Động thái của các quốc gia

+ Trung Quốc:

Trung Quốc sẽ xây dựng ở Bãi cạn Scarborough? Báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng ngày 25/4 dẫn một nguồn tin từ PLA cho biết Trung Quốc sẽ bắt đầu cải tạo đất tại Bãi cạn Scarborough trong năm nay, đồng thời xây dựng thêm một đường băng để mở rộng tầm kiểm soát của Trung Quốc trên các vùng biển tranh chấp. Bắc Kinh Quốc sẽ thiết lập một “tiền đồn” trên bãi cạn Scarborough, cách bờ biển của Philippines khoảng 230km. Theo nguồn tin trên, “Trung Quốc cần phải lấy lại thế chủ động vì Washington đang cố gắng kiềm chế Bắc Kinh bằng cách thiết lập sự hiện diện quân sự lâu dài trong khu vực”. 

Trung Quốc bao biện việc đồng thuận với ba nước ASEAN về Biển Đông. Phát biểu trong cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 25/4, Người phát ngôn Hoa Xuân Oánh cho hay, “Trong chuyến thăm ba nước Brunei, Lào và Campuchia từ ngày 20/4 đến 24/4 của Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị, các bên đã đạt được đồng thuận 4 điểm về vấn đề Biển Đông. Sự đồng thuận này dựa trên luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS, và phù hợp với các quy định và nội dung trong DOC. Trung Quốc đánh giá cao việc ba nước trên đã đưa ra những nhận đính đúng đắn dựa trên bản chất vấn đề.” Về việc Bộ Quốc phòng Mỹ hôm 25/4 ra báo cáo cho hay quân đội nước này năm 2015 đã tiến hành hoạt động tự do hàng hải đối với 13 quốc gia, Bà Hoa hôm 26/4 tuyên bố: “Kế hoạch tự do hàng hải của Mỹ thực chất là khẳng định các tuyên bố đơn phương của nước này bằng việc sử dụng vũ lực và cưỡng ép của không quân và hải quân. Trước khi UNCLOS ký kết, Mỹ đã đưa ra kế hoạch về hoạt động “tự do hàng hải” vào năm 1979, mục đích tối đa hóa quyền tự do và khả năng hoạt động của quân đội Mỹ ở tất cả các đại dương, đồng thời thách thức trật tự mới trên biển và đại dương với việc không tham gia UNCLOS. Trung Quốc hy vọng Mỹ tôn trọng chủ quyền và an ninh của các nước khác, góp phần vào việc bảo vệ trật tự trên biển cũng như hòa bình và ổn định của khu vực.” Về thông tin Trung Quốc sẽ tiến hành cải tạo đất ở Bãi cạn Scarborough, bà Hoa hôm 28/4 khẳng định: “Khu vực này là lãnh thổ của Trung Quốc. Trung Quốc có đủ tự tin và năng lực bảo vệ chủ quyền cũng như các quyền lợi hợp pháp của mình tại đây.” Về bình luận của Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Antony Blinken hôm 28/4, bà Hoa hôm 29/4 tuyên bố: “Tôi có thể nói thẳng rằng ông Blinken hoặc không hiểu gì về bản chất của các tranh chấp Biển Đông và những gì được nêu trong UNCLOS hoặc đang tùy tiện gán ghép cho Trung Quốc.

Chủ tịch Trung Quốc cam kết duy trì hòa bình ở Biển Đông. Phát biểu tại lễ khai mạc cuộc họp cấp Bộ trưởng Ngoại giao lần thứ 5 của Hội nghị Phối hợp hành động và các biện pháp xây dựng lòng tin châu Á hôm 28/4, ông Tập Cận Bình tuyên bố: “Chúng tôi sẽ kiên quyết bảo vệ quyền và lợi ích của mình ở Biển Đông, đồng thời tiếp tục cam kết giải quyết hòa bình tranh chấp thông qua tham vấn, đàm phán thân thiện giữa các bên trực tiếp liên quan”. Theo ông Tập, “Trung Quốc đang triển khai một chính sách đối ngoại hòa bình. Trung Quốc cam kết theo đuổi con đường phát triển hòa bình, duy trì trật tự quốc tế dựa trên mục tiêu và các nguyên tắc của Hiến chương Liên Hợp Quốc, thúc đẩy các mối quan hệ quốc tế kiểu mới với trọng tâm là hợp tác cùng thắng.”

Trung Quốc đề xuất với ASEAN một cam kết chung về DOC. Phát biểu hôm 28/4 sau cuộc họp giữa các nhà ngoại giao Trung Quốc và ASEAN tại Singapore, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân cho hay: “Trong khi chờ đợi hoàn tất COC, việc đưa ra một tuyên bố chung khẳng định cam kết của chúng ta đối với DOC sẽ là bước đi tích cực nhằm đảm bảo hòa bình và ổn định ở Biển Đông.” Theo ông Lưu, điều này là cần thiết.

