Bản PDF tại đây

 

 

Động thái của các quốc gia

+ Trung Quốc:

Tàu quân sự Trung Quốc bất ngờ xuất hiện gần bờ biển Mỹ. Lầu Năm Góc hôm 2/9 đã xác nhận năm tàu quân sự của Trung Quốc xuất hiện ở Biển Bering, ngoài khơi tiểu bang Alaska của Mỹ, trong thời gian Tổng thống Barack Obama đang có chuyến thăm khu vực này. Phát ngôn viên Lầu Năm Góc ông Bill Urban cho hay: “Đây là lần đầu chúng tôi phát hiện tàu hải quân Trung Quốc hiện diện tại Biển Bering. Chúng tôi tôn trọng quyền tự do của các quốc gia triển khai tàu quân sự hoạt động các vùng biển quốc tế, phù hợp luật pháp quốc tế.” Đội tàu trên gồm 3 tàu chiến, 1 tàu đổ bộ và 1 tàu hậu cần. Một ngày sau đó, Tư lệnh Các chiến dịch Hải quân Mỹ Đô đốc Jonathan Greenert thông báo các tàu của Trung Quốc bắt đầu rút khỏi khu vực ngoài khơi bang Alaska.

Chủ tịch Trung Quốc khẳng định nước này sẽ trỗi dậy hòa bình. Trong bài diễn văn tại lễ kỷ niệm “Thắng lợi cuộc kháng chiến chống Nhật của nhân dân Trung Quốc và Chiến thắng Phát xít của thế giới” hôm 3/9, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố: “Thắng lợi vĩ đại đó đã mở ra tiền đồ xán lạn nhằm thực hiện công cuộc phục hưng dân tộc Trung Hoa. Chiến tranh như một chiếc gương, làm cho chúng ta hiểu hơn về sự quý giá của hòa bình. Tôn trọng lẫn nhau, đối xử bình đẳng, phát triển hòa bình mới là cách ứng xử đúng đắn. Các nước trên thế giới phải cùng nhau gìn giữ trật tự và hệ thống quốc tế với nền tảng là các tôn chỉ và nguyên tắc của Hiến chương Liên Hợp Quốc. Trung Quốc sẽ kiên trì đi con đường phát triển hòa bình. Bất kể thực lực phát triển đến mức nào, Trung Quốc sẽ không hướng tới bá quyền, không bành trướng.” Nhân dịp này, ông Tập cũng thông báo Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc sẽ cắt giảm khoảng 300.000 quân.

Đài Loan chi mạnh tay cho chương trình tự đóng tàu ngầm. Đài Loan đã quyết định chi 3 tỷ Đài tệ (92,55 triệu USD) để thực hiện chương trình tự đóng tàu ngầm chạy bằng điện-diesel trong vòng 4 năm, dự kiến sẽ triển khai từ năm tới. Đây là khoản chi đầu tiên cho kế hoạch từ đầu những năm 2000 khi thương vụ Đài Loan mua 8 tàu ngầm chạy bằng điện-diesel của Mỹ gặp khó khăn do những vấn đề về kỹ thuật và chính trị. Chi phí cho chương trình này nằm trong ngân sách Bộ Quốc phòng Đài Loan tài khóa 2016.

+ Philippines:

Philippines kêu gọi Trung Quốc thực hiện cam kết về hòa bình. Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Philippines ông Peter Paul Galvez hôm 6/9 tuyên bố: “Chúng tôi kêu gọi chính phủ Trung Quốc chứng tỏ sự thành thật của mình bằng cách ngừng các hoạt động quân sự hóaxây dựng, đồng thời không ngăn cản quyền tự do hàng không và hàng hải ở Biển Đông. Trung Quốc cần phải hành động nhiều hơn ngoài những luận điệu lừa gạt rằng họ mưu cầu hòa bình, trước khi mà các hành vi hung hăng của nước này gây ra những tổn hại lớn hơn và không thể khắc phục đối với khu vực và thế giới.” Tuyên bố trên được đưa ra chỉ vài ngày sau khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khẳng định rằng Bắc Kinh quyết tâm theo đuổi hòa bình và không hề có ý tưởng “bá quyền” nhân dịp lễ duyệt binh kỷ niệm kết thúc Thế chiến thứ hai.

