Động thái các quốc gia

+ Trung Quốc:

Trung Quốc bác chỉ trích của Mỹ về hành động quyết đoán ở Biển Đông. Về việc Bộ Ngoại giao Mỹ chỉ trích tàu Trung Quốc đâm chìm tàu cá Việt Nam, lợi dụng dịch bệnh để thúc đẩy yêu sách bất hợp pháp ở Biển Đông, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên ngày 7/4 tuyên bố, “Trong khi đang chống dịch ở trong nước, Trung Quốc cố gắng hỗ trợ và giúp đỡ các quốc gia khác. Trong bối cảnh đó, Mỹ không chỉ gửi tàu chiến, máy bay gây căng thẳng ở Biển Đông mà còn diễn giải sai UNCLOS nhằm bác bỏ các quyền lợi hợp pháp của Trung Quốc. Trung Quốc thúc giục Mỹ dừng việc kết nối dịch bệnh với các vấn đề biển và tập trung vào các hoạt động chống dịch bệnh ở nước Mỹ và thế giới.”

Trung Quốc triển khai tàu hải cảnh đến Bãi cạn Scarborough. Tờ BenarNews cho hay tàu hải cảnh 3302 của Trung Quốc đã hiện diện ở Scarborough ngày 8/4 sau khi rời cảng Tam Á thuộc tỉnh Hải Nam hôm 5/4.Trung Quốc giành quyền kiểm soát Scarborough từ Philippines sau vụ đối đầu giữa hai bên năm 2012. Ngoài ra theo BenarNews, tàu hải cảnh 5302 đã tuần tra gần bãi Cỏ Mây từ ngày 6/3 còn tàu hải cảnh 5202 xuất hiện gần đảo Thị Tứ hôm 3/4.

Trung Quốc ngang nhiên luân phiên tàu cứu hộ tại Trường Sa. Ngày 10/4, Cục Cứu trợ Nam Hải thuộc Bộ Giao thông vận tải Trung Quốc đã điều tàu cứu hộ “Nam Hải 117” từ Hải Nam đi Trường Sa làm nhiệm vụ trực cứu hộ cho tàu “Nam Hải cứu 115” vừa hoàn thành đợt trực kéo dài 3 tháng. Đây là lần thứ 8 Cục Cứu trợ Nam Hải luân phiên tàu cứu hộ kể từ khi thực hiện chế độ trực ban cứu hộ thường xuyên tại Trường Sa của Việt Nam.

Trung Quốc sắp thử nghiệm thủy phi cơ AG600 trên biển. Tập đoàn công nghiệp hàng không Trung Quốc (AVIC) đẩy nhanh quá trình hoàn thiện máy bay đổ bộ AG600 tại Kinh Môn ngay khi tình hình dịch bệnh Covid-19 ở Hồ Bắc được kiểm soát. Phó giám đốc dự án AG600 tại Kinh Môn ông Lục Dương cho hay “Chiếc máy bay trong tình trạng tốt. Việc thử nghiệm trên biển có thể được thực hiện trong năm nay.” AG600 bay thử nghiệm lần đầu trên đất liền vào năm 2017 và bay thử nghiệm lần đầu ở một hồ chứa nước vào năm 2018, và chiếc đầu tiên dự kiến được bàn giao cho quân đội vào năm 2022.

+ Việt Nam:

Việt Nam khẳng định lập trường nhất quán về Biển Đông trong Công hàm gửi Liên Hợp Quốc. Về việc Phái đoàn của Việt Nam ngày 30/3 gửi công hàm cho Tổng thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres trong đó bác bỏ yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng ngày 9/4 nêu rõ: “Lập trường nhất quán của Việt Nam là giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở của luật pháp quốc tế như thể hiện trong UNCLOS năm 1982. Việc lưu hành công hàm tại Liên Hợp Quốc là một việc làm bình thường, thể hiện lập trường và bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của Việt Nam. Lập trường nhất quán của Việt Nam đã được thể hiện đầy đủ tại Công hàm này. Theo đó, Việt Nam khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế, đồng thời khẳng định chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam đối với các vùng biển được xác định theo các quy định của UNCLOS 1982.”

