Động thái các quốc gia

+ Trung Quốc:

Hải quân Trung Quốc hoàn thành đợt diễn tập ở biển xa. Biên đội tàu thuộc hạm đội Nam Hải Trung Quốc hôm 26/2 kết thúc đợt huấn luyện biển xa kéo dài 41 ngày và lần đầu tiên vượt qua Đường đổi ngày quốc tế ở Thái Bình Dương. Trên hành trình 14.000 hải lý, đội tàu tiến hành 30 khoa mục diễn tập, bao gồm bắn đạn thật, tiếp liệu thời chiến và cứu hộ biển xa. Chuyên gia Trung Quốc nhận định việc vượt qua Đường đổi ngày quốc tế ở Thái Bình Dương cho thấy hải quân Trung Quốc không chỉ giới hạn hoạt động tại khu vực Tây Thái Bình Dương mà có thể vươn xa đến vùng biển giữa và Đông Thái Bình Dương. Đợt huấn luyện biển xa của Trung Quốc năm 2019 là 34 ngày trên hành trình 10.000 hải lý.

Trung Quốc thăm dò dầu khí ở Biển Đông. Từ 20h ngày 27/2 đến 24h ngày 30/4, tàu Dầu khí Hải dương 719 của Trung Quốc kéo cáp thăm dò ở Biển Đông trong khu vực có tọa độ 17-02.86N/109-12.44E, 17-51.51N/108-33.88E, 17-54.41N/109-01.37E, 17-54.62N/109-29.13E, 18-11.82N/110-04.65E, 18-39.34N/111-43.46E, 18-06.65N/111-04.93E, 18-47.45N/112-16.32E, 18-35.77N/113-17.49E, 17-47.35N/111-55.56E, 17-32.97N/112-04.13E, 17-19.08N/111-39.91E, 16-56.27N/111-53.09E và 16-52.78N/109-51.47E. Tổng chiều dài cáp thăm dò là 8.100m.

Trung Quốc phản đối BTQP Mỹ cáo buộc quân sự hóa Biển Đông. Về việc Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper chỉ trích hoạt động Trung Quốc ở Biển Đông, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Ngô Khiêm hôm 28/2 cho hay, “Trong tuyên bố này, Mỹ nói không đúng sự thật về tiến trình phát triển quốc phòng của Trung Quốc, phóng đại cái gọi là “mối đe dọa Trung Quốc”. Tình hình Biển Đông đang cải thiện theo hướng ổn định nhờ nỗ lực chung của Trung Quốc và các nước khu vực. Mỹ không muốn hòa bình và ổn định ở Biển Đông. Mỹ triển khai tàu chiến và máy bay tiến hành các hoạt động mang tính bá quyền, tập trận và tuần tra chung với các nước ngoài khu vực. Thực tế này chúng tỏ Mỹ là bên gây rối, phương hại tới hòa bình, ổn định Biển Đông và đứng đằng sau hoạt động quân sự hóa ở khu vực.”

+ Phiippines:

Philippines tăng cường năng lực không quân ở Biển Đông. Ba máy bay huấn luyện quân sự AS-211 của Philippines ngày 24/2 được triển khai đến đảo Palawan để tăng cường năng lực tuần tra ở Biển Đông. Máy bay AS-211 do Ý chế tạo có thể được dùng cho các sứ mệnh tấn công mặt đất và tuần tra. Hiện không rõ ba chiếc AS-211 được bổ sung hay là kế hoạch điều động luân phiên tại Bộ Chỉ huy miền tây của Philippines.

Tổng thống Philippines khẳng định tự duy trì an ninh không cần Mỹ. Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte ngày 26/2 khẳng định lực lượng vũ trang nước này có thể đảm bảo an ninh mà không cần quân đội Mỹ, “Chúng ta có cần Mỹ để có thể tồn tại như một quốc gia? Chúng ta có cần sức mạnh và quyền lực của quân đội Mỹ để chiến đấu chống lại các lực lượng nổi dậy ở đây và những tên khủng bố ở miền Nam đất nước và kiểm soát ma túy? Quân đội và cảnh sát nói Thưa Tổng thống, chúng tôi có thể làm được. Nếu chúng ta không thể làm được điều này, chúng ta không có quyền làm một nước cộng hòa." Phát ngôn của ông Duterte là diễn biến mới nhất sau khi Văn phòng Tổng thống Philippines thông báo chấm dứt thỏa thuận các lực lượng thăm viếng với Mỹ hôm 11/2. 

+ Mỹ:

Mỹ phản đối tàu Trung Quốc hành xử thiếu chuyên nghiệp trên biển. Hải quân Mỹ ngày 27/2 cáo buộc tàu khu trục số hiệu 161 của Trung Quốc chiếu tia laser vào máy bay tuần tra P-8 Poseidon của Mỹ ở không phận quốc tế cách Guam 380 dặm về phía Tây. Thông cáo của Hạm đội Thái Bình Dương Mỹ nhấn mạnh hành động của tàu Trung Quốc “không an toàn và thiếu chuyên nghiệp. Tia laser quân sự có thể tổn hại nghiêm trọng cho phi hành đoàn cũng như các hệ thống của tàu và máy bay." Ngoài ra, hành động của Trung Quốc còn vi phạm thỏa thuận CUES năm 2014.

