Động thái các quốc gia

+ Trung Quốc:

Hải quân Trung Quốc diễn tập ở Biển Đông. Tân Hoa Xã ngày 4/5 cho biết biên đội hộ vệ thứ 35 của Hải quân Trung Quốc ngày 2/5 đã đi qua eo biển Miyako và eo biển Ba Sĩ, tiến vào Biển Đông để huấn luyện. Biên đội tàu chiến Thái Nguyên, JingZhou và ChaoHu đã diễn tập cứu hộ, phối hợp chống hải tặc, sử dụng vũ khí và nhiều hạng mục huấn luyện khác tại Biển Đông.

Đài Loan nhận định Trung Quốc dự tính thiết lập ADIZ ở Biển Đông. Bộ Quốc phòng Đài Loan ngày 5/5, cho biết Trung Quốc đang lên kế hoạch thiết lập ADIZ nhưng chưa chính thức thông báo. Một quốc gia thường thiết lập ADIZ theo nhu cầu phòng vệ nhưng không có cơ sở pháp lý. Hiện tại, ADIZ của Philippines áp dụng đối với một phần Biển Đông.

+ Việt Nam:

Hội Nghề cá Việt Nam phản đối hành động của Trung Quốc. Công văn của Hội Nghề cá Việt Nam ngày 4/5 nêu rõ: “Quy chế cấm đánh bắt cá trên Biển Đông của Trung Quốc xâm phạm chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và các vùng biển của Việt Nam, vi phạm các quyền và lợi ích pháp lý, gây cản trở sản xuất trên biển của ngư dân Việt Nam, vi phạm luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS năm 1982 và các văn bản pháp lý quốc tế liên quan. Hội Nghề cá Việt Nam phản đối hành động hết sức phi lý của phía Trung Quốc. Quy chế này không có giá trị pháp lý đối với các vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam. Ngư dân Việt Nam hoàn toàn có quyền đánh bắt cá trên các vùng biển thuộc chủ quyền của mình”.

Việt – Mỹ khẳng định tầm quan trọng của tự do hàng hải. Ngày 6/5, Phó Thủ tướng, Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh đã có cuộc điện đàm với Ngoại trưởng Mike Pompeo. Hai bên đã thảo luận về việc phối hợp ứng phó với dịch COVID19, nhất trí về tầm quan trọng của đảm bảo tự do hàng hải và tự do theo đuổi các cơ hội kinh tế ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Ngoại trưởng Pompeo khẳng định quan hệ Đối tác Toàn diện ngày càng thắt chặt nhân dịp kỷ niệm 25 năm, bày tỏ sự ủng hộ của Mỹ đối với nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN của Việt Nam và tiếp tục củng cố quan hệ chiến lược trong thời gian tới.

Việt Nam bác bỏ quyết định đơn phương cấm đánh bắt cá ở Biển Đông. Ngày 8/5, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nêu rõ: "Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý khẳng định chủ quyền của mình đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa phù hợp luật pháp quốc tế. Là quốc gia ven Biển Đông và thành viên Công ước của UNCLOS năm 1982, Việt Nam có chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán tại các vùng biển của mình được xác lập phù hợp Công ước đồng thời cũng được hưởng các quyền lợi hợp pháp khác trên biển theo quy định của Công ước. Việt Nam bác bỏ quyết định đơn phương này của phía Trung Quốc. Trong bối cảnh quốc tế và khu vực hiện nay, Việt Nam đề nghị phía Trung Quốc không làm phức tạp thêm tình hình Biển Đông".

+ Philippines:

Ngư dân Philippines phản đối lệnh cấm đánh bắt cá Trung Quốc ở Biển Đông. Tuyên bố từ Hiệp hội Ngư Dân Philippines (PAMALAKAYA) ngày 4/5 khẳng định, "Trung Quốc không có quyền lấy cớ bảo tồn thủy sản để ban bố lệnh cấm đánh bắt tại các vùng biển họ không có chủ quyền, nơi nước này phá hủy diện rộng bằng các hoạt động cải tạo". Chủ tịch PAMALAKAYA ông Fernando Hicap nhấn mạnh Philippines cần phản đối các hành động bắt nạt của Trung Quốc, không nên chờ đến lúc hải quân Trung Quốc bắt giữ ngư dân Philippines.

Philippines khẳng định không đàm phán VFA với Mỹ. Trên Twitter ngày 5/5, Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Locsin, cho biết “Philippines sẽ không tiếp tục VFA nhưng sẽ có những phương án hợp tác khác để củng cố Hiệp ước phòng thủ chung (MDT). Nếu không có MDT, thì Philippines sẽ trở thành một quốc gia phương Đông lệ thuộc”. Theo yêu cầu của Malacañang, Ngoại trưởng Locsin ngày 11/2 đã gửi một thông báo chính thức tới Đại sứ quán Mỹ về việc ngừng VFA.

