Bản PDF tại đây

 

Động thái của các quốc gia

+ Trung Quốc:

Trung Quốc sắp xây xong khu định cư trái phép ở Hoàng Sa. Bắc Kinh tuyên bố đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng 27 căn hộ đầu tiên trên Đảo Cây thuộc Quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Chính quyền của cái gọi là “Thành phố Tam Sa” dự kiến sẽ hoàn thành xây dựng khu định cư trên vào tháng 12 năm nay với mục đích “cải thiện sinh hoạt sản xuất cho ngư dân Trung Quốc sinh sống trên đảo.” Dự án xây dựng trái phép này bắt đầu từ tháng 11/2014 trên diện tích 5.504 m2.

Trung Quốc phản ứng trước bình luận của Mỹ về hoạt động cải tạo đảo. Về việc Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ Antony Blinken cho rằng hoạt động cải tạo đảo quy mô lớn của Trung Quốc ở Biển Đông là hành động đơn phương thay đổi hiện trạng, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh hôm 29/6 tuyên bố, “Hoạt động xây dựng liên quan nằm trong phạm vi chủ quyền của Trung Quốc. Hy vọng phía Mỹ không nên thiên vị đồng minh mà cần tôn trọng sự thật, tôn trọng chủ quyền và lợi ích của Trung Quốc, ngừng phát biểu những lời lẽ thiếu trách nhiệm và cố ý gây không khí căng thẳng, đối đầu trong khu vực.” Về Hội nghị nhóm công tác chung lần thứ 14 về thực hiện DOC giữa ASEAN - Trung Quốc tại Malaysia từ ngày 1 - 3/7/2015, bà Hoa cho biết, “Trung Quốc sẽ cùng với các bên liên quan trao đổi ý kiến về thực hiện hiệu quả DOC, tăng cường hợp tác thiết thực trên biển và trên cơ sở kết quả đã có, tiếp tục thúc đẩy tham vấn COC. Hai bên sẽ triển khai thảo luận về thiết lập đường dây nóng tìm kiếm cứu nạn trên biển giữa Trung Quốc và các nước ASEAN.” Về việc Philippines gần đây phát sóng một bộ phim tài liệu về Biển Đông, bà Hoa tuyên bố: “Philippines đang cố gắng tranh thủ cảm tình bằng cách giả dối, tạo hình ảnh của một nạn nhân. Trung Quốc thúc giục Philippines dừng các hành động khiêu khích, không có các bình luận và hành động vô trách nhiệm, chung tay cùng Trung Quốc bảo vệ quan hệ truyền thống hữu nghị giữa hai nước và hòa bình, ổn định khu vực.”

Trung Quốc khẳng định bác bỏ vụ kiện 'đường lưỡi bò' của Philippines. Phát biểu tại buổi họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 2/7, Người phát ngôn Hoa Xuân Oánh tuyên bố: “Những gì Philippines đang làm rõ ràng là động thái khiêu khích chính trị dưới vỏ bọc luật pháp. Bằng việc phủ định chủ quyền và lợi ích biển của Trung Quốc, Philippines cố gắng giành lấy các lợi ích bất hợp pháp và buộc Trung Quốc phải thỏa hiệp trong vấn đề Biển Đông. Điều phi thực tế này sẽ không đem lại kết quả.” Trước đó trong cuộc họp báo thường kỳ ngày 30/6, bà Hoa cho hay, “Dự án cải tạo đất của Trung Quốc ở một số bãi đá đã hoàn tất theo đúng kế hoạch. Bước tiếp theo, Trung Quốc sẽ xây dựng các cơ sở vật chất đáp ứng các nhu cầu liên quan. Những cơ sở này chủ yếu phục vụ mục đích dân sự, nhưng cũng đáp ứng các nhu cầu về phòng thủ quân sự khi cần thiết.

Trung Quốc diễn tập bắn đạn thật trên Vịnh Bắc Bộ. Trung Quốc hôm 1/7 công bố đoạn video về hoạt động diễn tập bắn đạn thật Vịnh Bắc Bộ tuy nhiên không tiết lộ vị trí cụ thể. Cuộc diễn tập do Quân khu Quảng Tây tổ chức cho lực lượng dân binh với mục tiêu “nâng cao khả năng xử lý tình huống khẩn cấp và khả năng tấn công trên biển cho lực lượng dân binh, gồm nhiều hạng mục như bắn mục tiêu di động trên biển, đánh chặn tầm xa, sử dụng vũ khí, đạn pháo ngăn chặn các đợt tấn công.

