Bản tin tuần Biển Đông (ngày 25.5-31.5.2024)

TIÊU ĐIỂM

  1. Tàu hải quân Ấn Độ Kiltan thăm Brunei trong khuôn khổ triển khai hoạt động hải quân tại Biển Đông
  2. Trung Quốc đưa tàu Hải Dương Địa Chất 26 vào biên chế, là tàu nghiên cứu địa chất đảo/đá tổng hợp đầu tiên của Trung Quốc
  3. Trung Quốc - Mỹ tham vấn về các sự vụ trên biển, Trung Quốc kêu gọi Mỹ không can dự vào tranh chấp biển giữa Trung Quốc và các nước láng giềng, không lôi kéo các nước kiềm chế Trung Quốc trên không gian biển, không ủng hộ Đài Loan độc lập
  4. Đối thoại thường niên ASEAN - Mỹ lần thứ 36: Mỹ tái khẳng định cam kết với vai trò trung tâm của ASEAN; hướng đến xây dựng khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do, cởi mở, kết nối, thịnh vượng
  5. Bộ Ngoại giao Philippines: Ý kiến tư vấn của Tòa ITLOS về biến đổi khí hậu củng cố Phán quyết Trọng tài trong Vụ kiện Biển Đông 2016; Philippines kêu gọi tuân thủ đầy đủ Phán quyết

 

TIN TỨC

THỰC ĐỊA

Trung Quốc tập trận "Liên hợp lợi kiếm 2024A" (Joint Sword 2024A) xung quanh Đài Loan và một số đảo lân cận; Bộ Ngoại giao Mỹ lên tiếng sau khi tập trận kết thúc

Sáng 23/05, Bộ Tư lệnh Chiến khu miền Đông quân đội Trung Quốc thông báo bắt đầu cuộc tập trận "Liên hợp lợi kiếm 2024A" (Joint Sword 2024A). Cuộc tập trận diễn ra trong hai ngày 23-24/05 xung quanh Đài Loan và một số đảo lân cận. Bộ Quốc phòng Đài Loan cho biết đã có 62 máy bay PLA và 27 tàu chiến PLA hoạt động gần hòn đảo tính đến ngày 25/05. Trong số đó, 47 máy bay đã vượt qua đường trung tuyến.

Ngày 25/05, Bộ Ngoại giao Mỹ ra thông báo chính thức kêu gọi Trung Quốc kiềm chế, lưu ý "chuyển giao quyền lực dân chủ (ở Đài Loan) không nên là cớ để kích động quân sự"; tiếp tục khẳng định cam kết với chính sách "Một Trung Quốc".

Tàu hải quân Ấn Độ Kiltan thăm Brunei trong khuôn khổ triển khai hoạt động hải quân tại Biển Đông

Ngày 24/05, tàu Hải quân Ấn Độ (INS) Kiltan đã cập cảng Muara, Brunei. Trong chuyến thăm, hải quân hai nước sẽ tổ chức giao lưu, đáng chú ý nhất là tập trận Đối tác Hàng hải (MPX), nhằm tăng cường khả năng tương tác và trao đổi kinh nghiệm giữa hải quân hai nước.

INS Kiltan là tàu thứ ba trong số bốn tàu hộ tống tác chiến chống tàu ngầm P28 được thiết kế và đóng mới tại nhà máy đóng tàu Garden Reach Shipbuilders and Engineers ở thành phố Kolkata, Ấn Độ. Ấn Độ triển khai tàu hải quân Kiltan đến Brunei diễn ra sau chuyến thăm của ba tàu hải quân Ấn Độ gồm INS Delhi, INS Shakti và INS Kiltan tới Manila vào đầu tháng 05/2024. Các chuyến thăm này nằm trong khuôn khổ triển khai hoạt động của Hạm đội miền Đông thuộc Hải quân Ấn Độ tại Biển Đông nhằm tăng cường hợp tác hàng hải và tình hữu nghị giữa hai quốc gia biển.

Campuchia và Trung Quốc hoàn thành tập trận hải quân “Rồng Vàng 2024” tại vùng biển gần Cảng tự trị Sihanoukville từ ngày 16-27/05; Campuchia khẳng định cuộc tập trận không mang ý nghĩa đe dọa

Ngày 28/05, tờ Khmer Times đưa tin Trung Quốc và Campuchia đã hoàn thành cuộc tập trận hải quân chung "Rồng Vàng 2024" tại biển ở vùng biển gần Cảng tự trị Sihanoukville, Campuchia từ ngày 16-27/05. Đây là cuộc tập trận bắn đạn thật đầu tiên do đội tàu hải quân Trung Quốc và Hải quân Hoàng gia Campuchia phối hợp tổ chức. Ngay sau đó ngày 29/05, Phó Tổng tư lệnh Lực lượng vũ trang Hoàng gia Campuchia (RCAF),Tướng Ith Sarath lên tiếng khẳng định cuộc tập trận hải quân chung giữa Campuchia - Trung Quốc không phải là mối đe dọa đối với bất kỳ quốc gia nào.

