Động thái của các quốc gia

+ Trung Quốc:

Trung Quốc hoan nghênh Dự thảo duy nhất đàm phán COC. Phát biểu hôm 2/8, Ủy viên Quốc Vụ viện và Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị khẳng đinh, “Tôi tin rằng quá trình đàm phán COC sẽ được thúc đẩy nhanh hơn miễn là chúng ta loại bỏ được sự can thiệp từ bên ngoài. Thực tế sẽ chứng minh ASEAN và Trung Quốc có đủ khả năng duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông và đạt được các quy tắc của khu vực thông qua đàm phán. Trung Quốc gần đây cũng đã triển khai tàu cứu hộ hiện đại nhất ra Trường Sa, sẵn sàng hỗ trợ cho tàu các nước khi cần cần thiết.” Trong khi đó, Đại sứ Trung Quốc tại ASEAN Hoàng Khê Liên ngày 1/8 cho biết Trung Quốc và các nước ASEAN sẽ tiếp tục thực hiện đầy đủ và hiệu quả DOC và nỗ lực đạt COC trong thời gian sớm nhất, đồng thời tìm kiếm các lĩnh vực hợp tác thiết thực trên biển. Theo Đại sứ Trung Quốc, Bắc Kinh có kế hoạch triển khai nhiều chương trình hợp tác biển hơn với ASEAN, bao gồm diễn tập chung trên biển giữa Trung Quốc-ASEAN, dự án nghiên cứu hợp tác công nghệ thông tin trên biển giữa Trung Quốc-ASEAN, tổ chức hội thảo đánh giá hệ sinh thái ven biển và chiến lược bảo tồn ở Biển Đông, hội thảo tập huấn về axit hóa đại dương, đào tạo về vệ tinh viễn thám môi trường sinh thái biển, và hội thảo về an toàn liên lạc và lưu thông trên Biển Đông.

Trung Quốc coi Mỹ là nguyên nhân gây quân sự hóa Biển Đông. Phát biểu trước báo giới sau hội nghị Ngoại trưởng về Hợp tác Đông Á hôm 4/8, Ủy viên Quốc Vụ viện và Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị cho hay, “Tình hình Biển Đông tương đối ổn định sau các nỗ lực của Trung Quốc và ASEAN. Tuy nhiên, một số nước ngoài khu vực, chủ yếu là Mỹ, thường xuyên phô diễn sức mạnh quân sự khi triển khai các vũ khí chiến lược tới khu vực, đặc biệt là Biển Đông. Điều này gây ra các nguy cơ an ninh và khiến các nước khu vực, bao gồm Trung Quốc, lo ngại. Đây là động lực chủ yếu đằng sau hoạt động quân sự hóa ở khu vực. Trung Quốc, đối mặt với nhiều nguy cơ và áp lực quân sự, đã triển khai các hoạt động tự bảo vệ và quyền phòng vệ chính đáng theo quy định của luật pháp quốc tế.”

+ Việt Nam:

Việt Nam hoan nghênh các sáng kiến kết nối khu vực. Trong cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao chiều 2/8, trả lời câu hỏi của phóng viên về việc Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Mike Pompeo công bố sáng kiến đầu tư vào khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng cho biết: “Hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực cũng như trên thế giới là mục tiêu chung của tất cả các quốc gia. Việt Nam hoan nghênh các sáng kiến cũng như các nỗ lực liên kết và kết nối ở khu vực, góp phần đóng góp vào mục tiêu này”.

Việt Nam chia sẻ quan ngại về tình hình Biển Đông tại ARF 25. Phát biểu tại hội nghị chiều 4/8, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh bày tỏ quan ngại về các hoạt động trên thực địa, làm xói mòn lòng tin, gia tăng căng thẳng; đề nghị các bên kiềm chế, không có các hành động làm phức tạp tình hình, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế và UNCLOS 1982, không quân sự hóa, qua đó tạo môi trường thuận lợi cho việc duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông. Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cũng thông báo các sáng kiến của Việt Nam đăng cai Hội thảo ARF về tăng cường hợp tác giữa các lực lượng thực thi pháp luật trên biển và Hội thảo ARF về vận dụng UNCLOS 1982 và các công cụ pháp lý quốc tế nhằm ứng phó với các thách thức trên biển.

