Động thái của các quốc gia

+ Trung Quốc:

Trung Quốc phản ứng trước bình luận của Tổng thống Mỹ về Biển Đông. Phát biểu trong cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 24/5, Người phát ngôn Hoa Xuân Oánh tuyên bố: “Tôi không hiểu việc Mỹ và một số nước thường hay nói về khái niệm nước nhỏ và nước lớn. Quan điểm của Trung Quốc đó là một quốc gia không đơn thuần bị phán xét đúng sai dựa vào độ rộng lớn của nước đó. Từ khi thành lập nước Trung Quốc mới, chúng tôi đã tiến hành phân định biên giới với 12 nước trong tổng số 14 nước láng giềng thông qua đàm phán và tham vấn dựa trên thực tế lịch sử và các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế. Điều tôi muốn nói ở đây là mức độ rộng lớn của một quốc gia không phải vấn đề chính. Vấn đề thực sự quan trọng đó là sự chân thành và quyết tâm của các nước liên quan trong việc giải quyết tranh chấp thông qua tham vấn, đàm phán.” Về việc Hội nghị Ngoại trưởng các nước Tổ chức Hợp tác Thượng Hải ra tuyên bố ủng hộ Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông, bà Hoa hôm 25/5 cho hay, “SCO là một tổ chức quan trọng của khu vực. Trung Quốc tin rằng lập trường mà SCO thông qua phù hợp với xu thế của thời đại, đồng thời phản ánh quan điểm khách quan và đúng đắn của cộng đồng quốc tế trong các vấn đề liên quan. Nó cũng phù hợp với các thỏa thuận song phương và khu vực giữa Trung Quốc và các nước liên quan, nhấn mạnh tinh thần thực sự của luật pháp quốc tế, tái khẳng định nỗ lực bảo vệ hòa bình và ổn định ở Biển Đông.” Về tuyên bố của Thủ tướng Anh rằng Trung Quốc cần tuân thủ phán quyết của Tòa, bà Hoa hôm 26/5 cho hay, “Vấn đề tranh chấp Biển Đông giữa Trung Quốc và Philippines là vấn đề lãnh thổ và phân định biển, vốn không thể áp dụng các thủ tục giải quyết tranh chấp bắt buộc của UNCLOS. Quan điểm của Trung Quốc trước bất kỳ kết quả nào của phiên tòa vô hiệu này, Trung Quốc sẽ không đồng ý hoặc chấp thuận.” Về việc Hội nghị G7 ra tuyên bố chung đề cập về vấn đề Biển Đông, bà Hoa hôm 27/5 tuyên bố: “Là nước tổ chức Hội nghị G7, việc Nhật Bản khuấy động vấn đề Biển Đông và căng thẳng khu vực không có lợi cho ổn định của khu vực, đồng thời không phù hợp tiêu chí hoạt động của G7 là tập trung vào vấn đề kinh tế của các nước phát triển. Trung Quốc hy vọng các nước G7 có thể đưa ra lập trường đúng đắn, không thiện vị, tôn trọng cam kết không chọn bên trong vấn đề tranh chấp lãnh thổ, ngừng đưa ra các tuyên bố vô trách nhiệm và đóng góp nhiều hơn vào hòa bình và ổn định của khu vực.”

Trung Quốc mời ASEAN tập trận chung trên biển. Tại Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN - Trung Quốc lần 6 diễn ra tại Lào hôm 25/5, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Thường Vạn Toàn đề nghị tổ chức diễn tập hải quân chung với tất cả các nước Đông Nam Á.  Lời đề nghị này từng được Trung Quốc đưa ra trong hội nghị quốc phòng ASEAN - Trung Quốc hồi năm ngoái. Lúc đó, ông Thường cho rằng việc diễn tập hải quân chung sẽ giúp các nước thực hiện tốt hơn Quy tắc Chạm mặt Bất ngờ trên biển (CUES) nhằm tránh tính toán sai lầm ở khu vực tranh chấp. Bộ trưởng Quốc phòng Thái Lan Tướng Prawit Wongsuwon cho biết các bên tại hội nghị tỏ ra quan tâm tới đề nghị của Trung Quốc nhưng chưa có thỏa thuận nào được đưa ra.

Trung Quốc đề nghị G7 không bàn về Biển Đông. Phát biểu tại cuộc họp báo hôm 26/5 về công tác chuẩn bị Hội nghị Thượng đỉnh G20 ở Hàng Châu, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị tuyên bố G7 nên tập trung các vấn đề kinh tế, tài chính đang là mối quan tâm của thế giới, thay vì làm trầm trọng các căng thẳng khu vực liên quan đến vấn đề Biển Đông, “G7 thảo luận việc gì là quyền của họ. Tuy nhiên, họ nên có một lập trường công bằng và đúng đắn đối với những vấn đề thảo luận, tránh đưa ra tiêu chuẩn kép.” Ông Vương cũng nhắc lại quan điểm của Trung Quốc về Biển Đông, đó là tranh chấp cần giải quyết thông qua đàm phán và đối thoại giữa các bên liên quan trực tiếp, dựa trên luật pháp quốc tế và DOC.