Trung Quốc đưa tàu Hải Dương Địa Chất 26 vào biên chế, là tàu nghiên cứu địa chất đảo/đá tổng hợp đầu tiên của Trung Quốc

Ngày 24/05, Cục Điều tra Địa chất Trung Quốc chính thức đưa vào biên chế tàu Hải Dương Địa Chất 26. Đây là tàu nghiên cứu địa chất đảo/đá tổng hợp đầu tiên của nước này. Tàu có lượng giãn nước 1.713 tấn, dài 63,5m, rộng 12,6m, với sức chứa thủy thủ đoàn 34 người, có thể hoạt động tới 35 ngày trên biển với phạm vi hoạt động lên đến 3.500 hải lý. Tàu được trang bị nhiều công nghệ khảo sát địa chất biển tiên tiến, có thể phục vụ hoạt động khảo sát kỹ thuật biển hay nghiên cứu và thăm dò tài nguyên. Đơn vị quản lý tàu là Trung tâm Điều tra Địa chất Biển Hải Khẩu.

CHÍNH TRỊ - NGOẠI GIAO

Trung Quốc thành lập Ban thư ký Diễn đàn Hợp tác Thượng đỉnh Quốc tế Vành đai Con đường.

Ngày 11/05, Trung Quốc thành lập Ban thư ký Diễn đàn Hợp tác Thượng đỉnh Quốc tế Vành đai Con đường (BRI). Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Mã Triều Húc tham dự lễ khánh thành và treo biển hiệu. Ban thư ký sẽ phụ trách công tác hỗ trợ, thúc đẩy điều phối hoạt động hợp tác quốc tế của BRI, đặt trụ sở tại Bộ Ngoại giao Trung Quốc và do Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Mã Triều Húc làm Trưởng Ban.

Philippines cáo buộc ngư dân Trung Quốc gây hại môi trường tại Bãi Scarborough; các rạn san hô bị tổn hại nghiêm trọng do ngư dân Trung Quốc đã dùng những biện pháp không phù hợp để khai thác

Ngày 20/05, trong một cuộc họp báo, Lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines (PCG) đã công bố loạt ảnh vệ tinh về các rạn san hô xung quanh bãi cạn Scarborough. Hình ảnh cho thấy các rạn san hô bị tổn hại nghiêm trọng. PCG cho rằng nguyên nhân là do ngư dân Trung Quốc đã dùng những biện pháp không phù hợp để khai thác tài nguyên. Theo đó, Philippines kêu gọi Trung Quốc cho cộng đồng quốc tế và các bên thứ ba giám sát Bãi cạn Scarborough.

Các bức ảnh do lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines chụp từ năm 2018 đến năm 2019 cho thấy các cá nhân mà họ cho là ngư dân Trung Quốc đã đánh bắt trái phép trai khổng lồ, cá đuối, sò biển và rùa biển, làm suy thoái môi trường biển của bãi cạn.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân: Philippines chiếm đóng trái phép đảo Thị Tứ, Philippines nên xem xét lại chính mình khi môi trường xung quanh vùng biển thuộc đảo Thị Tứ bị phá hoại

Ngày 20/05, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân phản ứng với phát biểu chỉ trích Trung Quốc phá hoại môi trường biển ở Biển Đông của Philippines, cho biết: (i) Trung Quốc có chủ quyền không thể tranh cãi đối với quần đảo Nam Sa (quần đảo Trường Sa), bao gồm đảo Thị Tứ và các vùng biển lân cận; (ii) Philippines chiếm đóng trái phép đảo Thị Tứ và liên tục triển khai các hoạt động tại vùng biển lân cận; (iii) nếu vùng biển xung quanh Thị Tứ xuất hiện vấn đề, Philippines nên tự xem lại mình và không nên chỉ trích Trung Quốc bừa bãi.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ dự kiến thăm Campuchia, khả năng sẽ thảo luận về tăng cường hợp tác trong song phương và thông qua ASEAN; các vấn đề toàn cầu và khu vực

Ngày 24/05, Bộ Quốc phòng Mỹ ra tuyên bố cho biết Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin sẽ thăm Campuchia vào ngày 04/06, sau khi tham gia Đối thoại Shangri La tại Singapore. Đây là chuyến thăm đầu tiên của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ tới  Campuchia  kể từ  sau chuyến thăm Phnom Penh hồi tháng 11/ 2022 nhân dịp tham dự Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM-Plus).