+ Malaysia:

Malaysia tăng cường năng lực phòng thủ trên biển. Phát biểu trước báo giới hôm 30/8, Bộ trưởng Quốc phòng Hishammuddin Hussein cho biết lực lượng vũ trang nước này đang thực hiện chín biện pháp nhằm tăng cường an ninh trên biển, trong đó có hoạt động triển khai tại căn cứ hải quân Tun Azizan và căn cứ hải quân Tun Sharifah Rodziah ở bang Sabah, miền Đông Malaysia. Hiện đã có bốn xuồng cao tốc P38 và năm xuồng cao tốc Silverbreeze đang được triển khai tới Bộ Tư lệnh an ninh miền Đông Sabah (ESSCom). Để tăng cường năng lực phòng không, Theo ông Hishammuddin, năm máy bay chiến đấu Hawk cũng đã được bố trí tới Căn cứ hải quân Labuan để bảo vệ chủ quyền quốc gia cũng như vùng Sabah, Sarawak và Biển Đông. Hãng Bloomberg ngày 3/9 đưa tin Washington và Kuala Lumpur đang đàm phán bí mật về việc Malaysia cho phép máy bay P-8 Poseidon và P-3 Orion của Mỹ sử dụng các căn cứ trên lãnh thổ của Malaysia để tiến hành hoạt động do thám, tuần tra ở Biển Đông. Các cuộc đàm phán bí mật hiện nay giữa hai nước nhắm tới đảo Lubuan, ở ngoài khơi bang Sabah. Đảo này gần các các công trình Trung Quốc xây dựng Biển Đông hơn căn cứ không quân Clark ở Philippines mà Mỹ đang sử dụng.

+ Mỹ:

Mỹ bổ nhiệm tân tư lệnh chỉ huy đội tàu ngầm ở Thái Bình Dương. Hải quân Mỹ hôm 3/9 vừa bổ nhiệm Chuẩn đô đốc Frederick Roegge làm tư lệnh mới của lực lượng tàu ngầm ở Thái Bình Dương, thay thế người tiền nhiệm là Chuẩn đô đốc Phillip Sawyer. Trước khi đảm nhiệm vị trí trên, ông Roegge từng làm việc ở Lầu Năm Góc. Động thái trên diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc đang gia tăng hoạt động trong các vùng biển ở khu vực, đặc biệt là ở Biển Đông.

+ Úc:

Úc tiếp tục quan ngại về các đảo nhân tạo của Trung Quốc. Phát biểu hôm 2/9 tại một hội nghị của Viện Phân tích và Nghiên cứu Quốc phòng Ấn Độ, Bộ trưởng Quốc phòng Úc Kevin Andrew đã tuyên bố: “Tranh chấp lãnh thổ tiếp tục gây nguy cơ bất ổn và sự rối loạn trong khu vực. Úc có lợi ích trong việc duy trì hòa bình và ổn định, tôn trọng luật pháp quốc tế, hoạt động giao thương không bị cản trở và tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông. Úc không đứng về phía bên nào trong tranh chấp nhưng chúng tôi quan ngại hoạt động xây dựng và cải tạo đất quy mô lớn của Trung Quốc và các bên tranh chấp khác sẽ làm gia tăng căng thẳng trong khu vực. Úc cực lực phản đối hành động hăm dọa, gây hấn hoặc ép buộc để thúc đẩy yêu sách hoặc đơn phương thay đổi nguyên trạng. Chúng tôi đặc biệt lo ngại về khả năng quân sự hóa các thực thể tại Biển Đông.” Ông Andrews cũng cho biết quân đội Úc sẽ tăng cường hoạt động hợp tác quốc tế để giảm nguy cơ đối đầu quân sự, xây dựng khả năng tương tác với các đối tác chủ chốt và tăng cường phối hợp để đối phó với những thách thức chung.

Quan hệ các nước

Cảnh sát biển Việt Nam và Ấn Độ diễn tập chung trên biển. Trong chuyến thăm hữu nghị Việt Nam kéo dài 5 ngày, chiều 30/8 tàu Sarang thuộc Lực lượng Bảo vệ bờ biển Ấn Độ có buổi luyện tập cứu hộ cứu nạn trên biển với tàu cảnh sát biển 8001 thuộc Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát Biển 3 trên vùng biển tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Buổi luyện tập là dịp để lực lượng cảnh sát biển hai nước đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ và trao đổi kinh nghiệm, nâng cao trình độ chuyên môn, xử lý các tình huống tìm kiếm cứu nạn, xử lý sự cố ô nhiễm môi trường biển.

