(Tượng đài Đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải ở huyện đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi)

I. Động thái của các quốc gia

+ Trung Quốc:

Trung Quốc tiến hành đo vẽ bản đồ Biển Đông. Tờ Thời báo Hoàn cầu, dẫn nguồn một báo cáo của Cục Quản lý quốc gia về đo đạc, bản đồ và thông tin địa lý (NASMG), cho hay một nhóm công tác được thiết lập bởi 13 cơ quan chính phủ của Trung Quốc, gồm bộ Ngoại giao, Công an và Thương mại, sẽ tiến hành khảo sát địa lý của Biển Đông và vẽ một bản đồ của vùng biển hoặc các đảo ở đó nhằm “tuyên bố lập trường của Trung Quốc” trong vấn đề lãnh thổ.

140 lượt tàu cá Trung Quốc xâm phạm biển Việt Nam. Theo báo cáo của bộ đội biên phòng Thành Phố Đà Nẵng trong năm 2011, lực lượng này đã phát hiện trên 140 lượt tàu cá Trung Quốc vi phạm chủ quyền nhằm đánh bắt hải sản, thăm dò tài nguyên, khoáng sản với các cách thức: tổ chức thành từng tốp 10-15 chiếc, ban đêm vào sâu vùng biển Việt Nam, ban ngày rút ra xa, cản trở các hoạt động sản xuất của ngư dân Việt Nam trên biển.

Trung Quốc cảnh báo Việt Nam và Philippines không nên tập trận chung ở Biển Đông. Hôm 29/03, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi nói rằng lợi ích cơ bản của các bên đang có tranh chấp là “duy trì hòa bình và ổn định tại Biển Đông” và các cuộc tập trận chung cũng như tuần tra chung có thể làm cho hồ sơ tranh chấp chủ quyền thêm phức tạp. Đại diện chính quyền Bắc Kinh còn cho rằng các bên liên quan cần phải tuân thủ nội dung bản Tuyên bố chung về ứng xử tại Biển Đông (DOC), được ký kết giữa Trung Quốc và Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) năm 2002.

‘Đừng thúc đẩy Biển Đông quá nhanh’. Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào yêu cầu Campuchia đừng thúc đẩy các cuộc thảo luận về các tranh chấp trên Biển Đông ‘quá nhanh’ trong khi hứa sẽ tăng gấp đôi kim ngạch thương mại song phương giữa hai nước lên 5 tỷ đô la đến năm 2017 và thông báo các khoản viện trợ mới dành cho nước này. Thủ tướng Campuchia Hun Sen nói với ông Hồ Cẩm Đào rằng các nước Asean khác rất có thể sẽ đưa vấn đề này ra tại hội nghị thượng đỉnh của khối ở Phnom Penh, đồng thời chia sẻ quan điểm của Trung Quốc rằng các tranh chấp trên Biển Đông không nên được ‘quốc tế hóa’.

Trung Quốc phạt ngư dân Việt trên vùng biển Việt. Phó Cục trưởng Cục Ngư nghiệp khu “Nam Hải”, Bộ Nông nghiệp Trung Quốc Lưu Thiêm Vinh cho rằng 21 ngư dân Việt Nam bị bắt giữ hôm 4/3 do nổ mìn đánh bắt cá ở vùng lãnh hải Tây Sa, Trung Quốc (Hoàng Sa của Việt Nam - nv), hiện đang bị giam tại đảo Phú Lâm. Căn cứ các quy định liên quan của Luật ngư nghiệp Trung Quốc, có thể phạt những hành vi như thế này đến 500.000 NDT. Tuy nhiên, xét thấy tàu cá của VN tương đối nhỏ nên chỉ phạt 70.000 NDT mỗi người.

Trung Quốc cảnh báo Ấn Độ tránh xa Biển Đông. Gọi Biển Đông là một khu vực tranh chấp, Trung Quốc đã cảnh báo Ấn Độ kiềm chế trong việc thăm dò và khai thác dầu khí ở các lô của Việt Nam. Phó phụ trách vụ châu Á thuộc Bộ Ngoại giao Trung Quốc Tôn Duy Đồng  nói " Chúng tôi hy vọng rằng, phía Ấn Độ không liên quan vào các tranh chấp. Chúng tôi hy vọng Ấn Độ sẽ làm nhiều hơn để đảm bảo hòa bình và ổn định trong khu vực." Khi được hỏi tại sao Trung Quốc phản đối các dự án thăm dò của Ấn Độ ở những lô dầu khí Việt Nam trong khi các công ty Trung Quốc lại tham gia tiến hành những dự án cơ sở hạ tầng vùng tranh chấp Kashmir mà Pakistan chiếm đóng (PoK), vị quan chức ngoại giao này nói: "Đây là các vấn đề hoàn toàn khác nhau. Liên quan tới Kashmir, chúng tôi luôn nói đó là vấn đề song phương và cả Ấn Độ cũng như Pakistan phải giải quyết trên cơ sở song phương.”