Ông Chum Sounry, người phát ngôn Bộ Ngoại giao và Hợp tác Quốc tế Campuchia (MFAIC) cho biết MFAIC đang sắp xếp các cuộc gặp giữa Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ và các nhà lãnh đạo Campuchia, cho rằng đây là cơ hội để hai bên thảo luận về tăng cường hợp tác trong song phương cũng như qua ASEAN. Trong chuyến thăm, quan chức quốc phòng cấp cao của Mỹ nhiều khả năng sẽ thảo luận các vấn đề toàn cầu, trong đó có những vấn đề ảnh hưởng đến khu vực và Campuchia như căn cứ hải quân Ream.

Tổng thư ký Học viện Hoàng gia Campuchia (RAC) Yang Peou cho biết, với chính sách đối ngoại rộng mở, Campuchia sẽ chào đón tất cả các nước trên thế giới và không phân biệt đối xử trên bất kỳ cơ sở nào. Ông Peou hoan nghênh chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Austin, đánh giá đây là cơ hội tốt để Campuchia làm rõ quan điểm của Mỹ về quan hệ Campuchia - Trung Quốc, mối quan hệ của nước này với Campuchia, Việt Nam và với các nước láng giềng khác.

Trung Quốc - Mỹ tham vấn về các sự vụ trên biển, Trung Quốc  kêu gọi Mỹ không can dự vào tranh chấp biển giữa Trung Quốc và các nước láng giềng, không lôi kéo các nước kiềm chế Trung Quốc trên không gian biển, không ủng hộ Đài Loan độc lập.

Ngày 24/05, Trung Quốc và Mỹ tiến thành tham vấn về các sự vụ trên biển vòng thứ 2 theo hình thức trực tuyến, Vụ trưởng Vụ Biên giới và Đại dương thuộc Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lượng và Điều phối viên về Trung Quốc thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ Mark Baxter Lambert chủ trì tham vấn.

Hai bên trao đổi ý kiến về tình hình trên biển và các vấn đề liên quan, đồng ý duy trì trao đổi đối thoại để quản lý nguy cơ trên biển, tránh gây hiểu lầm. Trung Quốc thể hiện quan ngại đối với các hành động khiêu khích của Mỹ tại các vùng biển xung quanh Trung Quốc, kêu gọi Mỹ tôn trọng thực chất chủ quyền lãnh thổ và quyền lợi biển của Trung Quốc, không được can dự vào tranh chấp biển giữa Trung Quốc và các nước láng giềng, không được lôi kéo các nước kiềm chế Trung Quốc bằng biển, không được phá hoại hòa bình ổn định khu vực, đồng  thời nhấn mạnh nguyên tắc “Một Trung Quốc” là cơ sở chính trị cho quan hệ Trung - Mỹ, cũng là cơ sở quan trọng cho đối thoại biển hai bên, yêu cầu Mỹ nên lập tức chấm dứt ủng hộ thế lực độc lập Đài Loan, thực hiện cam kết không ủng hộ thế lực Đài Loan.

Đối thoại thường niên ASEAN - Mỹ lần thứ 36: Mỹ tái khẳng định cam kết với vai trò trung tâm của ASEAN; hướng đến xây dựng khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do - cởi mở, kết nối, thịnh vượng

Ngày 24/05, Đối thoại thường niên ASEAN - Mỹ lần thứ 36 đã diễn ra tại Thủ đô Washington DC, Mỹ. Cụ thể:

  1. Mỹ tái khẳng định cam kết với vai trò trung tâm của ASEAN, an ninh và thịnh vượng khu vực;
  2. Hai bên đã đã thảo luận các vấn đề địa chính trị, hướng đến xây dựng khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do, cởi mở, kết nối, thịnh vượng và an ninh. Ủng hộ việc các bên giải quyết tranh chấp một cách hòa bình. Mỹ ủng hộ Đồng thuận 5 điểm của ASEAN và mong muốn Myanmar sẽ có được nền dân chủ toàn diện;
  3. Mỹ cam kết tăng cường mối quan hệ thương mại và đầu tư mạnh mẽ với và giữa các nước ASEAN, đồng thời nhấn mạnh Mỹ là nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài hàng đầu trong khu vực;
  4. Mỹ nhấn mạnh thúc đẩy một nền kinh tế kỹ thuật số toàn diện, mở rộng hợp tác về biến đổi khí hậu, an ninh mạng, phát triển các công nghệ mới nổi, duy trì tự do hàng hải và thúc đẩy dòng chảy thương mại hợp pháp không bị cản trở;
  5. Mỹ cũng nhắc lại sự ủng hộ đối với việc Timor-Leste chính thức gia nhập, trở thành thành viên đầy đủ của ASEAN; mong muốn được tham gia Diễn đàn khu vực ASEAN và các Hội nghị quan chức cấp cao cấp cao Đông Á sắp tới tại Viêng Chăn từ ngày 07-08/06.

