Bản PDF tại đây


 

Động thái của các quốc gia

+ Trung Quốc:

Trung Quốc phản ứng trước tuyên bố của G7 về Biển Đông. Về việc nhóm G7 bày tỏ quan ngại về tình hình căng thẳng ở Biển Hoa Đông, Biển Đông và kêu gọi tất cả các bên tôn trọng luật quốc tế, không có hành động thay đổi nguyên trạng, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi hôm 9/6 tuyên bố, “Những gì G7 nói và làm xa rời thực tế và các nguyên tắc được quốc tế thừa nhận. Trung Quốc thúc giục G7 tôn trọng sự thật, xóa bỏ thành kiến, ngừng đưa ra những bình luận vô trách nhiệm và đóng góp nhiều hơn để giúp giải quyết các tranh chấp đồng thời thúc đẩy hòa bình, ổn định trong khu vực.”

Trung Quốc thúc giục Mỹ dừng “ngoại giao micro.” Phát biểu tại một sự kiện ở Đồi Capitol hôm 10/6, nhân kỷ niệm 10 năm thành lập Nhóm Công tác Mỹ - Trung của Quốc hội Mỹ, phó trưởng phái đoàn đại diện Đại sứ quán Trung Quốc ở Washington bà Ngô Tích cho rằng những khác biệt giữa hai nước về vấn đề Biển Đông và an ninh mạng cần được giải quyết “một cách thích hợp” thay vì “ngoại giao micro, chỉ trích bên kia.” Theo bà Ngô tích, không nên để các vấn đề riêng rẻ bao bùm mối quan hệ song phương và các lợi ích chung, bao gồm giá trị thương mại song phương trị giá 550 tỷ USD trong năm 2014, đã vượt xa sự khác biệt giữa hai nước, “Lựa chọn đúng là công nhận những khác biệt, tôn trọng lẫn nhau và tham gia đối thoại thực sự. Lựa chọn hôm nay sẽ quyết định tương lai của hai nước cũng như toàn bộ thế giới.”

Trung Quốc đẩy mạnh kế hoạch khai thác dầu ở Biển Đông. Phát biểu bên lề hội nghị hải dương Trung Quốc lần thứ 11 tại Thâm Quyến hôm 11/6, Phó Tổng giám đốc CNOOC chi nhánh Trạm Giang ông Vương Chấn Phong cho biết tập đoàn này có kế hoạch khoan 119 giếng dầu ở vùng biển phía tây Biển Đông trong 15 năm tới nhằm khai thác 422 tỉ mét khối khí đốt đã được chứng minh ở khu vực này trong giai đoạn 2014-2030. Năm nay, CNOOC sẽ khoan 5 giếng ở phía tây Biển Đông với giá 48 triệu USD mỗi giếng, 2 giếng nằm trong khu vực “Lăng Thủy 25-1” và 2 giêngs khác nằm ở “Lăng Thủy 18-1”. CNOOC sẽ mời các đối tác nước ngoài tham gia đấu thầu các lô dầu khí này.

Tàu sân bay của Trung Quốc diễn tập trên biển. Hải quân Trung Quốc cho biết tàu sân bay Liêu Ninh hôm 12/6 đã tiến hành diễn tập cùng với chiến đấu cơ trên tàu sân bay, sau khi dời thành phố biển Thanh Đảo nhưng không cho biết vị trí diễn tập. Trung Quốc muốn phát triển một lực lượng hải quân có thể hoạt động ở vùng biển xa và đang cố gắng tăng cường các kỹ năng của phi công lái máy bay chiến đấu, bao gồm máy bay Thẩm Dương J-15, trong những năm gần đây.

Đô đốc Trung Quốc dọa đâm tàu Nhật Bản trên Biển Đông. Trả lời phỏng vấn tờ Global times, Đô đốc hải quân Trung Quốc Lý Tiệp đánh giá Nhật Bản không gặp rào cản kỹ thuật nào trong việc triển khai tàu chiến và phi cơ tới Biển Đông. Phi cơ chống ngầm P-3C, máy bay cảnh báo sớm E-2C và E-767 của Lực lượng phòng vệ Nhật Bản có thể bay thẳng từ Nhật Bản ra Biển Đông trong khi lực lượng tàu chiến của nước này, gồm tàu sân bay trực thăng Izumo, có thiết kế phù hợp với hoạt động Biển Đông. Theo Đô đốc Lý, giới chức Nhật Bản nên suy nghĩ cẩn thận nếu muốn triển khai máy bay hoặc tàu chiến tới Biển Đông vì Trung Quốc không chỉ bày tỏ sự phản đối thông qua các kênh ngoại giao, mà còn có quyền xua tàu chiến “đâm tàu chiến Nhật Bản hoạt động trái phép” trong vùng biển Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền. Trong khi đó, về việc Nhật Bản chỉ trích hoạt động cải tạo đất của Trung Quốc, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hồng Lỗi hôm 12/6 tuyên bố: Nhật Bản không phải bên liên quan đến vấn đề Biển Đông. Động thái của Nhật Bản không có lợi cho việc giải quyết tranh chấp Biển Đông, đồng thời tổn hại nghiêm trọng sự tin tưởng về chính trị và an ninh giữa Trung Quốc và Nhật Bản, và đi ngược lại với xu thế cải thiện quan hệ giữa hai nước. Trung Quốc đề nghị Nhật Bản tôn trọng cam kết không đứng về bên nào trong tranh chấp, ngừng đưa ra các hành động thổi phồng vấn đề Biển Đông và các cáo buộc vô căn cứ nhằm vào Trung Quốc.”