Mỹ hoãn Thượng đỉnh với ASEAN vì dịch COVID-19. Reuters dẫn lời hai quan chức Mỹ hôm 28/2 cho hay Mỹ quyết định hoãn cuộc họp với lãnh đạo các nước ASEAN dự kiến ngày 14/3 vì lo ngại COVID-19. Tổng thống Donald Trump đã mời lãnh đạo của 10 nước ASEAN tới họp thượng đỉnh tại Las Vegas sau khi không tham dự hội nghị ASEAN vào tháng 11 năm ngoái tại Thái Lan. Trước đó ngày 24-2, Ngoại trưởng Mike Pompeo cho hay công tác chuẩn bị cho thượng đỉnh đang tiếp diễn.

+ Pháp:

Hội thảo quốc tế về Biển Đông tại Pháp. Ngày 25/2, Hội thảo “Biển Đông và khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, cách thức để đảm bảo an ninh chung” diễn ra tại Viện Ngôn ngữ và Văn hóa phương Đông, Paris. Hội thảo do Quỹ Gabriel Péri tài trợ, với ba phần thảo luận tập trung vào vai trò của pháp luật quốc tế trong giải quyết các tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông, các thách thức trong vấn đề bảo vệ môi trường và nguồn lợi hải sản, và các biện pháp để đảm bảo an ninh chung ở Biển Đông cũng như khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương. Tại hội thảo, các nhà nghiên cứu khẳng định, mọi tranh chấp biển cần giải quyết dựa trên luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS năm 1982 và các nước trên thế giới, trong đó có Pháp, cần góp phần đảm bảo an ninh chung, đảm bảo quyền tự do hàng hải, hàng không theo luật pháp quốc tế. Ngày 27/2, Nhóm Nghị sỹ hữu nghị Pháp-Việt trong Quốc hội Pháp tổ chức Hội thảo quốc tế với chủ đề "Biển Đông: Thách thức và thời cơ đối với Pháp và Việt Nam". Hội thảo gồm 2 nội dung chính, được tổ chức làm 2 phiên. Phiên thảo luận buổi sáng diễn ra tại trụ sở Quốc hội Pháp, tập trung thảo luận về đề tài "các thách thức địa chiến lược và pháp lý trên Biển Đông đối với các quốc gia ven biển Đông và các cường quốc, giữa căng thẳng và hợp tác". Phiên thảo luận buổi chiều được tổ chức tại trụ sở Thượng viện Pháp, tập trung vào các thách thức và tiềm năng kinh tế, sinh thái, khoa học và văn hóa tại Biển Đông. Hội thảo được tổ chức đồng thời tại cả Thượng viện và Quốc hội Pháp là một sự kiện mang tính chính trị đặc biệt.

Hoạt động song phương, đa phương

Khai mạc cuộc tập tập đa phương "Cobra Gold” 2020 tại Thái Lan. Cuộc tập trận “Hổ mang Vàng” diễn ra từ 24/2 – 6/3 ở miền Bắc Thái Lan với sự tham gia của 9.600 binh sĩ tới từ 29 quốc gia. Bảy quốc gia tham gia chính gồm Indonesia, Nhật Bản, Malaysia, Singapore, Hàn Quốc, Thái Lan và Mỹ. Các quốc gia còn lại tham gia các hoạt động hỗ trợ nhân đạo, hoặc cử quan sát viên. Mục đích tập trận nhằm tăng cường khả năng phối hợp đa phương, củng cố quan hệ giữa các nước tham gia, đối phó với các mối đe dọa an ninh và thảm họa quốc gia. Năm nay Mỹ đã điều động khoảng 5.500 binh sĩ, 64 máy bay và 2 tàu tham gia cuộc tập trận. Đây cũng là lần đầu tiên có sự tham gia của máy bay chiến đấu F-35.

Mỹ - Ấn cam kết tăng cường hợp tác ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Tuyên bố chung hôm 25/2 sau chuyến thăm Ấn Độ của Tổng thống  Donald J. Trump khẳng định, “Quan hệ chặt chẽ giữ Mỹ và Ấn Độ là trọng tâm ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do, rộng mở, bao hàm, hòa bình và thịnh vượng. Hợp tác hai nước dựa trên việc công nhận tính trung tâm của ASEAN, tuân thủ luật pháp quốc tế và quản trị hiệu quả; ủng hộ tự do và an toàn hàng hải, hàng không và sử dụng hợp pháp biển cả; thúc đẩy giải quyết hòa bình các tranh chấp dựa trên luật pháp quốc tế.” Về Biển Đông, "Ấn Độ và Mỹ ghi nhận những nỗ lực hướng tới COC ở Biển Đông, và kỳ vọng COC không phương hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của các quốc gia theo luật pháp quốc tế.”

Indonesia đồng ý tiếp nhận khí tài Mỹ tài trợ. Bộ Quốc phòng Indonesia đồng ý tiếp nhận 14 máy bay không người lái Insitu ScanEagle và 3 máy bay trực thăng Bell 412 của Mỹ. Ngày 26/2, Ủy ban Hạ viện về tình báo, quốc phòng và đối ngoại đã phê duyệt gói tài trợ trên, và đề nghị Bộ Quốc phòng đánh giá lại các điều kiện của khí tài này để đảm bảo an ninh quốc gia. Theo Thứ trưởng Bộ Quốc phòng ông Sakti Wahyu Trenggono, từ năm 2014-2015 Mỹ đã đề xuất gói tài trợ cho Quân đội Indonesia theo chương trình tài chính quân sự nước ngoài (FMF). Các máy bay trên giúp hải quân Indonesia tăng cường khả năng thực hiện hoạt động quân sự và phòng thủ quốc gia./.

Thực hiện: Đinh Anh