Bộ Ngoại giao Philippines phản đối lệnh cấm đánh bắt cá của Trung Quốc, khẳng định đây là sự vi phạm đối với nhận thức chung giữa Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos.

Ngày 27/05, Bộ Ngoại giao Philippines đã ra tuyên bố phản đối lệnh cấm đánh bắt cá của Trung Quốc. Lệnh cấm đánh bắt này bảo phủ toàn bộ Biển Đông, từ phía Bắc của đường 12 độ Vĩ Bắc, kéo dài tới ngày 16/09/2024. Lệnh cấm đánh bắt bao trùm khu vực bãi cạn Scarborough nhưng không kéo dài xuống đến bãi Cỏ Mây. Bộ Ngoại giao Philippines cho rằng lệnh cấm đánh bắt cá của Trung Quốc vi phạm nhận thức chung giữa Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos về quản lý tranh chấp qua ngoại giao và đối thoại và giảm căng thẳng trên biển.

Tổng thống Philippines thăm Brunei: thúc đẩy Brunei đóng vai trò quan trọng hơn cho hòa bình, ổn định trong khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương

Ngày 28 - 29/05, Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos có chuyến thăm chính thức đến Brunei nhân dịp kỷ niệm 40 năm quan hệ hai nước. Trong phát biểu tại cuộc gặp với Quốc vương Brunei Hassanal Bolkiah, Tổng thống Marcos khẳng định Philippines và Brunei cần hợp tác cả ở cấp song phương và trong khuôn khổ ASEAN để đảm bảo hòa bình và ổn định trong khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Hai bên đã ký kết thỏa thuận hợp tác trong một số lĩnh vực như nông nghiệp, an ninh lương thực, hợp tác hàng hải và du lịch.

Về phía mình, Quốc vương Brunei Hassanal Bolkiah khẳng định sẽ tiếp tục củng cố quan hệ với Philippines để bảo vệ và duy trì “khát vọng chung”. Hai nước cũng ký kết thỏa thuận tăng cường hợp tác hàng hải trong đó hai bên sẽ tăng cường năng lực hàng hải thông qua huấn luyện chung và trao đổi thông tin. Ngoài ra, hai bên cũng ký các thỏa thuận hợp tác liên quan đến du lịch, công nhận bằng cấp, an ninh lương thực và nông nghiệp.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh: bình luận về Quy định mới của Hải cảnh Trung Quốc, cho biết Philippines cần có thành ý và thực hiện triển khai thiết thực các kết quả đối thoại

Ngày 29/05, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh trả lời câu hỏi liên quan đến Quy định Trình tự chấp pháp hành chính của cơ quan Hải cảnh Trung Quốc, cụ thể:

  1. Mục đích Hải cảnh Trung Quốc ban hành “Quy định Trình tự”: (i) Đưa ra quy phạm trình tự chấp pháp hành chính của cơ quan Hải cảnh; (ii) Duy trì tốt hơn trật tự trên biển, phù hợp với luật pháp quốc tế.
  2. Chỉ trích Philippines: (i) Quốc gia làm gia tăng căng thẳng và liên tục khiêu khích tại Biển Đông là Philippines, không phải Trung Quốc; (ii) Cánh cửa đối thoại giữa Trung Quốc và Philippines luôn rộng mở, nhưng đối thoại cần có thành ý, kết quả đối thoại cần được triển khai thực chất và không có hành động khiêu khích.

Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường gặp Phó Thủ tướng Malaysia, Bộ trưởng Bộ Phát triển Nông thôn và Khu vực Malaysia; cam kết thúc đẩy đàm phán COC, khẳng định các thế lực bên ngoài không thể gây nhiễu loạn vấn đề Biển Đông

Ngày 29/05, Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường đã gặp Phó Thủ tướng Malaysia và Bộ trưởng Bộ Phát triển Nông thôn và Khu vực Malaysia. Trung Quốc cho biết sẽ tăng cường thực hiện các dự án trọng điểm trong khuôn khổ hợp tác Vành đai và Con đường, khai thác tiềm năng hợp tác trong các lĩnh vực kinh tế kỹ thuật số và năng lượng, đồng thời mở rộng khối lượng thương mại để thắt chặt hợp tác.

