I. Động thái của các quốc gia

+ Trung Quốc:

Trung Quốc bác bỏ cáo buộc xâm nhập lãnh hải của Phillippines. Tranh cãi giữa Philippines và Trung Quốc lại nổi lên sau khi bộ Quốc phòng và Các Lực lượng Vũ trang Philippines phát hiện ba tàu của Trung Quốc đi vào vùng biển lân cận của bãi đá Sa Bin, mà Philippines tuyên bố có chủ quyền, vào hai ngày 11 và 12 tháng trước. Trong buổi họp báo định kỳ của bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 9/1, người phát ngôn Lưu Vi Dân gọi những lời buộc tội của Philippines là vô căn cứ và nói rằng "Trung Quốc có chủ quyền không thể tranh cãi" trên khu vực này. Ông này cũng bày tỏ hy vọng rằng Philippines sẽ không "kích động rắc rối và khiến sự việc trở nên phức tạp" và hành động nhiều hơn để bảo vệ hòa bình, ổn định trong khu vực.

Trung Quốc chỉ trích chiến lược quốc phòng của Mỹ. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lưu Vi Dân ngày 9/1 đã chỉ trích việc chiến lược quốc phòng mới của Mỹ đánh giá các mục đích chiến lược của Trung Quốc không minh bạch là "vô căn cứ và không đáng tin cậy." Ông Lưu Vi Dân nêu rõ: "Các mục đích chiến lược của Trung Quốc là rõ ràng, công khai và minh bạch" và nhấn mạnh sự hiện đại hóa quốc phòng của Trung Quốc đóng vai trò tích cực trong việc duy trì hòa bình-an ninh khu vực và "không đe dọa bất kỳ quốc gia nào." Ông Lưu cũng khẳng định Bắc Kinh cam kết phát triển hòa bình và theo đuổi một chính sách "mang tính phòng thủ."

Thực hiện đồng thời “vương đạo” và “bá đạo” ở Biển Đông của Hà Lượng Lượng, bình luận viên thời sự của Đài truyền hình Phượng Hoàng (Hồng Công). Đối với việc bảo vệ chủ quyền Biển Đông, Trung Quốc cần “tiên lễ hậu binh”, vừa phải dùng “vương đạo” (đạo lý) nhưng cũng phải dùng “bá đạo” (vũ lực). Thực lực cứng và mềm phải kết hợp với nhau, chỉ dùng đạo lý thì không được. Trung Quốc cần tăng cường nghiên cứu luật quốc tế liên quan đến tranh chấp Biển Đông, cần phải tỏ rõ quyết tâm với cộng đồng quốc tế, đồng thời cần thể hiện rõ khả năng của Trung Quốc[1].

Trung Quốc cảnh báo Mỹ cẩn trọng lời nói, hành động. Ngày 9/1, Người phát ngôn Bộ Quốc Phòng Trung Quốc Cảnh Nhạn Sinh cho biết, Trung Quốc đã chú ý đến báo cáo chiến lược quân sự mới của Mỹ công bố ngày 5/1. Trung Quốc sẽ theo dõi chặt chẽ tác động của việc điều chỉnh chiến lược của Mỹ đối với tình hình an ninh khu vực châu Á-Thái Bình Dương và toàn cầu. Cảnh Nhạn Sinh cho biết, những chỉ trích của Mỹ đối với Trung Quốc trong bản báo cáo này là vô căn cứ, khẳng định hoà bình và ổn định của khu vực châu Á-Thái Bình Dương là xu thế lớn, phát triển phồn thịnh là đúng lòng người. Trung Quốc mong Mỹ thuận theo trào lưu thời đại, nhìn nhận Trung Quốc và quân đội Trung Quốc một cách khách quan và lý trí, thận trọng trong lời nói và hành động.