Việt Nam – Nhật Bản tăng cường hợp tác dầu khí ở Biển Đông. Chiều ngày 31/7 tại Hà Nội đã diễn ra Lễ ký Hợp đồng mua bán khí (GSPA) giữa Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và các Chủ mỏ Lô 05-1b & 05-1c, Hợp đồng đấu nối (TSA) giữa các Chủ mỏ Lô 05-1b&c và PVGAS. Mỏ Sao Vàng – Đại Nguyệt (Lô 05-1b và 05-1c) nằm tại khu vực nước sâu của Bể Nam Côn Sơn, cách bờ biển Vũng Tàu khoảng 300 km về phía Đông Nam. Tỷ lệ tham gia của các chủ mỏ trong Hợp đồng Dầu khí ở Lô 05-1b & 05-1c bao gồm: Idemitsu Kosan Co., Ltd.: 43,08% và là Nhà điều hành; Teikoku Oil (Con Son) Co. Ltd.: 36,92% và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam: 20%. Ngày 11/12/2017, Thủ tướng Chính phủ có quyết định phê duyệt Kế hoạch phát triển mỏ. Theo đó, mỏ Sao Vàng – Đại Nguyệt dự kiến bắt đầu khai thác dòng dầu, khí thương mại đầu tiên trong Quý 3/2020.

+ Philippines:

Philippines tố Trung Quốc quấy nhiễu máy bay ở Biển Đông. Báo cáo gần đây của Philippines cho hay chỉ trong nửa cuối năm 2017, máy bay quân sự Philippines đã nhận được 46 tín hiệu cảnh báo qua radio của Trung Quốc khi bay gần các đảo nhân tạo ở  Trường Sa. Một máy bay tuần tra của Philippines cuối tháng 1/2018 đã nhận cảnh báo rằng "đang đe dọa an ninh các đảo của Trung Quốc và phải rời đi lập tức nếu không muốn gánh chịu hậu quả". Lực lượng Trung Quốc sau đó thậm chí đã bắn pháo sáng để cảnh cáo phi công Philippines. Quan chức giấu tên của Philippines hôm 30/7 cho biết Philippines hai lần bày tỏ quan ngại về cảnh báo kiểu này tại cuộc gặp với quan chức Trung Quốc ở Manila hồi đầu năm.

+ Indonesia:

Indonesia sẽ không thỏa hiệp với nạn đánh bắt cá trộm. Phát biểu hôm 3/8, Bộ trường Hàng hải và Ngh cá Indonesia Susi Pudjiastuti khẳng định, “Indonesia sẽ rất cứng rắn và không thỏa hiệp với các hoạt động đánh bắt cá trái phép trong vùng biển Indonesia.” Tuyên bố của bà Susi được đưa ra sau Tòa án Quận Sabang ra tuyên bố án phạt với một thuyền trưởng người Nga bị cáo buộc đánh bắt trái phép trong vùng biển nước này. Theo bà Susi, mọi hành động IUU đều phớt lờ chủ quyền của nước khác và bản án được coi là một bước tiến, giúp ngăn cản hoạt động đánh bắt trộm cá.

+ Mỹ:

Mỹ đưa ra sáng kiến tầm nhìn kinh tế Ấn Độ - Thái Bình Dương. Phát biểu tại Diễn đàn Doanh nghiệp Ấn Độ - Thái Bình Dương hôm 30/7, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tuyên bố về sáng kiến mang tên “Tầm nhìn Kinh tế Ấn Độ - Thái Bình Dương”, cam kết đầu tư 113 triệu USD để hỗ trợ lĩnh vực của tương lai như kinh tế kỹ thuật số, năng lượng và cơ sở hạ tầng ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương. Theo sáng kiến này, thứ nhất ,Mỹ sẽ đầu tư 25 triệu USD để cải thiện khả năng kết nối kỹ thuật số ở các nước đối tác và mở rộng cơ hội xuất khẩu công nghệ của Mỹ. Thứ hai, Mỹ sẽ dành 50 triệu USD để hỗ trợ các đối tác Ấn Độ - Thái Bình Dương nhập khẩu, sản xuất, di chuyển, lưu trữ và triển khai các nguồn năng lượng của họ. Thứ ba, Mỹ cam kết tăng cường kết nối để thúc đẩy chủ quyền quốc gia, hội nhập khu vực và sự tin cậy. Ngoài ra, một sáng kiến mới với số tiền 30 triệu USD đang được lên kế hoạch để giúp các đối tác về kỹ thuật cũng như khả năng tiếp cận các dịch vụ tư vấn pháp lý và tài chính tư nhân.