Trung Quốc dự định triển khai tàu cứu hộ ở Biển Đông. Trung Quốc đang cân nhắc triển một tàu cứu hộ hiện đại, được trang bị máy bay không người lái, robot lặn biển, tới Trường Sa. Một quan chức của Cục cứu hộ Biển Đông, thuộc Bộ Giao thông Trung Quốc cho hay: “Cục đang lên kế hoạch thiết lập một căn cứ cho tàu cứu nạn ở khu vực. Có khả năng việc này sẽ được tiến hành trong nửa cuối năm nay.” Hiện Cục này có 31 tàu và 4 máy bay lên thẳng để thực hiện các nhiệm vụ cứu nạn trên Biển Đông.

+ Việt Nam:

Việt Nam đề xuất xây dựng Bộ Quy tắc dành cho máy bay tại Biển Đông. Trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN lần thứ 10, chiều 25/5 đã diễn ra Hội nghị không chính thức Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN-Trung Quốc lần thứ 6. Tại hội nghị này, Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch đã đưa ra hai đề xuất. Thứ nhất, cần tăng cường duy trì trao đổi, tham vấn để chia sẻ thông tin qua nhiều hình thức, cả song phương và đa phương, tích cực nghiên cứu khả năng thiết lập đường dây liên lạc trực tiếp giữa Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN và Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc. Thứ hai, tiếp tục thúc đẩy các biện pháp xây dựng lòng tin qua các hoạt động trên thực địa, đặc biệt là trên biển, trong đó đề xuất về việc mở rộng phạm vi áp dụng Bộ Quy tắc về tránh va chạm bất ngờ trên biển (CUES) cho tàu công vụ của ASEAN và Trung Quốc cũng như xây dựng một Bộ Quy tắc tương tự dành cho máy bay tại khu vực Biển Đông.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm Nhật Bản và tham dự Hội nghị G7 mở rộng. Chiều 26/5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng Đoàn cấp cao Chính phủ Việt Nam đã tới sân bay Chubu, thành phố Nagoya, bắt đầu chuyến thăm chính thức Nhật Bản và dự Hội nghị Thượng G7 mở rộng theo lời mời của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Trong bài phát biểu tại phiên họp thứ nhất Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng sáng 27/5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh những chủ đề ưu tiên trong chương trình nghị sự, nhấn mạnh đây thực sự là những vấn đề quan trọng và cấp bách đối với hòa bình, ổn định và sự phát triển bền vững của khu vực châu Á-Thái Bình Dương nói riêng và thế giới nói chung. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định các hành động đơn phương, trái pháp luật quốc tế và thỏa thuận khu vực như bồi đắp đảo nhân tạo với quy mô lớn, làm thay đổi nguyên trạng và tăng cường quân sự hóa đang đe dọa nghiêm trọng hòa bình và ổn định trong khu vực. Chiều 28/5, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc hội đàm với Thủ tướng Shinzo Abe. Hai Thủ tướng chia sẻ quan ngại sâu sắc của cộng đồng quốc tế về tình hình Biển Đông thời gian gần đây, đặc biệt là những hành động tôn tạo, xây đảo quy mô lớn. Hai bên nhất trí về tầm quan trọng của việc bảo đảm hòa bình, an ninh, an toàn và tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông; các bên liên quan không có những hành động thay đổi nguyên trạng, gây phức tạp, mở rộng tranh chấp và quân sự hóa trên Biển Đông; giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, tôn trọng tiến trình ngoại giao và pháp lý.

+ Philippines:

Philippines bắt 10 ngư dân Trung Quốc xâm phạm lãnh hải. Truyền thông Philippines ngày 27/5 đưa tin, hai tàu của Lực lượng bảo vệ bờ biển nước này đã chặn bắt một tàu cá Trung Quốc ở ngoài khơi đảo Luzon, sau 2 giờ đồng hồ rượt đuổi. Trung úy Jeffrey Collado cho biết, tàu cá Trung Quốc, treo cờ Philippines, đã cố tìm cách chạy trốn sau khi đâm vào tàu của Lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines, tuy nhiên một tàu Philippines khác đã tới hỗ trợ ngăn chặn tàu cá Trung Quốc. Ông Collado nói thêm rằng “tàu cá Trung Quốc đã ở trong lãnh hải Philippines, không phải đi vào vùng biển tranh chấp”.

Philippines thúc giục Trung Quốc tôn trọng phán quyết của Tòa. Phát biểu trước báo giới hôm 28/5, Tân Tổng thống Philippines ông Rodrigo Duterte tuyên bố: “Nếu Tòa Trọng tài ra phán quyết, chúng tôi hy vọng là Trung Quốc sẽ chấp hành... Không phải vì Trung Quốc giúp xây dựng đường sắt, mà chúng ta phải từ bỏ bãi cạn Scarborough”. Ông Duterte cũng nhắc Trung Quốc rằng: “Tôi đã bảo quý vị rằng đó lãnh thổ của chúng tôi. Quý vị không có quyền ở đó”.

+ Indonesia:

Indonesia bắt giữ tàu Trung Quốc đánh cá trái phép. Hải quân Indonesia hôm 27/5 đã bắt giữ tàu đánh cá Trung Quốc số hiệu Gui Bei Yu 27088 và tạm giữ 8 thành viên thủy thủ đoàn bị tình nghi là đánh bắt cá trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế của nước này, ngoài khơi quần đảo Natuna. Giới chức hải quân Indonesia cho biết, tàu tuần tra của họ đã đưa ra cảnh báo bằng loa phát thanh nhưng tàu cá của Trung Quốc phớt lờ. Trong khi đó, Trung Quốc đã kháng nghị lên chính phủ Indonesia, đồng thời yêu cầu sớm thả tự do cho các thành viên thủy thủ đoàn.

