Động thái của các quốc gia

+ Trung Quốc:

Trung Quốc vẫn duy trì quyền kiểm soát Bãi cạn Scarborough. Về thông tin cảnh sát biển Trung Quốc không quấy nhiễu ngư dân Philippines đánh bắt cá gần Bãi cạn Scarborough, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh hôm 31/10 tuyên bố: “Trung Quốc vẫn thực thi thẩm quyền ở bãi cạn. Tình hình ở đây hiện không có gì thay đổi. Chúng ta đã chứng thiện mối quan hệ Trung - Phi được cải thiện toàn diện sau chuyến thăm Trung Quốc của Tổng thống Philippines Duterte. Trong bối cảnh như vậy, Trung Quốc đã có những điều chỉnh phù hợp dựa trên quan hệ giữa Trung Quốc và Philippines đối với các vấn đề mà Tổng thống Duterte quan tâm.”

Trung Quốc công bố kế hoạch hợp tác biển tại Biển Đông. Cục Hải dương Quốc gia Trung Quốc ngày 4/11 công bố kế hoạch hợp tác quốc tế ở Biển Đông và khu vực Ấn Độ Dương, Thái Bình Dương giai đoạn 2016-2020. Theo đó, trong 5 năm tới, Trung Quốc sẽ tích cực thực thi chiến lược "Một vành đai, một con đường" với 7 lĩnh vực hợp tác trọng điểm gồm biến đổi khí hậu và hải dương, bảo vệ môi trường biển, hệ thống sinh thái biển và tính đa dạng sinh học, phòng chống thiên tai biển, nghiên cứu biển, chính sách quản lý biển, hợp tác phát triển kinh tế xanh trong khai thác tài nguyên biển. Theo phía Trung Quốc, kế hoạch hợp tác biển này sẽ có ý nghĩa tích cực trong việc thúc đẩy hòa bình, ổn định ở Biển Đông.

+ Việt Nam:

Việt Nam lên tiếng việc Malaysia đàm phán song phương với Trung Quốc. Phát biểu trong họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao chiều 3/11, về thông tin Malaysia sẽ giải quyết tranh chấp Biển Đông với Trung Quốc bằng đàm phán song phương, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình tuyên bố: “Lập trường nhất quán của Việt Nam là các vấn đề tranh chấp ở Biển Đông liên quan đến song phương thì giải quyết qua kênh song phương, còn các vấn đề liên quan đến đa phương, có nhiều bên thì phải giải quyết thông qua nhiều bên. Chúng tôi đã nhiều lần nêu rõ việc giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông là trên cơ sở luật pháp quốc tế và thông qua các biện pháp hoà bình. Cụ thể hơn, các tiến trình giải quyết tranh chấp ở Biển Đông dựa trên cơ sở của DOC ở Biển Đông, và UNCLOS năm 1982, cũng như các tiến trình ngoại giao và pháp lý khác.” Về việc Tổng thống Philippines có quyết định thả 17 ngư dân Việt Nam về nước, ông Lê Hải Bình nêu rõ: “Ngay khi các ngư dân của Việt Nam bị bắt ở Philippines ngày 8/9, Bộ Ngoại giao đã chỉ đạo Đại sứ quán Việt Nam tại Philippines tiếp cận với các ngư dân, làm việc ngay với các cơ quan chức năng của Philippines để đảm bảo các quyền hợp pháp của các ngư dân nước ta. Nhân dịp này, Việt Nam hoan nghênh Tổng thống Philippines đã giải quyết vấn đề tàu thuyền, ngư dân trên tinh thần nhân đạo, liên quan đến Đối tác chiến lược giữa Việt Nam và Philippines."

