I. Động thái của các quốc gia

+ Trung Quốc:

Trung Quốc thử nghiệm tuyến du lịch ra Hoàng Sa. Vào 10h tối ngày 6/4, tàu du lịch “Coconut Princess” của Công ty cổ phần vận tải biển Hải Hiệp Hải Nam đã bắt đầu thực hiện hành trình thử nghiệm tuyến đường du lịch biển từ Tam Á đến đảo Đá Bắc quần đảo Hoàng Sa. Lần hành trình này chỉ mang tính chất thử nghiệm, chưa phải vận hành chính thức. Tuyến đường này dự kiến đi trong thời gian 2 ngày, một lượt mất khoảng 10 giờ[1].

Trung Quốc cảnh báo các công ty nước ngoài không can dự tranh chấp Biển Đông. Ngày 10/4 trong cuộc họp báo thường kỳ, khi trả lời câu hỏi liên quan đến thỏa thuận vừa ký giữa công ty của Nga và VN về khai thác dầu khí tại biển Đông, người phát ngôn Bộ Ngoại Giao Trung Quốc Lưu Vi Dân cho rằng Trung Quốc có chủ quyền không thể tranh cãi đối với quần đảo Trường Sa và vùng biển phụ cận. Các công ty của các nước ngoài khu vực Biển Đông có thể tránh không tham gia vào tranh chấp tại khu vực biển này, đồng thời cần tôn trọng và ủng hộ các nỗ lực mà các bên liên quan trực tiếp đang thực hiện để giải quyết các tranh chấp thông qua đàm phán song phương.

Trung Quốc phản đối tàu chiến Philippines bắt giữ tàu cá Trung Quốc tại Biển Đông. Ngày 11/4, người phát ngôn Bộ Ngoại Giao Trung Quốc Lưu Vi Dân cho biết: (1) Bắc Kinh đang cử đại diện chính thức tới Philippines để giải quyết vấn đề và các cơ quan có liên quan đã cử tàu chính thức tới vùng nước đảo Hoàng Nham; (2) Những nỗ lực của Philippines trong việc thực thi các hoạt động chấp pháp trong vùng nước đảo Hoàng Nham là vi phạm chủ quyền của Trung Quốc; (3) Trung Quốc kêu gọi Philippines xử lý dựa trên quan hệ hữu nghị song phương cũng như hòa bình, ổn định tại Biển Đông và dừng các hành động gây rối mới, hợp tác với Trung Quốc để tạo điều kiện tốt cho sự phát triển quan hệ song phương.

“ASEAN sẽ không ngả theo kế hoạch của Philippines”.Tại Thượng đỉnh hàng năm vừa qua, Tổng Thống Philippines Benigno Aquino đã kêu gọi ASEAN cần thúc đẩy Bộ quy tắc về ứng xử liên quan tới tuyên bố chủ quyền tại Biển Đông (COC), trước khi bắt đầu đàm phán với Trung Quốc nhằm giảm căng thẳng tại khu vực. Trung Quốc cần bình tĩnh trước những hành động của Philippines và chỉ cần tập trung thảo luận những vấn đề cụ thể với các nước có liên quan. Chừng nào Trung Quốc còn kiên trì nguyên tắc này thì Trung Quốc sẽ không bị cô lập.

“Giải quyết hòa bình tranh chấp biển là lựa chọn chiến lược hàng đầu”của Tào Văn Chấn. Việc tranh chấp biển giữa Trung Quốc với láng giềng hiện nay trở thành vấn đề điểm nóng lớn, có nguyên nhân do thế lực bên ngoài can thiệp, kích động mâu thuẫn, nhưng cũng có nguyên nhân do trong nội bộ có một số người vội vàng, thiếu tầm nhìn chiến lược lâu dài và không đánh giá đầy đủ về mọi khó khăn; đồng thời một số tập đoàn lợi ích nào đó đã không quan tâm tới lợi ích lâu dài và đại cục quốc gia, thổi phồng tranh chấp biển và tính nghiêm trọng của vấn đề. Đối với vấn đề này cần phải bình tĩnh phân tích, nắm chắc mâu thuẫn chính, kết hợp giữa việc bảo vệ chủ quyền và giữ ổn định, áp dụng các biện pháp chủ động, chuẩn bị tốt, xây dựng quy hoạch chiến lược, tránh làm xấu tình hình, vì cái nhỏ mà để mất cái lớn.