Trung Quốc nỗ lực vận động các nước trong vấn đề Biển Đông. Thông cáo của Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 28/4 cho hay, phát biểu bên lề cuộc gặp cấp Ngoại trưởng lần thứ 5 trong khuôn khổ Hội nghị Các biện pháp xây dựng lòng tin và hợp tác châu Á, Ngoại trưởng Belarus ông Vladimir Makei tuyên bố: “Belarus phản đối việc quốc tế hóa vấn đề Biển Đông áp lực từ các nước không liên quan đối với các bên liên quan trực tiếp đến tranh chấp. Các bên tranh chấp không nên lôi kéo các nước bên ngoài vào vấn đề, điều này không giúp ích gì.” Cũng bên lề Hội nghị trên, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Ngh đã có cuộc gặp với cố vấn đối ngoại và an ninh quốc gia của Thủ tướng Pakistan, ông Sartaj Aziz. Hai bên đã thống nhất rằng các tranh chấp Biển Đông cần giải quyết hòa bình thông qua tham vấn và đàm phán dựa theo các thỏa thuận song phương và DOC. Pakistan tôn trọng tuyên bố loại trừ của Trung Quốc theo điều 298 của UNLCOS.”

Trung Quốc từ chối cho tàu sân bay Mỹ cập cảng ở Hong Kong. Một quan chức lãnh sự của Mỹ ở Hong Kong cho hay Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 28/4 thông báo không cho phép tàu sân bay USS John C. Stennis vào thăm cảng. Trong một văn bản gửi cho tờ SCMP hôm 29/4, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết các chuyến ghé cảng của tàu chiến và máy bay quân sự Mỹ được xem xét trên cơ sở “từng trường hợp, theo các nguyên tắc về chủ quyền và hoàn cảnh cụ thể”. Đây không phải là lần đầu tiên Trung Quốc từ chối cho tàu chiến Mỹ cập cảng. Trong dịp lễ Tạ ơn năm 2007, Bắc Kinh từ chối chuyến thăm cảng của tàu ​​sân bay USS Kitty Hawk đến Hong Kong, sau khi Washington công bố một thỏa thuận tên lửa với Đài Loan.

+ Singapore:

Ngoại trưởng Singapore nhấn mạnh vai trò thượng tôn của luật pháp. Phát biểu tại Tokyo ngày 26/4 nhân chuyến thăm Nhật Bản, Ngoại trưởng Singapore Vivian Balakrishnan tuyên bố: “Nhật Bản và các nước liên quan trong khu vực cần hợp tác với ASEAN để tăng cường hòa bình, ổn định nhằm nâng cao và bảo vệ trật tự luật pháp khu vực và trật tự thế giới. Singapore và Nhật Bản có lợi ích trong việc đề cao quyền tự do hàng hải và tự do hàng không. Hai nước ủng hộ giải quyết hòa bình tranh chấp, phù hợp với luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS.” Theo Ngoại trưởng Balakrishnan, Là nước nhỏ, Singapore tin rằng phương thức ngoại giao và pháp lý dựa theo các nguyên tắc phổ quát của luật pháp quốc tế sẽ giúp phân xử tốt nhất các tranh chấp giữa các bên.”

+ Malaysia:

Malaysia cân nhắc xây dựng trạm radar ở Biển Đông. Cục Biển Malaysia đang đề xuất xây dựng một trạm radar tại Biển Đông nhằm bảo đảm an toàn hàng hải, phòng ngừa các hoạt động tội phạm trên biển. Trả lời hãng tin Bernama bên lề Hội nghị Quốc tế về Eo biển Malacca lần thứ 8 hôm 25/4, Giám đốc Cục Biển Baharin Abdul Hamid cho biết: “Việc xây dựng một trạm radar mới đã được thảo luận và dự kiến sẽ được đưa vào kế hoạch lần thứ 11 của Malaysia. Trạm radar sẽ giúp sớm phát hiện các tàu tình nghi trong vùng biển của nước này và thông báo sớm tới các cơ quan chức năng để có những biện pháp kịp thời.” Theo ông Baharin, ngày càng có nhiều băng nhóm tội phạm và cướp biển hoạt động tại Biển Đông.

+ Campuchia:

Campuchia phủ nhận thỏa thuận riêng với Trung Quốc về Biển Đông. Ngày 27/4, Quốc vụ khanh Nhà nước, người phát ngôn Hội đồng Bộ trưởng Campuchia, ông Phay Siphan khẳng định: “Không hề có thỏa thuận hay thảo luận nào liên quan đến vấn đề Biển Đông, đó chỉ là một chuyến thăm bình thường của một Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc.” Ông Phay Siphan nhấn mạnh: “Campuchia mong muốn các nước liên quan trong vấn đề Biển Đông giải quyết tranh chấp một cách hòa bình và tất cả các nước ASEAN sẽ nỗ lực để nhanh chóng đạt được bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông”.

+ Mỹ:

Mỹ tuyên bố tuần tra qua 13 nước để khẳng định tự do hàng hải. Theo báo cáo của Lầu Năm Góc hôm 25/4, hoạt động tuần tra khẳng định “tự do hàng hải” của Mỹ đã tiến hành tại Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Iran, Libya, Malaysia, Maldives, Oman, Philippines và Việt Nam…Báo cáo không nói cụ thể số lần đi qua mỗi nước kể trên, nhưng riêng với Đài Loan, Nicaragua và Achentina thì Mỹ chỉ tuần tra ngang qua một lần. Tổng cộng hoạt động này đã diễn ra tại 13 quốc gia. Những năm gần đây, Hải quân Mỹ đã nhiều lần tuần tra tại các vùng biển mà Trung Quốc yêu sách chủ quyền, đặc biệt trong năm 2015.

