Động thái của các quốc gia

+ Trung Quốc:

Trung Quốc đưa vào hoạt động tàu diệt ngầm tàng hình ở Biển Đông. Hải quân Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLAN) ngày 31/3 chính thức đưa vào hoạt động tàu hộ tống mới 056/056A lớp Giang Đảo tại căn cứ hải quân Du Lâm owr Hải Nam. Chiến hạm Lục Bàn Thủy này sẽ thuộc biên chế Hạm đội Nam Hải. PLAN có kế hoạch xây dựng hạm đội 60 tàu hộ tống loại 056/056A lớp Giang Đảo với mục tiêu cứ mỗi 6 tuần đưa vào hoạt động 1 tàu mới. Hôm 1/4, PLAN cũng đưa vào hoạt động một khinh hạm tên lửa dẫn đường khác loại 054A lớp Giang Khải-II.

Trung Quốc quan ngại Philippines triển khai quân đội đến các đảo ở Biển Đông. Phát biểu trong cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 7/4, Người phát ngôn Hoa Xuân Oánh cho hay, “Trung Quốc kiên quyết bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, quyền lợi biển và lợi ích ở Biển Đông. Về thông tin trên, Trung Quốc rất quan tâm và hy vọng Philippines sẽ tiếp tục giải quyết đúng đắn tranh chấp với Trung Quốc. Hai bên cùng hợp tác để duy trì mối quan hệ phát triển bền vững và tốt đẹp.”

+ Việt Nam:

Việt Nam phản ứng về động thái của Philippines tại Biển Đông. Về việc Philippines có ý định củng cố, mở rộng sự hiện diện tại quần đảo Trường Sa, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng ngày 9/4 nêu rõ: “Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Mọi hành vi của quốc gia khác tại hai quần đảo này mà không được sự cho phép của Việt Nam đều là bất hợp pháp và vô giá trị. Trong khi chờ đợi tìm kiếm một giải pháp cơ bản và lâu dài cho tranh chấp, các bên cần kiềm chế, không có các hành động làm phức tạp tình hình hay mở rộng tranh chấp”.

+ Philippines:

Tổng thống Philippines chỉ thị triển khai quân tới các đảo yêu sách. Ngày 6/4, phát biểu tại trụ sở của Bộ Tư lệnh Miền Tây Philippines ở tỉnh Palawan, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte cho biết ông đã ra lệnh cho quân đội chiếm đóng và củng cố các đảo chưa bị chiếm mà Philippines yêu sách ở Trường Sa, “Có vẻ mọi người đang tìm cách chiếm các đảo ở đây, tốt hơn hết là chúng ta đưa nhân sự tới các đảo hiện chưa có người ở. Philippines muốn làm bạn với tất cả nhưng chúng ta phải duy trì quyền tài phán của mình, ít nhất là ở các khu vực Philippines đang kiểm soát. Quân đội sẽ chiếm giữ và treo cờ trên tất cả các thực thể Philippines kiểm soát.” Vào lễ kỷ niệm ngày độc lập của Philippines ngày 12/6, ông Duterte dự định thị sát và dự lễ thượng cờ trên đảo Thị Tứ. Hãng Reuters ngày 7/4 dẫn lời một giới chức Hải quân Philippines cho việc triển khai quân chỉ diễn ra ở những thực thể Philippines yêu sách, không chiếm vùng lãnh thổ mới. Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana cho biết Philippines hiện có kế hoạch sửa chữa và nâng cấp các cơ sở ở Trường Sa, bao gồm doanh trại, hệ thống xử lý nước và chất thải, máy phát điện, hải đăng và nơi trú ẩn cho ngư dân.

Máy bay cảnh sát biển Philippines tuần tra ở Benham Rise. Lực lượng cảnh sát biển Philippines (PCG) hôm 2/4 iến hành tuần tra trên khu vực Benham Rise, sau thông tin tàu khảo sát Trung Quốc xuất hiện và lưu lại dài ngày ở khu vực này vào năm 2016. Người phát ngôn của PCG Trung tá Armand Balilo cho hay một máy bay Britten Norman Islander đã tiến hành giám sát khu vực này. Trước đó không lâu, tàu BRP Ramon Alcaraz của Hải quân Philippines cũng tuần tra tại khu vực này.

