Bản PDF tại đây


 

Động thái của các quốc gia

+ Trung Quốc:

Trung Quốc giảm tàu quân sự và tàu bảo vệ quanh khu vực giàn khoan. Hôm 30/6, đại diện Cục Kiểm ngư Việt Nam cho biết, phía Trung Quốc đang duy trì khoảng 114-120 tàu các loại; trong đó có 46-48 tàu Hải cảnh, 13-15 tàu vận tải, 16-18 tàu kéo, 34 tàu cá và 5 tàu quân sự. Như vậy, phía Trung Quốc đã giảm 2-4 chiếc tàu so với ngày 29/6, trong đó đã rút 1 tàu quân sự. Từ 8 giờ 35 phút đến 10 giờ 34 phút ngày 30/6, các tàu Cảnh sát biển Việt Nam đã phát hiện máy bay EP3 của Mỹ bay qua khu vực giàn khoan Hải Dương-981 ở độ cao khoảng 200m. Sau đó, từ 10 giờ 46 phút tới 12 giờ 56 phút cùng ngày, Cảnh sát biển tiếp tục phát hiện máy bay RC135 của Mỹ bay ở độ cao 3.000m. Đến thời điểm 16 giờ ngày 1/7, Trung Quốc vẫn tiếp tục gây căng thẳng trên biển Đông; phía Trung Quốc luôn dùng lực lượng tàu lớn để ngăn cản, ép hướng các tàu thực thi pháp luật của Việt Nam không cho các tàu Việt Nam tiếp cận giàn khoan Hải Dương-981. Ngày 2/7, Trung Quốc vẫn duy trì số lượng lớn 114-120 tàu bảo vệ các loại quanh giàn khoan Hải Dương-981 trong đó có 46-48 tàu hải cảnh, 13-15 tàu vận tải, 16-18 tàu kéo, 34 tàu cá và 5 tàu quân sự. Trong ngày, máy bay Mỹ tiếp tục xuất hiện trên khu vực Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981. Ngoài ra, tính tới 16 giờ ngày 2/7, lực lượng Cảnh sát biển cũng phát hiện 4 lần máy bay Trung Quốc bay qua khu vực giàn khoan. Đáng chú ý, trong số này có cả máy bay chiến đấu J11 bay ở độ cao khoảng 3.000m. Ngày 3/7, phía Trung Quốc vẫn duy trì lượng tàu lớn với khoảng 114-119 tàu các loại để bảo vệ quanh khu vực giàn khoan Hải Dương-981 và không cho các lực lượng thực thi pháp luật của Việt Nam tiến lại gần giàn khoan. Trong số đó có tới 7 tàu quân sự. Như vậy, so với thời gian vừa qua, đây là đợt Trung Quốc huy động số lượng tàu quân sự lớn nhất, (từ trước tới nay nhiều nhất chỉ có 4-6 chiếc tàu quân sự/ngày). Cùng ngày, tàu Việt Nam đang hoạt động trên biển Hoàng Sa đã phát hiện một lần chiếc máy bay Y-8X, một lần chiếc máy bay chiến đấu J11 và một lần chiếc máy bay trực thăng của Trung Quốc bay qua khu vực giàn khoan. Trong ngày 4/7, phía Trung Quốc duy trì khoảng 116 tàu các loại để bảo vệ giàn khoan; trong đó có 48 tàu hải cảnh, 15 tàu vận tải, 14 tàu kéo, 34 tàu cá và 5 tàu quân sự. Trong ngày 5/7, Trung Quốc thường xuyên duy trì số tàu cá vỏ sắt có mặt tại hiện trường giàn khoan, dưới sự hỗ trợ của 2 tàu hải cảnh của Trung Quốc thường xuyên bám sát, ngăn cản, ép hướng các tàu cá của ngư dân Việt Nam, không cho các tàu cá của ngư dân Việt Nam tiến vào gần khu vực giàn khoan để khai thác thủy sản. Ngày 6/7, Trung Quốc vẫn tiếp diễn các hành động gây hấn tại vùng biển hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981. Trung Quốc duy trì lượng lớn với hơn 110 tàu các loại, trong đó có 46-47 tàu hải cảnh, 13-14 tàu vận tải, 14-15 tàu kéo và 5 tàu quân sự, 30 tàu cá xung quanh giàn khoan.

Trung Quốc đưa trái phép toàn bộ Biển Đông vào khu cảnh báo bão. Ngành dự báo thời tiết của Trung Quốc vừa tiến hành một điều chỉnh đáng chú ý, theo đó mở rộng về phía Nam phạm vi khu vực cảnh báo bão 24 giờ, bao trùm toàn bộ vùng biển Biển Đông. Chủ nhiệm Trung tâm Dự báo Khí tượng Hải dương và Bão, thuộc Cục Khí tượng Trung Quốc ngang nhiên cho rằng sự điều chỉnh này là để đáp ứng tốt hơn nhu cầu dịch vụ dự báo, giám sát thiên tai khí tượng hải dương. Việc làm này nhằm "hợp pháp hóa" cái gọi là "chủ quyền" của Trung Quốc tự nhận đối với toàn bộ khu vực Biển Đông, bất chấp sự phản đối của các quốc gia trong khu vực và cộng đồng quốc tế cũng như ngang nhiên vi phạm UNCLOS 1982.

Trung Quốc tức tối vì bình luận của Đại sứ Mỹ về bản đồ đường 10 đoạn. Đại sứ quán Trung Quốc tại Philippines ngày 29/6 cảnh báo Washington nên đứng ngoài tranh chấp ở Biển Đông, sau khi đại sứ Mỹ tại Philippines lên án bản đồ mới phát hành của Bắc Kinh là vi phạm luật pháp quốc tế. Người phát ngôn Đại sứ quán Trung Quốc Zang Hua tuyên bố, “Đại sứ quán Trung Quốc quan ngại về những phát ngôn của đại sứ Mỹ Philip Goldberg về vấn đề Biển Đông. Mỹ không phải là một bên liên quan trong tranh chấp và nước này cũng chưa phê chuẩn UNCLOS.” Ông Zhang nhấn mạnh rằng Mỹ đã nhiều lần tái khẳng định quan điểm không đứng về bên nào trong tranh chấp ở Biển Đông. Do đó, thay vì đưa ra những phát ngôn như trên, ông Goldberg nên tuân thủ theo đúng quan điểm này của Mỹ về các tranh chấp trong khu vực.

