Bản PDF tại đây

 

 

Động thái của các quốc gia

+ Trung Quốc:

Trung Quốc tuần tra trái phép ở Quần đảo Hoàng Sa. Sáng 4/5, Trung Quốc đã điều 2 tàu “Hải giám 2168” và “Hải giám 2169” loại 1.000 tấn, xuất phát từ Hải Khẩu tới khu vực Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam để tuần tra trái phép. Hoạt động tuần tra trên,sự tham gia của Cơ quan giám sát hải dương và ngư nghiệp, Trung tâm nghiên cứu dự báo khí tượng biển, Viện nghiên cứu địa chất biển, sẽ kéo dài khoảng hơn một tuần (từ ngày 4-11/5). Trước đó ngày 21/4, Bắc Kinh cũng điều tàu Hải Tuần 21 và Hải Tuần 1103 tới Hoàng Sa để tuần tra bất hợp pháp trong 3 ngày.

Trung Quốc ngăn cản tàu cá Việt Nam vào sửa chữa ở Trường Sa. Chiều 5/5, ông Dương Minh Thạnh (trú xã An Hải, huyện đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi), chủ một tàu cá liên lạc từ ngư trường Trường Sa về, cho biết ngày 4/5 tàu cá của chủ tàu Nguyễn Thành Châu (cũng ở xã An Hải) với 16 lao động đang khai thác hải sản tại đá Gaven (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam) khoảng 1,5 hải lý về phía tây thì tàu bị hư máy. Trong lúc đang cho tàu cập đá Gaven để sửa chữa thì bị lực lượng Trung Quốc đi trên một xuồng canô ra xua đuổi, không cho tàu cá bị nạn cập đảo.

Trung Quốc bác bỏ cáo buộc của Philippines rằng nước này vi phạm DOC. Về việc người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines Charles Jose cho hay, “DOC năm 2002 cần được coi là điểm làm mốc. Hoạt động xây dựng của Philippines ở đảo Thị Tứ đều được tiến hành trước khi có DOC. Trong khi đó, hoạt động xây dựng đảo của Trung Quốc được tiến hành sau năm 2002 là vi phạm DOC,” Người phát ngôn Hoa Xuân Oánh hôm 5/5 tuyên bố: “Thứ nhất, Philippines đã chiếm đóng bất hợp pháp một số thực thể thuộc quần đảo Trường Sa từ những năm 1970. Hai là, căn cứ vào nguyên tắc pháp lý ‘quyền chính đáng không thể bắt nguồn từ một hành động phi pháp’, Trung Quốc không thừa nhận hiện trạng các thực thể bị Philippines chiếm đóng, đồng thời phản đối hoạt động xây dựng phi pháp của Philippines ở đây. Thứ ba, Trung Quốc nỗ lực cùng các nước ASEAN thực hiện toàn diện và hiệu quả DOC, thúc đẩy hợp tác thiết thực trên biểntiến trình tham vấn COC. Trung Quốc yêu cầu Philippines chấm dứt những hành động thổi phồng và khiêu khích ác ý, cùng Trung Quốc và các nước ASEAN bảo vệ hòa bình và ổn định Biển Đông.”

Trung Quốc đưa tàu hộ vệ mới vào phiên chế. Ngày 6/5, tại một quân cảng của Hạm đội Bắc Hải, Trung Quốc đã tổ chức lễ trao cờ, đặt tên và đưa vào hoạt động tàu hộ vệ thế hệ mới do nước này sản xuất có tên “Hoàng Thạch.” Tàu “Hoàng Thạch” dài 89m, rộng 11m, lượng rẽ nước hơn 1.300 tấn, sẽ chủ yếu đảm nhận nhiệm vụ tuần tra, cảnh giới, hộ tống tàu thuyền, có thể hoạt động độc lập hoặc phối hợp với các lực lượng khác tấn công tàu mặt nước, tàu ngầm.