+ Indonesia:

Indonesia trao trả số ngư dân Việt Nam lớn nhất từ đầu năm đến nay. Ngày 5/4, có 39 ngư dân Việt Nam được Indonesia trao trả về nước. Các ngư dân chủ yếu quê ở Kiên Giang và Bình Định, bị giam giữ 5-7 tháng tại đảo Pontianak, tỉnh Kalimantan. Trong dịp này, Đại sứ quán Việt Nam tại Indonesia đã hoàn thành thủ tục bảo hộ công dân để đưa tổng cộng 111 ngư dân về nước. Đây là đợt trao trả ngư dân Việt Nam lớn nhất từ đầu năm đến nay. Tình trạng ngư dân Việt Nam vi phạm vùng biển của Indonesia và bị bắt giữ thời gian qua có xu hướng tăng mạnh. Từ đầu năm đến nay đã có 42 tàu với 392 ngư dân bị bắt giữ.

Quan hệ các nước

Ấn Độ - Malaysia kêu gọi tất cả các quốc gia tôn trọng Luật Biển. Tuyên bố chung đưa ra sau cuộc gặp hôm 1/4 giữa Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và người đồng cấp Malaysia Najib Abdul Razak ở Ấn Độ nêu rõ: Hai nhà lãnh đạo hối thúc tất cả các bên giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, không đe dọa hay sử dụng vũ lực, kiềm chế và tránh các hành động đơn phương có thể làm gia tăng căng thẳng. Hai nhà lãnh đạo tái khẳng định cam kết tôn trọng tự do đi lại và hoạt động thương mại hợp pháp không bị cản trở theo các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, như quy định trong UNCLOS 1982.

Trung Quốc - ASEAN đạt tiến bộ trong đàm phán COC. Ngày 4/4, quyền Ngoại trưởng Philippines Enrique Manalo cho biết: “Chúng tôi đã đạt được tiến bộ trong việc đề ra một khuôn khổ cho Bộ quy tắc ứng xử với Trung Quốc. Trên thang điểm từ 1 - 10, chúng tôi hiện đang ở mức cao. Chúng tôi đã thống nhất được một số thành tố và chắc chắn sẽ tạo ra một khuôn khổ để bước vào đàm phán nghiêm túc”. Các quan chức Trung Quốc và ASEAN đã gặp nhau ở Indonesia và Campuchia trong hai tháng qua để cố gắng đưa ra dự thảo cuối cùng trước cuộc họp Bộ trưởng Ngoại giao vào tháng 8 tại Manila.

Trung - Mỹ nhất trí tăng cường đối thoại và hợp tác. Trong chuyến thăm Mỹ từ 4-7/4, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có cuộc hội đàm với Tổng thống Mỹ hôm 7/4 tại khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago ở bang Florida. Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị hôm 8/4 giới thiệu nội dung và kết quả hội đàm giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ - Trung. Về quan hệ tổng thể hai nước, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhấn mạnh quan hệ hai nước tốt đẹp có lợi với nhân dân hai nước với thế giới, hợp tác là lựa chọn đúng đắn của Trung - Mỹ. Về phần mình, Tổng thống Trump cho rằng Trung - Mỹ là hai nước lớn có trách nhiệm lớn trên thế giới, vì vậy hai bên cần duy trì trao đổi, phối hợp trên các vấn đề quan trọng. Hai bên tuyên bố thiết lập bốn cơ chế đối thoại cấp caonhất trí tăng cường giao lưu quân đội, đi sâu hợp tác trong lĩnh vực chấp pháp tư pháp, an ninh mạng…Hai bên nhất trí cùng nhau kiểm soát quản lý bất đồng trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau. Phía Trung Quốc tái khẳng định lập trường nguyên tắc về vấn đề Biển Đông. Ngoại trưởng Vương Nghị cho biết, thông qua hội đàm lần này, nguyên thủ hai nước đã chỉ rõ phương hướng cho quan hệ hai nước phát triển. Trước đó trong cuộc báo hôm 7/4 tại Palm Beach, Florida, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson cho hay hai nhà lãnh đạo đã có cuộc thảo luận thẳng thắng về an ninh biển và an ninh khu vực. Tổng thống Trump nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tuân thủ các luật lệ quốc tế ở Biển Đông và Biển  Hoa Đông và không quân sự hóa khu vực.