Trung Quốc kêu gọi Mỹ nhìn nhận nước này một cách tích cực. Phát biểu hôm 2/7 trong cuộc gặp với cựu Bộ trưởng tài chính Mỹ Henry Paulson trước thềm Đối thoại kinh tế và chiến lược Mỹ-Trung vào tuần tới, Chủ tịch Tập Cận Bình cho biết, “Hai bên nên mở rộng các lợi ích chung, tăng cường hợp tác, trồng thêm nhiều hoa thay vì gai góc, dẹp bỏ những bất đồng, tránh nghi kỵ và đối đầu. Chúng tôi hy vọng Mỹ sẽ có quan điểm tích cực về tình hình quốc gia cũng như các chính sách đối ngoại và đối nội của Trung Quốc.” Theo ông Tập, hai nước cần sử dụng triệt để các cơ chế song phương như Đối thoại Chiến lược và Kinh tế để “tiếp thêm năng lượng tích cực” cho mối quan hệ song phương đồng thời đem lại các thành tựu rõ ràng.

+ Việt Nam:

Tổng Bí thư: ‘Hữu nghị nhưng kiên quyết giữ vững độc lập, chủ quyền’. Trong hai ngày 30/6 và 1/7, tại Hà Nội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tiếp xúc cử tri của đơn vị bầu cử số 1. Về vấn đề Biển Đông, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết chúng ta phải đấu tranh toàn diện, phát huy sức mạnh tổng hợp trên nhiều mặt với tinh thần bình tĩnh, tỉnh táo, kiềm chế, kiên quyết, kiên trì, phát huy sức mạnh tổng hợp, chứ không thể nhấn mạnh một việc nào, “Nếu sai một ly đi một dặm”. Tổng Bí thư khẳng định Việt Nam kiên trì đấu tranh với Trung Quốc bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế và thỏa thuận cấp cao hai nước; đấu tranh thông qua đàm phán và tất cả các biện pháp kể cả đấu tranh pháp lý nhưng chúng ta cũng phải chuẩn bị tất cả mọi khả năng có thể xảy ra.

Chủ tịch nước: ‘Không ai có thể độc chiếm biển Đông’. Phát biểu trong chuyến thăm và làm việc tại Đà Nẵng hôm 2/7, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định, “Làm sao có thể độc chiếm được Biển Đông trong tình hình toàn cầu hóa như hiện nay. Tôi chắc chắn rằng không thể nào dùng sức mạnh đơn thuần để độc chiếm biển Đông. Tạm thời anh có thể chiếm ưu thế, nhưng về lâu dài là không thể. Trung Quốc vẽ đường lưỡi bò, âm mưu độc chiếm biển Đông là chuyện quá khôi hài. Chúng ta kiên trì đấu tranh bằng biện pháp hòa bình, không tàu nào của chúng ta sử dụng bạo lực, điều đó chắc chắn phía Trung Quốc cũng thấy rất rõ. Chúng ta chỉ đòi hỏi một điều: Lực lượng Trung Quốc xâm phạm bất hợp pháp trên biển Đông phải rút ngay về nước. Đó là đòi hỏi rất đơn giản và chính đáng của chủ nhà.”

Thủ tướng: ‘Việt Nam kiên quyết đấu tranh bảo vệ chủ quyền.’ Tiếp xúc cử tri ở Hải Phòng ngày 2/7, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng một lần nữa khẳng định lập trường kiên quyết của Việt Nam yêu cầu Trung Quốc rút ngay giàn khoan ra khỏi thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, Việt Nam kiên quyết đấu tranh bảo vệ vững chắc chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc; không chấp nhận, không khuất phục một sự áp đặt, de dọa, lệ thuộc nào đó. Thủ tướng cũng cho biết, Đảng, Nhà nước đang khẩn trương chuẩn bị, củng cố hồ sơ pháp lý để sẵn sàng đưa ra các cơ quan tài phán quốc tế về những hành vi vi phạm luật pháp quốc tế của Trung Quốc ở vùng biển của Việt Nam. Tại trụ sở Chính phủ vào chiều 3/7, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì cuộc họp thường trực Chính phủ, quyết định phương án phân bổ sử dụng 16.000 tỷ đồng hỗ trợ ngư dân đóng tàu đánh bắt xa bờ; đóng tàu, trang thiết bị cho lực lượng cảnh sát biển và kiểm ngư.

Việt Nam không bị động trước âm mưu độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc. Ngày 3/7, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đã tiếp xúc với cử tri thị xã Quảng Yên và TP Uông Bí. Đề cập việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 vào sâu trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam, Phó Thủ tướng khẳng định quan điểm của Đảng và Nhà nước là sử dụng mọi biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, kiên quyết yêu cầu Trung Quốc rút ngay giàn khoan và tàu ra khỏi vùng biển Việt Nam. Phó Thủ tướng khẳng định “chúng ta không bị động trước âm mưu độc chiếm Biển Đông, chiếm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam”. Về phương hướng đấu tranh bảo vệ chủ quyền trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh khẳng định sẽ tiếp tục đấu tranh cả trên thực địa (duy trì các lực lượng tàu thực thi pháp luật, tàu cá), đấu tranh chính trị ngoại giao, vận động quốc tế lên án, đưa ra các diễn đàn quốc tế như Liên Hợp Quốc, kể cả các biện pháp pháp lý như đưa Trung Quốc ra các cơ chế tài phán quốc tế nhằm thể hiện rõ hơn quyết tâm bảo vệ chủ quyền của đất nước.

Việt Nam đề nghị LHQ lưu hành văn bản phản đối Trung Quốc. Ngày 3/7, Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc tiếp tục gửi thư lên Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon đề nghị lưu hành như những tài liệu chính thức của Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 68 hai văn bản nêu rõ lập trường của Việt Nam về việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Văn bản thứ nhất thể hiện Việt Nam phản đối Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981; kiên quyết bác bỏ toàn bộ, cả trên thực tế cũng như pháp lý, các luận cứ của Trung Quốc nêu trong các văn bản kèm theo các thư ngày 22/5 và ngày 9/6 của Đại biện Phái đoàn đại diện thường trực nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa gửi Tổng thư ký Liên hợp quốc. Văn bản thứ hai đề cập tới chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và hoàn toàn bác bỏ cả trên thực tế cũng như pháp lý, yêu sách không có cơ sở pháp lý và lịch sử về chủ quyền của Trung Quốc đối với quần đảo Hoàng Sa (mà Trung Quốc gọi là Tây Sa) nêu trong văn bản của Đại biện Phái đoàn đại diện thường trực nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa gửi Tổng thư ký Liên hợp quốc ngày 22/5 và 9/6. Văn bản thứ hai còn khẳng định Việt Nam chưa bao giờ công nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với Hoàng Sa, vạch rõ việc Trung Quốc đã cố tình xuyên tạc lịch sử và diễn giải sai lịch sử khi viện dẫn Công thư của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng năm 1958 và một số tài liệu, ấn phẩm được xuất bản ở Việt Nam trước năm 1975 để củng cố yêu sách của Trung Quốc đối với quần đảo Hoàng Sa.

