Bản PDF tại đây

 

Động thái của các quốc gia

+ Trung Quốc:

Trung Quốc tuyên bố thắt chặt quan hệ với các nước láng giềng. Phát biểu trong cuộc phỏng vấn với Tân Hoa Xã hôm 31/12, Trợ lý Ngoại trưởng Trung Quốc Lưu Kiến Siêu nhấn mạnh Bắc Kinh quyết tâm tìm cách thiết lập một mạng lưới đối tác với các nước láng giềng, “Trung Quốc sẽ cố gắng mang lại lợi ích cho các nước láng giềng thông qua sự phát triển của mình và nỗ lực hơn nữa đưa người dân các nước trong khu vực xích lại gần nhau.” Ông Lưu cho rằng các sáng kiến Trung Quốc đề ra không nhằm tìm cách thống trị khu vực hay tìm cách mở rộng ảnh hưởng, và nước này sẵn sàng duy trì thông tin liên lạc với tất cả các bên liên quan để mở rộng những lợi ích chung và cùng nhau duy trì hòa bình, ổn định, thịnh vượng cho Châu Á.

Tàu lặn Giao Long của Trung Quốc lần đầu thám hiểm Ấn Độ Dương. Ngày 2/1, tàu lặn có người lái Giao Long đã tiến hành đợt lặn đầu tiên để nghiên cứu lỗ thông thủy nhiệt đang hoạt động ở Tây Nam Ấn Độ Dương. Trong hải trình dài 120 ngày này, tàu Giao Long dự kiến lặn 20 lần để nghiên cứu đa dạng sinh học, vi khuẩn thủy nhiệt và các nguồn gen tại Tây Nam Ấn Độ Dương. Hoạt động này sẽ diễn ra trong khu vực hợp đồng thăm dò rộng 10.000 km2 được ký kết giữa Cơ quan Quản lý Đáy biển Quốc tế và Hiệp hội Nghiên cứu, Phát triển Khoáng chất Hải dương Trung Quốc năm 2011.

+ Việt Nam:

Chủ tịch nước: ‘Phát huy sức mạnh toàn dân, bảo vệ lợi ích quốc gia. Trong bài viết “Đón bắt thời cơ, phát huy sức mạnh của toàn dân, bảo vệ lợi ích quốc gia dân tộc, đưa đất nước tiếp tục tiến lên” nhân dịp chào Năm mới 2015, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định, “Với chúng ta, chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc là thiêng liêng, bất khả xâm phạm. Kế thừa truyền thống yêu hòa bình, nhân nghĩa của dân tộc, chúng ta kiên trì giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, các thỏa thuận giữa ASEAN và Trung Quốc, thỏa thuận giữa lãnh đạo cấp cao hai nước Việt -Trung, để bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc; đồng thời bảo vệ môi trường hòa bình, ổn định cho sự phát triển đất nước. Đồng thời chúng ta luôn tích cực chuẩn bị cho những giải pháp phù hợp khác, sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống để bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.”

Việt Nam hoan nghênh mọi sáng kiến duy trì hòa bình ở Biển Đông. Trong chương trình “Dân hỏi - Bộ trưởng trả lời” ngày 4/1, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cho hay, “Bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ” và “giữ quan hệ, ổn định, hòa bình để phát triển” là 2 mục tiêu không mâu thuẫn mà bổ sung nhau. Chìa khóa để theo đuổi cả 2 mục tiêu đó chính là việc đề cao và tuân thủ luật pháp quốc tế. Năm qua, kể cả trong những lúc căng thẳng nhất, chúng ta đã kiên trì đối thoại, giải quyết vấn đề chủ quyền lãnh thổ ở Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế; đồng thời, vẫn chủ động duy trì quan hệ bình thường trên các mặt với Trung Quốc. Năm 2015, chúng ta sẽ tiếp tục cùng ASEAN và cộng đồng quốc tế tăng cường hiểu biết và lòng tin trong vấn đề Biển Đông, thúc đẩy thực hiện nghiêm túc và đầy đủ DOC, nhất là sớm tiến hành đàm phán thực chất để xây dựng COC ở Biển Đông.”