+ Philippines:

Philippines tìm kiếm giải pháp với Trung Quốc ở Bãi cạn Scarborough. Cố vấn an ninh quốc gia của Philippines ông Hermogenes Esperon hôm 31/10 cho biết sau chuyến thăm Trung Quốc của Tổng thống Rodrigo Duterte, hai bên đã đạt được nhận thức chung, theo đó cho phép ngư dân Philippines được đánh bắt cá xung quanh Bãi cạn Scarborough, “Mặc dù hai nước không ra được bản thỏa thuận nào… nhưng tổng thống của chúng tôi tin rằng ngư dân Philippines sẽ không còn bị quấy rối (tại Scarborough) vì ông ấy đã nêu vấn đề này ra trong chuyến thăm tới Trung Quốc. Lực lượng hải cảnh Trung Quốc vẫn hiện diện ở đó, song lực lượng hải quân đã rời đi. Và hiện giờ, ngư dân của chúng tôi không còn bị hỏi han hay bị ép phải rời đi, vì thế chúng tôi có thể nói rằng mọi việc đang diễn ra thân thiện.” Ông Esperon nhấn mạnh Manila và Bắc Kinh đều không t bỏ yêu sách chủ quyền tại Scarborough. Tuy nhiên, hai nhà lãnh đạo đã quyết định gác vấn đề này sang một bên để khôi phục mối quan hệ song phương.

Tổng thống Philippines ra lệnh thả 17 ngư dân Việt Nam. Tổng thống nước này Rodrigo Duterte đã tham dự sự kiện phóng thích 17 ngư dân Việt Nam vào ngày 2/11. Các ngư dân trên 3 tàu cá bị bắt giữ hôm 8/9 với cáo buộc đánh bắt cá trái phép, nhưng một công tố viên của tỉnh nơi họ bị bắt đã hủy cáo trạng này sau khi các ngư dân khai rằng họ dạt vào Philippines "để tránh cơn bão mạnh Ferdie.”

+ Indonesia:

Tổng thống Indonesia tuyên bố không thỏa hiệp về chủ quyền biển. Trả lời phỏng vấn của hãng Fairfax Media ngày 5/11 trước thềm chuyến thăm Úc, Tổng thống Indonesia Joko Widodo tuyên bố sẽ “không có thỏa hiệp” về chủ quyền ở Biển Đông. Yêu sách đường chín đoạn của Trung Quốc hiện chồng lấn vào vùng biển xung quanh quần đảo Natuna của Indonesia. Theo ông Widodo, “Việc xây dựng ở Natuna là ưu tiên bởi đây là lãnh thổ của chúng tôi. Hiện có 169.000 cư dân Indonesia ở Natuna và chúng tôi muốn phát triển ngành công nghiệp cá ở đây.”

+ Úc:

Úc cân nhắc tuần tra chung ở Biển Đông. Ngoại trưởng Úc Julie Bishop ngày 1/11 khẳng định nước này đang xem xét tiến hành các cuộc tuần tra chung với Indonesia ở Biển Đông, “Chúng tôi tìm kiếm các lựa chọn nhằm tăng cường hoạt động trên biển và tất nhiên sẽ bao gồm các các hoạt động phối hợp ở Biển Đông và Biển Sulu. Điều này hoàn toàn phù hợp với chính sách của Úc về thực hiện quyền tự do hàng hải.” Theo bà Bishop, Hải quân Hoàng gia Úc đã thường tiến hành các cuộc tập trận chung với hải quân Ấn Độ và Mỹ ở Biển Đông. Đề xuất tiến hành tuần tra chung được Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia Ryamizard Ryacudu đưa ra tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao và Quốc phòng Úc-Indonesia tại Bali hôm 29/10.

Tàu hải quân Úc thăm cảng Cam Ranh. Sáng 2/11, tàu Hải quân Úc HMAS Warramunga đã cập Cảng quốc tế Cam Ranh, bắt đầu chuyến thăm Việt Nam từ ngày 2 - 7/11. Tàu HMAS WARRAMUNGA là tàu khu trục lớp ANZAC mang tên lửa hành trình có khả năng phòng không, chống ngầm, tuần thám với thủy thủ đoàn gồm 25 sỹ quan và 155 thủy thủ. Chuyến thăm nhằm cụ thể hóa việc triển khai nội dung hợp tác an ninh biển đã được ký trong Bản ghi nhớ về hợp tác quốc phòng năm 2010, góp phần tăng cường quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa hải quân và quân đội hai nước.

