Bản PDF tại đây

 

Động thái của các quốc gia

+ Trung Quốc:

Ngoại trưởng Trung Quốc đưa ra “4 tôn trọng” về vấn đề Biển Đông. Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã đưa ra luận điểm “4 tôn trọng” khi tham dự Đối thoại Ngoại giao và Chiến lược Trung Quốc - Australia tại Sydney hôm 7/9: (i) Phải tôn trọng sự thực lịch sử. Tranh chấp chủ quyền giữa các bên liên quan xoay quanh các thực thể ở Quần đảo Trường Sa là vấn đề lịch sử để lại, giải quyết thỏa đáng vấn đề này trước hết nên hiểu sự có lý hay vô lý về nguồn gốc và lịch sử thực tế, như vậy mới có thể thực hiện được khách quan và công bằng; (2) Phải tôn trọng luật lệ quốc tế; (3) Phải tôn trọng hiệp thương đối thoại trực tiếp giữa các nước liên quan. Đây là thông lệ chung của quốc tế trong giải quyết tranh chấp giữa các quốc gia, vừa phù hợp với tinh thần của luật pháp quốc tế, cũng là quy định rõ ràng trong DOC. Trung Quốc không tán thành cách làm khác; (4) Phải tôn trọng nỗ lực của Trung Quốc và ASEAN trong việc bảo vệ hòa bình ổn định Biển Đông. Trung Quốc hy vọng các quốc gia ngoài khu vực phát huy vai trò mang tính xây dựng trong vấn đề Biển Đông chứ không phải làm phức tạp vấn đề.

Trung Quốc biện minh việc cải tạo đất ở Trường Sa. Tại buổi họp báo thường kỳ ngày 9/9, trả lời câu hỏi tại sao Trung Quốc tiến hành lấp biển xây đảo với quy mô lớn ở Biển Đông, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh ngang nhiên tuyên bố: “Trung Quốc có chủ quyền không thể tranh cãi đối với quần đảo Trường Sa và vùng biển phụ cận, hoạt động của Trung Quốc tại các đá, bãi liên quan thuộc phạm vi chủ quyền của Trung Quốc. Việc xây dựng chủ yếu nhằm mục đích cải thiện điều kiện làm việc và sinh sống của người dân trên các đảo này.”

Trung Quốc phủ nhận việc quấy rối ngư dân Việt Nam. Tại cuộc họp báo thường kỳ hôm 10/9, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cho rằng cáo buộc của Việt nam là không đúng sự thật. Theo bà Hoa, lực lượng chức năng nước này trong tháng 8 có lên 1 tàu đánh cá của Việt Nam, tịch thu các chất nổ dùng để đánh bắt cá. Bà Hoa ngang nhiên cho rằng Việt Nam phải có biện pháp hữu hiệu tăng cường giáo dục và quản lý ngư dân, chấm dứt hoạt động đánh bắt bất hợp pháp trong các vùng biển xung quanh quần đảo Hoàng Sa.

Trung Quốc mời thầu dầu khí ở Biển Đông. Tập đoàn dầu khí quốc gia Trung Quốc (CNOOC) ngày 11/9 đã đăng thông báo mời các công ty dầu khí nước ngoài tham gia đấu thầu 33 lô dầu khí trong năm 2014 trên diện tích biển rộng hơn 126.000 km2. Trong đó, có 25 lô ở Biển Đông, 4 lô tại Biển Hoa Đông, 4 lô còn lại trong vùng biển Hoàng Hải. Theo thông báo của CNOOC, các công ty dầu khí nước ngoài mua hồ sơ tham dự đấu thấu tới hết ngày 31/12/2014, thời hạn đấu thầu đến hết ngày 30/4/2015.

Đài Loan vẽ bản đồ trái phép các đảo ở Biển Đông. Bộ Nội vụ Đài Loan hôm 9/9 cho biết, cơ quan này đang hoàn tất dự án vẽ và tiến tới in ấn trái phép bản đồ các đảo trong khu vực Biển Đông. Trong khuôn khổ dự án này, từ năm 2011, Đài Loan đã tiến hành đo đạc trên thực địa các đảo, khai thác ảnh vệ tinh có độ phân giải cao để thu thập thông tin về những hòn đảo có tranh chấp. Chi phí cho dự án cho đến này là 80 triệu Đài tệ (2,66 triệu USD) và dự án đã hoàn tất vẽ bản đồ 198 đảo ở Biển Đông và Biển Hoa Đông. Dự kiến, dự án sẽ hoàn thành vào cuối năm 2015.

+ Việt Nam:

Việt Nam yêu cầu Trung Quốc không ngăn cản tàu của ngư dân. Ngày 9/9, trả lời câu hỏi của phóng viên về phản ứng của Việt Nam trước việc Trung Quốc gần đây khống chế, ngăn cản, lên tàu đập phá, tịch thu trái phép một số tài sản của ngư dân Việt Nam, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình nêu rõ: “Ngày 09/09/2014, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã gặp đại diện Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội để trao công hàm phản đối. Đây là những hành động xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam ở Biển Đông, trái với luật pháp quốc tế và tinh thần DOC, Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết các vấn đề trên biển Việt Nam – Trung Quốc và đi ngược lại nhận thức chung của Lãnh đạo Cấp cao hai nước về việc đối xử nhân đạo với ngư dân. Việt Nam yêu cầu phía Trung Quốc điều tra và xử lý nghiêm các hành vi của lực lượng chức năng Trung Quốc đồng thời không để tái diễn những hành động trên và bồi thường thỏa đáng cho các ngư dân Việt Nam.”