“Trung Quốc vẫn chưa phải là cường quốc biển”của Hao Zhou. Trong lúc căng thẳng gia tăng và mâu thuẫn về ngoại giao với các nước láng giềng quanh khu vực biển, việc kêu gọi Trung Quốc tăng cường sức mạnh hải quân đã lại tạo nên những căng thẳng. Tại kỳ họp lưỡng hội đầu tháng 3/2012, một số đại biểu đã đề xuất thiết lập thành lập Bộ Biển và Đại dương, ngang với các Bộ Ngoại giao, Quốc phòng, Thương mại và các bộ khác và thiết lập một lực lượng bảo vệ bờ biển quốc gia hợp nhất và chuyên nghiệp hơn. Trong khi giới truyền thông Trung Quốc đang hoan nghênh những nỗ lực gần đây nhất của lực lượng hải giám Trung Quốc trong việc cử 2 đội tuần tra đồng thời tới biển Hoa Đông và Biển Đông như một cách để tuyên bố chủ quyền đối với các vùng biển này. Câu hỏi hiện nay là liệu có chiến lược biển quốc gia hệ thống để Trung Quốc cứng rắn hơn xét về khía cạnh cường quốc biển.

+ Việt Nam:

Việt Nam phản đối Trung Quốc đua thuyền buồm tới Hoàng Sa. Trước việc ngày 30/03/2012, chính quyền tỉnh Hải Nam, Trung Quốc vẫn tiếp tục tổ chức cuộc đua thuyền buồm “Cúp Ty Nam” xuất phát từ Tam Á đến quần đảo Hoàng Sa, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lương Thanh Nghị nêu rõ: “Việt Nam kiên quyết phản đối và yêu cầu phía Trung Quốc chấm dứt ngay hoạt động nêu trên, tuân thủ DOC, đóng góp thiết thực vào việc duy trì hòa bình và ổn định trên biển Đông.”

Việt Nam yêu cầu Trung Quốc sớm thả 21 ngư dân Việt Nam. Trong cuộc gặp với Phó Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường nhân dịp sang dự Hội nghị thường niên Diễn đàn Bác Ngao 2012 tại Hải Nam-Trung Quốc, Phó Thủ tướng Việt Nam Hoàng Trung Hải nhấn mạnh hai bên cần thực hiện nghiêm túc nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước và Thỏa thuận các nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam-Trung Quốc, để xử lý thỏa đáng các tranh chấp và vấn đề nảy sinh trên biển. Đồng thời, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu phía Trung Quốc sớm thả vô điều kiện hai tàu cá và 21 ngư dân Việt Nam đang bị phía Trung Quốc giam giữ và không có những hành động làm phức tạp thêm tình hình trên Biển Đông.

Yêu cầu Trung Quốc bồi thường cho ngư dân Việt Nam. Ngày 26.3, Hội Nghề cá Việt Nam đã có văn bản gửi Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam: “Hội Nghề cá Việt Nam phản đối hành động vi phạm pháp luật Việt Nam của phía Trung Quốc, yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay và không tái diễn những hành động sai trái tương tự, không được gây cản trở hoạt động kinh tế, bắt giữ người, tàu, tài sản của ngư dân Việt Nam khi đang khai thác - đánh bắt hải sản trên vùng biển Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam, đồng thời phải chịu trách nhiệm bồi thường những thiệt hại do phía Trung Quốc đã gây ra cho ngư dân Việt Nam.”