Trung Quốc ngang nhiên nói về vùng ADIZ trên Biển Đông. Phát biểu tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 7/5, Người phát ngôn Hoa Xuân Oánh tuyên bố: “Trung Quốc có quyền thiết lập ADIZ. Quyết định trên phụ thuộc vào việc an toàn hàng không có bị đe dọa hay không và mức độ đe dọa là gì. Tình hình Biển Đông nhìn chung là ổn định và Trung Quốc đang có mối quan hệ tốt đẹp với các nước ASEAN. Rõ ràng, có một số ý đồ khác đằng sau việc cố tình thổi phồng cái gọi là “ADIZ ở Biển Đông.”

Trung Quốc nhiều lần xua đuổi máy bay Philippines ở Biển Đông. Phát biểu tại phiên điều trần ở Thượng viện hôm 7/5, chỉ huy Bộ Tư lệnh miền Tây Philippines, phó đô đốc Alexander Lopez cho hay Trung Quốc đã ít nhất 6 lần xua đuổi máy bay không quân và hải quân Philippines các khu vực ở Biển Đông, “Khi chúng tôi tiến hành hoạt động tuần tra thường lệ bằng máy bay trên biển và bay ở không phận quốc tế, máy bay của chúng tôi đã bị cảnh báo qua sóng vô tuyến. Trung Quốc nói rằng máy bay của chúng tôi đang ở khu vực an ninh quân sự của họ.” Dù ông Alexander Lopez không nói khoảng thời gian của sự việc nhưng một quan chức không quân cao cấp Philippines cho hay những vụ việc này đã diễn ra trong ba tháng qua.

Trung Quốc điều tàu khảo sát 3.000 tấn tới Biển Đông. Trung Quốc hôm 9/5 điều tàu khảo sát Đông Phương Hồng-2 từ Thanh Đảo tới Biển Đông với mục đích là khảo sát khoa học. Nhiệm vụ lần này của tàu Đông Phương Hồng-2 dự kiến diễn ra trong khoảng 2 tháng với sự tham gia của khoảng hơn 70 chuyên gia nghiên cứu của Trung Quốc. Đây là một trong những tàu khảo sát biển hiện đại nhất của nước này với 15 phòng thí nghiệm để tiến hành các nghiệp vụ nghiên cứu trên biển.

Trung Quốc phản ứng Mỹ lên án hoạt động cải tạo đất ở Biển Đông. Về Báo cáo mới đây của Bộ Quốc phòng Mỹ đề cập về hoạt động cải tạo đất của Bắc Kinh ở Biển Đông, Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc ngày 9/5 tuyên bố, báo cáo trên đã thổi phồng “mối đe dọa quân sự của Trung Quốc,” bất chấp sự thật và đưa ra những cáo buộc không có căn cứ về hoạt động quân sự và quốc phòng của Trung Quốc. Theo ông Cảnh, báo cáo của Mỹ đã không để ý đến những nỗ lực của Bắc Kinh trong việc duy trì hòa bình ổn định ở khu vực và thế giới và đã bóp méo chiến lược phát triển hòa bình và những hành động chính đáng của Trung Quốc trong việc giữ vững chủ quyền ở Biển Đông và Biển Hoa Đông.”

+ Việt Nam:

Trung Quốc xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông. Ngày 8/5, trả lời câu hỏi của phóng viên về phát biểu của Trung Quốc cho rằng Việt Nam đã mở rộng, bồi đắp quy mô lớn tại các đảo, đá mà theo phía Trung Quốc, Việt Nam “chiếm giữ” ở Biển Đông, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình khẳng định: “Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của mình ở Biển Đông, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982.” Về việc phái đoàn thường trực Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc có công hàm gửi Phái đoàn thường trực các nước, trong đó khẳng định “chủ quyền và các yêu sách liên quan” của Trung Quốc ở Biển Đông, người phát ngôn Lê Hải Bình nhấn mạnh: “Đây là những quan điểm sai trái và không có bất kỳ cơ sở pháp lý, lịch sử cũng như thực tế nào. Ngày 30/4, Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên Hợp Quốc đã có công hàm gửi phái đoàn thường trực tất cả các nước tại Liên Hợp Quốc bác bỏ những quan điểm đó của phía Trung Quốc.”

