Động thái của các quốc gia

+ Trung Quốc:

Hải quân Trung Quốc tập trận đa phương ở Hawaii. Ngày 29/6 một đội tàu của Trung Quốc, tàu khu trục tên lửa Tây An, khinh hạm tên lửa Hoành Thủy, tàu hậu cần Cao Bưu Hồ, tàu bệnh viện Peace Ark, tàu cứu hộ tàu ngầm Trường, cùng khoảng 1.200 binh sỹ và sỹ quan đã tới Trân Châu Cảng để tham gia cuộc tập trận đa phương, mang tên Vành đai Thái Bình Dương (RIMPAC) 2016. Đây là lần thứ 2 Hải quân Trung Quốc tham gia tập trận RIMPAC. Hải quân Trung Quốc sẽ tham gia các nội dung như bắn súng, xử lý và khắc phục thiệt hại, chống cướp biển, tìm kiếm-cứu nạn, lặn và cứu hộ tàu ngầm.

Trung Quốc khó chịu vì Nhật Bản quan tâm đến vụ kiện. Về việc Thứ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Shinsuke Sugiyama hôm 27/6 khẳng định ông đang theo dõi chặt chẽ vụ kiện, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi hôm 28/6 tuyên bố: “Theo những gì quan chức Nhật Bản phát biểu, chúng ta có thể thấy một số người ở Nhật muốn thấy thế giới rơi vào tình trạng hỗn loạn. Để làm điều này, họ tiếp tục chiến dịch công khai về vấn đề Biển Đông, khơi dậy căng thẳng và gây bất hòa giữa các nước trong khu vực. Nhật Bản có một lịch sử đáng xấu hổ ở Biển Đông. Trung Quốc hy vọng Nhật Bản không tái diễn quá khứ và các nước trong khu vực cần cảnh giác cao độ trước các động thái của Nhật Bản”. Về vụ kiện của Philippines, ông Hồng hôm 30/6 nêu rõ: “Liên quan đến vấn đề tranh chấp lãnh thổ và phân định biển, Trung Quốc sẽ không chấp nhận bất kỳ bên thứ 3 nào tham gia giải quyết tranh chấp hoặc một giải pháp mang tính áp đặt đối với vấn đề. Trung Quốc tiếp tục tuân thủ luật pháp quốc tế và hợp tác với bên liên quan trực tiếp để giải quyết tranh chấp thông qua đàm phán và tham vấn trên cơ sở tôn trọng sự thật lịch sử và phù hợp với luật pháp quốc tế, qua đó duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông. 

Trung Quốc tuyên bố không thỏa hiệp về lợi ích quốc gia. Phát biểu trong lễ kỉ niệm 95 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc tại Đại lễ đường Nhân dân hôm 1/7, Chủ tịch Tập Cận Bình tuyên bốTrung Quốc không theo đuổi bá quyền ở châu Á, nhưng sẽ không khuất phục trước các mối đe dọa quân sự, “Trung Quốc không nhòm ngó lợi ích của các quốc gia khác, nhưng cương quyết không từ bỏ quyền lợi chính đáng của mình. Các nước khác không nên mơ tưởng chúng ta sẽ mặc cả lợi ích cốt lõi hoặc nuốt trái đắng khi các lợi ích liên quan đến chủ quyền, an ninh và phát triển bị tổn hại”. Trong một thông điệp được cho nhằm vào Mỹ, ông Tập khẳng định, “Trung Quốc sẽ tiếp tục triển khai phương thức phòng vệ tích cực. Chúng ta không tạo mối đe dọa quân sự hay phô trương sức mạnh trước cửa nhà người khác. Những hành động như vậy không phản ánh sức mạnh thực sự và sẽ không ngăn cản được ai.”

Trung Quốc tập trận ở Biển Đông trước ngày PCA ra phán quyết. Trong một tuyên bố hôm 3/7, Cục Hải dương Quốc gia Trung Quốc (SOA) cho biết nước này sẽ tiến hành tập trận xung quanh quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Cuộc tập trận sẽ diễn ra từ ngày 5-11/7, bao trùm khu vực từ phía Đông đảo Hải Nam trở xuống. Thông báo của SOA cấm các tàu khác đi vào vùng biển này trong thời gian tập trận.

