Động thái của các quốc gia

+ Trung Quốc:

Trung Quốc khẳng định không thực tế khi đặt thời hạn Bộ Quy tắc Ứng xử. Trả lời phỏng vấn của tạp chí China Newsweek hôm 8/8, Vụ trưởng Vụ Biên giới và các Vấn đề biển thuộc Bộ Ngoại giao Trung Quốc Di Tiên Lương cho biết các vòng đối thoại đang tiếp tục, còn nhiều vấn đề phức tạp và nhạy cảm. Theo ông Di, “Tất cả các bên cần hướng đến mẫu số chung lớn nhất. Có nhiều tiếng nói từ bên ngoài, những người đang cố gắng đặt ra thời hạn cho các cuộc đối thoại về Bộ Quy tắc. Tôi nghĩ điều này là phi thực tế.” Ông Di cũng nhận định bất kỳ đối thoại đa phương nào cũng cần thời gian, “Thay vào việc đặt ra thời hạn vốn phi thực tế và trói buộc, tốt hơn là đi từng bước. Các nước ngoài khu vực đang làm rối vấn đề khi cho rằng COC phải ràng buộc pháp lý. Vấn đề này rất phức tạp, bao gồm quy trình pháp lý nội bộ của các quốc gia liên quan.”

Trung Quốc cảnh báo máy bay hải quân Mỹ bay qua Biển Đông. Ngày 10/8, máy bay trinh sát P-8A Poseidon của Hải quân Mỹ, chở một nhóm phóng viên CNN, bay qua 4 đảo nhân tạo Trung Quốc bồi đắp trái phép gồm Xu bi, Chữ Thập, Gạc Ma và Vành Khăn. Tại Xu bi, máy bay Mỹ đã phát hiện 86 tàu thuyền các loại của Trung Quốc trong đó có tàu Hải Cảnh. CNN đưa tin trong quá trình bay, tổ bay đã 6 lần nhận được cảnh báo rằng máy bay Mỹ đã tiến vào không phận Trung Quốc, yêu cầu lập tức rời đi, giữ khoảng cách để tránh gây hiểu lầm. Ông Chris Purcell, Chỉ huy phi đội tuần tra trong nhiệm vụ hôm thứ 10/8 cho biết Mỹ đã thực hiện các chuyến bay như này trong năm thập kỷ qua và điều đó cho thấy cam kết của Mỹ trong việc duy trì tự do lưu thông ở vùng biển quốc tế.

Trung Quốc ngang nhiên thành lập “Thư viện đám mây” trên đảo Phú Lâm. Cuối tháng 7 vừa qua, Trung Quốc đã khánh thành “Thư viện đám mây Tam Sa” tại đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Thư viện đám mây, được xây dựng trên nền tảng công nghệ hiện đại, sẽ tập hợp và quản lý nguồn tài nguyên sách vở điện tử để hình thành một hệ thống quản lý thông tin cấp quốc gia với quy mô lớn, nội dung đa dạng, để phục vụ cho độc giả. “Thư viện đám mây Tam Sa” đã chọn lọc hơn 200 nghìn đầu sách điện tử do Trung Quốc xuất bản hoặc Trung Quốc hợp tác với nước ngoài xuất bản.

+ Việt Nam:

Tàu cá Quảng Ngãi bị tàu Trung Quốc đâm chìm gần Hoàng Sa. Chiều tối 7/8, Văn phòng Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cho biết, khoảng 9h cùng ngày tại khu vực cách Đông Đông Bắc Đà Nẵng khoảng 260 hải lý, cách Tây Nam đảo Linh Côn-Quần đảo Hoàng Sa khoảng 11 hải lý, tàu cá QNg 90546 TS với 12 ngư dân của Quảng Ngãi, đã bị một tàu Trung Quốc đâm chìm. Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Ngãi, cùng Bộ tham mưu Bộ đội Biên phòng chỉ đạo cơ quan chức năng duy trì liên lạc với tàu, huy động các tàu cá cùng tổ và các tàu gần khu vực đến hỗ trợ tàu bị nạn.