+ Philippines:

Philippines triển lãm bản đồ chứng minh chủ quyền Bãi cạn Scarborough. Cuộc triển lãm diễn ra tại Đại học De La Salle, Philippines hôm 11/9 đã giới thiệu khoảng 60 bản đồ cổ. Trong bài phát biểu tại cuộc triển lãm, Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario tuyên bố các bản đồ được dẫn chứng đầy đủ này là bằng chứng thuyết phục chống lại bản đồ đường lưỡi bò 9 đoạn của Bắc Kinh trên Biển Đông. Theo ông Rosario, dựa trên các tấm bản đồ cổ của Phương Tây và của chính quyền Manila, phát hành từ năm 1636-1940, Bãi cạn Scarborough chưa bao giờ thuộc lãnh thổ Trung Quốc.

Philippines tăng cường hiện đại hóa quân đội. Để tăng cường sức mạnh cho quân đội, Bộ Quốc phòng Philippines đề xuất khoản ngân sách 24,7 tỷ peso cho quốc phòng năm 2015 tập trung vào các dự án mua máy bay huấn luyện chiến đấu, máy bay tuần tra tầm xa, máy bay chiến đấu đa năng, thiết bị phóng rocket và nâng cấp cơ bản. Không quân có 4/12 dự án gồm: 6 máy bay yểm trợ tầm gần (4,968 tỷ peso); 2 máy bay tuần tra tầm xa (5,976 triệu peso); các hệ thống hỗ trợ cơ bản ở 03 tỉnh (187,43 triệu peso) và mua đạn dược cho 12 máy bay FA-50 mua từ HQ (4,52 tỷ peso). Hải quân có 3/12 dự án gồm: 2 máy bay trực thăng có khả năng tác chiến chống ngầm (5,402 tỷ peso); 3 máy bay chiến đấu đa năng (1,18 tỷ peso) và hỗ trợ hậu cần và kỹ thuật cho căn cứ hải quân (313,62 triệu peso). Lục quân có 4/12 dự án gồm: 4.464 thiết bị của hệ thống tác chiến đêm (1,116 tỷ peso); 744 thiết bị phóng rocket (407,41 triệu peso); 1.446 thiết bị thông tin cầm tay 2-5W (430,8 triệu peso) và 60 thiết bị thông tin tần số cao 50W (144 triệu peso).

Quan hệ các nước

Australia dự tính mua 10 tàu ngầm của Nhật Bản. Tập đoàn truyền thông News Corp ngày 8/9 đưa tin Chính phủ Australia sẽ mua 10 tàu ngầm lớp Soryu do Nhật Bản sản xuất, trị giá hơn 20 tỷ AUD (18,72 tỷ USD), để thay thế các tàu ngầm lớp Collins do nước này sản xuất khi hạm đội tàu này ngừng hoạt động vào năm 2030. Ước tính, tàu ngầm do Nhật Bản sản xuất có chi phí chỉ bằng 1 nửa tàu do Australia đóng. Quyết định cuối cùng sẽ được công bố trong Sách Trắng Quốc phòng phát hành vào giữa năm 2015, tuy nhiên Chính phủ Australia có thể công bố thỏa thuận mua tàu này vào cuối năm nay.

Ngoại trưởng Trung Quốc hội đàm với Cố vấn An ninh Mỹ. Ngày 9/9, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã hội đàm với bà Susan Rice, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ đang ở thăm Bắc Kinh, để thảo luận về chuyến thăm Trung Quốc sắp tới của Tổng thống Mỹ Barack Obama. Ngoại trưởng Vương Nghị cho rằng cả Trung Quốc và Mỹ cần đảm bảo chuyến thăm này đạt hiệu quả và phát đi tín hiệu rõ ràng, tích cực đối với bên ngoài, cho thấy hai nước hoàn toàn có thể hợp tác, góp phần củng cố hòa bình thế giới. Ông Vương cũng cho rằng hai bên cần tăng cường hợp tác thực chất và phối hợp trong các vấn đề song phương, khu vực và quốc tế, tiếp tục phát triển mối quan hệ kiểu mới. Về phần mình, bà Rice khẳng định Washington cam kết phát triển mối quan hệ song phương hữu ích với Bắc Kinh, đồng thời cho biết Tổng thống Obama rất trông đợi chuyến thăm Trung Quốc và tham dự Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương vào tháng 11 tới.

Mỹ, Philippines sắp tập trận chung ở Biển Đông. Phát ngôn viên hải quân Philippines Marinette Domingo hôm 9/9 cho biết khoảng 2.700 binh sĩ Mỹ và Philippines sẽ tham gia cuộc tập trận đổ bộ PHIBLEX diễn ra từ ngày 29/9 – 10/10, “Cuộc tập trận nhằm tăng cường khả năng phối hợp và sẵn sàng chiến đấu của lực lượng quân đội Mỹ và Philippines, tăng cường hợp tác an ninh trong khu vực.” Theo người phát ngôn Domingo, các hoạt động diễn tập cũng diễn ra tại các khu vực khác ở tỉnh Palawan và Zambales của Philippines.