Trung Quốc chính thức thông qua luật an ninh quốc gia mới. Ngày 1/7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc đã thông qua luật an ninh quốc gia mới, trong đó nhấn mạnh an ninh mạng và yêu cầu thành lập một hệ thống quản lý khủng hoảng phối hợp tốt và hiệu quả. Luật an ninh quốc gia mới của Trung Quốc bao trùm một loạt lĩnh vực, gồm quốc phòng, tài chính, khoa học và công nghệ, văn hóa và tôn giáo. Luật trên xác định an ninh quốc gia là “sức mạnh quốc gia, chủ quyền, sự thống nhất toàn, vẹn lãnh thổ, người dân, sự phát triển bền vững của kinh tế - xã hội được đảm bảo an toàn và không mục tiêu của các mối đe dọa từ bên trong hay bên ngoài.

Trung Quốc tiếp tục đưa giàn khoan ra Biển Đông. Tập đoàn dầu khí hải dương Trung Quốc (CNOOC) hôm 3/7 thông báo giàn khoan Hưng Vượng (COSL Prospector) đã bắt đầu khoan thăm dò ở mực nước sâu 1300m tại mỏ dầu Lệ Loan 3-2. Theo Cục Hải sự Trung Quốc, giàn khoan Hưng Vượng sẽ khoan thăm dò tại mỏ Lệ Loan, nằm cách thành phố Chu Hải, tỉnh Quảng Đông khoảng 320 km về phía đông nam, từ ngày 27/5 đến ngày 15/8. Hưng Vượng là giàn khoan nước sâu nửa chìm thứ tư do công ty CIMC Raffles bàn giao cho Công ty Dịch vụ Dầu mỏ Trung Quốc (COSL).

+ Philippines:

Philippines mua sắm khí tài quân sự từ Canada và Hàn Quốc. Phát ngôn viên Không quân Philippines Đại tá Enrico Canaya hôm 2/7 cho hay hai trực thăng Bell 412EP, gói đầu tiên trong số 8 chiếc Manila đặt mua của Canada, đã được chuyển tới vào tuần trước. Hiện các trực thăng này đang được kiểm tra kỹ thuật trước khi gia nhập phi đội máy bay vận tải của Philippines. Trong khi đó, Phát ngôn viên Hải quân nước này Trung tá Lued Lincuna thông báo cũng đã tiếp nhận một tàu đổ bộ dài 41 mét do Hàn Quốc trao tặng kèm theo 16 xuồng đệm khí có thể vận chuyển khoảng 100 binh sỹ.

Philippines tin vào một phán quyết có lợi trước Trung Quốc. Phát biểu trên Đài phát thanh quốc gia Philippines hôm 4/7, Nữ phát ngôn viên của Tổng thống Philippines bà Abigail Valte cho biết, “Chúng tôi đã chuẩn bị kỹ càng cho vụ kiện. Chúng tôi tin tưởng có nền tảng pháp lý vững chắc. Philippines tin rằng Toà Trọng tài thường trực sẽ xem xét vụ việc theo hướng có lợi cho Philippines. Chúng tôi tự tin về quan điểm của mìnhtrong vấn đề này.” Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario sẽ dẫn phái đoàn của Philippines cùng các luật sư Mỹ đến La-Hay để tham gia phiên điều trần trước Tòa diễn ra từ ngày 7 đến 13/7/2015.

+ Úc:

Úc phản đối hành động đơn phương của Trung Quốc tại Biển Đông. Trong chuyến thăm chính thức Singapore nhân dịp hai nước kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, Thủ tướng Úc Tony Abbott đã có bài phát biểu với chủ đề “Thách thức chung của chúng ta: Củng cố an ninh trong khu vực” tại Khách sạn Shangri-La hôm 29/6. Thủ tướng Abbott  khẳng định, “Hoạt động cải tạo đất quy mô lớn không chỉ phương hại tới lòng tin giữa các bên, nền tảng cho sự thịnh vượng của khu vực, mà còn đe dọa tới hệ thống san hô đẹp và đa dạng bậc nhất trên thế giới. Hành động này làm tổn hại quan hệ của Trung Quốc với các nước trong khu vực, những quan hệ mà nước này đã dày công vun đắp.” Phát biểu trong họp báo chung với Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long cùng ngày, Thủ tướng Úc Tony Abbott nhấn mạnh, “Về Biển Đông, rõ ràng là có vấn đề. Cũng như Singapore, Úc không đứng về bên nào trong tranh chấp nhưng chúng tôi phản đối bất kỳ hành động đơn phương nào làm thay đổi nguyên trạng. Chúng tôi cho rằng các bên nên giải quyết hòa bình tranh chấp dựa trên luật pháp quốc tế.”