+ Lào:

Lào kêu gọi 'đàm phán song phương' về vấn đề Biển Đông. Trả lời phỏng vấn tờ Nikkei Asian Review ngày 28/5, Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith cho biết, ông sẽ thúc giục các nước liên quan tiến hành đối thoại để giải quyết hòa bình tranh chấp lãnh thổ, “Là Chủ tịch ASEAN, Lào sẽ nỗ lực tạo một môi trường thuận lợi cho các đối thoại tích cực giữa các nước liên quan, đồng thời thúc giục các bên kiềm chế các hành động làm gia tăng căng thẳng” Về việc liệu ASEAN có ra tuyên bố chung khi Tòa có phán quyết về vụ kiện của Philippines, ông Thongloun cho rằng ASEAN sẽ quyết định về vấn đề này sau khi cân nhắc kỹ tình hình.

+ Mỹ:

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ: ‘Trung Quốc đang tự xây Vạn Lý Trường Thành’. Phát biểu trước các sỹ quan chuẩn bị tốt nghiệp Học viện Hải quân Mỹ tại Annapolis, Maryland hôm 27/5, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter bình luận, “Các hành động của Trung Quốc có thể dựng lên một Vạn Lý Trường Thành tự cô lập chính họ. Các quốc gia trên khắp khu vực này – từ các đồng minh, đối tác hay nước trung lập - đều đang công khai hoặc kín đáo bày tỏ quan ngại ở mức cao nhất. Mô hình như vậy phản ánh quá khứ xa xưa của khu vực, thay vì tương lai dựa trên luật pháp mà cùng ta mong muốn hiện hữu ở Châu Á - Thái Bình Dương. Ông Carter khẳng định Mỹ cam kết bảo vệ tự do hàng hải, hàng không và thúc đẩy một giải pháp hòa bình cho tranh chấp, “Trung Quốc cho rằng có thể giải quyết vấn đề Biển Đông tách biệt so với quan hệ tổng thể Mỹ - Trung. Tuy nhiên, Mỹ không thể làm như vậy. Hành động của Trung Quốc ở Biển Đông đang thách thức những nguyên tắc cơ bản, và chúng ta sẽ không thể làm ngơ.”

Quan hệ các nước

Khai mạc Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN lần thứ 10. Phát biểu khai mạc hội nghị sáng 25/5 tại thủ đô Viantiane - Lào, Bộ trưởng Quốc phòng Lào Thượng tướng Chansamone Channhalat nhấn mạnh trước tình hình khu vực và thế giới có nhiều thay đổi phức tạp và thách thức, ADMM cần tăng cường năng lực, đoàn kết và thống nhất; đồng thời cũng cần nâng cao vai trò của ADMM trong việc giải quyết các thách thức an ninh một cách hiệu quả và kịp thời. Tuyên bố chung của ADMM 10 tái khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì hoà bình, ổn định cũng như duy trì tự do hàng hải, hàng không tại Biển Đông theo các nguyên tắc đã được luật pháp quốc tế công nhận, bao gồm UNCLOS 1982. Tuyên bố nhấn mạnh cam kết của tất cả các bên trong việc thực thi đầy đủ và hiệu quả DOC, nguyên tắc 6 điểm của ASEAN trên Biển Đông và Tuyên bố chung tại Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN-Trung Quốc lần thứ 15 nhân kỷ niệm 10 năm DOC và tái khẳng định tầm quan trọng của việc tập trung hướng tới sớm đạt được COC ở Biển Đông.

Tổng thống Mỹ bắt đầu thăm chính thức Việt Nam. Đây là chuyến thăm Việt Nam đầu tiên của Tổng thống Mỹ Barack Obama và là chuyến thăm của Tổng thống Mỹ thứ ba tới Việt Nam kể từ khi hai nước bình thường hóa quan hệ năm 1995. Sau Lễ đón chính thức vào sáng ngày 23/5, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã hội đàm với Tổng thống Mỹ Barack Obama tại Phủ Chủ tịch và tham dự họp báo chung tại Trung tâm hội nghị quốc tế. Sau cuộc gặp này hai bên đã ra Tuyên bố chung nhất trí tăng cường quan hệ Đối tác toàn diện theo hướng thực chất, sâu sắc, hiệu quả hơn; nhất trí lấy hợp tác phát triển làm trọng tâm của quan hệ hai nước. Tuyên bố chung khẳng định: “Hai bên nhấn mạnh cam kết của các bên tranh chấp không có những hành động làm phức tạp và mở rộng các tranh chấp, thừa nhận tầm quan trọng của việc thực hiện nghiêm túc DOC, thúc đẩy thương lượng thực chất và sớm ký kết Bộ Quy tắc ứng xử. Theo đó, hai bên đặc biệt quan ngại về những diễn biến gần đây ở Biển Đông làm gia tăng căng thẳng, đe dọa hòa bình, an ninh và ổn định.” Ngày 23/5, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã tiếp Tổng thống Mỹ Barack Obama. Hai nhà lãnh đạo đã trao đổi về tình hình khu vực, trong đó có vấn đề Biển Đông, các thách thức an ninh phi truyền thống đang nổi lên có tác động đến hòa bình, ổn định và hợp tác phát triển của khu vực và thế giới; khẳng định nguyên tắc tôn trọng Hiến chương Liên Hợp Quốc, luật pháp quốc tế trong hợp tác và xử lý các vấn đề khu vực. Hai bên nhất trí vấn đề tranh chấp trên Biển Đông cần được giải quyết bằng các biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế. Ngày 24/5 tại Trung tâm hội nghị Quốc gia, Tổng thống Barack Obama, đã bài diễn văn trước đông đảo cử tọa.

