Động thái các quốc gia

+ Trung Quốc:

Trung Quốc ngày 27/5 ra Cảnh báo hàng hải số 103 và 104, thông báo giàn khoan dầu khí “SINOOCEAN AUSPICIOUS và “Nam Hải 05” tác nghiệp khoan giếng tại Biển Đông.

Trung Quốc sắp hoàn thành đóng mới tàu tìm kiếm cứu nạn lớn nhất của nước này. Tàu dự kiến dài 137m, rộng 27m và cao 11m, lớn hơn đáng kể so với tàu tìm kiếm cứu nạn lớn nhất mà nước này đang sở hữu dài 110m, rộng 17m và cao 8m. Trung Quốc hiện đang vận hành 2 trung tâm tìm kiếm cứu nạn ở Biển Đông, trụ sở tại Đá Chữ Thập và Đảo Phú Lâm.

Bắc Kinh có kế hoạch lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) tại Biển Đông, bao trùm “Đông Sa”, Hoàng Sa và Trường Sa. Theo nguồn tin từ Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc, kế hoạch thành lập ADIZ tại Biển Đông đã có từ lâu như việc thành lập ADIZ tại Biển Hoa Đông năm 2013. Một số học giả nhận định Trung Quốc chờ thời cơ tuyên bố thành lập ADIZ cho tới khi có đủ trang thiết bị, khả năng chiến đấu và cơ sở để quản lý. Một nguồn quân sự giấu tên cho rằng trở ngại lớn nhất là trong quá khứ Bắc Kinh chưa có khả năng triển khai máy bay để “xua đuổi” các máy bay nước ngoài xâm phạm không phận tại Biển Đông. 

+ Việt Nam:

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ngày 26/5 đã điện đàm với Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte để trao đổi về hợp tác song phương và khu vực trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Hai nhà lãnh đạo nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiếp tục tăng cường đoàn kết, duy trì lập trường chung của ASEAN về vấn đề Biển Đông, tích cực thúc đẩy đàm phán để đạt được Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) chất lượng cao, phù hợp với luật pháp quốc tế.

Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Đoàn Khắc Việt trong cuộc họp báo ngày 28/5, nêu rõ “Hoạt động của các bên ở hai quần đảo này cũng như ở các khu vực mà Việt Nam có quyền chủ quyền, quyền tài phán trên Biển Đông là vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền của Việt Nam và vi phạm luật pháp quốc tế”. Hình ảnh vệ tinh cho thấy, tàu nạo vét cát của Trung Quốc lên đến chục, thậm chí hàng trăm tàu, nạo vét khoảng 100.000 tấn cát mỗi ngày. Lượng cát được nạo vét được cho là nhằm mục đích cải tạo, mở rộng đất.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ngày 29/5 đã điện đàm với Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định, tự do và an ninh hàng hải, hàng không ở Biển Đông, nỗ lực giữ gìn đoàn kết và lập trường chung của ASEAN, thúc đẩy đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) thực chất, phù hợp với luật pháp quốc tế và UNCLOS 1982.

+ Indonesia:

Bộ trưởng Điều phối Các vấn đề chính trị, pháp lý và an ninh Indonesia Mahfud M.D ngày 26/5 yêu cầu tân Tham mưu trưởng Hải quân, Đô đốc Yudo Margono đặc biệt chú ý đến vùng Biển Bắc Natuna bằng cách tăng cường tuần tra trong khu vực: "Tân Tham mưu trưởng Hải quân phải đảm bảo an toàn cho ngư dân Indonesia tại Natuna và tiếp tục bảo vệ chủ quyền quốc gia trong khu vực". Ông cũng chỉ thị cho tân Tham mưu trưởng Không quân, Thống chế Fadjar Prasetyo tăng cường an ninh tại các khu vực biên giới của Indonesia nhằm bảo vệ chủ quyền quốc gia dù "nguồn lực còn hạn chế".

Quyền Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Indonesia Teuku Faizasyah, ngày 31/5 xác nhận nước này đã gửi công hàm lên Liên hợp quốc bác bỏ yêu sách của Trung Quốc tại Biển Đông. Bản đồ Đường chín đoạn thể hiện yêu sách quyền lịch sử của Trung Quốc tại Biển Đông không có cơ sở pháp lý quốc tế và vi phạm UNCLOS 1982. Indonesia kêu gọi tuân thủ hoàn toàn luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS 1982.

+ Mỹ:

Tàu tác chiến duyên hải Mỹ USS Gabrielle Giffords (LCS 10) và khinh hạm tàng hình đa năng RSS Steadfast (FFS 70) lớp Formidable của Singapore, ngày 24-25/5 tập trận tại Biển Đông. Cuộc tập trận tập trung vào các phương thức liên lạc và phối hợp, mục tiêu là nhằm nâng cao năng lực tác chiến liên hợp song phương và hỗ trợ Mỹ duy trì khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương mở và tự do.

Tướng James C. McConville, Tham mưu trưởng Lục quân Mỹ ngày 26/5 kỳ vọng lục quân Mỹ sẽ tăng cường cam kết với khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, ông cho biết Mỹ sẽ sớm nối lại hoạt động huấn luyện với các đối tác tại khu vực sau thời gian bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Trang Aircraft Spots ngày 26/5 cho biết 2 oanh tạc cơ B-1B của không quân Mỹ bay qua Biển Đông. Các máy bay xuất phát từ căn cứ Andersen trên đảo Guam và được máy bay KC-135R tiếp liệu trong khi bay. Đây là lần thứ hai B-1B bay qua Biển Đông chỉ trong vòng 1 tuần.

Tàu khu trục tên lửa USS Mustin ngày 28/5 tiến hành FONOP ở Hoàng Sa. Người phát ngôn của Hạm đội 7, trung úy Anthony Junco, cho biết “Tàu Mustin tiến vào khu vực 12 hải lý của Đảo Phú Lâm (Woody Island) và Đá Tháp (Pyramid Rock). Thông qua hoạt động này, Mỹ chứng tỏ các vùng biển này nằm ngoài khu vực Trung Quốc có thể yêu sách lãnh hải hợp pháp.

Tại cuộc họp báo ở Nhà trắng ngày 29/5, Tổng thống Mỹ Donald Trump chỉ trích Trung Quốc đang yêu sách trái phép các vùng lãnh thổ tại Thái Bình Dương, đe doạ tự do hàng hải và thương mại quốc tế.

+ Nhật Bản:

NBTQP Nhật Bản và New Zealand ngày 29/5 trao đổi về tình hình an ninh khu vực, bao gồm Biển Hoa Đông và Biển Đông. Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản đề cập những diễn biến gần đây tại Biển Hoa Đông và Biển Đông, bày tỏ sự phản đối mạnh mẽ tới bất kỳ nỗ lực đơn phương nào nhằm thay đổi nguyên trạng bằng vũ lực và bất kỳ hành động nào làm gia tăng căng thẳng, nhấn mạnh tầm quan trọng của trật tự trên biển tự do và rộng mở dựa trên luật lệ. 

Thực hiện: Đinh Anh