Hành động của Trung Quốc không làm thay đổi thực tế chủ quyền Việt Nam. Phát biểu tại buổi họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao ngày 3/7, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình nhấn mạnh: “Những hành động leo thang gần đây của Trung Quốc, trong đó có việc mở rộng cảnh báo bão trên toàn Biển Đông không thể làm thay đổi thực tế chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Việt Nam sẽ tiếp tục kiên trì các biện pháp đấu tranh hòa bình ở nhiều cấp khác nhau.” Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam, biện pháp đấu tranh pháp lý cũng đã được phía Việt Nam tính đến. Bởi đây là biện pháp hòa bình văn minh được Hiến chương Liên hợp quốc ủng hộ, “Việt Nam sẽ lựa chọn thời điểm phù hợp để mang lại lợi ích cao nhất cho công cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ.”

Trung Quốc bắt giữ một tàu cá và 6 ngư dân Việt Nam. Ngày 4/7, ông Lê Văn Mùi, Chủ tịch UBND huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi cho biết đã có báo cáo về vụ việc một tàu cá của ngư dân bị Trung Quốc bắt giữ. Theo đó, ngày 28/6, 2 tàu cá mang số hiệu QNg 94912TS và QNg 94913TS rời cảng Đà Nẵng, cùng đi có 8 ngư dân. Đến sáng 3/7, khi đang khai thác hải sản tại vùng biển vịnh Bắc Bộ thì bị nhiều tàu Trung Quốc đến vây, đuổi và bắt giữ. Tuy nhiên, sau đó phía Trung Quốc đã thả chiếc tàu cá nhỏ QNg 94913TS cùng 2 ngư dân. Còn chiếc tàu lớn mang số hiệu QNg 94912TS có 6 ngư dân thì bị giữ lại. Người phát ngôn Bộ ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi hôm 4/7 tuyên bố các ngư dân Việt Nam đã đánh bắt trong vùng biển của Trung Quốc.

Việt Nam yêu cầu Trung Quốc giải thích lý do bắt tàu cá Quảng Ngãi. Ngày 6/7, ông Lương Thanh Quảng, Trợ lý Cục trưởng, Trưởng phòng Bảo hộ công dân và pháp nhân Việt Nam ở nước ngoài, Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết: “Đại diện Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã gặp đại diện Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội đề nghị phía Trung Quốc thông báo chính thức cho phía Việt Nam về vị trí tọa độ, lý do Trung Quốc bắt giữ tàu cá Quảng Ngãi mang số hiệu QNg 94912 TS cùng 6 ngư dân. Trước đó, ngày 5/7, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã chỉ đạo Đại sứ quán Việt Nam tại Bắc Kinh khẩn trương làm việc với các cơ quan chức năng của Trung Quốc xác minh thông tin và có các biện pháp bảo hộ đối với 6 ngư dân trên.”

+ Philippines:

Philippines ủng hộ Nhật mở rộng vai trò quân sự trong khu vực. Phát biểu trong cuộc họp báo hôm 2/7, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Philippines ông Charles Jose đã hoan nghênh động thái hướng tới quyền phòng vệ tập thể của Nhật Bản, “Philippines hoan nghênh những đóng góp đáng kể mà Nhật Bản đã làm vì hòa bình và ổn định của khu vực và toàn cầu. Chúng tôi tin tưởng Nhật sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết những thách thức an ninh chung của chúng ta. Chính phủ Nhật Bản đã nhận thấy nhu cầu của cộng đồng quốc tế và nỗ lực làm rõ cơ sở hiến pháp về vai trò của Nhật Bản trong khu vực là một bước đi đúng hướng.”

+ Myanmar:

Myanmar đứng về phía ASEAN trong vấn đề Biển Đông. Trả lời phỏng vấn qua điện thoại với tờ New York Times, Giám đốc văn phòng Tổng thống Myanmar ông U Zaw Htay cho biết, trong cuộc gặp với Tổng thống Myanmar Thein Sein ở Bắc Kinh vào tuần trước (trong lễ kỷ niệm 60 năm Trung Quốc-Myanmar-Ấn Độ ký kết 5 nguyên tắc chung sống hòa bình), chủ tịch Trung Quốc ông Tập Cận Bình đã tìm cách giành ủng hộ của Myanmar trong vấn đề Biển Đông. Tuy nhiên Tổng thống Thein Sein đã từ chối đứng về phía Trung Quốc và thúc đẩy cách tiếp cận chung để giải quyết các vấn đề. Trung Quốc muốn giải quyết các tranh chấp với riêng từng nước tuy nhiên ASEAN đang nỗ lực xây dựng được một bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông. Ông Zaw Htay nhấn mạnh: “Myanmar ủng hộ ASEAN về vấn đề này”.

+ Mỹ:

Mỹ phản đối hành động cưỡng ép trong tranh chấp biển. Phát biểu trong cuộc họp báo về chính sách đối ngoại của Mỹ tại Washington hôm 2/7, Phó cố vấn an ninh quốc gia Mỹ ông Ben Rhodes cho biết: “Chúng tôi không muốn các nước giải quyết tranh chấp bằng hành động cưỡng ép. Hiện đã có các công cụ pháp lý quốc tế để giải quyết các tranh chấp này. Trung Quốc và ASEAN cũng đang đàm phán về một bộ quy tắc ứng xử để tránh leo thang căng thẳng không cần thiết. Quan điểm của Mỹ chỉ đơn giản là không muốn thấy nước lớn bắt nạt nước nhỏ trong tranh chấp lãnh thổ.”