+ Việt Nam:

Việt Nam hoan nghênh mọi đóng góp xây dựng vì ổn định ở Biển Đông. Trong cuộc họp báo thường kỳ ngày 11/6, về thông tin sáng ngày 6/6 tàu thăm dò dầu khí Tân Hải 517 của Trung Quốc đi vào vùng biển của Việt Nam, Người phát ngôn Lê Hải Bình cho biết các lực lượng chức năng của Việt Nam đã luôn theo dõi sát hoạt động của tàu Tân Hải 517. Sau khi các lực lượng chức năng Việt Nam tiến hành các biện pháp cần thiết thì tàu Tân Hải 517 đã ra khỏi vùng biển của Việt Nam từ ngày 8/6. Liên quan đến việc Trung Quốc vừa qua đã phản đối Tuyên bố chung của Hội nghị thượng đỉnh nhóm G7 có nội dung phản đối hoạt động cải tạo đất tại Biển Đông, ông Lê Hải Bình khẳng định: “Chúng ta đều thấy rõ tình hình hiện nay tại Biển Đông đã gây lo ngại sâu sắc trong cộng đồng quốc tế. Việt Nam hoan nghênh mọi đóng góp mang tính xây dựng, tích cực, có trách nhiệm của các quốc gia trong và ngoài khu vực vì hòa bình, ổn định ở Biển Đông.

Palau thông báo đã đốt 4 tàu cá Việt Nam “đánh bắt trái phép.” Tổng thống Palau Tommy Remengesau cho biết các 4 tàu trên đã bị đốt sáng 12/6, các thuyền trưởng sẽ bị truy tố và giam giữ.  Ông Remengesau nhấn mạnh động thái này nhằm phát đi một thông điệp rõ ràng rằng Palau sẽ không dung thứ cho hành vi đánh bắt trộm ở vùng biển nước này. Các tàu cá của Việt Nam bị bắt giữ tại một khu vực được bảo vệ, trên tàu có hơn 8 tấn hải sâm và một số loại hải sản khác.

+ Philippines:

Trung Quốc đang phá hủy môi trường sinh thái ở Biển Đông. Phát biểu tại một hội nghị chuyên đề hôm 10/6, cựu Bộ trưởng Môi trường Philippines ông Angel Alcala khuyến cáo rằng Việt Nam và Philippines là những nước đầu tiên phải hứng chịu những tác hại về môi trường từ hoạt động cải tạo đất trái phép của Trung Quốc ở Biển Đông. Theo ông Alcala, các dự án xây dựng của Bắc Kinh có thể gây ra những tác động tiêu cực về đa dạng sinh học và trong dài hạn sẽ làm ảnh hưởng tới nguồn lợi thủy sản ở vùng biển này. Ông Alcala cũng lưu ý Việt Nam và Philippines có thể sẽ phải chứng kiến sự sụt giảm nghiêm trọng về đa dạng sinh học và ảnh hưởng tiêu cực tới đời sống của các cộng đồng cư dân vùng duyên hải.

Philippines chiếu phim tài liệu về Biển Đông. Ngày 12/6, Philippines đã phát sóng bộ phim tài liệu về Biển Đông mang tên “Karapatan sa Dagat” (Quyền lợi Biển). Bộ phim này, gồm 3 phần, sẽ được phát sóng trên truyền hình quốc gia nhân dịp kỷ niệm Ngày Độc lập.  Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines Charles Jose nói: “Mục đích của chúng tôi là cung cấp thông tin cho người dân... tập hợp sự ủng hộ của nhân dân đối với chính sách và hành động của chính phủ.” Theo ông Jose, Manila còn dự kiến phát hành một bộ truyện tranh để nâng cao nhận thức của người dân về biển đảo.