Phó Tổng thống Mỹ công du Châu Á vào giữa tháng 4. Nhà Trắng cho biết ngày 15/4, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence sẽ có chuyến công du dài 10 ngày tới 4 nước thuộc khu vực Á Châu - Thái Bình Dương, bao gồm Nhật Bản, Indonesia, Úc và Hawaii. Đây sẽ là chuyến công du chính thức đầu tiên của Phó Tổng thống Mike Pence tới khu vực. Tại đây ông sẽ gặp các lãnh đạo khu vực để thảo luận về các liên minh quân sự của Mỹ, cũng như về vấn đề thương mại và kinh tế.

Phân tích và đánh giá

Mỹ - Trung và “Chính sách đối ngoại độc lập” của Duterte của Mico A. Galang

Ngay từ khi nắm quyền lãnh đạo, Tổng thống Duterte đã tuyên bố rằng chính quyền của ông theo đuổi một “chính sách đối ngoại độc lập”. Ngay từ đầu nhiệm kỳ mới, các quan chức trong chính quyền Duterte đã đưa ra những nguyên tắc khá chung chung về việc một chính sách như vậy được định hình như thế nào. Tuy nhiên, chính trong cuộc phỏng vấn trên truyền hình ngày 03/04, đại sứ Philippines mới tại Trung Quốc, Jose Sta. Romana, đã đưa ra lời giải thích chi tiết và toàn diện nhất từ trước đến nay.

Bối cảnh chung của chính sách đối ngoại Philippines là sự chuyển dịch quyền lực trong khu vực đang ngày càng hiện hữu. Sta. Romana cho rằng Trung Quốc không phải là một “siêu cường” nhưng là một “cường quốc chính của khu vực”, lưu ý rằng các nước láng giềng cảm nhận được sự trỗi dậy của Trung Quốc khi nước này tìm cách mở rộng quyền lực và ảnh hưởng trong khu vực, đặc biệt là Biển Đông.

Sta. Romana xác định ba thành tố chính trong chính sách đối ngoại độc lập của Duterte. Một là, “tách chính sách đối ngoại ra khỏi Mỹ”. Ông chỉ ra rằng Philippines “không có ý đoạn tuyệt với Mỹ”, mà thay vào đó, Philippines chỉ muốn giảm dần sự phụ thuộc vào Washington. Hai là, một chính sách đối ngoại độc lập đòi hỏi “cải thiện quan hệ với Trung Quốc”. Cuối cùng, Sta. Romana nhấn mạnh việc “cải thiện quan hệ với các nước đối tác phi truyền thống”, như Nga, Nhật Bản và Ấn Độ.

Theo Sta. Romana, mục tiêu chung của chính sách đối ngoại độc lập là tìm được “chỗ đứng địa chính trị tốt”, chẳng hạn “khoảng không nằm giữa Mỹ-Trung để tối đa hóa lợi ích quốc gia”.

Hay nói cách khác, chính quyền Duterte tỏ ra là đang theo đuổi một chiến lược phòng ngừa. Mục tiêu của nó là “đạt được càng nhiều lợi ích từ các nước lớn càng tốt, đồng thời vẫn tìm cách giảm bớt các rủi ro trong dài hạn hơn”. Rõ ràng tư tưởng phòng ngừa chi phối chính sách đối ngoại của Duterte, đặc biệt là ở Biển Đông.

Nhằm tránh lối “ngoại giao la làng”, Sta. Romana kêu gọi lối ngoại giao “song phương lặng lẽ” đối với Biển Đông. Do bản chất phức tạp của tranh chấp, Đại sứ Sta. Romana lưu ý rằng giải quyết vấn đề này “sẽ mất thời gian”. Thành tố chủ chốt cũng nằm ở chỗ tăng cường hợp tác ở những lĩnh vực ít bất đồng. Ý tưởng này nhằm tách biệt tranh chấp Biển Đông “khỏi các lĩnh vực không tranh chấp”.

Sự chuyển dịch bất ngờ của chính sách đối ngoại Philippines bị coi là “thuần phục Trung Quốc”, điều này được củng cố bởi những phát ngôn mạnh mẽ của Duterte nhắm vào Washington. Tuy nhiên, Sta. Romana cho rằng quan niệm này là “một sự hiểu lầm sâu sắc”.