Tổng thống Mỹ chỉ trích lối hành xử trên biển của Trung Quốc. Đài CBS của Mỹ gần đây đã có cuộc phỏng vấn với Tổng thống Mỹ Barrack Obama về các thách thức lớn ở Châu Á, nhất là các hoạt động quân sự hoá của Trung Quốc ở Biển Đông. Ông Obama chia sẻ: “Kể từ khi làm tổng thống, tôi luôn tin rằng một mối quan hệ Mỹ-Trung thẳng thắn, hiệu quả là vô cùng cần thiết, không chỉ cho 2 nước mà cho hòa bình và an ninh của thế giới…Về vấn đề Biển Đông, thay vì hành xử theo các luật lệ, chuẩn mực quốc tế thì thái độ của Trung Quốc là ‘Chúng tôi là những đứa trẻ lớn nhất quanh đây và chúng tôi sẽ gạt Philippines và Việt Nam sang một bên’. Tuy nhiên, ông chủ Nhà Trắng cũng nhấn mạnh: “Điều đó không có nghĩa là Mỹ đang cố chống lại Trung Quốc. Chúng tôi chỉ muốn họ trở thành đối tác của chúng tôi. Còn nếu Trung Quốc phá vỡ luật lệ quốc tế, chúng tôi sẽ buộc họ phải chịu trách nhiệm”.

Mỹ cảnh báo Trung Quốc cần tôn trọng phán quyết của Tòa. Phát biểu tại một phiên điều trần của Hạ viện Mỹ hôm 28/4, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Antony Blinken cho hay: “Mỹ đã nỗ lực thúc đẩy nhận thức chung ở khu vực rằng cơ chế trọng tài là một cách thức phù hợp để giải quyết các tranh chấp biển và phán quyết của tòa sẽ mang tính bắt buộc đối với cả hai bên.” Theo ông Blinken, Trung Quốc “không thể có cả hai”, tức là vừa là nước thành viên của Công ước mà lại không tuân theo quy định, trong đó có việc tuân thủ phán quyết từ tòa trọng tài, “Trung Quốc có nguy cơ bị tổn hại nghiêm trọng về uy tín nếu phớt lờ một phán quyết của Tòa, khiến các nước khu vực trở nên xa lánh và nghiêng về phía Mỹ. Chúng tôi mong đợi ASEAN, giống như họ đã làm tại hội nghị thượng đỉnh gần đây, bày tỏ sự ủng hộ đối với những nguyên tắc cơ bản, và chúng tôi muốn thấy điều đó tiếp tục diễn ra khi tòa trọng tài đưa ra phán quyết.”

Mỹ quan ngại khả năng Trung Quốc cải tạo đất ở Bãi cạn Scarborough. Phát biểu trong phiên điều trần trước quốc hội hôm 28/4, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter cho hay, “Chúng tôi hết sức quan ngại về điều này. Đây là một khu vực tranh chấp, giống như các tranh chấp khác trong khu vực đó, có nguy cơ dẫn đến xung đột quân sự. Có một số khía cạnh trong lối hành xử của Trung Quốc làm chúng ta quan ngại và Trung Quốc cũng đang tự cô lập mình vì các hành động này.” Tuần trước, quân đội Mỹ đã triển khai chiến đấu cơ và máy bay trực thăng tới gần khu vực Bãi cạn Scarborough.

+ Nhật Bản:

Nhật Bản quan ngại hành động quyết đoán của Trung Quốc. Phát biểu với lãnh đạo các doanh nghiệp ở Tokyo hôm 25/4, ngay trước thềm chuyến thăm Bắc Kinh, Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishita cho biết: “Nói một cách thẳng thắn, sự tăng cường nhanh chóng và mập mờ của Trung Quốc trong chi tiêu quốc phòng cùng nỗ lực đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng ở Biển Hoa Động và Biển Đông với mục đích xây dựng một cường quốc biển làm cho không chỉ Nhật Bản mà các quốc gia khác trong khu vực và cả thế giới đều lo ngại sâu sắc”. Theo ông Kishita, “Thông qua đối thoại thẳng thắn với phía Trung Quốc, Nhật Bản muốn thúc đẩy quan hệ với Trung Quốc phù hợp với giai đoạn mới.”

Tàu chiến của Nhật Bản thăm Philippines. Ngày 26/4, tàu khu trục Ise của Nhật Bản đã có chuyến thăm Vịnh Subic của Philippines khi đang thực hiện nhiệm vụ huấn luyện trên biển. Đây là lần thứ hai trong vòng ba tuần qua, tàu Nhật Bản vào vịnh Subic, căn cứ hải quân cũ của Mỹ nằm cách bãi cạn Scarborough khoảng 200 km. Hạm trưởng tàu Ise, ông Masaki Takada cho biết: “Chúng tôi muốn tăng cường hơn nữa quan hệ với Philippines. Chuyến thăm cũng nhằm mục đích cho thủy thủ đoàn nghỉ ngơi và tiếp liệu cho con tàu.”

+ Nga:

Nga hạ thủy chiến hạm đóng cho Hải quân Việt Nam. Ngày 27/4, tại nhà máy đóng tàu Gorky ở Zelenodolsk của Nga đã diễn ra lễ hạ thủy tàu hộ vệ lớp Gepard 3.9, được đóng theo đơn đặt hàng của Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác kỹ thuật quân sự giữa hai nước. Trước đó, nhà máy đóng tàu Zelenodolsk đã đóng 2 tàu hộ vệ, và tháng 10/2012 ký hợp đồng cung cấp thêm 2 chiến hạm khác cho Việt Nam. Tàu chiến lớp Gepard được thiết kế để đối phó với máy bay, tàu ngầm và tàu nổi của đối phương, hỗ trợ và bảo vệ các đoàn tàu trong xung đột, bảo vệ và tuần tra biên giới.