Ngoại giao là nghệ thuật chú trọng chiến lược cứng và mềm có thể chuyển đổi cho nhau. Ngày 11/4Vụ trưởng Vụ Châu Á, Bộ Ngoại giao Trung Quốc La Chiếu Huy giao lưu trực tiếp với cư dân mạng Trung Quốc. Về vấn đề Biển Đông, trả lời câu hỏi cho rằng ngoại giao châu Á của Trung Quốc quá mềm, La Chiếu Huy cho rằng đối với vấn đề Biển Đông, trước hết là phải bảo vệ lợi ích quốc gia, bảo vệ đại cục ổn định xung quanh, tạo không khí xung quanh tốt đẹp để kéo dài thời cơ chiến lược và phát triển kinh tế; Trung Quốc không thể nhượng bộ về chủ quyền, chủ trương chủ quyền thuộc ta; khi thời cơ giải quyết chưa chín muồi, Trung Quốc chủ trương gác tranh chấp, cùng khai thác. La Chiếu Huy khẳng định mục tiêu bảo vệ lợi ích quốc gia của Trung Quốc là kiên định không thay đổi; các biện pháp cứng hay mềm đều nhằm bảo vệ lợi ích quốc gia.[2]

“Cần bảo vệ chủ quyền lãnh thổ” của Qiao Xinsheng, giáo sư luật Đại học Trung Nam-Trung Quốc. Nguyên tắc cơ bản của Trung Quốc về tranh chấp Biển Đông là giải quyết thông qua đàm phán ngoại giao song phương. Nhằm bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của mình, Trung Quốc cần phải làm nhiều việc hơn là chỉ tuyên bố đơn giản khu vực tranh chấp đó là lãnh thổ của mình. Chỉ khi Trung Quốc thực hiện đầy đủ quyền quản lý ở các khu vực tranh chấp thì chủ quyền và lợi ích của Trung Quốc mới được đảm bảo. Hiện nay Trung Quốc đang lập kế hoạch phát triển du lịch ra Hoàng Sa. Đây không đơn giản là việc khai thác tài nguyên du lịch, mà quan trọng hơn là việc bảo vệ chủ quyền đối với các đảo này. Trung Quốc cần sử dụng cả lời nói và hành động để bảo vệ quyền lợi của mình ở Biển Đông.

+ Việt Nam:

Việt Nam phản đối Trung Quốc khai thác du lịch ở quần đảo Hoàng Sa. Trước sự kiện tối ngày 6/4/2012, tàu du lịch Coconut Princess của Công ty cổ phần vận tải biển Hải Hiệp Hải Nam đã bắt đầu thực hiện hành trình thử nghiệm tuyến du lịch đường biển từ Tam Á, Hải Nam đến đảo Đá Bắc quần đảo Hoàng Sa, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam khẳng định: “Việt Nam khẳng định chủ quyền không tranh cãi đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Việc làm trên của phía Trung Quốc là bất hợp pháp, vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, trái với tinh thần Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC). Trung Quốc phải chấm dứt ngay việc làm trên, nghiêm túc tuân thủ DOC, không có thêm hành động làm phức tạp tình hình ở Biển Đông.”

Việt Nam tổ chức cho Việt kiều thăm Trường Sa. Trong buổi họp báo thường kỳ ngày 12/4, khi được hỏi về “kế hoạch của Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở Nước ngoài cử một đoàn lớn ra thị sát Trường Sa”, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lương Thanh Nghị đã trả lời: "Việc người Việt Nam đi thăm các địa danh của đất nước, trong đó có các đảo thuộc huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa là việc làm bình thường”. Quần đảo Trường Sa là đơn vị hành chính cấp huyện ở Việt Nam.