Phân tích và đánh giá

“Tại sao Trung Quốc xây dựng các đảo ở Biển Đông?” của Shannon Tiezzi. Trong bài báo có tên “China’s Island Factory”, phóng viên Rupert Wingfield-Hayes của BBC đã mô tả hành trình trên một tàu cá Philippines tới thăm "các đảo mới" mà Trung Quốc đơn phương xúc tiến công việc cải tạo, biến đổi đặc tính ở Biển Đông. Trên một tàu cá Philippines, Wingfield-Hayes đã tới thăm nơi trước đây là hai bãi đá ngầm còn hiện tại đã trở thành những đảo mới tinh. Ông mô tả các hoạt động đang diễn ra ở đảo Gạc Ma (tên quốc tế: Johnson South Reef) như sau: "Hàng triệu tấn đá và cát được nạo vết từ đáy biển và đổ vào bãi ngầm, biến bãi ngầm thành vùng đất mới. Có thể nhìn rõ các đội xây dựng như đang dựng một bức tường thành biển. Các xe tải chở xi măng, cần trục, những ống thép lớn, ánh sáng đèn hàn". Theo tác giả, Trung Quốc "đang xây dựng các đảo mới trên năm bãi ngầm khác nhau". Wingfield-Hayes nhấn mạnh rằng, không ai biết rõ những gì Trung Quốc tính làm với các đảo mới này. Chính quyền Philippines thì bày tỏ sự quan ngại rằng, Bãi Gạc Ma có thể biến thành một căn cứ không quân của Trung Quốc ở Biển Đông. Tuy nhiên, Trung Quốc cũng có thể sẽ đưa dân cư ra những đảo mới nhằm củng cố cho các yêu sách chủ quyền. Đây được xem là cách để hợp pháp hóa yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh cũng như để ngăn chặn hành động quân sự từ các bên có tuyên bố chủ quyền khác. Cũng có thể việc lập ra các đảo là cách Trung Quốc khiến cho các tranh cãi lãnh thổ tự chấm dứt. Theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS), các quốc gia không thể tuyên bố chủ quyền với các thực thể ngầm (như bãi cạn, bãi ngầm). Việc Philippines tìm tới trọng tài quốc tế để phân xử tranh chấp Biển Đông một phần dựa vào thực tế này. Manila muốn làm rõ việc liệu Trung Quốc có thể tuyên bố chủ quyền với các thực thể ngầm hoặc nửa chìm nửa nổi theo quy định của UNCLOS hay không. Thêm vào đó, phần VII của UNCLOS quy định rõ: "Các bãi đá, đảo đá không thể duy trì sự sống con người hay đời sống kinh tế thì không có vùng đặc quyền kinh tế hay thềm lục địa". Theo điều này, nếu như Trung Quốc có giành được quyền kiểm soát các đảo ở Biển Đông, thì phạm vi kiểm soát cũng chỉ giới hạn trong 12 hải lý vùng lãnh hải mà không hề có vùng đặc quyền kinh tế đi kèm. Song nếu Trung Quốc có thể "tạo ra các đảo" bên trên những thực thể ngầm trước đây và thiết lập các điều kiện để những đảo ấy "duy trì sự sống con người", thì sau đó yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông sẽ được thúc đẩy mạnh mẽ. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cho biết, mục đích của việc xây dựng là "để cải thiện điều kiện làm việc và sinh sống cho người dân ở trên các đảo". Lúc đó, bất ngờ có một phóng viên phản bác lại rằng: "Các đảo Trung Quốc đang xây dựng là các đảo mới, làm gì có chuyện xây dựng để cải tạo điều kiện sống cho dân trên đảo. Vậy mục đích và dụng ý thực sự của Trung Quốc là gì"? Bà Hoa Xuân Ánh đáp ngắn gọn: "Tôi đã trả lời câu hỏi của bạn”. Từ phản ứng của bà Hoa, có thể thấy Trung Quốc đang mong muốn có người sống và làm việc trên các đảo. Tuy nhiên, chưa rõ là Trung Quốc muốn đưa dân thường lên các đảo này hay sẽ biến đây trở thành các căn cứ quân sự mới của mình.