Trung Quốc tăng bất thường các cuộc tập trận đổ bộ. Trong thời điểm chuyển giao giữa năm cũ và mới, Hải quân Trung Quốc tăng cường huấn luyện quy mô lớn, các binh chủng và tàu thuyền như tàu ngầm, tàu khu trục, thuyền máy (ca-nô), lực lượng trên không đều tới tấp tăng cường tập trận chung, nâng cao khả năng tác chiến hiệp đồng. Ba hạm đội lớn gồm Hạm đội Nam Hải, Hạm đội Đông Hải và Hạm đội Bắc Hải đều tăng cường huấn luyện có tính mục đích, đột phá một loạt vấn đề nan giải trong huấn luyện, tăng cường khả năng tác chiến ứng phó khẩn cấp

“Hải quân Trung Quốc đi ra biển xa: nhiệm vụ nặng nề và đường còn xa”.  Trong quá trình từ biển gần đi ra biển xa, từ phương diện chiến lược đến chiến thuật, hải quân Trung Quốc đang đứng trước cục diện trên biển có nhiều đối thủ cạnh tranh, trong đó Mỹ là đối thủ chiến lược, Nhật là đối thủ hiện thực, Ấn Độ là đối thủ tiềm tàng ở khu vực biển xa, Việt Nam và Philíppin là đối thủ chiến thuật cục bộ. Việt Nam, Philíppin và Ma-lai-xi-a xác định việc xây dựng chiến trường Trường Sa là mục tiêu trọng tâm. Thông qua diễn tập quân sự dày đặc, dùng vũ lực truy đuổi tàu cá Trung Quốc, các nước này muốn tăng cường hơn nữa việc giám sát và kiểm soát đối với các vùng biển tranh chấp[2].

“Sử dụng chiến thuật cờ vây để khai thác Biển Đông” của Trương Kiện Cương, chủ nhiệm phòng nghiên cứu chiến lược và chính trị hải dương, Đại học hải dương Quảng Tây. Trung Quốc có thể tham khảo các chiến thuật cờ vây như sau: (i) Thâm nhập khai thác: chiến thuật này nhằm ngăn chặn đối phương mở rộng lãnh địa (ii) Áp sát khai thác: tức là chen vào nơi đối phương đang tập trung, làm cho thế kiên kết của đối phương bị cắt đứt (iii) Chia cắt khai thác, tức là cắm quân vào chỗ hở của thế cờ đối phương (iv) Ngăn chặn khai thác, tức là ngăn chặn không cho đối phương đi cờ theo hướng đang phát triển(v) Nhằm điểm xung yếu khai thác (vi) Thăm dò khai thác hoặc cọ sát khai thác: đi một nước cờ ngay sát cờ của đối phương để thăm dò phản ứng (vii) Hạn chế khai thác (viii) Củng cố khai thác, tức là dùng biện pháp củng cố địa bàn. Việc khai thác Biển Đông hiện nay của Trung Quốc đang là “người đi sau”, phải giải quyết vấn đề “người đi sau ứng phó thế nào với cục diện mà người đi trước đã sắp đặt”.

Trung Quốc không nên “hoảng hốt” của La Viện, Thiếu tướng quân đội Trung Quốc. Mỹ đang bố trí lực lượng xuyên suốt khu vực châu Á-Thái Bình Dương nhằm mục đích kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc. Lời khẳng định của Oasinhtơn hồi tuần trước rằng việc điều chỉnh trọng tâm quân sự này không nhằm vào Trung Quốc chỉ càng khiến cho ý định thực sự của họ trở nên rõ ràng. Nhìn ra xung quanh, chúng ta có thể thấy Mỹ đang củng cố 5 đồng minh quân sự quan trọng của mình ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương và đang điều chỉnh vị trí 5 cụm căn cứ quân sự lớn, trong khi cũng tìm kiếm thêm quyền tiếp cận các căn cứ quân sự xung quanh Trung Quốc". Ai có thể tin được rằng điều đó không nhằm vào Trung Quốc? Liệu đây có phải là sự trở lại của trạng thái Chiến tranh Lạnh? Bắc Kinh phải nỗ lực hơn nữa để tranh thủ sự ủng hộ của các nước trong khu vực, thu hút những nước này xa rời vòng quỹ đạo của Mỹ, phải tiến hành các cuộc tập trận thành thạo, dùng giải pháp ngoại giao khôn khéo và làm bạn với càng nhiều nước càng tốt. Bắc Kinh cần phản ứng một cách "thận trọng" bằng đường lối ngoại giao thông minh, chứ không được hoang mang[3].

