Bản PDF tại đây

 

Động thái của các quốc gia

+ Trung Quốc:

Hải quân Trung Quốc diễn tập rà phá thủy lôi trên Biển Đông. Hải quân Trung Quốc hôm 28/7 lần đầu tiên thành lập một biên đội tàu tiến hành diễn tập rà phá thủy lôi trên Biển Đông. Theo Xinhua, biên đội tàu này đã kích nổ thành công những thủy lôi thông minh trong buổi diễn tập. Thủy lôi vốn là loại vũ khí có chi phí thấp, khó phát hiện nhưng có sức công phá cao. Hoạt động trên diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc đang tập trận bắn đạn thật quy mô lớn trên 4 khu vực biển, gồm Hoàng Hải, Bột Hải, Vịnh Bắc Bộ và Hoa Đông. 

Trung Quốc hạ thủy tàu hộ vệ tên lửa mới. Trung Quốc đã hạ thủy tàu hộ vệ trang bị tên lửa lớp 054A thứ 20 mang tên Hoàng Cương tại Quảng Châu. Kể từ khi hạ thủy tàu hộ vệ tên lửa lớp Từ Châu lần đầu tiên năm 2006 đến nay, bình quân mỗi năm Trung Quốc chế tạo 2,5 chiếc đồng loại. Tàu hộ vệ lớp 054A hiện là tàu hộ vệ tên lửa chủ lực của Hải quân Trung Quốc và được xếp vào loại tiên tiến so với các tàu chiến đồng loại trên thế giới.

Trung Quốc sẽ khai thác băng cháy ở Biển Đông năm 2017. Kế hoạch tham vọng này vừa được thông báo tại một hội nghị quốc tế về băng cháy mới đây tại Bắc Kinh. Theo ông Zhang Haiqi, giám đốc của cơ quan Khảo sát địa chất Trung Quốc, “Trung Quốc là một trong vài nước có triển vọng lớn về nguồn tài nguyên này trên thế giới. Có khoảng 10 tỷ tấn băng cháy cả ở trên đất liền và trên biển, tương đương với tổng lượng dự trữ dầu mỏ và khí đốt ở Trung Quốc”. Một mét khối băng cháy có nguồn năng lượng tương đương với hơn 160 mét khối khí đốt tự nhiên và băng cháy được xem là nguồn năng lượng của tương lai.

Trung Quốc xua gần 9.000 tàu cá ra Biển Đông. Khoảng 8.994 tàu cá Trung Quốc ngày 1/8 đã quay lại Biển Đông sau khi lệnh cấm đánh bắt cá kéo dài hai tháng rưỡi từ 16/5 đến 1/8 hết hiệu lực. Đây là năm thứ 16 Trung Quốc đơn phương áp đặt lệnh cấm đánh bắt cá tại Biển Đông. Theo Reuters, dự kiến đến cuối năm 2014, 50.000 tàu cá của Trung Quốc sẽ được trang bị hệ thống định vị vệ tinh Bắc Đẩu cho phép liên lạc trực tiếp với lực lượng hải cảnh nước này khi hoạt động trên các vùng biển tranh chấp ở Biển Đông. Chính phủ Trung Quốc sẽ hỗ trợ 90% chi phí cho các chủ tàu khi gắn thiết bị này. 

+ Việt Nam:

Việt Nam kêu gọi duy trì hòa bình, ổn định ở khu vực. Trả lời câu hỏi về việc Trung Quốc đang tập trận ở Vịnh Bắc Bộ, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam ông Lê Hải Bình chiều 31/7 tuyên bố: “Chúng tôi cho rằng mọi hoạt động của các bên trên Biển Đông cần tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982, không làm phức tạp thêm tình hình và không ảnh hưởng đến hòa bình, ổn định, an ninh và an toàn hàng hải, hàng không tại khu vực.” Theo ông Hải Bình, đến nay các hoạt động của các lực lượng chức năng thực thi pháp luật của Việt Nam trên biển cũng như của ngư dân vẫn diễn ra bình thường.