+ Philippines:

Tổng thống Philippines: ‘Đã có cách ngăn chặn Trung Quốc trên biển. Phát biểu trong cuộc họp báo chung hôm 8/5 với Thủ tướng Canada Stephen Harper nhân chuyến thăm nước này, Tổng thống Philippines Benigno Aquino cho biết ông sẽ triệu tập một cuộc họp để thảo luận về bước đi tiếp theo trong cách tiếp cận về vấn đề Biển Đông, “nhưng tôi không tiện tiết lộ vào thời điểm này vì như thế sẽ là hành động thiếu thận trọng. Theo ông Aquino, “Tòa án Quốc tế về Luật Biển (ITLOS) quyết định sẽ làm rõ tranh chấp biển, một khi đã làm rõ, tất cả các bên tuyên bố mình tuân thủ luật pháp sẽ phải quyết định và hành động phù hợp với phán quyết này.  Bất kỳ phán quyết nào của tòa cũng trở thành căn cứ cho các đối thoại giữa các bên liên quan.

+ Campuchia:

Campuchia: ‘ASEAN đừng can dự vào tranh chấp biển Phát biểu trước các phóng viên ngày 7/5, sau cuộc họp phổ biến kết quả hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 26 với đại diện ngoại giao của hơn 20 nước tại Campuchia, Quốc vụ khanh Campuchia Soeung Rathchavy tuyên bố: “Chúng tôi không ủng hộ bất kỳ nỗ lực nào của một số nước thành viên ASEAN sử dụng diễn đàn khu vực để giải quyết các tranh chấp lãnh thổ, vì ASEAN không phải cơ quan pháp luật hay tòa án. Quan điểm của Campuchia về Biển Đông nhất quán: Các yêu sách lãnh thổ phải được giải quyết thông qua đàm phán song phương hoặc tất cả các bên có liên quan tới tranh chấp.”

+ Mỹ:

Mỹ sắp mở phiên điều trần về tình hình Biển Đông. Phát biểu trong chuyến thăm Việt Nam từ ngày 4/5, Chủ tịch Tiểu ban châu Á - Thái Bình Dương thuộc Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ ông Matt Salmon cho hay, “Tôi là người bảo trợ cho một nghị quyết về Biển Đông của Quốc hội, tôi dự định sẽ tổ chức một phiên điều trần sau chuyến đi này về nghị quyết đó. Thông điệp của Mỹ với Trung Quốc là chúng tôi không muốn thấy họ lặp lại các hành động xây đảo nhân tạo ở Trường Sa, các sự vụ liên quan đến đánh bắt cá trong tương lai. Sự hung hăng đó là không thể chấp nhận được, chúng tôi sẽ phản đối.” Ông Salmon tiết lộ Washington đang tham vấn các nước có liên quan về biện pháp phản đối các hành động của Trung Quốc ở Biển Đông.

Quan hệ các nước

ASEAN cam kết duy trì an ninh trên biển. Phát biểu với các phóng viên sau khi tham dự Đối thoại cấp cao ASEAN-Liên minh châu Âu (EU) về Hợp tác an ninh trên biển lần thứ 2, được tổ chức tại Kuala Lumpur từ ngày 4-6/5, Chủ tịch Viện Biển Malaysia, Phó Đô đốc Ahmad Ramli Nor cho hay dù tranh chấp ở Biển Đông là một vấn đề trong khu vực, song an ninh trên khu vực biển xung quanh vẫn phải được duy trì. Các nước thành viên ASEAN nhận thấy rằng bảo vệ vùng biển ở đây không chỉ là công việc của một quốc gia, và việc chia sẻ thông tin liên tục và hợp tác là cần thiết. Theo ông Ahmad Ramli, ASEAN có hai trong số những tuyến đường biển nhộn nhịp nhất thế giới là Biển Đông và Eo biển Malacca.