+ Nhật Bản:

Nhật Bản khẳng định cần giải quyết hòa bình tranh chấp biển. Trả lời phỏng vấn báo Tia sáng của Campuchia trong chuyến thăm nước này, Ngoại trưởng Nhật Bản ông Fumio Kishida khẳng định: “Tranh chấp ở Biển Đông không phải chỉ là vấn đề của Trung Quốc hoặc của các quốc gia Đông Nam Á, mà là vấn đề liên quan trực tiếp đến hòa bình, ổn định ở khu vực cũng như là vấn đề của cộng đồng quốc tế, trong đó có Nhật Bản. Nhật Bản kiên quyết yêu cầu có sự tôn trọng các nguyên tắc luật pháp quốc tế. Trong điều kiện thực tế, Nhật Bản yêu cầu giữ vững 3 nguyên tắc sau: i) các nước phải khẳng định yêu sách của mình trên cơ sở Luật pháp quốc tế; ii) các nước không được dùng vũ lực hoặc ép buộc để cố gắng thúc đẩy yêu sách của mình; iii) các nước phải tìm cách giải quyết tranh chấp một cách hòa bình. Ngoài ra, Nhật Bản và các nước ASEAN đã đề nghị các bên thực hiện tinh thần và quy định của DOC năm 2002, không cho phép các hoạt động đơn phương làm thay đổi thực trạng.

+ Úc:

Bộ trưởng Truyền thông Úc: ‘Trung Quốc khiến các nước Châu Á gần Mỹ hơn’ Ngày 30/6, phát biểu tại hội nghị các lãnh đạo an ninh và kinh tế được tổ chức tại Đại học quốc gia Australia, Bộ trưởng Truyền thông Australia Malcom Turnbull cho rằng hành động sử dụng vũ lực của Trung Quốc tại Biển Đông không những gây bất ổn khu vực mà còn khiến các quốc gia láng giềng Châu Á hợp tác với Mỹ chặt chẽ hơn, “Tôi nghĩ những chính sách Trung Quốc thực hiện đã phản tác dụng. Những hành động cơ bắp đó không chỉ được dùng để đối phó với một mà nhiều nước láng giềng, thậm chí đối với tất cả các nước láng giềng của Trung Quốc ở nhiều thời điểm khác nhau. Thực ra họ không có đồng minh nào trong khu vực ngoài Triều Tiên. Hậu quả là các nước láng giềng Trung Quốc đang dần tiến gần hơn Mỹ hơn bao giờ hết.” Ông Turnbull cũng cảnh báo Trung Quốc có thể bị đe dọa nghiêm trọng, gánh chịu hậu quả nặng nề về kinh tế nếu Bắc Kinh khơi mào chiến tranh.

  Quan hệ các nước

Trung Quốc lại dùng chiêu bài kinh tế với Philippines. Phát biểu trong buổi chiêu đãi của Phòng Thương mại và công nghiệp Philippines hôm 1/7, Đại sứ Trung Quốc tại Philippines Triệu Kiến Hoa tuyên bố: "Tôi phải nói rằng đầu tư của Trung Quốc đối với Philippines là chưa thỏa đáng, vì vậy chúng tôi hy vọng rằng có thể đầu tư nhiều hơn. Có một cơ hội tốt dành cho Philippines để tiếp nhận khoản đầu tư cho sản xuất chất lượng cao, bao gồm chế biến thực phẩm, khai thác khoáng sản. Đây là những điều chúng tôi có thể làm trong tương lai gần." Theo ông Triệu, về mặt du lịch thì gần 450.000 người Trung Quốc đã du lịch tới Philippines trong năm 2013, và tăng 70% so với năm 2012, "Hãy tưởng tượng nếu bạn có thể thu hút 1 triệu khách du lịch Trung Quốc, điều đó sẽ thúc đẩy ngành công nghiệp du lịch Philippines. Hai nước cần tập trung vào những thứ có thể đoàn kết chúng ta, tập trung vào những cái có thể thúc đẩy sự thịnh vượng chung cho cả hai bên, góp phần cải thiện đời sống người dân.”

Việt Nam, Philippines kêu gọi ASEAN thống nhất về vấn đề Biển Đông. Tại cuộc hội đàm hôm 2/7 giữa Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh và Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Albert F. del Rosario đang ở thăm Việt Nam, hai bên đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nghiêm túc tuân thủ luật pháp quốc tế, UNCLOS 1982 và DOC; trong đó có các nguyên tắc về thực hiện kiềm chế, giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, không sử dụng hay đe dọa sử dụng vũ lực. Hai bên đề cao đóng góp tích cực và vai trò quan trọng của ASEAN góp phần vào việc bảo đảm hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải và hàng không ở Biển Đông. Hai bên cũng khẳng định ý nghĩa quan trọng của Tuyên bố ngày 10/5/2014 về vấn đề Biển Đông, yêu cầu chấm dứt các hành động vi phạm luật pháp quốc tế, DOC, thực hiện kiềm chế nhằm giảm căng thẳng và không làm phức tạp tình hình. Chiều tối cùng ngày tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tiếp Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Albert F. del Rosario. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng không có cách nào khác, các nước có chủ quyền trên Biển Đông, các nước ASEAN cần phải đấu tranh, ngăn chặn hành vi vi phạm luật pháp quốc tế, xâm phạm chủ quyền của các quốc gia của Trung Quốc, kể cả đưa vụ việc ra các cơ quan tài phán quốc tế. Về phần mình, Bộ trưởng Rosario cho rằng những hành động mang tính chất gây hấn, vi phạm luật pháp quốc tế, vô nhân đạo của Trung Quốc gần đây đang làm cho tình hình Biển Đông xấu đi từng ngày.

Mỹ khởi động diễn tập hải quân đa quốc gia Rimpac ở Hawaii. Ngày 1/7, Hải quân Mỹ đã tổ chức lễ khai mạc cuộc tập trận hải quân đa quốc gia (2014-Rimpac) tại Hawaii. Đây là cuộc diễn tập cứ 2 năm một lần và kéo dài 1 tháng. Phát biểu tại cuộc họp báo, Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ, Đô đốc Harry Harris nhấn mạnh sự tham gia lần đầu tiên của Hải quân Trung Quốc trong các nội dung như chiến dịch an ninh hàng hải, diễn tập tàu chiến mặt nước, trao đổi quân y, cứu trợ nhân đạo và giảm nhẹ thiên tai. Chỉ huy lực lượng tham gia diễn tập của Trung Quốc Zhao Xiaogang cho biết một trong 3 mục tiêu chính của Hải quân Trung Quốc khi tham gia 2014-Rimpac đó là cam kết thúc đẩy quan hệ quân sự kiểu mới giữa Bắc Kinh và Washington một cách ổn định và vững chắc. 