+ Philippines:

Philippines tăng chi tiêu quốc phòng trong năm 2015. Chính phủ của Tổng thống Philippines Benigno Aquino III đang tìm cách tăng chi tiêu quốc phòng lên gần 30%, ở mức 112,5 tỷ peso (2,66 tỷ USD) trong năm 2015. Theo đề xuất ông Aquino trình lên Quốc hội Philippines ngày 30/7, việc tăng chi tiêu quốc phòng này nằm trong khoản ngân sách trị giá 60,04 tỷ USD cho năm 2015. Trước đó, trong bài phát biểu hôm 28/7, ông Aquino cũng đã cam kết tiếp tục thực hiện chương trình hiện đại hóa Lực lượng Vũ trang Philippines. Ngoài việc được trang bị thêm tám trực thăng chiến đấu đa năng Sokol, ba trực thăng AgustaWestland-109 và tàu đổ bộ đầu tiên BRP Tagbanua, thì dự kiến vào năm 2015, quân đội nước này cũng sẽ sở hữu hai trong số 12 máy bay huấn luyện-chiến đấu FA-50 mà Manila đặt mua của Hàn Quốc. 

Philippines đề xuất giải pháp hạ nhiệt căng thẳng ở Biển Đông. Tuyên bố ngày 1/8 của Bộ Ngoại giao Philippines cho biết nước này sẽ giới thiệu “Kế hoạch hành động ba bước” tại hội nghị khu vực ASEAN sắp tới ở Myanmar, nhằm hạ nhiệt căng thẳng và giải quyết tranh chấp giữa Trung Quốc với các nước khác ở Biển Đông. Giải pháp tức thời kêu gọi các bên tạm dừng những hoạt động có thể khiến căng thẳng leo thang, đồng thời nhấn mạnh việc cần định nghĩa cụ thể hơn đoạn 5 trong DOC. Giải pháp trung hạn nhấn mạnh tính cấp thiết và việc cần thực hiện một cách toàn diện và hiệu quả DOC, nhanh chóng tiến tới COC. Trong khi giải pháp cuối cùng là thúc đẩy một “cơ chế nhằm giải quyết tranh chấp theo luật quốc tế.” Theo tuyên bố trên, Philippines đang theo đuổi một giải pháp như vậy qua tòa trọng tài và tin rằng tòa trọng tài sẽ làm sáng tỏ quyền lợi của tất cả các bên. Và đây sẽ là nền tảng để giải quyết tranh chấp.”

+ Mỹ:

Mỹ theo dõi cuộc tập trận của Trung Quốc trên Biển Đông. Phát biểu trước báo giới hôm 29/7, Tư lệnh Thái Bình Dương Mỹ, đô đốc Sam Locklear cho biết Mỹ sẽ theo dõi cuộc tập trận của Trung Quốc ở Biển Đông trong tuần này, “Liệu Chúng tôi có quan ngại về hoạt động diễn tập của Trung Quốc? Tôi muốn nói, họ quan ngại như thế nào thì chúng tôi cũng vậy. Hai bên luôn quan tâm đến động thái của nhau”. Ông Locklear cũng nhắc lại việc Trung Quốc đã phái một tàu do thám theo dõi cuộc tập trận Vành đai Thái Bình Dương (RIMPAC) do Mỹ dẫn đầu và cho rằng đây là hành động kỳ cục. Bản thân Trung Quốc cũng đang tham gia cuộc tập trận này.

Mỹ thúc giục các bên sớm giải quyết tranh chấp. Phát biểu tại Câu lạc bộ Thịnh vượng chung ở California, Mỹ hôm 29/7, trợ lý ngoại trưởng Mỹ về vấn đề Đông Á ông Daniel Russel cho rằng Philippines, Việt Nam, Nhật Bản và Trung Quốc cần phải tác động lẫn nhau để đưa ra những biện pháp giải quyết tranh chấp biển, “Các bên yêu sách là những bên phải xử lý và giải quyết các tranh chấp. Bản thân họ phải tuân thủ các nguyên tắc, rồi làm gương cho bên khác. Mỹ đang hối thúc Trung Quốc và các nước tranh chấp khác thảo luận về những hành động có thể chấp nhận được, giúp hạ nhiệt căng thẳng hiện nay và về lâu dài sẽ giảm bớt những khác biệt.” Theo ông Russel, “Căng thẳng đã gia tăng trong năm nay. Các hành vi đơn phương, cứng rắn của Trung Quốc mới đây làm dấy lên quan ngại nghiêm trọng về những yêu sách bành trướng của Trung Quốc, cũng như về việc nước này có sẵn sàng tuân thủ luật lệ, quy tắc quốc tế hay không.”