+ Malaysia:

Malaysia phản đối tàu hải cảnh Trung Quốc xâm phạm vùng biển nước này. Tuần trước, một tàu hải cảnh của Trung Quốc đã thả neo tại bãi cạn Luconia, khu vực chỉ cách đảo lớn Borneo của Malaysia khoảng 150km về phía Bắc, trong khi cách lục địa Trung Quốc tới 2.000km. Phát biểu trong một cuộc phỏng vấn hôm 8/6, Bộ trưởng An ninh Quốc gia Malaysia ông Shahidan Kassim khẳng định, “Đây không phải khu vực có tranh chấp. Kuala Lumpur đang tiến hành các hoạt động ngoại giao cần thiết và Thủ tướng Malaysia Najib Tun Razak sẽ nêu trực tiếp vấn đề này với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Malaysia khẳng định cách tiếp cận hòa bình trong tranh chấp Biển Đông. Phát biểu trong một cuộc thảo luận hôm 10/6, Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Datuk Seri Hishammuddin Tun Hussein khẳng định giải pháp quân sự không mang lại ổn định cho khu vực, “Tôi đã từng tuyên bố các vấn đề trong khu vực này, đặc biệt ở Biển Đông, nếu không được giải quyết theo cách thức hòa bình thì sẽ mang lại một bi kịch”. Theo ông Hishammuddin, “Nếu chỉ có đơn độc, các nước nhỏ sẽ không thể xử lý những vấn đề liên quan đến các siêu cường nhưng ASEAN có đến 10 nước…Nếu chúng ta thực sự chia sẻ và đoàn kết hơn nữa vì lợi ích chung, chúng ta sẽ có một vị thế chắc chắn trong khu vực. Sẽ không có sức mạnh nào có thể làm suy yếu chúng ta.

+ Mỹ:

Mỹ thúc giục Trung Quốc ngừng xây dựng trái phép ở Biển Đông. Ngày 11/6, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter đã có cuộc gặp với Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc Phạm Trường Long đang ở thăm Washington. Thông cáo của Lầu Năm góc cho hay, “Bộ trưởng Quốc phòng Carter tiếp tục bày tỏ mối quan ngại về tình hình Biển Đông, đồng thời kêu gọi Trung Quốc và các bên yêu sách chấm dứt các hoạt động cải tạo đất, không có hoạt động quân sự hóa, đồng thời theo đuổi một giải pháp hòa bình đối với các tranh chấp phù hợp với luật pháp quốc tế.” Ông Carter cũng khẳng định nỗ lực thúc đẩy để Mỹ - Trung có thể thống nhất về phụ lục hành xử trên không vào tháng 9, thuộc Bộ Quy tắc Ứng xử khi Chạm trán Bất ngờ trên Biển và trên Không.

Tư lệnh PACOM hoan nghênh Nhật Bản tham gia tuần tra ở Biển Đông. Trả lời phỏng vấn giới truyền thông Nhật Bản ngày 12/6, Tân Tư lệnh Bộ chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ (PACOM), Đô đốc Harry Harris lưu ý rằng máy bay tuần tra P-3C của Nhật Bản sở hữu các năng lực vượt trội và “rất thích hợp” cho hoạt động tuần tra trên Biển Đông, “Tôi hoan nghênh cơ hội phối hợp chặt chẽ với Lực lượng Phòng vệ trên biển, cũng như máy bay của Lực lượng Phòng vệ trên không của Nhật Bản khắp khu vực này.”

+ Úc:

Úc phản đối Trung Quốc lập ADIZ trên Biển Đông. Phát biểu tại Viện nghiên cứu Lowy ở thành phố Sydney hôm 11/6, Ngoại trưởng Úc Julie Bishop cho biết Canberra quan ngại hành động đơn phương trong khu vực “có thể gây căng thẳng, dẫn đến những tính toán sai lầm để cuối cùng kết thúc bằng một hình thức xung đột nào đó.” Ngoại trưởng  Úc kêu gọi tất cả các quốc gia có lợi ích đối với tự do hàng hải và hàng không Biển Đông nên xác định rõ lập trường của mình đối với Bắc Kinh. Bà Bishop khẳng định rằng Úc hoàn toàn đúng đắn trong việc nêu quan ngại về ADIZ trên Biển Đông và Canberra sẽ tiếp tục lên tiếng dù nước này có thể chịu ảnh hưởng về phương diện kinh tế. Trong khi đó, Phó Đô đốc Hải quân Úc ông David Johnston tuyên bố hiện tàu chiến và máy bay nước này vẫn đang tuần tra trên Biển Đông như một phần trong “các hoạt động bình thường” tại khu vực.

Quan hệ các nước

G7 ra tuyên bố phản đối Trung Quốc xây đảo ở Biển Đông. Ngày 8/6, Hội nghị thượng đỉnh Nhóm bảy nền công nghiệp phát triển (G7) đã bế mạc sau hai ngày làm việc với Tuyên bố chung đề cập tới nhiều vấn đề khu vực và thế giới. Liên quan đến an ninh biển, Tuyên bố chung của G7 nhấn mạnh cần duy trì trật tự biển theo luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS 1982. Các nhà lãnh đạo G7 bày tỏ quan ngại trước những diễn biến căng thẳng trên Biển Đông và Biển Hoa Đông, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giải quyết xung đột hòa bình. G7 cũng cương quyết phản đối việc sử dụng các biện pháp cưỡng ép, sử dụng vũ lực hoặc hành động đơn phương nhằm thay đổi nguyên trạng biển, như việc cải tạo đất quy mô lớn của Trung Quốc gần đây ở Biển Đông.

