I. Động thái của các quốc gia

+ Trung Quốc:

Trung Quốc triển khai tàu sân bay tuần tra Biển Đông vào tháng 8 tới. Phó đô đốc hải quân Trung Quốc Xu Hongmeng cho hay “Quân đội đã phê chuẩn kế hoạch triển khai tàu sân bay đầu tiên vào năm nay.” Các cuộc chạy thử nghiệm của tàu cho đến nay diễn ra suôn sẻ. Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc trước đó cho hay tàu sân bay sẽ được sử dụng với mục đích chính là nghiên cứu khoa học và huấn luyện phi công cho các tàu sân bay trong tương lai. Tuy nhiên, giới phân tích nhận định việc triển khai tàu trong vùng Biển Đông đang tranh chấp sẽ khiến căng thẳng tăng lên.

Trung Quốc kêu gọi Mỹ tôn trọng lợi ích của mình ở châu Á. Bộ trưởng Ngoại giao Dương Khiết Trì phát biểu tại một cuộc họp báo hôm Thứ ba, bên lề phiên họp quốc hội thường niên của Trung Quốc. "Chúng tôi đã sẵn sàng làm việc với Hoa Kỳ và các nước khác trong khu vực nhằm phát triển một Châu Á Thái Bình Dương được hưởng sự ổn định và phát triển lớn hơn". "Đồng thời chúng tôi hy vọng Hoa Kỳ sẽ tôn trọng lợi ích cốt lõi và các mối quan tâm của Trung Quốc." Vấn đề Biển Đông cũng được ông Dương Khiết Trì nêu bật khi cho rằng “Tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông cần phải được " giải quyết đúng cách thông qua thương lượng."

Trung Quốc chủ trương giải quyết thoả đáng tranh chấp Biển Đông thông qua đàm phán. Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì có cuộc trả lời phỏng vấn báo chí bên lề Kỳ họp thứ 5 Quốc hội Trung Quốc khoá 11 hôm 6/3. Về vấn đề Biển Đông, ông Dương Khiết Trì cho biết, Trung Quốc luôn chủ trương lấy sự thật làm cơ sở, do các nước đương sự trực tiếp thông qua đàm phán giải quyết thoả đáng tranh chấp về Biển Đông theo các nguyên tắc cơ bản trong quan hệ quốc tế. Trước khi giải quyết tranh chấp có thể "gác lại bất đồng, cùng khai thác."


Trung Quốc 'cần thắng cuộc chiến cục bộ’. Ông Ôn Gia Bảo phát biểu trong buổi khai mạc phiên họp của Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc, tức Quốc hội, tại Bắc Kinh chỉ một ngày sau khi chính phủ nước này loan báo chi tiêu quân sự của họ trong năm 2012 sẽ đạt mức 100 tỷ đôla – tăng 11,2% so với năm ngoái. “Chúng ta sẽ tăng cường năng lực của các lực lượng vũ trang để hoàn thành nhiệm vụ quân sự đa dạng với cốt lõi là khả năng đánh thắng cuộc chiến tranh cục bộ trong điều kiện thông tin hóa.” Phát biểu của thủ tướng Ôn Gia Bảo về « chiến tranh cục bộ » cho thấy rõ, việc gia tăng liên tục chi phí quân sự không nhằm mục đích thuần túy « quốc phòng » như Bắc Kinh vẫn thường tuyên bố để trấn an các nước láng giềng.

Trung Quốc thúc đẩy du lịch ở Hoàng Sa. Giới chức Trung Quốc tuyên bố đang nỗ lực thúc đẩy phát triển du lịch trên quần đảo Hoàng Sa. Tại kỳ họp thứ 5 Chính hiệp khóa XI ở Bắc Kinh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Trung Quốc Vương Chí Phát cho biết cơ quan trên đang hợp tác chặt chẽ với chính quyền tỉnh Hải Nam để mở rộng hoạt động du lịch tại quần đảo Hoàng Sa. Cũng theo ông này, Chính hiệp toàn quốc, tức tổ chức tham vấn cho Đảng Cộng sản, cần khuyến khích tham gia đẩy mạnh du lịch Hoàng Sa vì hoạt động này không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn góp phần khẳng định chủ quyền. Quần đảo Hoàng Sa bị Trung Quốc cưỡng chiếm hoàn toàn từ tay Việt Nam vào năm 1974.