Hạ Nghị sĩ Mỹ ra dự thảo nghị quyết về tranh chấp biển. Hạ nghị sĩ Randy Forbes thuộc đảng Cộng hòa và Hạ nghị sĩ Colleen Hanabusa thuộc đảng Dân chủ hôm 31/7 đệ trình một dự thảo nghị quyết lên Hạ viện tái khẳng định sự ủng hộ của Mỹ đối với  tự do lưu thông ở Châu Á - Thái Bình Dương, chỉ trích hành động cưỡng ép nhằm thúc đẩy yêu sách biển, kêu gọi các bên làm rõ yêu sách theo luật pháp quốc tế và giải quyết hòa bình tranh chấp. Dự thảo nghị quyết dài 16 trang cũng trực tiếp chỉ trích hơn 80 tàu Trung Quốc hộ tống giàn khoan Hải Dương 981, hồi đầu tháng 5 “có hành đồng khiêu khích và hăm dọa tàu cảnh sát biển Việt Nam, vi phạm Công ước về các quy định chống đâm chạm trên biển (COLREGS)”. Dự thảo cũng khẳng định Trung Quốc làm ảnh hưởng đến an ninh hàng hải trong khu vực và vi phạm các nguyên tắc luật quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982, khi thiết lập một vùng cấm có bán kính 3 hải lý xung quanh giàn khoan.

Quan hệ các nước

Singapore và Mỹ tập trận chung trên biển. Cuộc tập trận “Hợp tác huấn luyện và sẵn sàng chiến đấu trên biển” (CARAT) lần thứ 20 giữa lực lượng hải quân và không quân của Singapore và Mỹ đã khai mạc tại Căn cứ Hải quân Changi, Singapore ngày 29/7. Cuộc tập trận tập trung nâng cao khả năng tác chiến hải quân thông thường, với sự tham gia của khoảng 1.400 binh sĩ và một số tàu chiến và máy bay. Phát biểu tại lễ khai mạc, Phó Đô đốc Roberts Thomas thuộc Hạm đội 7, Hải quân Mỹ, cho rằng cuộc tập trận chung này phù hợp với chính sách “tái cân bằng” về Châu Á-Thái Bình Dương cũng như cam kết của Mỹ đối với tự do hàng hải trong khu vực.

Pháp ủng hộ giải quyết tranh chấp Biển Đông bằng biện pháp hoà bình. Ngày 30/7, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã có cuộc điện đàm với Bộ trưởng Ngoại giao Pháp Laurent Fabius. Hai bên đã trao đổi và thống nhất các biện pháp nhằm thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam – Pháp như tăng cường trao đổi đoàn ở các cấp và mở rộng hợp tác trên các lĩnh vực kinh tế, quốc phòng, năng lượng. Hai Bộ trưởng cũng trao đổi về một số vấn đề khu vực  và quốc tế trong đó có vấn đề Biển Đông. Bộ trưởng Ngoại giao Pháp đã bày tỏ lập trường ủng hộ việc giải quyết tranh chấp ở Biển Đông thông qua đối thoại và các biện pháp hòa bình, không sử dụng vũ lực.