Tổng thống Philippines công du Mỹ và Canada. Ngày 6/5, Tổng thống Philippines Benigno Aquino III đã bắt đầu chuyến thăm cấp nhà nước tới Mỹ và Canada. Phát biểu trước khi lên đường, ông Aquino cho biết sẽ tận dụng cơ hội này để khuyến khích các nhà đầu tư ở hai nước Bắc Mỹ đầu tư vào Philippines.  Sau một ngày làm việc tại Mỹ, Tổng thống Aquino sẽ tới Canada để gặp Toàn quyền David Johnston và Thủ tướng Canada Stephen Harper. 

Philippines-Nhật Bản diễn tập chống cướp biển tại Vịnh Manila. Cuộc diễn tập được tiến hành tại Vịnh Manila ngày 6/5 với tình huống giả định đột kích lên một tàu hàng bị cướp. Nhật Bản huy động một tàu có trang bị vũ khí của lực lượng bảo vệ bờ biển tham gia diễn tập, trong đó giả định một đội chống khủng bố của Nhật Bản giao chiến với nhóm cướp biển chiếm tàu hàng. Giới chức hải quân Philippines cho biết nước này có kế hoạch tổ chức ba cuộc diễn tập chung với Nhật Bản trong năm nay.

Mỹ hỗ trợ Không quân Singapore nâng cấp đội bay phản lực F-16. Cơ quan Hợp tác an ninh quốc phòng Mỹ cho biết Mỹ vừa phê chuẩn thỏa thuận trị giá 130 triệu USD để nâng cấp đội bay chiến đấu F-16 của Singapore. Thỏa thuận trên gồm việc bán bộ thu, bệ phóng tên lửa và hệ thống định vị toàn cầu, phụ tùng thay thế và sửa chữa, nâng cấp 60 chiếc máy bay chiến đấu F-16 của Không quân Singapore. Thỏa thuận cũng bao gồm các dịch vụ kỹ thuật và hỗ trợ hậu cần cũng như đào tạo nhân sự và thiết bị đào tạo.

Phân tích và đánh giá

“Tàu ngầm mang tên lửa tấn công trên bộ của Việt Nam: Cơn ác mộng của Trung Quốc? của Greg Torode

Theo các dữ liệu trên website của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI), Việt Nam đã mua tên lửa tấn công trên bộ Klub của Nga để trang bị cho các tàu ngầm tấn công lớp Kilo hiện đại. Thông tin này được biết đến dựa trên bản khai báo các vũ khí mới nhất của Việt Nam nộp cho Liên Hợp Quốc vào năm ngoái.

Theo nhận định của các tùy viên quân sự trong khu vực và các nhà phân tích, việc trang bị tên lửa nói trên cho các tàu ngầm thể hiện quyết tâm của Việt Nam trong việc đối phó với sức mạnh quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc và nó cũng phản ánh xu thế chung của các nước Châu Á hiện nay đó là gia tăng trang bị vũ khí trong bối cảnh căng thẳng do tranh chấp lãnh thổ leo thang.

Việt Nam cũng dự tính mua các tên lửa diệt hạm. Nhưng nếu như những tên lửa này chỉ có thể nhắm vào các mục tiêu là tàu trên mặt nước và tàu ngầm của Trung Quốc, thì tên lửa tấn công trên bộ có tầm bắn tới 300 km, tức là có thể bắn tới các thành phố dọc theo các bờ biển Trung Quốc, nếu giữa hai nước nổ ra xung đột.

Giáo sư Carl Thayer, chuyên gia về quân sự Việt Nam tại Học viện Quốc phòng Úc, nhận định hành động nói trên là một sự “thay đổi đáng kể” so với các chiến thuật diệt hạm bình thường. “Việt Nam tự tạo cho mình khả năng ngăn chặn hiệu quả hơn và điều này khiến cho những toan tính chiến lược của Trung Quốc trở nên khó khăn”, ông nói.