+ Việt Nam:

Việt Nam muốn Tòa trọng tài đưa ra phán quyết công bằng. Ngày 1/7, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình tuyên bố: “Việt Nam đã được thông báo về việc Tòa Trọng tài sẽ ra phán quyết cuối cùng vào ngày 12/7/2016. Là quốc gia trực tiếp liên quan đến tranh chấp ở Biển Đông và là quốc gia thành viên UNCLOS năm 1982, Việt Nam luôn theo dõi sát diễn biến vụ kiện và mong muốn Tòa Trọng tài sẽ đưa ra phán quyết công bằng và khách quan, tạo cơ sở cho việc giải quyết hòa bình các tranh chấp ở Biển Đông.”

+ Singapore:

Singapore khẳng định vai trò ASEAN trong giải quyết tranh chấp biển. Phát biểu trước báo giới nhân ngày kỷ niệm lực lượng vũ trang Singapore hôm 1/7, Bộ trưởng quốc phòng nước này Ng Eng Hen cho hay: “Trung Quốc rõ ràng muốn đàm phán song phương với từng nước tranh chấp và hy vọng ASEAN không can thiệp. Tuy nhiên ASEAN và các nước khác không thể phớt lờ thực tế Biển Đông là tuyến hải lộ quốc tế. Trung Quốc đã hứa hẹn bảo đảm tự do hàng hải và hàng không, tuy nhiên không một quốc gia có trách nhiệm nào lại chỉ ngồi yên và hy vọng không có gì xảy ra trong khi thực tế căng thẳng Biển Đông ngày càng nóng lên. Vì thế chúng ta nhất thiết phải quan tâm đến điều này.” Bộ trưởng Ng Eng Hen cũng kêu gọi tăng cường tập trận chung và hợp tác quân sự hơn nữa với Trung Quốc để xây dựng lòng tin và hạn chế căng thẳng “ASEAN và Trung Quốc ngày càng gắn bó với nhau thì càng có lợi cho cả hai”.

+ Indonesia:

Indonesia tăng cường hoạt động khẳng định chủ quyền ở Natuna. Phát biểu trong một phiên họp nội các ngày 29/6, Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã chỉ thị mở rộng hoạt động thăm dò dầu khí và đánh bắt trên các vùng biển gần quần đảo Natuna, “Trong số 16 mỏ dầu quanh quần đảo Natuna, mới chỉ có năm mỏ đang được khai thác sản xuất. Tôi muốn đẩy nhanh tiến trình này để các mỏ sớm bước vào giai đoạn sản xuất.” Ngoài ra, ông Widodo cũng nhấn mạnh hiện sản lượng đánh bắt cá xung quanh Natuna mới chỉ đạt khoảng 9% so với tiềm năng, và chính phủ Indonesia muốn phát triển ngành đánh bắt cá thương mại của nước này ở Natuna.

Indonesia xây dựng căn cứ quân sự quần đảo Natuna. Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia Ryamizard Ryacudu hôm 1/7 cho hay: “Kế hoạch này được đề xuất vào tháng 9 năm 2015, ban đầu theo chính sách của Bộ Quốc Phòng, sau đó do Tư lệnh lực lượng vũ trang Indonesia phụ trách, bao gồm xây dựng một số căn cứ quân sự trong khu vực, cùng các cơ sở hạ tầng.” Theo ông Ryacudu, Hạ viện Indonesia đã thông qua một ngân sách bổ sung 846 triệu USD cho năm 2016, một phần trong đó để Bộ Quốc phòng nước này nâng cấp căn cứ quân sự ở Natuna.

+ Campuchia:

Campuchia tiếp tục phản đối phán quyết của Tòa Trọng tài. Phát biểu tại lễ kỷ niệm 65 năm ngày thành lập đảng CPP hôm 28/6, Thủ tướng Campuchia Hun Sen kêu gọi các nước ngoài ASEAN cần dừng can thiệp vào tranh chấp Biển Đông và không sử dụng vấn đề này như con bài mặc cả tại các diễn đàn khu vực và quốc tế, “Campuchia hết lần này đến lần khác trở thành nạn nhân trong vấn đề Biển Đông. Tôi hy vọng các nước sẽ không rơi vào hoàn cảnh giống như Campuchia”. Ông Hun Sen cho hay Campuchia sẽ không ủng hộ bất kỳ tuyên bố nào của ASEAN ủng hộ phán quyết của Tòa, “Nỗ lực tập hợp lực lượng chống Trung Quốc của các nước bên ngoài đang ảnh hưởng tiêu cực tới ASEAN và hòa bình khu vực.”

