I. Động thái của các quốc gia

+ Trung Quốc:

Trung Quốc tuyên bố tiếp tục chạy thử tàu sân bay. Ngày 26/4, Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Cảnh Nhạn Sinh cho biết các lần chạy thử trước đây đã đạt được kết quả như mong muốn và sẽ có thêm các thử nghiệm nghiên cứu được tiến hành căn cứ theo những kế hoạch hiện có. Trước đó, truyền thông đưa tin tàu sân bay của Trung Quốc sẽ được đưa vào sử dụng trong năm nay, song ông Cảnh không bình luận gì về thông tin này.

Trung Quốc xây cầu tàu tại Hoàng Sa của Việt Nam. Cục Hải dương Quốc gia Trung Quốc cho biết đã phê chuẩn dự án xây một cầu tàu diện tích 3,3 km2 để làm căn cứ hậu cần cho ngư dân và đón khách du lịch thăm quần đảo Hoàng Sa. Thông báo cho hay các nhà đầu tư tư nhân sẽ đảm trách việc xây dựng cầu tàu này.

Hải Nam (Trung Quốc) xúc tiến du lịch Hoàng Sa. Bất chấp sự phản đối liên tục của Việt Nam, ngày 24/4 Phó Tỉnh trưởng tỉnh đảo Hải Nam Đàm Lực tuyên bố ông này dự kiến bắt đầu phát triển du lịch tại quần đảo Hoàng Sa trong năm nay. Ông Đàm không công bố chi tiết về kế hoạch nói trên nhưng cho biết là các cơ quan có liên hệ đang chuẩn bị để thực hiện đúng lịch trình đề ra.

Trung Quốc thử nghiệm thiết bị lặn sâu tại Biển Đông. Vào lúc 15h ngày 20/4, tàu “Hướng Dương Hồng 09” chở 72 nhân viên đã rời Thanh Đảo đi Biển Đông để tiến hành thử nghiệm thiết bị lặn sâu chở người “Giao long” ở độ sâu 7.000m. Thời gian thực hiện thử nghiệm dự kiến khoảng nửa tháng. [1]

Trung Quốc từ chối đưa tranh chấp bãi cạn Scarborough ra Tòa án Quốc tế. Hôm 23/4, Đại sứ quán Trung Quốc ở Manila tuyên bố, Trung Quốc không cùng Philippines đưa tranh chấp bãi cạn Scarborough ra Tòa án Quốc tế về Luật Biển (ITLOS) là quyết định cuối cùng, đồng thời kêu gọi Philippines giữ cam kết giải quyết sự việc qua tham vấn ngoại giao.

Trung Quốc phản đối quốc tế hóa vấn đề tranh chấp chủ quyền trên biển. Trong cuộc họp báo hôm 25/4, Người phát ngôn Bộ ngoại giao Trung Quốc Lưu Vi Dân một lần nữa lên tiếng khẳng định: "Chủ quyền đối với bãi Scarborough (Hoàng Nham), mọi hành vi làm to chuyện từ bãi Hoàng Nham đến biển Đông đều là vô lý, vô ích. Philippines không nên tiếp tục bất chấp sự thật mà đưa ra những phát biểu làm lạc hướng dư luận. Chúng tôi hy vọng Philippines và Trung Quốc cùng nỗ lực kiềm chế, giảm bớt căng thẳng. Quốc tế hóa vấn đề tranh chấp chủ quyền bãi Scarborough hay biển Đông chỉ làm vấn đề thêm phức tạp, làm lớn chuyện, không ích lợi gì cho việc giải quyết. Philippines không được lôi kéo các nước khác vào chuyện của quốc gia mình hoặc yêu cầu các nước lựa chọn bên này hay bên kia."

Trung Quốc rút 2 tàu khỏi khu vực tranh chấp với Philippines.Người phát ngôn sứ quán Trung Quốc tại Philippines Trương Hoa hôm 23/4 cho hay: “Hai tàu của Trung Quốc là tàu Ngư chính 310 và hải giám số 084 đã rời khu vực bãi cạn Scarborough vào hôm chủ nhật vừa qua. Hiện chỉ còn một tàu hải giám Trung Quốc ở vùng biển đảo Hoàng Nham để thực thi pháp luật”. Ông này nhấn mạnh: “Việc rút hai tàu chứng tỏ Trung Quốc không muốn leo thang căng thẳng như một số người nói, mà là muốn lắng dịu tình hình. Trung Quốc đã chuẩn bị giải quyết đụng độ thông qua "tham vấn ngoại giao hữu nghị".