Malaysia cho biết kiên quyết tuân thủ chính sách một Trung Quốc và lên án mọi hình thức "bài Trung Quốc", đồng thời lưu ý rằng quan hệ Malaysia - Trung Quốc không bị can thiệp hay ảnh hưởng bởi bất kỳ thế lực bên ngoài nào. Malaysia cũng khẳng định cam kết thúc đẩy đàm phán COC, cho rằng các thế lực bên ngoài không thể gây nhiễu loạn vấn đề Biển Đông.

 

PHÁP LÝ

Bộ Ngoại giao Philippines: Ý kiến tư vấn của Tòa ITLOS về biến đổi khí hậu củng cố Phán quyết Trọng tài trong Vụ kiện Biển Đông 2016; Philippines kêu gọi tuân thủ đầy đủ Phán quyết

Ngày 25/05, Bộ Ngoại giao Philippines đã ra tuyên bố hoan nghênh Ý kiến tư vấn của Tòa ITLOS về biến đổi khí hậu và luật quốc tế do Ủy ban Các quốc đảo nhỏ đệ trình vào ngày 12/12/2022. Trong tuyên bố, Philippines nhấn mạnh, việc Tòa ITLOS trích dẫn Phán quyết của Tòa Trọng tài trong Vụ kiện Biển Đông 2016 như “căn cứ trong Ý kiến tư vấn” góp phần thúc đẩy và củng cố tính hợp pháp đối với sự chung thẩm và ràng buộc của Pháp quyết Trọng tài năm 2016, cũng như vai trò không thể phủ nhận của phán quyết như một phần của luật pháp quốc tế”. Theo đó, Philippines “nhân cơ hội này một lần nữa kêu gọi tiếp tục tuân thủ đầy đủ Phán quyết”.

Bên cạnh đó, Bộ Ngoại giao Philippines cũng cho biết, Philippines đang “tích cực nghiên cứu ý kiến tư vấn của Tòa ITLOS và tác động của ý kiến đối với Philippines và các Quốc gia thành viên khác của UNCLOS, đặc biệt đối với trách nhiệm bảo vệ và bảo tồn môi trường biển, trong bối cảnh phát thải khí nhà kính, tác động của biến đổi khí hậu và axít hóa đại dương”

Ngoài ra, phán quyết của Tòa Trọng tài trong Vụ kiện Biển Đông 2016 đã được nhắc đến 6 lần trong Ý kiến Tư vấn của Tòa ITLOS về biến đổi khí hậu và luật quốc tế, đối với các vấn đề:

(i) Nghĩa vụ bảo vệ và giữ gìn môi trường biển không chỉ bao gồm nghĩa vụ ngăn ngừa, giảm thiểu và kiểm soát ô nhiễm biển, mà còn mở rộng đến việc bảo vệ môi trường biển khỏi mọi tác động tiêu cực;

(ii) Nhấn mạnh vai trò của nghĩa vụ tiến hành đánh giá tác động môi trường để đảm bảo rằng các hoạt động không gây tổn hại cho môi trường biển;

(iii) Nghĩa vụ tiến hành đánh giá tác động môi trường theo Điều 206 của UNCLOS sẽ không được coi là đã hoàn thành nếu không được thực hiện đối với các hoạt động có nguy cơ ảnh hưởng đến môi trường;

(iv) Liên quan đến yêu cầu về “cơ sở hợp lý để tin tưởng”, Tòa Trọng tài trong Vụ kiện Biển Đông nhận thấy rằng “các thuật ngữ ‘hợp lý’ và ‘trong chừng mực có thể thực hiện được’ chứa đựng yếu tố quyền tự quyết định của Quốc gia liên quan”;

(v) Nhắc lại kết luận của Tòa Trọng tài đối với Điều 192 UNCLOS: Điều 192 đòi hỏi nghĩa vụ thực hiện các biện pháp tích cực để bảo vệ và giữ gìn môi trường biển, và theo logic, đòi hỏi nghĩa vụ không làm suy thoái môi trường biển;

(vi) Nhắc lại kết luận của Tòa Trọng tài: việc phân loại các loài trong các phụ lục của CITES đưa ra cách giải thích thuật ngữ “các loài bị cạn kiệt, bị đe dọa hoặc có nguy cơ tuyệt chủng” trong Điều 194(5) UNCLOS.