Việt - Trung nhất trí tạo dựng môi trường hòa bình cho quan hệ 2 nước. Chiều 3/9 trong cuộc gặp với Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình tại Đại lễ đường nhân dân ở thủ đô Bắc Kinh, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã khẳng định Việt Nam hết sức coi trọng phát triển quan hệ ổn định, lành mạnh và lâu dài với Đảng, Nhà nước và nhân dân Trung Quốc. Về vấn đề trên biển, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đề nghị hai bên kiểm soát tốt bất đồng, không có hành động làm phức tạp, mở rộng tranh chấp, cùng duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông, góp phần gìn giữ hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực; thúc đẩy các lĩnh vực, dự án hợp tác mà hai bên đã nhất trí, phù hợp với luật pháp quốc tế, nhất là UNCLOS 1982. Về phần mình, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình khẳng định phát triển tình hữu nghị Trung - Việt là phương châm nhất quán, không thay đổi của Đảng, Nhà nước và nhân dân Trung Quốc.

Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ sẽ thăm Trung Quốc. Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương ông Daniel Russel sẽ đến Bắc Kinh trong các ngày từ 6-8/9 để thảo luận phương với các quan chức cấp cao Trung Quốc về những vấn đề quan trọng trong quan hệ song phương. Ông Russel sẽ là quan chức cấp cao thứ hai của Mỹ tới Trung Quốc thời gian gần đây. Tuần trước, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ bà Susan Rice đã có chuyến công du Bắc Kinh để chuẩn bị cho chuyến thăm của ông Tập Cận Bình tới Mỹ trong tháng chín tới.

Phân tích và đánh giá

Mỹ phải có bước đi rõ ràng ở Biển Đông” của Patrick M. Cronin

Sức mạnh vượt trội và hành vi quyết đoán của Trung Quốc chính là nguồn gốc gây bất ổn ở Biển Đông. Mặc dù các quốc gia yêu sách cũng tiến hành các hoạt động cải tạo nhưng quy mô và tốc độ không là gì so với Trung Quốc: mở rộng gấp 17 lần diện tích chỉ trong 20 tháng, bằng hoạt động của tất cả các quốc gia yêu sách còn lại tiến hành trong 40 năm; số lượng đảo nhân tạo của Trung Quốc chiếm tới 95% đảo nhân tạo ở Trường Sa. Rõ ràng Bắc Kinh đang gấp rút tiến hành hoạt động xây dựng đo nhằm cng cố yêu sách trước khi diễn ra vụ kiện của Philippines.

Thông qua chiến thuật “cắt lát salami”, mở rộng và phát triển các công trình quân sự trên các đảo nhân tạo, Trung Quốc đang từng bước mở rộng phạm vi ảnh hưởng, đe dọa các quốc gia láng giềng, gây ra mối nghi ngờ về khả năng của Mỹ với vai trò là bên trung gian và đối trọng cân bằng Trung Quốc.

Mỹ phải bảo đảm tự do hàng hải ở Biển Đông. Để thực hiện điều đó, chính sách đối ngoại của Mỹ phải phát huy sức mạnh toàn diện, can dự mạnh mẽ hơn nữa và bảo vệ các nguyên tắc và luật pháp quốc tế.

Để bù đắp cho sự thiếu hụt về quy mô đội tàu ở khu vực, Mỹ cần tăng cường sự diện diện thường xuyên và can dự vào các hoạt động an ninh một cách chủ động. Về lâu dài, Mỹ cần tăng cường hợp tác với đồng minh và đối tác với mục đích đối phó với hành vi cưỡng ép cũng như năng lực chống xâm nhập, tiếp cận của Trung Quốc, bằng cách tìm ra các giải pháp sáng tạo để tận dụng các công nghệ hiện tại đồng thời tạo ra các khái niệm tác chiến mới. Tất cả hoạt động quân sự như vậy cần phải nằm trong tổng thể chiến lược chính trị và kinh tế bởi Trung Quốc sẽ coi trọng hành động thực tế hơn là lời nói.