Việt Nam hoan nghênh đối tác nước ngoài hợp tác trong lĩnh vực dầu khí. Ngày 12-4, tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lương Thanh Nghị nêu rõ: “Các dự án hợp tác giữa Việt Nam với các đối tác nước ngoài trong lĩnh vực dầu khí hiện nay, bao gồm cả các dự án hợp tác với Gazprom, đều nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, hoàn toàn thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia của Việt Nam, phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982. Việt Nam hoan nghênh đối tác nước ngoài hợp tác với các đối tác Việt Nam trong lĩnh vực dầu khí trên vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, trên cơ sở luật pháp Việt Nam”.

Năm nhà sư lên đường ra Trường Sa. Chiều 12/4, 5 nhà sư tự nguyện tiếp quản các chùa ở Trường Sa đã lên đường, Hòa thượng Thích Giác Nghĩa sẽ đi chuyến sau. Trong đợt phát động tăng sĩ tình nguyện tu hành tại vùng sâu, vùng xa, hải đảo của Giáo hội Phật giáo tỉnh Khánh Hòa vừa qua, đã có 12 tăng sĩ đăng ký đi Trường Sa, 6 người được chọn. Lần này, đoàn ra thăm Trường Sa còn có 69 người nữa, ngoài đại diện các sở, ban, ngành, Đoàn ca múa nhạc Hải Đăng còn có các nhà khoa học làm nhiệm vụ nghiên cứu, khảo sát thực hiện và mở rộng các đề tài khoa học tại Trường Sa.

Việt Nam ủng hộ cách tiếp cận đa phương của Philippines.Dẫn lời Bộ trưởng ngoại giao PLP Albert del Rosario, người phát ngôn của tổng thống nước này Edwin Lacierda cho biết “Khi đến lượt Việt Nam phát biểu, thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tuyên bố ASEAN cần khẩn trương soạn thảo các yếu tố trong bộ luật ứng xử, sau đó, Trung Quốc có thể được mời để thảo luận về bộ luật này”. Theo Manila “Về cơ bản, Việt Nam đã ủng hộ lập trường của Philippines”.

+ Philíppin:

Tàu chiến Philippines đụng độ 2 tàu hải giám Trung Quốc. Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Philippines cho biết, hôm chủ nhật vừa qua tàu đô đốc hải quân Gregorio Del Pilar khi đi tuần đã phát hiện 8 tàu đánh cá Trung Quốc thả neo ngoài khơi bãi đá ngầm Scarborough, cách bờ biển phía tây của đảo chính Luzon 124 hải lý. Tới hôm 10/4, 2 tàu hải giám Trung Quốc đã đến bãi đá ngầm và đi vào khu vực giữa tàu Gregorio del Pilar và các tàu đánh cá “để ngăn cản vụ bắt giữ những ngư dân Trung Quốc đang đánh bắt trái phép.” Ngoại trưởng Albert del Rosario đã liên lạc với đại sứ Trung Quốc tại Philippines Ma Keqing vào tối 10/4 để nhấn mạnh khu vực trên là “một phần không thể tách rời trong lãnh thổ Philippines”.

Philippines rút soái hạm khỏi khu vực đụng độ với tàu Trung Quốc. Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario hôm 12/04, thông báo Manila đã quyết định rút soái hạm ra khỏi khu vực Bãi cạn Scarborough, nằm cách đảo Luzon của Philippines khoảng 124 hải lý về phía tây. Sau khi chiếc soái hạm được rút đi, hiện tại ở hiện trường chỉ còn một chiếc tàu tìm kiếm cứu nạn của Philippines. Nhưng theo lời tư lệnh quân khu, trung tướng Anthony Alcantara, soái hạm Philippines vẫn ở quanh khu vực này và một chiếc tàu tuần duyên thứ hai sắp đến nơi.

Philippines: Trung Quốc cho tàu quay lại bãi Scarborough. Ngày 14/4, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines Raul Hernandez cho biết toàn bộ tám tàu đánh cá cùng với một tàu hải giám của của Trung Quốc đêm 13/4 đã rời khỏi khu vực bãi đá ngầm Scarborough và chỉ để lại một tàu hải giám tại đây. Tuy nhiên, chỉ vài giờ sau, Ngoại trưởng Philippines tố cáo Trung Quốc điều động trở lại tàu hải giám thứ hai cùng một máy bay trên khu vực này vào trưa 14/4. Thậm chí, một tàu của Trung Quốc còn sách nhiễu một tàu nghiên cứu khảo cổ học mang cờ Philippines chở chín người Pháp.