Việt Nam yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền. Về việc Trung Quốc gần đây tổ chức hoạt động kỷ niệm sáu năm thành lập cái gọi là “thành phố Tam Sa,” lắp đặt và đưa vào sử dụng phao đèn quan trắc sóng biển ở Phú Lâm, quần đảo Hoàng Sa; Đại học Trung Sơn Trung Quốc thực hiện một loạt các khảo sát khoa học tổng hợp ở quần đảo Hoàng Sa...Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng hôm 10/8 nêu rõ: “Các hành động nêu trên của Trung Quốc xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; không phù hợp với nhận thức chung quan trọng của Lãnh đạo cấp cao hai nước về việc kiểm soát tốt bất đồng trên biển cũng như xu thế phát triển tốt đẹp của quan hệ hai nước, trái với tinh thần và nội dung của DOC, không có lợi cho việc duy trì môi trường hòa bình, ổn định, hợp tác ở Biển Đông và khu vực. Việt Nam kiên quyết phản đối, yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay các hoạt động nêu trên. Đại diện Bộ Ngoại giao đã gặp đại diện Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam giao thiệp về vấn đề này.”

+ Philippines:

Philippines hoan nghênh bản sự thảo duy nhất đàm phán COC. Ngoại trưởng Philippines Alan Peter Cayetano hôm 7/8 cho hay việc Trung Quốc – ASEAN đạt dự thảo duy nhất đàm phán COC là “bước đột phá quan trọng.” Hai bên nhất trí về việc cần phải có một COC hiệu quả. Tuy nhiên, hai bên tiếp tục thảo luận về khung thời gian để đàm phán chính thức.” Philippines sẽ đảm nhiệm vai trò nước điều phối quan hệ Trung Quốc – ASEAN kể từ tháng 8. Theo ông Cayetano, “đây là một nhiệm vụ quan trọng, đặc biệt trong bối cảnh COC đang được đàm phán.”

Philippines cho hay Trung Quốc thường phát tín hiệu cảnh báo ở Biển Đông. Trong cuộc họp báo ngày 13/8, Tham mưu trưởng Các lực lượng vũ trang Philippines (AFP) Tướng Carlito Galvez Jr. cho biết những cảnh báo qua radio của Trung Quốc đối với tàu thuyền và máy bay của Philippines trên Biển Đông là chuyện “thường ngày”. Theo ông Carlito, “các phi công Philippines thường đáp lại: Chúng tôi đang thực hiện các chuyến bay theo thẩm quyền và trong lãnh thổ của chúng tôi.” Không quân Philippines tiến hành tuần tra trên không định kỳ 3 lần/ ngày.

+ Indonesia:

Indonesia khẳng định mối quan hệ tốt đẹp với Ấn Độ. Phát biểu trước báo giới tại Trung tâm Quốc tế ở New Delhi hôm 9/8, Đại sứ Indonesia ở Ấn Độ ông Sidharto R Suryodipuro nhấn mạnh, “quan hệ hai nước đang ở giai đoạn tốt nhất trong 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao.” Về Biển Đông, ông Suryodipuro cho hay, “Indonesia ủng hộ UNCLOS và tự do hàng hải, hàng không. Indonesia không phải bên tranh chấp Biển Đông và chúng tôi không có bất kỳ tranh chấp hay tranh cãi về pháp lý đối với các yêu sách. Hiện Indonesia tiếp tục phối hợp tuần tra ở khu vực Andamans và Sumatra, đang mở rộng diễn tập với hải quân cũng như các lực lượng khác.”

+ Singapore:

Singapore thúc giục Trung Quốc và ASEAN hoàn tất COC trên Biển Đông. Phát biểu tại Chương trình châu Á-Thái Bình Dương lần thứ 20 dành cho các sỹ quan quân đội cấp cao do trường S.Rajaratnam tổ chức hôm 1/8, Bộ trưởng Quốc phòng Singapore Ng Eng Hen nhấn mạnh ASEAN và Trung Quốc cần sớm hoàn thiện COC vì ổn định trên biển và “tăng cường vai trò của UNCLOS vì đó là cơ sở pháp lý quy định quyền tự do lưu thông và các yêu sách tài nguyên". Theo Bộ trưởng Eng Hen, ASEAN cần thúc đẩy tính trung tâm, bao hàm và cởi mở, "Nếu các nước thành viên ASEAN bắt đầu chọn bên, đòi quyền lợi hoặc tự cô lập với cộng đồng quốc tế, vai trò trung tâm của khối sẽ suy yếu".

.......

Bản PDF tại đây