Đặc trưng địa chính trị và chiến lược của Trung Quốc ở Biển Đông” của Tiến sĩ, trợ lý nghiên cứu viên Đại học Nam Xương Vương Thánh Vân và Giáo sư Đại học Sư phạm Liêu Ninh Trương Diệu Quang. Đặc trưng địa chính trị của Biển Đông: Biển Đông là Địa Trung Hải của châu Á, là một bồn địa nước sâu tương đối hoàn chỉnh;  Biển Đông nằm trong hệ thống chuỗi đảo hình vòng cung phong toả Trung Quốc; Biển Đông được coi như vịnh Péc-xích thứ hai; Xu thế quốc tế hóa rõ rệt: Thực chất của vấn đề Biển Đông là sự xung đột lợi ích chiến lược và sự tranh giành tài nguyên. Tình hình an ninh ở Biển Đông: là “trong hòa bình có biến động”. Việc Mỹ can thiệp là nhân tố chính gây biến động; Khu vực Biển Đông tiềm ẩn nguy cơ “Ban-căng hóa”. Hiện nay, thế lực và chủ trương quyền lợi biển của các nước ở Biển Đông đan xen và xung đột lẫn nhau. Các nước ven Biển Đông đều đang gấp rút hiện đại hóa quân sự, nhằm lấy vũ lực để bảo vệ quyền lợi biển của mình. Chiến lược địa chính trị của Trung Quốc ở Biển Đông: Gác tranh chấp, cùng khai thác: Chính phủ Trung Quốc kiên trì phát triển hợp tác hữu nghị với tất cả các nước trên cơ sở 5 nguyên tắc chung sống hoà bình, nhất quán chủ trương đàm phán hoà bình giải quyết tranh chấp quốc tế; Tăng cường lòng tin để duy trì an ninh, thực hiện hợp tác cùng có lợi. Ngoài ra, Trung Quốc cần phải tìm mọi cách để đẩy mạnh việc thăm dò tài nguyên dầu khí ở Biển Đông, nhằm tìm kiếm lợi ích thiết thực nhiều hơn ở khu vực này[1].

Trung Quốc cần thiết lập lực lượng bảo vệ bờ biển đối với tranh chấp trên biển của Wu Jiao và Xin Dingding. Ngày 5/3/2012, tại kỳ họp lưỡng hội, ông Luo Yuan, ủy viên Chính hiệp và là nhà nghiên cứu Viện Khoa học Quân sự đã nhấn mạnh: (1) Trung Quốc cần thiết lập lực lượng bảo vệ bờ biển để ứng phó với các thách thức ngày càng tăng liên quan đến tranh chấp trên biển với các nước láng giềng. (2) Hiện nay, Trung Quốc có ít nhất 6 bộ liên quan tới các vấn đề biển. Một số ban ngành trong các cơ quan này có chức năng trùng nhau và việc điều chuyển nhân sự cũng như phân bổ trang thiết bị và sự phối hợp còn lỏng lẻo do đó cần sát nhập hiệu quả các nguồn lực này thành lực lượng bảo vệ bờ biển. (3) Lực lượng bảo vệ bờ biển cần được trang bị tốt (4) Trung Quốc cần công bố sách trắng về Biển Đông liên quan đến sự thực lịch sử chứng tỏ Trung Quốc đã có chủ quyền lâu dài đối với nhiều đảo tại vùng biển này. Chuyên gia quân sự Yin Zhuo, ủy viên Chính hiệp Trung Quốc cũng cho biết những vấn đề liên quan đến biển Hoa Đông và Biển Đông cần được giải quyết thông qua các biện pháp ngoại giao, kinh tế và pháp lý và giải pháp quân sự sẽ không nên là sự lựa chọn của Trung Quốc trong tương lai.