Philippines,Trung Quốc tranh cãi về Biển Đông ở Liên Hợp Quốc. Phát biểu tại cuộc họp thường niên của các nước thành viên UNCLOS 1982 vào ngày 12/6, Đại diện Thường trực của Philippines tại Liên Hợp Quốc bà Lourdes Yparraguirre cho rằng cần xem chính sách bành trướng của Trung Quốc trên Biển Đông là vấn đề của toàn cầu, “Hành động của Trung Quốc đe dọa đến tính toàn vẹn của UNCLOS.” Theo bà Yparaguirre, không chỉ vi phạm UNLCOS, Trung Quốc còn vi phạm: (i) Tuyên bố DOC; (ii) Công ước về Đa dạng sinh học; (iii) Công ước quốc tế về buôn bán các loại động vật, thực vật có nguy cơ tuyệt chủng. Bà Yparaguirre nhấn mạnh, những vi phạm của Trung Quốc đều liên quan đến việc nước này cải tạo phi pháp các bãi đá ở Quần đảo Trường Sa, “Chỉ riêng ở Đá Chữ Thập, Trung Quốc đã mở rộng bãi đá này lên gấp 11 lần so với ban đầu. Trung Quốc đã nạo vét và phá hủy hoàn toàn hệ sinh thái của các rặng san hô tại các bãi đá nói trên vốn phải mất hàng thế kỷ để phát triển và đe dọa đến sự đa dạng sinh học tại đây”. Bà Yparaguirre cũng viện dẫn số liệu của các chuyên gia hải dương học, theo đó Trung Quốc đã cải tạo các bãi đá ở Biển Đông và mở rộng chúng lên khoảng 800ha dẫn đến thiệt hại về kinh tế lên đến 281 triệu USD/năm. Đáp lại lời bà Yparaguirre, Phó Đại diện thường trực của Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc ông Vương Minh ngang nhiên khẳng định mọi hành động của Trung Quốc trên các bãi đá “hoàn toàn các khu vực thuộc chủ quyền của Trung Quốc. Những hoạt động này không phương hại tới quyền lợi hợp pháp của các nước đối với tự do hàng hải ở Biển Đông, đồng thời thúc đẩy các nỗ lực chung để đối phó với các thách thức trên biển và đảm bảo an toàn hàng hải.”

Việt-Trung cần tuân thủ các thỏa thuận về kiểm soát bất đồng trên biển. Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải thăm tỉnh Vân Nam từ ngày 11-13/6 và dự Lễ Khai mạc Hội chợ Trung Quốc-Nam Á lần thứ 3 và Hội chợ Côn Minh lần thứ 23. Trong khuôn khổ hoạt động tại Vân Nam, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã có cuộc gặp với Phó Chủ tịch nước Trung Quốc Lý Nguyên Triều. Về vấn đề Biển Đông, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhấn mạnh hai bên cần tuân thủ các thỏa thuận và nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước về việc kiểm soát tốt bất đồng trên biển, không có hành động làm phức tạp, mở rộng tranh chấp; thực hiện nghiêm túc, đầy đủ “Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam-Trung Quốc” và DOC, sớm cùng các nước ASEAN hoàn tất xây dựng COCở Biển Đông; xử lý thỏa đáng các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế.

Quan chức ASEAN: ‘Có thể giải quyết tranh chấp trên Biển Đông.’ Phát biểu sau Hội nghị Quan chức cao cấp ASEAN và các hội nghị liên quan hôm 10/6, Trưởng Ban Thư ký quốc gia ASEAN-Malaysia, Muhammad Shahrul Ikram Yaakob cho biết, “Đột phá chính của cuộc bàn thảo là ASEAN và Trung Quốc sẽ tiếp tục làm việc với tính xây dựng, và sẽ cùng nhau giải quyết một số vấn đề liên quan đến Biển Đông. Ở thời điểm này, chúng tôi có cơ chế, dưới dạng bàn thảo, để xem xét vấn đề. Điều quan trọng cho tất cả các bên là đồng ý giải quyết tranh chấp một cách hòa bình và phù hợp với luật pháp quốc tế.”

Nhật Bản - Ấn Độ - Úc đối thoại về an ninh biển. Ngày 8/6, tại hội nghị cấp thứ trưởng đầu tiên giữa ba nước tổ chức ở New Delhi, đại diện các bên tham dự đã nhất trí rằng hợp tác biển ba bên ở Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương đóng vai trò quan trọng đối với hòa bình và ổn định trong khu vực. Hội nghị có sự tham gia của Thứ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Akitaka Saiki, Bí thư Đối ngoại Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar và Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia Peter Varghese. Các quan chức dự hội nghị cũng đã thảo luận về sự hợp tác trong lĩnh vực kinh tế và nhất trí tổ chức hội nghị tiếp theo giữa ba nước tại thủ đô Tokyo của Nhật Bản.