+ Philippines:

Philippines quan ngại tàu Trung Quốc đâm chìm tàu cá Việt Nam. Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Philippines ngày 8/4 cho hay, “Kinh nghiệm tương tự của chúng tôi cho thấy sự việc gây mất niềm tin trong quan hệ hữu nghị nhiều như thế nào; cũng cho thấy hành động nhân đạo của Việt Nam khi trực tiếp cứu mạng các ngư dân Philippines. Philippines chưa bao giờ và sẽ không bao giờ ngừng cảm ơn Việt Nam. Với suy nghĩ đó, chúng tôi đưa ra tuyên bố này nhằm thể hiện sự đoàn kết. Philippines khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông, và lưu ý rằng những sự cố như vừa qua làm suy yếu tiềm năng của mối quan hệ khu vực thực sự sâu sắc và đáng tin cậy giữa ASEAN với Trung Quốc. Với động lực tích cực trong đàm phán Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông, điều quan trọng là các bên cần tránh những sự cố như vậy và các khác biệt cần được giải quyết bằng biện pháp giúp tăng cường đối thoại và tin tưởng lẫn nhau.”

+ Mỹ:

Bộ Ngoại giao Mỹ chỉ trích Trung Quốc lợi dụng dịch để thúc đẩy yêu sách biển. Tuyên bố của Người phát ngôn Bộ ngoại giao Mỹ Morgan Ortagus ngày 6/4 khẳng định, “Mỹ quan ngại sâu sắc trước thông tin về việc tàu Trung Quốc đâm chìm một tàu đánh cá của Việt Nam ở khu vực gần quần đảo Hoàng Sa trên Biển Đông. Đây là vụ việc mới nhất trong một loạt hành động của Trung Quốc nhằm thúc đẩy những yêu sách biển trái với pháp luật và gây thiệt hại cho các nước láng giềng Đông Nam Á ở Biển Đông. Mỹ kêu gọi Trung Quốc tập trung vào việc ủng hộ các nỗ lực quốc tế nhằm đối phó với đại dịch toàn cầu hiện nay, đồng thời chấm dứt việc lợi dụng sự sao lãng hoặc dễ tổn hại của các nước khác để mở rộng các yêu sách bất hợp pháp trên Biển Đông.”

Bộ Quốc phòng Mỹ quan ngại sâu sắc tàu Trung Quốc đâm chìm tàu cá Việt Nam. Tuyên bố của Bộ Quốc phòng Mỹ ngày 9/4 khẳng định, “Hành vi của Trung Quốc đi ngược với tầm nhìn của Mỹ về khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do, rộng mở, trong đó mọi quốc gia được đảm bảo về quyền và chủ quyền phù hợp với luật quốc tế. Nước Mỹ sẽ tiếp tục hợp tác với đồng minh và đối tác để đảm bảo tự do hàng hải và cơ hội kinh tế trên toàn khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Dịch bệnh covid-19 nhấn mạnh tầm quan trọng của trật tự quốc tế dựa trên luật pháp, các quốc gia cần chung tay xử lý mối đe dọa một cách minh bạch, tập trung và hiệu quả. Mỹ kêu gọi các bên kiềm chế những hành động gây mất ổn định khu vực, ảnh hưởng tới quá trình chống dịch toàn cầu, hay gây ra những rủi ro không cần thiết đối với mạng sống con người và tài sản.”

Nhóm Thượng nghị sỹ Mỹ chỉ trích Trung Quốc đâm chìm tàu cá Việt Nam ở Hoàng Sa. Tuyên bố hôm 10/4 của Nhóm Thượng nghị sỹ Mỹ gồm Jim Risch và Bob Menendez, Chủ tịch và Thành viên cấp cao của Ủy ban Đối ngoại Thượng viện cùng với Cory Gardner và Ed Markey, Chủ tịch và Thành viên cấp cao của Tiểu ban Đông Á, Thái Bình Dương và Chính sách an ninh mạng quốc tế khẳng định, “Đây là những ví dụ mới nhất về việc Trung Quốc đe dọa các nước láng giềng nhằm áp đặt tuyên bố chủ quyền trên biển quá mức. Trung Quốc gây bất ổn khu vực tại thời điểm cộng đồng quốc tế cần đoàn kết để đối phó với đại dịch Covid-19. Hành vi của tàu hải cảnh Trung Quốc là không an toàn và không thể chấp nhận trên biển, đáng bị lên án.” Nhóm Thượng nghị sĩ kêu gọi chính quyền Mỹ lên tiếng trước các hành động của Trung Quốc và tiếp tục khẳng định quyền tự do hàng hải và hàng không trên Biển Đông.” Trong khi đó ngày 11/4, Thượng nghị sĩ Tom Cotton ra tuyên bố lên án “Việc Trung Quốc tấn công những ngư dân hòa bình nhằm thể hiện yêu sách phi pháp ở Biển Đông. Mỹ sẽ sát cánh cùng các đồng minh và đối tác ở Đông Nam Á, đặc biệt là Việt Nam, khi họ bảo vệ công dân và chủ quyền trước sự quyết đoán của Trung Quốc.”