+ Việt Nam:

Việt Nam nhấn mạnh vai trò cảnh sát biển. Ngày 5/3, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã có chuyến thăm Cục Cảnh sát biển. Chủ tịch nước nhấn mạnh tầm quan trọng của cảnh sát biển khi phải phụ trách một phạm vi rộng trong bối cảnh Việt Nam đang thúc đẩy kinh tế biển với các hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí, đánh cá và du lịch. Đồng thời, đề nghị Cảnh sát biển Việt Nam nhanh chóng tăng cường thêm trang thiết bị và bổ sung thêm người; tăng cường các hoạt động kiểm soát để “kiên quyết bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam” và bảo đảm an toàn cho các tổ chức hoạt động hợp pháp trên vùng biển của Việt Nam.

+ Phi-líp-pin:

Philippines kêu gọi Trung Quốc “có trách nhiệm”. Hôm 5.3, Philippines đã thúc giục Trung Quốc hãy sử dụng uy thế quân sự để thúc đẩy hòa bình và ổn định trong khu vực. Lời kêu gọi được đưa ra một ngày sau khi Bắc Kinh thông báo chi tiêu quốc phòng của họ sẽ vượt qua 100 tỉ USD trong năm 2012, tương đương tỷ lệ tăng trưởng hai con số so với năm ngoái. Theo Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario “Với sự phát triển kinh tế và quân sự, chúng tôi tin tưởng vào việc Trung Quốc tận dụng tầm ảnh hưởng rộng lớn trên toàn cầu một cách có trách nhiệm nhất, đặc biệt trong việc thúc đẩy hòa bình, thịnh vượng và ổn định tại khu vực.”

+ Mỹ:

Mỹ quyết duy trì thế cân bằng tại châu Á. Ngày 8/3, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Ashton Carter cho biết, Mỹ sẽ điều nhiều lực lượng quân sự hơn tới khu vực châu Á-Thái Bình Dương, thậm chí gồm cả 1 chiếc tàu sân bay. 60% tàu chiến của Hải quân Mỹ trong tương lai sẽ đồn trú ở Thái Bình Dương, trong khi tỷ lệ hiện nay là 52%. Ông Carter cho biết thêm, trong 60 năm qua, Mỹ đã phát huy vai trò quan trọng ngăn chặn xung đột vũ trang ở khu vực Thái Bình Dương, “chúng tôi không hy vọng thay đổi tình hình này, chúng tôi mong muốn tiếp tục phát huy vai trò như vậy, đây cũng là mục tiêu tăng cường các nguồn lực của chúng tôi ở châu Á-Thái Bình Dương”.

+Ấn Độ:

Ấn Độ bày tỏ quyết tâm hợp tác về dầu khí với Việt Nam. Đến Việt Nam trong khuôn khổ chuyến viếng thăm hai ngày, Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ Anand Sharma đã có cuộc gặp gỡ với Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng tại Hà Nội hôm mùng 08/03. Bộ trưởng Sharma nhắc lại mong muốn mở rộng hợp tác với Việt Nam trong nhiều lãnh vực, đặc biệt là triển vọng thăm dò và khai thác dầu khí ngoài Biển Đông. Ông cho rằng hợp tác Việt - Ấn sẽ là một tiến trình có lợi cho cả hai bên và hiện có hơn 5 tỷ đô la được dự trù cho việc hợp tác với Việt Nam trong các lĩnh vực năng lượng, khai thác mỏ và cơ sở hạ tầng, nhưng con số này có thể cao hơn, nếu căn cứ vào tiềm lực của Việt Nam.