Việt Nam khẳng định chủ quyền ở khu vực giao Ấn Độ thăm dò tại Biển Đông. Hôm 30/03, trong chuyến công du Ấn Độ, Phó thủ tướng Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân nói rằng Việt Nam sẽ chỉ thăm dò dầu khí tại những khu vực được cộng đồng quốc tế chấp nhận và khu vực giao cho Ấn Độ thăm dò nằm trong vùng 200 hải lý, thuộc chủ quyền của Việt Nam. Ông nhấn mạnh với các nhà báo Ấn Độ: “Tôi có thể nói với các vị rằng không có tranh chấp về chủ quyền và lãnh thổ tại khu vực này. Việc phản đối của Trung Quốc là không phù hợp với công ước quốc tế mà Trung Quốc là một trong các bên đã ký.”

Hội thảo quốc tế về "Hệ thống thông tin phục vụ quản lý biển và hải đảo". Hội thảo do Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam - Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Trung tâm thu phát định vị vệ tinh Cộng hòa Pháp (CLS) tổ chức ngày 27/3 tại Hà Nội. Các đại biểu tham dự hội thảo đã thống nhất kết luận công nghệ thông tin ngày nay là công cụ cần thiết không thể thiếu, đã và đang góp phần to lớn cho sự phát triển của mỗi quốc gia nên Việt Nam cần nhanh chóng thiết lập một hệ thống thông tin tích hợp, phục vụ cho công tác quản lý và phát triển bền vững tài nguyên - môi trường biển của mình.

+ Philíppin:

Philippines sẽ nêu vấn đề Biển Đông tại thượng đỉnh ASEAN. Lãnh đạo 10 nước Đông Nam Á sẽ họp Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN lần thứ 20 tại thủ đô Campuchia trong hai ngày 03/04 và 04/04. Trong một bản thông cáo công bố hôm 29/03, Bộ Ngoại giao Philippines đã tiết lộ các vấn đề sẽ được Tổng thống nước này đề cập đến với các đồng nhiệm, trong đó hồ sơ Biển Đông là một trong những ưu tiên, “Tổng thống sẽ thúc đẩy các vấn đề an ninh hàng hải và Biển Đông, biến đổi khí hậu và phương thức giảm thiểu rủi ro do thiên tai, bảo vệ và chăm lo phúc lợi cho những người lao động nhập cư, phát huy các doanh nghiệp vừa và nhỏ để củng cố việc thực thi bản Hiến chương ASEAN và góp phần vào nỗ lực của khu vực nhằm tiến tới việc thành lập một Cộng đồng ASEAN vào năm 2015”.

Philippines sẽ đề nghị Mỹ cung cấp thêm vũ khí. Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario hôm 29/3 cho biết, để đổi lại việc mở các căn cứ tại Philippines, nước này sẽ yêu cầu Mỹ cung cấp thêm thiết bị quân sự và huấn luyện, trong đó có thêm một tàu chiến lớp Hamilton và có thể là một phi đội máy bay tiêm kích F-16 cũ. Philippines ủng hộ việc tiến hành các cuộc tập trận quân sự chung thường xuyên hơn và cuộc tập trận đầu tiên dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 16/4/2012 tại phía Tây đảo Palawan, đồng thời hy vọng Trung Quốc sẽ không cảm thấy bị đe dọa vì sự tăng cường hợp tác quốc phòng giữa nước này và Mỹ. Ông Rosario cũng lên tiếng hoan nghênh mối quan hệ tình báo chặt chẽ hơn tại Biển Đông, sau khi Mỹ đề xuất triển khai các máy bay do thám P3C Orion tới tuần tra những khu vực tranh chấp trên Biển Đông vào năm 2011.

Philíppin có kế hoạch phát triển du lịch tại Trường Sa. Giới chức Philippines vừa công bố kế hoạch xây cầu cảng nhằm "phát triển du lịch" ở đảo Thị Tứ thuộc quần đảo Trường Sa. Cầu cảng dự định xây dựng dài 100 mét, bằng bê tông, dự án này có giá trị khoảng 4,7 triệu USD. Đảo Thị Tứ rộng khoảng 37 ha, đây là đảo có diện tích lớn thứ nhì trong số hàng trăm đảo và bãi san hô ở quần đảo Trường Sa, có nước ngọt và là nơi có đủ điều kiện cho con người sinh sống.