“Philippines và cuộc chiến bản đồ chống Trung Quốc” của Ankit Panda. Ngày 11/9, Philippines đáp trả những yêu sách chủ quyền vô lý của Trung Quốc đối với gần như toàn bộ biển Đông bằng cách trưng bày 60 tấm bản đồ cổ để chứng minh rằng những tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh là những lời bịa đặt, mới được đưa ra trong thời gian gần đây chứ hoàn toàn không phải những sự thực lịch sử không thể chối cãi. Theo Reuters, tại triển lãm lần này của Philippines, có những tấm bản đồ cho thấy: “Từ thời đại nhà Tống vào năm 960 cho đến cuối nhà Thanh vào những năm đầu của thế kỷ 20, cực nam của lãnh thổ Trung Quốc luôn là đảo Hải Nam nằm ở ngay bờ biển của Trung Quốc”. Những tấm bản đồ được đưa ra trưng bày tại cuộc triển lãm lần này cũng cho thấy Bãi cạn Scarborough – vùng lãnh thổ đang có tranh trấp gay gắt giữa Trung Quốc và Philippines – không xuất hiện trên những tấm bản đồ có từ trước năm 1636. Và trong những tấm bản đồ được xuất bản sau năm này, bãi cạn này được thể hiện là lãnh thổ của Philippines. Triển lãm lần này được thực hiện nhằm phản bác tuyên bố của Trung Quốc rằng các tuyên bố chủ quyền của nước này dựa trên các sự thực lịch sử. Với việc tổ chức cuộc triển lãm, giới chức Philippines đang cố gắng vạch rõ điều mà họ cho  là “những lời nói dối lịch sử” như lời của Thẩm phán Tòa án Tối cao Philippines Antonio Carpio nhận định. Cuộc triển lãm diễn ra sau khi Trung Quốc hồi đầu hè công bố tấm bản đồ chính thức mới của nước này, trong đó nâng cấp đường tuyên bố chủ quyền của nước này trên Biển Đông gồm 10 đoạn thay vì 9 đoạn như trước kia. Từ cuộc triển lãm này, cùng với những hành động gần đây như đề xuất tại ARF hay việc đưa vụ việc ra Tòa án Trọng tài Liên Hợp quốc ở The Hague, Philippines cho thấy nước này đang xử lý tranh chấp với Trung Quốc một cách rất nghiêm túc. Việc lựa chọn tiến hành một “cuộc chiến bản đồ” của Philippines có thể sẽ không có tác dụng với những động thái khiêu khích thực tế của Trung Quốc trên Biển Đông nhưng sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc thể hiện quan điểm của chính phủ Philippines. Thêm vào đó, việc làm này cũng cho thấy Philippines sẵn sàng tham gia trò chơi mà Trung Quốc khơi mào. Nhìn từ góc độ Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) hay các quy chuẩn quốc tế, việc làm này không có tác động gì nhiều tới yêu sách của Philippines. Tuy nhiên, nó gửi đi thông điệp rằng chính quyền Philippines hoàn toàn bác bỏ các lời biện minh lịch sử theo thuyết hồi phục lãnh thổ của Trung Quốc.

“Malaysia ngày càng quan ngại về Biển Đông?” của Jane Perez. Malaysia gần đây đã đưa ra đề nghị tiếp nhận các máy bay săn ngầm P-8 Poseidon của Mỹ tại căn cứ nằm sát vùng biển tranh chấp trên Biển Đông trong bối cảnh Trung Quốc tăng cường các hoạt động thay đổi hiện trạng khu vực. Cụ thể, phát biểu tại Quỹ Hòa bình quốc tế ở Washington, đô đốc Jonathan Greenert, chỉ huy các chiến dịch hải quân Mỹ, cho biết: “Malaysia đã đề nghị cho máy bay P-8 của chúng tôi cất cánh ở đông Malaysia”. Đô đốc Greenert cũng khẳng định, Malaysia cùng với Philippines và Singapore là nhân tố chủ chốt để Mỹ thành công trong việc tăng cường sự hiện diện tại khu vực. Phát biểu của Đô đốc Greenert đưa ra ngay trước ngày Phó chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc Phạm Trường Long cảnh báo cố vấn an ninh quốc gia Mỹ rằng chính quyền của Tổng thống Mỹ Barack Obama cần phải ngừng các chuyến bay do thám bằng máy bay P-8 ở Biển Đông. Theo chuyên gia về Đông Nam Á Ernie Bower thuộc Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế (Mỹ), Malaysia đề xuất Mỹ giám sát Biển Đông vì “Trung Quốc khiến Malaysia kinh ngạc vì đã điều tàu chiến vào vùng biển nước này và đe dọa việc khai thác dầu khí ngoài khơi”. Malaysia cũng phải chịu áp lực lớn từ Trung Quốc sau vụ máy bay MH-370 mất tích với 153 công dân Trung Quốc. Một nhà ngoại giao ASEAN giấu tên cho biết thêm rằng Malaysia và Mỹ đã có các cuộc đàm phán về việc sử dụng căn cứ không quân tại bang Sabah. Ông Wu Xinbo, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Mỹ thuộc Đại học Phúc Đán (Trung Quốc), cho rằng, Trung Quốc có thể diễn giải thỏa thuận giữa Mỹ và Malaysia là một thách thức trực tiếp đối với Bắc Kinh khi nước này luôn cho rằng các chuyến bay do thám của Mỹ là sự xâm phạm đối với chủ quyền của Trung Quốc. Mỹ nói rằng các máy bay nước ngoài có quyền bay trên vùng biển nằm ngoài vùng lãnh hải 12 hải lý của một quốc gia nào. Còn Trung Quốc lại có quan điểm rằng các máy bay nước ngoài không được phép bay trong vùng EEZ 200 hải lý khi chưa có sự cho phép của quốc gia sở tại. “Bằng việc đạt được thỏa thuận với Malaysia, Mỹ muốn nói rằng: ‘Nếu láng giềng của bạn có thể chấp nhận việc bị theo dõi, tại sao bạn lại phải phàn nàn về điều này?’”, ông Wu cho biết. Việc Mỹ muốn có các chuyến bay do thám tại Maylaysia cũng  đặt ra những thách thức dành cho Trung Quốc cũng như cho năng lực quân sự của nước này. Theo ông Wu, “câu hỏi ở đây đó là liệu Trung Quốc có lùi bước trước áp lực từ Mỹ hay không và liệu những áp lực này có thay đổi các hành động của Trung Quốc hay không.”