Trên thực tế, chính quyền Philippines không loại bỏ những cơ sở pháp lý của mối quan hệ đồng minh này. Thực ra, dưới thời Duterte, các cơ sở vật chất theo EDCA sẽ được xây dựng ở “những địa điểm đã được thỏa thuận”. Và với một vài sửa đổi, cuộc tập trận Balikatan sẽ vẫn tiếp tục.

Ông cũng thừa nhận: “Việc thúc đẩy một chính sách đối ngoại độc lập sẽ không dễ dàng”. Rõ ràng, thực hiện chính sách như vậy đòi hỏi một hành động cân bằng khéo léo trong một môi trường an ninh khu vực đang biến đổi.

Đối phó với hành vi của Bắc Kinh ở Biển Đông của Ross Babbage

Tháng trước, Trung Quốc lại có những động thái trên Biển Đông.

Lãnh đạo địa phương ở khu vực mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền đã phát biểu với truyền thông nhà nước Trung Quốc sẽ sớm triển khai một “trạm quan trắc môi trường” trên bãi cạn Scarborough. Các cơ sở mới được dự tính xây dựng trên bãi cạn Scarborough sẽ mở rộng mạng lới cung cấp hình ảnh radar cho Trung Quốc, phủ kín các khu vực chiến lược trọng yếu của Philippines, trong đó có căn cứ hải quân Vịnh Subic.

Bắc Kinh đang áp dụng nội luật của mình đối với tất cả các khu vực yêu sách và quấy nhiễu cũng như bắt bớ nhiều tàu cá và các tàu khác của nước ngoài. Trung Quốc cũng có ý định biến hầu hết Biển Đông thành khu vực giống như tuyến hàng hải nội thủy của mình. Tuyên bố của Trung Quốc về bãi cạn Scarborough đẩy Manila và Washington vào tình thế lưỡng nan rất cấp bách.

Toàn bộ những gì đã xảy ra sau đó vẫn chưa được tiết lộ. Tuy nhiên, Philippines đã ra công hàm phản đối Trung Quốc và có thể Mỹ cũng đã thể hiện quan điểm mạnh mẽ của mình một cách kín đáo, cho thấy rằng nếu Trung Quốc không thay đổi lập trường, vấn đề này sẽ làm trở ngại chuyến thăm của Tập Cận Bình đến Washington. Đối mặt với những khó khăn chồng chất, người phát ngôn chính phủ Trung Quốc bất ngờ phủ nhận Trung Quốc đã tuyên bố bất kỳ kế hoạch xây dựng cơ sở vật chất nào trên bãi cạn Scarborough.

Washington và các nước đồng minh nên làm gì trước những diễn biến này? Tất cả đều chỉ ra rằng các mục tiêu của Bắc Kinh ở Biển Đông không hề thay đổi nhưng bằng thủ đoạn chiến thuật, Trung Quốc mong muốn tránh né mọi leo thang căng thẳng. Việc nối lại hoạt động ở bãi cạn Scarborough có thể lường được.

Nhà Trắng có 3 lựa chọn:

Một là, ông Trump có thể tiếp cận ở mức tối thiểu. Ông có thể tái khẳng định lợi ích của chính quyền Obama trong việc nhìn nhận tất cả các tranh chấp khu vực cần được giải quyết hòa bình và phù hợp với luật pháp quốc tế và làm ngơ trước tình thế khó khăn của Philippines. Lựa chọn này dường như khó xảy ra.

Hai là, Trump có thể có quan điểm che chở cho Philippines đồng thời tìm cách bảo vệ chủ quyền cho nước này và bảo vệ uy tín của Mỹ. Chẳng hạn, ông có thể thể hiện sự quan ngại về các kế hoạch của Trung Quốc với ông Tập Cận Bình. Các tàu và máy bay của Mỹ có thể tuần tra trong khu vực như cách mà Tổng Thống Obama đã làm hồi cuối năm ngoái.