Các quốc gia SCO ủng hộ hòa bình và ổn định tại Biển Đông. Hội nghị Ngoại trưởng các nước thuộc Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) đã diễn ra trong hai ngày 23 và 24/6 tại thủ đô Tashkent của Uzbekistan. Thông cáo kết thúc Hội nghị hôm 24/5 cho hay, “Về vấn đề Biển Đông, các Ngoại trưởng cho rằng, cần bảo vệ trật tự luật pháp biển trên cơ sở nguyên tắc luật pháp quốc tế trong đó có UNCLOS năm 1982. Tất cả những tranh chấp liên quan đều cần do các bên đương sự thông qua đàm phán hữu nghị và hiệp thương giải quyết một cách hòa bình, phản đối quốc tế hóa và sự can thiệp của các nước bên ngoài. Các Ngoại trưởng kêu gọi tuân thủ Công ước, DOC và Hướng dẫn thực thi DOC.”

Nhật Bản - Canada chia sẻ quan ngại về vấn đề Biển Đông. Phát biểu trong cuộc họp báo chung sau cuộc hội đàm với người đồng cấp Canada Trudeau ở thủ đô Tokyo hôm 24/5, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tuyên bố: “Về vấn đề Biển Đông, hai nước chia sẻ quan ngại sâu sắc về các hành động đơn phương làm gia tăng căng thẳng, như hoạt động cải tạo đảo quy mô, xây dựng các công trình và tiến hành quân sự hóa. Việc chúng tôi nhất trí hợp tác để bảo đảm các vùng biển an toàn, tự do và tuân thủ luật lệ là một thành tựu quan trọng”.

Mỹ - Nhật kêu gọi giải quyết hòa bình tranh chấp biển. Tổng thống Mỹ Barack Obama và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe hôm 25/5 đã có cuộc hội đàm trước thềm Hội nghị G7. Phát biểu sau cuộc gặp, Tổng thống Obama nhấn mạnh: “Về tranh chấp Biển Đông, chúng tôi muốn thấy một giải pháp hòa bình. Chúng tôi hoan nghênh Trung Quốc và Việt Nam tiến hành đối thoại và có thể giải quyết tranh chấp. Chúng tôi không chọn bên trong tranh chấp lãnh thổ. Do vậy việc giải quyết tranh chấp hoàn toàn phụ thuộc vào Trung Quốc. Mục tiêu và lợi ích của chúng tôi ở Biển Đông là bảo đảm tự do hàng hải, hàng không và duy trì các nguyên tắc và luật pháp quốc tế bởi chúng ta đều được hưởng lợi, bao gồm cả Trung Quốc.” Về phần mình, Thủ tướng Shinzo Abe nêu nguyên tắc gồm 3 hướng để giải quyết các tranh chấp: (i) các bên đưa ra yêu sách dựa trên luật pháp quốc tế; (ii) không hăm dọa nước khác bằng vũ lực hoặc đơn phương thay đổi nguyên trạng; (iii) giải quyết hòa bình tranh chấp, phù hợp luật pháp quốc tế.

Thủ tướng Anh kêu gọi Trung Quốc tuân thủ phán quyết của Tòa. Phát biểu trước báo giới hôm 25/5 khi đến Nhật Bản tham dự Hội nghị G7, Thủ tướng Anh David Cameron cho hay Anh có lợi ích trong việc các nước tuân thủ luật pháp quốc tế, “Chúng tôi muốn khuyến khích Trung Quốc trở thành một phần của thế giới dựa trên luật pháp. Chúng tôi muốn khuyến khích tất cả các bên cần tuân th những phán quyết. Bởi chúng ta đang ở Nhật Bản, tình hình khu vực cũng sẽ là một trọng tâm của Hội nghị Thượng đỉnh G7 lần này”.

Tổng Thư ký LHQ kêu gọi các nước châu Á giải quyết tranh chấp lãnh thổ. Phát biểu tại một diễn đàn được tổ chức trên đảo Jeju, miền Nam Hàn Quốc hôm 26/5, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon cho rằng các nước châu Á cần giải quyết các bất đồng đã tồn tại lâu nay và hiện là lúc để các bên đạt được các thỏa thuận về tranh chấp biên giới. Theo ông Ban Ki-moon, phải vượt lên trên những cách diễn giải mâu thuẫn về lịch sử bằng giải quyết dứt điểm vấn đề lịch sử, các nước châu Á mới có thể hướng tới tương lai. Tổng Thư ký Liên hợp quốc cũng nêu vấn đề tranh chấp ở Biển Đông, đồng thời nhấn mạnh rằng lâu nay ông vẫn kêu gọi một thỏa thuận giữa các nước Đông Nam Á và Trung Quốc để giải quyết những tranh chấp này.