Ông Collin Koh tại Viện Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam, Singapore, cho rằng việc Việt Nam có thể triển khai các tên lửa này với mức độ hiệu quả tối ưu nhất hay không vẫn là một ẩn số. “Nhưng ngay cả như vậy, điều đáng chú ý…  là Việt Nam đã hiểu được nếu không có năng lực đáp trả, khả năng răn đe của họ sẽ cực kỳ hạn chế.”

Nhà phân tích chiến lược tại Matxcơva , ông Vasily Khashin cho biết loại tàu ngầm hạng Kilo bán cho Việt Nam tối tân hơn loại tàu ngầm mà Trung Quốc đang sử dụng và Nga cũng chưa bao giờ bán tên lửa tấn công trên bộ Klub cho Bắc Kinh.

Còn theo lời ông Trevor Hollingsbee, nguyên là nhà phân tích thông tin tình báo hải quân của Bộ Quốc phòng Anh, thì Việt Nam đang đặt ra cho Trung Quốc bài toán chiến lược nan giải nhất trên Biển Đông.

“Tại sao Tổng thống Mỹ nhiệm kỳ tới cần quan tâm đến Biển Đông?” của Phạm Duy Thực

Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hoà đang trong quá trình lựa chọn người sẽ ra tranh cử Tổng thống vào năm 2016. Bất cứ ai trở thành Tổng thống sắp tới của Mỹ cũng cần phải dành sự ưu tiên nhiều hơn cho vấn đề Biển Đông. Tại sao lại như vậy?

Thứ nhất, Biển Đông đã trở thành tiêu điểm trong các vấn đề địa chính trị tại khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương. Đây cũng là vấn đề được dành nhiều sự quan tâm trong các chương trình nghị sự tại các hoạt động ngoại giao của cả kênh I và kênh II. Quan trọng hơn, Biển Đông được coi như một phép thử cho ý đồ và hành động chiến lược của Bắc Kinh, cũng như cho quyết tâm của Mỹ.

Thứ hai, chính sách của Mỹ trong tranh chấp Biển Đông từ trước đến nay chủ yếu là phản ứng lại hành động của Trung Quốc. Nhìn vào lịch sử, có thể thấy Washington luôn điều chỉnh chính sách của mình theo từng mức độ căng thẳng do sự quyết đoán của Trung Quốc tại Biển Đông gây ra.

Thứ ba, bất chấp việc Washington kêu gọi các bên duy trì ổn định dựa trên luật pháp quốc tế tại khu vực, Bắc Kinh vẫn sử dụng chính sách thay đổi hiện trạng dựa trên “vị thế nước lớn và sức mạnh quân sự.” Một khi các công trình của Trung Quốc hoàn thành, các căn cứ quân sự của Mỹ tại khu vực sẽ bị đe doạ bởi những tiền đồn này.

Rõ ràng, Mỹ nên thực hiện một vài điều chỉnh trong chính sách Biển Đông của mình để có thể trở nên chủ động hơn. Cụ thể, (i) Chỉ lên tiếng khẳng định về tự do hàng hải là chưa đủ. Mỹ nên duy trì và tăng cường sự hiện diện của hải quân và không quân tại Biển Đông; (ii) Mỹ nên tăng cường mạng lưới các đối tác tại Châu Á bao gồm không chỉ các đồng minh tại khu vực. Trong số các nước đối tác mới này, Washington nên tăng cường quan hệ và tìm cách mở rộng phạm vi các hoạt động chung với Việt Nam trong lĩnh vực biển.