“Châu Á tăng cường quốc phòng để đối phó với Trung Quốc” của Jack Chang. Nhiều nước châu Á đang tăng cường trang bị vũ khí, với ánh mắt lo ngại đối với Trung Quốc do đang có tranh chấp chủ quyền trên nhiều nơi tại Biển Đông và Biển Hoa Đông. Các quốc gia khác, như Ấn Độ, Hàn Quốc cũng nhanh chóng hiện đại hóa quân đội, cho dù tranh chấp giữa hai nước này với Bắc Kinh trong thời gian qua chủ yếu mới chỉ dừng lại ở cấp độ phản đối ngoại giao. Các nước châu Á sở hữu một nửa tổng số vũ khí nhập khẩu toàn thế giới. Trung Quốc đang trong thế dẫn đầu khi tăng ngân sách quốc phòng hàng năm lên gấp 4 lần trong thập kỷ qua. Theo ông Robert D. Kaplan, nhà phân tích địa chính trị chính của công ty nghiên cứu tình báo Mỹ Stratfor, mục tiêu của Trung Quốc là vươn lên thay thế vị trí thống trị của Mỹ tại Thái Bình Dương, và nhắm đến những lợi ích từ tuyến đường biển quan trọng tại Biển Đông, cũng như nguồn dầu và khí đốt dồi dào tại vùng biển trong khu vực. "Trung Quốc tin rằng nước này có thể tăng cường khả năng quân sự của mình ở các vùng biển nhanh hơn Việt Nam và Philippines. Nếu Trung Quốc có thể tự do di chuyển và gia tăng kiểm soát tại các vùng biển lân cận, nước này sẽ thực sự trở thành một cường quốc hải quân", ông Kaplan nói. Theo Viện Nghiên cứu Hòa bình quốc tế Stockholm, Bắc Kinh vẫn chưa đuổi kịp Mỹ. Ngân sách quốc phòng của Mỹ ở mức 665 tỷ USD một năm, gấp ba lần Trung Quốc. Tuy nhiên, chi tiêu quân sự của Trung Quốc gần bằng tổng ngân sách quốc phòng của tất cả 24 quốc gia khác trong khu vực Đông và Nam Á. Đáng chú ý là đến năm 2020, Trung Quốc dự kiến sẽ có 78 tàu ngầm, bằng số lượng tàu của Mỹ. Nhiều tàu trong số đó sẽ đóng tại một căn cứ dưới nước có quy mô lớn tại đảo Hải Nam, nhô vào vùng Biển Đông. Động thái của Trung Quốc đã làm các quốc gia châu Á thúc đẩy việc mua tàu ngầm. Việt Nam năm nay sẽ nhận chiếc thứ 3 trong số 6 tàu ngầm Kilo đặt hàng từ Nga. Tương tự, Nhật Bản đang dần thay thế toàn bộ đội tàu ngầm với các tàu hiện đại hơn, Hàn Quốc bổ sung các tàu ngầm tấn công lớn hơn và Ấn Độ lên kế hoạch đóng thêm 6 tàu ngầm mới. "Tàu ngầm được coi là vũ khí tiềm năng giúp các nước yếu thế đối phó với đối thủ mạnh hơn. Chúng có thể âm thầm di chuyển và qua mặt việc kiểm soát trên không hoặc hàng hải", Siemon Wezeman, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Stockholm cho biết. So với Việt Nam và Nhật Bản, Philippines đang tụt lại phía sau. Để đối phó với việc Trung Quốc xây dựng cơ sở hạ tầng trên các bãi đá ngầm có tranh chấp tại quần đảo Trường Sa, Philippines đã ký kết thỏa thuận cho phép Mỹ điều quân đến căn cứ quân sự của nước này. Đồng thời, Manila cũng có kế hoạch mua thêm máy bay tuần tra, máy bay ném bom và các thiết bị quân sự khác. Nhận xét về xu hướng này, ông Sam Perlo-Freeman, chủ nhiệm chương trình chi tiêu quân sự tại Viện Stockholm, cho biết "tất cả quốc gia đang cố gắng tránh để xảy ra xung đột vũ trang, do đó các bên đang giữ lực lượng ở mức độ bán quân sự. Họ đang cố gắng điều động vũ khí mà không đẩy tình hình trong khu vực lên mức độ nguy hiểm hơn.” Tuy nhiên theo ông Bernard Loo Fook Weng, chuyên gia nghiên cứu quân sự ở trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam tại Singapore, “Trung Quốc sẽ hung hăng hơn khi tình hình có lợi cho họ. Điều này có thể dẫn đến nhiều cuộc đụng độ hơn tại khu vực.”