Quan hệ các nước

Indonesia tiếp tục đánh chìm tàu nước ngoài đánh bắt trái phép. Ngày 29/12, tại vùng biển ngoài khơi đảo Anambas thuộc tỉnh Riau, Hải quân Indonesia đã sử dụng thuốc nổ đánh chìm 2 trong số các tàu đánh cá trái phép của Thái Lan bị bắt giữ hồi tháng 11/2014. Chuẩn Đô đốc Widodo, Tư lệnh Hạm đội Miền Tây - đơn vị được giao thực hiện nhiệm vụ nói trên, nói rằng việc đánh chìm tàu đánh cá trái phép nước ngoài hoàn toàn tuân thủ Luật pháp Indonesia, và với biện pháp cứng rắn này Indonesia hy vọng sẽ ngăn chặn đuợc những đối tượng nước ngoài đánh bắt trộm ở vùng biển nước này.

Trung Quốc-Campuchia thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược toàn diện. Cuộc họp lần thứ hai của Ủy ban Điều phối Liên chính phủ Trung Quốc-Campuchia đã khai mạc ngày 30/12 tại Campuchia. Chủ trì cuộc họp lần này là Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao và Hợp tác quốc tế Campuchia Hor Namhong và Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc Dương Khiết Trì. Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Campuchia Hor Namhong cho biết cuộc họp lần này nhằm đánh giá lại các tiến triển đạt được trong việc triển khai chương trình hành động hợp tác đối tác chiến lược toàn diện giữa hai bên. Theo chương trình làm việc, Phó Thủ tướng Hor Namhong và ông Dương Khiết Trì cũng sẽ đồng chủ trì lễ ký chính thức 8 văn kiện hợp tác trong các lĩnh vực kinh tế-thương mại, quốc phòng, y tế và giáo dục.

Malaysia chính thức đảm nhiệm chức Chủ tịch Hiệp hội ASEAN. Phát biểu hôm 1/1/2015, Trưởng Ban Thư ký quốc gia ASEAN-Malaysia ông Muhammad Shahrul Ikram Yaakob cho hay, là Chủ tịch ASEAN năm 2015, Malaysia có trách nhiệm đảm bảo thực hiện các lĩnh vực trong kế hoạch hành động của ba trụ cột chính trị-an ninh, kinh tế và văn hóa-xã hội, cũng như nỗ lực để hoàn thành Lộ trình xây dựng Cộng đồng ASEAN (2009-2015). Malaysia sẽ tổ chức Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 26 vào tháng 4/2015 và Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 27 vào tháng 11/2015. Hội nghị các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN tại Kota Kinabalu, Sabah, trong hai ngày 27-28/1 sẽ mở màn cho một loạt hội nghị bộ trưởng và các hội nghị liên quan khác dưới vai trò Chủ tịch ASEAN của Malaysia năm 2015.

Phân tích và đánh giá

“Tình hình an ninh biển ở Châu Á trong năm 2015” của Mira Rapp-Hooper. Số mới nhất của Sáng kiến Minh bạch Biển Châu Á (Asia Maritime Transparency Initiative) có dẫn nhận định của một số chuyên gia về tình hình an ninh biển tại Châu Á trong năm 2015, cụ thể như sau:

Về quan hệ ASEAN-Trung Quốc. Ông Nicholas Khoo cho rằng thời điểm cuối năm 2014 đem lại nhiều tín hiệu tích cực, với việc các nhà lãnh đạo Châu Á kêu gọi hợp tác về vấn đề Biển Đông tại các hội nghị APEC và ASEAN trong tháng 11. Tuy nhiên, ông Rory Medcalf cho rằng việc những tuyên bố này có trở thành hành động thật sự hay không lại là một câu chuyện khác. Theo ông Medcalf, dường như Trung Quốc đang chỉ “nói” về việc giảm thiểu rủi ro tại khu vực, nhưng câu hỏi lớn hơn cho năm 2015 đó là liệu Bắc Kinh có “thực sự thực hiện” các biện pháp xây dựng lòng tin mà nước này đã đồng ý trước đó với Mỹ, hay xây dựng một đường dây nóng mà họ đã cam kết phối hợp với Nhật hay không.