“Xây dựng các cơ chế đa phương trong vấn đề Biển Đông” của Richard Javad Heydarian

Có 3 cách tiếp cận đa phương mà ASEAN nên xem xét áp dụng để tái khẳng định vai trò của mình:

Thứ nhất, ASEAN nên áp dụng công thức ra quyết định “ASEAN-X” trong vấn đề an ninh biển nhằm đảm bảo các chương trình nghị sự của khu vực sẽ không còn bị một số ít các nước có quyền phủ quyết chi phối. Dựa trên công thức mà đã được áp dụng tương đối thành công trong quá trình bàn thảo các thoả thuận liên quan đến thương mại trong ASEAN, các quốc gia Đông Nam Á có thể ra những quyết định quan trọng về vấn đề Biển Đông dựa trên sự ủng hộ của đa số.

Thứ hai, ASEAN ít nhất cũng nên thiết lập một Bộ Quy tắc Ứng xử (COC) giữa các quốc gia thành viên, sau đó gây sức ép buộc Trung Quốc và các quốc gia bên ngoài phải ký kết. Mặc dù bất kỳ một COC nào liên quan đến các vấn đề tranh chấp lãnh thổ và biển tại khu vực cũng cần phải được tất cả nước thành viên cùng tham gia, nhưng bắt đầu chỉ với một vài quy tắc chung giữa các nước có tranh chấp của ASEAN như Malaysia, Philippines và Việt Nam cũng là một bước đi khôn ngoan và hợp lý.

Cuối cùng, các thành viên ASEAN nên xem xét nghiêm túc hoạt động tuần tra chung gìn giữ hoà bình tại Biển Đông, một biện pháp được Malaysia, nước Chủ tịch hiện thời của ASEAN, ủng hộ. Ý tưởng này lần đầu tiên được đưa ra bởi Đô đốc Robert Thomas, Chỉ huy Hạm đội 7 của Mỹ. Ông nói rằng Hải quân Mỹ sẵn sàng đưa ra các hỗ trợ cần thiết cho hoạt động tuần tra đa phương gìn giữ hoà bình tại Biển Đông. Từ năm 2004, một vài thành viên ASEAN (như Malaysia, Indonesia, Thái Lan và Singapore) đã tham gia hoạt động Tuần tra Eo biển Malacca (MSP), cùng bảo vệ một trong những tuyến đường biển quan trọng nhất của thế giới khỏi cướp biển và các mối đe doạ khác. Do đó, có thể coi như hoạt động tuần tra chung này đã có tiền lệ.

Rõ ràng, việc vận hình bất kỳ một trong ba đề xuất trên cũng có nguy cơ gây ra phản ứng dữ dội từ trong và ngoài nước. Tuy nhiên, bởi số lượng các cơ chế hiện có đang vô cùng ít ỏi, đây là thời điểm để chúng ta cùng xem xét những phương án mới, táo bạo hơn để tránh việc tranh chấp biển tại khu vực ngày càng xấu đi.

“Tranh chấp Biển Đông: Úc có thể làm được gì?” của Leszek Buszynski

Một vài ý kiến cho rằng Úc nên tránh dính líu vào các vấn đề tại Đông Á nếu không muốn bị cuốn vào cuộc xung đột giữa Mỹ và Trung Quốc. Tuy nhiên, giờ không còn là thời điểm mà Úc có thể tiếp tục nhìn các lợi ích chiến lược của mình dưới lăng kính hạn hẹp nữa; bất ổn tại Biển Đông sẽ có những hậu quả cho môi trường an ninh của Úc.

Việc Trung Quốc liên tiếp gây sức ép lên các bên yêu sách của ASEAN sẽ kéo theo sự không chỉ sự tham gia của Mỹ mà còn của cả Nhật, quốc gia đã bày tỏ quan ngại về ý đồ của Trung Quốc tại Biển Hoa Đông, cụ thể là khu vực quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. (Nhật cũng đang tìm cách tăng cường năng lực trên biển cho cả Philippines và Việt Nam.) Với việc các quốc gia bên ngoài tăng cường can dự, ASEAN – vốn đã bị chia rẽ trong vấn đề Biển Đông – có khả năng sẽ bị phân mảnh. ASEAN sẽ vẫn tiếp tục hoạt động, nhưng việc khối này thiếu đi sức mạnh sẽ càng ngày rõ rệt.