Trung Quốc không thích hợp với vai trò lãnh đạo toàn cầu. Phát biểu trong Diễn đàn Lãnh đạo Úc Crawford tại trường Đại học ANU ngày 30/6, Bộ trưởng phụ trách Văn phòng Thủ tướng và Nội các Úc ông Michael Thawley loại bỏ viễn cảnh Trung Quốc lãnh đạo thế giới, khi cho rằng nền kinh tế lớn này không muốn cũng như không thể giải quyết các vấn đề toàn cầu. Ông Thawley nhận xét “quan hệ nước lớn kiểu mới” mà Trung Quốc  chào mời Mỹ dưới hình thức G2 đã “không tiến triển tốt”. Trung Quốc không sẵn sàng nhận trách nhiệm về kinh tế, chính trị cũng như an ninh. Theo ông Thawley, vai trò của Úc là khuyến khích sự lãnh đạo của Mỹ, đưa nền kinh tế Úc phát triển tốt trong khi vẫn tối đa hóa sức mạnh quân sự.

Quan hệ các nước

Mỹ, Nhật, Úc tiến hành tập trận chung. Cuộc tập trận Talisman Sabre kéo dài hai tuần, với sự tham gia của khoảng 30.000 binh sĩ Mỹ và Úc, sẽ diễn ra tại bang Queensland và vùng lãnh thổ phía bắc Úc. Khoảng 40 sĩ quan thuộc Lực lượng Phòng vệ trên bộ Nhật Bản sẽ lần đầu tiên góp mặt trong cuộc tập trận quy mô này. Quân đội các nước tham dự sẽ diễn tập, phối hợp thực hiện nhiều nhiệm vụ cả ở trên bộ, trên không và trên biển.

Các nước thành viên ký kết thỏa thuận thành lập ngân hàng AIIB. Ngày 29/6, lễ ký thỏa thuận gia nhập Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng Châu Á (AIIB) đã diễn ra tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh. Trong 57 nước thành viên tham gia AIIB, bảy nước (Đan Mạch, Kuwait, Malaysia, Philippines, Hà Lan, Nam Phi và Thái Lan) hiện chưa ký vì thủ tục pháp lý ở các nước này về việc tham gia AIIB vẫn chưa hoàn tất. Ngân hàng này có vốn điều lệ 100 tỷ USD và vốn đăng ký ban đầu dự kiến khoảng 50 tỷ USD. Hiện Trung Quốc, Ấn Độ và Nga là 3 cổ đông lớn nhất của AIIB với quyền biểu quyết tương ứng là  26,06%; 7,5%; 5,92%.

Trung Quốc và Nga không có ý định thiết lập liên minh quân sự. Trả lời phỏng vấn hãng Ria Novosti ngày 30/6, Đại sứ Trung Quốc tại Nga Lý Huy khẳng định, Moskva và Bắc Kinh không chỉ là láng giềng tốt mà còn là đối tác chiến lược. Hai bên sẽ không thiết lập liên minh quân sự dưới mọi hình thức, còn hợp tác quân sự giữa hai nước được xúc tiến phù hợp với các chuẩn mực cơ bản của luật pháp quốc tế, không nhằm chống lại bên thứ ba, cũng không động chạm đến lợi ích của những nước thứ ba.

Phân tích và đánh giá

Tranh chấp Biển Đông: Cuộc chiến qua nhiều thế hệ?”

Ngay khi Tòa đưa ra một phán quyết có lợi, bước tiếp theo của Philippines là tìm kiếm sự ủng hộ của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc (UN General Assembly - UNGA) trong việc buộc Trung Quốc phải tuân thủ luật pháp quốc tế. Philippines cũng cần dựa vào cộng đồng quốc tế khi hàng năm lại đề nghị đưa ra một nghị quyết tại UNGA yêu cầu Trung Quốc rút lui và tuân thủ pháp luật quốc tế, bao gồm UNCLOS 1982.