Quan hệ các nước

Hải quân Campuchia - Mỹ bắt đầu tập trận chung. Ngày 31/10, hải quân hai nước đã bắt đầu cuộc tập trận hải quân chung kéo dài 1 tuần tại Căn cứ Hải quân Ream thuộc tỉnh Preah Sihanouk. Cuộc tập trận Hợp tác huấn luyện và sẵn sàng chiến đấu trên biển (CARAT) thường niên lần thứ 7 này nhằm tăng cường hợp tác và thúc đẩy an ninh biển giữa hải quân Mỹ và Campuchia. Tham gia cuộc tập trận lần này có khoảng 150 thủy thủ Mỹ và 200 thủy thủ Hoàng gia Campuchia. Các quân nhân và trang thiết bị của Mỹ đã tới Campuchia trên tàu USNS Millinocket - tàu vận tải cao tốc viễn chinh lớp Spearhead của Mỹ.

Trung Quốc - Malaysia đàm phán song phương về Biển Đông. Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân hôm 1/11 cho biết trong cuộc gặp giữa Thủ tướng Malaysia Najib Razak và Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường, “hai nhà lãnh nhất trí thúc đẩy giải quyết đúng đắn tranh chấp ở Biển Đông thông qua đối thoại và đàm phán song phương. Trung Quốc và Malaysia là quốc gia ven Biển Đông nên chúng tôi cần tăng cường hợp tác để đảm bảo hòa bình và ổn định ở Biển Đông và tăng cường sự tin cậy chung.” Bên cạnh đó, hai nước tăng cường hợp tác về quốc phòng. Sau chuyến thăm của Thủ tướng Malaysia Najib Razak tới Trung Quốc, Malaysia sẽ mua 4 tàu tác chiến ven biển (LMS) từ Trung Quốc. Hai tàu sẽ được đóng tại Trung Quốc và hai chiếc còn lại đóng ở Malaysia. LMS là loại tàu tuần tra nhanh có thể mang theo tên lửa và có bãi đáp trực thăng, chủ yếu được sử dụng để giữ tuần tra và tham gia tìm kiếm cứu nạn.

Việt Nam - Đức kêu gọi giải quyết hòa bình tranh chấp biển. Trong chuyến thăm chính thức Việt Nam từ ngày 30/10 - 1/11, Bộ trưởng Ngoại giao Đức Frank-Walter Steinmeier đã có cuộc hội đàm với Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh. Trao đổi về một số vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm, hai bên nhất trí tiếp tục phối hợp chặt chẽ và ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn đa phương và các tổ chức quốc tế. Hai bên cũng thảo luận và chia sẻ quan ngại về những diễn biến phức tạp gần đây trên Biển Đông, nhấn mạnh giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, tôn trọng đẩy đủ tiến trình ngoại giao và pháp lý trên cơ sở luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS năm 1982.

Nhóm tàu Hạm đội Thái Bình Dương Nga thăm Indonesia. Ngày 1/11, 4 tàu thuộc Hạm đội Thái Bình Dương của nước này đã cập cảng Tanjung Priok ở thủ đô Jakarta, bắt đầu chuyến thăm Indonesia để tham gia Triển lãm và Diễn đàn Quốc phòng Indonesia 2016 từ ngày 2-5/11. Nhóm tàu trên gồm tàu chiến chống ngầm Đô đốc Tributs, tàu khu trục Bystriy, tàu chở dầu cỡ lớn Boris Butoma và tàu kéo Alatau. Phái đoàn Nga, do Phó Giám đốc Cơ quan Hợp tác Kỹ thuật - Quân sự (FSMTC) Mikhail Petukhov dẫn đầu, sẽ có cuộc gặp với giới chức quân sự và an ninh nước chủ nhà.

Phân tích và đánh giá

Chiến lược đối với Biển Đông của chính quyền Mỹ nhiệm kỳ tới” của Marcel Angliviel de la Beaumelle Patrick M. Cronin

Bắc Kinh sẽ thử thái độ của chính quyền Mỹ nhiệm kỳ tới về vấn đề Biển Đông: từ kiên quyết thực hiện quyền kiểm soát lớn hơn đối với Biển Đông cho đến củng cố các đảo nhân tạo, thực thi các hoạt động chấp pháp, gây sức ép về ngoại giao, đồng thời dùng các lợi ích kinh tế làm mồi nhử để cố gắng triệt phá mọi sự phối hợp đa phương. Tuy nhiên, cũng không nên coi nhẹ các thủ đoạn quân sự hung hăng và làm leo thang căng thẳng của Trung Quốc.