Mỹ - Trung tranh cãi về vụ chạm trán máy bay ở Biển Đông. Về việc hai chiếc J-11 của Trung Quốc bay áp sát máy bay EP-3 của Mỹ hôm 17/5 ở phía đông đảo Hải Nam, Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Mỹ Bill Urban hôm 26/5 cho hay: “Đây được đánh giá là hành vi không an toàn, xét theo Bản Ghi nhớ với Trung Quốc và tiêu chuẩn của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế ICAO. Vụ việc diễn ra khi máy bay Mỹ đang tiến hành hoạt động tuần tra thông thường.” Trong khi đó, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc Dương Vũ Quân hôm 26/5 tuyên bố, máy bay Trung Quốc hành động hoàn toàn chuyên nghiệp và phù hợp với thỏa thuận giữa hai nước về kiểm soát các vụ đụng độ trên không. Ông Dương cũng thúc giục Mỹ ngừng các chuyến bay do thám cự ly gần như vậy.

G7 nhấn mạnh cần giải quyết hòa bình tranh chấp ở Biển Đông. Tuyên bố chung của hội nghị các nhà lãnh đạo Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) hôm 27/5 nhấn mạnh: “Chúng tôi tái khẳng định tầm quan trọng của việc các nước làm rõ yêu sách của mình phù hợp với luật pháp quốc tế, kiềm chế hành động đơn phương có thể làm gia tăng căng thẳng, không sử dụng vũ lực hoặc hăm dọa để thúc đẩy các yêu sách, giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, bao gồm cả hình thức phân xử trọng tài. Chúng tôi bày tỏ quan ngại về tình hình ở Biển Đông và Hoa Đông, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc quản lý và giải quyết hòa bình tranh chấp.”

Phân tích và đánh giá

Úc và Ấn Độ : cách nhìn khác biệt đối với Ấn độ - Thái Bình Dương” của Darshana Baruah

Các mối quan hệ về lĩnh vực biển giữa Ấn Độ và Úc ngày càng phát triển kể từ khi hai bên ký  Hiệp định Khung về hợp tác an ninh Úc- Ấn độ vào năm 2014. Nền tảng Hiệp định và chính sách đã được thiết lập, nhưng sẽ xảy ra những gì tiếp theo?

Liên quan đến Ấn Độ, lợi ích của Úc là cần hiểu biết những gì New Delhi sẽ làm khi Trung Quốc tiếp tục gây hấn trên Biển Đông. Làm thế nào Ấn Độ sẽ cân bằng sự trỗi dậy của Trung Quốc và khi nào Ấn Độ sẽ có trách nhiệm trong khu vực?

Tuy nhiên, hai nước đang xem xét cùng một vấn đề thông qua lăng kính khác nhau. Ấn Độ tất nhiên lo ngại về sự gia tăng và sự hiện diện của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương, và muốn đóng một vai trò, nhưng Ấn Độ không muốn tỏ quan điểm chống lại Trung Quốc và cũng không muốn mọi cách tiếp cận của mình đều phản ứng đối với mỗi một hành động của Trung Quốc trong khu vực. Cách tiếp cận mới của Ấn Độ đối với an ninh biển là sự phản ánh của môi trường an ninh đang thay đổi và Ấn Độ cần bước ra khỏi sự cô lập. Cách tiếp cận này được Úc đánh giá là Ấn Độ sẽ có trách nhiệm hơn với khu vực nhưng cách nhìn chiến lược của mỗi nước là khác nhau.

Ấn Độ sẽ làm những gì cho là cần thiết bao gồm việc phối hợp với các lực lượng hải quân trong khu vực và xây dựng một mạng lưới bạn bè và đối tác. Những gì Ấn Độ không xem là cần thiết là đáp ứng kỳ vọng của các nước khác về những gì gọi là trách nhiệm với khu vực. New Delhi đã mở rộng sự hợp tác và sự hiện diện của mình tại khu vực. Ngay cả khi Ấn độ không đưa ra một tuyên bố về Biển Đông, mối quan hệ chiến lược với các nước như Việt Nam và Philippines vẫn tiếp tục phát triển. Ở Ấn Độ Dương, Ấn Độ tự coi mình đóng vai trò nổi bật và đang hợp tác với một loạt các quốc gia.

Từ quan điểm của Ấn Độ, Ấn Độ đã làm được nhiều điều cần thiết hơn trước. Tuy nhiên, các quốc gia không thể che giấu sự thất vọng đối với vai trò của Ấn Độ trong khu vực. Từ quan điểm của New Delhi, hợp tác với Úc vẫn là một chuyện phức tạp. Mỗi lần Ấn Độ hợp tác với Úc cần phải tính đến yếu tố Washington. Mặc dù mối quan hệ của Ấn Độ với Mỹ đã được cải thiện rõ rệt, New Delhi vẫn quen hợp tác song phương và không liên minh. Úc không thể hiểu tại sao Ấn Độ xem xét liên minh với Mỹ là tiêu cực và Ấn Độ không thể hiểu tại sao Úc không tính đến liên minh với Mỹ sẽ có tiềm năng ảnh hưởng tới các quan hệ song phương khác. Mặc dù hai nước là những nền dân chủ lớn tại Ấn độ dương và chia sẻ giá trị chung, sự khác biệt một phần do quan điểm, nhận thức mối đe dọa và các ưu tiên trong lĩnh vực biển.