Nga tiếp tục nêu quan điểm không quốc tế hóa tranh chấp Biển Đông. Nhân tham dự cuộc gặp cấp Ngoại trưởng lần thứ 5 trong khuôn khổ Hội nghị Các biện pháp xây dựng lòng tin và hợp tác châu Á tại Bắc Kinh, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov hôm 29/4 đã có cuộc hội đàm với Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị. Phát biểu trong cuộc gặp này, Ngoại trưởng Nga Lavrov tuyên bố: “Quan điểm của Nga là tranh chấp Biển Đông cần giải quyết hòa bình thông qua các biện pháp chính trị, như  đàm phàn giữa các bên liên quan trực tiếp, mà không có sự can thiệp từ bên ngoài.” Hai Ngoại trưởng thông nhất tranh chấp cần giải quyết giữa các bên liên quan trực tiếp trên cơ sở sự thật lịch sử và luật pháp quốc tế. Ngoại trưởng Lavrov cho hay ưu tiên trong chính sách của Nga là phát triển quan hệ với Trung Quốc.

+ Ấn Độ:

Ấn Độ khẳng định tự do hàng hải trên Biển Đông. Phát biểu tại một buổi nói chuyện do Viện phân tích quốc phòng Hàn Quốc tổ chức hôm 29/4, Đại sứ Ấn Độ tại Hàn Quốc ông Vikram Doraiswami nhấn mạnh khu vực này có những tuyến đường biển huyết mạch, và điều quan trọng là các bên cần nỗ lực đảm bảo tự do hàng hải. Về phán quyết của Tòa sắp đưa ra liên quan đến vụ kiện của Philippines, ông Doraiswami nói: “Chúng tôi biết một tiến trình pháp lý đang diễn ra và chúng tôi chờ đợi phán quyết được đưa ra.”

Quan hệ các nước

Campuchia, Lào bị chỉ trích vì thỏa thuận với Trung Quốc về Biển Đông. Ngày 25/4, phát biểu tại diễn đàn Cộng đồng ASEAN ở Jakarta, cựu Tổng Thư Ký ASEAN ông Ong Keng Yong cho rằng việc Campuchia và Lào mới đây đạt thoả thuận với Trung Quốc về vấn đề Biển Đông chẳng khác gì can thiệp vào công việc nội bộ của ASEAN. Động thái này là đáng ngạc nhiên, vì Campuchia và Lào không phải là các nước đang tranh chấp ở Biển Đông. Theo ông Ong Keng Yong: “Chúng tôi đã đồng ý với nhau trong ASEAN rằng các tranh chấp liên quan cần được giải quyết song phương, nhưng về lập trường của ASEAN trong năm Lào đảm nhiệm chức chủ tịch có lẽ Lào đã quyết định đưa ra một phát biểu nhân danh cả khối”. Trong khi đó, phát biểu bên lề Diễn đàn này, Tổng thư ký ASEAN Lê Lương Minh cho rằng các nước ASEAN phải duy trì lập trường chung về vấn đề Biển Đông dựa trên thoả thuận đạt được năm 2012. Ông cũng tái khẳng định nguyên tắc 6 điểm của ASEAN và yêu cầu các bên tiếp tục kiềm chế.

Việt - Lào khẳng định cần giải quyết hòa bình tranh chấp biển. Trong chuyến thăm hữu nghị Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước CHDCND Lào Bounnhang Vorachith từ ngày 25-27/4, hai bên đã ra Tuyên bố chung. Tuyên bố có đoạn: “Hai bên nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn ở Biển Đông; nhất trí thúc đẩy giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế; cùng các bên thực hiện đầy đủ và hiệu quả DOC ở Biển Đông và sớm đạt được COC nhằm giữ gìn hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới.

Trung Quốc - Indonesia cam kết thúc đẩy hợp tác thiết thực. Ngày 26/4, cuộc họp lần thứ 5 trong khuôn khổ đối thoại song phương cấp Phó Thủ tướng giữa hai nước đã diễn ra tại Bắc Kinh dưới sự chủ trì của Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì và Bộ trưởng Điều phối các vấn đề Chính trị, Pháp lý và An ninh Indonesia Luhut Pandjaitan. Tại cuộc gặp, ông Dương Khiết Trì kêu gọi tăng cường hợp tác thiết thực trong nhiều lĩnh vực nhằm cải thiện quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước. Về phần mình, ông Pandjaitan cho biết Indonesia sẵn sàng nỗ lực thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế và an ninh. Hai bên nhất trí đẩy mạnh hợp tác trên biển, tăng cường hợp tác Đông Á và thúc đẩy sự phát triển bền vững của quan hệ Trung Quốc-ASEAN.