+ Việt Nam:

Đường lưỡi bò' gây phức tạp Biển Đông. Trả lời phỏng vấn báo VnExpress của Tiến sĩ Lê Quý Quỳnh, Vụ trưởng Vụ Biển - Uỷ ban Biên giới quốc gia, Bộ Ngoại giao Việt Nam. Cho tới trước năm 2009, Trung Quốc chưa bao giờ chính thức đưa ra yêu sách này. “Đường lưỡi bò” hoàn toàn không có cơ sở pháp lý và lịch sử, vì được vẽ ra một cách tùy tiện, không có toạ độ của các điểm cụ thể và không được quốc tế công nhận. Năm 2009, Trung Quốc lần đầu chính thức đưa yêu sách “đường lưỡi bò” ra Liên Hợp Quốc nhưng không có giải thích cụ thể. Ngay sau đó, Việt Nam, và tiếp đến là Indonesia, Philippines đã gửi công hàm lên Liên Hợp Quốc để phản đối yêu sách phi lý đó của Trung Quốc. Tại các cuộc hội thảo quốc tế gần đây, rất nhiều học giả quốc tế như Pháp, Bỉ, Mỹ, Indonesia đã chỉ ra tính phi lý của yêu sách “đường lưỡi bò”, đồng thời, nhiều học giả còn nhấn mạnh rằng, chính yêu sách “đường lưỡi bò” là nguyên nhân gây ra những căng thẳng, phức tạp trên Biển Đông.

+ Philíppin:

Philippines tố cáo Trung Quốc xâm phạm lãnh hải. Ngày 8/1, Ngoại trưởng Philippines Alberto del Rosario cho biết chính phủ nước ông đã bày tỏ "quan ngại sâu sắc" với Đại sứ quán Trung Quốc sau khi ba tàu của Bắc Kinh, trong đó có một tàu hải quân, bị phát hiện ở gần bãi cát ngầm Sabina trên Biển Đông vào các ngày 11-12/12. Tư lệnh quân khu, Trung tướng Juancho Sabban, cho biết một tàu tuần tra hải quân của Philippines và một máy bay của lực lượng không quân nước này đã theo dõi từ xa cho tới khi ba tàu của Trung Quốc rời khỏi các vùng lãnh thổ của Philippines. Số tàu này đã không thả neo hay thả các nguyên vật liệu xây dựng.

+ In-đô-nê-xi-a:

Indonesia ưu tiên thúc đẩy hợp tác hàng hải ASEAN. Người phát ngôn Indonesia Michael Tene cho biết hợp tác hàng hải trong khối ASEAN là một trong những vấn đề khu vực được ưu tiên quan tâm hàng đầu của Indonesia trong năm 2012. Indonesia muốn ASEAN có một sự hợp tác toàn diện trong lĩnh vực hàng hải, đặc biệt về an ninh hàng hải, môi trường hàng hải và thủy sản. Theo ông, sự hợp tác này sẽ tăng cường xây dựng lòng tin và củng cố hợp tác giữa các nước thành viên ASEAN. Ông Tene cũng hy vọng ASEAN sẽ tăng cường hợp tác hàng hải, chống cướp biển và tội phạm hàng hải, chống các hoạt động tội phạm xuyên quốc gia và các mối đe dọa, để đảm bảo an toàn và tự do hàng hải trong khu vực.

Indonesia hoàn thành ký kết mua 6 máy bay chiến đấu Su-30MK2. Ngày 10/1, một nguồn tin từ tổ hợp công nghiệp quốc phòng Nga Rosoboronexport cho biết hãng này và Bộ Quốc Phòng Indonesia vừa ký một hợp đồng trị giá 470 triệu USD. Đây là hợp đồng lớn nhất trong lịch sử hợp tác quân sự-kỹ thuật giữa hai nước. Lô máy bay mới dự kiến bắt đầu bàn giao sau năm 2013. Trong trang thiết bị không quân Indonesia hiện đã có 10 máy bay chiến đấu Su, gồm 5 chiếc Su-27SKM và 5 chiếc Su-30MK2.

+ Mỹ:

CNAS ra báo cáo về Biển Đông. CNAS là tổ chức nghiên cứu rất có uy tín và quan hệ mật thiết với chính quyền Washington. Báo cáo với nhan đề “Hợp tác từ sức mạnh: Hoa Kỳ, Trung Quốc và Biển Đông” kêu gọi Washington tập trung hơn nữa nguồn lực vào Biển Đông và tăng cường hạm đội hải quân từ 285 tàu chiến lên 346 chiếc. Theo đó, “sự tiếp cận bằng đường ngoại giao - kinh tế với Trung Quốc và các nước khác sẽ diễn ra tốt hơn nếu được chống lưng bởi một nguồn lực quân sự đáng tin cậy”. Báo cáo cũng ủng hộ chiến lược tăng cường hiện diện tại châu Á - Thái Bình Dương và khẳng định Biển Đông là khu vực chiến lược quyết định vai trò tương lai của Mỹ trong khu vực này.

Bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Panetta: Quân đội Mỹ vẫn hùng mạnh nhất thế giới. Phát biểu trong chương trình “Face the Nation” của đài CBS, Bộ trưởng Quốc phòng Leon Panetta bác bỏ các ý kiến cho rằng quân đội Mỹ đang suy thoái. Panetta cảnh báo các đối thủ không nên đánh giá sai kế hoạch cắt giảm chi tiêu quân sự, đồng thời khẳng định quân đội Mỹ vẫn hùng mạnh nhất thế giới. Dĩ nhiên là Mỹ phải sắp xếp các ưu tiên, nhưng điều căn bản là khi Mỹ phải đối đầu với một kẻ xâm lược ở bất cứ nơi nào trên thế giới, Mỹ sẽ có thể đáp trả và đánh bại.

Mỹ bảo đảm không nước nào thống trị Biển Đông. Phát biểu trong trong buổi thuyết trình chiều 9/1 tại Ban Thư ký ASEAN ở thủ đô Jakarta (Indonesia) về quan hệ Mỹ-ASEAN, Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ William S. Cohen khẳng định Biển Đông "phải là một vùng biển của tự do và an toàn lưu thông hàng hải," các tranh chấp cần phải được giải quyết thông qua đàm phán hòa bình và tuân thủ luật pháp quốc tế. “Vai trò của chúng tôi không phải là giải quyết vấn đề mà góp phần gắn kết, tạo cơ hội để các bên đối thoại và đảm bảo Biển Đông không bị bất cứ nước nào độc chiếm”. Trong bối cảnh đang có những ý kiến khác nhau về sự có mặt của Mỹ tại châu Á - Thái Bình Dương và sự trỗi dậy về quân sự của Trung Quốc, ông Cohen nhấn mạnh động thái của Mỹ không phải nhằm tạo thêm căng thẳng hoặc đối đầu với Trung Quốc.

Toàn văn chiến lược quân sự mới của Mỹ. Chiến lược mới với nhan đề “Duy trì sự lãnh đạo toàn cầu của Mỹ: Những ưu tiên cho quốc phòng thế kỷ 21” do Tổng thống Obama và giới chức quốc phòng Mỹ công bố ngày 5/1/2012. “Mỹ phải đối mặt với những thách thức sâu sắc đòi hỏi các lực lượng quân sự mạnh mẽ, nhanh nhạy, và có khả năng mà những hành động của họ hài hòa với những yếu tố khác trong sức mạnh quốc gia của Mỹ. Những trách nhiệm toàn cầu của chúng ta là đáng kể; chúng ta không thể thất bại.”

+ Ấn Độ:

OVL tiếp tục khoan dầu ở Biển Đông. Là một phần trong những nỗ lực để khẳng định sự hiện diện của Ấn Độ ở Biển Đông, Công ty dầu khí nhà nước ONGC Videsh Ltd (OVL) sẽ tiếp tục khoan trong lô dầu khí 128 trên vùng biển Việt Nam. “Chúng tôi đang đi trước so với kế hoạch khoan của mình" một giám đốc điều hành dấu tên của Corp Ltd cho biết. Việc khoan đã bị đình chỉ hồi năm ngoái sau một sự cố kỹ thuật.

Ấn Độ chuẩn bị phóng thử tên lửa tầm xa. Giám đốc Viện nghiên cứu các hệ thống tên lửa hiện đại của Ấn Độ Tessy Thomas, cho biết Ấn Độ đã sẵn sàng phóng thử nghiệm tên lửa đạn đạo tầm xa Agni-5 trong vòng 2 - 3 tháng tới. Khoảng 1.000 nhà khoa học Ấn Độ đang làm việc hết công suất để chuẩn bị cho cuộc phóng thử này. Theo bà Tessy, tên lửa Agni-5 là hệ thống tên lửa hoàn toàn mới sẽ đáp ứng các thách thức an ninh mà New Delhi đang phải đương đầu. Với bán kính hoạt động hơn 5.000 km, miền Bắc Trung Quốc sẽ bị đặt trong tầm bắn của loại tên lửa này.

