Động thái của các quốc gia

+ Trung Quốc:

Trung Quốc khẳng định không có vấn đề về tự do hàng hải ở Biển Đông. Tại cuộc họp báo thường kỳ ngày 30/8, về việc quan chức cao cấp Bộ Quốc phòng Mỹ chỉ trích Trung Quốc xây dựng đảo đá ảnh hưởng đến tự do hàng hải; nhiều học giả Mỹ cho rằng quân đội Mỹ cần tiếp tục triển khai FONOP; phóng viên CNN lên máy bay quân sự Mỹ để chụp ảnh Biển Đông, Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Ngô Khiêm tuyên bố, “Thời gian qua, phía Mỹ đã thổi phồng vấn đề Biển Đông, đổ lỗi cho Trung Quốc ảnh hưởng đến tự do hàng hải. Trung Quốc xây dựng đảo chủ yếu là phục vụ nhu cầu dân sự, hoàn toàn chính đáng. Trung Quốc triển khai các thiết bị phòng vệ cần thiết trên đảo là quyền lợi đương nhiên của quốc gia chủ quyền, hoàn toàn hợp lý. Máy bay quân sự Mỹ áp sát các đảo của Trung Quốc để khiêu khích, Trung Quốc cảnh cáo theo pháp luật, cũng hoàn toàn chính đáng. Ngoài ra, chúng tôi cũng thấy Mỹ cố tình phớt lờ những nỗ lực của Trung Quốc trong việc bảo đảm hòa bình, ổn định ở Biển Đông. Gần đây, Trung Quốc công bố thông tin tàu “Cứu hộ Nam Hải 115” chính thức đồn trú tại quần đảo Trường Sa nhưng có rất ít thông tin báo chí Mỹ đề cập đến việc này. Chiếc tàu này đã thực hiện thành công 3 vụ cứu nạn, 1 tàu cá và 4 ngư dân được cứu.” Ông Khiêm cũng cho hay về hoạt động diễn tập quân sự Trung Quốc - ASEAN sắp tới: Giai đoạn 1 là diễn tập mô phỏng đã hoàn tất trong thời gian từ ngày 2 - 3/8 tại Singapore; giai đoạn 2 là diễn tập thực địa dự kiến vào cuối tháng 10 tại vùng biển Trạm Giang, Trung Quốc. Trọng điểm diễn tập là áp dụng “Quy tắc va chạm bất ngờ trên biển” và tìm kiếm cứu nạn liên hợp, các khoa mục bao gồm biên đội di chuyển, thông tin liên lạc, cứu nạn liên hợp, trực thăng hạ cánh tại tàu của nhau.”

Trung Quốc sẵn sàng tham gia cứu hộ tàu Philippines mắc cạn ở Trường Sa. Về việc tàu BRP Del Pilar của Hải quân Philippines mắc cạn gần Bãi Trăng Khuyết, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh hôm 31/8 cho hay, các tàu tuần duyên của Trung Quốc đã tới hiện trường trong khi tàu tìm kiếm cứu hộ Nan Hai Jiu 115 đang chờ sẵn ở gần đó, “Trung Quốc đã nắm được các thông tin liên quan. Chúng tôi đang thảo luận với phía Philippines về vấn đề tìm kiếm và cứu hộ.” Trước đó, ba quan chức giấu tên Philippines cho biết Trung Quốc đã được thông báo về vụ việc thông qua tùy viên quân sự ở Manila.

+ Philippines:

Tàu chiến Philippines mắc cạn ở Trường Sa. Tối 29/8, tàu chiến BRP Gregorio Del Pilar của Hải quân Philippines đã mắc cạn sau khi đâm một bãi đá ở khu vực đảo Palawan, gần Bãi Trăng Khuyết thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Đại tá Noel Detoyato, Văn phòng quan hệ công chúng của quân đội Philippines, cho hay, " Bộ Tư lệnh phía Tây đã điều động tất cả các tàu ở khu vực đã tới hiện trường để đánh giá tình hình, hỗ trợ tàu mắc cạn và đưa con tàu về cảng an toàn". Tàu BRP Del Pilar là 1 trong 3 tàu tuần duyên cũ của Lực lượng Tuần duyên Mỹ chuyển trao cho Philippines. Tàu bị hỏng chân vịt nhưng không bị thủng, 117 thành viên thủy thủ đoàn không bị thương.

Ngoại trưởng Philippines: ‘Không có thời hạn về thăm dò chung ở Biển Đông’. Phát biểu trong cuộc họp báo ngày 30/8, Ngoại trưởng Alan Peter Cayetano cho biết, "Tôi có một cuộc gặp với Ngoại trưởng Vương Nghị ở Bắc Kinh và chúng tôi đã nhất trí không đưa ra một thời hạn nhưng sẽ phối hợp “sớm nhất có thể” để đưa ra một khuôn khổ pháp lý”. Theo ông Cayetano, khuôn khổ về thăm dò chung phải phù hợp với cả Manila và Bắc Kinh; và việc thống nhất được một khuôn khổ sẽ “khó khăn" bởi phải phù hợp với luật pháp của Philippines và Trung Quốc. Ông Cayetano cũng nói thêm đề nghị ban đầu của Philippines đối với Trung Quốc là chia sẻ theo tỉ lệ 60-40 và Bắc Kinh đã "cởi mở" với đề xuất ban đầu của Manila về thăm dò chung.

+ Indonesia:

Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia khẳng định cởi mở giúp hạ nhiệt Biển Đông. Trả lời phỏng vấn của Benar News hôm 31/8, về câu hỏi Indonesia đổi tên North Natuna Sea có nghĩa là Indonesia sẽ đảm nhận vai trò tích cực hơn trong vấn đề Biển Đông, Bộ trưởng quốc phòng Ryacudu cho hay, “Khi tôi mới là bộ trưởng quốc phòng 4 năm trước, tôi thấy có nhiều căng thẳng. Năm 2015 cũng như vậy. Tôi nói không cần phải lo lắng như vậy. Và khi gặp đoàn Trung Quốc tại Shangri-La, tôi đề xuất về việc cởi mở, bao gồm hoạt động tuần tra chung. Phía Trung Quốc đồng ý tiến hành đầu tiên với Indonesia sau là tất cả các nước. Vậy khi có căng thẳng, ta cần có cởi mở. Điều này sẽ giúp giảm căng thẳng.”

+ Malaysia:

Malaysia bắt 36 ngư dân Việt Nam vì cáo buộc đánh bắt trái phép. Cơ quan Chấp pháp Biển Malaysia (MMEA) cho hay đã bắt giữ 36 ngư dân Việt Nam cùng 5 tàu đăng ký giả số tàu địa phương ở ngoài khơi Tanjung Kubong ngày 25/8. Cơ quan này cho biết các ngư dân Việt Nam độ tuổi từ 19 đến 57 có giấy tờ tùy thân hợp lệ. Hàng trăm ngư dân Việt Nam đã bị buộc tội đánh bắt cá bất hợp pháp trong những năm gần đây ở vùng biển nước ngoài. Tuần trước, giới chức Indonesia đã đánh chìm 86 tàu Việt Nam, trong nỗ lực nhằm ngăn chặn nạn đánh cá bất hợp pháp trong vùng biển của nước này

........

Bản PDF tại đây