Minh họa cho cách tiếp cận này, ông Carpio trích dẫn án lệ về trường hợp giữa Mỹ và Nicaragua. Năm 1986, Tòa án Quốc tế đã đưa ra phán quyết yêu cầu Mỹ phải bồi thường những thiệt hại cho Nicaragua. Ban đầu, giống như Trung Quốc, Mỹ cũng không tuân thủ phán quyết của tòa án. Nicaragua đã kiên trì kêu gọi sự ủng hộ của UNGA. Sau năm lần bị Mỹ phản đối, cuối cùng UNGA cũng đã thông qua được quyết định kêu gọi Mỹ tuân thủ phán quyết và bối thường thiệt hại cho Nicaragua. Năm 1992, Mỹ đã phải bồi thường cho Nicaragua dưới hình thức viện trợ một tỷ USD. Trong trường hợp Trung Quốc phớt lờ phán quyết của ITLOS, Philippines vẫn có thể kiện các công ty của Trung Quốc khai thác ở Biển Đông miễn là ITLOS đưa ra phán quyết có lợi cho Philippines.

Trong khi đó, lập luận của Trung Quốc cho rằng lúc này chưa phải là thời điểm sử dụng đến phương thức trọng tài, bởi theo quy định của UNCLOS, trước khi đưa ra quyết định khởi kiện, các bên phải nỗ lực đàm phán. Chỉ khi các cuộc đàm phán thất bại, lúc đó các quốc gia mới sử dụng đến biện pháp pháp lý. Tuy nhiên, từ năm 1995, Philippines đều thực hiện nhiều cuộc đàm phán với Trung Quốc nhưng mỗi khi hai bên ngồi lại, Trung Quốc đều cho rằng không có gì để đàm phán.

Theo nhận định của Phó Chánh án Tòa án Tối cao Philippines ông Antonio Carpio, ngay cả trong trường hợp Tòa Trọng tài đưa ra phán quyết có lợi cho Philippines thì Manila cũng đừng hy vọng lấy lại được những gì đã mất từ Trung Quốc. Điều này có lẽ đòi hỏi thời gian và thậm chí là cuộc đấu tranh qua nhiều thế hệ.

Cần ngăn chặn thách thức về quân sự của Trung Quốc ở Biển Đông” của Prashanth Parameswaran

Việc Trung Quốc quân sự hóa các tranh chấp Biển Đông có nguy cơ gây mất ổn định và hòa bình khu vực, làm xói mòn lợi ích của Mỹ. Các bên liên quan và Mỹ cần phải nhận thức rõ điều này và có các biện pháp đối phó.

Thứ nhất, cần phải hiểu rõ Trung Quốc đang làm gì và tác động của hành động đó đến lợi ích của các bên: (i) việc Trung Quốc quân sự hóa các đảo nhân tạo gây mất ổn định khu vực, vi phạm cam kết DOC đã ký với ASEAN năm 2002; (ii) đe dọa trực tiếp đến lợi ích của Mỹ trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương; (iii) dẫn đến việc chạy đua vũ trang trong khu vực bởi các bên cũng phát triển sức mạnh quân sự để đối phó. Đây là điều mà Châu Á và Mỹ đều không mong muốn.

Khi đã nhận thức rõ thách thức, bước tiếp theo là ngăn chặn: (i) mục tiêu không chỉ là buộc Trung Quốc dừng xây dựng các công trình quân sự ở Biển Đông, mà còn phải ngăn chặn hành động gây bất ổn của Bắc Kinh có thể dẫn đến hệ quả quân sự hóa khu vực. Điều này đòi hỏi một loạt hành động: (i) công khai các hành động của Bắc Kinh; (ii) các nước cần coi thách thức này là bước đi mới nhất trong chiến lược tổng thể quyết đoán hơn của Trung Quốc ở Biển Đông. Bên cạnh đó cũng cần phải đề phòng kế hoạch tiếp theo của Trung Quốc, như thiết lập ADIZ ở Biển Đông; (iii) các bên liên quan không nên tách biệt vấn đề Biển Đông ra khỏi thách thức lớn hơn đó là một Trung Quốc đang trỗi dậy trong khu vực có nhiều thay đổi.

Tóm lại, Đông Nam Á cần phải xem xét những hành vi của Trung Quốc, bao gồm cả ở Biển Đông để kịp thời đối phó. Đối với khu vực, Bắc Kinh hiện đang áp dụng chiến lược hai mặt. Trong khi Trung Quốc tìm cách thắt chặt quan hệ kinh tế với một số nước ASEAN để lôi kéo và gây ảnh hưởng thì nước này cũng sử dụng sức mạnh quân sự để đe dọa. Một Trung Quốc hùng mạnh hơn sẽ tìm cách thay đổi hiện trạng, đồng thời làm suy yếu các đòn bẩy mà ASEAN hiện có. Tương tự như vậy trong vấn đề Biển Đông, Trung Quốc cũng sử dụng chiến lược này bằng chu kỳ “đe dọa và tấn công quyến rũ.” Hiện vẫn chưa rõ liệu các nước Đông Nam Á có thể phản ứng phù hợp và kịp thời trước chiến lược này hay không. Cho đến giờ, có vẻ các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc thấy rằng chiến lược của họ vẫn hiệu quả và họ sẽ không có sự điều chỉnh trong tương lai gần.