Trung Quốc: Quân đội tham gia giải quyết các vấn đề trên biển. Tại cuộc họp báo của Bộ Quốc phòng Trung Quốc hôm 26/4, Phát ngôn viên của Bộ này Cảnh Nhạn Sinh tuyên bố rằng lực lượng vũ trang Trung Quốc sẽ hợp tác chặt chẽ cơ quan thủy sản và các cơ quan giám sát hàng hải để cùng nhau bảo vệ quyền lợi và lợi ích quốc gia trên biển. Ông này cũng lưu ý rằng lập trường của Trung Quốc về Biển Đông là nhất quán và rõ ràng, quân đội Trung Quốc có trách nhiệm bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia và bảo vệ quyền và lợi ích trên biển, trước sau như một kiên trì thực hiện sứ mệnh của mình dưới sự bố trí thống nhất của quốc gia.

Cần giải quyết hòa bình cuộc đối đầu tại bãi Scarborough.Ngày 25/4, Bộ trưởng quốc phòng Trung Quốc Lương Quang Liệt lần đầu tiên chính thức lên tiếng về vụ đối đầu căng thẳng tại bãi Scarborough giữa Trung Quốc và Philippines, “Hành động của quân đội căn cứ nhu cầu ngoại giao của quốc gia, hiện nay cơ quan ngoại giao và cơ quan hàng hải hữu quan của Trung Quốc đang xử lý vụ việc này; cần giải quyết cuộc đối đầu căng thẳng tại bãi Scarborough bằng biện pháp ngoại giao đồng thời hy vọng phía Mỹ sẽ giữ vai trò tích cực, có lợi cho phát triển ổn định và phồn vinh của khu vực Châu Á Thái Bình Dương”.

Tướng Trung Quốc kêu gọi “hành động dứt khoát” với Philippines. Thiếu tướng Trung Quốc Luo Yuan hôm 27/4 cho rằng, Trung Quốc không nên từ bỏ chính sách “chiến tranh bằng mọi giá” để bảo vệ quyền lợi và lợi ích của nước này ở Biển Đông. Thay vì rút 2 tàu khỏi bãi cạn Scarborough, "Trung Quốc đáng ra nên nắm bắt cơ hội tạo ra từ cuộc đụng độ này để củng cố chủ quyền ở đảo Huangyan (cách gọi của Trung Quốc đối với bãi cạn Scarborough) bằng cách cắm lá cờ Trung Quốc hoặc thiết lập một căn cứ quân sự hay một trung tâm đánh bắt cá ở đây”. Ông này tin rằng, Trung Quốc sẽ giành chiến thắng nếu có cuộc chiến tranh với Philippine liên quan đến tranh chấp ở Biển Đông, "Chính Philippine đã vi phạm chủ quyền Trung Quốc ở đảo Huangyan bằng cách đến kiểm tra tàu thuyền đánh bắt cá của Trung Quốc. Vì vậy, chúng ta cần phải hành động để đáp trả sự khiêu khích không cần thiết này.”

Đài Loan không liên minh với Bắc Kinh trong vấn đề biển Đông. Hôm 26/4, Bà Lại Hạnh Viên, Chủ tịch Ủy ban Đại lục đảo Đài Loan, khẳng định rõ "Đài Loan không hợp tác với đại lục giải quyết vấn đề tranh chấp chủ quyền. Quan điểm hiện tại (của nhà cầm quyền đảo Đài Loan) là gác lại tranh chấp chủ quyền và không đề cập đến nó"[2].