Phân tích và đánh giá

“Trung Quốc muốn gì với bản đồ đường đứt đoạn?” của Ankit Panda. Việc Trung Quốc xuất bản tấm bản đồ mới có vẻ như không nghiêm trọng bằng những hành động thù địch, đầy khiêu khích gần đây của Bắc Kinh như thiết lập vùng nhận diện phòng không (ADIZ) trên Biển Hoa Đông và triển khai giàn khoan Hải Dương 981, tàu hộ tống, máy bay vào thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Tuy nhiên, bản đồ 10 đoạn mới ngay lập tức đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của các nước trong khu vực Biển Đông, thậm chí cả Ấn Độ. Hiện dư luận quốc tế vẫn đang có một câu hỏi lớn về việc vì sao Trung Quốc tiếp tục phát hành bản đồ 10 đường đứt đoạn thay vì 9 đoạn như trước? Tại sao Trung Quốc không sử dụng đường vẽ 1 nét để thể hiện cái gọi là “đường biên giới biển” như Trung Quốc mong muốn vào thời điểm này? Điều này xuất phát từ một số lý do. Trước tiên, phải hiểu rõ được những "lợi ích" mà Trung Quốc đang có và muốn có từ các bản đồ đứt đoạn (lúc 9, lúc 10) này. Các đường đứt đoạn được Trung Quốc đưa vào các bản đồ yêu sách của mình là để tạo ra "sự mơ hồ được tính toán kỹ lưỡng" của Bắc Kinh. Giới chức Trung Quốc cũng từng tuyên bố những vạch đứt không tượng trưng cho một "tuyên bố chủ quyền bất khả xâm phạm" đối với khu vực mà các đường đứt đoạn vạch ra. Trên thực tế, Trung Quốc ngầm cho khu vực nằm trong các đường đứt đoạn là khu vực tối đa mà Bắc Kinh có khả năng kiểm soát. Thứ hai, bằng việc sử dụng các đường đứt đoạn trong các tấm bản đồ, Bắc Kinh dường như vẫn muốn giữ nguyên lập trường của mình về các tuyên bố trước đây nhưng để mở ra khả năng nhượng bộ và đàm phán với các quốc gia liên quan ở khu vực Biển Đông. Theo ông Carl Thayer, trong một cuộc trao đổi Kênh II giữa các học giả Trung Quốc và phương Tây vào năm 2009, phía Trung Quốc đã nói rằng “nếu các quốc gia rút lại yêu sách vùng thềm lục địa mở rộng thì khả năng khai thác chung tại một vài khu vực trong đường đứt đoạn hoàn toàn có thể xảy ra”. Do đó, có thể nói việc Trung Quốc không thay đổi đường đứt đoạn của mình thành một đường duy nhất cũng như không thiết lập ADIZ tại Biển Đông là bởi những động thái này sẽ khiến Bắc Kinh mất đi sự mập mờ của mình mà không thu được gì đáng kể.

“Mỹ phải làm gì để răn đe và kiềm chế tham vọng Trung Quốc?” của Michele FlournoyEly Ratner. Cùng quá trình phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế như vũ bão trong nhiều thập kỷ qua, giờ đây Bắc Kinh không hề giấu giếm tham vọng sẽ vượt mặt Mỹ, và kèm theo đó là việc thực thi chính sách đối ngoại ngày càng hung hăng, gây hấn. Kể từ khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nắm quyền lực, Trung Quốc đã quyết liệt hơn trong các yêu sách chủ quyền trên Biển Đông và Biển Hoa Đông, gần như dẹp bỏ hoàn toàn tuyên bố “gác tranh chấp” của nhà lãnh đạo Đặng Tiểu Bình trước đây. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc hiểu rõ rằng sự phát triển kinh tế của họ phụ thuộc rất lớn vào môi trường ổn định của khu vực, bởi vậy họ cố tìm cách hiện thực hóa tham vọng bành trướng lãnh thổ của mình mà không gây ra chiến tranh. Họ hiện thực hóa tính toán này bằng cách điều các lực lượng bán vũ trang như hải cảnh, tàu cá ngụy trang tới chiếm các bãi cạn và đảo nhỏ trên Biển Đông, đơn phương áp đặt cơ chế quản lý hành chính đối với những vùng lãnh thổ mà họ chiếm đoạt của nước khác, biến các bãi đá ngầm thành cơ sở quân sự, và kéo giàn khoan vào vùng biển của Việt Nam. Trung Quốc thực hiện tất cả những hành động trên với mưu đồ thay đổi hiện trạng tại Châu Á một cách cẩn thận để không gây ra phản ứng quân sự từ các nước láng giềng và cả Mỹ. Tuy nhiên điều nguy hiểm nằm ở chỗ nếu sự thay đổi chính sách này của Trung Quốc không bị kiềm chế, nó sẽ làm thay đổi căn bản trật tự quốc tế do Mỹ thiết lập ở Châu Á nhằm đảm bảo sự ổn định và lợi ích sống còn của Mỹ cùng các đồng minh và đối tác. Mỹ chưa nhận ra rằng nước đang dâng lên xung quanh mình, cho tới khi nước ngập quá chân thì không còn có thể thay đổi được nữa. Sự hung hăng của Trung Quốc trên Biển Đông và Biển Hoa Đông cũng làm gia tăng nguy cơ xảy ra tính toán sai lầm về chiến thuật, có thể leo thang nhanh chóng thành khủng hoảng, thậm chí là xung đột. Vậy Mỹ sẽ phải phản ứng như thế nào trước chính sách đầy nguy hiểm này của Trung Quốc? Trước hết Mỹ vẫn cần phải xây dựng quan hệ đối tác lâu dài với Trung Quốc, bởi việc từ bỏ và cô lập Bắc Kinh chỉ càng khiến nước này càng thêm hung hăng và đối đầu với Mỹ trên một loạt lĩnh vực, từ lợi ích kinh tế cho tới an ninh. Tuy nhiên, Mỹ phải luôn ghi nhớ rằng họ phải chấm dứt các hành động gây bất ổn của Trung Quốc, nếu không muốn để “nước đến chân vẫn chưa nhảy”. Điều này đòi hỏi Mỹ phải có những bước đi rõ ràng để thực thi một cách thường xuyên trật tự thế giới dựa trên luật pháp quốc tế ở Châu Á. Mỹ có thể bắt đầu bằng việc ủng hộ việc xây dựng một cơ chế ngăn ngừa các hành động phiêu lưu trên biển và tạo điều kiện cho các quốc gia trong khu vực kiểm soát tốt hơn vùng biển ven bờ của mình. Ngoài ra, Mỹ nên hỗ trợ các quốc gia phát triển hệ thống phòng thủ để có thể đối phó một cách vững vàng trước mối đe dọa quân sự đến từ Trung Quốc. Những biện pháp quân sự này cần phải đi đôi với nỗ lực ngoại giao nhằm xây dựng những quy tắc cho lộ trình quản lý tranh chấp trên biển. Cụ thể hơn, Mỹ sẽ phải vạch ra một cơ chế quản lý khủng hoảng mới nếu Bắc Kinh tiếp tục cố tình trì hoãn việc ký kết Bộ Quy tắc Ứng xử trên Biển Đông (COC). Washington cũng phải suy nghĩ một cách sáng tạo về khả năng nâng cao hiệu quả hoạt động của tòa án trọng tài quốc tế, nơi Philippines đang đệ đơn kiện Trung Quốc. Dù các tổ chức trọng tài quốc tế này thiếu cơ chế thực thi phán quyết, nhưng Mỹ vẫn có thể tác động đến các tính toán của Trung Quốc bằng cách coi việc tôn trọng phán quyết của tòa án quốc tế là điều kiện tiên quyết để Trung Quốc có thể tham dự các cuộc tập trận quốc tế như RIMPAC hay các tổ chức đa phương như Hội đồng Bắc Cực. Ngoài ra, Mỹ phải khai thác các phương tiện khác để gây sức ép kinh tế lên các doanh nghiệp nhà nước của Trung Quốc, chẳng hạn như Tập đoàn Dầu khí Hải dương Trung Quốc vốn là một yếu tố trong các hành động hung hăng của Bắc Kinh trên biển. Đây là những bước đi cần thiết mà Mỹ, cộng đồng quốc tế cần phải làm để răn đe Trung Quốc, giữ gìn hòa bình và ổn định tại khu vực chiến lược này.

