Động thái các quốc gia

 + Trung Quốc:

Ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc đặt cáp ngầm quanh Hoàng Sa. Giới chuyên gia cho rằng các dây cáp ngầm đó có thể được dùng vào mục tiêu quân sự, giúp Trung Quốc tăng cường khả năng phát hiện tàu ngầm. Dữ liệu theo dõi tàu thuyền xác nhận tàu Tian Yi Hai Gong đã đến Hoàng Sa vào ngày 28/5, và hiện diện ít nhất tại đảo Cây (Tree Island), đảo Bắc (North Island) và đảo Phú Lâm (Woody Island). Sau đó con tàu đã di chuyển lên phía Tây Nam ngày 5/6, ghé các đảo Duy Mộng (Drumond), đảo Ba Ba (Yagong) và bãi Xà Cừ (Observation Bank). Sáng 8/6, chiếc tàu vẫn hoạt động ở phía Đông Bắc bãi Xà Cừ. Tất cả các địa điểm trên đều là các tiền đồn quân sự của Trung Quốc ở vùng Hoàng Sa. Có ý kiến cho rằng Trung Quốc có thể sử dụng hệ thống cáp ngầm này để thiết lập một mạng lưới phát hiện các âm thanh dưới nước, để phát hiện và theo dõi tàu của đối thủ, đặc biệt là tàu ngầm.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh ngày 8/6 trả lời phóng viên về việc Indonesia mới đây gửi Công hàm lên Liên hợp quốc phản đối yêu sách của Trung Quốc tại Biển Đông, cho biết: “Phái đoàn thường trực Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc đã gửi Công hàm lên Tổng Thư ký Liên hợp quốc bày tỏ lập trường của Trung Quốc về vấn đề Biển Đông, nhấn mạnh chủ trương của Trung Quốc về “chủ quyền”, “quyền và lợi ích biển” tại Biển Đông là rõ ràng và nhất quán, phù hợp với luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, sẽ không vì sự hoài nghi hay phản đối của bất kỳ quốc gia nào mà thay đổi”.

Cục Hải sự Tam Á Trung Quốc ngày 8/6  đăng cảnh báo hàng hải số 0049 cho biết: Từ ngày 8/6 đến ngày 10/6 tại Biển Đông, tàu kéo “Dầu khí Hải dương 685” kéo theo giàn khoan “Thăm dò 03” di chuyển từ vị trí có tọa độ 17-52.84N/108-26.33E đến vị trí có tọa độ 18-10.50N/109-23.50E, tổng chiều dài tàu kéo và giàn khoan 700 mét. 

Trang mạng Chinanews của Trung Quốc ngày 8/6 cho biết thiết bị lặn sâu điều khiển từ xa có tên gọi “Hải Đấu 01” do Viện Nghiên cứu tự động hóa Thẩm Dương thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc tự chủ nghiên cứu chế tạo mới đây đã lần đầu tiên thực hiện thành công nhiệm vụ lặn thử nghiệm xuống độ sâu trên 10.000 mét tại rãnh Mariana - nơi sâu nhất hành tinh nằm ở khu vực tây bắc Thái Bình Dương. Thiết bị này được hoàn thành và hạ thủy tháng 3/2019 đã có 4 đợt khảo sát, trong đó 2 đợt tiến hành ở Biển Đông.

Tập đoàn Dầu khí hải dương Trung Quốc (CNOOC) ngày 10/6 cho biết Trung Quốc mới đây đã hoàn thành giếng khoan khai thác đầu tiên tại mỏ khí nước sâu Lăng Thủy 17-2, đánh dấu bước tiến mới trong việc khai thác mỏ khí lớn này. Theo quy hoạch, mỏ Lăng Thủy 17-2 có tổng cộng 11 giếng khoan khai thác, phân bố tại 7 khu vực nước sâu, mỗi khu vực lại có đặc điểm địa chất thủy văn khác nhau. Căn cứ vào tình hình thực tế của mỗi khu giếng khoan cũng như giá thành khai thác và tính khả thi về mặt kỹ thuật, CNOOC đã chế tạo ra các ống hút thông minh để phục vụ khai thác khí thiên nhiên tại đây, hiện nay đã hoàn thành lắp đặt hệ thống ống hút thông minh đầu tiên ở độ sâu 3.000m tại mỏ khí Lăng Thủy 17-2. Sau giếng khoan đầu tiên, 10 giếng khoan còn lại sẽ tiếp tục được thực hiện với tiến độ khoảng 35 ngày cho mỗi giếng, như vậy chỉ đến giữa tháng 6/2021 sẽ hoàn thành toàn bộ 11 giếng khoan và đồng thời sẽ đi vào sản xuất.

Mạng Nhân Dân Trung Quốc ngày 11/6 trích nguồn tin từ Cục Quản lý Không gian Quốc gia Trung Quốc cho biết, tên lửa Trường Chinh-2C mang theo vệ tinh Hải Dương-1D (HY-1D) đã được phóng thành công, phối hợp cùng vệ tinh HY-1C (được phóng từ tháng 9/2018) là nhóm vệ tinh đầu tiên của Trung Quốc chuyên sử dụng cho việc giám sát đại dương và dịch vụ dữ liệu hàng hải dân sự. Nhóm vệ tinh này dự kiến sẽ cải thiện năng lực của Trung Quốc trong việc quan sát màu nước biển, tài nguyên ven biển, môi trường sinh thái biển, đồng thời có khả năng theo dõi, giám sát các hoạt động hàng hải trên biển, hỗ trợ cho khí tượng, nông nghiệp và giúp Trung Quốc đối phó với vấn đề biến đổi khí hậu toàn cầu.