+ Nhật Bản:

Nhật Bản thông báo tham gia tập trận với Mỹ và Philippines. Lần đầu tiên lực lượng phòng vệ Nhật Bản sẽ tham gia các cuộc tập trận chung thường niên Mỹ - Philippines mang tên “Balikatan” dự kiến bắt đầu trong tháng 4/2012. Bộ Quốc phòng Nhật sẽ cử hai sĩ quan cao cấp của lực lượng phòng vệ Nhật Bản tham dự cuộc tập trận với tư cách quan sát viên. Cuộc tập trận lần này dự kiến kéo dài 1 tuần, địa điểm thao diễn chính là khu vực đảo Palawan của Philippines và các vùng lân cận trong Biển Đông. Các bài tập sẽ phỏng theo tình huống có động đất lớn xảy ra tại Manilla, đây được cho là một quyết định nhằm tránh khiêu khích Trung Quốc quá mức.

II. Quan hệ các nước

Philippines và Mỹ tập trận gần khu vực có tranh chấp ở Biển Đông. Trong một bản thông cáo công bố hôm 07/03/2012, Trung tướng Jessie Dellosa, Tư lệnh lực lượng vũ trang Philippines cho biết cuộc tập trận thường niên Mỹ - Phi sẽ diễn ra từ ngày 16 đến ngày 27/04. Có khoảng 4.500 lính Mỹ tham gia tập trận cùng với 2.300 quân nhân Philippines, trên đảo Luzon, và tại khu vực đảo Palawan ở miền Tây Bắc, sát cạnh Biển Đông. Theo Tướng Jessie Dellosa, cuộc tập trận mang tên Balikatan – tiếng Philippines nghĩa là “kề vai sát cánh” – sẽ củng cố quan hệ quân sự giữa hai đồng minh kỳ cựu, và góp phần xây dựng một khu vực châu Á - Thái Bình Dương “ổn định và an toàn hơn”.

Trung - Mỹ hội đàm các vấn đề Châu Á-Thái Bình Dương. Bộ Ngoại giao Trung Quốc thông báo nước này và Mỹ sẽ tổ chức một cuộc họp bàn về các vấn đề châu Á-Thái Bình Dương vào ngày 12/3 tại Annapolis thuộc tiểu bang Maryland (Mỹ). Dự kiến, hai bên nhiều khả năng sẽ tập trung thảo luận về những vấn đề khu vực như Myanmar, Bắc Triều Tiên và các tranh chấp lãnh hải trên Biển Đông giữa Trung Quốc và các nước Đông Nam Á.

Trung – Nga hợp tác quân sự: Nga đang thương thảo để bán cho Trung Quốc 48 máy bay tiêm kích Sukhoi, có tổng trị giá khoảng 4 tỉ USD. Hai bên gần như đã thống nhất với nhau về số lượng máy bay sẽ được chuyển giao và chi phí hợp đồng. Nếu thỏa thuận được ký kết, đây sẽ là hợp đồng lớn nhất trong lịch sử hợp tác giữa Nga và Trung Quốc trong lĩnh vực quốc phòng, và là hợp đồng xuất khẩu Su-35 đầu tiên. Trở ngại duy nhất còn lại lúc này đó là việc Nga nhất định đòi thêm vào hợp đồng các điều khoản ràng buộc, cấm Trung Quốc sao chép các máy bay này rồi sau đó bán lại cho một nước thứ ba[2].

III. Phân tích và đánh giá

Năm 2012, chi tiêu quân sự của châu Á lần đầu tiên sẽ vượt châu Âu. Đây là nhận định của Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế IISS trong bản báo cáo thường niên về quốc phòng thế giới được công bố hôm mùng 7/3. Có 2 nguyên nhân quan trọng thúc đẩy chi phí quân sự châu Á gia tăng: một là mức tăng trưởng kinh tế cao trong vùng, và hai là sự trỗi dậy của Trung Quốc, đang theo đuổi một chương trình hiện đại hóa quân đội đầy tham vọng. Theo bản báo cáo, năm 2011, trong khi ngân sách quốc phòng của các nước châu Âu trong NATO là 270 tỉ USD, ngân sách quốc phòng của các nước châu Á, không tính Australia và New Zealand đã là 262 tỉ USD. Trung Quốc sẽ chiếm hơn 30% trong chi tiêu quân sự của châu Á. Tuy vậy, theo tổ chức này, tiến bộ công nghệ của Trung Quốc “khiêm tốn hơn so với một số giả thuyết mang tính báo động”.