Việt Nam và Nhật Bản tăng cường quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng. Sáng 1/8 tại Hà Nội, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh và Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Fumio Kishida cùng chủ trì cuộc họp Ủy ban Hợp tác Việt Nam – Nhật Bản lần thứ sáu. Hai bên đã trao đổi ý kiến và nhất trí về nhiều biện pháp thúc đẩy quan hệ hai nước phát triển một cách toàn diện, hiệu quả và bền vững trong thời gian tới. Hai bên cũng nhất trí cần thông qua đối thoại hòa bình giải quyết các tranh chấp tại Biển Đông trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là UNCLOS 1982, tuân thủ nghiêm túc tinh thần DOC và tiến tới COC, đóng góp thiết thực vào việc duy trì an ninh, hòa bình, ổn định tại khu vực. Bộ trưởng Phạm Bình Minh cảm ơn việc Chính phủ Nhật Bản tiếp tục cam kết duy trì hỗ trợ ODA ở mức cao cho Việt Nam, trong đó có việc ký công hàm trao đổi cung cấp sáu tàu đã qua sử dụng và máy móc thiết bị trong lĩnh vực đảm bảo an ninh trên biển trong khuôn khổ gói viện trợ không hoàn lại trị giá 500 triệu Yên cho Việt Nam.

Phân tích và đánh giá

“Trung Quốc tung 50.000 ‘vũ khí’ ra Biển Đông” của Harry J. Kazianis. Báo chí quốc tế đã tốn không ít giấy mực để bàn về sức mạnh quân sự ngày càng tăng và chiến thuật “cắt lát salami” để gặm nhấm dần Biển Đông của Trung Quốc, tuy nhiên hầu như không ai trong chúng ta hiểu được thật sự chiến lược, chiến thuật tinh vi mà Bắc Kinh đang áp dụng tại Biển Đông. Trong một bài báo gần đây, hãng tin Reuters đã hé lộ một phần bức màn bí mật đó để cho cộng đồng quốc tế hiểu rõ rằng Trung Quốc đang tìm cách thay đổi hiện trạng trên Biển Đông không phải bằng lực lượng quân sự hùng hậu của họ, mà bằng 50.000 vũ khí bí mật – hay cụ thể là các tàu cá tưởng chừng như vô hại. Bài báo của Reuters cho biết trong chiến lược đa dạng để độc chiếm Biển Đông, Trung Quốc không chỉ dừng lại ở chính sách ngoại giao “cây gậy nhỏ” mà còn thúc đẩy ngoại giao “cần câu” với việc đẩy ngư dân ra đánh cá ở các vùng biển tranh chấp. Không có gì thể hiện “chủ quyền” rõ ràng hơn bằng việc một quốc gia thực hiện các hoạt động bình thường trong lãnh thổ của họ, chẳng hạn như hoạt động đánh bắt cá. Chính vì vậy, Trung Quốc đang thực hiện một âm mưu khi đưa 50.000 tàu cá xuống Biển Đông, để dần dần khiến thế giới phải thừa nhận rằng vùng biển này là của họ. Theo Reuters, cho đến đầu năm nay, Trung Quốc đã cho lắp đặt hệ thống định vị vệ tinh Beidou cho hơn 50.000 tàu đánh cá của họ. Tại đảo Hải Nam, các chủ tàu cá chỉ phải trả chưa đầy 10% chi phí cho việc lắp đặt hệ thống này, còn chính phủ Trung Quốc sẽ hỗ trợ phần còn lại. Hành động này của chính phủ Trung Quốc là dấu hiệu cho thấy họ không chỉ khuyến khích ngư dân ào ạt tiến xuống Biển Đông để đánh bắt trong vùng biển của các nước láng giềng mà còn sẵn sàng hỗ trợ họ qua đường dây nóng trực tiếp trong trường hợp bị lực lượng thực thi pháp luật của nước ngoài ngăn cản, bắt giữ. Theo thông tin trên tờ Quartz, Trung Quốc hiện có 695.555 tàu cá, và với việc trang bị hệ thống định vị hiện đại trên, ngày càng nhiều tàu cá Trung Quốc sẽ “đổ bộ” xuống Biển Đông trong tương lai gần. Theo Reuters, đây là dấu hiệu cho thấy Trung Quốc đang hỗ trợ tài chính ngày càng lớn cho ngư dân để thâm nhập sâu hơn xuống Biển Đông để tìm kiếm các ngư trường mới. Nhiều ngư dân ở Hải Nam cho phóng viên Reuters biết, chính quyền khuyến khích họ đến đánh bắt ở những vùng biển tranh chấp, còn chi phí xăng dầu sẽ do chính quyền chi trả. Điều này đồng nghĩa với việc 50.000 tàu cá này sẽ biến thành 50.000 vũ khí bí mật lợi hại trên tiền tuyến của Trung Quốc tại một trong những điểm nóng của châu Á. Trong suốt bảy năm qua, Trung Quốc đã không ngừng sử dụng các loại tàu phi quân sự nhằm tuyên bố chủ quyền của họ ở vùng biển bên trong “đường lưỡi bò”. Tuy nhiên đây là lần đầu tiên Trung Quốc xua “hạm đội tàu cá” của họ xuống Biển Đông với quy mô lớn đến vậy và với sự hỗ trợ trực tiếp rõ ràng đến thế. Reuters cho biết: Một số ngư dân ở Hải Nam nói rằng chính quyền khuyến khích họ tới đánh cá ở tận quần đảo Trường Sa của Việt Nam, cách Hải Nam tới gần 1.100 km. Những ngư dân này cũng tuyên bố sẽ khởi hành tới vùng biển đó ngay khi đợt sửa chữa định kỳ cho các con tàu của mình kết thúc. Thuyền trưởng của một tàu cá tiết lộ, mỗi chuyến đi như vậy, ông ta sẽ nhận được 2.000-3.000 nhân dân tệ (gần 7-10 triệu đồng) mỗi ngày cho một động cơ 500 sức ngựa. Ông này nói: “Chính quyền bảo chúng tôi cần phải đi tới đâu, và họ trả tiền xăng dầu cho chúng tôi dựa trên kích cỡ động cơ”. Ông này cũng không hề giấu giếm rằng, chính quyền thúc họ xuống Biển Đông để “bảo vệ chủ quyền”. Liệu chính sách ngoại giao “cần câu” có thành công tại Biển Đông hay không? Chúng ta có lẽ sẽ sớm có câu trả lời.