Về tình hình Biển Đông. Chắc chắn Biển Đông sẽ vẫn là một điểm nóng trong năm 2015. Bà Bonnie Glaser cho rằng Bãi Cỏ Mây có thể sẽ trở thành điểm nóng trong năm nay nếu như con tàu USS Sierra Madre rời khỏi khu vực và các tàu chấp pháp Trung Quốc tới và kiểm soát Bãi Cỏ Mây. Ông Zhu Feng cho rằng Trung Quốc có khả năng đưa một giàn khoan khác tới vùng biển gần Việt Nam, và căng thẳng giữa hai bên sẽ lại bùng phát giống với năm 2014.

Về vụ kiện của Philippines. Ông Ernest Bower cho rằng các quốc gia ASEAN nhiều khả năng sẽ lên tiếng mạnh mẽ hơn để ủng hộ Philippines trong vụ kiện đường chín đoạn của họ, bởi niềm tin mà các quốc gia Đông Nam Á dành cho Trung Quốc đang ngày càng cạn kiệt.

Về vai trò của các nước khác. Ông Michael Green cho rằng bất chấp đang gặp phải các khủng hoảng quốc tế khác, Mỹ vẫn nên tập trung vào an ninh biển tại Châu Á để có thể tiếp tục làm sâu sắc thêm mối quan hệ với các đồng minh và đối tác tại khu vực trong năm 2015. Về Ấn Độ, ông Richard Rossow cho rằng nước này sẽ tiếp tục thay đổi lập trường truyền thống của họ đó là không liên minh bởi Ấn Độ đang ngày càng lo ngại về khả năng Trung Quốc triển khai sức mạnh tại Ấn Độ Dương. Còn về Đài Loan, ông Yann-Huei Song cho biết, trong thời điểm cuộc bầu cử tổng thống vào năm 2016 sắp đến, vấn đề Biển Đông có thể sẽ là trọng điểm bàn thảo của hai đảng chính trị lớn tại Đài Loan, cụ thể đó là tập trung vào vụ kiện của Philippines cũng như tính pháp lý của đường chữ U (11 đoạn) của Đài Loan.

“Chính sách biển Trung Quốc: Cát cứ phân tranh?” của Linda Jakobson. Các lãnh đạo Trung Quốc thường dựa những văn bản hướng dẫn được xây dựng khá mơ hồ làm cái cớ biện minh cho các mục tiêu chính sách đôi khi mâu thuẫn với nhau.

Ví dụ như cách mà ông Tập Cận Bình vạch ra định hướng để Trung Quốc theo đuổi lợi ích trên biển của mình: Trung Quốc phải “đảm bảo đồng thời hai nhiệm vụ: duy trì sự ổn định và đảm bảo các quyền lợi của mình”. Trước đây, thời ông Hồ Cẩm Đào, giữ gìn sự ổn định là ưu tiên số 1. Ông Tập Cận Bình đã nâng nhiệm vụ "bảo các quyền lợi" lên vị trí quan trọng tương đương, tạo ra một cơn sốt "ý thức chủ quyền" phù hợp với chủ nghĩa dân tộc cực đoan đang âm ỉ ở Trung Quốc.

Nhưng ông Tập Cận Bình đã không đưa ra các chỉ đạo cụ thể để có thể cân bằng hai mục tiêu này. Chính điều này đã tạo cơ hội để các chủ thể an ninh biển khác nhau ở Trung Quốc xây dựng các chính sách và quyết định các hành động cụ thể xuất phát từ lợi ích của riêng cơ quan hay địa phương mình.

