa thêm 37 tổ chức của Trung Quốc vào danh sách hạn chế thương mại, bao gồm những công ty bị nghi ngờ hỗ trợ khinh khí cầu do thám bay qua không phận Mỹ năm ngoái.

Bộ Thương mại Mỹ đã đưa một số đơn vị của Tập đoàn Công nghệ Điện tử Trung Quốc vào danh sách trên, với cáo buộc sao chép công nghệ Mỹ để phát triển năng lực công nghệ lượng tử của Trung Quốc. Mỹ cho rằng điều này có thể gây hậu quả nghiêm trọng cho an ninh quốc gia của Mỹ vì có thể ứng dụng vào quân sự.

GÓC NHÌN QUỐC TẾ

Lye Liang Fook: Campuchia đa dạng hóa quan hệ với các nước phương Tây dưới thời Thủ tướng Hun Manet, nhưng Trung Quốc vẫn là đối tác quan trọng hàng đầu của Campuchia

Ngày 03/05, học giả Lye Liang Fook đăng bài trên Fulcrum, bình luận rằng mặc dù Campuchia thể hiện những động thái cởi mở với phương Tây và nỗ lực đa dạng hóa quan hệ quốc tế, song Trung Quốc vẫn có vai trò là đối tác quan trọng hàng đầu của nước này. Cụ thể:

  1. Trung Quốc có mối quan hệ gần gũi với các thành viên Đảng Nhân dân Campuchia. Do đó, các thỏa thuận hợp tác có thể được trao đổi trực tiếp với tầng lớp tinh hoa chính trị Campuchia. Trái lại, các nước phương Tây vẫn cần thông qua cơ chế từ dưới lên trên, gồm các thủ tục hành chính rườm rà nên mất nhiều thời gian và khó được thông duyệt hơn. Điều này càng củng cố vị trí của Trung Quốc như nhà đầu tư và đối tác hàng đầu của Campuchia;
  2. Trung Quốc vẫn duy trì “đối thoại chiến lược” với Hun Sen, Cụ thể: i) Trung Quốc mời Hun Sen tham gia Diễn đàn Bác Ngao 2024; ii) Vương Nghị điện đàm với Hun Sen trong chuyến thăm Campuchia tháng 04/2024. Điều này thể hiện rằng từ phía Trung Quốc, cả Hun Sen, Hun Manet và Sihamoni đều đóng vai trò quan trọng để duy trì ảnh hưởng tại Campuchia;
  3. Ký ức lịch sử cũng ảnh hưởng đến tư duy hoạch định CSĐN hiện tại của Campuchia. Việc ASEAN không giải quyết hiệu quả tranh chấp Preah Vihear, cùng quan hệ thăng trầm với Thái Lan và Việt Nam cũng khiến Campuchia dựa vào Trung Quốc nhiều hơn.

Tommy Koh: Cả Mỹ và Trung Quốc đều thất bại trong cuộc đua tranh giành ảnh hưởng ở Đông Nam Á

Ngày 08/05, The Straits Time đăng bài viết của học giả Tommy Koh, Chủ tịch Ban Cố vấn Quốc tế của Trung tâm Luật Quốc tế, Đại học Quốc gia Singapore. Trong bài viết, ông bình luận rằng cả Mỹ và Trung Quốc đều không chiến thắng trong cuộc đua tranh giành ảnh hưởng ở Đông Nam Á. Cụ thể:

  1. Trung Quốc mặc dù có ảnh hưởng nhất (theo báo cáo của ISEAS) nhưng không đáng tin cậy

1.1. Yếu tố ảnh hưởng:

  • Về ảnh hưởng kinh tế, Trung Quốc nhận được 59,5% và Mỹ chỉ 14,3%. Ảnh hưởng kinh tế của Nhật Bản, Liên minh châu Âu, Ấn Độ, Hàn Quốc, Úc và Vương quốc Anh là không đáng kể;
  • Về ảnh hưởng chính trị, Trung Quốc cũng đứng số 1, với 43,9%. Mỹ đứng ở vị trí thứ hai với chỉ 25,8%. Các quốc gia khác, bao gồm cả Nhật Bản, hầu như không có bất kỳ ảnh hưởng nào;