“Làm dịu cơn bão ở Biển Đông” của Surakiart Sathirathai. Biển Đông hiện đang là vấn đề trọng tâm, có những tác động sâu rộng đối với hòa bình, an ninh và thịnh vượng của khu vực và thế giới nói chung. Tranh chấp lãnh thổ đe dọa sẽ phủ bóng đen lớn lên mối quan hệ Trung Quốc-ASEAN. Mặc dù là một nước không có tranh chấp, Myanmar - Chủ tịch hiện tại của ASEAN - có trách nhiệm đặc biệt giúp giải quyết vấn đề và ngăn chặn sự leo thang căng thẳng. Tương tự như vậy, là điều phối viên hiện tại của ASEAN-Trung Quốc, Thái Lan cũng có trách nhiệm bảo đảm vấn đề Biển Đông không làm gián đoạn các quan hệ cùng có lợi giữa ASEAN và Trung Quốc. ASEAN, Trung Quốc và các nước bạn bè trong và ngoài khu vực cùng chia sẻ trách nhiệm bảo đảm căng thẳng hoặc xung đột vũ trang sẽ không diễn ra, không ảnh hưởng đến việc triển khai Cộng đồng Kinh tế ASEAN và cản trở sự di chuyển tự do của hàng hóa, dịch vụ, vốn và đầu tư, và lao động lành nghề. Căng thẳng ở Biển Đông chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến lòng tin của cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài khu vực ASEAN về Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) đang trong quá trình hình thành, dự kiến tạo nên khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới, bao gồm 16 quốc gia: 10 thành viên của ASEAN, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Australia và New Zealand. Rõ ràng nếu để tranh chấp Biển Đông leo thang thành cuộc đối đầu, chúng ta sẽ có nguy cơ biến Biển Đông thành một biển xung đột. Chính sách “bên miệng hố chiến tranh” có thể làm gián đoạn thương mại toàn cầu và các tuyến đường giao thông huyết mạch quan trọng đối với khu vực Châu Á-Thái Bình Dương. Điều nguy hiểm là không giải quyết được cẳng thẳng, những hành động vô ý hoặc tiếp tục bế tắc sẽ thúc đẩy tình cảm dân tộc của tất cả các bên. Có lẽ đã đến lúc tất cả các bên cần phải lùi một bước để có được cái nhìn đầy đủ hơn về bức tranh toàn cảnh và những biện pháp sắp tới. Trước hết tình hình phải được phi chính trị hóa. Cần phải tạo ra một tầm nhìn chung về những cơ hội chung.