Singapore sẽ là nơi cực kỳ quan trọng cho sự hiện diện hải quân của Mỹ. Hiện tại, Mỹ cũng đang chờ kết luận của Tòa án Tối cao Philippines về Thoả thuận Tăng cường Hợp tác Quốc phòng . Hiệp định này sẽ mở đường cho sự luân chuyển của tàu chiến, máy bay và lĩnh thủy đánh bộ Mỹ hiện diện ở Philippines, giúp huấn luyện và xây dựng năng lực hoạt động trên biển và lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines.

Mỹ cũng đã quá rụt rè khi phản ứng trước các hành vi đơn phương thay đổi hiện trạng thông qua cưỡng ép hoặc vũ lực, điều này được thể hiện trong cuộc khủng hoảng bãi cạn Scarborough và hoạt động cải tạo đảo của Trung Quốc. Mỹ cần phải thay đổi thái độ như vậy càng sớm càng tốt, đặc biệt là trước khi các căn cứ của Trung Quốc được trang bị đầy đủ thiết bị quân sự.

Mỹ không có lợi ích nếu xảy ra chiến tranh. Nhưng nếu không chuẩn bị đối phó để bảo vệ các nguyên tắc quốc tế bằng sức mạnh thì Mỹ nên chuẩn bị tinh thần đón chờ viễn cảnh Trung Quốc sẽ hoàn toàn chiếm ưu thế sức mạnh tại khu vực.

Trung Quốc chuẩn bị cho Chiến tranh hiện đại dưới thời Tập Cận Bình của Lauren Dicken

Sức mạnh quân sự Trung Quốc đã có một màn phô diễn trọn vẹn tại Bắc Kinh vào tuần nay, với hàng trăm loại vũ khí và binh chủng. Tuy nhiên, đây không đơn thuần là phô diễn tên lửa đạn đạo chống tàu hay các đơn vị tấn công mặt đất mà ẩn sau đó là kế hoạch về tái cấu trúc hoạt động của quân đội Trung Quốc (PLA).

Khởi đầu với tuyên bố cắt giảm 300.000 quân tại lễ đài Thiên An Môn, kế hoạch sắp tới sẽ là thay đổi toàn diện cấu trúc quân đội hiện tại, hướng tới một mô hình chỉ huy liên quân giống như của Mỹ.

PLA hiện được cơ cấu xấp xỉ với 10 cơ quan chính ở 3 cấp độ, trụ sở chỉ huy đặt tại Bắc Kinh với Quân ủy Trung ương (CMC), đứng đầu là Tập Cận Bình chỉ huy các lực lượng vũ trang và quyết định các chính sách quốc phòng quốc gia.

Kế hoạch tái cấu trúc quân sự bằng cách hợp nhất hải quân, không quân, quân đội và các quân đoàn tên lửa chiến lược dưới sự chỉ huy của một bộ tư lệnh liên quân. Quân lực PLA trước tiên sẽ bị cắt giảm xuống còn khoảng 2 triệu quân. Thay vì đầu tư vào các lực lượng mặt đất truyền thống, Trung Quốc sẽ đầu tư vào các lực lượng hải quân và không quân với số lượng ít hơn nhưng đào tạo bài bản hơn. Ngoài việc giám sát công việc hậu cần và vũ khí, Bộ Trưởng Quốc phòng sẽ được giao trọng trách lớn hơn trong chính sách quốc phòng và ngoại giao quân sự.

Nỗ lực bước đầu nhằm dọn đường cho công cuộc cải tổ của Tập được nhìn nhận như chiến dịch chống tham nhũng trong hàng ngũ cấp cao PLA. Điều này có thể thấy khi Trung Quốc điều tra và loại bỏ các quan chức cấp cao trong PLA như phó Chủ tịch CMC Từ Tài Hậu và Quách Bá Hùng cùng hơn 4000 quan chức khác.

Trong khi ông Tập luôn miệng nói về các cam kết, phát triển hoà bình và không hướng tới bá quyền thì cuộc duyệt binh đã vẽ lên một bức tranh hoàn toàn khác. Trung Quốc hiện đã sở hữu sức mạnh chiến đấu và năng lực của một cường quốc quân sự hiện đại.