Cuộc họp quan chức cấp cao ASEAN - Trung Quốc tại Singapore. Từ ngày 27 - 28/4, Hội nghị Quan chức cấp cao Trung Quốc-ASEAN lần thứ 22 diễn ra dưới sự đồng chủ trì của Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân và Thư ký Thường trực Bộ Ngoại giao Singapore, nước điều phối quan hệ Trung Quốc-ASEAN, ông Chee Wee Kiong. Cuộc họp lần này bàn công tác chuẩn bị các hoạt động lớn để kỷ niệm 25 năm quan hệ ngoại giao giữa Trung Quốc - ASEAN. Trung Quốc cho hay ASEAN là ưu tiên trong chính sách đối ngoại của nước này với các nước láng giềng. Cũng tại cuộc gặp này, Hãng Kyodo dẫn nguồn tin ngoại giao cho hay ông Lưu Chấn Dân tuyên bố việc ASEAN ra tuyên bố chung về vụ kiện của Philippines là một “bước đi liều lĩnh” và Bắc Kinh sẽ phản đối. Ông Lưu nhắc lại quan điểm của Trung Quốc là không chấp nhận vụ kiện và coi đây là động thái có sự can thiệp của các cường quốc bên ngoài, “Không nên đánh đổi quan hệ Trung Quốc - ASEAN lấy mối quan hệ với cường quốc bên ngoài”.

Trung Quốc sắp tập trận chung với các nước ASEAN. Phát biểu trong cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Quốc phòng Trung Quốc hôm 28/4, Người phát ngôn đại tá Ngô Thiên cho biết Trung Quốc sẽ tham gia cuộc Diễn tập Chống Khủng bố và An ninh Biển, trong khuôn khổ của Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng, từ ngày 2 -12/5 tại Singapore, Brunei và các vùng biển giữa hai nước. Trung Quốc sẽ điều tàu khu trục tên lửa Lan Châu, các sỹ quan và khoảng 12 binh sỹ lực lượng đặc nhiệm tham gia cuộc diễn tập. Theo ông Ngô, “cuộc diễn trận sẽ giúp quân đội các nước học hỏi lẫn nhau và củng cố hợp tác thực chất trong lĩnh vực quốc phòng và an ninh”.

Hội nghị phối hợp hành động và các biện pháp xây dựng lòng tin châu Á. Ngày 28/4, cuộc họp cấp Bộ trưởng Ngoại giao lần thứ 5 của Hội nghị Phối hợp hành động và các biện pháp xây dựng lòng tin châu Á (CICA) đã diễn ra tại Bắc Kinh, Trung Quốc. Với chủ đề “Thúc đẩy an ninh thông qua đối thoại,” cuộc họp tập trung thảo luận về những thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống hiện nay ở châu Á. Kết thúc cuộc họp, các nước đã đồng thuận thông qua Tuyên bố Bộ trưởng khẳng định cam kết giữ vững và bảo vệ các nguyên tắc của Hiến chương Liên Hợp Quốc và luật pháp quốc tế, trong đó có không sử dụng hay đe doạ sử dụng vũ lực, tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, giải quyết hòa bình các tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình; nhấn mạnh các nước cần kiềm chế, tránh có các hành động có thể làm trầm trọng thêm tình hình.

Phân tích và đánh giá

Trung Quốc cần hành xử đúng luật tại Châu Ácủa Gareth Evans

Các hành động của Trung Quốc tại Biển Đông đã góp phần khiến Úc thay đổi chính sách trong sự quan tâm rộng rãi của cộng đồng quốc tế.

Nhằm duy trì ưu tiên chiến lược cốt lõi về “Trật tự toàn cầu dựa trên luật pháp”, Sách Trắng quốc phòng Úc mới được công bố đã sử dụng những câu chữ ít thấy trong các ấn phẩm quốc phòng tương tự. Không đơn thuần nhắc lại lập trường của Mỹ, phía Úc thể hiện mong muốn tạo lập căn cứ vững chắc để bác bỏ tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc. Trong bối cảnh Úc muốn tránh lựa chọn giữa đối tác chiến lược là Mỹ và đối tác kinh tế là Trung Quốc, các câu chữ trong Sách Trắng lần này được lựa chọn và cân nhắc kỹ càng.

Đối tượng trước mắt Sách Trắng lần này hướng tới là Trung Quóc. Trung Quốc hiện đang thể hiện là quốc gia không tôn trọng trật tự toàn cầu dựa trên luật pháp. Việc tuân thủ pháp luật do đó đòi hỏi một số thay đổi trong cách hành xử của Trung Quốc.

Trước hết, Trung Quốc cần làm rõ các yêu sách chủ quyền, chúng phải dựa trên sự chiếm hữu hoặc quản lý lâu dài các hòn đảo có khả năng cho con người sinh sống, tại quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và những nơi khác. Trong trường hợp có sự chồng lấn về tuyên bố chủ quyền, Trung Quốc cần tìm cách giải quyết, tối ưu là thông qua tòa án quốc tế hoặc ít nhất thông qua đàm phán thực sự.

Thứ hai, Trung Quốc cần từ bỏ “đường chín đoạn” cũng như các tuyên bố mập mờ về “vùng nước lịch sử” hoặc “vùng đánh cá truyền thống”. Việc tàu thuyền đánh cá của Trung Quốc liên tục xâm nhập vào vùng đặc quyền kinh tế của các nước trong khu vực, những tuyên bố trên của Trung Quốc đang tạo ra xung đột thực sự với các nước như Indonesia.

Giả sử ngay cả trong trường hợp mọi tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đều được chấp thuận, tổng diện tích các khu vực lãnh hải 12 hải lý và đặc quyền kinh tế 200 hải lý có được cũng không thể chiếm tới tới 80% diện tích Biển Đông như thể hiện qua đường chín đoạn.

Thứ ba, Trung Quốc cần kiềm chế các hành động liên quan đến các bãi và đá, những thực thể trước đó chưa hề có người sinh sống, nơi nước này đang tiến hành tôn tạo, xây dựng sân bay và căn cứ quân sự, cũng như có động thái ngăn cản các nước khác sử dụng vùng biển và không phận.