Philippines bắt giữ 20 ngư dân Việt Nam. Người phát ngôn quân khu miền Tây Philippines, Thiếu tá Neil Estrella, cho biết các ngư dân việt Nam bị bắt giữ vào 9h54’ ngày 12/4 tại vùng biển gần thành phố đảo Balabac, thuộc tỉnh Palawan ở phía Tây Philippines. Giới chức Phillippines cáo buộc 20 ngư dân Việt Nam đánh bắt trái phép trong vùng biển nước này và cho biết đã phát hiện khoảng 20 con rùa biển còn sống trên thuyền cá Việt Nam. Hiện tất cả các ngư dân bị bắt đang được đưa đến thành phố Puerto Princesa, thủ phủ tỉnh Palawan.

+ Ấn Độ:

Ấn Độ kiên quyết hợp tác với Việt Nam ở Biển Đông. Ấn Độ một lần nữa khẳng định New Delhi sẽ không lùi bước trước những lời cảnh cáo của Trung Quốc liên quan tới dự án hợp tác thăm dò dầu khí giữa Ấn Độ với Việt Nam trên Biển Đông. Bộ trưởng Kế hoạch-Khoa học-Công nghệ Ấn Độ Ashwani Kumar ngày 12/4 nhấn mạnh Biển Đông là tài sản của thế giới, không ai có quyền đơn phương kiểm soát vùng biển này. Ông Kumar tuyên bố Ấn Độ có đủ khả năng để bảo vệ các lợi ích tài chính và chiến lược của quốc gia. Hôm 6/4, Ngoại trưởng Ấn Độ S.M. Krishna cũng đưa ra phát biểu tương tự, nói rằng Biển Đông thuộc sở hữu toàn thế giới, không nước nào được can thiệp cản trở hoạt động thương mại tại đây.

+ Mỹ:

Hillary Clinton: Châu Á cần vai trò lãnh đạo của Mỹ. Trong bài phát biểu tại Học viện Hải quân Mỹ ở Annapolis, Maryland, Ngoại trưởng H.Clinton khẳng định, không có sự thay thế nào cho sức mạnh của Mỹ ở châu Á - Thái Bình Dương “Khi nói đến việc đảm bảo ổn định và an ninh ở châu Á - Thái Bình Dương và xa hơn nữa, thì đơn giản là không có sự thay thế cho sức mạnh Mỹ”. Phủ nhận rằng Mỹ muốn ngăn chặn sự gia tăng của Trung Quốc như một cường quốc trỗi dậy, bà Clinton nói, “Trung Quốc không phải là Liên Xô và chúng ta không ở bên bờ vực một cuộc Chiến tranh Lạnh mới tại châu Á.” Ngoại trưởng Mỹ cũng phê phán lập trường của Trung Quốc về Biển Đông “Cố giải quyết các tranh chấp phức tạp như vậy bằng con đường song phương, trực tiếp với từng nước, thì chỉ làm cho vấn đề thêm rắc rối, thậm chí có thể dẫn đến đối đầu”.

II. Quan hệ các nước

Đoàn đại biểu QĐND Việt Nam thăm Trung Quốc. Đoàn đại biểu quân sự cấp cao Việt Nam do Thượng tướng Đỗ Bá Tỵ, Tổng tham mưu trưởng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng dẫn đầu rời Hà Nội lên đường sang thăm hữu nghị nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Đây là chuyến thăm nằm trong kế hoạch hoạt động đối ngoại quốc phòng năm 2012, nhằm khẳng định thiện chí và mong muốn phát triển quan hệ hữu nghị truyền thống giữa nhân dân và quân đội hai nước, thúc đẩy nhận thức chung về các vấn đề quốc tế, khu vực và quan hệ song phương mà hai bên cùng quan tâm, góp phần tăng cường độ tin cậy về chính trị.