Tuy nhiên, nếu thiếu đi công cuộc cải tổ của ông Tập thì những vũ khí tân tiến này sẽ được vận hành bởi một bộ máy quan liêu từ những năm 1950. Lợi thế cho ông Tập đó là: trong bối cảnh các thách thức nội bộ ngày càng tăng, thì các tư tưởng quân sự của ông Tập về Giấc mộng Trung Hoa cần phải được thực hiện, điều đó sẽ giúp ông Tập tiếp tục duy trì sự tín nhiệm, tính chính danh của đảng và vai trò lãnh đạo đối với các lực lượng vũ trang Trung Quốc.

Các hoạt động tìm kiếm cứu nạn có thể hạ nhiệt các căng thẳng ở Biển Đông của Vijay Sakhuja

Trong bối cảnh căng thẳng ở Biển Đông, Trung Quốc và ASEAN đã nhất trí lập nhóm chuyên gia để tư vấn chuyên môn cho việc thiết lập hai đường dây nóng tập nhằm tập trung vào các hoạt động tìm kiếm, cứu nạn và phản ứng nhanh trên biển trong các trường hợp khẩn cấp. Sáng kiến này là một nỗ lực hợp tác của Trung Quốc với ASEAN hướng tới triển khai DOC, thúc đẩy tham vấn về một COC ràng buộc hơn.

Có ít nhất 6 lý do để theo đuổi và phát triển một khuôn khổ hợp tác tìm kiếm cứu nạn (SAR):

1. Các quốc gia khu vực đều đã ký kết các công ước và thỏa thuận liên quan đến hoạt động và hỗ trợ SAR. DOC cũng khẳng định rằng, “trong khi chờ một giải pháp toàn diện và lâu dài về tranh chấp” các bên cần “nghiên cứu hay thc hiện các hoạt động hợp tác” chẳng hạn như tìm kiếm cứu nạn.

2. Các cơ quan an toàn trên biển và cảnh sát biển ở Biển Đông cần thiết lập đường dây nóng để liên lạc và chia sẻ thông tin. Các đường dây nóng như vậy có thể đối phó với các tình huống khẩn cấp ở Biển Đông.

3. Nếu như có sự ủng hộ của các quốc gia, có thể biến các thực thể và đảo ở Biển Đông thành các trạm cho hoạt động SAR. Ở Biển Đông, có ít nhất năm đảo có bãi đáp, cơ sở hạ tầng đủ đáp ứng cho hoạt động của máy bay dân sự và quân sự cỡ lớn và trung bình.

4. Có thể thiết lập một trạm trung tâm SAR ở Biển Đông trên một trong những đảo được cải tạo, có thể là Đá Chữ Thập. Khi đó, các trang thiết bị ở đây giống như "trạm công cộng trên biển".

5. Về năng lực ứng phó với các trường hợp SAR khẩn cấp. Hoạt động SAR đòi hỏi một nền tảng chuyên sâu, hiện đại, phản ứng nhanh. Do đó, hạm đội tàu của Trung Quốc sẽ là “đội tiên phong” phù hợp nhất; tàu bệnh viện Peace Ark (biểu tượng quyền lực mềm của Trung Quốc) là phương tiện có khả năng cung cấp các hỗ trợ y tế. Về phương diện này, hoạt động của hải quân và tàu dân sự Trung Quốc ở nam Ấn Độ Dương trong việc tìm kiếm máy bay MH370 là điều rất đáng chú ý.

6. Khả năng tương tác (đào tạo, diễn tập, quy trình hoạt động, thông tin liên lạc và ngôn ngữ) là điều rất quan trọng đối với bất kỳ sự hợp tác SAR nào. Do đó, thông qua Diễn tập Cứu trợ Thiên tai, các lực lượng biển của diễn đàn ASEAN (27 thành viên) nên bắt đầu thảo luận để thúc đẩy khả phản ứng SAR trong khu vực.

Sáng kiến về nhóm chuyên gia và đường dây nóng giữa ASEAN và Trung Quốc đặc biệt có giá trị và nó giống như một mô hình hợp tác mới giữa Trung Quốc và các quốc gia yêu sách. Tuy nhiên việc trước tiên Trung Quốc cần làm là giải quyết vấn đề mất lòng tin giữa các quốc gia trong khu vực. Điều này đã gây ra tình cảm chống Trung Quốc mạnh mẽ từ một số các nước thành viên ASEAN.