Cuối cùng, Trung Quốc cần điều chỉnh lập trường rằng tàu thuyền hoặc máy bay nước ngoài không được phép tiến hành các hoạt động quan trắc hoặc thu thập thông tin tại vùng đặc quyền kinh tế của nước này. Việc duy trì lập trường không phù hợp này có nguy cơ làm bùng phát các sự cố khó kiểm soát.

Chừng nào Trung Quốc từ chối tuân thủ luật pháp quốc tế, các nước khác được quyền phản ứng, bao gồm hoạt động bay qua hoặc “tự do hàng hải” như Mỹ đang tiến hành và nên được Úc và các nước khác hưởng ứng.

 Tính độc lập chiến lược của Ấn Độ đã bị mất hay cuối cùng mới đi đúng hướng?của Shreya Upadhyay

Trong tháng 4 vừa qua, New Delhi, với việc thể hiện một chính sách đa chiều, vừa làm yên lòng nhưng đồng thời cũng gây mối lo cho cả Mỹ và Trung Quốc.

Trong chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ tới Ấn Độ, hai bên đã đạt được nhận thực về “nguyên tắc” để thiết lập Biên bản Thỏa thuận Trao đổi Hậu cần (LEMOA) nhằm thúc đẩy hỗ trợ hợp tác quốc phòng song phương, đặc biệt là hợp tác trên biển. Tuy nhiên thỏa thuận này còn cả một chẳng đường để tiến tới hình thành một mối liên minh quân sự đúng nghĩa giữa hai nước.

Hiện tại, hai bên cũng đang đàm phán các thỏa thuận khác như Biên bản Thỏa thuận An ninh Thông tin (CISMOA) và Thỏa thuận Hợp tác và Trao đổi Cơ bản (BECA). CISMOA sẽ giúp Ấn Độ có được hệ thống và trang thiết bị thông tin được mã hóa cho phép chỉ huy liên lạc với tàu và máy bay thông qua mang lưới thông tin an toàn. BECA cung cấp cho Ấn Độ các thiết bị và dữ liệu địa hình và không gian. Tuy nhiên các quan chức quân sự Ấn Độ lại tỏ ra nghi ngờ về 2 thỏa thuận này vì cho rằng chúng sẽ cho phép Mỹ có được thông tin về hoạt động quân sự của Ấn Độ.

Thỏa thuận mà hai bên đạt được giúp Ấn Độ tăng cường mối quan hệ an ninh và quốc phòng với Mỹ để ngăn chặn trục Trung Quốc – Pakisstan, một mối quan hệ có nguy cơ gây ảnh hưởng đến lợi ích của cả hai nước, đồng thời nó cũng là một trong nhiều chính sách của Mỹ đưa ra nhằm kiềm chế hành vi của Trung Quốc ở khu vực. Tuy nhiên, Ấn Độ cũng loại bỏ quan điểm cho rằng tính độc lập chiến lược của Ấn Độ đã bị mất khi tăng cường mối quan hệ với Mỹ. New Delhi nhận ra tầm quan trọng trong việc duy trì mối quan hệ với Trung Quốc. Sau tuyên bố LEMOA, Ấn Độ đã thực hiện 3 chuyến thăm trao đổi cấp cao với Trung Quốc: chuyến thăm của Cố vấn An ninh Quốc gia cho đối thoại chiến lược Ấn - Trung, sau đó 4 ngày là chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Ấn nhằm thực hiện Thỏa thuận Hợp tác Quốc phòng Biên giới song phương (BDCA) mà hai bên đã nhất trí trong năm 2013. Song song với đó là tuyên bố chung 3 bên Nga - Trung - Ấn về các vấn đề khu vực. Đây là lần đầu tiên ba quốc gia đề cập đến vấn đề Biển Đông. Tuyên bố cho rằng tranh chấp cần được giải quyết thông qua đàm phán và thỏa thuận giữa các bên liên quan. Đây là điều thuận theo quan điểm của Bắc Kinh khi luôn phản đối quốc tế hóa vấn đề.

Vào thời điểm xuất khẩu của Ấn Độ suy giảm nhưng thương mại với Trung Quốc vẫn được duy trì mạnh mẽ. Sự hợp tác giữa hai chính phủ và các tỉnh thành hai nước vẫn được tăng cường. Chính quyền ông Modi đã thúc đẩy hợp tác mạnh mẽ hơn so với chính quyền tiền nhiệm nhằm tăng cường đầu tư từ Trung Quốc.

Với thông điệp trái ngược đối với cả Mỹ và Trung Quốc, chính sách đối ngoại của Ấn vẫn tiếp tục duy trì sự mập mờ và trên cơ sở vì lợi ích bản thân. Có lẽ Ấn Độ cần phải tự vấn bản thân rằng “Điều gì chờ đợi Ấn Độ ở phía trước?”

Chặng đường tương lai trong vụ Philippines kiện Trung Quốccủa Evan Garcia

Trong những tháng sắp tới, Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) sẽ đưa ra phán quyết trong vụ Philippines kiện Trung Quốc. Vụ kiện của Philippines không nhằm phản đối một cách vô cớ Trung Quốc. Ngược lại, đó là một biện pháp hòa bình, không bạo lực, minh bạch và hợp pháp do Philippines lựa chọn để đáp lại những hành động hung hăng đơn phương của Trung Quốc nhằm theo đuổi yêu sách phi pháp đối với hầu như toàn bộ Biển Đông.