+ Úc:

Úc cho phi cơ không người lái của Mỹ sử dụng căn cứ ở Ấn Độ Dương. Bộ trưởng quốc phòng Stephen Smith hôm 28/03 xác nhận, Australia có thể cho phép Mỹ sử dụng một quần đảo hẻo lánh để thực hiện các chuyến bay do thám. Theo đó, khả năng sử dụng quần đảo Cocos của Australia ở Ấn Độ Dương đã được nêu ra với Mỹ, nhưng đề xuất này chưa được xem xét kỹ lưỡng và không nằm trong các kế hoạch hiện thời của Canberra nhằm thúc đẩy quan hệ quân sự với Washington. Cocos có thể là một giải pháp thay thế cho căn cứ của Mỹ trên đảo Diego Garcia, lãnh thổ của Anh ở Ấn Độ Dương, vốn đang đối mặt với một tương lai không chắc chắn sau khi hợp đồng thuê hết hạn vào năm 2016.

+ Nga:

Chiến hạm chống ngầm Nga sắp thăm Việt Nam. Chiến hạm Đô đốc Tributs của Hạm đội Thái Bình Dương, hải quân Nga sắp cập cảng Sài Gòn trong chuyến thăm từ 4/4-7/4 khi trên đường từ khu vực Sừng châu Phi về lại căn cứ của Hạm đội ở Vladivostok, miền Viễn Đông Nga. Đi cùng với chiến hạm khổng lồ này là tàu chở dầu Pechenga và tàu kéo MB-37. Tuy các chuyến thăm viếng hải cảng được tính toán kỹ về tần số và xuất xứ, việc các tàu chiến lớn của Nga đến các cảng chính của Việt Nam cho thấy sự hợp tác ngày càng mở rộng giữa hải quân Việt Nam và hải quân Nga, đặc biệt là Hạm đội Thái Bình Dương.

II. Quan hệ các nước

ASEAN bàn việc soạn thảo quy tắc ứng xử ở Biển Đông. Nhóm làm việc của các quan chức cấp cao (SOM) ASEAN về Bộ quy tắc ứng xử trong khu vực (COC) về vấn đề Biển Đông đã họp phiên thứ 4 chiều 30/3 trong khuôn khổ các hoạt động chuẩn bị cho Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN diễn ra vào tuần tới. Đại diện các quốc gia thành viên liên quan trong ASEAN đã xem xét thông qua báo cáo của phiên họp lần 3 tổ chức tại Việt Nam tháng trước. Họ cũng thảo luận toàn diện về các yếu tố cơ bản có thể có trong Bộ quy tắc ứng xử này, do các quốc gia thành viên đề xuất, để đưa lên bàn đàm phán với phía Trung Quốc.

Hội thảo quốc tế “An ninh hàng hải tại Đông Nam Á: An toàn hàng hải và môi trường biển”. Hội thảo diễn ra trong hai ngày 29 và 30/3 tại Thành phố Hồ Chí Minh, do Học viện ngoại giao Việt Nam và Diễn đàn Thái Bình Dương thuộc Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế Mỹ tổ chức. Qua 8 phiên thảo luận sôi nổi, 35 đại biểu là các chuyên gia, học giả trong nước và quốc tế đã trao đổi về các chủ đề liên quan đến khuôn khổ pháp lý cho an ninh và an toàn môi trường biển, tìm kiếm, cứu nạn, quản lý cảng biển.. Các học giả nhấn mạnh, một trong những yếu tố quan trọng để tạo ra môi trường biển và hàng hải an toàn là ý chí chính trị của các quốc gia trong việc phối hợp chính sách và hành động. Các thách thức về an toàn hàng hải cũng như các mối đe dọa đối với môi trường biển hiện nay là các vấn đề cần sự chung tay của nhiều tổ chức và quốc gia chứ không thể giải quyết đơn phương, riêng lẻ.

Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào thăm Campuchia. Chuyến thăm chính thức diễn ra từ 30/3 đến 2/4, ngay trước thềm khai mạc hội nghị Thượng đỉnh Asean lần thứ 20 tại thủ đô Phnom Penh. Đây là chuyến thăm Campuchia lần đầu tiên sau 12 năm của một người đứng đầu Trung Quốc nhằm nhấn mạnh mối quan hệ chặt chẽ giữa Bắc Kinh với nước đang giữ chữ chủ tịch luân phiên của Asean. Nó cũng diễn ra trong bối cảnh Campuchia không muốn đưa tranh chấp Biển Đông vào chương trình nghị sự của hội nghị Asean.