+ Mỹ:

Mỹ tái khẳng định giải pháp hòa bình cho tranh chấp biển. Về việc Tòa thông báo đưa ra phán quyết vụ kiện của Philippines vào ngày 12/7, Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Mỹ bà Anna Richey-Allen hôm 29/6 nhấn mạnh: “Phù hợp với chính sách lâu dài của chúng tôi, Mỹ ủng hộ giải pháp hòa bình cho tranh chấp Biển Đông, bao gồm việc sử dụng những cơ chế pháp lý quốc tế như phân xử trọng tài.”

+ Nhật Bản:

Nhật Bản quan ngại tranh chấp biển tại khu vực. Phát biểu với báo giới tại trụ sở Liên Hợp Quốc hôm 1/7, Đại sứ Nhật Bản tại Liên Hợp Quốc ông Koro Bessho cho hay Nhật Bản “quan ngại sâu sắc” về tranh chấp biển giữa Trung Quốc với các nước khác, và Hội đồng Bảo An sẽ đưa vấn đề này vào trong chương trình nghị sự nếu nhận được đề nghị từ 15 nước thành viên, thậm chí cả các thành viên khác của Liên Hợp Quốc.

+ Nga:

Nga phản đối quốc tế hóa tranh chấp Biển Đông. Trả lời phỏng vấn đài Sputnik hôm 30/6, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Liên bang Nga tại Việt Nam ông Konstantin Vnukov cho hay, “Nếu nói ngắn gọn thì Nga không phải một bên tranh chấp ở Biển Đông. Nhưng đồng thời chúng tôi có những lợi ích ở khu vực, kể cả ở Việt Nam. Và chúng tôi muốn các vấn đề trong khu vực được giải quyết bằng các biện pháp chính trị và ngoại giao, thông qua cuộc đàm phán giữa các nước có tranh chấp. Chúng tôi cho rằng, lối thoát tốt nhất và duy nhất khỏi tình trạng này là việc tổ chức cuộc đàm phán trên cơ sở luật pháp quốc tế. Và tất nhiên, như Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã nói gần đây, chúng tôi phản đối việc quốc tế hóa tranh chấp, chống lại sự tham gia của các bên không có liên hệ trực tiếp đến cuộc tranh chấp. Đây là lập trường của Nga. Quan điểm này là rất rõ ràng, và không nên nghi ngờ Nga đang nghiêng về ủng hộ bên này hoặc bên kia”.

Quan hệ các nước

Việt - Trung tăng cường hợp tác trong hoạt động cảnh sát biển. Ngày 27/6 tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh và Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì đã chủ trì Phiên họp lần thứ 9 Ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương Việt -Trung. Hai bên đã trao đổi về vấn đề trên biển, nhấn mạnh yêu cầu cần nghiêm túc thực hiện các thỏa thuận và nhận thức chung của Lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước, trong đó có “Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam-Trung Quốc;” kiểm soát tốt bất đồng, thúc đẩy các cơ chế đàm phán đạt tiến triển thực chất, nỗ lực triển khai các dự án hợp tác trên biển đã thỏa thuận, trao đổi thiết lập cơ chế hợp tác tìm kiếm cứu nạn trên biển. Kết thúc Phiên họp, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh và Ủy viên Quốc vụ Dương Khiết Trì đã chứng kiến lễ ký “Bản ghi nhớ hợp tác giữa Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam và Cục Cảnh sát biển Trung Quốc”.

Nhật - Mỹ khẳng định phối hợp về an ninh biển. Phát biểu sau cuộc thảo luận với Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Antony Blinken ở Washington  hôm 27/6, Thứ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Shinsuke Sugiyama cho biết hai bên cùng chia sẻ quan điểm rằng môi trường an ninh ở châu Á-Thái Bình Dương đã “ngày càng xấu đi” vì những tham vọng hạt nhân và các vụ phóng tên lửa của Triều Tiên, cũng như những nỗ lực của Trung Quốc nhằm thay đổi hiện trạng ở các vùng biển Hoa Đông và Biển Đông. Ông Sugiyama cho hay ông đang “theo dõi chặt chẽ” phán quyết của Tòa trong vụ kiện Philippines.