Bắc Kinh sẽ cố đẩy Tổng thống Mỹ mới vào tình huống mọi sự đã rồi ở Biển Đông. Trong trường hợp đó, Mỹ sẽ tiếp tục chính sách đảm bảo cho các quốc gia bạn bè trong khu vực thấy rằng Mỹ kiên quyết ngăn chặn các tuyên bố quá đáng của Trung Quốc mà không gây ra xung đột.

Có 5 vấn đề nổi lên sẽ định hình chính sách đối với Biển Đông của chính quyền Mỹ nhiệm kỳ tới. 

Thứ nhất, Biển Đông chỉ là một phần trong một chiến lược lớn hơn của Mỹ hướng tới châu Á - Thái Bình Dương. Chiến lược “tái cân bằng” của chính quyền Obama là tạo điều kiện cho sự cân bằng về sức mạnh giữa các nước khu vực, trong khi xây dựng một cấu trúc khu vực toàn diện, dựa trên luật pháp. Vì thế, “tái cân bằng” không phải và cũng không nên hiểu là chiến lược cô lập Trung Quốc.

Thứ hai, quan hệ song phương Mỹ - Trung. Đây là mối quan hệ có sự kết nối với hợp tác và cạnh tranh tại Biển Đông. Tổng thống Obama đã cố gắng thúc đẩy hợp tác với Trung Quốc mà không động chạm đến các lĩnh vực xung đột lợi ích. Việc hiện đại hóa quân đội nhanh chóng cùng với việc thực hiện chiến lược “chống thâm nhập/chống tiếp cận khu vực” (A2/AD) được coi là những thách thức đối với mục tiêu của Mỹ nhằm duy trì một trật tự khu vực dựa trên luật pháp. Điều này xuất phát từ sự mâu thuẫn về lợi ích giữa hai nước trong vấn đề Biển Đông. 

Thứ ba, vai trò thiết yếu của Mỹ trong khu vực. Điều này thể hiện ở việc Mỹ vẫn có lực lượng quân sự mạnh nhất và cam kết lâu dài đối với khu vực. Tuy nhiên, một phần quan trọng khác trong chiến lược “tái cân bằng” là Mỹ cũng dựa vào khả năng của đồng minh, đối tác trong khu vực. Sáng kiến An ninh Biển (MSI) của Mỹ nhằm cải thiện năng lực phòng thủ tối thiểu trên không và trên biển của Philippines, Việt Nam, Indonesia và Malaysia.

Thứ tư, chiến lược đối với Biển Đông cần phải là một chiến lược toàn diện và mở rộng hết khả năng quân sự của Mỹ. Mỹ cần có các chính sách hỗ trợ để ngăn chặn sự quyết đoán của Trung Quốc, đồng thời thúc đẩy việc tuân thủ các nguyên tắc chung. Cần có thêm những nỗ lực ngoại giao để buộc Trung Quốc phải giải thích thỏa đáng các hành động của họ trong khu vực theo các tiêu chí của khu vực và quốc tế. Tuy nhiên, cách thức triển khai biện pháp ngoại giao cần được cải thiện theo hướng nói ít hơn và làm nhiều hơn trong lĩnh vực tự do hàng hải.