Hải quân Việt Nam và Philippines sẽ diễn tập chung ở Biển Đông. Nhật báo Daily Inquirer trích thuật thông cáo của Hải quân Philippines cho biết nhân chuyến thăm Việt Nam của đoàn hải quân Philippines do Đô đốc Alexander Pama, Tư lệnh Hải quân Phillipines dẫn đầu từ ngày 11 - 14/3, Việt Nam và Philippines đã đạt được thỏa thuận tiến hành các cuộc thao dượt hải quân và tuần tra chung dọc theo các đường ranh giới lãnh hải chung của hai nước ở vùng Biển Đông. Nhân dịp này, hai bên cũng thảo luận về việc chia sẻ kinh nghiệm đóng tàu và khả năng thành lập một đường dây liên lạc nóng giữa trung tâm vận hành của hải quân hai nước đặc biệt trong công tác tìm kiếm và cứu hộ.

III. Phân tích và đánh giá

Tác động của tranh chấp Biển Đông đối với những lựa chọn của khu vực. Hiện nay, ưu tiên quốc phòng của các nước Đông Nam Á là kiểm soát và bảo vệ lãnh thổ trong khu vực Biển Đông trước những tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc. Những năm gần đây, Singapore tăng cường ngân sách quốc phòng hơn bất kỳ quốc gia nào trong khu vực Đông Nam Á cho loại máy bay Gulfstream G550s được trang bị hệ thống cảnh báo sớm ELTA đảm bảo thực thi nhiệm vụ. Thái Lan cũng đã nhận được 6 máy bay Saab Gripen 39C/Ds JAS và đang đặt hàng thêm 6 chiếc. Malaysia đang có kế hoạch mua thêm máy bay AEW và đã trang bị radar Erieye Northrop Grumman E-2D gắn trên Embraer EMB-145S. Indonesia đã nhận được 24 máy bay F-16C/Ds của tập đoàn Lockheed Martin, nhưng sẽ phải chi 750 triệu USD để nâng cấp theo các tiêu chuẩn của Block 52. Giờ đây, dường như đang có một cuộc chạy đua đầu tư mua sắm máy bay chiến đấu chủ chốt thế hệ mới định hướng tới năm 2020. Trong đó, tầm quan trọng của máy bay cảnh báo sớm (AEW) và máy bay tác chiến điện tử cũng đang được chú trọng phát triển.

Quan hệ quân sự Mỹ-Úc trong chiến lược trọng tâm Châu Á của Mỹ. Trọng tâm chiến lược của Mỹ ở châu Á đang chuyển về phía Nam với mục tiêu giảm dần sự hiện diện tại các nước Đông Bắc Á. Theo đó, Lầu năm góc có ý định đưa các lực lượng của mình đến gần khu vực Đông Nam Á hơn và hiện đang xem xét lại quy mô các lực lượng ở Đông Bắc Á, cụ thể là Nhật Bản và Hàn Quốc. Úc hiện có kế hoạch mở rộng căn cứ hải quân tại thành phố Perth ở phía bắc để có thể được sử dụng cho các hoạt động ở Đông Nam Á và Ấn Độ dương của hải quân Mỹ. Mỹ cũng đang xem xét việc thuê quần đảo Coco của Úc để làm căn cứ cho hải quân và không quân, vị trí địa lý của quần đảo này rất phù hợp cho việc Mỹ tiến hành các chuyến bay trinh thám tại khu vực Biển Đông.

Đưa tranh chấp Hoàng Sa ra trọng tài quốc tế. Tranh chấp Hoàng Sa-Trường Sa-Biển Đông vốn đã nan giải đối với Việt Nam, nhưng trong đó, tranh chấp Hoàng Sa là nan giải nhất. Thứ nhất, Trung Quốc đang chiếm đóng hoàn toàn Hoàng Sa. Thứ nhì, Trung Quốc không chịu công nhận rằng tồn tại tranh chấp chủ quyền trên quần đảo này. Thứ ba, trong tranh chấp với Trung Quốc về Hoàng Sa, Việt Nam hoàn toàn đơn độc. Nơi duy nhất có thể làm cho Trung Quốc trả Hoàng Sa lại cho Việt Nam là trước một trọng tài. Nhưng Trung Quốc không chấp nhận đưa tranh chấp cho trọng tài phân xử. Trong Thỏa thuận về những Nguyên tắc Cơ bản Chỉ đạo Giải quyết Vấn đề trên Biển với Trung Quốc, Việt Nam cũng đồng ý “Đối với tranh chấp trên biển giữa Việt Nam-Trung Quốc, hai bên giải quyết thông qua đàm phán và hiệp thương hữu nghị”, tức là không đưa tranh chấp Hoàng Sa cho trọng tài, như vậy thì không thể nào đòi lại được Hoàng Sa. Cách cần thiết để đòi lại Hoàng Sa là chọn thời điểm thích hợp và thách Trung Quốc đưa tranh chấp chủ quyền ra trước một trọng tài.