“Từ trung ương tới địa phương: Cuộc chuyển giao quyền lực trên biển của Trung Quốc” của Ryan Martinson. Trong một vài năm qua, chính quyền trung ương Trung Quốc đã khuyến khích và trao quyền cho một số tỉnh thành được phép tham gia hoạt động tuần tra bảo vệ các quyền trên biển – hoạt động vốn chỉ được thực hiện bởi các cơ quan cấp trung ương, và các tỉnh đã nhanh chóng nắm bắt lấy cơ hội này. Diễn biến này có tác động rất đáng chú ý đối với tham vọng sử dụng các lực lượng chấp pháp trên biển như một công cụ chính trị của Trung Quốc. Thứ nhất, xu hướng này đi ngược lại các nỗ lực nhằm có quyền kiểm soát tập trung hơn với các hoạt động chấp pháp trên biển – đây cũng là lý do khiến Trung Quốc thực hiện cải cách vào năm 2013 (năm 2013, Trung Quốc đã thông qua đạo luật sáp nhập 4 trong số 5 cơ quan chấp pháp trên biển của họ). Cục Hải dương Nhà nước (SOA) và Cơ quan giám sát thực thi Luật biển (FLEC) sẽ đưa ra “chỉ dẫn” cho các cơ quan cấp địa phương. Đây là một mối quan hệ phức tạp bởi chính các địa phương mới là đơn vị có quyền sở hữu các tàu và chịu các phí tổn duy trì hoạt động. Việc ra kế hoạch sẽ là kết quả của quá trình thương thảo giữa chính quyền trung ương – với lợi ích chiến lược bao trùm đó là củng cố yêu sách chủ quyền – và các địa phương – với lo ngại rằng việc tuần tra tại các đảo xa xôi sẽ không đem lại lợi ích gì cho họ. Tuy nhiên, rất khó để rạch ròi những khía cạnh phức tạp này trong mối quan hệ giữa trung ương và địa phương. Sự mập mờ này chắc chắn sẽ dẫn đến những bất cập trong hoạt động của các cơ quan bảo vệ các quyền trên biển tại cấp địa phương. Không chỉ vậy, sự phối hợp giữa các đơn vị của trung ương và các đơn vị của địa phương có lẽ cũng sẽ gặp những trở ngại nhất định bởi 2 lực lượng này có hệ thống trang thiết bị, các điều kiện hoạt động và kinh nghiệm thực tế khác nhau. Thứ hai, việc tuần tra tại các vùng biển tranh chấp hay theo dõi các tàu giám sát nước ngoài tại vùng EEZ của Trung Quốc không hẳn là hoạt động chấp pháp đơn thuần – các đơn vị thực hiện những nhiệm vụ này thực chất là đang thực thi chính sách đối ngoại. Việc chuyển giao quyền lực từ trung ương tới địa phương chắc chắn cũng bao gồm chuyển giao một phần đặc quyền trong lĩnh vực chính sách đối ngoại. Vậy, chính quyền địa phương được trang bị đến đâu để thực hiện nhiệm vụ quan trọng này? Các binh sĩ lục quân xuất sắc nhất chắn chắn sẽ tìm kiếm cơ hội được làm việc trong các cơ quan của trung ương, do đó các tỉnh thành sẽ không thu hút được nguồn nhân lực tốt nhất. Chúng ta chưa thể vội vàng đưa ra kết luận về ảnh hưởng của việc này tới hoạt động bảo vệ các quyền trên biển. Một mặt, việc huấn luyện không đạt yêu cầu có thể dẫn tới những hành động thiếu kiềm chế, làm gia tăng sự bất ổn định và tăng nguy cơ các tàu thuộc quản lý của địa phương có thể kéo Bắc Kinh vào một cuộc đối đầu ngoại giao hay thậm chí là quân sự mà họ chưa hề lường trước. Mặt khác, năng lực và kinh nghiệm yếu kém cũng có thể khiến các thủy thủ của Trung Quốc dễ cảm thấy lo sợ và “yếu bóng vía” hơn, do đó khiến việc thực thi yêu sách chủ quyền của Trung Quốc không đạt được nhiều hiệu quả. Tuy nhiên, chắc chắn một điều là vấn đề này sẽ làm tăng tần suất các vụ va chạm giữa Bắc Kinh và các bên yêu sách khác, dù cho Trung Quốc có chủ ý hay không. Cuối cùng, việc biên chế các hạm đội tàu cho các tỉnh phần nào hé lộ cái mà chúng ta có thể gọi là tham vọng xây dựng đội tàu chấp pháp trên biển lớn nhất thế giới của Trung Quốc. Việc Trung Quốc dành nhiều sự quan tâm hơn cho hoạt động bảo vệ các quyền trên biển tại cấp địa phương có thể chỉ là một chiến thuật tạm thời, một khoảng lặng – trong thời gian đó các kỹ sư Trung Quốc sẽ thiết kế và xây dựng một đội tàu cấp trung ương thế hệ hoàn toàn mới. Trong năm 2012, SOA đã khởi động kế hoạch đóng mới các tàu trọng tải 3000 và 4000 tấn, các tàu này sẽ được chuyển giao cho các hạm đội tàu chấp pháp của chính quyền trung ương vào năm 2014. Tin tức về các đơn đặt hàng các tàu có lượng rẽ nước lớn trong năm 2013 và 2014 – trong đó có một tàu siêu “khủng”, có lượng rẽ nước là 10.000 tấn – cho thấy rằng sắp tới sẽ có rất nhiều tàu được đóng mới.