“Trung Quốc sắp triển khai hạm đội khai thác dầu khí xa bờ?” của Eric YepWayne Ma. Theo hãng nghiên cứu IHS Maritime, các công ty, từ Tập đoàn dầu khí xa bờ quốc gia Trung Quốc (CNOOC) đến các nhà cung ứng dịch vụ, đều đã đặt đóng thêm tàu và giàn khoan để khai thác xa bờ trong nửa đầu năm nay, nhiều hơn bất kỳ thời điểm kể từ năm 2010 và sẽ còn thêm vô số tàu, giàn khoan nữa. Ngoài ra, năm ngoái Trung Quốc đã đặt đóng một giàn khoan cỡ lớn, trọng lượng 30 tấn hoạt động ở vùng nước sâu, để có thể hoạt động trên Biển Đông và đang lên kế hoạch đóng 2 giàn khoan khổng lồ khác. Các giàn khoan mới này sẽ có cùng kích cỡ với giàn khoan Hải Dương 981 – giàn khoan dầu khí lớn nhất của Trung Quốc. Lý do để Trung Quốc đóng mới hạm đội khai thác dầu khí xa bờ này đó là nước này đang cực kỳ khát dầu để đáp ứng nhu cầu năng lượng quá lớn của họ, và đặc biệt là bởi CNOOC, nhà sản xuất dầu khí xa bờ chủ lực của Trung Quốc, đang phải tìm nguồn khai thác mới để thay thế sản lượng đang cạn dần ở các mỏ đã khai thác. Sự phát triển của hạm đội này sẽ giúp Trung Quốc có khả năng khai thác các mỏ mới, đồng thời giương cờ cắm mốc chủ quyền gần như trên khắp Biển Đông – vùng biển có phần lớn diện tích chưa được khai phá bởi lý do điều kiện thời tiết khắc nghiệt và vấn đề tranh chấp lãnh thổ. Theo chuyên gia an ninh năng lượng Philip Andrews-Speed thuộc Viện nghiên cứu năng lượng (Singapore), việc tăng cường hạm đội này là một phần chính sách của Trung Quốc tại một khu vực mà Bắc Kinh vừa có những mục tiêu đảm bảo an ninh năng lượng, vừa có những mục đích chính trị. Ông nói: “Tôi cho rằng Trung Quốc sẽ sử dụng các giàn khoan này với mục đích vừa là một tuyên bố chính trị, vừa là một phương tiện thăm dò sơ khai”. Còn theo nhà phân tích Gary Li của IHS Maritime, “đây chỉ là sự khởi đầu cho một kế hoạch tổng thể, công phu của Trung Quốc nhằm khai thác nguồn tài nguyên thiên nhiên tại Biển Đông”.