Ấn Độ, Trung Quốc và Nga họp cấp ngoại trưởng. Ngoại trưởng Ấn Độ S M Krishna ngày 13/4 đã tới Mátxcơva để tiến hành cuộc gặp ba bên với người đồng cấp Nga và Trung Quốc trong bối cảnh Bắc Kinh cảnh báo Mátxcơva và New Delhi về việc thăm dò dầu mỏ tại biển Biển Đông. Bộ Ngoại giao Ấn Độ cho biết bên lề cuộc gặp ba bên nói trên, Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì và Ngoại trưởng Ấn Độ S M Krishna sẽ thảo luận các vấn đề “khu vực và toàn cầu.” Các nguồn tin tại New Delhi nói rằng khuyến cáo mới đây của Bộ Ngoại giao Trung Quốc về việc Ấn Độ và Nga tham gia thăm dò dầu mỏ tại Biển Đông sẽ được đưa ra thảo luận thẳng thắn giữa ba ngoại trưởng.

ASEAN họp bàn về COC tại Malaysia. Các quan chức cấp cao ASEAN dự kiến sẽ gặp nhau lần thứ 5 vào tuần tới để hoàn tất dự thảo Bộ quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC). “Chúng tôi đã đồng ý cuộc họp sẽ diễn ra trong hai ngày 11, 12-4 tại Kuala Lumpur, Malaysia để hoàn tất những vấn đề còn lại” - ông Nong Sakal - Vụ phó Vụ ASEAN, Bộ Ngoại giao và hợp tác quốc tế Campuchia nói và cho biết thêm những vấn đề này liên quan đến từ ngữ và một số điều khoản cần có sự tham khảo của các chuyên gia luật pháp.

Hội thảo khoa học quốc tế “Những vấn đề thực tiễn của an ninh khu vực Đông Á và an ninh Biển Đông.” Diễn ra cuối tuần qua tại Saint Petersburg với sự tham gia của các chuyên gia, học giả đến từ Nga và một số nước châu Âu, châu Á và Australia. Các tham luận tại Hội thảo đã chỉ rõ nguyên nhân gây ra tình hình căng thẳng ở Biển Đông là do yêu cầu và đòi hỏi phi lý của Trung Quốc; phản đối và phê phán khái niệm “đường lưỡi bò” là thiếu căn cứ khoa học, căn cứ pháp lý và căn cứ thực tiễn; kêu gọi giải quyết tranh chấp ở Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình và trên cơ sở Công ước quốc tế về Luật biển năm 1982; kêu gọi các nước ASEAN tăng cường phối hợp với nhau và thống nhất lập trường trong vấn đề Biển Đông.

Hà Nội, Manila thử nghiệm ngoại giao bóng đá ở Trường Sa. Việt Nam và Philippines đồng ý để cho binh sĩ hải quân hai nước tham gia những trận tranh tài bóng đá và bóng rổ trên những hòn đảo của quần đảo Trường Sa. Tư lệnh Hải quân Philippines, Phó Đô đốc Alexander Pama nói rằng “những trận đấu giao hữu” này là một phần của một thỏa thuận rộng hơn ký kết hồi tháng 10 với Việt Nam. Theo thỏa thuận đó, hải quân hai nước sẽ thực hiện những biện pháp xây dựng lòng tin và chia sẻ thông tin để có thể ứng phó tốt hơn đối với những vụ việc trên biển ở quần đảo Trường Sa đang có tranh chấp chủ quyền.

Tăng cường quan hệ Việt Nam-Australia. Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Australia, sáng 11/4, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã hội đàm với Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngân khố nước chủ nhà Wayne Swan. Hai bên khẳng định sẽ tiếp tục hợp tác và phối hợp chặt chẽ tại các diễn đàn hợp tác đa phương cũng như ủng hộ nhau ứng cử vào các tổ chức khu vực và quốc tế. Hai bên khẳng định tầm quan trọng của việc đảm bảo hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải ở Biển Đông đồng thời cho rằng những tranh chấp giữa các bên liên quan cần được giải quyết hòa bình thông qua các biện pháp hòa bình, trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982.