Vũ khí dầu lửa của Mỹ: Ác mộng tồi tệ nhất đối với Trung Quốc” của Zhang Tingbing

Hoạt động cải tạo đảo của Trung Quốc ở Biển Đông đã đặt Mỹ vào tình thế khó khăn. Một số người Mỹ lo ngại rằng, để bảo vệ đồng minh trước sự xâm lăng của Trung Quốc, ngoài công cụ quân sự, Mỹ có rất ít sự lựa chọn.

Tuy nhiên trong tương lai gần, Mỹ sẽ không trực tiếp lao vào bất kỳ cuộc chiến tranh nào với Trung Quốc. Bởi nếu xảy ra, với sự vượt trội về không quân và hải quân của Mỹ sẽ buộc Trung Quốc phải sử dụng đến vũ khí hạt nhân. Rõ ràng, một cuộc chiến hạt nhân Trung - Mỹ sẽ tiêu diệt cả hai. Thay vào đó Mỹ có thể sử dụng vũ khí dầu lửa để đánh vào điểm yếu nhất của Trung Quốc: quốc gia phụ thuộc cực kỳ lớn vào dầu mỏ nhập khẩu.

Hiện tại, lượng dầu mỏ nhập khẩu Trung Quốc chiếm tới 55% sản lưng tiêu thụ của nước này, trong đó hơn phần nửa là từ Vịnh Ba Tư, nguồn cung chiếm tới 75% nguồn cung dầu của nhà sản xuất dầu mỏ lớn nhất thế giới là Ả-rập Saudi. Nhu cầu nhập khẩu dầu của Trung Quốc hiện đã tương đương với nhu cầu đỉnh điểm của Mỹ và hiện chưa có dấu hiệu giảm. Nguồn dự trữ dầu quốc gia của Trung Quốc chỉ có khả năng cung cấp trong khoảng thời gian là 90 ngày.

Trong khi đó, với sự phát triển về công nghệ khí đá phiến, Mỹ đang dần độc lập về năng lượng: lượng nhập khẩu từ 60% nằm 2005 xuống còn 35% hiện nay; sản xuất khí tự nhiên tăng gần 33% từ năm 2005, khí đá phiến tăng từ 2% năm 2000 lên tới 44% thời điểm hiện tại. Năm 2013, Mỹ là nhà sản xuất dầu thô đứng thứ hai trên thế giới sau Ả-rập Saudi và là nhà xuất khẩu dầu tinh chế lớn thứ hai thế giới sau Nga. Theo thông kê của Tập đoàn Dầu khí BP của Anh, năm 2014 Mỹ sẽ vượt Nga để trở thành nhà sản xuất khí tự nhiên và dầu mỏ lớn nhất thế giới.

Với những thành tựu và khả năng đó, có thế Mỹ sẽ “bẫy” để Iran phong tỏa Eo biển Hormuz mà không hề gây ra thiệt hại kinh tế cho Mỹ, trong khi sẽ giáng một đòn mạnh vào nền kinh tế mong manh của Trung Quốc.

Theo kịch bản như vậy, Quốc hội Mỹ sẽ bác bỏ thỏa thuận hạt nhân với Iran và “bật đèn xanh” cho Israel thực hiện một cuộc không kích vào các cơ sở hạt nhân của Iran. Nếu kịch bản này xảy ra, Iran sẽ trả đũa bằng cách phong tỏa Eo biển Hormuz, tuyến đường nhập khẩu trên biển duy nhất của các quốc gia Vịnh Ba Tư, gây ra vô số khó khăn cho nhu cầu dầu mỏ của Trung Quốc, lạm phát tăng vọt, đồng Nhân dân tệ giảm và khủng hoảng kinh tế. Điều đó buộc Trung Quốc phải đầu hàng để cứu vãn chính trị, kinh tế và sự sụp đổ xã hội.

Vũ khí dầu mỏ là công cụ có thể đạt được những mục tiêu mà quân sự không thể làm. Đây thực sự là viễn cảnh mà Trung Quốc cần phải nghiêm túc lưu tâm.

