Động thái các quốc gia

+ Trung Quốc:

Hải quân Trung Quốc tập trận ở Biển Đông. Lực lượng không quân và hải quân Trung Quốc đã diễn tập kịch bản đối đầu với lực lượng tàu chiến nước ngoài xâm phạm hôm 10/3. Một khoa mục khác trong cuộc diễn tập là tìm kiếm máy bay nước ngoài với sự giúp đỡ của lực lượng mặt biển và xua đuổi máy bay này ra khỏi không phận Trung Quốc. Cuộc diễn tập của Trung Quốc diễn ra cùng thời điểm tàu khu vực USS McCampbell của Mỹ tiến gần Quần đảo Hoàng Sa.

Trung Quốc triển khai tàu nghiên cứu tới Biển Đông. Tàu Thám tác số 1 ngày 11/3 đã rời Hải Nam bắt đầu hoạt động nghiên cứu biển sâu đầu tiên trong năm 2020. Tàu Thám tác 1 sẽ chở theo tàu lặn người lái “Deep Sea Warrior” có khả năng lặn tới độ sâu 4.500 m. Theo Trung Quốc, “Trong chuyến thám hiểm kéo dài 20 ngày này, 60 nhà khoa học trên tàu sẽ hoàn tất việc đo lường thông số và thu thập các mẫu sinh vật biển, địa chất và hải dương học ở Biển Đông.”

Trung Quốc phản đối tàu chiến Mỹ áp sát Hoàng Sa. Phát ngôn viên Chiến khu Nam Đại tá Lý Hoa Mẫn hôm 11/3 cho hay, “tàu chiến mỹ USS McCampbell áp sát Hoàng Sa mà không được Trung Quốc cho phép. Quân đội Trung Quốc đã điều động lực lượng giám sát và yêu cầu tàu chiến Mỹ rời khỏi khu vực”. Theo ông Lý, “Dưới vỏ bọc tự do hàng hải, Mỹ đã liên tục phô diễn sức mạnh, khiến tình hình Biển Đông phức tạp thêm. Đây là một hành vi bá quyền vi phạm luật pháp quốc tế, đe dọa hòa bình và ổn định ở Đông Nam Á.”

Trung Quốc - Campuchia tập trận “Rồng vàng” 2020. Cuộc tập trận giữa quân đội Campuchia và quân giải phóng nhân dân Trung Quốc diễn ra từ ngày 15/3 - 1/4 tại trường bắn đạn thật Techo Sen Chumkiri, tỉnh Kampot. Chủ đề năm nay là chống khủng bố và cứu trợ nhân đạo với hơn 2.000 binh lính hai nước tham gia. Phát biểu tại lễ khai mạc, Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Hoàng gia CampuchiaTướng Vong Pisen khẳng định, “Cuộc diễn tập sẽ tăng cường hợp tác giữa Trung Quốc và Campuchia trong hoạt động chống khủng bố và cứu trợ nhân đạo, góp phần bảo vệ hòa bình, ổn định và phát triển của hai nước và trong khu vực.” Đây là cuộc tập trận Rồng vàng thường niên lần thứ 4.

+ Philippines:

Tổng thống Philippines từ chối nối lại thỏa thuận quân sự với Mỹ. Bình luận của Tổng thống Duteter đưa ra một tháng sau khi Philippines chính thức thông báo về việc dừng Thỏa thuận Thăm viếng Quân sự năm 1999 với Mỹ. Phát biểu trước báo giới hôm 9/3, ông Duterte khẳng định, “Họ không thể thúc ép tôi. Tôi đã quyết định dừng Thỏa thuận đó. Chúng ta đang đếm ngược 180 ngày để chấm dứt hoàn toàn.” Nhiều nghị sĩ đối lập đã phản đối ý kiến của Tổng thống và kiến nghị vấn đề này lên Tòa án Tối cao.

BTQP Philippines bác tin tàu Trung Quốc trì hoãn việc xây dựng ở Thị Tứ. Phát biểu trước báo giới hôm 10/3, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines ông Delfin Lorenzana cho hay, “Có một vấn đề lớn ở giai đoạn đầu của dự án cải tạo Thị Tứ. Nền biển dự định xây dựng đoạn dốc ven biển quá cứng khiến các nhà thầu phải sử dụng các thiết bị khoan phù hợp. Bên cạnh đó, điều kiện biển động gây khó khăn cho việc vận chuyển vật liệu xây dựng.” Bình luận của ông Lorenzana đưa ra sau khi trang AMTI đưa tin số lượng lớn tàu Trung Quốc hiện diện ở khu vực làm chậm tiến độ xây dựng ở Thị Tứ.