Philippines, Trung Quốc chấm dứt bế tắc trên Biển Đông. Năm tàu cá của Trung Quốc đã rời bãi cạn Scarborough, kết thúc đợt căng thẳng giữa hai nước trong suốt mấy ngày qua. Người phát ngôn văn phòng Ngoại giao Philippines, ông Raul Hernandez cho biết Bộ trưởng Ngoại giao Philippines, Albert del Rosario và Đại sứ Trung Quốc, Mã Khắc Thanh vẫn tiếp tục đàm phán đề tìm ra lối thoát cho vấn đề ở bãi cạn Scarborough. Cả hai nước đều có tuyên bố tại khu vực bãi cạn không có cư dân sinh sống, nằm cách tỉnh Zambales của Philippines 230 km.

III. Phân tích và đánh giá

Khả năng xung đột ở Biển Đông? Xoay quanh câu hỏi liệu sẽ xảy ra một cuộc chiến tranh ngắn ở Biển Đông hay không, Tiến sĩ Ang Cheng Guan, Viện Giáo dục Quốc gia, Singapore nhận định: “Tôi không dự đoán hai phía sẽ làm tăng căng thẳng trên Biển Đông đến mức xảy ra một cuộc chiến tranh. Hai phía sẽ tiếp tục ầm ĩ khẳng định chủ quyền ở các đảo, đồng thời cũng lại tiếp tục thảo luận song phương và qua kênh ASEAN. Có thể thỉnh thoảng lại xảy ra va chạm, vốn không thể tránh khỏi và tất cả các bên liên quan đều cố giảm nhẹ ảnh hưởng. Tăng trưởng kinh tế, việc làm, giao thương vẫn là ưu tiên hàng đầu. Tiến sĩ Alexander Vuving, Phó Giáo sư, Trung Tâm Nghiên cứu An ninh Châu Á - TBD của Mỹ cho rằng: “Tôi không cho rằng Trung Quốc đã sẵn sàng cho chiến tranh, dù là một cuộc chiến nhỏ, ở các vùng biển xung quanh. Xét khả năng và lợi ích của các đại cường trong vùng (như Trung Quốc, Mỹ, Nhật, Nga và Ấn Độ), tôi cho rằng viễn cảnh chiến tranh ở Biển Đông và Tây Thái Bình Dương là thấp trong tương lai gần. Tuy nhiên, trong hai đến ba thập niên tới, một cuộc chiến cục bộ ở Biển Hoa Đông và Biển Đông không thể bị loại trừ.

“Ấn Độ đang chơi trò lâu dài tại Biển Đông” của Ju Hailong, nhà nghiên cứu Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, Đại học Tế Nam. Bất chấp sự phản đối của Trung Quốc đối với các dự án khai thác dầu khí của Ấn Độ tại Biển Đông, ngày 6/4/2012, Bộ trưởng ngoại giao Ấn Độ SM Krishna đã phát biểu biển Đông là tài sản của thế giới và thương mại tại khu vực này cần phải tự do, không bị sự can thiệp của bất kỳ quốc gia nào. Trung Quốc chưa bao giờ phản đối việc tự do hàng hải, cũng như các hoạt động kinh tế, thương mại hợp pháp tại khu vực này nhưng mô tả biển Đông là tài sản của toàn cầu là hoàn toàn sai lầm. Về phía Ấn Độ, lợi ích chiến lược có thể mang lại cho Ấn Độ thông qua việc can dự vào tranh chấp tại vùng biển này là lớn hơn rất nhiều so với lợi ích từ việc khai thác dầu chung với Việt Nam. Sự lựa chọn này bắt nguồn từ gốc rễ là chính sách Đông Á của Ấn Độ. Thậm chí nếu tranh chấp tại biển Đông có không bị nóng lên do sự tham gia và ảnh hưởng của Mỹ thì Ấn Độ cũng tìm kiếm các cơ hội khác để thực hiện các hành động chiến lược tương tự.