Làm rõ yêu sách của Trung Quốc của M. Taylor Fravel. Sự mập mờ trong phạm vi những yêu sách hàng hải của Trung Quốc ở Biển Đông là mối quan tâm chính trong tranh chấp này. Cuối thập niên 90, Trung Quốc ban hành một loạt luật nội địa liệt kê chi tiết về những yêu sách hàng hải của mình theo như Công ước Luật Biển của Liên Hiệp Quốc, gồm có lãnh hải 12 hải lý và vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý (EEZ). Tuy nhiên, những bản đồ của Trung Quốc tiếp tục bao gồm một “đường đứt khúc chín đoạn” xung quanh Biển Đông. Đường đứt đoạn xuất hiện lần đầu tiên trên một bản đồ chính thức được Trung Hoa Dân Quốc phát hành năm 1947. Sau năm 1949, Trung Quốc tiếp tục sử dụng đường đứt đoạn trên các bản đồ chính thức của mình, nhưng chưa bao giờ xác định rõ những gì mà đường chín đoạn này bao gồm hoặc loại trừ. Trong một cuộc họp báo gần đây, Bộ Ngoại Giao Trung Quốc dường như đã có một bước đi quan trọng đối với việc làm rõ những yêu sách ở Biển Đông của Trung Quốc – và gợi lên những gì mà đường đứt đoạn có thể không nhắm vào. Thứ nhất, người phát ngôn, Hồng Lỗi phân biệt giữa tranh chấp đối với “chủ quyền lãnh thổ của các đảo và đá của Quần đảo Trường Sa” và các tranh chấp phân định ranh giới hàng hải. Thứ hai, và quan trọng hơn, người phát ngôn tuyên bố thêm rằng “Không một quốc gia nào, gồm cả Trung Quốc, tuyên bố chủ quyền đối với toàn bộ Biển Đông.” Dĩ nhiên, tuyên bố gần đây này không đại diện cho sự giải thích đầy đủ và trọn vẹn về đường đứt khúc chín đoạn. Tuy nhiên, điều đó ít nhất đã loại trừ một cách giải thích có thể xảy ra và đem đến một cơ hội cho các quốc gia khác để thúc ép Trung Quốc làm rõ hơn nữa về luận điểm của nước này.

Hillary: Trung Quốc cần chứng minh mục đích trỗi dậy. Trong bài phát biểu tại Viện Hòa bình Mỹ, Ngoại trưởng Mỹ thẳng thừng bác bỏ quan niệm ở Bắc Kinh rằng, Mỹ đang cố gắng kiềm chế Trung Quốc. Bà nhấn mạnh, một Trung Quốc hùng mạnh và thịnh vượng hơn cuối cùng chỉ có lợi cho cả hai nước. Tuy nhiên, bà Clinton cũng cho rằng, sự phát triển của Trung Quốc là không thể "có cả hai đường" vừa yêu cầu được cư xử như một nước trỗi dậy trong một số lĩnh vực, lại vừa đóng vai trò một quốc gia đang phát triển để ít gánh đỡ trách nhiệm hơn. "Thế giới trông đợi ở Trung Quốc một vai trò xứng đáng với vị thế mới của họ và điều đó có thể không còn là sự chọn lựa của bên liên quan trong các vấn đề thế giới. Dựa vào những thách thức lịch sử về an ninh và ổn định do các cường quốc đang lên đem lại, họ phải có một nhiệm vụ đặc biệt là thể hiện theo các cách cụ thể rằng, họ đang theo đuổi một con đường xây dựng. Điều này đặc biệt đúng với một quốc gia đã tăng trưởng nhanh chóng như Trung Quốc."