Tòa ra phán quyết vụ kiện Philippines vào ngày 12/7. Trong một tuyên bố ngày 29/6, Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ở La-Hay thông báo sẽ ra phán quyết vào khoảng 11 giờ giờ địa phương (tức 16 giờ giờ Hà Nội) ngày 12/7. Phán quyết sẽ được gửi cho các Bên qua thư điện tử, cùng một bản Thông cáo Báo chí, bao gồm nội dung tóm tắt của Phán quyết, bằng tiếng Anh, Pháp, Trung.

Phân tích và đánh giá

Biển Đông: Khoảnh khắc sự thật đang tới gầncủa Richard Javad Heydarian

Trong các tuần tới, Tòa Trọng tài Thường trực (PCA), được thành lập dưới sự bảo hộ của UNCLOS sẽ đưa ra phán quyết cuối cùng trong vụ kiện giữa Trung Quốc và Philippines. 

Tuy nhiên, cuối cùng, chính Tổng thống sắp tới của Philippines, ông Rodrigo Duterte, mới là người quyết định sẽ làm gì với phán quyết có lợi của tòa. Điều này vạch ra một số yếu tố bất ổn. Không giống như người tiền nhiệm Benigno Aquino, ông có vẻ như không muốn đối đầu với Trung Quốc, và đã bày tỏ sự nghi ngờ cam kết của Washington với đồng minh Đông Nam Á này. Ông Duterte cũng bày tỏ nghi ngờ về tính thực tiễn của vụ kiện và đặt câu hỏi về quyền hạn pháp lý của PCA trong các tranh chấp Biển Đông. Sau cùng, phán quyết của tòa sẽ được đưa ra không lâu sau khi ông Duterte chính thức nhậm chức, bởi vậy trên thực tế, vụ việc này vẫn có thể bị ngưng lại.

Điều rõ ràng ở đây đó là chính quyền ông Duterte sẽ không từ bỏ vụ kiện, vốn đang bước vào giai đoạn cuối. Khả năng này cũng là điều bất khả thi, trong bối cảnh tỷ lệ ủng hộ trong nước và quốc tế cho vụ kiện của Philippines đã tăng lên. Trên thực tế, Ngoại trưởng Philippines sắp được bổ nhiệm chính thức Perfecto Yasay đã nói rõ rằng Chính quyền Duterte sẽ “không theo đuổi bất kỳ đàm phán song phương nào [với Trung Quốc] vào thời điểm này cho đến khi chúng tôi được nghe thấy, hoặc chờ đợi, phán quyết của tòa”.

Một phán quyết có lợi sẽ mang lại lợi thế cho Chính quyền Duterte trong bất kỳ cuộc đàm phán song phương nào với Trung Quốc. Lấy ví dụ, chính quyền mới ở Philippines có thể hứa hẹn không áp đặt đầy đủ phán quyết của tòa - có thể coi đó là lời cố vấn thay vì một phán quyết mang tính ràng buộc - để đổi lấy nhượng bộ của Trung Quốc trên Biển Đông và các đầu tư quy mô lớn. 

Hiện cũng có một lựa chọn khác, đó là chính quyền hai nước sẽ đồng thời thể hiện sự tôn trọng luật quốc tế và đáp ứng nguyện vọng nhằm giải quyết song phương các tranh chấp với việc lựa chọn một cơ chế hai bên đều chấp nhận theo UNCLOS. Lấy ví dụ, hai nước có thể nhất trí thành lập một “ủy ban hòa giải”, cho phép hai bên giải quyết các tuyên bố chồng lấn dưới sự hướng dẫn của hội đồng các chuyên gia pháp lý mà hai nước đồng ý, những người sẽ đưa ra lời khuyên pháp lý nhưng không phải là các phán quyết mang tính ràng buộc. 

Chắc chắn rằng, Chính quyền Duterte sẽ đứng trước sức ép lớn từ mọi phía buộc ông phải giành lấy lợi ích chiến lược lớn nhất từ vụ kiện của người tiền nhiệm. Rất có thể ông Duterte, người đã hứa sẽ thực thi một chính sách đối ngoại độc lập, sẽ quyết định bước đi tiếp theo dựa trên bản chất của phán quyết và cái mà ông coi là lựa chọn thực tiễn nhất để bảo vệ lợi ích quốc gia Philippines và tránh xung đột không cần thiết với Trung Quốc.