Philippines tăng cường năng lực phòng vệ. Ngày 6/5, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines ông Delfin Lorenzana cho hay nước này sẽ chi 47 triệu USD để mua hệ thống pháo tự hành ATMOS do Công ty Elbit Systems của Israel sản xuất. Theo kế hoạch, hợp đồng bắt đầu thực hiện từ tháng 4/2022. Elbit Systems chịu trách nhiệm chuyển giao 12 hệ thống ATMOS hoàn chỉnh và phụ tùng thay thế. Với sự có mặt của ATMOS, pháo binh Philippines cải thiện năng lực tấn công khi vũ khí này vừa thực hiện nhiệm vụ tấn công trên bộ và làm tốt nhiệm vụ phòng thủ biển.

+ Indonesia:

Ngoại trưởng Indonesia quan ngại về tình hình Biển Đông. Phát biểu tại cuộc họp báo trực tuyến ngày 6/5, Ngoại trưởng bà Retno Marsudi cho hay, “Indonesia nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình và ổn định tại Biển Đông, bao gồm đảm bảo tự do hàng hải, hàng không, kêu gọi các bên tôn trọng luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS 1982. Tình hình ổn định, đoàn kết trên Biển Đông có thể thúc đẩy tiến trình đàm phán COC. Vì vậy, mặc dù đang phải đối mặt với đại dịch Covid-19, Indonesia sẽ nỗ lực hướng tới một COC hiệu quả, thực chất”.

+ Mỹ:

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ chỉ trích hành động trên biển của Trung Quốc. Trong họp báo ngày 5/5, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper cho hay Trung Quốc tiếp tục có hành vi quyết đoán khi đe dọa tàu chiến Philippines, đâm chìm tàu cá Việt nam, và hăm dọa các nước ngừng các hoạt động khai thác dầu khí. Đáp lại, Hải quân Mỹ đã thực hiện các hoạt động tự do hàng hải tại Biển Đông nhằm gửi thông điệp rõ ràng Mỹ sẽ tiếp tục bảo vệ tự do hàng hải và tự do thương mại cho tất cả các quốc gia, dù lớn hay nhỏ. Trước đó trong trao đổi trực tuyến với Viện Brookings ngày 4/5, Bộ trưởng Esper nhận định, “Trung Quốc đang hành động vượt ra ngoài chuẩn mực của các quy định quốc tế để yêu sách các vùng lãnh thổ hoặc không gian vốn không thuộc về họ”. Theo ông Esper, Mỹ có nhiều động thái khó đoán hơn như thay đổi sự hiện diện của máy bay ném bom trên đảo Guam hay triển khai nhiều hoạt động tự do hàng hải và hàng không để đối phó Trung Quốc.

Tàu chiến Mỹ hiện diện gần tàu khoan của Malaysia ở Biển Đông. Hải quân Mỹ ngày 7/5 cho hay tàu chiến ven biển USS Montgomery và tàu USNS Cesar Chavez hoạt động gần tàu khoan West Capella ở Biển Đông. Theo Chuẩn Đô đốc Fred Kacher, “Hoạt động của hai tàu thể hiện tính linh hoạt và sự sẵn sàng của lực lượng hải quân trong khu vực trọng yếu này. Quân đội Mỹ tiếp tục bay, lưu thông và hoạt động ở các vùng biển quốc tế ở Biển Đông phù hợp với chuẩn mực trên biển và luật pháp quốc tế, chứng tỏ năng lực mạnh mẽ của hải quân ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.”

Mỹ ngày bàn giao 6 máy bay không người lái Scan Eagle đầu tiên cho hải quân Malaysia. Đại sứ quán Mỹ tại Malaysia ngày 7/5 nhấn mạnh số khí tài này giúp tăng cường năng lực của Malaysia, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ. Mỹ sẽ huấn luyện sử dụng thiết bị vào cuối 2020. Năm 2019, Mỹ thông báo sẽ cung cấp cho Malaysia, Indonesia, Philippines và Việt Nam tương ứng 12, 8, 8, 6 chiếc Scan Eagle theo một hợp đồng trị giá 47,9 triệu USD.

Hải quân Mỹ diễn tập hiệp đồng tác chiến ở Biển Philippines. Hạm đội 7 của Mỹ, ngày 9/5 thông báo 3 tàu ngầm thuộc Nhóm tàu ngầm số 7 (CSG7) cùng các tàu chiến và chiến đấu cơ đã tập trận chung từ 2-8/5 tại biển Philippines. Thiếu tá Jess Feldon của CSG7 cho hay: “Hoạt động này là cơ hội để các tàu ngầm tích lũy kinh nghiệm, tính hiệu quả trong hoạt động phối hợp chiến thuật với các lực lượng khác. Những sự hợp tác như vậy hỗ trợ cách thức chuẩn bị và huấn luyện lực lượng tàu ngầm trong các hoạt động ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương”.

Thực hiện: Đinh Anh