Lựa chọn thứ ba là không có cách nào khác ngoài việc Mỹ phải phản ứng với chủ nghĩa bành trướng và cách hành xử cạnh tranh của Bắc Kinh bằng việc phát triển chiến lược cạnh tranh của riêng mình. Đây có thể là cách tiếp cận dài hạn, bao gồm một loạt các biện pháp: ngoại giao, thông tin, kinh tế, địa chiến lược, nhập cư, pháp lý, quân sự và các biện pháp khác. Các biện pháp này sẽ được căn chỉnh theo thời gian nhằm kiềm chế sự quyết đoán của Bắc Kinh, khuyến khích hành vi có trách nhiệm  của Trung Quốc và bảo vệ các lợi ích cốt lõi của Mỹ và đồng minh.

Chiến tranh phức hợp có thể bảo vệ các lợi ích của Mỹ ở Biển Đông của Tobias Burgers & Scott N. Romaniuk

Kể từ khi Donald Trump nhậm chức, chính quyền đã thể hiện một lập trường mạnh mẽ trong vấn đề an ninh ở Biển Đông. Trong phiên điều trần trước Thượng viện Mỹ, Ngoại trưởng Rex Tillerson tỏ ý cho biết Mỹ có những dự định cứng rắn đối với các tranh chấp ở Biển Đông: không bị Trung Quốc thao túng, để vùng biển này là nơi hoạt động hàng hải diễn ra tự do theo đúng luật quốc tế, và để tránh cho khu vực bị quân sự hóa. Trước khi được bổ nhiệm, cố vấn Nhà Trắng của ông Trump là Steve Bannon thậm chí còn nói rằng Mỹ có thể phát động một cuộc chiến với Trung Quốc liên quan đến vấn đề Biển Đông.

Các phát biểu nói trên cho thấy Mỹ sẽ có hướng đi mang tính đối đầu với Trung Quốc hơn so với những năm trước đây. Bởi vậy, nhiều người kỳ vọng rằng trong thời gian tới lực lượng vũ trang Mỹ sẽ tăng cường hiện diện và hoạt động tích cực hơn ở Biển Đông.

Trung Quốc có thể cũng sẽ tăng cường sự hiện diện tại Biển Đông bằng các trang thiết bị không người lái, sử dụng những hệ thống vũ khí và trang thiết bị tân tiến này để gia tăng lợi thế cho mình. Tuy nhiên, điều này có hai mặt. Cũng giống như Trung Quốc, lực lượng vũ trang Mỹ có thể sẽ triển khai các thiết bị không người lái trong khu vực với quy mô lớn, đúng như tuyên bố của Tổng thống Trump “Lớn hơn, Tốt hơn và Mạnh hơn”.

Nỗ lực này có thể bắt đầu bằng các thiết bị lặn không người lái (UAV), một hệ thống lý tưởng để tăng cường sự hiện diện tại Biển Đông, bởi các thiết bị này cho phép Mỹ dễ dàng tiếp cận và theo dõi các hoạt động của Trung Quốc trong khu vực. Đối với dư luận phương Tây, Biển Đông là một vấn đề có vẻ xa xôi, hiếm khi thu hút sự chú ý của dư luận. Điều này một phần là bởi truyền thông ít khi đăng tải các hình ảnh cụ thể về khu vực. Trong khi đó, các UAV, với thiết bị ghi hình tân tiến, có thể giúp Mỹ chia sẻ các hình ảnh liên quan đến hoạt động của Trung Quốc, hoặc của các quốc gia khác, tại Biển Đông. Tuy nhiên, việc đưa Biển Đông trở thành một vấn đề nóng được dư luận toàn thế giới quan tâm vẫn còn là một chặng đường dài.

Lợi ích lớn nhất của việc sử dụng các thiết bị UAV ở Biển Đông chính là bản chất của chúng: không đòi hỏi sự hiện diện của con người, giúp tránh khỏi những sự cố như hồi năm 2001. Trên thực tế, các thiết bị UAV có thể là một giải pháp lý tưởng cho chiến tranh phức hợp. Với các thiết bị này, Mỹ có thể tăng cường việc tiếp cận các tàu biển của Trung Quốc, đồng thời vẫn tránh được việc có những hành vi bị xem là khiêu khích hay đối mặt với các nguy cơ va chạm không mong muốn.