II. Quan hệ các nước

Khởi động xây dựng bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông. Tại hội nghị hẹp Ngoại trưởng ASEAN ở Campuchia, Bộ trưởng Phạm Bình Minh đánh giá cao vai trò chủ động và đóng góp tích cực, ghi nhận kết quả đạt được giữa ASEAN và Trung Quốc trong việc thông qua Tài liệu hướng dẫn triển khai DOC, đóng góp vào việc triển khai đầy đủ DOC. Thời gian qua, ASEAN đã thể hiện vai trò quan trọng và đóng góp tích cực trong duy trì hòa bình, ổn định ở khu vực; đề cao các nguyên tắc về giải quyết các tranh chấp thông qua thương lượng hòa bình, tuân thủ luật pháp quốc tế, UNCLOS và DOC; khởi động xây dựng bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC).

Trung Quốc và ASEAN họp về Biển Đông. Ngày 12/1, Người phát ngôn Bộ ngoại giao Trung Quốc Lưu Vi Dân cho biết Hội nghị quan chức cấp cao lần thứ 4 thực hiện "Tuyên bố về cách ứng xử của các bên trên Biển Đông" sẽ diễn ra tại Bắc Kinh từ ngày 13 đến ngày 15/1, quan chức cấp cao của Trung Quốc và 10 nước ASEAN sẽ tham dự hội nghị. Cuộc gặp sẽ xem xét việc thực thi Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và trao đổi quan điểm về thúc đẩy hợp tác về thực chất trong khuôn khổ Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC). Năm nay là kỷ niệm "Tuyên bố về cách ứng xử của các bên trên Nam Hải" ký kết tròn 10 năm, Trung Quốc sẵn sàng cùng cố gắng với các nước ASEAN nắm bắt cơ hội có được không dễ hiện nay, duy trì xu hướng hợp tác thực tế trên Biển Đông, thúc đẩy việc thực thi toàn diện tuyên bố, thúc đẩy hòa bình và ổn định trên Biển Đông.

Ngoại trưởng ASEAN khẳng định lập trường chung về Biển Đông. Tại Hội nghị hẹp Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN (AMM Retreat) tại Siem Reap - Campuchia, Các Bộ trưởng nhấn mạnh: hòa bình, ổn định và an ninh ở Biển Đông, trong đó có an ninh và an toàn hàng hải; các bên liên quan cần giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, tuân thủ luật pháp quốc tế, đặc biệt Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS), thực hiện đầy đủ Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), sớm xây dựng một bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).

Trung Quốc và Philíppin thảo luận về Biển Đông. Ngày 12/1, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lưu Vi Dân cho biết Trung Quốc và Philippines sẽ tổ chức cuộc trao đổi ngoại giao lần thứ 17 tại Bắc Kinh vào ngày 14 sắp tới. Lưu Chí Dân cho biết tại cuộc gặp, ngoài trao đổi quan điểm về quan hệ song phương, tăng cường hợp tác về thực chất, hai bên còn trao đổi quan điểm về cách thức giải quyết hợp lý vấn đề tranh chấp trên Biển Đông và đưa ra nỗ lực chung nhằm bảo đảm hòa bình, ổn định cho khu vực. Trung Quốc dốc sức triển khai hợp tác láng giềng hữu nghị với Phi-li-pin và giải quyết ổn thỏa tranh chấp Biển Đông.

Chủ tịch Đảng Dân chủ Tự do Nhật Bản thăm Việt Nam. Giới phân tích cho rằng, Chủ tịch một đảng đối lập lớn ở Nhật Bản thăm Việt Nam không phải là sự kiện gây sự chú ý đặc biệt, nhưng việc ông Sadakazu Tanigaki phát biểu về vấn đề nhạy cảm liên quan đến Trung Quốc ở Việt Nam đã gây sự chú ý. Tại cuộc gặp với Chủ tịch Quốc Hội Nguyễn Sinh Hùng ngày 9/1, ông Sadakazu bày tỏ, do Trung Quốc tăng cường đi vào Biển Đông và có bất đồng với các nước xung quanh về chủ quyền đối với một số đảo, do đó hy vọng vấn đề này sẽ được giải quyết hòa bình theo luật pháp quốc tế và giữa nhiều nước với nhau. Ngày 9/1, ông Sadakazu hội kiến với Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng, hai bên đã trao đổi ý kiến về vấn đề chủ quyền Biển Đông[4].