Hoa Kỳ - Trung Quốc: Trận đấu của thế kỷ 21của Jacques Hubert-Rodier. Dường như Hoa Kỳ đang mất dần vị thế siêu cường duy nhất trên thế giới, sau khi cuộc chiến tranh lạnh chấm dứt. Không chỉ do thất bại trong việc áp đặt những giá trị của mình tại Irak hay Afghanistan, nhưng đặc biệt là do cái thế đang lên của Trung Quốc. Trong một cuộc điều tra tiến hành tại 23 nước vào năm ngoái, tổ chức Pew Research Center kết luận, đối với đại đa số người trên thế giới, thì “Trung Quốc sẽ hoặc đã vượt qua Hoa Kỳ để trở thành siêu cường của toàn cầu”. Ý kiến này thông dụng nhất tại châu Âu, đặc biệt là tại Pháp và Đức. Ngân sách quốc phòng của Trung Quốc cũng như Nga đang tăng lên, nhưng Hoa Kỳ vẫn đang là cường quốc quân sự hàng đầu thế giới, dẫn đầu với một khoảng cách rất xa. Còn một lãnh vực khác trong đó Mỹ tiếp tục thống trị, đó là “soft power” tức quyền lực mềm. Câu nói của một nhà văn, nhà lý luận Tây Ban Nha với phe cực hữu nước này hồi năm 1936: “Các ông thắng nhờ nắm được sức mạnh thô bạo cần thiết, nhưng các ông không thuyết phục được, vì muốn thuyết phục thì cần phải có lý lẽ”. Về mặt niềm tin, thì Hoa Kỳ đang có ưu thế, nhưng liệu thế mạnh này sẽ còn kéo dài được bao lâu?

Việt Nam kết thân với cường quốc bậc trung của Lê Hồng Hiệp. Cuộc Đối thoại Chiến lược Liên Bộ Quốc phòng - Ngoại giao Việt Nam – Australia lần đầu tiên diễn ra ở thủ đô Canberra (Australia) ngày 21/2 đã ghi nhận và nhấn mạnh yêu cầu của Việt Nam trong việc thiết lập quan hệ gần gũi hơn với Australia, đặc biệt trong lĩnh vực quân sự. Bước tiến chiến lược này có ý nghĩa vô cùng quan trọng với Việt Nam trong bối cảnh những căng thẳng liên tục gia tăng ở Biển Đông – nơi Trung Quốc đang ra sức khẳng định chủ quyền vô lý của mình. Australia sẽ là một đối tác đặc biệt hữu ích cho Việt Nam. Rõ ràng, Australia sẽ đóng vai trò quan trọng nhằm hạn chế tham vọng của Trung Quốc trong khu vực. Thiết lập được mối quan hệ mạnh mẽ và thân thiện hơn với Australia - một đồng minh lâu đời của Mỹ sẽ là tiềm năng để Việt Nam đặt nền móng cho quan hệ quân sự chặt chẽ hơn với Mỹ. Với tình trạng hiện nay của quan hệ Trung -Mỹ, đây là thời điểm đúng đắn để Việt Nam có cơ hội để tiếp tục thúc đẩy quan hệ với Australia và các quyền lực tầm trung ở khu vực khác nhằm tạo một lựa chọn thích hợp trước sự trỗi dậy của Trung Quốc. 