Ấn Độ chỉ mới bắt đầu tham gia với khu vực và sẵn sàng làm nhiều hơn nữa. Trước khi Úc có thể bắt đầu đặt câu hỏi về trách nhiệm của Ấn Độ trong khu vực, Úc cần làm nhiều hơn để tăng cường sự tin tưởng ở cấp độ song phương, cần phải có đủ thông tin, đối thoại và hiểu biết trước khi hai nước có thể đạt được một sự đồng thuận về cách đối phó với những thách thức trong khu vực.

EDCA và việc tăng cường sức mạnh không quân Mỹ ở Biển Đông” của Renato Cruz de Castro

Ngày 19/4, bốn chiếc A-10C Warthog đã bay từ căn cứ Clark Air Field tới gần bãi cạn Scarborough. Chuyến bay này đã gửi đi một thông điệp cho Trung Quốc rằng Mỹ chấp nhận rủi ro leo thang căng thẳng quân sự để ngăn chặn hoạt động cải tạo của Trung Quốc tại thực thể này.

Thực thi Thỏa thuận hợp tác Quốc phòng tăng cường (EDCA)

Mục tiêu chính của EDCA là tăng cường sự hỗ trợ của Mỹ đối với chương trình hiện đại hóa Lực lượng Vũ trang Philippines (AFP) thông qua việc thiết lập sự hiện diện của Mỹ tại năm căn cứ của Philippines. Đối với Mỹ, viêc tiếp cận này sẽ cho phép Mỹ triển khai được nhiều khí tài và binh lính hơn, phù hợp với chiến lược tái cân bằng. Điều này sẽ cho phép Không quân và không quân của Lính thủy đánh bộ Mỹ triển khai một phiên bản thời Chiến tranh Lạnh: mô hình “cờ Ca rô”, do đó các mô hình không quân chiến thuật của Mỹ sẽ được triển khai và huấn luyện tại Châu Á. Việc thực hiện EDCA sẽ hỗ trợ AFP nâng cao năng lực không quân của Philippines. Phi công của không quân Philippines (PAF) sẽ được huấn luyện cùng phi công Mỹ tại bốn căn cứ không quân của mình. PAF cũng có thể được sử dụng trang thiết bị mà Mỹ đã xây dựng và phát triển tại đây. Cuối cùng, việc thực hiện EDCA sẽ liên quan chặt chẽ tới việc thực hiện Sáng kiến An ninh biển Châu Á, một sáng kiến mà Mỹ dự định sẽ chi tới 425 triệu USD trong 5 năm tới để thúc đẩy năng lực cho các quốc gia Đông Nam Á.

Khóa chặt con Rồng

Một khi lực lượng Mỹ được triển khai tại 5 căn cứ ở Philippines, điều này sẽ có những tác động lớn về mặt chiến lược ở Biển Đông. Mỹ sẽ sử dụng các căn cứ trải rộng khắp Philippines để đáp trả chiến lược chống tiếp cận của Trung Quốc. Việc sử dụng các sân bay sẽ tăng cường hoạt động triển khai nhanh các trang thiết bị từ căn cứ tại đảo Guam, Haiwaii, Úc và các nơi khác trong trường hợp nổ ra xung đột ở Biển Đông.

Hồi sinh hình thái ngăn chặn của Mỹ

Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, khí tài của Mỹ ở Philippines có thể giúp Mỹ duy trì sự hiện diện chiến lược ở Biển Đông để duy trì lợi ích tự do hàng hải, thể hiện vai trò là bên cân bằng từ xa ở Đông Á. Tuy nhiên từ năm 1992, việc Mỹ rút lực lượng của mình ở Philippines dẫn đến việc từ bỏ sự hiện diện ở Biển Đông. Nhưng với hoạt động bành trướng của Trung Quốc, đạt thỏa thuận EDCA sẽ trở thành điểm then chốt không chỉ khởi động mối quan hệ liên minh thông qua việc tăng cường huấn luyện và tương tác, mà nó còn giúp hồi sinh lại hình thái răn đe của Mỹ ở Biển Đông.

Nhiệm kỳ của ông Duterte: sự thay đổi mối quan hệ Phi - Trung?” của Rommel C. Banlaoi

Sự cầm quyền của tổng thống mới Philippines Duterte hứa hẹn sẽ có tác động tới tranh chấp Biển Đông với Trung Quốc. Liệu ông sẽ thay đổi lập trường với Trung Quốc hay sẽ cứng rắn như đã thể hiện trong chiến dịch tranh cử?

Thời gian tới, có vẻ như ông Duterte sẽ theo đuổi sự thay đổi thực dụng trong quan hệ với Trung Quốc: nối lại đàm phán song phương. Nếu điều này xảy ra, ông Duterte hứa hẹn sẽ nổi lên trở thành người thay đổi mối quan hệ với Trung Quốc.

Thay đổi thái độ với Trung Quốc?