Chi tiêu quân sự ở Đông Nam Á tiếp tục tăng? Các nhà phân tích quân sự tại IHS Jane nói rằng chi tiêu quốc phòng ở các quốc gia Đông Nam Á đã tăng 13,5% vào năm ngoái, lên 24,5 tỷ USD. Con số này được dự báo sẽ tiếp tục tăng lên 40 tỷ USD vào năm 2016. So với năm năm trước đó thì việc chuyển giao vũ khí đến Malaysia đã tăng tám lần trong giai đoạn 2005 đến 2009, chi tiêu của Indonesia cũng đã tăng 84% trong cùng khoảng thời gian đó. Những quan ngại chiến lược cũng hiện hữu đối với bất cứ nước nào đang có yêu sách lãnh hải trong khu vực Biển Đông, nơi mà lập trường quyết đoán của Trung Quốc đã gây ra sự gia tăng trong chi tiêu quốc phòng. Việt Nam gần đây đã đặt mua 6 tàu ngầm loại Kilo từ Nga, đồng thời dự tính đặt mua bảy tàu khu trục và tàu hộ tống mới trong một thập kỷ tới. Tại Philippines, chính phủ của Tổng thống Benigno Aquino hồi năm ngoái đã gia tăng gần gấp đôi ngân sách quốc phòng lên đến 2,4 tỷ USD. Ngay cả với các tàu ngầm và máy bay hiện đại, Việt Nam và Philippines vẫn không phải là đối thủ xứng tầm của một siêu cường Châu Á mới nếu chiến tranh xảy ra. Nhưng họ có thể làm cho Trung Quốc suy nghĩ hai, hoặc thậm chí ba lần, trước khi thử làm bất cứ điều gì.

Cường quốc đơn độc của Minxin Pei. Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này vẫn thiếu hẳn những đồng minh chiến lược đáng tin cậy, nguyên nhân từ ba yếu tố có quan hệ với nhau: địa lý, ý thức hệ và chính sách. Trước hết, Trung Quốc nằm ở vị trí địa chính trị là một trong những nước láng giềng khó chịu nhất thế giới. Thứ hai, nếu phương diện địa lý góp phần làm cho Bắc Kinh mất đi những đồng minh an ninh lâu bền, hệ thống độc đảng của Trung Quốc cũng làm hạn chế nghiêm trọng một loạt các ứng viên có thể đưa vào quỹ đạo của Bắc Kinh. Cuối cùng, trong ba thập niên qua, chiến lược chính sách đối ngoại của Bắc Kinh không tập trung vào việc xây dựng khối đồng minh chiến lược. Thay vào đó, Trung Quốc nhấn mạnh vào việc duy trì quan hệ ổn định với Mỹ, tận dụng môi trường hòa bình ở bên ngoài để thúc đẩy phát triển kinh tế trong nước. Sự gia tăng sức mạnh của Trung Quốc đã tạo nên nỗi lo ngại “tiến thoái lưỡng nan về an ninh”. Thay vì làm cho Trung Quốc an ninh hơn, sức mạnh đang lên của Trung Quốc đã tạo ra nỗi bất an đối với các nước láng giềng, nghiêm trọng hơn, nó đã gây ra sự phản ứng chiến lược từ Mỹ, nước đang tập trung chuyển trọng tâm an ninh hướng về châu Á.