+ Indonesia:

Indonesia triển khai 30 tàu cá lớn đến vùng biển Natuna. Ngày 10/3, Bộ trưởng Điều phối các vấn đề chính trị, pháp lý và an ninh Mahfud MD cho hay Indonesia sẽ điều chuyển 30 tàu cá trọng tải hơn 100 tấn đến vùng biển Natuna. Đây là chỉ đạo của Tổng thống Widodo nhằm bảo vệ vùng EEZ theo quy định UNCLOS và thúc đẩy hoạt động kinh tế, xã hội ở Natuna. Các tàu này sẽ khởi hành tới Natuna vào ngày 10/3. Chính phủ đã thảo luận với ngư dân địa phương về việc điều chuyển tàu cá từ Pantura tới, đồng thời khuyến khích ngư dân Natuna sử dụng các tàu lớn hơn.

Indonesia xác định ba khu vực biển dễ bị đánh bắt trộm. Trong tuyên bố hôm 11/3, Tổng Vụ trưởng Giám sát Nguồn lợi Thủy sản và Ngư nghiệp ông Tb Haeru Rahayu cho hay, “Indonesia đã xác định ba khu vực - vùng biển Bắc Natuna, Eo biển Malacca và Biển Sulawesi - dễ bị các tàu nước ngoài đánh bắt trái phép.” Theo ông Haeru, cơ quan này đã bắt giữ 2 tàu cá Myanmar cùng 12 thuyền viên đánh bắt trái phép tại Eo biển Malacca. Đầu tháng 3, cơ quan trên đã bắt giữ 5 tàu cá Việt Nam với 68 thuyền viên tại vùng biển Bắc Natuna.

+ Mỹ:

Mỹ thúc giục Úc tăng cường hiện diện ở khu vực Đông Nam Á. Phát biểu tại một hội nghị tài chính hôm 10/3, Đại sứ Mỹ tại Úc ông Arthur Culvahouse Jr cho hay, “Mỹ đang thúc giục Úc mở rộng hiện diện từ các quần đảo Thái Bình Dương sang Đông Nam Á cũng như chính sách hướng Bắc.” Theo ông Culvahouse Jr, “Úc đang ở tuyến đầu trong cuộc cạnh tranh chiến lược của thời đại. Nếu hai nước muốn tiếp tục môi trường an ninh và sự thịnh vượng, cần chiến thắng trong cuộc cạnh tranh này. Các khu vực tư nhân có thể và cần đóng vai trò thậm chí quan trọng hơn giúp duy trì ổn định và sự thịnh vượng của hai quốc gia.”

Hải quân Mỹ chỉ trích yêu sách Biển Đông của Trung Quốc. AFP hôm 11/3 dẫn lời phát ngôn viên Hạm đội 7 bà Reann Mommsen khẳng định, “Những yêu sách phi pháp và quá mức ở Biển Đông đặt ra mối đe dọa chưa từng có đối với tự do lưu thông ở vùng biển này. Bằng cách thực hiện hoạt động FONOP, Mỹ chứng minh những vùng biển này nằm ngoài khu vực Trung Quốc có thể yêu sách lãnh hải hợp pháp và đường cơ sở thẳng Trung Quốc tuyên bố xung quanh Hoàng Sa không phù hợp với luật pháp quốc tế." Tuyên bố của bà Mommsen đưa ra sau khi phát ngôn viên Chiến khu Nam của Trung Quốc tuyến bố hoạt động của tàu USS McCampbell gần Hoàng Sa là khiêu khích.

Tàu chiến Mỹ diễn tập chung ở Biển Đông. Tàu đổ bộ USS America, tàu đô đốc của Nhóm Tấn công Viễn chinh (ESG) số 7, cùng tàu tấn công ven biển USS Gabrielle Giffords diễn tập ở Biển Đông hôm 13/3. Phó Đô đốc Fred Kacher, Tư lệnh ESG 7 cho hay “Với việc kết hợp năng lực tấn công của Nhóm thủy quân lục chiến hải quân với tốc độ và tính cơ động của một tàu chiến ven biển, Mỹ đang phát triển phương thức mới trong phối hợp ở một trong những khu vực quan trọng nhất trên thế giới.” Đây là lần đầu tiên hai tàu diễn tập chung ở Biển Đông./.

Thực hiện: Đinh Anh