Tổng thống Duterte có thể mở ra nhiều cơ hội cải thiện mối quan hệ chính trị với Trung Quốc, tuy nhiên ông cần phải nhận thực được hai thách thức lớn có thể ảnh hưởng đến mục tiêu đó:

Đầu tiên là kết quả từ phán quyết của Tòa trọng tài (PCA). Ông Duterte có thể sử dụng kết quả này để làm đòn bẩy chính trị trong việc nối lại đàm phán song phương với Trung Quốc nhưng khả năng cao là ông sẽ không sử dụng điều đó vì Trung Quốc không muốn ông dùng cách thức này để nối lại đàm phán song phương về tranh chấp Biển Đông. Để xây dựng lòng tin, có thể ông Duterte sẽ không sử dụng phán quyết và gạt sang một bên để nỗ lực nối lại mối quan hệ. Tuy nhiên ông sẽ không có cách nào để rút lại phán quyết bởi những tác động từ trong nước và quốc tế. Về mặt trong nước, phán quyết không chỉ được công nhận bởi công chúng mà nó còn liên quan đến tổng thống trước đó, chủ tịch thượng viện, người phát ngôn, tòa án và bộ ngoại giao. Về mặt quốc tế, vụ kiện có sự ủng hộ của đồng minh Mỹ cũng như các đối tác chiến lược khác. Nhưng nếu đàm phán song phương không đem lại kết quả, điều sẽ ảnh hưởng đến ngư dân Philippines, lúc đó ông Duterte có thể sử dụng phán quyết làm phương án dự phòng. Như vậy Trung Quốc cũng cần điều chỉnh lại hành vi của mình trong việc nối lại mối quan hệ với Philippines.

Thứ hai là việc thực thi EDCA với Mỹ. Chính quyền Duterte buộc phải thực thi EDCA mà Tòa án Tối cao Philippines đã tuyên bố. Ngoài ra, Philippines vẫn là đồng minh an ninh với Mỹ. Trong khi ông Duterte sẽ không đặt ra trở ngại cho việc thực thi EDCA, chính quyền của ông sẽ tránh quá nghiêng về Mỹ để ảnh hưởng đến mối quan hệ với Trung Quốc.

Cuối cùng, có thể ông Duterte sẽ theo đuổi chiến lược phòng ngừa: thúc đẩy mối quan hệ an ninh với Mỹ đồng thời gắn kết mối quan hệ chính trị và kinh tế với Trung Quốc. Chiến lược này cũng đang được các quốc gia Đông Nam Á khác thực hiện.

Thực tế về Hiệp ước đồng minh với Mỹ

Ông Duterte cần phải đối diện trực tiếp một thực tế rõ ràng rằng Philippines đang là đồng minh hiệp ước với Mỹ và thực tế đây là mối quan hệ đồng minh an ninh duy nhất của Philippines. Trừ khi ông từ bỏ mối quan hệ này, nếu không Mỹ vẫn sẽ là nhân tố chính trong chính sách đối ngoại của Philippines.

Trong khi theo đuổi mối quan hệ với Trung Quốc, chính quyền ông Duterte cũng cần phải tính đến những thuận lợi trong việc tiếp tục thúc đẩy mối quan hệ với Mỹ. Việc tăng cường mối quan hệ với Trung Quốc sẽ được thực hiện khi không ảnh hưởng đến mối quan hệ đồng minh với Mỹ. Làm vậy, ông Duterte có thể được lợi cả đôi đường trong việc thúc đẩy lợi ích quốc gia của mình.

Tại sao Trung Quốc muốn kiểm soát Biển Đông” của  Donald K. Emmerson

Tại Biển Đông hiện nay, trong 6 bên tham gia tranh chấp, không bên nào sánh được về quy mô và tốc độ tăng cường kiểm soát khu vực của Trung Quốc với một loạt cảng, đường băng, công trình, hệ thống radar, hệ thống tên lửa phòng không và trạm lính được xây dựng mới. Với các công trình này, Trung Quốc có khả năng sẽ công bố khu vực nhận diện phòng không tại Biển Đông. Các động thái mạnh mẽ này cho thấy một điều hiển nhiên, đó là Trung Quốc đang thể hiện rõ ý đồ muốn nắm trọn Biển Đông. Có thể thấy các nguyên nhân chính bao gồm:

Thứ nhất, Trung Quốc muốn ngăn chặn cánh cửa xâm lược vào đất liền, tức phải kiểm soát được Biển Đông. Nhìn lại lịch sử từ “thế kỷ xỉ nhục”, các cường quốc như Anh, Pháp, Mỹ đều tiến vào Trung Quốc qua Biển Đông. Ngăn chặn đường tấn công từ Biển Đông là điều tất yếu. Do đó, ngoài lý do bành trướng, việc Trung Quốc cấp tấp xây dựng năng lực phòng thủ ở Biển Đông là nhằm đi trước, tạo lợi thế nhằm răn đe nguy cơ bị xâm lược trong tương lai.

Thứ hai, mặc dù Trung Quốc biết Mỹ sẽ không tấn công quân sự Trung Quốc bằng đường biển, trên bộ hay trên không, tuy nhiên giữa Trung Quốc vẫn có cuộc chiến - đó là cuộc chiến giữa “kiểm tỏa” và “chống kiểm tỏa”. Nguy cơ xung đột quân sự Mỹ - Trung hiện là khá thấp khi Mỹ còn đang vướng bận tại Afghanistan và Trung Đông, một loạt chính khách Mỹ như Hillary Clinton, Bernie Sanders và Donald Trump đều tuyên bố phản đối hoặc không có ý định gây chiến tranh. Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn e ngại việc bị Mỹ kiểm soát và muốn phá vòng kiểm soát này thông qua kiểm soát Biển Đông.