Bên cạnh lực lượng cảnh sát biển, các chủ thể an ninh biển quan trọng khác bao gồm Bộ Công an, Cục Hải dương quốc gia, Ủy ban Cải cách quốc gia, các tướng cấp cao của quân đội cũng như giám đốc các công ty dầu khí quốc gia. Trong một hệ thống thiếu minh bạch như ở Trung Quốc, với nhiều cuộc đấu đá quyết liệt tranh giành nguồn kinh phí từ chính phủ cũng như quyền lực chính trị, các nhóm này thường nắm bắt mọi cơ hội có thể để giành lấy những miếng bánh kinh tế béo bở, gây dựng uy tín cũng như thu hút nguồn ngân sách nhà nước.

Bởi sự tham gia của các chủ thể khó đoán biết này, các hành động khiêu khích trên biển của Trung Quốc sẽ tiếp diễn một cách không có hệ thống. Không có bằng chứng nào cho thấy Trung Quốc có một “đại chiến lược” do-trung-ương-thông-qua để chỉ thị cho các chủ thể khác nhau thực hiện một cách có bài bản hành động “cưỡng ép” các bên yêu sách để hướng tới một mục tiêu chung.

Với các nhà hoạch định chính sách quốc tế, một “đại chiến lược” trên thực tế có lẽ là ít mang tính đe dọa hơn là sự bất ổn do việc các chủ thể khác nhau, bằng các cách thức thiếu cẩn trọng, theo đuổi lợi ích của riêng họ. Trong bầu không khí chủ nghĩa dân tộc hiện nay, ông Tập Cận Bình không thể lên án một hành động nào đó có mang danh là bảo vệ chủ quyền của Trung Quốc.

Về mặt tích cực, ông Tập Cận Bình đã nói rõ ràng rằng phải duy trì ổn định. Trung Quốc không tìm kiếm xung đột về vấn đề lợi ích trên biển của họ. Nhưng ngược lại, những người dự đoán rằng Bắc Kinh sẽ lùi bước trong việc bảo vệ cái mà họ coi là các quyền lợi trên biển cũng sẽ phải thất vọng. Tình hình biến động trên các vùng biển ngoại vi Trung Quốc sẽ vẫn còn tiếp tục, các chủ thể an ninh biển Trung Quốc sẽ không ngừng thúc đẩy các kế hoạch riêng của họ.

“5 diễn biến an ninh đáng chú ý tại Châu Á – Thái Bình Dương trong năm 2015” của Robert Farley.

1. Giá dầu giảm mạnh, Biển Đông sẽ bớt nóng

Ảnh hưởng từ sự sụp đổ của giá dầu thế giới đã không làm Đông Á hoang mang khi các nền sản xuất lớn đã và đang chuẩn bị cho một tương lai theo định hướng nhập khẩu dầu mỏ trong thời gian khá dài. Tuy nhiên, sự sụt giảm giá dầu có thể khiến hoạt động thăm dò dầu khí ở Biển Đông trở nên kém hấp dẫn, và việc này có thể giúp hạ nhiệt căng thẳng trên biển tại khu vực. Với các nước nhập khẩu dầu, dầu giảm giá có thể mang lại cho các nước này cơ hội thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

2. Nga hướng về Đông Á

Chúng ta có thể dự đoán rằng Nga sẽ hướng về Đông Á sau khi kết thúc năm 2014 với nền kinh tế suy yếu do bị lệnh trừng phạt về kinh tế và chính trị từ Mỹ và Châu Âu. Nga đã cố gắng bù đắp thiệt hại về kinh tế bằng cách phát triển mối quan hệ thương mại và buôn bán năng lượng với Trung Quốc, và năm 2015 sẽ cho chúng ta hiểu rõ hơn tại sao Bắc Kinh lại chấp nhận những đề nghị từ Nga. Đồng thời, việc Nga tiếp tục bán vũ khí nhiều hơn cho các nước trong khu vực như Việt Nam có thể làm căng thẳng mối quan hệ của họ với Trung Quốc.