Phân tích và đánh giá

“ASEAN cần hành động trong vấn đề Biển Đông”

Một vài nhà lãnh đạo của ASEAN có lẽ đã hài lòng với cách tiếp cận hiện tại của khối trong vấn đề Biển Đông, cho dù trên thực tế ASEAN không đóng góp được nhiều cho việc đảm bảo tranh chấp Biển Đông sẽ được giải quyết thông qua kênh ngoại giao.

Tuy nhiên, những sự kiện gần đây cho thấy việc duy trì hòa bình tại Biển Đông có tác động vô cùng lớn tới an ninh tại khu vực, chứ không chỉ tới an ninh của các bên có yêu sách. Biển Đông không chỉ giàu tài nguyên thiên nhiên; vùng biển này còn là tuyến đường thông thương quan trọng đối với hoạt động buôn bán dầu mỏ và hoạt động của các lực lượng hải quân trên thế giới.

Do đó, ASEAN không thể tự mãn với những gì họ đã làm được, nhất là sau khi các quốc gia như Mỹ và nhóm G7 có phản ứng mạnh mẽ đối với hoạt động cải tạo đảo của Trung Quốc. ASEAN có lợi thế khi họ có các cơ chế để trao đổi với Bắc Kinh, bao gồm Bộ Quy tắc Ứng xử (COC) đang trong quá trình thương thảo. Ít nhất thì COC cũng tạo ra một diễn đàn để ASEAN và Trung Quốc đàm phán, thay vì để các bên yêu sách của ASEAN phải xử lý tranh chấp trên bàn song phương với Trung Quốc. ASEAN và Trung Quốc không nên để vấn đề Biển Đông ảnh hưởng đến quan hệ song phương, do vậy hai bên cần phải đẩy nhanh tiến trình xây dựng COC.

Ngoài ra, ASEAN có thể sử dụng các cơ chế tại khu vực để đối phó với xung đột. Các cơ chế đối thoại của ASEAN bao trùm các vấn đề từ an ninh khu vực cho tới hợp tác trên biển. Nếu các bên yêu sách có thể nhất trí giải quyết vấn đề chủ quyền trên tinh thần xây dựng, thì Biển Đông có thể trở thành cơ hội cho các chương trình hợp tác kinh tế của người dân ASEAN.

Đáng tiếc, ASEAN đến giờ vẫn ở thế bị động, bởi họ không thể tự mình đưa ra một lập trường chung về vấn đề Biển Đông. Đơn cử, Thủ tướng Campuchia Hun Sen vài năm trước đây có nói rằng ASEAN không nên giải quyết tranh chấp Biển Đông với vị thế là một khối bởi chỉ có 4 nước ASEAN có yêu sách. Tuy nhiên, ASEAN không còn lựa chọn nào khác ngoài việc phải đưa ra được lập trường chung và thúc đẩy một biện pháp ngoại giao nhằm giảm căng thẳng.

Biển Đông là khu vực có giá trị chiến lược. Đó là lý do tại sao tranh chấp chủ quyền tại đây đã kéo theo sự quan tâm của cộng đồng quốc tế. Đây là thời điểm để ASEAN thể hiện rằng họ có khả năng đưa ra một lập trường thống nhất và đóng một vai trò hữu ích trong việc duy trì hòa bình và an ninh tại khu vực.

Trong khi đó, các bên có yêu sách cũng không nên để vấn đề Biển Đông ảnh hưởng tới hoạt động hợp tác chính trị và kinh tế. Ví dụ, các quốc gia Đông Á ngày càng phụ thuộc lẫn nhau thông qua hoạt động kinh tế nở rộ và giao lưu nhân dân. Tương tự, sự phụ thuộc lẫn nhau tại ASEAN có tiềm năng còn lớn hơn như tại Đông Á.

Hợp tác trên tinh thần xây dựng trong vấn đề Biển Đông sẽ có đóng góp lớn cho sự thịnh vượng của khu vực trong tương lai.

“Malaysia đang cứng rắn hơn trong vấn đề Biển Đông?” của Prashanth Parameswaran

Hôm 2/6 vừa qua, báo The Borneo Post cho biết Trung Quốc đã xâm phạm vùng biển của Bãi cạn Luconia, Biển Đông. Đây không phải lần đầu các tàu Trung Quốc xâm nhập vùng biển của Malaysia, và các vụ việc đang ngày càng trở nên táo bạo hơn và xảy ra với tần suất dày đặc hơn trong những năm qua. Việc Trung Quốc liên tục xâm phạm đường biển chia cắt Malaysia Bán đảo và Đông Malaysia rõ ràng có ảnh hưởng tới sự toàn vẹn lãnh thổ của Malaysia.