Chính sách đàm phán ‘kỳ dị’ của Trung Quốc ở Biển Đôngcủa David A. Welch

Trung Quốc muốn đạt được điều gì trong các cuộc đàm phán song phương về tranh chấp trên biển? Giải pháp đàm phán song phương đặc biệt gây nghi ngờ khi Trung Quốc vẫn giữ quan điểm có chủ quyền “không thể tranh cãi” ở Biển Đông từ “thời xa xưa”. Đàm phán là nghệ thuật đi tới đồng thuận kiểu “có qua có lại”, chứ không phải là giành phần thắng trong cuộc thảo luận. Nếu như chủ quyền của Trung Quốc là “không thể tranh cãi”, việc đàm phán còn có ý nghĩa gì? Nếu chính quyền Bắc Kinh lo sợ phản ứng từ tư tưởng dân tộc chủ nghĩa đang gia tăng, họ sẽ từ bỏ quan điểm trên bàn đàm phán theo cách nào mà không kích hoạt làn sóng phản đối trong nước? 

Có một cách giải thích chưa thực sự rõ ràng, đó là Trung Quốc muốn đàm phán song phương để có thể buộc các nước khác quy phục. Thế nhưng quả là lạ nếu Bắc Kinh thực sự cho rằng Việt Nam, Philippines, Malaysia hay Brunei sẵn lòng ngồi vào bàn đàm phán chỉ để chấp nhận những điều khoản quy hàng. Hay có phải Bắc Kinh nghĩ rằng phải có một “vùng giao kèo” dưới một hình thức nào đó? Nếu đúng thì đó là gì?

Một khả năng là Bắc Kinh sẵn lòng phân xử những yêu sách chủ quyền mập mờ cố hữu của mình ở Biển Đông để giải quyết các tranh chấp. Trong trường hợp này, sự xuống thang là rõ ràng. Bắc Kinh tuyên bố “đường 9 đoạn” chỉ có ý nghĩa bao trùm các đảo mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền, chứ không phải là vùng biển gắn với quyền tài phán dựa trên những đảo này. Từ đây, Trung Quốc có thể lập luận quyền tài phán sẽ được thực thi theo UNCLOS năm 1982. Đối với các bên tranh chấp, mới nhìn qua, sự nhượng bộ trên sẽ mở đường cho việc phân định các vùng biển chồng lấn. Nhưng xem xét kĩ thì sẽ thấy việc xuống nước đó chẳng có ý nghĩa gì, trừ khi Trung Quốc thực sự sẵn lòng nhượng một phần chủ quyền đối với các quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa hay Trung Sa cho các nước khác, để đổi lấy một sự rõ ràng cũng chẳng có ý nghĩa gì. Không những thế, điều nực cười trong kịch bản này chính là việc vụ khởi kiện của Philippines- tiến trình mà Trung Quốc xem là không hợp pháp, sẽ làm rõ một số điều khoản trong UNCLOS, dựa trên nền tảng phân định quy chế mà các thực thể trên biển được hưởng. Nếu đó thực sự là quan điểm mặc cả không cần lộ diện của Trung Quốc, thì nó đã chết ngay từ trong trứng nước. 

Khả năng cao hơn: Bắc Kinh có thể nghĩ rằng các “đối thủ” tranh chấp sẵn sàng đồng thuận mang tính biểu tượng và nhận lại những thành quả vật chất. Hẳn nhiên đây sẽ là một kết cục hợp mong đợi của giới lãnh đạo Trung Quốc: vừa giữ thể hiện được quan điểm “lợi ích cốt lõi” vừa cho thấy sự rộng lượng nhân từ đối với các nước láng giềng nhỏ hơn. 

Nếu đây thực sự là kịch bản mà Bắc Kinh sẵn sàng theo đuổi, chúng ta sẽ thấy được ít nhất ba điểm lý thú và quan trọng. Một là, Trung Quốc chỉ xem tranh chấp ở Biển Đông dưới góc độ biểu tượng, sự tôn trọng và uy tín. Hai là, giới lãnh đạo Trung Quốc không tin rằng các nước tranh chấp có mối quan tâm tương tự về biểu tượng, sự tôn trọng và uy tín. Ba là, giới lãnh đạo Trung Quốc suy nghĩ những nước có tuyên bố chủ quyền có thể đặt niềm tin vào Bắc Kinh trong chia sẻ nguồn lợi ở Biển Đông một cách công bằng, đáng tin cậy. Luận điểm đầu tiên rõ ràng rất hợp lý. Thế nhưng hai điểm sau thì không. Con người nhìn chung đều quan tâm đến biểu tượng, sự tôn trọng và uy tín và sẽ hoàn toàn đi ngược lại tâm lý học khi cho rằng chỉ người Trung Quốc mới nghĩ vậy, còn các dân tộc khác thì không. Hơn nữa, thực tế các nước láng giềng hay lo sợ, tức giận và phản đối lối “rộng lượng nhân từ” của Bắc Kinh trong hàng nghìn năm qua; cùng với đó là việc nhiều động thái đã hủy hoại nghiêm trọng uy tín của Trung Quốc như là một nước đáng tin cậy.