Đối thoại chính sách quốc phòng Việt Nam và Singapore. Tại hội nghị, hai bên đã trao đổi tình hình anh ninh thế giới và khu vực; đánh giá quan hệ quốc phòng song phương giữa Việt Nam và Singapore năm 2011.Trong năm nay hai bên tiếp tục trao đổi đoàn quân sự ở tất cả các cấp; thúc đẩy hơn nữa trên lĩnh vực hải quân; hợp tác đào tạo tiếng Anh; công nghiệp quốc phòng, thương mại quân sự và hợp tác trên lĩnh vực đa phương.

III. Phân tích và đánh giá

Tranh chấp Biển Đông: Cách thức của Aquino hay ASEAN? của Aileen San Pablo-Baviera. Manila đã đề xuất ASEAN đi đầu trong một sáng kiến khu vực nhằm biến Biển Đông thành “Một khu vực Hòa bình, Tự do, Hữu nghị và Hợp tác” (ZoPFFC). Trong khi “Cách thức ASEAN” chậm chạm và không mang tính đối đầu không phải điều mà chính quyền Aquino muốn tiến hành vào lúc này, nói cách khác một số quốc gia ASEAN không thấy thoải mái với “Cách  thức Aquino”. Câu hỏi đặt ra là cách tiếp cận đó có thể mang lại kết quả tốt hơn và tạo bước chuyển trong quá trình xử lý xung đột ở Biển Đông, đặc biệt là ngăn chặn kịch bản đáng lo ngại về xung đột giữa các siêu cường ở Đông Nam Á? Hay sẽ có những nỗ lực tương tự để tiến tới một mục tiêu chung? Thách thức ngay trước mắt đối với Philíppin là thuyết phục các nước láng giềng ASEAN lẫn Trung Quốc rằng sự đoàn kết và ủng hộ nước này không phải để củng cố những yêu sách của Philíppin hay để tập hợp lực lượng chống Trung Quốc. Mục tiêu lớn hơn là hình thành các giải pháp hợp tác để giải quyết căn nguyên của các xung đột dựa trên luật pháp quốc tế. Có thể kết luận rằng bộ quy tắc ứng sử khu vực ở Biển Đông giữa ASEAN - Trung Quốc là rất quan trọng. Việc thiếu các giải pháp hợp tác dựa trên luật lệ, sẽ dẫn đến một hiểm họa khôn lường là sức mạnh quân sự, rốt cuộc, sẽ trở thành trọng tài cuối cùng của các tranh chấp.

Phân tích một số lập luận của Trung Quốc về “Chủ quyền lịch sử” của họ tại Biển Đông của PGS.TS Vũ Dương Huân. Trung Quốc đưa ra các chứng cứ đã khám phá và thực thi chủ quyền đối với các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trước tiên và từ lâu. Tuy nhiên, những tài liệu chỉ cho thấy thuyền bè Trung Quốc có đi qua lại vùng Biển Đông, nhìn thấy nhiều đảo mang tên khác nhau. Song không có đảo nào mang tên Hoàng Sa hay Trường Sa cả. Đặt giả thiết là Trung Quốc đã khám phá ra những đảo này thì Trung Quốc đã không thực hiện chủ quyền các đảo đó. Sự hiện diện người đánh cá,  hay một số đồ gốm, hiện vật khảo cổ được tìm thấy trên các đảo không đủ để khẳng định là hành xử chủ quyền của nhà nước. Phần lớn các luật gia trên thế giới, trừ luật gia Trung Quốc, đều thừa nhận điều này. Trung Quốc mới thật sự chiếm nhóm đảo phía đông quần đảo Hoàng Sa năm 1956 khi Pháp rút khỏi Việt Nam theo Hiệp định Giơ-ne-vơ, đánh chiếm bằng vũ lực từ tay Việt Nam phần còn lại của quần đảo Hoàng Sa tháng 1/1974. Đối với quần đảo Trường Sa, Trung Quốc mới chỉ có mặt bằng cách sử dụng lực lượng vũ trang để chiếm vào tháng 3/1988 và 1995 mà thôi. Trong khi Việt Nam đã phát hiện, hành xử chủ quyền liên tục hòa bình đối với các quần đảo trên từ trước đó vài thế kỷ.