3. Cách hành xử của Nhật

Trong vài tháng tới, các buổi lễ kỷ niệm lần thứ 70 kết thúc Thế chiến thứ II tại Thái Bình Dương sẽ là dịp để các nhân vật chính trị tạo ra thêm hoặc hạ nhiệt căng thẳng. Các ngày kỷ niệm của những cuộc ném bom nguyên tử xuống Hiroshima và Nagasaki, và sự đầu hàng của Nhật Bản trong tháng 9, có thể sẽ là những thời điểm đặc biệt căng thẳng trong quan hệ giữa Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc. Những sự kiện này sẽ là cơ hội để kiểm chứng xem Thủ tướng Nhật Shinzo Abe có thể cân bằng giữa liên minh cầm quyền của mình và việc thực hiện các nghĩa vụ quốc tế của Nhật Bản hay không.

4. Tương lai tiêm kích F-35 với Hàn Quốc, Nhật Bản

Chương trình chiến đấu cơ hiện đại F-35 của Mỹ tiếp tục gặp khó với những thông tin mới nhất cho thấy các vấn đề nghiêm trọng trong hệ thống nhận diện mục tiêu của máy bay F-35. Năm 2015 sẽ cho chúng ta thấy rõ hơn triển vọng xuất khẩu loại tiêm kích tàng hình hiện đại này tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, khi Hàn Quốc và Nhật Bản vẫn có cơ hội để đưa ra quyết định quan trọng về việc mua sắm loại máy bay F-35.

5. Afghanistan tự chủ về quân đội

Quân đội quốc gia Afghanistan sẽ không hoàn toàn tự chủ vào năm 2015, tuy nhiên nước này bắt đầu một năm mới với ít hơn sự trợ giúp từ bên ngoài bởi sự sụp đổ của Taliban. Nếu mọi việc tồi tệ, Mỹ và các nước lớn trong khu vực sẽ thấy cần thiết phải đẩy mạnh hỗ trợ cho quân đội Afghanistan.

Từ trước đến nay, những diễn biến thú vị nhất trong một năm thường sẽ đến từ các sự kiện mà chúng ta không dự đoán được từ trước. Tuy nhiên, những xu hướng lớn sẽ giúp các cường quốc định hình các lựa chọn mà họ có thể có để đối phó với những sự kiện bất thường.

“Indonesia đã sai khi đánh chìm tàu cá của láng giềng tại Biển Đông” Căng thẳng trên Biển Đông trong những năm qua xuất phát chủ yếu từ sự quyết đoán của Trung Quốc, nhưng giờ đây, Indonesia - với lý do của riêng họ - đã làm leo thang căng thẳng không cần thiết.

Trích dẫn một đạo luật được Quốc hội Indonesia thông qua năm 2009, Bộ trưởng An ninh nội địa nước này Tedjo Edhy Purdijatno trong tháng cuối cùng của năm 2014 đã ra lệnh đánh chìm 3 tàu cá Việt Nam. 2 tuần sau đó họ tiếp tục cho nổ tung 2 tàu cá Papua New Guinea và cuối tháng 12 tiếp tục cho nổ 2 trong số 5 tàu cá Thái Lan bị Indoensia bắt giữ vì đánh bắt bất hợp pháp trong vùng biển nước này.

Tổng thống Indonesia Joko Widodo tuyên bố rằng, đánh đắm các tàu cá nước ngoài là để "dạy cho họ một bài học để họ từ bỏ ý định đánh bắt trộm trong vùng biển Indoesia". Ông nói đánh chìm tàu cá nước ngoài là “liệu pháp sốc”, đồng thời tuyên bố với giới truyền thông là mỗi năm Indonesia mất 20 tỉ USD do nạn đánh bắt trộm của các tàu cá nước ngoài.