“Chặn đứng bức tường trái luật của Trung Quốc trên Biển Đông” của Raul Pedrozo. Nửa đầu năm 2014 liên tục chứng kiến các hành vi quyết đoán của Trung Quốc trên Biển Đông khi Bắc Kinh tiếp tục thực hiện chiến lược "cắt lát salami". Bắc Kinh muốn thay đổi nguyên trạng trong khu vực nhằm củng cố yêu sách của mình đối với gần như toàn bộ Biển Đông. Tuy vậy, khi xem xét một cách cẩn trọng những dữ liệu lịch sử và luật pháp, có thể thấy rằng đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc trên biển Đông là vô lý. Lý lẽ của Bắc Kinh cho chủ quyền Hoàng Sa - Trường Sa dựa vào các chứng cứ cho thấy Trung Quốc từ triều Hán đã thực hiện các hành vi khẳng định chủ quyền liên tục và mở rộng trên hai quần đảo này. Tuy thế, dù các nhà thám hiểm Trung Quốc có thể biết đến sự tồn tại của các quần đảo thuộc Biển Đông, thì cũng không có bằng chứng rõ ràng cho thấy Trung Quốc thực sự "tìm ra" chúng trước các vương quốc láng giềng ở Việt Nam, Malaysia, Indonesia, và Philippines. Hơn nữa, ngay cả nếu Trung Quốc có thực sự tìm ra các quần đảo này, luật quốc tế quy định khá rõ ràng rằng chỉ phát hiện không thôi là chưa đủ để giành lấy quyền lãnh thổ, nếu không có các hành động kiểm soát và chiếm hữu thực tế. Chiếm hữu thực tế đòi hỏi ý định và ý chí của một bên nhằm thực hiện quyền chủ quyền, đồng thời phải có những động thái hoặc phô diễn thực tế ý định và ý chí đó. Hoàn toàn là không có bất kỳ chứng cứ đáng tin cậy nào cho thấy Trung Quốc chiếm hữu các quần đảo trên một cách hòa bình và liên tục, hay thực hiện các hành động cần thiết chứng tỏ chủ quyền của mình ở đó. Bắc Kinh chủ yếu dựa vào những ghi chép cho thấy ngư dân Trung Quốc đôi lúc ngụ cư ở một số hòn đảo của Trường Sa trong thời gian ngắn. Tuy vậy theo luật quốc tế, hành động không mang tính chiếm hữu của cá nhân không được coi là "hành động của quốc gia" trừ khi được chính quyền chỉ đạo. Không có bằng cứ thuyết phục nào chứng tỏ chính quyền Trung Quốc đã từng đưa ra những chỉ đạo như vậy. Động thái đầu tiên chứng tỏ chủ quyền Trung Quốc ở Hoàng Sa mà có thể kiểm chứng được diễn ra vào năm 1909. Tuy thế, hành động này diễn ra sau gần 100 năm khi vua Gia Long của Việt Nam chiếm hữu quần đảo một cách chính thức vào năm 1816. Việt Nam và Pháp kiểm soát thực tế và liên tục quần đảo này cho đến khi Nhật Bản tiếp quản trong Chiến tranh Thế giới thứ 2. Động thái đầu tiên chứng tỏ chủ quyền Trung Quốc ở Trường Sa mà có thể kiểm chứng được diễn ra còn muộn hơn, vào năm 1933, sau khi Pháp tuyên bố chủ quyền vào năm 1929 với lý do "đất vô chủ". Người Pháp chính thức chiếm hữu quần đảo vào năm 1933. Tại thời điểm Pháp sáp nhập và chiếm hữu thực tế quần đảo Hoàng Sa, xâm chiếm vẫn được coi là một phương pháp mở rộng lãnh thổ được thừa nhận trong luật quốc tế. Xâm chiếm chỉ trở nên bất hợp pháp sau khi Hiến chương Liên hợp quốc được công bố vào tháng 10/1945. Trung Quốc cũng dựa vào một số hiệp ước, tài liệu và tuyên bố để chứng minh tuyên bố chủ quyền của mình với các quần đảo trên Biển Đông. Tuy thế, không có văn bản nào ủng hộ quan điểm của Bắc Kinh. Trung Quốc cho rằng Pháp từ bỏ tuyên bố chủ quyền với Hoàng Sa - Trường Sa sau Hiệp ước Pháp - Thanh năm 1887. Quan điểm của họ tuy vậy lại không xác đáng khi đọc lại hiệp ước này, hay xem xét hành động của các bên liên quan trong vụ tranh chấp. Biên giới được thiết lập sau năm 1887 chỉ quyết định quyền sở hữu các đảo gần bờ, chứ không phải các đảo ngoài khơi ở Vịnh Bắc Bộ hay Hoàng Sa và Trường Sa. Việc Bắc Kinh phụ thuộc vào Tuyên bố Cairo (1943) và Tuyên cáo Potsdam (hay Tuyên bố các điều kiện định rõ cho sự đầu hàng của Nhật Bản - 1945) để chứng minh cho quan điểm của mình cũng rõ ràng là không có cơ sở. Các văn bản trên chỉ nói rằng Trung