Mặc dù vụ kiện nhằm bảo vệ các quyền lợi biển của Philippines, nhưng điều này còn có ý nghĩa quan trọng hơn nhiều mang tầm cỡ khu vực và thế giới, đó là một nỗ lực chân thành để đề cao nguyên tắc pháp trị trong xử lý những sự khác biệt trên thế giới. Mục đích của Philippines đã được thể hiện rõ ràng và liên tục trước sau như một, đã được toàn thế giới hiểu và ủng hộ.

Việc Bắc Kinh từ chối tham gia vào vụ kiện có lẽ là một cơ hội bị đánh mất lớn nhất trong thời gian qua trong việc xây dựng một trật tự khu vực dựa trên cơ sở luật pháp và nguyên tắc. Chính vì thế các quốc gia phải kiên nhẫn theo đuổi một tương lai mà chúng ta mường tượng cho cấu trúc an ninh khu vực: nó phải ổn định và có thể dự báo được, để cho phép các dân tộc của chúng ta sống trong hòa bình và thịnh vượng, tại nơi mà ý chí chứ không phải quyền lực thắng thế và nguyên tắc luật pháp được tuân thủ theo nghĩa đầy đủ nhất.

Điều đó cũng bắt nguồn chủ yếu từ Hiến pháp của Philippines để bảo vệ lợi ích dân tộc của đất nước và là một thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Điều 2 khoản 2 trong Hiến pháp của Philippines có nêu rõ “phản đối dùng chiến tranh như một phương tiện trong chính sách quốc gia, chúng ta chấp nhận các nguyên tắc được luật quốc tế chấp nhận rộng rãi, coi đó như một phần của luật trong nước, và tuân theo chính sách hòa bình, công bằng, hợp tác và bằng hữu với tất cả các dân tộc”.

Nguyên tắc pháp trị đã trở thành một trong những định hướng quan trọng mà Philippines ủng hộ tích cực trong quan hệ với cộng đồng quốc tế. Cộng đồng quốc tế cần ủng hộ phán quyết của PCA, coi đó như là một lời tuyên bố dứt khoát về UNCLSO. Điều này sẽ có tác động tích cực sâu rộng đối với việc giải quyết hòa bình các tranh chấp và làm giảm căng thẳng trên Biển. Philippines sẽ tuân theo phán quyết, Trung Quốc cũng nên làm như vậy để chứng minh ý nghĩa của “sự trỗi dậy hòa bình” của họ.

Tuy nhiên phán quyết của PCA sẽ không chấm dứt các tranh chấp vì không có phán quyết nào liên quan đến vấn đề chủ quyền lãnh thổ hay vấn đề phân định biển. Các nước có yêu sách trên Biển Đông phải đối phó với một chặng đường còn dài trước mặt để dẫn đến giải pháp ổn định cuối cùng cho các tranh chấp. Hy vọng cuộc bàn thảo trong khuôn khổ ASEAN và Trung Quốc về DOC và COC sẽ phát triển theo hướng đó sau khi có phán quyết.

Điều Philippines mong mỏi sau khi Tòa ra phán quyết là một sự khởi đầu mới mẻ cho một cơ chế dựa trên pháp luật trên Biển Đông và một đối tác Trung Quốc chân thành trong sự nghiệp xây dựng Biển Đông thành một khu vực an toàn hơn, ổn định, thịnh vượng và hòa bình.

Trò chơi "chia để trị" nguy hiểm của Trung Quốc với ASEANcủa Tang Siew Mun

Trung Quốc lâu nay quả quyết rằng tranh chấp Biển Đông sẽ không ảnh hưởng đến quan hệ với ASEAN, song những hành động của họ ở vùng biển tranh chấp đang biến câu đố mang tính ngoại giao này thành một thực tế chiến lược. 

Vào ngày 23/4, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị thông báo rằng Trung Quốc, Brunei, Campuchia và Lào đạt được một “sự đồng thuận” về Biển Đông với bốn điểm:

Trước tiên, những bất đồng trên Biển Đông không phải là tranh chấp giữa Trung Quốc và ASEAN, và vấn đề này sẽ không ảnh hưởng đến quan hệ Trung Quốc-ASEAN. 

Thứ hai, quyền lợi của tất cả các quốc gia là độc lập lựa chọn cách thức giải quyết tranh chấp theo luật pháp quốc tế cần được xác nhận. Áp đặt một cách tiếp cận đơn phương là sai. 

Thứ ba, theo Điều 5 của DOC, Trung Quốc và ba nước tin rằng các bên liên quan nên giải quyết tranh chấp và những vấn đề lãnh thổ và trên biển thông qua đối thoại và tham vấn. 

Thứ tư, Trung Quốc và các nước ASEAN có năng lực cùng nhau bảo vệ hòa bình và ổn định trên Biển Đông, và các nước ngoài khu vực cần đóng một vai trò xây dựng, thay vì ngược lại. 

ASEAN đã nhất quán thông qua và áp dụng phương châm rằng họ sẽ không về phe nào trong tranh chấp chủ quyền. Tranh chấp giữa các nước liên quan cần phải được giải quyết một cách hòa bình, nhất quán với luật pháp quốc tế và Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ASEAN (TAC) mà Trung Quốc đã ký năm 2003. 