Thứ năm, chính sách của Mỹ cần phải làm rõ hơn các lợi ích của Mỹ mặc dù có thể Mỹ vẫn mong muốn duy trì sự linh hoạt trong câu chữ. Làm rõ hơn các lợi ích của Mỹ là cần thiết đối với chiến lược của Mỹ tại Biển Đông và ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Chiến thuật và chiến lược của Nga tại Biển Đông” của Anton Tsvetov

Trong lịch sử, mức độ can dự của Nga đối với biển Đông còn khá khiêm tốn. Kể từ khi rút khỏi căn cứ quân sự Cam Ranh đầu những năm 2000, sự hiện diện của quân đội Nga rất hiếm. Các nhà lãnh đạo Nga không tỏ rõ quan tâm đến các tranh chấp chủ quyền đang diễn ra tại biển Đông, phần nhiều bởi vì lợi ích của Nga trong các vấn đề khu vực còn tương đối ít và hạn chế đối với việc duy trì quan hệ song phương với các nước Đông Bắc Á và Việt Nam.

Nói chung, Nga công khai lập trường trung lập đối với các tranh chấp biển. Người Nga liên tục nói rằng Nga không đứng về phía nào trong các tranh chấp chủ quyền, ủng hộ một giải pháp ngoại giao, không sử dụng vũ lực, tuân thủ luật pháp quốc tế bao gồm UNCLOS 1982 và DOC 2002 và kêu gọi sớm kết thúc đàm phán COC.

Vai trò của Nga tại biển Đông còn hạn chế bởi lẽ Nga đơn giản không có nhiều lợi ích bị đe dọa ở đây. Tuy nhiên, những lợi ích trong các tranh chấp nảy sinh từ các quan hệ gần gũi giữa Nga với Trung Quốc và Việt Nam từ xưa đến nay. Vị trí của Nga đứng giữa Trung Quốc và Việt Nam được dự báo là sẽ trở thành vấn đề khi mà quan hệ chính trị với Trung Quốc tiến triển tốt đẹp từ sau năm 2014. Tuy nhiên, phía Việt Nam vẫn lo ngại rằng nếu tình hình kinh tế Nga xấu đi, Nga sẽ rơi vào thế phụ thuộc Trung Quốc và theo đó, Nga sẽ từ bỏ lập trường trung lập của chính mình.

Một trong những nỗi lo ngại đó chính là phán quyết 7/2016 của tòa trọng tài xử Philippines thắng. Các nhà quan sát lưu ý một điểm mấu chốt trong lập trường của Nga về vấn đề biển Đông – phản đối can thiệp từ bên ngoài, và quan trọng hơn, là phản đối quốc tế hóa vấn đề tranh chấp.

Bên cạnh đó, Tổng thống Putin công khai ủng hộ sự bác bỏ của Trung Quốc đối với phán quyết của Tòa trọng tài tại hội nghị thượng đỉnh G20 tại Hàng Châu (9/2016). Từ đó, Nga không hề cố gắng nhấn mạnh rằng việc Putin nói như vậy sẽ không làm thay đổi lập trường trung dung và không bận tâm về chủ quyền hay chính trị.

Gần đây, Nga-Trung tập trận chung trên biển Đông nhằm thúc đẩy phối hợp trong việc “đánh chiếm đảo”. Chúng ta cần phải cẩn thận khi diễn giải rằng đây là sự ủng hộ đối với lập trường của Trung Quốc về biển Đông. Cuộc tập trận diễn ra ngoài khơi tỉnh Quảng Đông, tránh xa khỏi khu vực có tranh chấp trên biển Đông, nhằm tránh cho Trung Quốc cơ hội thêu dệt lên câu chuyện “Nga-Trung tập trận chung trên biển Đông”.

Trong dài hạn, Nga sẽ dính líu sâu hơn đối với biển Đông, miễn là chính sách châu Á của Nga là một sự chuyển dịch toàn diện và không chỉ là thay đổi nhỏ trong những cam kết song phương của mình. Tuy nhiên, tạm thời, trong khi các nhà hoạch định chính sách của Nga vẫn đang triển khai chính sách Đông Á và mới chỉ ở giai đoạn đầu, chiến lược chính vẫn sẽ là tránh đứng về phe nào và dính líu đến vấn đề nhức nhối về địa chính trị khác như những mối bận tâm sẵn có trong chính sách đối ngoại của Nga.

 Thách thức từ cách tiếp cận trong chính sách đối ngoại của Tổng thống Philippines” của Malcolm Davis

Có nhiều ý kiến cho rằng Philippines dưới thời ông Duterte sẽ trở nên tốt hơn nếu đi theo hướng độc lập, còn nếu dứt khoát hướng về Trung Quốc thì nước này sẽ rơi vào tình cảnh tồi tệ.