Sau vụ việc, Bộ trưởng An ninh Quốc gia Malaysia Shahidan Kassim cho biết ông đã họp với Bộ Ngoại giao, Bộ An ninh, Hải quân, và Cảnh sát biển nước này. Ông cũng nói rằng Malaysia đã điều động Hải quân và Cảnh sát biển nước này tới khu vực bị Trung Quốc xâm phạm để “đảm bảo chủ quyền quốc gia”.

Ngoài ra, ông Shahidan cũng dùng trang Facebook cá nhân của mình để cung cấp cho công luận Malaysia cái nhìn chi tiết về kế hoạch đáp trả của nước này. Cụ thể, ông trấn an người dân Malaysia rằng các tàu của hải quân và cảnh sát biển đã thả neo trong bán kính 1 hải lý cách vị trí tàu của Trung Quốc để theo dõi hoạt động của tàu này. Ông cũng nói rõ rằng đây không phải vụ việc liên quan đến các bên có yêu sách chồng lấn tại Bãi cạn Luconia, mà đây là vụ việc một tàu nước ngoài xâm phạm vào vùng biển của Malaysia. Ông Shahidan cũng cho biết sắp tới Thủ tướng Malaysia Najib Razak sẽ đích thân đem vấn đề này ra hội đàm trực tiếp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Malaysia – giống với nhiều quốc gia khác – trước đây đã có những phản đối ngoại giao tương tự. Điều thú vị trong vụ việc lần này đó là Malaysia đã cho công luận được biết thay vì giữ kín như họ vẫn thường làm trước đây.

Tuy nhiên, mặc dù Malaysia đã tỏ thái độ cứng rắn hơn với Trung Quốc, nhưng chính sách “đảm bảo an toàn” của Kuala Lumpur nhiều khả năng vẫn sẽ được duy trì trong tương lai. Dù cho phản ứng có cứng rắn và công khai hơn, nhưng Malaysia vẫn có những tính toán kĩ càng. Ông Shahidan không lên án trực tiếp hành động của Bắc Kinh tới mức mà có thể khiến Trung Quốc leo thang căng thẳng, và các tàu của Malaysia cũng được triển khai một cách thận trọng. Chính phủ ông Najib sẽ không để sự việc trên ảnh hưởng tới quan hệ với đối tác giao thương lớn nhất của nước này. Và đương nhiên Malaysia cũng hiểu rằng họ không thể trực tiếp đối đầu với Trung Quốc.

Dù vậy, việc có thể khiến một nước từ trước đến nay vẫn “kín tiếng” trên Biển Đông như Malaysia phải công khai đáp trả như vậy là đủ để nhận ra tham vọng bành trướng của Trung Quốc đã ở tình trạng đáng báo động đến mức nào.

“Mỹ cần phải thách thức Trung Quốc ở Biển Đông” của Richard C. Thornton

Lời kêu gọi ngừng hoạt động xây đảo tại Biển Đông của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter có lẽ sẽ không có hiệu quả bởi 2 lý do. Thứ nhất, việc tạo sự đã rồi tại Biển Đông để khẳng định chủ quyền nằm trong lợi ích của Bắc Kinh, và thứ hai là chẳng ai có thể ngăn cản Trung Quốc. Do vậy, Mỹ cần phải tìm cách gây sức ép lên Trung Quốc trên 2 mặt trận khác: đó là trên thực địa và trên lịch sử.

i) Trên thực địa. Nếu đúng như những gì mà bộ máy tuyên truyền của Trung Quốc đang rao giảng đó là họ phải thống trị vùng biển Tây Thái Bình Dương, thì Mỹ nên bác bỏ yêu sách chủ quyền của nước này, trong thời điểm mà Trung Quốc vẫn còn khá yếu về hải quân và Mỹ vẫn tương đối vượt trội hơn. Mỹ nên sử dụng biến thể của “Chiến thuật Biển” từng được dùng để đối phó Liên Xô trong những năm 1980 để chống lại Bắc Kinh ngày nay. Lúc đó, Hải quân Mỹ đã cho tàu áp sát các tiền đồn hải quân của Liên Xô ngoài khơi thành phố cảng Murmansk, tây bắc Nga hiện nay, và Biển Okhtsk (phần mở rộng của Bắc Thái Bình Dương) để ngăn không cho hải quân Liên Xô có chỗ trú ẩn nếu xảy ra xung đột giữa 2 bên. Và đó là điều Hải quân Mỹ cần làm ngày nay để đối phó Trung Quốc. Cần phải cho Trung Quốc hiểu rằng các căn cứ hải quân của họ chẳng có chút lợi thế nào khi xảy ra xung đột. Có lẽ một màn phô trương sức mạnh bằng việc cho nã pháo vào các đảo san hô không người ở sẽ có tác dụng; hoặc có thể một màn trình diễn hỏa lực của một hạm đội tàu trang bị khả năng đánh chặn tên lửa đạn đạo cũng sẽ phát huy hiệu quả. Mục đích là để cho công chúng thấy được các điểm yếu mà Trung Quốc cố che đậy thông qua bộ máy tuyên truyền ồn ào.