“Châu Á sẽ căng thẳng hơn trong thời gian tới?” của John Garnaut. Một chuyên gia hàng đầu của Trung Quốc gần đây đã nói rằng các nhà lãnh đạo chính trị của Bắc Kinh đang quyết tâm thực hiện chiến lược có thể sẽ khiến tranh chấp lãnh thổ tại khu vực tồi tệ hơn. Ý kiến của chuyên gia này rất đáng quan tâm bởi các quan chức Trung Quốc đã nhiều lần từ chối nhận trách nhiệm về việc đã làm gia tăng căng thẳng trong tranh chấp lãnh thổ với Nhật, Philippines, Việt Nam và Ấn Độ. Trung Quốc thường đổ lỗi cho Mỹ là tác nhân gây nên căng thẳng giữa họ và các nước láng giềng bởi Mỹ đã cố gắng “kiềm chế” sự trỗi dậy của Trung Quốc. Theo ông Shi Yinhong, Giáo sư về Quan hệ Quốc tế tại Đại học Nhân dân thì việc các quốc gia hình thành một “liên minh chiến lược” với các nước khác trong đó có Nhật và Mỹ để đối trọng lại sức mạnh và động thái mở rộng các hoạt động trên biển của Trung Quốc là một điều “bình thường”. Ông nói rằng, điều này dẫn đến hệ quả là tất cả các bên đang bị kéo vào vòng xoáy của sự leo thang căng thẳng, với việc những liên minh có tính “phòng thủ” do Mỹ làm đầu tàu lại bị Bắc Kinh coi là có tính “tấn công”. Dù chiến lược của Bắc Kinh có là phản tác dụng hay không, các tính toán chiến lược của Bắc Kinh sẽ không thay đổi. Theo ông Shi thì Bắc Kinh sẽ tiếp tục đi theo quỹ đạo của mình bởi yếu tố chủ nghĩa dân tộc, sự phức tạp trong hoạt động của quân đội “và dĩ nhiên là bởi cả niềm tin cá nhân và tính toán chiến lược của các lãnh đạo cấp cao”. Và đó là lý do tại sao xung đột lại có chiều hướng leo thang quân sự tại Biển Đông, Biển Hoa Đông và dọc dãy núi Himalaya.” “Kiểu căng thẳng này giữa Trung Quốc và Mỹ cũng như các đồng minh của nước này sẽ trầm trọng hơn chứ sẽ khó có thể được giải quyết. Có thể có một vài thay đổi chiến thuật theo chiều hướng vừa phải, tuy nhiên tôi không nghĩ là sẽ có một sự thay đổi lớn trong định hướng chiến lược”, ông Shi kết luận.