GÓC NHÌN QUỐC TẾ

Aswin Lin: Hàn Quốc có nhiều lợi thế khi bán vũ khí cho nước ngoài (thủ tục không ngặt nghèo như của Mỹ, chất lượng theo chuẩn NATO, giá rẻ hơn châu Âu)

Ngày 16/05, The Diplomat đăng bình luận của Aswin Lin, cho rằng Hàn Quốc có nhiều lợi thế khi bán vũ khí cho các nước khác (gần đây nhất là thỏa thuận với Ba Lan), chi tiết:

  • Chuyển giao nhanh chóng: Hàn Quốc làm được điều này do ngành công nghiệp quốc phòng có quan hệ chặt chẽ với các ngành khác trong hệ sinh thái như ngành sản xuất phụ kiện, bán dẫn hay phân phối;
  • Quy trình linh hoạt: Hàn Quốc sẵn sàng cấp phép để sản xuất vũ khí của mình tại nước ngoài, thủ tục không ngặt nghèo như của Mỹ;
  • Giá cả phải chăng: pháo tự hành CAESAR của Pháp tốn khoảng 7,5 triệu USD, loại PzH 2000 của Đức tốn hơn 10 triệu, loại K9 Thunder của Hàn Quốc chỉ ít hơn 4 triệu;
  • Năng suất cao: Hàn Quốc liên tục phải mở rộng phạm vi hoạt động và độ chính xác của vũ khí để ứng phó với Bắc Triều Tiên, trong khi xu hướng tại Đức lại ngược lại (càng ngày càng ít đầu tư vào sản xuất vũ khí). Độ chính xác của vũ khí Hàn Quốc được cho là tinh xảo do theo chuẩn NATO, có thể ngang hàng với Mỹ (bệ phóng K-239 Chunmoo được so với HIMARS của Mỹ);
  • Tích hợp dễ dàng: Do vũ khí của Hàn Quốc theo chuẩn NATO, các công ty như Hanwha, Korea Aerospace Industries hay Hyundai Rotem đều thiết kế theo hướng phối hợp hoạt động được với Mỹ. Hàn Quốc cũng tích cực tham gia các hoạt động của NATO trong thời gian gần đây.
  1. Rahul Mishra (Trung tâm Chính sách công và Quản trị Đức - Đông Nam Á, Đại học Thammasat): Squad xuất hiện, nhưng không thể thay thế vai trò của Quad

Ngày 24/05, The Interpreter đăng tải một bài viết của TS. Rahul Mishra "Hoan nghênh Squad, nhưng Quad vẫn làm chủ cuộc chơi". TS. Mishra cho biết, mặc dù nhóm Squad (Mỹ - Nhật - Úc - Philippines) có thể là một cơ chế hiệu quả hơn Bộ Tứ, Bộ Tứ vẫn đóng vai trò quan trọng trong các cơ chế tiểu đa phương ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Nội dung chính:

  1. Bối cảnh:
  • Sau Hội nghị Thượng đỉnh ba bên Mỹ-Nhật-Philippines và các cuộc tuần tra chung giữa Mỹ, Nhật Bản, Úc và Philippines ở Biển Đông, nhóm "Squad" xuất hiện như một đối trọng với Trung Quốc trong bối cảnh leo thang căng thẳng giữa Bắc Kinh và Manila trên Biển Đông;
  • Trong khi đó, việc Ấn Độ hoãn Hội nghị Thượng đỉnh Bộ Tứ tại New Delhi cũng như các quyết định đối ngoại của nước này thời gian gần đây (như bỏ phiếu trắng các nghị quyết của Liên hợp quốc về xung đột Nga-Ukraine, mua hệ thống tên lửa S-400 của Nga, v.v), đã làm dấy lên nghi ngờ về mức độ gắn kết của Bộ Tứ.
  1. Tuy nhiên, theo TS. Mishra, mặc dù có ý kiến cho rằng nhóm Quad có thể bị thay thế bởi Squad, có hai điểm cần lưu ý:

(i) Hạn chế của Philippines khi tham gia Squad:

Trên thực tế, so với các đối tác khác, Philippines có nhiều hạn chế về năng lực quân sự và kinh tế để tham gia vào các hoạt động nhằm kiềm chế Trung Quốc. Ngoài ra, là một thành viên ASEAN, Philippines cam kết dựa trên sự đồng thuận và không can thiệp. Do đó, vẫn còn quá sớm để kỳ vọng vào kết quả của Squad ở Biển Đông;

(ii) Ấn Độ vẫn đóng vai trò tích cực trong Quad:

Nếu Thủ tướng Narendra Modi tái đắc cử, Bộ Tứ vẫn sẽ tiếp tục là một trong những trọng tâm thuộc chính sách đối ngoại của Ấn Độ. Ngoài ra, mặc dù sự liên kết giữa Ấn Độ và các thành viên Quad khác không chặt chẽ như mối quan hệ giữa các thành viên còn lại, Ấn Độ vẫn là một đối tác quan trọng trong Quad do vị trí địa lý, khả năng quân sự và sức mạnh dân số.