Ấn Độ trong chính sách đối ngoại hướng tới Châu Á của Mỹ của B. Raman, Giám đốc Viện nghiên cứu chuyên đề Chennai của Ấn Độ. Điều mà chiến lược mới của Bộ Quốc Phòng Mỹ đề cập không phải là một liên minh mới, mà là một “mạng lưới” các đồng minh và đối tác của Mỹ. Tuy không nói rõ ràng, nhưng Mỹ hiển nhiên coi Nhật Bản, Hàn Quốc và Australia là các đồng minh, còn Ấn Độ, Việt Nam, Philippines và có thể là các quốc gia ASEAN khác là những đối tác trong mạng lưới này. Những nỗ lực đơn phương và đa phương này sẽ được thực hiện trong thời gian tới không phải để kiềm chế Trung Quốc mà nhằm đưa quốc gia này vào xu thế chủ đạo là hòa bình và an ninh ở Châu Á. Ấn Độ đã và đang tích cực thúc đẩy hợp tác chiến lược với Myanmar, Việt Nam, Nhật Bản và Hàn Quốc, đồng thời cũng gia tăng hợp tác chiến lược với Singapore và Australia. Mối quan hệ giữa Ấn Độ với Mỹ cũng đang được cải thiện trên các lĩnh vực chống khủng bố và an ninh hàng hải. Ấn Độ và các quốc gia Châu Á đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược song phương với Ấn Độ đều chia sẻ quan ngại được bày tỏ công khai của Mỹ đối với tiềm lực, mục tiêu và ý đồ của Trung Quốc. Tuy nhiên, tất cả đều chưa sẵn sàng công khai điều này mà muốn thúc đẩy tham vấn và trợ giúp lẫn nhau trên các vấn đề an ninh, theo hướng không tạo ra báo động đối với Trung Quốc.

“Chiến lược quân sự Mỹ chuyển dịch về phía Đông là đi ngược với xu thế thời đại”. Sự chuyển hướng quân sự của Mỹ lần này bao gồm 2 tầng nấc: thứ nhất là trọng tâm chiến lược địa chính trị dịch chuyển từ khu vực Trung Đông sang khu vực Châu Á –Thái Bình Dương; thứ hai là nhiệm vụ ưu tiên trong chiến lược an ninh chuyển từ chống khủng bố, chống phổ biến vũ khí hạt nhân sang đối phó với nước lớn trỗi dậy. Trong thời gian tới, Mỹ sẽ lấy khu vực từ Tây Thái Bình Dương đến Ấn Độ Dương làm địa bàn hoạt động trọng điểm, thứ tự ưu tiên sẽ là Châu Á –Thái Bình Dương xếp vị trí thứ nhất, Nam Á đứng thứ hai và Trung Đông thứ ba. Tới đây, cọ sát giữa hai nước lớn Trung - Mỹ là khó tránh khỏi, và điều này sẽ có ảnh hưởng lớn tới xu thế cục diện của khu vực Châu Á –Thái Bình Dương và cả thế giới. Trong tình hình quốc tế diễn biến phức tạp khó lường, Trung Quốc cần trầm tĩnh đối phó, gìn giữ và tạo ra môi trường bên ngoài có lợi nhất cho sự phát triển[5].

Kêu gọi tăng cường sức mạnh hải quân Hoa Kỳ ở Biển Đông của Jim Lobe. Trong một bản báo cáo quan trọng vào hôm thứ ba, Trung tâm An ninh Hoa Kỳ Mới (CNAS) đã kêu gọi Washington theo đuổi chính sách “ưu tiên hợp tác” trên Biển Đông, vừa để tránh xung đột trong tương lai với Bắc Kinh vừa để bảo vệ tự do hàng hải và độc lập của các nước nhỏ trong khu vực. Biển Đông được coi là một trong những vùng biển chiến lược và giá trị nhất hành tinh. Từ lâu đã vốn là một vùng biển lắm cá và có lẽ là tuyến giao thương biển quan trọng nhất thế giới hiện nay, Biển Đông nối Ấn Độ Dương với Tây Thái Bình Dương qua eo biển Malacca. Đáy biển chứa ít nhất 7 tỷ thùng dầu – trữ lượng đã được xác minh (Trung Quốc thì từng ước tính con số lên tới 130 tỷ thùng), và 900 triệu feet khối (hơn 25 triệu mét khối) khí tự nhiên. Điều đó khiến cho Biển Đông cùng chuỗi đảo nhỏ xíu, toàn đá là Hoàng Sa và Trường Sa – nằm lấm chấm trên biển – trở thành đối tượng tranh chấp, đối tượng của những yêu sách chồng chéo nhau về lãnh thổ của không dưới 8 nước: Trung Quốc, Đài Loan, Việt Nam, Malaysia, Singapore, Indonesia, Brunei và Philippines. Trong hai năm qua, Trung Quốc ngày càng tỏ ra ngạo ngược trong việc họ khẳng định yêu sách chủ quyền trên gần như toàn bộ Biển Đông, đôi khi còn có hành động quân sự để củng cố yêu sách đó, như hồi tháng 5 năm ngoái khi tàu tuần duyên của họ cắt cáp do một tàu thăm dò dầu khí của Việt Nam đặt. Cùng với hoạt động củng cố nhanh chóng năng lực hải quân, các hành động và dự định của Bắc Kinh đã gây ngày càng nhiều lo ngại cho các quốc gia cũng có yêu sách chủ quyền khác, đưa một số nước trong đó, nhất là Việt Nam và Philippines, vào việc phải tìm cách thắt chặt quan hệ an ninh với Washington.