Căng thẳng đang tăng lên ở Biển Đôngcủa Vikram Nehru, Carnegie Endowment. Căng thẳng tiếp tục gia tăng ở Biển Đông tiếp sau chính sách đối ngoại với trọng tâm hướng về châu Á của chính quyền Obama hồi cuối năm ngoái. Có nhiều lý do giải thích sự dịch chuyển này nhưng động lực chủ yếu là nhằm bảo vệ quyền tự do hàng hải ở Eo biển Malacca và Biển Đông. Căng thẳng ở Biển Đông sẽ chỉ tăng lên khi: năng lực kỹ thuật của lực lượng vũ trang Trung Quốc gia tăng để bảo vệ một cách quyết đoán những yêu sách của nước này; mức độ của chủ nghĩa dân tộc và sự tự tin tăng lên, và hiện nay là sự tái cân bằng trong chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ đối với Châu Á- duy trì sự hiện diện của 60 đến 70 tàu cùng 200 đến 300 máy bay được triển khải bởi Hạm đội bảy của Mỹ - có khả năng can thiệp nếu áp chế hay xung đột nổ ra. Điều cần thiết trong lúc này là chính sách ngoại giao thận trọng của tất cả các bên cùng một cách tiếp cận mang tính hợp tác để giải quyết một loạt vấn đề đang thách thức những lợi ích chung, bao gồm ngư trường, quyền của dân ven sông, thay đổi khí hậu, quản lý rủi ro thảm họa và các bệnh dịch đối với sức khỏe. Việc thông qua một cách tiếp cận đa kênh như vậy hướng tới sự cam kết giữa Trung Quốc, Mỹ và Đông Nam Á sẽ đảm bảo những điểm bùng phát căng thẳng như Biển Đông bị chi phối lớn bởi những lợi ích của các mối quan hệ đối tác có tính xây dựng trong việc giải quyết các vấn đề khu vực.

Chính sách nước đôi của Trung Quốc ở Biển Đông. Cách hành xử của Trung Quốc trong sáu tháng đầu năm 2011 rõ ràng cho thấy chính sách nước đôi của họ, vừa trấn an nước khác vừa củng cố yêu sách của mình. Nhằm sửa chữa một số sai lầm về ngoại giao do các hành động của Trung Quốc gây ra năm 2010, các quan chức cấp cao nước này - gồm Thủ tướng Ôn Gia Bảo, Bộ trưởng Ngoại giao Dương Khiết Trì và Bộ trưởng Quốc phòng Lương Quang Liệt - đã công du Đông Nam Á để trấn an các nước trong khu vực, rằng sự nổi lên của Trung Quốc là hòa bình và có lợi về kinh tế, và nước này không tìm cách bá chủ. Về tranh chấp biển Đông, các vị lãnh đạo cấp cao này nhấn mạnh sự ủng hộ đối với DOC, tôn trọng tự do hàng hải và mong muốn hợp tác khai thác nguồn tài nguyên biển. Tại cuộc Đối thoại Shangri-La tháng 6 tại Singapore, Tướng Lương đã giảm căng thẳng bằng cách nhận định rằng tình hình tại biển Đông đã "ổn định" và nói rằng Trung Quốc muốn "hòa bình và ổn định". Nhưng như đã nói ở trên, các căng thẳng từ tháng Ba đã bùng lên sau các hành động xác quyết của các tàu tuần tra Trung Quốc ở ngoài khơi bờ biển Philippines và Việt Nam, làm rộng thêm khoảng cách giữa lời nói và hành động của Trung Quốc.

Trung Quốc sẽ luôn bắt cá hai tay?của Banyan. Một bài viết thú vị và hữu ích của Robert Beckman, giáo sư về luật quốc tế tại Đại học Quốc gia Xinh-ga-po, đã làm rõ một vài vấn đề trong tranh cãi gay gắt nhất vào lúc này ở Biển Đông. Bài viết phản biện lại Philippines trong cuộc tranh cãi với Trung Quốc. Philippines thông báo sẽ mở một vài lô dầu khí mới ngoài khơi đảo Palawan của nước này để thăm dầu khí. Philippines cho rằng khu vực này là một phần của “vùng đặc quyền kinh tế” (EEZ) gắn liền với quần đảo chính Philippine. Trung Quốc phản đối điều đó bởi nước này đã yêu sách khu vực đang nói đến. Trong lập luận của mình, ông Beckman cho rằng Trung Quốc có cơ sở hợp pháp đối với những yêu sách của mình; khu vực đó “đang tranh chấp,” và Philippines sẽ không đúng khi tiếp tục các hoạt động thăm dò hiđrocabon một cách đơn phương. Tuy vậy, có một điều dường như kỳ lạ. Nếu Trung Quốc tuân theo UNCLOS ở khu vực biển này, liệu Trung Quốc có phớt lờ UNCLOS ở những khu vực mà nước này không có những yêu sách như vậy, như đường đứt khúc chín đoạn đầy quyết đoán? Câu trả lời, tôi cho rằng, là có; Trung Quốc có thể luôn luôn bắt cá hai tay.