Yêu sách Biển Đông của Trung Quốc. Bắc Kinh được cho là đã bắt đầu vẽ bản đồ khu vực Biển Đông, một động thái gây quan ngại rằng nước này sẽ đẩy mạnh các nỗ lực thăm dò dầu khí để củng cố các yêu sách lãnh thổ. Điều này cùng với cuộc va chạm gần đây giữa tàu Phi-líp-pin và tàu Trung Quốc có thể làm leo thang những căng thẳng tại khu vực. Zhang Yunling, giám đốc Viện nghiên cứu quốc tế thuộc Viện Khoa học xã hội Trung Quốc, nói rằng các cuộc khảo sát địa lý tại Biển Đông là bước đầu tiên trong chuỗi các lợi ích chiến lược mà Trung Quốc có thể đạt được trong tương lai gần. Các nước trong khu vực như Ấn Độ, Nhật Bản và Việt Nam cũng có những lí do để lo ngại về hành động khiêu khích mới nhất này của Trung Quốc. Điều này có thể khuyến khích các quốc gia trong khu vực tạo ra một mặt trận thống nhất nhằm chống lại Trung Quốc.

Vì sao Trung Quốc tăng cường sức mạnh quân sự? Trên thực tế, Trung Quốc không chỉ là nước lớn so về diện tích và dân số mà lớn ngay cả trên cả tầm ảnh hưởng và sức mạnh quân sự. Điều này thể hiện rõ nét nhất ở mức tốc độ gia tăng chi tiêu cho quốc phòng của Trung Quốc luôn luôn giữ mức tăng ở hai con số trong suốt nhiều năm qua. Lầu Năm Góc cho rằng PLA đang ngày càng phát triển hoàn thiện chiến thuật “chống tiếp cận”, đồng thời sử dụng các hình thức tấn công có độ chính xác cao cả trong tấn công mặt đất lẫn tấn công chống tàu, chiến hạm, tàu ngầm cũng như dùng các loại vũ khí chống định vị nhằm tiêu diệt và phá hủy khí tài của các quốc gia khác từ xa. Trung Quốc đặc biệt chú trọng đến vùng biển phía Tây Thái Bình Dương, nơi có nhiều căn cứ quân sự của Mỹ như Okinawa, Hàn Quốc và đảo Guam. Hành động này không chỉ giúp cân bằng đối trọng với Mỹ, một mặt buộc nước này phải mệt mỏi vì những chi tiêu ngày càng tốn kém cho việc duy trì các căn cứ quân sự, một mặt vừa trực tiếp “răn đe” những nước dưới trướng đang được Mỹ che chở. Trung Quốc đang khiến cả thế giới lo ngại bất chấp họ luôn lặp đi lặp lại những tuyên bố cũ rằng họ đang “trỗi dậy hòa bình”. Rõ ràng Trung Quốc có tham vọng vươn lên thay thế tầm ảnh hưởng của Mỹ trong khu vực.

Căng thẳng leo thang trong tranh chấp Biển Đông? Vừa qua, hai tàu hải giám Trung Quốc đã ngăn cản một tàu hải quân Phi-líp-pin, không cho bắt giữ các tàu đánh cá Trung Quốc đang hoạt động tại vùng biển mà phía Phi-líp-pin cho là nằm trong “vùng đặc quyền kinh tế” của mình. Trong khi, Phi-líp-pin cho biết đã đồng ý với Trung Quốc giải quyết tranh chấp này bằng các nỗ lực ngoại giao nhưng hai bên đều không từ bỏ các lập trường cứng rắn của mình. Đối với Phi-líp-pin, những lo ngại về sự xâm phạm lãnh thổ của Trung Quốc là đủ lớn để nước này phải đề nghị sự giúp đỡ từ phía Mỹ trong việc xây dựng hệ thống phòng thủ hàng hải. Về phía Trung Quốc, tướng La Viện cũng có những cảnh báo rằng Phi-líp-pin đang đối mặt với cơ hội cuối cùng để giải quyết một cách hòa bình các tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông: “Sai lầm lớn nhất của Phi-líp-pin là đánh giá sai thực lực và ý chí của Trung Quốc trong việc bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ.”