“Nỗ lực duy trì vị thế thống trị” của Tao Wenzhao, nhà nghiên cứu Viện Nghiên cứu Mỹ, thuộc Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc. Việc rà soát quốc phòng của Mỹ đã đặt trọng tâm chiến lược mạnh mẽ vào châu Á – Thái Bình Dương và Trung Quốc được coi là mối đe dọa đối với khả năng thể hiện quyền lực của Mỹ. Kế hoạch của Mỹ là đạt được nền quốc phòng chất lượng hơn với việc cắt giảm 489 tỷ USD trong thập kỷ tới. Tuy nhiên trong khi Mỹ sẽ giảm lực lượng bộ binh thì Mỹ sẽ đề cao khả năng quan trọng đối với thành công trong tương lai và duy trì vị thế vượt trội trong tất cả các lĩnh vực trong đó có lĩnh vực mạng. Ông Obama cũng cho biết Mỹ sẽ tiếp tục duy trì vị thế quân sự ưu việt với lực lượng vũ trang nhanh nhẹn, linh hoạt và sẵn sàng trước những tình huống và mối đe dọa bất ngờ. Thay vì học thuyết tồn tại lâu nay về duy trì khả năng chiến đấu trong hai cuộc chiến tranh đồng thời thì Mỹ chuyển sang xu hướng có khả năng tham gia một cuộc chiến tranh lớn trong khi trì hoãn cuộc đối đầu thứ 2. Là một phần trong việc chuyển đổi chiến lược toàn diện, chiến lược quốc phòng mới của Mỹ sẽ không chỉ ảnh hưởng tới chiến lược thành công lâu nay trong việc duy trì lực lượng quân sự mạnh nhất thế giới mà còn cho thấy ý đồ của Washington trong việc duy trì vị thế lãnh đạo thế giới với chi phí thấp hơn.

“Năm 2012 sẽ là năm khó khăn cho quan hệ Trung – Mỹ” của Liu Tian và Wei Jianhua. Chắc chắn, quan hệ Mỹ - Trung sẽ trải qua nhiều thử thách căng thẳng mới vào năm 2012. (1) Năm 2012 được cho là sẽ có nhiều nhạy cảm chính trị do bầu cử Tổng thống tại Mỹ và nhiều vấn đề nhạy cảm khác. (2) Thương mại cũng là vấn đề nóng giữa hai nước đặc. (3) Chiến lược quay lại châu Á của Mỹ cũng sẽ là vấn đề có thể làm tăng sự không ổn định trong quan hệ Mỹ -Trung. Những động thái gần đây của Mỹ tại khu vực đã tạo nghi ngờ về mục đích của Washington nhằm đối trọng với ảnh hưởng đang tăng của Trung Quốc tại châu Á. Mặc dù còn nhiều khác biệt và vẫn còn những nghi ngờ nhưng có nhiều lý do để tin rằng trong năm 2012 Mỹ và Trung Quốc sẽ nỗ lực hết sức để duy trì quan hệ ổn định, cố gắng tránh xung đột thực sự.

Bản PDF tại đây



[1]Tờ Quốc tế tiên khu đạo báo số ra tuần từ 6-12/2012

[2] Tờ Quốc tế tiên khu đạo báo số ra tuần từ 6-12/2012

[3] Tờ "Nhật báo Quân giải phóng" - số ra ngày 10/1


[4] Thời báo Hoàn cầu ngày 10/1

[5] “Nhật báo Macao” ngày 11/01