Tuy nhiên, điều này không có nghĩa ASEAN sẽ tự tách biệt mình khỏi vấn đề Biển Đông. Đầu tiên và trước nhất, ASEAN có lợi ích hợp pháp để đảm bảo rằng tự do hàng hải và hàng không, cũng như an toàn đi lại trong vùng biển chiến lược này được duy trì và an ninh khu vực sẽ không bị phương hại. Trên thực tế, sẽ là vô trách nhiệm với ASEAN nếu gạt sang bên vấn đề Biển Đông vì lo ngại nguy cơ gây phương hại đến mối quan hệ giữa ASEAN và Trung Quốc. 

Việc gạt vấn đề Biển Đông ra khỏi các cuộc thảo luận ASEAN có thể giúp Trung Quốc giữ thể diện, song chiến thắng ngoại giao này sẽ dẫn đến cái giá chiến lược khá đắt khi đẩy các bên tranh chấp lại gần hơn với Mỹ và Nhật Bản.

Tương tự, hành động của Bắc Kinh cũng tạo thuận lợi cho việc chấp thuận vai trò an ninh mở rộng của Nhật Bản trong khu vực. Sự đồng thuận 4 điểm sẽ tác động đến nội bộ ASEAN theo ba cách. Thứ nhất, Lào sẽ trở thành trung tâm chú ý và đặt ra vấn đề liệu Vientiane có thể thực hiện nghĩa vụ Chủ tịch ASEAN của họ một cách khách quan mà không “khuất phục” trước đòi hỏi của Trung Quốc hay không. Thứ hai, trong số 3 nước có sự đồng thuận, chỉ duy nhất Brunei là quốc gia có tranh chấp. Thứ ba, Trung Quốc sẽ bị xem là hủy hoại sự đoàn kết của ASEAN. 

Bất chấp ý định của Trung Quốc thế nào, sự đồng thuận 4 điểm này sẽ được xem là một nỗ lực phá vỡ sự gắn kết và nhất trí trong ASEAN về vấn đề Biển Đông và các nước ASEAN cần nhận ra rằng sẽ không có lợi ích từ việc chia rẽ nội bộ.

Bãi cạn Scarborough: ranh giới đỏ?của Jay Batongbacal

Khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Carter thăm Philippines vào cuối thời gian cuộc tập trận Balikatan, mối lo lắng đang dần hiện hữu khi Trung Quốc có thể sẽ thực hiện hoạt động cải tạo trên bãi cạn Scarborough. Dù phía Manila rất hy vọng từ chuyến thăm này nhưng ông Carter đã không hề đưa ra lời đảm bảo chính thức nào từ phía Mỹ trong việc ngăn chặn Trung Quốc hiện hữu vĩnh viễn trên bãi cạn này.

Điều đầu tiên là Scarborough có thể sẽ là ranh giới đỏ cho mối quan hệ đồng minh quân sự Philippines-Mỹ.  Theo việc chuyển giao lãnh thổ cho Philippines trước đây, bãi cạn có thể nằm trong Hiệp ước Tương trợ Quốc phòng (MDT) mà phía Mỹ phải bảo vệ. Việc Philippines có quyết định điều tàu ngăn cản các tàu có ý định thực hiện hoạt động cải tạo đảo đòi hỏi hành động từ MDT, điều mà Manila rất kỳ vọng Mỹ sẽ đưa ra cam kết bảo vệ “tàu và máy bay công vụ” Philippines (không chỉ riêng đối với tàu quân sự) trước cuộc tấn công vũ trang trên Thái Bình Dương, trong đó bao gồm cả ở Biển Đông. Có thể kết luận rằng, chiến thuận triển khai tàu dân quân hay chấp pháp biển mà Trung Quốc thực hiện trong vụ triển khai dàn khoan trong vùng biển Việt Nam năm 2014, một chiến thuật sử dụng tàu lớn và trang bị vũ khí hạng nhẹ nhằm chèn ép, đâm va các tàu nhỏ hơn của Việt Nam, vẫn sẽ được xem là một cuộc tấn công vũ trang.

Việc cải tạo bãi cạn Scarborough thành đảo nhân tạo và là một pháo đài giống như đã thực hiện với Đá Vành Khăn sẽ là điểm hạ màn cho cuộc chơi mà Trung Quốc thực hiện: tức tốc thiết lập và củng cố kiểm soát hành chính đối với toàn bộ Biển Đông. Không chỉ riêng Philippines, các quốc gia viên biển khác, Mỹ, Nhật Bản và đồng minh cần phải ngăn chặn viễn cảnh này. Nếu như Biển Đông bị “đánh cắp” khi Trung Quốc hoàn thành chiến lược được miêu tả là “tam giác chiến lược” nhằm giám sát và kiểm soát các hoạt động trên biển, các quốc gia chắc chắn sẽ làm bất cứ điều gì cần thiết để hóa giải chiến lược này. Dù e ngại sự cạnh tranh quyền lực giữa các quốc gia, các quốc gia Đông Nam Á sẽ không ngồi yên khi quyền chủ quyền, vốn được luật pháp quốc tế thừa nhận, bị đánh cắp. Đối phó với một quốc gia vượt trội, điều duy nhất là phải sát cánh cùng nhau, cùng liên kết với các quốc gia bên ngoài khu vực. Như vậy, nếu Trung Quốc thực hiện hoạt động cải tạo trên bãi cạn Scarborough, nước này sẽ tự tạo ra chất xúc tác cho một chiến lược  bao vây chính mình./.