Ảnh hưởng của Trung Quốc đối với Campuchia sẽ được trắc nghiệm tại Thượng đỉnh ASEAN. Thời điểm ông Hồ Cẩm Đào tới Campuchia càng làm tăng nghi ngờ là Bắc Kinh gây sức ép, buộc Phnom Penh phải gạt bỏ cuộc thảo luận về chủ quyền ở Biển Đông ra khỏi chương trình nghị sự của Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN, cho dù trước đó, Campuchia đã tuyên bố là không có hồ sơ này trong lịch làm việc của ASEAN. Thủ tướng Campuchia Hun Sen nhiều lần tuyên bố là viện trợ của Trung Quốc không mang tính ràng buộc, nhưng theo giới chuyên gia, trong những năm gần đây, Campuchia đã nhanh chóng rơi vào quỹ đạo ảnh hưởng kinh tế của Trung Quốc và Phnom Penh rất ít khi nói đến các tranh chấp chủ quyền trên biển. Giới phân tích cho rằng có nhiều khả năng là hồ sơ này bị « đóng băng » trong vài năm tới, với việc năm nay, Campuchia làm chủ tịch ASEAN, năm tới là Brunei, tiếp đến là Miến Điện vào 2014 và Lào năm 2015.

Trung Quốc cụ thể hoá đường lưỡi bò: Việt Nam cần đưa vấn đề này ra cơ quan tài phán quốc tế. Theo thạc sĩ luật Hoàng Việt (đại học Luật TP.HCM) “Hầu hết cộng đồng quốc tế đều phản đối đường lưỡi bò mà phía Trung Quốc đưa ra vì nó vô lý cũng như không có cơ sở nào trong luật pháp quốc tế, chưa nói đến yêu sách đường lưỡi bò này còn đi ngược lại nguyên tắc đất thống trị biển của luật biển quốc tế. Vì đường này vi phạm quyền chủ quyền cũng như quyền tài phán của Việt Nam nên chúng ta cần phải xem xét việc đưa vấn đề này ra công luận, hoặc một cơ quan tài phán quốc tế nào đó. Trước việc Trung Quốc tuyên bố vẽ lại chi tiết đường lưỡi bò, chúng ta nên có một phản ứng chính thức tương ứng”.

Hãy thử suy nghĩ như Rồng của Adam Lowther, Panayotis A. Yannakogeorgos. Thật khó hiểu được khả năng và chiến lược vũ khí hạt nhân của Trung Quốc. Khác với Mỹ, Trung Quốc không tham gia ký kết hầu hết các thỏa thuận hạn chế và giải giáp vũ khí hạt nhân. Và họ chắc chắn không sẵn sàng công khai về chương trình phát triển hay kho vũ khí hạt nhân của mình. Dù học thuyết hạt nhân của Trung Quốc được giả thiết là nhằm trả đũa, nước này cũng sẽ phát triển một năng lực và học thuyết để leo thang chiến tranh. Và đừng quên rằng Trung Quốc đang xây dựng một kho vũ khí hạt nhân tương đương hoặc lớn hơn năng lực hạt nhân của Mỹ, với mục tiêu chính là không cho Mỹ tự do hành động tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, nhằm xóa bỏ tình trạng bất an. Nếu Mỹ muốn "trở lại" khu vực châu Á - Thái Bình Dương, họ phải nhận ra rằng Trung Quốc luôn có ý định thu hẹp khoảng cách hạt nhân và sử dụng khu vũ khí nguyên tử để đạt các lợi ích chiến lược của mình. Để thành công trong khu vực, Mỹ phải thuần hóa con Rồng này, nhưng trước tiên phải hiểu suy nghĩ của nó.

Liệu ASEAN có giải quyết được vấn đề Biển Đông? của Luke Hunt. Phép thử thật sự đối với quan hệ ngoại giao nằm trong vấn đề Trung Quốc, và việc liệu Campuchia có sẵn sàng sử dụng cương vị chủ tịch của mình để ủng hộ các yêu sách chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà Việt Nam và Philippines đưa ra trước Trung Quốc hay không. Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào hiện đang ở Campuchia trong một chuyến thăm hữu nghị kéo dài bốn ngày, diễn ra trước khi hội nghị thượng đỉnh khai mạc. Các nguồn tin cho hay ông Hồ Cẩm Đào đã nhấn mạnh rằng viện trợ của Trung Quốc không gắn với yêu cầu cụ thể nào, nhưng Trung Quốc mong muốn Campuchia giữ lập trường trung lập của người trung gian trong vấn đề Trường Sa. Các hoạt động ngoại giao sẽ là thuốc thử quan hệ của Phnom Penh với các nước láng giềng, nhưng theo một nghĩa rộng hơn thì hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần này cũng sẽ cho phép Campuchia thể hiện rằng họ đã trưởng thành, các kỹ năng ngoại giao của Campuchia đã được cải thiện tương tự hay chưa là điều còn phải chờ xem.

Bản PDF tại đây