ii) Trên lịch sử. Song song với đó, cần phải phơi bày cho công chúng quốc tế thấy các yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh ở Biển Đông và Biển Hoa Đông không hề có cơ sở lịch sử. Tại thời điểm hiện tại, Mỹ vẫn chưa phản đối các yêu sách này, khiến chúng ta có cảm giác rằng chúng có thật, trong khi thực tế thì lại trái ngược. Chủ quyền được cấu thành trên 3 thành tố: xâm lược, thuộc địa hóa và kiểm soát. Nếu nhìn vào điều này thì yêu sách của Trung Quốc chẳng hề có cơ sở lịch sử. Đơn cử như trường hợp Quần đảo Hoàng Sa. Quần đảo Hoàng Sa ngoài khơi Việt Nam không liên quan đến Trung Quốc về mặt lịch sử. Pháp đã sáp nhập quần đảo này vào thuộc địa Đông Dương và sau đó là Nhật chiếm từ tay Pháp hồi Thế chiến thứ 2. Trung Quốc là kẻ đến sau, và chiếm lấy Đảo Phú Lâm, đảo lớn nhất của Hoàng Sa vào năm 1950 rồi chiếm các đảo khác vào tháng 1/1974 khi Việt Nam vẫn còn bị chia cắt và không đủ sức kháng cự. Còn quần đảo Trường Sa cũng nằm cách lãnh thổ Trung Quốc đến gần 2.000 km. Hành động của Trung Quốc tại đây là một sự xâm lược trắng trợn không thể chấp nhận. Nếu Trung Quốc được phép chiếm vùng lãnh thổ nằm cách bờ biển nước mình đến 2.000km, thì còn nước nào được bình yên?

Sở dĩ Trung Quốc hiện có những hành động hung hăng tại Biển Đông là vì Mỹ, cường quốc duy nhất có khả năng ngăn nước này lại, đã không hành động. Washington cần bác bỏ yêu sách chủ quyền của Trung Quốc, trên cả thực địa và trên cả yếu tố lịch sử. Ít nhất, Washington cũng nên yêu cầu Trung Quốc đưa ra các cơ sở lịch sử cho vô số yêu sách mà Bắc Kinh đã tuyên bố để minh chứng rằng trong lịch sử, Trung Quốc chỉ là 1 con hổ giấy.

“Kế hoạch hòa bình cho Biển Đông” của Tổng thống Đài Loan Mã Anh Cửu

Trong bài phát biểu của mình tại một hội thảo gần đây ở Đài Bắc, tôi đã đề xuất Sáng kiến Hòa bình Biển Đông – đây là một giải pháp thực tế, khả thi để giải quyết căng thẳng. Điểm mấu chốt trong đề xuất của tôi đó là chuyển sự tập trung từ giải quyết tranh chấp lãnh thổ sang cùng khai thác nguồn tài nguyên. Chủ quyền là không thể phân chia, nhưng tài nguyên hoàn toàn có thể cùng chia sẻ.

Đài Loan đã áp dụng có hiệu quả cách tiếp cận này. Trong 7 năm qua, chính phủ của chúng tôi đã xử lý quan hệ với Trung Quốc đại lục theo một chính sách thực dụng, ổn định nhằm duy trì nguyên trạng. Chính sách này giúp Đài Loan và Trung Quốc ký kết được 21 thỏa thuận, trên một loạt các lĩnh vực từ xây dựng các chuyến bay thẳng cho tới hợp tác kinh tế và hỗ trợ tư pháp. Đây cũng là giai đoạn hòa bình và thịnh vượng duy nhất của Eo biển Đài Loan trong 66 năm qua.

Hiện tại, với Sáng kiến Hòa bình Biển Đông, tôi kêu gọi các bên hành động trên tinh thần hòa giải và hợp tác, từ đó biến nhiệm vụ có vẻ như bất khả thi trở nên hoàn toàn có thể được giải quyết. Cụ thể:

- Kiềm chế, bảo vệ hòa bình và ổn định, không thực hiện các hành vi đơn phương có thể làm gia tăng căng thẳng.

- Tôn trọng các nguyên tắc và tinh thần của luật quốc tế, bao gồm Hiến chương Liên Hợp Quốc và Luật Biển, giải quyết hòa bình tranh chấp thông qua đối thoại và duy trì tự do, an toàn hàng hải và hàng không.

- Đảm bảo tất cả các bên có liên quan tham gia vào hoạt động hợp tác trên biển cũng như tham gia vào các bộ quy tắc ứng xử chung nhằm thúc đẩy hòa bình và thịnh vượng.

- Gác tranh chấp và cùng xây dựng một cơ chế hợp tác khu vực nhằm khai thác nguồn tài nguyên theo một kế hoạch tổng hợp.