1.2. Yếu tố lòng tin:

  • Về mức độ tin cậy, Trung Quốc đứng đầu bảng xếp hạng về mức độ không tin cậy, với số điểm 50,1%. Trong khi Nhật Bản là quốc gia được tin cậy nhất với 58,9%. Mỹ đứng ở vị trí thứ hai với 42,4%, tiếp theo là EU với 41,5%. Trung Quốc đứng ở vị trí thứ tư với chỉ 24,8%;
  • Ba lý do vì sao Trung Quốc gây mất lòng tin: (i) Hành động của Trung Quốc ở Biển Đông; (ii) Cách ứng xử của Trung Quốc về vấn đề sông Mê Kông; (iii) Trung Quốc đã vũ khí hóa thương mại và du lịch để trừng phạt các quốc gia đi ngược lại mong muốn của Trung Quốc, như Philippines và Hàn Quốc.
  1. Mức độ uy tín của Mỹ bị suy giảm mạnh
  • Trong cuộc khảo sát năm 2024, 50,5% chọn liên kết với Trung Quốc so với 49,5% chọn Hoa Kỳ;
  • Nguyên nhân khiến mức độ phổ biển của Mỹ suy giảm: Sự hậu thuẫn của Mỹ đối với cuộc chiến ở Ukraine và dải Gaza đã làm tổn hại đến vị thế của Mỹ trong khu vực. Cụ thể: (i) Cuộc tấn công của Israel chống lại Hamas để lại ấn tượng xấu đối với người dân trong khu vực, đặc biệt là ở ba quốc gia có đa số dân theo đạo Hồi, gồm Indonesia, Malaysia và Brunei; (ii) Người dân trong khu vực có thể nhìn Mỹ là đồng phạm của Israel vì đã cung cấp cho người Israel tiền bạc, máy bay, tên lửa và bom, cũng như các công cụ gây chết người khác; (iii) Mỹ đã sử dụng quyền phủ quyết của mình tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc để bảo vệ Israel không phải chịu trách nhiệm về các hành động của mình ở dải Gaza.
  1. Thông điệp gửi tới Mỹ và Trung Quốc: Chỉ nói thôi chưa đủ, hãy hành động
  • Thông điệp gửi tới Mỹ: Mỹ đang thua trong cuộc cạnh tranh giành ảnh hưởng với Trung Quốc. Sự ủng hộ vô điều kiện của Mỹ dành cho Israel đã khiến Mỹ mất đi nhiều thiện cảm từ các nước Đông Nam Á.
  • Thông điệp gửi tới Trung Quốc: trong khi Trung Quốc giành chiến thắng trong cuộc cạnh tranh ảnh hưởng về chính trị và kinh tế, Trung Quốc lại không được khu vực tin tưởng.

Viện Sinh học, Đại học Philippines: Tình trạng san hô ở khu vực gần đảo Thị Tứ đang bị xuống cấp nghiêm trọng, chủ yếu là do hoạt động xây dựng đảo của Trung Quốc

Nhóm nghiên cứu của Viện Sinh học, Đại học Philippines do Giáo sư Jonathan Anticamara làm trưởng nhóm đã thực hiện nghiên cứu đánh giá tình trạng môi trường xung quanh đảo Thị Tứ. Nghiên cứu cho thấy tình trạng san hô xung quanh đảo đã bị xuống cấp nghiêm trọng. Chính nhóm nghiên cứu này đã thực hiện nghiên cứu thực địa hồi tháng 03/2024 và bị các tàu dân binh, hải giám của Trung Quốc ngăn cản. Theo Nhóm, phần lớn sự xuống cấp này là do hoạt động xây dựng đảo nhân tạo gây ra. Các quan chức và học giả Philippines đều cho rằng Trung Quốc là nước phải chịu trách nhiệm chính cho tình trạng ô nhiễm môi trường này.

Bản PDF tại đây