+ Indonesia:

Indonesia cảnh báo tàu cá nước ngoài vẫn hiện diện tại Natuna. Tổng vụ trưởng bộ phận giám sát tài nguyên biển và nghề cá, Bộ Biển và Ngư nghiệp Indonesia ông TB Haeru Rahayu hôm 7/4 cho hay dịch covid-19 không ngăn được ngư dân nước ngoài đánh bắt cá bất hợp pháp tại các vùng biển của Indonesia. Bộ Biển và Ngư nghiệp Indonesia gần đây cho hay đã bắt giữ 2 tàu cá treo cờ Việt Nam mang số hiệu KG 93811 TS và KG 93012 TS cùng 22 ngư dân ngày 3/4 vì hoạt động trong vùng biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia tại tỉnh Riau. Bộ trưởng Bộ Biển và Ngư nghiệp Indonesia Edhy Prabowo cho hay ngày 12/4, Bộ này đã bắt giữ 2 tàu cá Việt Nam cùng 6 thuyền viên tại Biển Bắc Natuna; 3 tàu cá Philippines cùng 34 thuyền viên tại vùng biển Sulawesi vì cáo buộc đánh cá bất hợp pháp.

+ Mỹ:

US INDOPACOM xin bổ sung ngân sách để tăng cường sức mạnh quân sự. Trong báo cáo đệ trình Quốc hội Mỹ, Đô đốc Phil Davidson, Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (USINDOPACOM), đề xuất khoảng 1,6 tỷ USD sẽ được chi cho năm tài chính 2021 và hơn 18,5 tỷ USD sẽ dành cho các năm tài chính từ giai đoạn 2022 - 2026. Báo cáo tựa đề "Regain the Advantage" của USINDOPACOM nêu vấn đề về cấu trúc lực lượng, hợp tác an ninh trong khu vực và các khoản đầu tư cơ sở hạ tầng cần thiết. Báo cáo đề xuất chi 1,6 tỷ USD để đầu tư vào hệ thống phòng thủ tên lửa đối không ở đảo Guam và khoảng 1 tỷ USD để tăng dự trữ vũ khí tầm xa. Ngoài ra, sẽ tăng khoản tài trợ quân sự nhiều triệu USD cho các quốc gia đối tác trong khu vực. Trong Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng năm tài khóa 2020, Mục 1253 yêu cầu USINDOPACOM có báo cáo trong tháng 3 liệt kê những khoản cần thiết để thực hiện Chiến lược Quốc phòng và duy trì lợi thế so với Trung Quốc.

+ Nga:

Chuyên gia Nga khẳng định Việt Nam không đơn độc trong vấn đề Biển Đông. Về việc tàu hải cảnh Trung Quốc đâm chìm tàu cá Việt Nam ở Hoàng Sa, Chủ tịch Hội đồng Chuyên gia Quỹ Nghiên cứu Á-Âu của Nga, chuyên gia Grigory Trofimchuk khẳng định dư luận đã lên án hành vi không phù hợp của các tàu Trung Quốc như vừa qua, song giới chức Bắc Kinh vẫn phớt lờ. Ông Trofimchuk nhấn mạnh, những hành động tương tự sẽ được giới nghiên cứu chú ý và cần phải bị lên án tại các hội thảo, diễn đàn quốc tế về Biển Đông. Theo ông Trofimchuk, hiện Việt Nam có thể tận dụng tối đa các công cụ quốc tế, trong đó có vị thế của một nước ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc để giải quyết vấn đề Biển Đông.

Thực hiện: Đinh Anh