Con số mà Tổng thống Indonesia đưa ra không hề đáng tin cậy và nó chỉ là chiêu bài đánh lạc hướng khỏi luận điểm chính của ông. Ngư dân nước ngoài, bao gồm cả người Thái, chắc chắn không có quyền xâm phạm lãnh thổ Indonesia. Nhưng Jakarta không thể “mất” nhiều đến như vậy, vì tàu cá nước ngoài chỉ đánh bắt những gì mà ngư dân dân Indonesia không thể đánh bắt. Giống như các con số về cướp biển khác, con số này vừa bị thổi phồng, vừa nhằm mục đích đánh lạc hướng dư luận khỏi vấn đề chính.

Rõ ràng, các quốc gia khác không được đánh bắt trái phép trong vùng biển của Indonesia. Tổng thống Indonesia tuyên bố rằng có “khoảng 5,4 ngàn” tàu cá đánh bắt trái phép trong vùng biển nước ông mỗi ngày. Nói một cách đơn giản, Indonesia không có đủ năng lực thực thi pháp luật và bảo vệ vùng lãnh thổ của họ. Điều này cũng không có gì ngạc nhiên bởi Indonesia là một quốc gia quần đảo rộng lớn với 18.307 hòn đảo lớn nhỏ. Nhưng Indonesia không nên sử dụng những hình phạt nặng nề như vậy đối với các tàu nước ngoài xâm phạm vùng biển của họ để giải quyết sự bất lực của nước này trong việc bảo vệ tài sản của chính họ.

Chính phủ Việt Nam và Thái Lan đã không đáp trả những hành vi thái quá của các nhà chức trách Indonesia. Nhưng có lẽ họ nên làm như vậy. Jakarta nên biết rằng những hành vi phá hoại hung hăng như vậy là những hành vi không được hoan nghênh, không đúng phép ngoại giao, không thân thiện với láng giềng ASEAN. Jakarta đã tước cơ hội kiếm kế sinh nhai của ít nhất 3 tàu cá Việt Nam và 2 tàu cá Thái Lan.

Hành động của Indonesia có thể sẽ dẫn tới các biện pháp trả đũa của Việt Nam và Thái Lan. Ví dụ, các nhà chức của Việt Nam sẽ bắt đầu tịch thu tài sản của những người Indonesia vi phạm luật pháp sở tại. Tại Thái Lan, số lượng các tàu cá nước ngoài xâm phạm vùng biển Thái Lan cũng bằng với số lượng tàu cá Thái Lan hoạt động trái phép trong vùng biển các nước khác. Trong một vài năm qua, các nhà chức trách Thái Lan đã bắt giữ hàng trăm tàu cá xâm phạm lãnh thổ Thái Lan.

Indonesia, giống với 9 nước đối tác, có trách nhiệm bảo vệ sự thống nhất của khu vực ASEAN trước thời điểm khu vực hội nhập trở thành Cộng đồng kinh tế. Việc Tổng thống Joko Widodo thực thi luật pháp thông qua các biện pháp bạo lực rõ ràng là đang ảnh hưởng đến sự thống nhất của ASEAN. Ngài tổng thống có tuyên bố rằng, “Việc này (đánh chìm tàu cá) hoàn toàn là vấn đề hình sự, không ảnh hưởng đến quan hệ ngoại giao với các nước láng giềng". Ông đã sai.

Jakarta, cùng với Bắc Kinh, đã và đang là các quốc gia không chấp nhận đàm phán về tranh chấp sự toàn vẹn lãnh thổ. Bắt giữ và đánh chìm tàu cá láng giềng là một hành động không thân thiện, Indonesia cần phải dừng lại và thảo luận vấn đề này qua con đường ngoại giao, nếu không muốn phải hứng chịu các biện pháp trả đũa.