Về vấn đề Biển Đông, ông Duterte cho biết sẽ đặt sang một bên phán quyết của Tòa Trọng tài và cùng dàn xếp song phương với Bắc Kinh. Đổi lại, tàu hải giám Trung Quốc sẽ rời khỏi bãi cạn Scarborough. Đây được coi là một phần thưởng cho Manila vì đã đứng về phía Bắc Kinh. Điều đáng nói ở đây là nguy cơ các nước thành viên khác của ASEAN sẽ tìm kiếm lợi ích tương tự, làm suy yếu hơn nữa sự đoàn kết vốn mong manh của khối. Khi Philippines giữ vai trò Chủ tịch ASEAN vào năm 2017, Bắc Kinh có thể sẽ tiếp tục tăng cường ảnh hưởng hơn nữa. 

Rõ ràng, chính quyền Mỹ tiếp theo không thể chỉ đơn giản tiếp tục thực thi chính sách tương tự như trước đây. Sự quay lưng lại của Philippines sẽ là một đòn hiểm đối với lợi ích của Mỹ ở châu Á. Nếu Hiệp định TPP cũng không được phê chuẩn, tác động đồng thời của hai sự kiện quan trọng này khiến tình trạng không chắc chắn càng rõ hơn. Mỹ cần một chiến lược mới với châu Á. 

Tác giả Kurt Campbell đã cân nhắc về những thách thức này và lập luận trong cuốn “The Pivot” (Xoay trục) (năm 2016) rằng chiến lược của Mỹ đối với châu Á phải được thúc đẩy. Ông Campbell đưa ra một kế hoạch 10 điểm, trong đó tập trung vào việc củng cố liên minh thông qua sự phối hợp giữa các “nan hoa” trong hệ thống “trục và nan hoa”, đồng thời đẩy mạnh các thỏa thuận song phương. Mục tiêu trong chiến lược của ông Campbell là để mở ra cơ hội mới cho sự hiện diện của Mỹ bằng cách tăng cường và kết hợp các "nan hoa" lại với nhau, như Nhật Bản, Úc, Hàn Quốc và các đồng minh ASEAN chủ chốt.

Gợi ý của ông Campbell cũng được lặp lại trong một báo cáo gần đây của Trung tâm Nghiên cứu Mỹ thuộc Đại học Sydney, theo đó đưa ra 12 đề xuất nhằm tăng cường liên minh Mỹ-Úc, trong đó có việc triển khai không quân tầm xa ở các căn cứ phía Bắc và một cảng cho tàu sân bay Mỹ ở Úc. Phòng thủ tên lửa phòng sẽ hiệu quả hơn nếu Lực lượng Quốc phòng Úc biết được những nơi mà tàu ngầm mang tên lửa xuất hiện và đề xuất những nỗ lực lớn hơn trong việc giám sát các hướng tiếp cận từ dưới nước. Úc có thể làm việc với Mỹ để phát triển khả năng chống tàu ngầm như một phần của quan hệ đối tác Mỹ-Úc tăng cường. Sau đó, có thể mở rộng ra các đối tác quan trọng khác như Nhật Bản, phù hợp với cách tiếp cận mà ông Campbell đề xuất xây dựng mạng lưới quan hệ giữa các “nan hoa”. 

Chiến lược do ông Campbell đề xuất trong cuốn “The Pivot” liên quan hơn bao giờ hết tới định hướng mà ông Duterte đang thực thi ở Philippines cũng như những xu hướng và sự kiện lớn hơn đang thách thức lợi ích của Mỹ ở châu Á. Cách tiếp cận của ông Duterte sẽ là một thách thức nghiêm trọng đối với chính quyền Mỹ tiếp theo và rộng hơn là đối với lợi ích an ninh khu vực của Úc. 