“Những diễn biến gần đây ở Biển Đông và chính sách của Mỹ” của Gregory B. Poling. Căng thẳng ở Biển Đông tiếp tục leo thang trong năm vừa qua, với việc Philippines đệ trình các bằng chứng chống lại yêu sách của Trung Quốc lên tòa trọng tài, Bắc Kinh hạ đặt giàn khoan tại vùng biển mà Việt Nam tuyên bố chủ quyền, và lo ngại ngày càng gia tăng của Malaysia về việc Trung Quốc thực thi chủ quyền tại Bãi Tăng Mẫu/James Shoal. Các diễn biến này nhấn mạnh sự cần thiết phải quản lý tranh chấp ở Biển Đông đối với khu vực cũng như đối với Mỹ. Dưới đây là bản tóm tắt các khuyến nghị của CSIS dành cho các nhà hoạch định chính sách Mỹ trong vấn đề Biển Đông. (1) Hỗ trợ ASEAN xác định các vùng biển tranh chấp theo luật quốc tế và công bố bản đồ mô tả về các vùng biển này; (2) Công bố một bản phân tích pháp lý chi tiết về các yêu sách ở Biển Đông, đặc biệt là về đường chín đoạn, thông qua Bộ Ngoại giao Mỹ; (3) Hối thúc ASEAN và các đối tác đối thoại của tổ chức này thực hiện việc “đóng băng” các hoạt động trong vùng biển tranh chấp, đồng thời tiến hành đàm phán về Bộ quy tắc ứng xử (COC) mang tính ràng buộc với hi vọng có thể thúc giục Trung Quốc cũng sẽ làm điều tương tự; (4) Phê chuẩn UNCLOS; (5) Công bố sự thừa nhận rằng Mỹ đã sai lầm khi không chấp nhận phán quyết  của Tòa án Công lý Quốc tế trong vụ Nicaragua vs Mỹ năm 1986; (6) Cân nhắc việc xóa bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam, trước hết là xây dựng lộ trình cho phép nới lỏng các giới hạn từng bước một; (7) Nới lỏng các hạn chế trong quan hệ giữa quân đội hai nước Mỹ và Trung Quốc trong những lĩnh vực cụ thể để thúc đẩy sự can dự mạnh mẽ hơn của Trung Quốc trong các cuộc tập trận trong tương lai; (8) Tuyên bố rằng Mỹ sẽ cân nhắc việc đáp trả theo các điều khoản của hiệp định quốc phòng song phương với Philipines nếu các hành động của Trung Quốc trong vùng biển tranh chấp dẫn đến thương vong của quân lính Philippines; (9) Coi việc đổi mới, nâng cấp căn cứ hải quân ở Vịnh Oyster là trọng tâm trong số các hoạt động của Mỹ theo Hiệp định Tăng cường Hợp tác Quốc phòng với Philippines; (10) Củng cố năng lực trên biển cho cả Mỹ và các đồng minh, công khai cơ sở dữ liệu về hoạt động giao thông trên biển thời gian thực (real-time surface traffic) ở Biển Đông.

“Biển Đông sẽ ngày càng nổi sóng” của Teddy Ng. Tân Hoa Xã ngày 24/7 cho biết Trung Quốc đã tiến hành nạo vét tuyến kênh hàng hải dài 1,7 km tại đảo Duy Mộng (tên quốc tế là Drummond) thuộc quần đảo Hoàng Sa. Theo các nhà phân tích, động thái này cho thấy lập trường ngày càng cứng rắn hơn của Trung Quốc trong tham vọng chủ quyền của họ trên Biển Đông. Việc nạo vét tuyến kênh hàng hải tại đảo Duy Mộng là tiền đề để Trung Quốc xây dựng các cầu cảng và âu tàu cho các tàu du lịch và tàu hậu cần hoạt động ở đây trong tương lai. Đảo Duy Mộng có diện tích 21 km vuông, trước đây là một lạch nước nhỏ cho phép tàu thuyền có thể vào sâu trong đảo khoảng 200 mét. Giám đốc của cái gọi là ủy ban quản lý đảo Duy Mộng tuyên bố: “Tuyến kênh mới này sẽ giúp ngư dân hoạt động dễ dàng và giúp họ cải thiện điều kiện sống trên đảo.” Chuyên gia về quan hệ Trung Quốc tại Đông Nam Á thuộc Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc Xu Liping cho rằng Bắc Kinh sẽ tiếp tục các hoạt động nạo vét, mở rộng các tuyến kênh hàng hải để giúp các tàu chấp pháp của họ dễ dàng thực hiện hoạt động tuần tra và tạo điều kiện để hoạt động hậu cần trên Biển Đông diễn ra thuận lợi hơn. Trong khi đó, ông Wu Shicun, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Nam Hải nhận định rằng Trung Quốc đang tăng cường phát triển trong khu vực này, “Việc nạo vét tuyến kênh này mới chỉ là bước đầu tiên. Nhiều cơ sở hạ tầng nữa sẽ được xây dựng để có thêm nhiều tàu thuyền cập cảng.” Theo giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á thuộc Đại học Hạ Môn Trung Quốc Zhuang Guotu, Bắc Kinh đang ngày càng quyết đoán hơn trong việc thể hiện chủ quyền của mình trên Biển Đông thông qua các hoạt động kinh tế và mở rộng hệ thống kênh./.