Hậu quả thứ hai có thể sẽ là sự phân cực của khu vực giữa một bên là Trung Quốc và số ít các nước đồng minh của họ, với một bên là các quốc gia bất mãn, lo sợ về sự trỗi dậy và tham vọng của Trung Quốc, sẽ tìm đến mối quan hệ Mỹ-Nhật.

Tình hình có thể được giải quyết nếu các quốc gia bên ngoài lên tiếng về những quan ngại của họ đối với Biển Đông, và gây sức ép buộc Trung Quốc phải từ bỏ các hành động khiêu khích và bàn thảo bộ quy tắc ứng xử với ASEAN. Trong quá khứ, Trung Quốc đã có những thay đổi khi phải đối mặt với áp lực từ bên ngoài; nỗi lo về sự can dự của bên ngoài sẽ điều chỉnh hành vi của họ. Trung Quốc rút giàn khoan khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam hồi tháng 7/2014 sau khi Việt Nam phát động một chiến dịch tố cáo những hành động của Trung Quốc tới toàn thế giới. Cụ thể, Úc nên đưa ra tiếng nói của mình trong vấn đề Biển Đông bởi một ASEAN thống nhất là điều nằm trong lợi ích của họ.

“Cơ hội ngắn ngủi cho sự bình yên trên Biển Đông”

Tuần trước, International Crisis Group (Tổ chức Nghiên cứu Khủng hoảng Quốc tế) cho ra Báo cáo với nhan đề “Khuấy động Biển Đông (III): Cơ hội ngắn ngủi cho sự bình yên” phân tích các sự kiện quan trọng từ cuối năm 2012 và các tác động đối với an ninh khu vực, từ đó đưa ra một số khuyến nghị cho các bên yêu sách. Cụ thể:

Chính phủ Trung Quốc và các quốc gia ASEAN cần:

1. Thực thi các chi tiết vận hành đường dây nóng giữa các bộ ngoại giao để đảm bảo:

a) chúng luôn ở trong tình trạng hoạt động; và

b) các cá nhân/cơ quan chịu trách nhiệm cho hoạt động của đường dây nóng có thể nhanh chóng tiếp cận tới các nhà hoạch định chính sách và có thẩm quyền chỉ đạo các đơn vị trên thực địa trong trường hợp khẩn cấp.

2. Khởi động một khuôn khổ tham vấn đa ngành  giữa Trung Quốc và các quốc gia ven Biển Đông khác – dựa trên mô hình tham vấn cấp cao về các vấn đề biển giữa Trung Quốc và Nhật –, với sự tham gia của các cơ quan có thẩm quyền về đối ngoại, quốc phòng, chấp pháp biển, kiểm ngư và tìm kiếm cứu nạn nhằm:

a) giúp xác định rõ đâu là người chịu trách nhiệm chính ở những cơ quan ngang cấp của từng quốc gia;

b) làm rõ những hiểu lầm có thể xuất phát từ khác biệt trong luật biển và hoạt động chấp pháp của các quốc gia; và

c) tìm kiếm cơ hội xây dựng lòng tin, ví dụ như hợp tác về việc thực thi các quy định liên quan đến nghề cá.

Chính phủ Trung Quốc và Indonesia cần:

3. Mở rộng hoạt động diễn tập hải quân kết hợp song phương về việc thực thi Bộ quy tắc ứng xử cho những cuộc chạm trán ngoài ý muốn trên biển (CUES) đối với tất cả các quốc gia ven Biển Đông.

Các quốc gia bên ngoài, ngoại trừ Trung Quốc, và các tổ chức có quan hệ trực tiếp với ASEAN cần:

4. Cung cấp các hỗ trợ kỹ thuật và hỗ trợ thể chế cho việc quản lý các khủng hoảng xảy ra do các sự cố trên biển, ví dụ như tiến hành tổ chức và tài trợ cho các hội thảo về những thực tiễn thành công nhất với sự tham gia của Trung Quốc và ASEAN./.