 Trung Quốc đẩy Australia và Indonesia xích lại gần nhau” của Gary Hogan

Sau một thời gian không ít sóng gió trong mối quan hệ song phương, cuộc gặp theo cơ chế 2+2 lần thứ tư giữa các Bộ trưởng Ngoại giao và Quốc phòng Úc-Indonesia diễn ra hôm 27/10 tại Bali có một chương trình nghị sự đầy tham vọng với hàng loạt vấn đề từ chống buôn người, khủng bố, bạo lực cực đoan, sự phát triển của ASEAN, hợp tác hàng hải, an ninh mạng, hợp tác công nghiệp quốc phòng, những quan ngại ở Biển Đông và chuyến thăm Úc vào tuần tới của Tổng thống Indonesia Joko Widodo. Cuộc gặp năm nay được cho là rất tích cực và đáng khích lệ khi nhiều vấn đề quan ngại chiến lược chung được mở rộng. Mối quan hệ song phương dường như đang ấm trở lại sau một thời gian dài lạnh giá. 

Quan hệ quốc phòng và ngoại giao giữa Úc với đất nước mới cải cách theo hướng dân chủ Indonesia chưa bao giờ tốt đẹp như dưới thời cầm quyền của Tổng thống Indonesia Suharto. Kể từ khi ông Suharto từ nhiệm năm 1998 và đảng Dân chủ lên nắm quyền, quan hệ song phương bắt đầu xấu đi và ngày càng trở nên phức tạp, đáng chú ý là việc Úc hai lần triệu hồi đại sứ và Indonesia là một lần. 

Trong thời Chiến tranh Lạnh, Úc và Indonesia xích lại gần nhau do mối đe dọa “Nam tiến” của Liên Xô và Trung Quốc. Khi đó, ông Suharto nhìn Úc như một cứu cánh an toàn ở bờ Nam, giúp huấn luyện quân đội, công nhận sự thôn tính Timor Leste và có thể tiếp cận Mỹ thông qua Khối hiệp ước An ninh quân sự Australia-New Zealand-Mỹ (ANZUS). Đổi lại, Úc muốn dựa vào một nước Indonesia mạnh, an toàn và ổn định như một vành đai phòng vệ phía ngoài chống lại sự sụp đổ của những quân đôminô cộng sản.

Đối với cả Úc và Indonesia, sự trỗi dậy của Trung Quốc và triển vọng giảm quy mô hiện diện của Mỹ trong khu vực dưới chính quyền sắp tới đang tạo ra một xung lực cho mối quan hệ Úc-Indonesia. Cả hai nước có lẽ đều xem những thực thể mà Trung Quốc chiếm giữ đang chắn ngang các tuyến đường thương mại ở Biển Đông và sự thách thức luật pháp quốc tế của Bắc Kinh có những tác động an ninh lâu dài đến cả hai quốc gia. 

Úc và Indonesia có cách tiếp cận tương tự nhau trong quan hệ với Trung Quốc. Mỗi nước đều cần những khoản đầu tư và thương mại từ Trung Quốc, nhưng cũng đều cảnh giác trước sự mua chuộc ảnh hưởng này của Bắc Kinh, đặc biệt trong giới lãnh đạo đương nhiệm.

Kỳ trăng mật đầu tiên giữa Bắc Kinh với Chính quyền của Tổng thống Joko Widodo đang dần suy yếu. Nhưng vấn đề phức tạp nhất đằng sau sự chia rẽ ngày càng sâu sắc trong quan hệ Indonsia-Trung Quốc là những hành động của Bắc Kinh ở Biển Đông, đặc biệt là tuyên bố đầu năm nay của Bắc Kinh rằng nước này có lịch sử chủ quyền trong khu vực, bao gồm cả quần đảo Natuna, đẩy hai nước vào cuộc tranh chấp chủ quyền trực tiếp. Do vậy, giới chức Úc và Indonesia đã quyết định xem xét phối hợp tuần tra chung ở Biển Đông. 

Người ta thường nói mối quan hệ giữa Úc với Trung Quốc là sự do dự giữa sợ hãi và tham lam. Điều tương tự này cũng có thể nói về Indonesia. Cuộc đối thoại giữa 4 bộ trưởng tháng trước đã thiết lập sự đồng thuận và hợp tác trong nhiều lĩnh vực. Nói cách khác, Trung Quốc đang giúp Úc và Indonesia xích lại gần nhau như dưới thời Suharto.