  1. Kết luận: Còn quá sớm để đánh giá rằng Quad hoạt động không hiệu quả, vai trò của Quad hiện nay vẫn không thể thay thế. Việc bố sung Philippines (và có thể Hàn Quốc) vào Quad có lẽ sẽ là cách tiếp cận tốt hơn đối với khu vực.

Cựu Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad: Trung Quốc có thể có yêu sách trên Biển Đông, miễn là nước này không gây ra các vấn đề nghiêm trọng

Ngày 24/05, phát biểu tại Diễn đàn Tương lai châu Á, Cựu Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad cho rằng Trung Quốc có thể yêu sách Biển Đông, Malaysia sẽ không giao chiến với Trung Quốc chỉ vì những tuyên bố của Trung Quốc.

Malaysia không muốn rơi vào xung đột với đối tác thương mại của mình. Ông cho rằng nếu Trung Quốc chỉ tuyên bố nhưng không gây ra những tác động thực tế nào đến các hoạt động trên Biển Đông thì đó không phải là vấn đề lớn. Đồng thời, cựu Thủ tướng khẳng định Trung Quốc là một thị trường lớn, và các quốc gia không cần chọn phe hoặc Mỹ hoặc Trung, bởi điều đó sẽ khiến họ mất đi một trong hai thị trường.

Vox: Ba thế mạnh của Cục Tình báo và Nghiên cứu, Bộ Ngoại giao Mỹ (INR): chuyên môn, tính cá nhân và quan hệ với giới ngoại giao

Ngày 28/05, dựa trên phỏng vấn với các cựu lãnh đạo và chuyên gia INR, Vox đã chỉ ra ba nguyên nhân giúp INR thành công. INR là cơ quan hiếm hoi đánh giá đúng về thất bại của Mỹ tại Việt Nam, khả năng Iraq có vũ khí hạt nhân, sức kháng cự của Ukraine. Theo đó, Vox cho rằng ba nguyên nhân chính là: (i) các nhà phân tích của INR là chuyên gia thực sự trong vấn đề họ theo dõi (trung bình mỗi chuyên gia đã theo dõi một vấn đề khoảng 14 năm), khác với nhân viên CIA đổi thường đổi nhiệm vụ sau 2-3 năm; (ii) các báo cáo của INR có màu sắc cá nhân cao, do đó tránh được suy nghĩ theo lối mòn của tập thể (“groupthink”); (iii) INR có hiểu biết và góc nhìn trực tiếp từ các nhà ngoại giao Mỹ. INR có một số lợi thế như sau:

  • Đa số chuyên gia phân tích của INR không phải cán bộ ngoại giao mà được tuyển dụng từ giới học thuật, có chuyên môn cao và gắn bó với INR lâu dài. Trong khi đó, các cán bộ ngoại giao cũng có lợi thế từ kinh nghiệm học hỏi được khi đi nhiệm kỳ tại nước họ theo dõi. Ngay cả đội ngũ quản lý cũng dành thời gian tự viết phân tích;
  • Do quy mô nhỏ và cơ cấu tổ chức không nặng về cấp bậc, các chuyên gia của INR được tự do hơn. Báo cáo của INR thường trải qua ba - bốn cấp duyệt: người viết, đồng nghiệp, trưởng phòng và đội ngũ kiểm tra trước khi được lãnh đạo Cục gửi đi. Mỗi quốc gia cũng thường chỉ có một người phụ trách, khiến người đó có ảnh hưởng lớn. Trái lại, báo cáo của CIA và DIA vừa qua nhiều cấp duyệt hơn, vừa có nhiều cá nhân đóng góp hơn, gây ra tình trạng “suy nghĩ tập thể” (“groupthink”);
  • Các nhà phân tích tại INR làm việc trực tiếp với đội ngũ cán bộ ngoại giao thực chiến. INR cũng có khả năng thăm dò dư luận trực tiếp ở nước ngoài;

Tuy nhiên INR cũng có những điểm yếu: (i) lương không cạnh tranh (thấp hơn CIA); (ii) cơ hội thăng tiến khó hơn; (iii) không bắt kịp làn sóng công nghệ (Ellen McCarthy, Cục trưởng từ 19-21); (iv) quân số (dưới 500) không đủ đáp ứng nhiệm vụ.