Vụ kiện Trung - Phi: Ai sẽ là bên thắng cuộc?” của Trương Minh Vũ và Trang Phạm

Sức mạnh kinh tế, quân sự và văn hoá của Trung Quốc đủ sức biến họ thành một cường quốc. Nhưng chúng sẽ không đủ sức giúp Trung Quốc đạt mục tiêu chính trị và chiến lược bằng phương thức cưỡng ép hay đi “một mình một lối”.

Các học giả của Trung Quốc cho rằng, dù kết quả vụ kiện có thế nào thì Philippines vẫn sẽ là bên thua cuộc. Tuy nhiên, có vẻ như họ mới chỉ tập trung vào một khía cạnh của vụ kiện Biển Đông. Ngoài kết quả cụ thể, các biến cố xảy ra có thể thay đổi nhận thức của cộng đồng quốc tế về tranh chấp Biển Đông. Nếu như vậy, chính Trung Quốc mới là bên thua cuộc.

Đối với vụ kiện của Philippines, nếu như có thẩm quyền, tòa trọng tài (PCA) sẽ đi giải quyết các vấn đề về tính pháp lý của đường chín đoạn và quyền lịch sử ở Biển Đông theo luật quốc tế; tình trạng pháp lý của các thực thể trên biển và liệu các hành vi của Trung Quốc có hủy hoại môi trường biển hay không. Tầm quan trọng của vụ kiện này là rất rõ ràng, nó không chỉ giúp giảm bớt tính phức tạp của tranh chấp mà còn là một đóng góp đáng kể cho sự phát triển của luật pháp quốc tế.

Vụ kiện còn mang lại một vài điểm có lợi cho các quốc gia yêu sách ASEAN khác như:

1/ Buộc Trung Quốc và Philippines lý giải cách hiểu và áp dụng UNCLOS của họ. Hiểu được cách giải thích của Trung Quốc sẽ là lợi thế lớn cho các quốc gia yêu sách khác trong trận chiến pháp lý chống lại Trung Quốc.

2/ Nếu toà PCA quyết định đường chín đoạn của Trung Quốc không có cơ sở pháp lý, Trung Quốc sẽ không có cơ sở pháp lý để biện minh cho các hoạt động cải tạo đảo. Và nếu toà kết luận rằng các thực thể mà Philippines đệ trình trong vụ kiện không có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa, khu vực tranh chấp sẽ bị thu hẹp đáng kể, từ đó các vấn đề về phân định biển trong khu vực sẽ được giải quyết dễ dàng hơn.

3/ Dù có hay không tham gia thì thực tế Trung Quốc vẫn là một bên của vụ kiện. Việc Trung Quốc gia nhập UNCLOS đồng nghĩa với việc “chấp thuận trước” về thẩm quyền của một toà án hay toà trọng tài. Như vậy Trung Quốc phải chấp nhận thực tế rằng, một quốc gia có thể đơn phương kiện họ theo thủ tục giải quyết tranh chấp bắt buộc trong Phần XV của UNCLOS và các lập luận để bác bỏ thẩm quyền của tòa dựa trên nguyên tắc phải có sự chấp thuận của quốc gia là không thể biện minh.

Hậu quả từ cách tiếp cận của Trung Quốc tới vụ kiện sẽ không thấy hết được trong năm 2015 hay 2016 mà phải 5 hay 10 năm tới. Thứ nhất, việc đánh giá thấp luật pháp quốc tế của Trung Quốc sẽ gây phản tác dụng, bởi pháp lý là công cụ khôn ngoan và an toàn nhất để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Trung Quốc ở Châu Á và trên thế giới. Thứ hai, việc không tham gia vào vụ kiện còn khiến cho các quốc gia khác có thể sẽ có lối hành xử giống Trung Quốc. Điều này sẽ khởi đầu cho việc viện dẫn trường hợp của Trung Quốc như một ví dụ trong thực tiễn pháp luật. Thứ ba, vụ việc sẽ ảnh hưởng đến uy tín và các vấn đề về tài chính của Trung Quốc. Các quốc gia tham gia AIIB hay sáng kiến Một Vành đai, Một Con đường sẽ có lý do để lo lắng khả năng kiểm soát thchế theo luật lệ của Trung Quốc./.