“Những nhân tố tác động tới an ninh của khu vực Thái Bình Dương” của Yoji Koda. Hai yếu tố then chốt sẽ định hình các vấn đề an ninh tại khu vực Châu Á-Thái Bình Dương là việc Trung Quốc thay đổi chiến thuật trong tranh chấp biển tại Biển Đông và nhiều quốc gia đẩy mạnh phát triển đội tàu ngầm.

Trung Quốc tỏ ra ngày càng hung hăng trong 8 tháng đầu năm 2014. Nhưng sang tháng 9/2014, Bắc Kinh có vẻ thay đổi thái độ, từ bỏ chiến thuật hung hăng. Một trong những lý do có thể là Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình muốn làm dịu căng thẳng tình hình biển Đông trước Hội nghị Thượng đỉnh APEC 2015 sẽ được tổ chức tại Philippines, và muốn góp phần giúp hội nghị thành công tốt đẹp bằng việc giảm các hành động khiêu khích ở Biển Đông. Trung Quốc đã tổ chức thành công hội nghị uy tín này vào năm 2014 và giờ có thể góp phần quan trọng vào thành công của hội nghị năm 2015.

Để cho tình hình Biển Đông yên ả, Trung Quốc đã khôn khéo sử dụng quá trình đàm phán xây dựng Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) với các quốc gia khu vực để làm dịu bớt sự chỉ trích của cộng đồng quốc tế đối với nước này. Mục tiêu thật sự của Trung Quốc là gì thì chúng ta vẫn chưa được rõ, nhưng cách tiếp cận mới này của Bắc Kinh đã tạo ra những diễn biến mới cho tình hình Biển Đông.

Các quốc gia có phản ứng khác nhau đối với động thái của Trung Quốc, nhưng một số dấu hiệu cho thấy, nhờ những hành động mới đây của Trung Quốc trên biển Đông, các nước trong khu vực bắt đầu thu hẹp quan điểm khác biệt trong quá trình đàm phán COC.

Một yếu tố chuyển hướng chiến lược khác là phản ứng của khu vực trước tham vọng xây dựng hải quân của Trung Quốc. Nhiều chương trình phát triển đội tàu ngầm đầy tham vọng đang được tiến hành. Indonesia vừa khởi động chương trình với 2 tàu ngầm Type-209 mua của Hàn Quốc và lên kế hoạch sắm thêm 12 tàu tới năm 2020. Hải quân Malaysia đang vận hành hai tàu ngầm lớp Scorpene do Pháp và Tây Ban Nha chế tạo, trong khi Singapore sở hữu 6 tàu ngầm Thụy Điển sản xuất. Hải quân Việt Nam bắt đầu kế hoạch mua 6 tàu lớp Kilo, trong số đó có 3 tàu đã được chuyển giao.

Với việc hải quân các nước tăng cường lực lượng tàu ngầm, có 2 vấn đề quan trọng cần phải được giải quyết. Một là việc quản lý vùng biển, đây là điều cần thiết để bảo đảm tự do đi lại của các tàu ngầm hoạt động tại Biển Đông. Đáng tiếc là hiện không có một cơ chế nào như vậy. Thứ hai, với việc số lượng các tàu ngầm hoạt động gia tăng, nguy cơ xảy ra sự cố cũng tăng theo. Các quốc gia vận hành tàu ngầm phải có trách nhiệm tự xây dựng năng lực cứu hộ tàu ngầm của riêng mình. Tuy nhiên, cũng cần phải thiết lập một đội cứu hộ đa quốc gia bao gồm tất cả các quốc gia vận hành tàu ngầm tại khu vực.

Mô hình hợp tác kiểu như vậy về quản lý vùng biển hay các đội cứu hộ tàu ngầm chắc chắn sẽ trở thành một chất xúc tác cho việc hợp tác hải quân đa quốc gia./.