“Indonesia sẽ vẫn ẩn mình trong tranh chấp lãnh thổ?” của Prashanth Parameswaran. Sự quyết đoán ngày càng rõ rệt của Trung Quốc trong vài năm qua đã khiến Indonesia phải xem xét lại chính sách “ẩn mình” một cách khéo léo mà họ vẫn áp dụng từ trước đến. Không chỉ vậy, việc Trung Quốc tăng cường sự hiện quân sự và bán quân sự trên Biển Đông cũng khiến Indonesia lo lắng. Cụ thể, các quan chức của Indonesia đã bày tỏ sự lo ngại về Trung Quốc cũng như đã lên những kế hoạch để đối phó với mối đe dọa này. Tháng 2, trong chuyến thăm tới Trung Quốc, Tướng Moeldoko, Tổng tư lệnh quân đội Indonesia, đã nói rằng Indonesia sẽ tăng cường lực lượng quân sự xung quanh vùng biển Natuna để “ứng phó với bất kỳ sự bất ổn” tại Biển Đông. Sau đó, vào tháng 3, Tướng không quân Fahru Zaini công khai nói rằng Trung Quốc đã yêu sách vùng biển Natuna “là vùng lãnh hải của họ”, và rằng “tranh chấp này sẽ có tác động lớn tới an ninh tại vùng biển Natuna”. Tuyên bố này cũng đi kèm với việc Indonesia tăng cường năng lực của mình. Tuy nhiên, dù những động thái này cho thấy Indonesia đang lo ngại về cách hành xử của Trung Quốc tại Biển Đông, tuy nhiên có lý do để tin rằng Indonesia sẽ không phản ứng thật sự dữ dội cũng như Indonesia sẽ không để vấn đề này ảnh hướng tới quan hệ giữa hai nước. Thứ nhất, cho dù vấn đề Biển Đông có ý nghĩa quan trọng với Indonesia, tuy nhiên nhiều khả năng Jakarta sẽ không để vấn đề này ảnh hưởng tới mối quan hệ đang hết sức tốt đẹp giữa Trung Quốc và Indonesia. Trung Quốc là đối tác thương mại lớn thứ hai của Indonesia, là nước có lượng du khách lớn nhất tới Indonesia cũng như là một nhà đầu tư giàu tiềm năng của nước này. Hai nước đã ký kết đối tác chiến lược vào năm 2005 và nâng tầm lên đối tác chiến lược toàn diện trong chuyến thăm đầu tiên của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến Jakarta vào năm ngoái. Thứ hai, cho dù sự trỗi dậy của Trung Quốc là một mối lo ngại cho Jakarta, tuy nhiên đây chỉ là một trong số vô vàn các mối đe dọa mà Jakarta đang phải đối phó. Ví dụ, việc Indonesia củng cố lực lượng tại vùng biển Natuna không chỉ là bởi vấn đề Biển Đông hay vấn đề Trung Quốc, mà là một phần trong chiến lược quốc gia nhằm xây dựng Lực lượng Cần thiết Tối thiểu (MEF), khái niệm được đưa ra bởi Tổng thống Susilo Bambang Yudhoyono nhằm mục tiêu đến năm 2024 thiết lập được năng lực quân sự tối thiểu cho quốc gia để đối phó với các mối đe dọa chiến lược. Thứ ba, việc Indonesia củng cố năng lược quân sự - nhằm đối phó với Trung Quốc hay các mục đích khác – vẫn là câu chuyện trong dài hạn bởi Indonesia đang có rất nhiều hạn chế. Cho dù ngân sách quốc phòng của Indonesia đã tăng trong những năm qua, ngân sách phân bổ cho quốc phòng – khoảng 8 tỷ USD - vẫn chỉ bằng 0,9% GDP, con số thấp hơn nhiều mục tiêu của chính nước này, đó là nâng ngân sách quốc phòng lên 1,5% vào năm 2015. Tuy nhiên, vẫn có khả năng Indonesia thay đổi lập trường của mình. Nếu sự toàn vẹn lãnh thổ của Indonesia bị đe dọa bởi sự xâm phạm liên tục tới từ Trung Quốc tại vùng biển Natuna, hay cụ thể hơn, nếu Bắc Kinh thách thức trực tiếp các quyền của Jakarta trong việc khai thác tài nguyên trong vùng EEZ của nước này, thì hoàn toàn có lý do để các nhà hoạch định chính sách Indonesia đánh giá lại chính sách của mình. Không chỉ vậy, vấn đề năng lượng ngày càng có vai trò quan trọng đối với Indonesia, nhất là từ khi công ty dầu khí quốc gia Indonesia Pertamina hợp tác với ExxonMobil, Total, và công ty PTTEP của Thái Lan tiến hành thăm dò lô dầu khí Đông Natuna, và dự kiến khai thác vào năm 2024. Indonesia cũng sẽ có một tổng thống mới vào tháng 10 năm nay, và do đó, có thể sẽ có những thay đổi chính sách quan trọng trong chính sách của Indonesia, phụ thuộc vào ai sẽ được bầu và ngoại trưởng mới sẽ là ai. Hai ứng cử viên hàng đầu cho chiếc ghế tổng thống gần đây đã có cuộc tranh luận về vấn đề này, trong đó cựu thị trưởng Jakarta ông Joko Widodo dành sự ưu tiên cho một chính sách ngoại giao hơn so với ông Prabowo Subianto, người có tính cách thiên về hướng diều hâu. Hiện tại, các nhà hoạch định chính sách của Indonesia đang cố gắng duy trì chính sách hiện tại trong vấn đề Biển Đông: đó là phản đối đường chín đoạn của Trung Quốc mà không thừa nhận có tranh chấp; giúp giải quyết tranh chấp trong khi vẫn giữ vai trò là một bên không có tranh chấp; và bác bỏ yêu sách của Bắc Kinh trong khi vẫn giữ mối quan hệ chiến lược. Xoay xở chính sách như thế nào có ý nghĩ hết sức quan trọng cho Jakarta trong những năm tới, bởi đây là vấn đề không chỉ có tác động tới Indonesia mà sẽ ảnh hưởng tới toàn khu vực.