Thứ ba, chính quyền Trung Quốc chịu sức ép từ trong nước. Trong nhiều năm qua, chính quyền Trung Quốc đã tuyên bố chủ quyền với hầu hết khu vực Biển Đông. Nếu không thực hiện được “lời hứa”, nguy cơ về sự trỗi dậy của phong trào dân tộc chủ nghĩa cực đoan có thể đe dọa sự tồn tại của chế độ.

Thứ tư, tham vọng trỗi dậy của Trung Quốc ngày càng lớn, với giấc mơ trở lại vị thế trung tâm ở Châu Á, tiến tới sánh ngang với Mỹ và cuối cùng là ở vị thế trung tâm của thế giới. Do đó, việc kiểm soát được vùng biển ngoài khơi, trước hết tại Biển Đông được coi là bước đi cần thiết, kết hợp với các sáng kiến của Trung Quốc như “Một vành đai, Một con đường”, Ngân hàng AIIB, Diễn đàn Hương Sơn đều tập trung thực hiện mục tiêu lâu dài này.

Bà Thái Anh Văn và lợi ích của Đài Loan ở Biển Đông” của Sheryn Lee

Chính quyền mới Đài Loan rõ ràng đang đối mặt với hai thách thức lớn về đối ngoại. Đầu tiên là sự thất vọng của Trung Quốc đối với bài phát biểu nhậm chức của bà Thái Anh Văn. Thứ hai là quan điểm của Đài Loan về phán quyết sắp tới của Tòa trọng tài (PCA) về vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc.

Vào tháng 4/2016, Hiệp hội Luật Quốc tế của Đài Loan đã gửi cho PCA bằng chứng để chứng minh Ba Bình là đảo và có vùng EEZ. Hai ngày trước lễ nhậm chức của bà Thái, Bộ Ngoại giao Đài Loan cảnh báo rằng nước này sẽ không chấp nhận phán quyết của PCA. Nhưng dù có lợi ích trong vấn đề Biển Đông nhưng việc can thiệp vào tiến trình của PCA sẽ phản tác dụng cả về lợi ích chiến lược và chính trị của Đài Loan. PCA sẽ đưa ra phán quyết về hai vấn đề. Đầu tiên là về việc các thực thế nào Trường Sa là bãi nửa chìm nửa nổi, đá hay đảo. Thứ hai phán quyết sẽ dẫn đến việc khẳng định giá trị pháp lý đường 9 đoạn.

Hiên Đài Loan đang chiếm đóng đảo Ba Bình, thực thể lớn nhất ở Trường Sa. Hiện trên Ba Bình có một sân bay đủ chiều dài cho máy bay cỡ lớn hoạt động. Đài Loan đang tăng cường quân sự và đầu tư kinh tế trên đảo này.

Có hai nhân tố chính để Đài Loan duy trì lợi ích tại đây. Đầu tiên, vị trí địa chiến lược hỗ trợ cho Đài Loan về tầm nhìn biển ở Biển Đông. Thứ hai, hòn đảo này rất quan trọng trong việc khẳng định vị thế của Đài Loan. Vị thế của Đài Loan hiện đang chịu áp lực từ Trung Quốc. Việc từ bỏ yêu sách đối với Đài Loan sẽ làm xói mòn vị thế này. Tuy nhiên, yêu sách của Đài Loan ở Biển Đông lại là con dao hai lưỡi. Dù Trung Quốc không chấp nhận phán của của PCA nhưng Trung Quốc vẫn ủng hộ bản đệ trình của Đài Loan. Lý do rất rõ ràng: Đài Loan phản đối Philippines cũng đồng nghĩa ủng hộ yêu sách của Trung Quốc, và một ngày nào đó khi Đài Loan trở về với Trung Quốc, yêu sách của Đài Loan sẽ thuộc về Trung Quốc.

Dù lãnh đạo của Đài Loan đã tuyên bố rõ ràng là yêu sách của Đài Loan đối với Ba Bình không hề có mối liên hệ với yêu sách của Trung Quốc, nhưng điều trớ trêu là bản đệ trình gửi PCA của Đoàn Loan lại đem lại lợi ích cho Trung Quốc và phá hỏng mục tiêu của chính quyền mới là tăng cường gắn kết ASEAN thông qua “chính sách hướng nam mới”. Ngoài ra, trong khi Đài Loan sẽ không từ bỏ yêu sách đối với Ba Bình, một phán quyết nghiên về Philippines sẽ củng cố thêm trật tự dựa trên luật pháp của khu vực mà Mỹ và đồng minh ủng hộ. Và như vậy bản đệ trình của Đài Loan sẽ lại phương hại trật tự đó. Tiến trình của PCA cũng sẽ gây áp lực lên Đài Loan về phương diện diễn giải pháp lý của Đài Loan đối với yêu sách Ba Bình, kéo theo yêu sách đường chữ U (của Đài Loan), một yêu sách củng cố cho yêu sách đường chín đoạn của Trung Quốc do bối cảnh lịch sử. Như vậy, cách tốt nhất để bảo vệ lợi ích biển của Đài Loan là hòn đảo này nên giữ im lặng./.