Tại sao ‘tái cân bằng về châu Á’ lại quan trọng hơn bao giờ hết” của Tuan N. Pham

Trong một vài năm qua, chúng ta đã chứng kiến Bắc Kinh thúc đẩy và khẳng định các yêu sách chủ quyền của mình thông qua việc tạo ra các sự kiện trên thực địa, kiểm soát trên thực tế, tạo ra tình thế đã rồi, thực hiện các chiến dịch răn đe, cưỡng ép, gây áp lực quân sự ở khu vực và trên thế giới, đặc biệt là ở Hoa Đông và Biển Đông.

Cho đến nay, đối trọng hiệu quả nhất đối với hoạt động cưỡng ép của Trung Quốc ở hai vùng biển này chính là chính sách “tái cân bằng” của Mỹ.

Tuy nhiên, Mỹ sẽ có lợi thế hơn trong mối quan hệ với Trung Quốc cũng như cho chính sách tái cân bằng nếu như có thể thực hiện một số điều chỉnh sau:

Sẵn sàng và đòn chờ va chạm. Khi hai quốc gia cạnh tranh chiến lược và lấn sân sang vùng an ninh của đối thủ, bối cảnh chính trị lúc này đã đến thời điểm bất ổn. Do đó, không nên lo ngại va chạm mà hãy sẵn sàng và chờ đón điều đó. Trong trường hợp Bắc Kinh mong muốn về mối quan hệ cường quốc kiểu mới với Mỹ, nếu họ khăng khăng như vậy, hãy chấp thuận nhưng theo cách chơi của Mỹ. Chẳng hạn với vấn đề Biển Đông, Mỹ định hình lại và coi đó là vấn đề chiến lược liên quan trực tiếp đến Mỹ, đặt lên bàn đàm phán và buộc Trung Quốc suy tính điều nào mới quan trọng hơn đối với lợi ích quốc gia của họ: Biển Đông hay mối quan hệ với Mỹ.

Phê chuẩn TPP và UNCLOS. Nếu được thông qua, TPP sẽ là công cụ hội nhập về kinh tế hiệu quả để bù đắp cho các công cụ tái cân bằng khác về ngoại giao đa phương và sự hiện diện về quân sự. Việc phê chuẩn UNCLOS sẽ làm suy yếu giọng điệu của Bắc Kinh trong việc tuyên truyền về sự chân thành của Mỹ đối với luật quốc tế.

Thắt chặt mối quan hệ đồng minh và các đối tác. Trung Quốc sẽ tiếp tục là đối tác kinh tế đối với đồng minh và đối tác của Mỹ, trong khi đó Mỹ sẽ tiếp tục là chỗ dựa về an ninh. Khi căng thẳng Mỹ-Trung gia tăng, các đối tác và đồng minh của Mỹ sẽ ngày càng khó khăn trong việc duy trì thế cân bằng trong mối quan hệ với cả hai. Do đó, Mỹ cần mạnh mẽ theo đuổi mối quan hệ an ninh với khu vực và chứng minh là một đối tác đáng tin cậy về mọi mặt. Tăng cường mối quan hệ đồng minh và đối tác hiện có cũng là cách tìm kiếm cơ hội xây dựng các mối quan hệ mới.

Chủ động đi đầu, thay đổi cách thức. Mỹ cần thay đổi lại cách thức mà Trung Quốc vẫn khai thác với luận điệu cáo buộc Mỹ bao vây Trung Quốc. Thông điệp của Mỹ vẫn thường bị động và phản ứng lại với thông điệp chiến lược của Trung Quốc. Mỹ cần chủ động và là bên đưa ra thông điệp trước, chuyển sang thế chủ động giống như đã làm ở Đối thoại Shangri-La gần đây khi Bộ trưởng Quốc phòng Carter cảnh báo Trung Quốc không được xây Trường thành cát tự cô lập mình. Mỹ cần lấp mọi khoảng trống về chính sách và ngoại giao để Trung Quốc không thể khai thác.