Việc sử dụng các thiết bị này sẽ hỗ trợ đáng kể cho lực lượng hải quân và không quân Mỹ. Biển Đông có thể trở thành nơi để Mỹ diễn tập và thử nghiệm các hệ thống không người lái mới, từ dưới biển, trên bộ hay thậm chí là trên không. Việc thử nghiệm là rất quan trọng để vừa xác định được khả năng vận hành của các trang thiết bị này, vừa là để đánh giá tác động đối với những chiến thuật và chiến lược lớn hơn.

Chiến lược ‘chiếm và đàm’ của Trung Quốc ở Biển Đông của Anders Corr

Gần đây, Trung Quốc đã kêu gọi thúc đẩy tiến trình hoàn tất COC và cơ chế hợp tác mới tại vùng biển này. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng lời kêu gọi này thực chất là vỏ bọc, và chỉ là một phần trong chiến lược “chiếm và đàm” của Trung Quốc. Điều này càng thể hiện rõ nét qua những tuyên bố trái ngược với hành động thực tế của Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông.

Trung Quốc trên thực tế đã tìm cách trì hoãn các cuộc thảo luận về COC mà ASEAN thúc đẩy trong suốt 15 năm qua. Trong khi đó, Trung Quốc lại dần từng bước tìm cách bành trướng, tuyên bố chủ quyền của mình với cái gọi là “Đường 9 đoạn” và nhanh chóng xây các hòn đảo nhân tạo kể từ đó. Sau quá trình bồi đắp và xây dựng trái phép, hiện Trung Quốc đang đẩy mạnh việc lập kế hoạch, triển khai trang thiết bị và quân sự hóa các hòn đảo này với các cơ sở hạ tầng được xây mới.

Trung Quốc đã hủy hoại một khu vực với tổng diện tích lên tới 48 dặm vuông tại Quần đảo Trường Sa với các hoạt động xây dựng đảo trái phép nhưng lại không bị bất cứ tổ chức quốc tế nào phản đối.

Cuối tháng 3, Trung Quốc đã lớn tiếng nói về quyết tâm giải quyết, khắc phục hậu quả thiên tai, tuy nhiên, thực tế số tiền mà họ chi cho các chiến dịch này không đi cùng với những tuyên bố khoa trương. Mặc dù là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, song trong năm 2015, Trung Quốc chỉ bỏ ra 37 triệu USD, tương đương 0.0000033% Tổng thu nhập Quốc gia (GNI). Không chỉ đóng góp ít ỏi cho các hoạt động cứu trợ nhân đạo, Trung Quốc còn đang tìm cách kiểm soát và tranh giành các nguồn tài nguyên thiên nhiên quan trọng với các nước láng giềng nghèo hơn ở Biển Đông, những gì mà luật pháp quốc tế cho là không thuộc về họ.

Trong khi Trung Quốc đang nói về vấn đề an toàn hàng hải, các ngư dân cùng tàu đánh cá tư nhân và được nhà nước hậu thuẫn đang tấn công, đe dọa hay thậm chí là đánh chìm tàu bè của nhiều quốc gia khác như Nhật Bản, Hàn Quốc, Việt Nam và Philippines.

Với những hành vi hung hăng có chủ đích, các tàu đánh cá với lớp vỏ sắt và Lực lượng Tuần duyên, được hải quân hậu thuẫn, tập trung triển khai tại vùng Biển Đông và Hoa Đông, đang đe dọa và lấn át các lực lượng bảo vệ bờ biển và ngư dân của nhiều quốc gia trong khu vực. Các quốc gia có năng lực hải quân yếu kém đang bị Trung Quốc lấn át.

Các tuyên bố “thiếu trung thực” của Trung Quốc về hoạt động hợp tác tại Biển Đông là cách để họ lấp liếm những vấn đề gây nhiều tranh cãi. Trung Quốc cần nhận thức được rằng họ sẽ không thể tiếp tục qua mặt cộng đồng quốc tế bằng sự thiếu trung thực này. Nếu nhắm mắt làm ngơ và không bảo vệ các khu vực như Biển Đông hay biển Hoa Đông, chúng ta sẽ phải chứng kiến luật pháp quốc tế sẽ bị hủy hoại trong tay Trung Quốc. Nếu không nhanh chóng hành động, Mỹ và các đồng minh sẽ đối mặt với nguy cơ bị xâm phạm.