“Ván bài Poker địa chính trị nguy hiểm giữa Mỹ và Trung Quốc” của Mohan Malik. Dư luận chung về sự mất cân bằng tại Châu Á đang lan rộng; đặc biệt, bất chấp những tuyên truyền về “trỗi dậy hòa bình”, Trung Quốc đang làm chính những điều mà các cường quốc mới nổi vẫn thường làm là mở rộng địa giới, tìm cách bành trướng lãnh thổ, thiết lập và tái thiết lập các thể chế mới và buộc các nước khác phải đi vào quỹ đạo. Do đó, khu vực Châu Á-Thái Bình Dương đang đứng trước ngưỡng cửa của những thay đổi, bao gồm sáu dịch chuyển chiến lược có khả năng định hình tương lai chiến lược của Trung Quốc và bản đồ địa chiến lược của Châu Á như sau: (i) Thứ nhất, các cường quốc Châu Á vươn lên đối ngược với các cường quốc châu Âu thoái trào: Trong ba thập kỷ vừa rồi, Trung Quốc đã chứng tỏ được khả năng vạch kế hoạch và huy động các nguồn lực để thực hiện kế hoạch đó, cả về kinh tế, ngoại giao, quân sự. Nếu Trung Quốc giữ được tốc độ phát triển như hiện nay, mức GDP, chi quân sự và chi R&D của Trung Quốc sẽ cạnh tranh được với Mỹ, ít nhất là về mặt số lượng chứ chưa bàn đến chất lượng. Trung Quốc có tiềm năng trở thành địch thủ mạnh hơn nhiều so với Liên Xô trước đây. Tất nhiên, sự vươn lên của Trung Quốc cũng gặp phải những thách thức từ các nước láng giềng như Nhật, Ấn Độ và cả một số nước hạng trung như Singapore, Hàn Quốc, Indonesia, Việt Nam, Philippines, Australia... Ngay cả Nga, mặc dù phải tìm cách đối phó với sự cô lập của các nước Tây Âu nhưng cũng không phải không có chút kháng cự nào khi buộc phải đóng vai đối tác yếu thế hơn của Trung Quốc. (ii) Thứ hai, sự "bất tiện" về địa chiến lược của Trung Quốc: Việc chuyển hóa quyền lực tại Châu Á đã diễn ra được một thập kỷ và đây là quãng thời gian các nước láng giềng của Trung Quốc phải sống trong nguy hiểm. Trung Quốc cảm thấy không thoải mái do kích thước, mật độ, quyền lực và đặc biệt là do “hội chứng vương quyền Trung Hoa” (Middle Kingdom Syndrome) và cơ chế cống nạp từ xa xưa vẫn chưa phai mờ. Ngày nay, các nước láng giềng của Trung Quốc, mặc dù không chống lại sức mạnh và sự thịnh vượng của Trung Quốc nhưng cũng không sẵn lòng để mất quyền tự quyết trong hoạch định chính sách. Ngoại trừ một số rất ít ngoại lệ (như Pakistan), đa số các nước Châu Á khác (bao gồm cả Triều Tiên) đều không tỏ ra mặn mà với việc sống trong một Châu Á do Trung Quốc thống lĩnh. Thay vào đó, các nước Châu Á  đều tìm cách giữ gìn các liên minh an ninh đang tồn tại và theo đuổi các chiến lược có thể cho họ quyền tự do hành động lớn hơn. Chủ quyền lãnh thổ là lợi ích cốt lõi của tất cả các nước dù lớn dù bé. Căng thẳng leo thang về chủ quyền lãnh thổ giữa Trung Quốc và các nước láng giềng có những tác động địa chính trị nhất định và trong tình huống hiện nay, nó mang lại bất lợi cho Trung Quốc và thuận lợi cho Mỹ. Chính những hành động gây hấn của Trung Quốc cả trên biển và trên đất liền từ 2007 trở lại đây đã đẩy các nước láng giềng của Trung Quốc xích lại gần hơn với Mỹ. Cũng chính những hành động gây hấn của Trung Quốc đang giúp thiết lập nên những liên kết mới chưa từng tồn tại giữa Canberra-Tokyo, Manila-Ha Nội, Manila-Tokyo, Tokyo-Hà Nội, Hà Nội-New Delhi và Tokyo-New Delhi. Mục tiêu chung của các liên kết này đều là nhằm cân bằng Trung Quốc; (iii) Thứ ba, trò chơi "bổn cũ soạn lại": Mở rộng kinh tế tất yếu sẽ dẫn đến việc tìm kiếm nguồn nhiên liệu mới, thị trường mới, căn cứ mới (để bảo vệ nguồn nhiên liệu và thị trường mới), cũng như các cường quốc Châu Âu đã làm với các thuộc địa ở Châu Á, châu Phi, châu Mỹ Latinh trong thế kỷ 18 và 19. Tất cả các yếu tố trên (thương mại, thị trường, khai thác nguồn nguyên nhiên liệu, cảng và cơ sở hạ tầng...) đều là những thành tố quan trọng trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc, trong đó Trung Quốc tập trung chủ yếu phát triển về phía Tây (bao gồm châu Phi, Trung Đông, Nga, Trung Á và Tây Nam Á); (iv) Thứ tư, đã hết thời dành cho sự thống trị của một cường quốc độc nhất: không một cường quốc nào có thể một mình thống trị cả thế giới. Trung Quốc tin tưởng rằng một khi đã đạt được “sức mạnh quốc gia tổng thể” thì mọi thứ sẽ lập tức rơi vào trật tự. Tuy nhiên, thực tế không phải như vậy: các cường quốc chính trở thành siêu cường với sự ủng hộ của các nước nhỏ và trung bình. Nói về số lượng đồng minh và đối tác tiềm năng thì Mỹ vẫn là siêu cường không có đối thủ với 58 đồng minh và 41 đối tác tiềm năng; (v) Thứ năm, lục địa và đại dương có giá trị tương đương: Trung tâm địa chính trị Châu Á đang có xu hướng chuyển dịch vào lục địa với những tác động đối với các quốc gia đại dương. Tương tự như vậy, đối với Trung Quốc, chính sách “hướng Tây” cũng những khoản ngân sách lên đến hàng trăm tỷ đôla mà nước này bỏ ra để xây dựng hệ thống trục và nan hoa về kinh tế nhằm kết nối và cung cấp các nguồn nguyên nhiên liệu cần thiết cho chính mình và các khu vực xung quanh cho thấy cách tiếp cận lục địa vẫn tiếp tục là xu hướng chính trong tính toán của các nhà hoạch định chính sách; (vi) Thứ sáu, công nghệ là chìa khóa quyết định cuộc chơi: Mấy thập kỷ qua đã cho thấy mức độ tác động sâu sắc của công nghệ đối với cục diện thế giới. Mặc dù Trung Quốc và các nước khác cho rằng Mỹ đang trong quá trình suy thoái nhưng những đột phá về công nghệ dầu và khí đá phiến (shale oil and gas) có thể kéo dài sự thống trị của Mỹ trên thế giới, không chỉ củng cố đòn bẩy ngoại giao của Mỹ mà còn đa dạng hóa thị trường năng lượng thế giới, giúp giảm bớt sự phụ thuộc vào nguồn năng lượng Trung Đông và Nga. Vậy, tương lai của địa chiến lược châu Á sẽ ra sao: Sự bất cân xứng về quyền lực giữa các cường quốc trong khu vực tạo ra các mối quan hệ đối tác tạm thời. Với diện tích và sức mạnh hàng đầu tại Châu Á, Trung Quốc đương nhiên là mảnh ghép quan trọng nhất trong bức tranh địa chiến lược Châu Á. Chỉ khi nào Trung Quốc dừng lại và chấp nhận nguyên trạng trong các tranh chấp lãnh thổ cả trên bộ và trên biển thì Trung Quốc mới có thể hóa giải được các hình thức liên minh theo kiểu Chiến tranh Lạnh hiện nay và đồng thời loại bỏ được lý do chính đáng của sự hiện diện của Mỹ tại khu vực./.