Tân Hoa Xã: Sáng kiến An ninh toàn cầu (GSI) là nội dung chính của Trung Quốc tại Shangri-La, có thể đóng vai trò thúc đẩy quản trị toàn cầu đa cực và là khuôn khổ cho hòa giải xung đột và giải quyết tranh chấp.

Ngày 30/05, Tân Hoa Xã đưa ra dự doán về cách tiếp cận của Trung Quốc trong đối thoại Shangri-La 2024. Theo đó, phái đoàn Trung Quốc sẽ trình bày về cách tiếp cận của nước này đối với an ninh toàn cầu, bao gồm cả Sáng kiến An ninh toàn cầu (GSI), nêu bật cam kết của nước này đối với tầm nhìn về an ninh chung, toàn diện, hợp tác và bền vững, cụ thể:

  1. Về GSI:
  • GSI có thể đóng vai trò thúc đẩy quản trị toàn cầu đa cực hơn và là khuôn khổ cho hòa giải xung đột và giải quyết tranh chấp;
  • Đại tá Zhang Chi (Đại học Quốc phòng và là thành viên của đoàn Trung Quốc): Trung Quốc sẽ sử dụng hiệu quả nền tảng đa phương quốc tế để thúc đẩy hơn nữa GSI và tầm nhìn về cộng đồng chung vận mệnh;
  • Zhong Tianxiang (chuyên gia truyền thông Trung Quốc): GSI có tầm quan trọng đáng kể trong việc thúc đẩy môi trường phát triển và an ninh mạnh mẽ trong khu vực;
  • Anna Malindog-Uy (Viện nghiên cứu Asian Century Philippines): GSI có tiềm năng thúc đẩy ổn định và hợp tác trong thế giới đầy biến động.
  1. Về khái niệm an ninh của phương Tây:
  • Bambang Suryono (Quỹ Nanyang ASEAN): các khuôn khổ song phương/đa phương do Mỹ thiết lập nhằm duy trì sự thống trị tại Châu Á - Thái Bình Dương và đặt ra mối đe dọa đáng kể đối với hòa bình và ổn định khu vực;
  • Đại tá Zhang Chi: lo lắng về sự gia tăng chiến lược của Mỹ.

Lý Hồng Lỗi và Tôn Nam Tường: Quy định của Hải cảnh Trung Quốc duy trì luật pháp quốc tế, Trung Quốc cũng có quyền truy đuổi tàu thuyền nước ngoài trên biển cả nếu họ phạm luật

Ngày 31/05, Giáo sư Lý Hồng Lỗi, Phó giáo sư Tôn Nam Tường (Đại học Khoa học Xã hội Trung Quốc) bình luận về quy định mới của Hải cảnh Trung Quốc, cho rằng:

(i) Các quy định của Hải cảnh Trung Quốc là một phần trong chính sách nhằm cải thiện quản lý biển và duy trì chấp pháp trong khu vực. Quyền của Trung Quốc trong bắt giữ và kiểm tra những người nước ngoài bị nghi ngờ xâm nhập hoặc rời khỏi lãnh thổ trên biển trái phép là phù hợp luật quốc tế dựa trên Điều 73 UNCLOS;

(ii) Các quốc gia ven biển có quyền truy đuổi tàu thuyền nước ngoài trên biển cả nếu đủ lý do chứng minh tàu đó đang vi phạm luật pháp quốc gia. Cụ thể, Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Mỹ có thể bắt giữ người nước ngoài xâm nhập hoặc rời khỏi trái phép lãnh thổ trên biển của Mỹ thì Trung Quốc cũng có thể thực hiện điều này. Trong ba năm dưới thời Tổng thống Joe Biden, Mỹ đã bắt giữ hàng nghìn người xâm nhập trái phép vùng biển của Mỹ. Ngoài ra, Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Philippines cũng thi hành nội luật và bắt giữ ngư dân Trung Quốc, cáo buộc đánh bắt trái phép và gây thiệt hại về môi trường;

(iii) Quy định của Hải cảnh Trung Quốc giúp duy trì luật pháp quốc tế. Theo đó, Điều 33 cho rằng việc lên tàu, kiểm tra, ngăn chặn và truy đuổi tàu nước ngoài phải tuân thủ các quy định của các điều ước quốc tế mà Trung Quốc là thành viên.

Bản PDF tại đây