Vì sao Trung Quốc không ngừng xây dựng đảo ở Biển Đông?” của Frederick Kuo

Tham vọng của Trung Quốc đã khiến nhiều nước trong khu vực bày tỏ lo ngại và buộc phải đưa ra các động thái cứng rắn, trong đó có cả Mỹ. Tuy nhiên, bất chấp sự lên án mạnh mẽ, Trung Quốc đã không hạ nhiệt căng thẳng, mà tiếp tục thúc đẩy các kế hoạch phục vụ tham vọng thể hiện sức mạnh của nước này.

Phân tích mô hình thương mại và đầu tư ngày càng phát triển Trung Quốc có thể thấy, hai động cơ chủ yếu đang thúc đẩy chiến lược Biển Đông của Bắc Kinh đó là tham vọng thương mại và điểm yếu hải quân tương đối của Trung Quốc.

Đế chế thương mại ngày càng phát triển của Trung Quốc, được thúc đẩy bằng các thoả thuận thương mại với các nước ở châu Âu, châu Phi, Trung Đông và Nam Á, đã cho thấy một mắt xích yếu đó là các đường biên giới biển của Trung Quốc rất dễ bị các cường quốc khác, đặc biệt là Mỹ và Nhật Bản, kiểm soát.

Để củng cố và liên kết các hoạt động thương mại liên tục được mở rộng, Trung Quốc đã thúc đẩy chiến lược “Một vành đai, một con đường”. Nếu thành công, chiến lược này sẽ thay đổi cơ bản cán cân quyền lực trên toàn cầu theo hướng có lợi cho Bắc Kinh, xây dựng đáng kể cơ sở hạ tầng cho thương mại xuyên suốt khu vực Á - Âu và châu Phi với mọi con đường đều dẫn tới Trung Quốc.

Thực tế đó khiến các khoản đầu tư và hoạt động thương mại của Trung Quốc ở nước ngoài dễ bị tổn thương nếu vấp phải sự kiểm soát của các lực lượng hải quân nước khác. Đây chính là vấn đề khiến giới lãnh đạo Trung Quốc lo ngại và đi tới quyết định tập trung liên tục cho quá trình hiện đại hoá và nâng cấp Hải quân nước này.

Nỗi ám ảnh của Trung Quốc với việc phải xây dựng các pháo đài ở Biển Đông đã có chất xúc tác bởi nỗi sợ hãi về việc mất kiểm soát các tuyến hàng hải quan trọng của nước này. Do vậy, Trung Quốc ra sức bảo vệ lợi ích bằng việc sử dụng lực lượng hải quân. Trong bối cảnh nước này thúc đẩy dự án đầy tham vọng Con đường tơ lụa, Bắc Kinh cảm thấy sự cấp bách của việc cần phải bảo đảm rằng các cơ sở hạ tầng được xây dựng sẽ giúp bảo vệ lợi ích thương mại từ Biển Đông tới Djibouti, nơi Trung Quốc lần đầu tiên đặt căn cứ ở nước ngoài.

Vào thời điểm hiện tại, một cuộc chiến tranh quyết liệt với Hải quân Mỹ có thể sẽ phá huỷ hoàn toàn nền kinh tế Trung Quốc. Do vậy, ít có khả năng Trung Quốc thực hiện các chiến dịch quân sự để giành quyền kiểm soát các đảo khác tại Biển Đông hay có những động thái gây căng thẳng nghiêm trọng. Cánh cửa chiến lược của Trung Quốc tại đây sẽ được tập trung vào việc mở rộng các đảo hiện nắm giữ và xây dựng các cơ sở hạ tầng phục vụ quân sự.

Bất chấp quan hệ bị sứt mẻ với các nước Đông Nam Á, hay nguy cơ đụng độ quân sự với Mỹ, và đó là một cái giá mà Trung Quốc sẵn sàng chấp nhận để thiết lập quá trình kiểm soát hiệu quả các tuyến hàng hải quan trọng để đế chế thương mại của nước này vượt qua Ấn Độ Dương. Vì vậy, căng thẳng vẫn sẽ âm ỉ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương cho tới khi Trung Quốc có được điều mình muốn ở Biển Đông.