- Phối hợp và hợp tác trong các vấn đề an ninh phi truyền thống như bảo vệ môi trường, nghiên cứu khoa học, chống tội phạm trên biển, hỗ trợ nhân đạo và giảm nhẹ thiên tai.

Với vị trí là một quốc đảo, an ninh biển của Đài Loan cũng đồng nghĩa với an ninh quốc gia. Do đó, tôi đã đưa ra 3 đề xuất hòa bình, đề xuất đầu tiên là dành cho Eo biển Đài Loan, thứ hai là Biển Hoa Đông và cuối cùng là Biển Đông, với hy vọng rằng chúng sẽ giúp vun đắp cho hòa bình và thịnh vượng tại khu vực. Chiến lược này đã thành công trong 2 lần trước đây và tôi hy vọng rằng nó sẽ tiếp tục phát huy hiệu quả trong lần thứ 3. Đài Loan sẵn sàng tham gia và các cơ chế đối thoại hòa bình và hợp tác với các bên yêu sách khác tại Biển Đông.

Hạm đội tàu cá Trung Quốc đang vươn ra toàn cầu? của Shannon Van Sant

Hơn 2.000 tàu cá Trung Quốc có mặt ở vùng biển trên khắp thế giới đang giúp nước này củng cố nguồn cung ứng thực phẩm, nhưng cũng gây ra nguy cơ cạn kiệt nguồn tài nguyên, phá hủy hệ sinh thái và đụng độ với các quốc gia khác.

Ông Duncan Ledbetter, giám đốc công ty tư vấn nghề cá và tài nguyên thiên nhiên Fish Matter, cho biết ngư dân Trung Quốc đang vươn ra tìm cá khắp thế giới khi môi trường cá gần bờ của nước này bị ô nhiễm và cạn kiệt.

“Có hai vấn đề đang xảy ra. Một là đánh bắt quá mức. Hai là khắp vùng biển phía bắc và nam, từ vùng cận duyên đến mép của thềm lục địa, có vô số vấn đề về ô nhiễm và mất môi trường sống”, ông nói.

Đội tàu cá xa bờ của Trung Quốc đang phát triển thành lực lượng lớn nhất trên thế giới với hơn 2.000 tàu. Một nghiên cứu của Nghị viện châu Âu ước tính rằng từ năm 2000 đến 2011, các ngư dân Trung Quốc đánh bắt được 4,6 triệu tấn cá mỗi năm, phần lớn trong đó đến từ vùng biển Nam Phi, tiếp theo là vùng biển Châu Á và một lượng nhỏ hơn là từ Trung, Nam Mỹ và Nam Cực.

Điều đó dẫn đến căng thẳng giữa Trung Quốc với các nước gia tăng khi Bắc Kinh tăng cường hiện diện khắp các vùng biển. Tháng trước, Indonesia đã đánh chìm một tàu Trung Quốc bị cáo buộc đánh bắt trái phép. Còn theo thông tin từ chính phủ Hàn Quốc, số tàu cá Trung Quốc đi vào vùng biển của nước này tăng lên hàng năm, với hơn 1.000 tàu đánh bắt trái phép chỉ trong năm 2014.

Tổ chức Hòa bình Xanh (Greenpeace) cho biết tàu cá Trung Quốc cũng đang đánh bắt cá trái phép với số lượng lớn ở ngoài khơi Tây Phi. Ông Rashid Kang, thuộc văn phòng Hòa bình Xanh tại Bắc Kinh, lo ngại rằng với đội tàu đánh cá nước sâu cũ kỹ, Trung Quốc có thể làm tổn hại đến hệ sinh thái của các vùng biển nước ngoài. Luật pháp Trung Quốc cấm các tàu cá lỗi thời nhưng không áp dụng với phạm vi hoạt động ở nước ngoài.

“Họ ban hành luật mới để cấm việc đánh cá bằng lưới rà đáy trong vùng biển Trung Quốc. Tôi nghĩ Trung Quốc không đưa ra những đạo luật kiểu như vậy đối với các tàu Trung Quốc đang đánh bắt ở nước khác”, ông Kang nói. “Vì thế tôi cho rằng đang có sự thiên vị ở đây”.

Một nhóm các nhà khoa học quốc tế gần đây cố gắng ước tính sản lượng đánh bắt xa bờ của tàu Trung Quốc từ năm 2000 đến 2011. Trong một bài viết trên tạp chí Cá và Nghề cá (Fish and Fisheries), họ kêu gọi minh bạch hơn về vấn đề này và cho hay sản lượng đánh bắt của các tàu Trung Quốc hầu như không được ghi chép và báo cáo.

Theo nghiên cứu này, sản lượng cá mà Trung Quốc thu hoạch là hơn 4.6 triệu tấn một năm, khác hẳn số liệu 368.000 tấn mà Bắc Kinh báo cáo với Liên Hợp Quốc./.