“Việt Nam trong thế kẹt với Trung Quốc: Đường hướng chỉ đạo trong môi trường chiến lược mới” của tiến sỹ Marvin Ott, chuyên gia về chính sách công của Trung tâm Học giả Quốc tế Woodrow Wilson. Việt Nam vướng phải thế tiến thoái lưỡng nan trong quan hệ với Mỹ và với Trung Quốc và Việt Nam đã khéo léo thoát ra khỏi thế kẹt thông qua việc triển khai 9 biện pháp ngoại giao: (i) Tăng cường hợp tác qua kênh Đảng với Trung Quốc; (ii) tăng cường sức mạnh thông qua đổi mới và mở cửa nền kinh tế; (iii) tham gia và gắn kết với ASEAN, biến những đe dọa đối với Việt Nam thành những đe dọa chung của toàn khối; (iv) tận dụng mọi cơ hội qua các kênh các hình thức để khẳng định chủ quyền của Việt Nam ở biển Đông; (v) giảm nhẹ những tranh chấp về lãnh thổ giữa các nước trong nội khối ASEAN, tạo thành một mặt trận thống nhất đối chọi với Trung Quốc; (vi) mời gọi sự có mặt các công ty dầu khí quốc tế tham gia khai thác ở biển Đông; (vii) tăng cường quan hệ với Nhật Bản, nâng cấp quan hệ quân sự với Ấn Độ, Nga; (viii) thường xuyên đánh tiếng với Trung Quốc rằng Việt Nam “không bao giờ” chấp nhận tuyên bố chủ quyền lãnh hải của Trung Quốc; (ix) tăng cường quan hệ với Mỹ cả về kinh tế, ngoại giao và quân sự. Việc gia nhập ASEAN và vị thế đang lên của Việt Nam trong khối là một minh chứng cho khả năng của Hà Nội trong việc giành một vị thế trung lập giữa lợi ích của Hoa Kỳ và Trung Quốc. Việc ngày càng thắt chặt mối quan hệ với Hoa Kỳ là một minh chứng rõ ràng nhất về sự khôn ngoan của Hà Nội trong việc giải quyết hài hòa những khó khăn cố hữu của mình.

“Những vấn đề đằng sau căng thẳng trên Biển Đông” của Roberto Tofani. ASEAN có một thông lệ hoạt động đã thành tiêu chuẩn, có mục đích là giấu các vấn đề gây tranh cãi; tuy nhiên, quyết định của Campuchia với tư cách chủ tịch ASEAN – không thảo luận về Biển Đông – cũng bộc lộ sự ảnh hưởng của Trung Quốc. Trong lúc các thành viên ASEAN mua sắm vũ khí, hạm đội tàu ngầm của Trung Quốc được đặt ở mức độ cảnh giác cao. Năm Tàu ngầm hạt nhân lớp Jin, trang bị tên lửa đạn đạo JL-2, có thể tăng tầm ngắm tới hơn 8.000 km, đang được triển khai ở Tam Á, thành phố cực nam của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Rủi ro, trong bối cảnh này, là sự phổ biến vũ khí hạt nhân trong khu vực, bất chấp cái nỗ lực ngoại giao đã đưa các nước thành viên ASEAN đến việc ký kết Hiệp ước Khu vực Không Vũ khí Hạt nhân (SEANWFZ, ký năm 1995). Trong tình hình này, ngoại giao có vẻ đã chiếm sân khấu chính trong tranh chấp Biển Đông. Với quyết định thực hiện DOC, chính quyền Bắc Kinh muốn tỏ ra rằng Trung Quốc không phải là mối đe dọa đối với an ninh khu vực, đồng thời muốn phục hồi lại uy tín đã mất vì cách ứng xử hiếu chiến của mình. Hội nghị thượng đỉnh ASEAN tháng 11 tới ở Phnom Penh sẽ là giai đoạn cuối cùngđể tiến tới một Bộ Quy tắc ứng xử (COC) mà 10 nước ASEAN sẽ đưa cho phía Trung Quốc. Theo giáo sư Carl A Thayer, nhưng tự đặt ra hạn chót cho việc soạn thảo COC “có thể đưa đến một sự thỏa hiệp vội vàng cùng một văn bản không có hiệu lực thực thi”.

Bản PDF tại đây



[1] Theo Tân Hoa xã ngày 7/4/2012

[2] Mạng Nhân dân Trung Quốc 11/4