Hiệp định Thăm viếng Quân sự - Một sự thay thế cho Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông?” của Rene P. Acosta

Ngày 24/6, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Voltaire Gazmin cho hay Philippines đang thảo luận với Brunei, Indonesia và Malaysia để phác thảo Hiệp định Thăm viếng Quân sự (Visiting Forces Agreement - VFA). VFA sẽ tạo điều kiện cho lực lượng của Philippines tham gia huấn luyện với ba quốc gia trong các hoạt động tập trận chung, qua đó cho phép việc đồn trú tạm thời của lực lượng quân đội các nước ASEAN tại Philippines.

Hiện tại Philippines đã ký VFA Mỹ, Úc và đang bước đầu đàm phán với Nhật. Về mục đích cũng như lợi ích của VFA, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines cho rằng “đối với một quốc gia tụt hậu về quốc phòng như Philippines, chỉ có cách thông qua VFA mới có thể bắt kịp các nước láng giềng trong khu vực. Nếu được ký kết, thì đây sẽ là VFA đầu tiên trong ASEAN.”

Trong vài tháng trở lại đây, đặc biệt tại Hội nghị Cấp cao ASEAN, các quốc gia Đông Nam Á không ngừng kêu gọi Trung Quốc dừng các hoạt động bồi đắp, cải tạo đảo, tránh quân sự hoá Biển Đông cũng như các hoạt động khác gây bất ổn, đe dọa hoà bình, an ninh khu vực, đồng thời có các biện pháp xây dựng lòng tin. Tuy nhiên, bất chấp áp lực quốc tế, giới chức Trung Quốc vẫn tiếp tục trì hoãn việc thông qua một bộ quy tắc ứng xử, khi khăng khăng cho rằng chỉ tiến hành đàm phán đơn phương với từng quốc gia tranh chấp, thay vì cả khối ASEAN.

Như vậy, nếu ASEAN không thể đi đến Bộ Quy tắc Ứng xử, có lẽ đã đến lúc các quốc gia Đông Nam Á nên tìm kiếm một thỏa thuận an ninh thay thế, ít nhất có thể bảo vệ họ khỏi các mối đe dọa từ Trung Quốc. Và nhìn rộng ra là đem lại khả năng ngăn chặn tranh chấp Biển Đông vượt ra khỏi tầm kiểm soát.

Một Bộ Quy tắc Úng xử hiệu quả và công bằng cho Biển Đông” của Dương Danh Huy

Một COC hiệu quả và công bằng cần có những yếu tố sau:

Đảm bảo tính nguyên trạng ở Biển Đông. Tuy nhiên, tránh chung chung như DOC, mà cần cụ thể hoá hơn như sau: (i) không xâm chiếm các thực thể đã được chiếm đóng; (ii) không phong tỏa các thực thể mà bên khác đã chiếm đóng; (iii) không chiếm hữu các thực thể mà chưa bên nào kiểm soát; (iv) không xây dựng các đảo nhân tạo trên các thực thể nổi hoặc lúc nổi lúc chìm, đồng thời không được mở rộng các đảo tự nhiên và nhân tạo.

Xác định rõ thực thể đất nào là đối tượng tranh chấp chủ quyền như: (v) các bên chỉ được yêu sách chủ quyền đối với các đảo, các thực thể tự nhiên nổi trên mặt nước khi thuỷ triều ở mức cao. Thực thể lúc nổi lúc chìm trong lãnh hải của một đảo thì thuộc chủ quyền của hòn đảo đó. Các bên cần thống nhất thực thể nào được coi là đảo; (vi) và thực thể nào có tranh chấp.

Cần quy định quy chế cho lãnh hải của các đảo đang có tranh chấp để đảm bảo quyền lợi cho các quốc gia không liên quan, do đó: (vii) lãnh hải của các đảo đang tranh chấp sẽ là khu vực có tranh chấp và các bên phải nhất trí về quy chế tạm thời và công bằng cho các lãnh hải tranh chấp này; (viii) tuyên bố đường cơ sở thẳng, lãnh hải và quy chế cho lãnh hải phải tuân thủ UNCLOS.