 Malaysia đang ngả về Trung Quốc?” của Simon Denyer

Thủ tướng Malaysia Najib Razak đã tới Trung Quốc nhằm tìm kiếm nguồn vốn từ Bắc Kinh và một cam kết chưa từng có về mua tàu tuần tra ven bờ của Trung Quốc. Ông tự nhận mình là một người bạn cửa Trung Quốc: “Chúng tôi sẽ ký nhiều thỏa thuận mới cũng như các biên bản ghi nhớ sẽ nâng quan hệ giữa hai nước lên tầm cao mới”.

Sự giống nhau giữa hai chuyến thăm một lần nữa phản ánh xu thế suy giảm uy tín của Mỹ và gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc tại khu vực, đồng thời Bắc Kinh có khả năng “mua đứt” lãnh thổ tranh chấp tại Biển Đông từ các đối thủ. Giới phân tích cho rằng chuyến công du của ông Najib có lợi cho Trung Quốc và bất lợi cho chính sách của Mỹ tại Đông Nam Á.

Theo Eua Graham, Giám đốc chương trình an ninh quốc tế tại Viện nghiên cứu chính sách Lowy có trụ sở tại Sydney (Úc), chuyến thăm Trung Quốc của ông Najib Razak, tiếp sau chuyến thăm của ông Duterte, có ý nghĩa biểu tượng rất lớn. Sau sự khuất phục của Philippines, chuỗi domino đã lan đến Malaysia. Malaysia là đối tác thương mại gần gũi nhất của Trung Quốc ở Đông Nam Á và hợp đồng mua tàu chiến nếu được thông qua sẽ tạo một bước tiến quan trọng trong quan hệ quốc phòng giữa hai nước.

Một phần trong những lý do của động thái trên xuất phát từ chính trị nội bộ. Tuy nhiên, quan hệ giữa Malaysia với Mỹ đã trở nên căng thẳng vào tháng 7 vừa qua sau khi Bộ Tư pháp mở cuộc điều tra cáo buộc rửa tiền tại một quỹ đầu tư nhà nước có liên hệ với nhà lãnh đạo Malaysia. Vụ bê bối này đã khiến ông Najib không được hoan nghênh ở Phương Tây và dòng vốn đầu tư từ Phương Tây đổ vào nước này cũng suy giảm. Điều đó khiến Kuala Lumpur càng cần đến đầu tư từ Trung Quốc.

James Chin, Giám đốc Viện châu Á tại Đại học Tasmania (Úc), nhận xét một chuyến thăm với nghi thức cao nhất tới Bắc Kinh sẽ giúp ông Najib giành lại sự ủng hộ chính trị trong nước sau những bê bối thời gian qua. Chính quyền Najib đang rất cần thu hút vốn đầu tư của Trung Quốc vào Malaysia, đặc biệt là trong các lĩnh vực công nghệ mới và cơ sở hạ tầng. Theo Tiến sĩ Mustafa Izzuddin, chuyên gia tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore, Thủ tướng Najib muốn thúc đẩy tăng trưởng cho nền kinh tế Malaysia trong năm 2017 để tạo thêm tính chính đáng cho vai trò lãnh đạo của ông, qua đó củng cố cơ may tái thắng cử cho liên minh cầm quyền trong cuộc bầu cử Quốc hội năm 2018. Đổi lấy đầu tư vào Malaysia, Bắc Kinh có thể giành được một đồng minh chiến lược khác trong vấn đề tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, mở rộng mạng lưới ủng hộ Trung Quốc trong khối ASEAN. 

Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đầy tham vọng với 12 nước thành viên đang gặp khó khăn. Ngược lại, Trung Quốc có thể mời chào hàng núi tiền và hứa hẹn đầu tư mà không cần các cuộc đàm phán quanh co hay các điều kiện khắt khe đi kèm. Đối với nhiều nước, túi tiền của Bắc Kinh còn hấp dẫn hơn những cam kết chiến lược mơ hồ của Mỹ./.