Tranh chấp Biển Đông là dấu hiệu tranh giành ưu thế Mỹ - Trung” của Timothy R. Heath

Trong các bất đồng tranh chấp giữa Mỹ - Trung, tranh chấp Biển Đông đã trở nên nổi cộm nhất. Đằng sau vấn đề này chính là cạnh tranh chiến lược ngày càng gay gắt giữa Mỹ - Trung, nhân tố thúc đẩy chủ yếu là thực lực lớn mạnh nhanh chóng của Trung Quốc. Cho dù kinh tế Trung Quốc vừa qua tăng trưởng chậm lại nhưng vẫn cao hơn Mỹ, khiến khoảng cách GDP hai bên ngày càng gần. Sức mạnh quân sự của Trung Quốc cũng ngày càng rút ngắn khoảng cách với Mỹ. Trong tương lai, những chênh lệch này sẽ tiếp tục thu hẹp.

Trung Quốc đã nhìn thấy thời cơ to lớn từ tình hình đó. Tỷ trọng của các nước công nghiệp phương Tây trong GDP toàn cầu ngày càng giảm, ngược với tỷ trọng ngày càng tăng của các nước đang phát triển. Trung Quốc mong đợi chuyển biến này, đồng thời tự coi mình là người dẫn dắt trong các nước đang phát triển. Trong khi đó, nước này lại không chấp nhận các quan niệm chính trị và giá trị phổ quát của phương Tây, mà đề xướng nguyên tắc không can thiệp công việc nội bộ, lấy các lợi ích kinh tế như thương mại, đầu tư làm trọng, coi nhẹ nhận thức chung về chính trị.

Tại Diễn đàn Shangri-la vừa qua, Phó Tổng tham mưu trưởng Trung Quốc Tôn Kiến Quốc đã đề xuất ý tưởng xây dựng khu vực Châu Á - Thái Bình Dương thành “hình mẫu về các nền văn minh khác nhau chung sống hòa bình và cộng sinh hài hòa”. Luận điểm có vẻ mềm dịu song hết sức mập mờ, có thể sẽ lôi kéo được sự đồng cảm của một số quốc gia không hài lòng với sự phê phán từ phương Tây, chưa kể là nhiều nước có nhu cầu tranh thủ vốn đầu tư đang bị hấp dẫn bởi thực lực tài chính hùng mạnh của Trung Quốc. Từ nay về sau, Trung Quốc sẽ tiếp tục cho thấy triển vọng đáng buồn, nhiều nước một mặt vẫn tìm kiếm đầu tư từ Trung Quốc nhưng mặt khác lại tăng cường hợp tác an ninh với Mỹ.

Là lãnh đạo thế giới hiện nay, Mỹ nhấn mạnh vai trò là người bảo vệ trật tự và luật lệ hiện hành tại Châu Á - Thái Bình Dương. Tại Shangri-la, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Carter nhấn mạnh, hệ thống an ninh do Mỹ lãnh đạo được xây dựng trên nguyên tắc “thúc đẩy và tuân thủ bởi tập thể”. Luận điểm này nêu ra hoàn toàn đúng lúc, trước thời điểm Tòa Trọng tài ra phán quyết đối với vụ kiện của Philippines, trong đó nhiều người dự đoán kết quả phán quyết sẽ bất lợi cho Trung Quốc. Trung Quốc lập tức sẽ đứng trước nhiệm vụ khó khăn, giải thích rõ ràng khác biệt: Thứ nhất là việc Trung Quốc từ chối chấp nhận trật tự dựa trên các chuẩn mực được đa số các nước chủ chốt công nhận; Thứ hai, Trung Quốc đề xướng trật tự dựa trên các chuẩn mực do Trung Quốc đưa ra. Mỹ đạt được vị thế lãnh đạo tại Châu Á lâu nay chủ yếu dựa vào các sách lược ngoại giao nói trên và thực lực quân sự vượt trội của mình, nhưng chỉ vậy là không đủ, nếu không được hỗ trợ bằng sức mạnh kinh tế, sức hấp dẫn của Mỹ cũng sẽ giảm sút. Điều này đang manh nha khi Hiệp định TPP có dấu hiệu đình trệ và công chúng Mỹ đang bất an với các Hiệp định thương mại toàn cầu./.