Thượng viện Mỹ thông qua dự luật quốc phòng quy mô. Thượng viện Mỹ hôm 1/8  đã thông qua một dự luật chính sách quốc phòng trị giá 716 tỉ đôla cho năm tài khóa 2019. Thượng viện đã biểu quyết với tỉ lệ 87-10 chấp thuận Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng John S. McCain, gọi tắt là NDAA. Dự luật này đã được Hạ viện thông qua ngày 26/7 và tiếp theo sẽ được chuyển đến Nhà Trắng để Tổng thống Donald Trump ký ban hành. Đáng chú ý, dự luật này có điều khoản cấm Trung Quốc tham gia cuộc tập trận hải quân Rim of the Pacific (Vành đai Thái Bình Dương) cho đến khi Bắc Kinh chấm dứt việc quân sự hóa đảo đá ở Biển Đông. NDAA 2019 cũng đề ra biện pháp kiểm soát những hợp đồng giữa chính phủ Mỹ với Tập đoàn sản xuất thiết bị viễn thông Trung Hưng (ZTE) và Tập đoàn Công nghệ Huawei của Trung Quốc vì lo ngại  an ninh quốc gia.

Mỹ cam kết thúc đẩy luật pháp ở khu vực. Phát biểu tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 51 tại Singapore hôm 3/8, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nhấn mạnh, “Mỹ là quốc gia nằm bên bờ Thái Bình Dương và chúng tôi coi trọng vị trí trung tâm của ASEAN trong chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Năm ngoái, chúng ta đã kỷ niệm 50 năm thành lập ASEAN và 40 năm thiết lập quan hệ Mỹ-ASEAN. Mỹ mong muốn thúc đẩy và thắt chặt hơn nữa quan hệ Đối tác Chiến lược.” Về an ninh, Ngoại trưởng Mỹ khẳng định, “chúng tôi đánh giá cao những nỗ lực của ASEAN nhằm thúc đẩy hòa bình và ổn định trong khu vực, ủng hộ luật pháp quốc tế trên Biển Đông, siết chặt lệnh trừng phạt với Triều Tiên.” Tại cuộc họp báo bên lề hội nghị ASEAN hôm 4/8, Ngoại trưởng Pompeo cho hay ông đã bày tỏ quan ngại về hoạt động quân sự hóa của Trung Quốc ở khu vực và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì trật tự dựa trên luật pháp ở khu vực.

+ Nhật Bản:

Nhật Bản hỗ trợ Indonesia trong lĩnh vực nghề cá. Indonesia sẽ sử dụng số vốn 22 triệu USD được Cơ quan Hợp tác Quốc tế (JICA) Nhật Bản cấp để xây dựng các trung tâm liên hợp về nghề cá và đại đương ở 6 khu vực đảo xa bờ, trong đó Natuna. Quan chức của JICA ông Shinichi Yamanaka hôm 1/8 cho hay, “Một khi chương trình được hoàn tất, các ngư dân có thể sử dụng các cảng cá được nâng cấp và cơ sở hạ tầng khác như kho lạnh trữ cá. Hy vọng hình thức hợp tác này sẽ nâng cao đời sống của ngư dân địa phương và các cư dân ven biển, đặc biệt tại đảo xa bờ.” Tổng thư ký Bộ Hàng hải và Nghề cá Indonesia ông Nilanto Perbowo cho hay chính phủ hy vọng các cơ sở hạ tầng này có thể đi vào hoạt động vào năm 2020.

.......

Bản PDF tại đây