Cần đưa ra những quy định để quản lý các vùng biển nằm ngoài các đảo và lãnh hải tranh chấp ở Biển Đông như: (ix) xác định đảo nào được hưởng quy chế EEZ; (x) xác định phạm vi EEZ của những đảo này; (xi) EEZ của đảo tranh chấp sẽ là vùng biển tranh chấp; (xii) quy định quyền và nghĩa vụ hợp tác theo UNCLOS đối với các vùng biển không có tranh chấp.

Cuối cùng, COC không những phải đảm bảo tính công bằng mà còn phải khách quan, do đó Tòa quốc tế sẽ được sử dụng nếu các bên không thể giải quyết đượciii) coiiểm soát cả câuhêm vài dòng nữa thì mới dẫn đến bộ quy tắc ứng xử vì đoạn trên ko đề cậptừng quốc giaint hay. Diplomat, những khác biệt trong việc áp dụng hoặc giải thích các quy định nêu trên. Các quốc gia yêu sách nhỏ hơn nên có sự đồng thuận trước về các điều khoản cần thiết cho việc quản lý hiệu quả căng thẳng rồi sau đó tìm kiếm sự ủng hộ từ các quốc gia khác vì mục tiêu duy trì hoà bình, ổn định. Điều này giúp tăng thêm cơ hội đạt được một COC hiệu quả hơn.

Giàn khoan Hải Dương 981 quay lại Biển Đông” của Châu Nguyễn

Việc đưa giàn khoan Hải Dương 981 trở lại Biển Đông cho thấy sự bất nhất giữa lời nói và hành động của Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông. Cùng với hoạt động cải tạo đất trên quy mô lớn, việc triển khai giàn khoan là một phần quan trọng trong chiến lược ngoại giao cưỡng ép của Trung Quốc.

Trung Quốc đã triển khai giàn khoan ngay trước thềm chuyến thăm Mỹ của Tổng Bí thư Việt Nam Nguyễn Phú Trọng. Vị trí hiện tại của giàn khoan là 17°03’75’’ vĩ độ Bắc, 109°59’05’’ kinh độ Đông, không quá gần bờ biển Việt Nam như ở sự kiện năm 2014, do vậy Hà Nội có lẽ đã không phản ứng quá mạnh.

Trung Quốc triển khai giàn khoan ngay sau khi nước này tuyên bố sắp hoàn thành hoạt động cải tạo đất ở Biển Đông. Luật pháp không phải lúc nào cũng có thể giúp giải quyết các vấn đề mang yếu tố chính trị. Việc diễn giải về quyền chủ quyền và lãnh thổ ở Biển Đông cần phải hiểu rõ bối cảnh của vấn đề. Theo GS. Carl Thayer, không có dấu hiệu nào cho thấy Trung Quốc sẽ kiềm chế dù đã ký DOC với ASEAN vào năm 2002. Một ngày nào đó, viêc xây dựng và hiện đại hóa quân sự trên các hòn đảo ở Biển Đông sẽ giúp Trung Quốc thực hiện hành vi bành trướng trên quy mô lớn.

Sự mâu thuẫn và thiếu nhất quán trong lời nói và hành động của Trung Quốc ở Biển Đông đang đe dọa đến những lợi ích chung trong chính sách đối ngoại của nước này, đặc biệt là dự án Một Vành đai Một Con đường (One Belt One Road - OBOR). OBOR tập trung vào các hợp tác kinh tế và kết nối cơ sở hạ tầng giữa Trung Quốc với các quốc gia Âu - Á, trong đó bao gồm các nước trong ASEAN. Hành động gia tăng căng thẳng ở Biển Đông sẽ khiến ASEAN đoàn kết hơn.

Trong tương lai, phương thức tiệm tiến sẽ vẫn là cách tiếp cận hữu hiệu nhất đối với khu vực. Trong quá trình xây dựng lòng tin và ngoại giao phòng ngừa, điều quan trọng là các cường quốc phải cùng gánh vác trách nhiệm bảo vệ hiện trạng khu vực. Việc phát triển quân sự và hành vi gây chiến chỉ làm phức tạp thêm tình hình. Biển Đông sẽ là vùng biển cho cơ hội hợp tác hay là vùng nước dữ? Cơ hội hợp tác chỉ đến khi ý chí chính trị, trí tuệ tập thể và cam kết khu vực cùng hiện hữu./.