Động thái các quốc gia

+ Trung Quốc:

Tàu chấp pháp Trung Quốc hiện diện liên tục ở Biển Đông. Trang BenarNews ngày 1/4 đưa tin, tàu cảnh sát biển số hiệu 5302 của Trung Quốc hiện diện liên tục ở một số thực thể ở Trường Sa trong tháng 3: xuất hiện ở Bãi Trăng khuyết ngày 6/3, di chuyển quanh ở Bãi Cỏ Mây từ ngày 9/3-30/3, dừng tiếp liệu tại Đá Vành Khăn ngày 19/3, áp sát Bãi Suối Ngà trong các ngày 13/3, 20/3 và 27/3. Theo hình ảnh vệ tinh của Tổ chức Sáng kiến Minh bạch Biển, tàu 5302 rời căn cứ ở Đá Vành Khăn và xâm nhập vùng EEZ của Malaysia đầu tháng 12/2019, sau đó xuất hiện trong đội tàu đối đầu với Indonesia ở Natuna từ 30/12/2019-4/1/2020.

Trung Quốc triển khai hoạt động dầu khí ở Biển Đông. Cục Hải sự tỉnh Quảng Đông ngày 1/4 đăng cảnh báo cảnh báo hàng hải số 0057: Từ ngày 1/4 đến ngày 31/8 tại Biển Đông, các tàu “Dầu khí Hải dương 707”, “Dầu khí Hải dương 708”, “Dầu khí Hải dương 709”, “Dầu khí Hải dương 623”, “Nam Hải 503” tiến hành khảo sát địa chất xây dựng dự án khai thác liên hợp tại mỏ dầu “Ân Bình 15-1/10-2/15-2/20-4”.

Trung Quốc hoàn tất đợt nghiên cứu Biển Đông đầu tiên năm 2020. Tàu “Tansuo 1” ngày 2/4 đã trở về Hải Nam sau chuyến nghiên cứu khoa học biển đầu tiên năm 2020 bắt đầu từ ngày 10/3. Trong lần khảo sát này, Trung Quốc đã lần đầu tiên phát hiện hệ sinh thái “kình lạc” (whale fall - hệ sinh thái biển xuất hiện sau khi cá voi chết và chìm xuống). Theo giới khoa học Trung Quốc, phát hiện này có giá trị quan trọng trong việc nhận biết cơ chế duy trì sự sống ở biển sâu, góp phần vào việc bảo vệ và khai thác tài nguyên đa dạng sinh học biển.

Trung Quốc bao biện việc đâm chìm tàu cá Việt Nam ở Hoàng Sa. Tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 3/4, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cho hay, “Sáng 2/4, một tàu hải cảnh Trung Quốc khi tuần tra phát hiện tàu cá Việt Nam đánh bắt ở quần đảo Hoàng Sa. Tàu cá Việt Nam từ chối rời đi và bất ngờ chuyển hướng về phía tàu Trung Quốc. Mặc dù tàu hải cảnh của Trung Quốc đã tránh, nhưng bị đâm vào mũi tàu. Tàu cá Việt Nam sau đó bị ngập nước và chìm. Tàu hải cảnh Trung Quốc tiến hành cứu hộ 8 ngư dân Việt Nam.” Trên thực tế ngày 2/4, tàu cá Quảng Ngãi mang số hiệu QNg 90617 TS đang hoạt động tại vùng biển Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam bị tàu Trung Quốc đâm chìm.

+ Việt Nam:

Việt Nam phản đối tàu hải cảnh Trung Quốc đâm chìm tàu cá QNg 90617 TS ở Hoàng Sa. Ngày 3/4, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh, "Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế. Hành động của tàu công vụ Trung Quốc xâm phạm chủ quyền Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, gây thiệt hại về tài sản, đe doạ an toàn tính mạng và lợi ích hợp pháp của ngư dân Việt Nam, đi ngược lại nhận thức chung của Lãnh đạo cấp cao hai nước về việc đối xử nhân đạo với ngư dân và Thoả thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam - Trung Quốc, trái với tinh thần Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông, gây phức tạp tình hình và không có lợi cho quan hệ hai nước cũng như việc duy trì hoà bình, ổn định và hợp tác ở Biển Đông". Ngày 3/4, đại diện Bộ Ngoại giao đã giao thiệp với đại diện Đại sứ quán Trung Quốc và trao công hàm phản đối, yêu cầu phía Trung Quốc điều tra làm rõ, xử lý nghiêm đối với nhân viên công vụ và tàu Hải cảnh Trung Quốc nêu trên, không để tái diễn những hành động tương tự, đồng thời bồi thường thoả đáng các thiệt hại cho ngư dân Việt Nam.

+ Mỹ:

Máy bay quân sự Mỹ bay gần Đài Loan lần thứ 4 trong tháng 3/2020. Máy bay săn ngầm P-3C của Mỹ bay gần không phận phía Nam của hòn đảo hôm 31/3. Liên tiếp trong tuần trước, máy bay Mỹ đã 3 lần bay gần Đài Loan: ngày 25/3, máy bay do thám EP-3E ARIES II; ngày 26/3, máy báy ném bom B-52 Stratofortress và máy bay tiếp liệu KC-135, ngày 27/3, một máy bay B-52 và một máy bay do thám RC-135U. Hiện người phát ngôn Bộ Quốc phòng Đài Loan chưa đưa ra bình luận. Động thái của Mỹ diễn ra trong bối cảnh tàu khu trục USS McCampbell ngày 25/3 đi qua Eo biển Đài Loan.

Tàu chiến Mỹ, Nhật Bản thực hành hiệp đồng ở Biển Andaman. Tàu chiến ven biển USS Gabrielle Giffords và khu trục hạm JS Teruzuki diễn tập trao đổi thông tin, hình ảnh, chiến thuật phối hợp trên Biển Andaman ngày 2/4. Tư lệnh Nhóm Viễn chinh Tấn công 7, Phó Đô đốc Fred Kacher cho hay, “Tàu hai bên có thể nhanh chóng triển khai kế hoạch và cùng phối hợp phản ánh mối quan hệ chặt chẽ và tính chuyên nghiệp của hai bên. Hoạt động diễn tập như vậy khẳng định cam kết của chúng tôi với môi trường an ninh, ổn định, thịnh vượng ở khu vực huyết mạch này.” Tàu Teruzuki hoạt động ở khu vực với nhiệm vụ huấn luyện sĩ quan, trong khi tàu USS Gabrielle Giffords gần đây được triển khai luân phiên tới Hạm đội 7.

+ Nhật Bản:

Chiến hạm Nhật Bản va chạm với tàu cá Trung Quốc ở Biển Hoa Đông. Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Taro Kono cho hay tàu khu trục JS Shimakaze va chạm một tàu cá Trung Quốc trên Biển Hoa Đông tối ngày 30/3. Vụ việc, cách đảo Yakushima của Nhật Bản khoảng 650 km về phía tây, khiến mạn trái tàu chiến Nhật bị thủng một lỗ rộng hơn một mét. Theo Bộ trưởng Kono, “thủy thủ đoàn chiến hạm Nhật Bản và tàu cá Trung Quốc đều không bị thương. Chúng tôi đang điều tra chi tiết sự việc.” Trong khi đó, người phát ngôn Hoa Xuân Oánh cho hay, “Trung Quốc bày tỏ quan ngại về hoạt động thường xuyên của tàu chiến Nhật Bản ở khu vực này, ảnh hưởng tới hoạt động lưu thông an toàn của tàu Trung Quốc.”

Thực hiện: Đinh Anh