Tại sao Trung - Mỹ phải đi tới xung đột? của Minxin Pei. Trong số 3 trục của quan hệ Trung - Mỹ gồm an ninh, kinh tế và hệ tư tưởng thì chỉ một - các lợi ích kinh tế chung - là vẫn tồn tại. Trong lĩnh vực an ninh và ý thức hệ, các mối quan hệ Trung - Mỹ phát triển ngày càng cạnh tranh và đối lập. Nếu thế thì nhiều khả năng nhất là sự cạnh tranh chiến lược  sẽ trở thành một đặc điểm chính của các mối quan hệ Trung - Mỹ trong tương lai gần - chừng nào nhà nước độc đảng của Trung Quốc tiếp tục nắm quyền. Không khó để xác định nguyên nhân cơ bản. Một dự đoán bi quan như thế về tương lai các mối quan hệ Trung - Mỹ có thể là không thích hợp để kỷ niệm 40 năm ngày Nixon công du Trung Quốc. Tuy nhiên, nếu một người đồng ý với giả thuyết rằng sự tồn tại của chế độ độc đảng ở Trung Quốc, chứ không phải khát vọng của Mỹ nhằm ngăn chặn một cường quốc đang lên, là trở ngại cơ bản cho một mối quan hệ Trung - Mỹ hữu nghị và hợp tác lâu dài trong tương lai gần, thì tự chúng ta sẽ giúp cho chính mình bằng cách thừa nhận hiện thực này và cố gắng thay đổi nó.

Tranh chấp của Trung Quốc và Philippines ở Biển Đông: liệu Trung Quốc có yêu sách chính đángcủa Robert Beckman. Sau vài tháng gần đây khá yên ắng, tranh chấp giữa Trung Quốc và Philippines ở BĐ lại một lần nữa bùng phát. Tranh cãi mới nhất của hai bên được châm ngòi bởi thông báo của Malina về việc mở những lô dầu khí mới ngoài khơi Palawan để thăm dò hiđrocabon. Trung Quốc phản đối hành động đó bởi nước này lập luận rằng một vài lô trong số này thuộc khu vực mà Trung Quốc yêu sách quyền và quyền tài phán. Câu hỏi quan trọng đặt ra là liệu Trung Quốc có yêu sách chính đáng theo luật pháp quốc tế đối với các quyền và quyền tài phán ở vùng biển, nơi có những lô dầu khi đó. Nếu vậy, có nghĩa rằng những lô dầu khí đang nói đến nằm bên trong một “khu vực đang tranh chấp,” và việc Trung Quốc phản đối các hành động đơn phương của Philippines là có lý. Đến lúc này, hầu như có thể nói rằng Trung Quốc có cơ sở theo UNCLOS và luật pháp quốc tế trong yêu sách các quyền và quyền tài phán đối với việc thăm dò và khai thác nguồn hiđrocabon ở vùng biển bao quanh một số đảo của Quần đảo Trường Sa. Do đó, hành động phản đối Philippines của Trung Quốc có thể được xem như một hành động hợp pháp để bảo vệ quyền của nước này. Biện pháp trước mắt tốt nhất cho cả hai bên để tránh những tranh chấp chủ quyền và tranh chấp đảo- đá là tiến hành đàm phán để xác định những khu vực tranh chấp mà đây có thể là chủ đề cho những thỏa thuận khai thác chung. Trong lúc đó, hai bên nên thận trọng và kiềm chế không thực hiện bất kỳ hoạt động đơn phương nào có thể làm leo thang những tranh chấp vốn dĩ đã phức tạp.

Bản PDF tại đây



[1] Tạp chí “Dọc ngang Đông Nam Á” của Viện Khoa học xã hội Quảng Tây số 1/2012

[2] Theo nhật báo Nga Kommersant ngày 7/3