Quốc sẽ được lấy lại Mãn Châu, Đài Loan, và đảo Bành Hồ sau chiến tranh. Câu tiếp theo nói rằng quân Nhật sẽ rút khỏi "các lãnh thổ khác" mà đã sáp nhập bằng vũ lực, nhưng không nói rằng các "lãnh thổ khác" này sẽ thuộc về Trung Quốc. Kết luật logic duy nhất là các lãnh thổ này có bao gồm Hoàng Sa - Trường Sa, vốn được chiếm đóng bằng vũ lực từ Pháp, chứ không phải Trung Quốc. Các quần đảo này vì vậy sẽ được trả lại cho Pháp, chứ không phải Trung Quốc, sau chiến tranh. Trung Quốc cũng tuyên bố rằng chủ quyền của họ với các đảo trên Biển Đông được công nhận trong quá trình thảo luận hiệp ước hòa bình với Nhật vào năm 1951. Tuy nhiên, văn bản cuối cùng của hiệp ước đưa việc từ bỏ quyền của Nhật Bản ở Đài Loan và Bành Hồ, và Hoàng Sa - Trường Sa, ra làm hai đoạn văn bản khác nhau ở Điều 2. Do đó, Nhật Bản có lẽ đã từ bỏ quyền ở Đài Loan và Bành Hồ cho Trung Quốc và Hoàng Sa - Trường Sa cho Pháp. Nếu những người soạn hiệp ước muốn trao trả lại các quần đảo trên chỉ cho một quốc gia, họ đã không đưa điều trên vào trong hai đoạn văn bản riêng rẽ như vậy. Luận điểm của Bắc Kinh rằng Nhật Bản trả lại Hoàng Sa - Trường Sa trong hai hiệp định chấm dứt sự thù địch giữa hai nước cũng không tồn tại. Điều 2 của Hiệp ước Đài Loan - Nhật Bản năm 1952 chỉ đơn giản nói rằng Nhật Bản từ bỏ quyền với Đài Loan, Bành Hồ, và các quần đảo trên Biển Đông. Nếu mục đích của hiệp ước là chuyển giao Hoàng Sa - Trường Sa cho Đài Loan, thì nó đã được ghi rõ trong hiệp ước. Tương tự, Tuyên bố chung Trung Quốc - Nhật Bản năm 1972 cũng không ủng hộ quan điểm của Bắc Kinh. Tuyên bố chỉ nói rằng Điều 8 trong Tuyên bố Potsdam được áp dụng. Tuy thế, cả Tuyên bố Potsdam và Tuyên bố Cairo đều không ủng hộ quan điểm của Trung Quốc về chủ quyền đối với các quần đảo trên biển Đông. Một loạt các hành động của chính quyền Việt Nam và Pháp kể từ thế kỷ 18 đã đưa ra bằng chứng không thể chối cãi rằng Việt Nam đã quản lý trên thực tế, liên tục, và hòa bình quần đảo Hoàng Sa. Chủ quyền Việt Nam trên quần đảo này được xác lập đầu tiên vào thế kỷ 18 bởi Hải đội Hoàng Sa, sau này được phong thánh bởi hoàng đế Gia Long và Minh Mạng trong thế kỷ 19. Chủ quyền này cũng được người Pháp giả định một cách tạm thời vào cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, và tiếp tục được quản lý công khai, hòa bình, và bình thường bởi một nước Nam Việt Nam độc lập sau khi quân Pháp rút khỏi Đông Dương vào năm 1956, và bởi nước Việt Nam thống nhất. Tương tự, nước Pháp, với danh nghĩa đại diện cho Việt Nam, đã thực thi một loạt hành động khẳng định chủ quyền của Pháp trên Trường Sa, đặc biệt là việc họ chính thức sáp nhập và chiếm giữ quần đảo này vào năm 1933. Tại thời điểm đó, việc sáp nhập quần đảo theo nguyên tắc vô chủ đã tuân thủ nghiêm ngặt quy định hiện hành của luật quốc tế và nguyên tắc hành xử quốc gia khi đó. Anh Quốc, vốn quản lý một vài đảo thuộc Trường Sa vào những năm 1800, đã từ bỏ đòi hỏi chủ quyền của mình sau khi Pháp sáp nhập, vì thế chủ quyền của Pháp với Trường Sa đã được thiết lập một cách hợp pháp và hợp lý. Vì vậy, hành động của Việt Nam và Pháp rõ ràng đã chứng tỏ sự hiện diện thực tế và liên tục, cũng như thực hiện quyền chủ quyền một cách hòa bình trên quần đảo Trường Sa. Quyền chủ quyền của Pháp với quần đảo này đã được nhượng lại cho Nam Việt Nam vào những năm 1950 và chính quyền Nam Việt Nam (sau đó là nước Việt Nam thống nhất) đã quản lý thực tế Trường Sa cho đến khi Đài Loan chiếm giữ đảo Ba Bình một cách bất hợp pháp vào năm 1956, và Trung Quốc chiếm giữ một cách bất hợp pháp một số đảo nhỏ vào năm 1988. Thực tế và luật lệ đã rất rõ ràng: Đòi hỏi của Trung Quốc là không có cơ sở và hành vi hung hăng của họ đang đe dọa hòa bình và an ninh khu vực./.