+ Việt Nam:

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ngày 11/6 hoan nghênh Exxon Mobil đầu tư vào Việt Nam trên nhiều lĩnh vực, trong đó có khai thác khí thiên nhiên (LNG), lọc hóa dầu và sản xuất điện từ LNG. Thủ tướng khẳng định hợp tác của Exxon Mobil là rất quan trọng, đóng góp vào hợp tác chung giữa Việt Nam và Mỹ, nhất là dịp kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao.

+ Philippines:

Bộ trưởng Quốc Phòng Philippines Delfin Lorenzana ngày 9/6 đã lên đảo Thị Tứ, chủ trì lễ khánh thành một bến tàu trị giá 5 triệu đô la; đồng thời loan báo sẽ chi 26 triệu đô la xây dựng cơ sở hạ tầng quân sự trên đảo này, trong đó có việc hoàn thiện một đường băng. Ông Lorenzana nói rằng việc này nhằm giúp hòn đảo trở nên đáng sống”, không phải hành vi quân sự hóa, và bày tỏ hy vọng việc xây dựng mới sẽ không dẫn đến xung đột.

+ Singapore:

Toà án quốc tế về luật biển (ITLOS) và Bộ luật pháp của Singapore, ngày 11/6 đã ký kết Thoả thuận mẫu về việc cho phép ITLOS hoặc một trong những phòng làm việc của Toà thực hiện chức năng xét xử tại Singapore. Chủ tịch ITLOS Jin-Hyun Paik bình luận rằng đây là một sự phát triển đặc biệt đáng hoan nghênh khi sáng kiến này được dẫn đầu bởi một quốc gia châu Á, khu vực được coi là khá miễn cưỡng với các phán quyết quốc tế, hy vọng thoả thuận này sẽ mở đường cho nhiều quốc gia châu Á tìm đến ITLOS để giải quyết các tranh chấp trên biển. Ông cũng kêu gọi các quốc gia từ các khu vực khác trên thế giới, như Mỹ Latinh và Châu Phi, xem xét thực hiện các thỏa thuận tương tự. Về phần mình, Bộ trưởng Luật pháp Singapore Shanmugam nói rằng Singapore rất vinh dự khi có cơ hội tổ chức các phiên điều trần của ITLOS và đóng góp cho công việc của Toà. Điều này phản ánh lập trường trung lập của Singapore, mạnh mẽ ủng hộ luật pháp quốc tế và cam kết giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình.

+ Mỹ:

Hai nhóm tàu sân bay Mỹ USS Nimitz và Ronald Reagan, ngày 9/6, cùng trở lại hoạt động ở Thái Bình Dương. Tàu sân bay USS Nimitz rời quân cảng San Diego ở bang California trong khi hàng không mẫu hạm USS Ronald Reagan rời quân cảng Yokosuka, Nhật Bản. Chuẩn đô đốc George M. Wikoff, chỉ huy nhóm tác chiến USS Ronald Reagan cho biết: “Các nhiệm vụ vẫn được triển khai và không bị đình trệ do dịch Covid 19. Chúng tôi sẽ tiếp tục tăng cường an ninh khu vực và duy trì trạng thái sẵn sàng chiến đấu".

Không quân Mỹ triển khai máy bay ném bom B-1B và máy bay không người lái Global Hawk đến khu vực để tăng cường năng lực giám sát và sức mạnh răn đe. Mỹ luân phiên các UAV Global Hawk đến căn cứ không quân Yokota ở Nhật Bản, đồng thời triển khai B-1B trên đảo Guam để thực hiện các nhiệm vụ ở Biển Đông. Động thái trên diễn ra trong bối cảnh có thông tin Trung Quốc tập trận với 2 tàu sân bay ở Biển Đông.

Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ ngày 11/6 đã phê duyệt gần 6 tỷ USD cho dự luật Sáng kiến Răn đe Thái Bình Dương (PDI) – một quỹ quân sự mới có mục đích tăng cường răn đe Trung Quốc ở Thái Bình Dương. Trong đó, 1,4 tỷ USD được duyệt cho năm tài khóa 2021 (nhiều hơn 188,6 triệu USD so với yêu cầu ngân sách từ chính quyền) và 5,5 tỷ USD được duyệt cho năm tài khóa 2022.

+ Nhật Bản:

BTQP Nhật và BTQP UAE ngày 10/6 trao đổi về tình hình khu vực, nhất trí về tầm quan trọng của việc tăng cường và duy trì hợp tác quốc phòng và giao lưu giữa hai nước hướng tới tăng cường và duy trì Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Ngoài ra, BTQP Nhật Bản nhấn mạnh tầm quan trọng của trật tự trên biển tự do và rộng mở dựa trên luật pháp quốc tế.

Thực hiện: Đinh Anh