Năm câu hỏi khó về COC của Termsak Chalermpalanupap

Việc Trung Quốc đột nhiên muốn hoàn tất việc soạn thảo bản dự thảo COC trước cuối tháng 6 năm nay đã khiến các nước ASEAN rất hào hứng. Tuy nhiên, hiện có ít nhất năm câu hỏi chưa có lời giải đáp.

Thứ nhất, COC sẽ được áp dụng cho những khu vực nào?

Đây chính là câu hỏi đã từng khiến các quan chức ASEAN và Trung Quốc “nhức đầu” ngay từ khi họ bắt đầu bàn về việc soạn thảo COC. Vấn đề phạm vi áp dụng là một vấn đề nan giải trong cuộc đàm phán về COC. Bộ quy tắc này có thể sẽ chỉ được áp dụng cho những khu vực và những thực thể nằm chồng lấn lên các vùng có hơn hai bên đòi chủ quyền.

Thứ hai, quy chế của COC sẽ như thế nào?

Từ lâu ASEAN vẫn muốn là COC phải là một thỏa thuận mang tính ràng buộc pháp lý quốc tế. Hiện giờ, ASEAN thậm chí chưa biết là Trung Quốc có thật sự muốn một COC mang tính ràng buộc pháp lý hay không. Nếu Bắc Kinh thật sự chấp nhận COC, họ sẽ đòi có những điều kiện gì và những ngoại lệ nào cho bộ quy tắc ứng xử này? Nên nhớ rằng khi thông qua UNCLOS, Trung Quốc đã đưa vào đó những ngoại lệ, chẳng hạn như không chấp nhận những điều khoản liên quan đến giải quyết tranh chấp về ranh giới lãnh hải và các hoạt động quân sự.

Thứ ba, COC có các điều khoản dành cho các nước khác?

Cho tới nay, Trung Quốc vẫn dứt khoát không chấp nhận cho các nước ngoài Biển Đông, nhất là Mỹ và Nhật Bản, can thiệp vào tranh chấp này. Để cho các nước “bên ngoài” tham gia vào COC chẳng khác gì công nhân những lợi ích chính đáng của các nước khác về hòa bình và an ninh tại các vùng tranh chấp ở Biển Đông.

Thứ tư, COC sẽ có những nội dung nào?

Cả hai bên đều đồng ý là COC phải được soạn thảo dựa trên DOC, nhưng không thay thế hoàn toàn DOC. Nếu như thế thì COC phải được xây dựng làm sao để có thể giải quyết những vấn đề mới, chẳng hạn như vấn đề quân sự hóa các thực thể đang tranh chấp. Thế nhưng, xác định thế nào là việc quân sự hóa nguy hiểm và không thể chấp nhận được không phải là điều dễ dàng.

ASEAN chắc sẽ vẫn muốn đưa vào COC cam kết về việc không sử dụng vũ lực, giống như trong DOC. Năm 2003, Trung Quốc đã gia nhập Hiệp ước TAC ở Đông Nam Á, trong đó bao gồm các nguyên tắc không sử dụng vũ lực và giải quyết hòa bình tranh chấp. Việc Bắc Kinh gia nhập hiệp ước này có thể cho thấy là họ không thật sự xem Biển Đông là lợi ích cốt lõi ngang tầm với Đài Loan, Tây Tạng hay Tân Cương, tức là có thể họ sẵn sàng cam kết không dùng vũ lực và sẽ giải quyết hòa bình tranh chấp. Một vấn đề mới khác có thể được đưa vào COC, đó là cùng phát triển các vùng tranh chấp ở Biển Đông.

Thứ năm, làm thế nào để buộc các bên thi hành COC?

Rất có thể là mọi quyết định trong khuôn khổ COC sẽ được đưa ra dựa trên đồng thuận giữa ASEAN và Trung Quốc. Điều này có nghĩa là phía Trung Quốc phải hợp tác để bảo đảm cho COC được tuân thủ. Nhưng nếu Bắc Kinh vi phạm thì ASEAN có thể làm được gì?

Về phần Mỹ, có lẽ Washington sẽ tiếp tục tiến hành các chiến dịch bảo đảm tự do hàng hải ở Biển Đông gần sát đảo tranh chấp, vì đối với họ, đó là vấn đề lợi ích cốt lõi. Như vậy, COC sẽ không giúp chấm dứt đối đầu Mỹ-Trung ở vùng biển này./.