Cần sớm xây dựng căn cứ nghề cá ở đảo Hoàng Nham” của Thôi Kiến Văn. Trung Quốc cần phải hành động, nhanh chóng xây dựng căn cứ nghề cá ở đảo Hoàng Nham. Đảo Hoàng Nham nếu được xây dựng và cải tạo sẽ trở thành một cảng cá rất tốt, có thể đảm bảo dịch vụ, hậu cần cho phát triển nghề cá của Trung Quốc ở Biển Đông và nhằm tuyên bố chủ quyền. Cách làm này cũng có thể áp dụng ở quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Trong tình hình kinh tế Trung Quốc đang bị ảnh hưởng nặng nề do cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới, cần đẩy mạnh phát triển kinh tế biển, trong đó Biển Đông là khu vực có thể thực hiện chiến lược này tốt nhất.[3]

Báo Trung Quốc kêu gọi “sẵn sàng tấn công Philippines”. Bài bình luận trên tờ Thời báo Hoàn cầu ngày 21/4 cho rằng “Trung Quốc không chỉ bảo vệ đảo Hoàng Nham (cách Bắc Kinh gọi Scarborough) mà còn phải đối phó với thế lực bên ngoài muốn ngăn chặn sự trỗi dậy của Trung Quốc”. Theo đó “Trung Quốc cần sẵn sàng ứng chiến một cuộc xung đột quy mô nhỏ trên biển với Philippines. Trung Quốc phải hành động cương quyết và đưa ra thông điệp rõ rằng Bắc Kinh dù không muốn nhưng chẳng sợ tiếng súng”.

“Không cần sợ Mỹ trên Biển Đông.” Sức ép lớn nhất mà Trung Quốc phải đối mặt ở Biển Đông đến từ Washington vốn đang giành được sự ủng hộ từ phía Manila và Hà Nội. Tuy nhiên, Mỹ không có cơ sở pháp lý để can thiệp vào các tranh chấp giữa Manila và Hà Nội với Trung Quốc. Trung Quốc không chấp nhận bất cứ đề xuất chính trị nào có liên quan đến Biển Đông mà có sự tham dự của Washington cũng như bất cứ vai trò trung gian nào mà Washington tìm kiếm giữa Trung Quốc các bên tranh chấp khác ở Biển Đông. Trong các cuộc tranh chấp với Philippines và Việt Nam, Trung Quốc nên ưu tiên đàm phán trong khi vẫn chuẩn bị sẵn sàng cho các cuộc xung đột quân sự có khả năng xảy ra, kể cả khả năng có sự can thiệp của Washington.

+ Việt Nam:

Việt Nam yêu cầu Trung Quốc hủy bỏ ngay “Quy hoạch bảo vệ hải đảo toàn quốc” giai đoạn 2011-2020. Ngày 24-4, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lương Thanh Nghị tuyên bố: “Việc Cục Hải dương Quốc gia Trung Quốc công bố thực thi bản “Quy hoạch bảo vệ hải đảo toàn quốc” là vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo này, vi phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia của Việt Nam trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam, vi phạm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982, trái với tinh thần Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC). Trung Quốc phải hủy bỏ ngay bản quy hoạch nêu trên, nghiêm túc tuân thủ DOC, không có thêm hành động làm phức tạp tình hình ở Biển Đông.”

Việt Nam lo ngại tranh chấp bãi cạn Scarborough. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lương Thanh Nghị hôm 25/4 tuyên bố "Chúng tôi cho rằng các các bên liên quan cần kiềm chế, giải quyết hòa bình các tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 và tinh thần Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) nhằm duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải ở Biển Đông và khu vực.”

+ Phi-líp-pin:

Philippines cảnh báo các nước láng giềng về hành động của Trung Quốc. Tổng thống Philippines Benigno Aquino ngày 23/4 đã lên tiếng cảnh báo các nước láng giềng nên quan ngại về hành động gây hấn ngày càng tăng của Bắc Kinh trong các tranh chấp trên Biển Đông. "Thực tế họ đã tuyên bố chủ quyền với gần như toàn bộ vùng biển này. Nhìn vào những gì còn lại và những gì họ tuyên bố, làm thế nào mà những người khác không thấy "sợ" cho được?" - ông Aquino nói với các phóng viên và đồng thời chỉ vào bản đồ khu vực.

Ngoại trưởng Philippines: Trung Quốc là mối đe dọa đối với  các quốc gia khác. Ngoại trưởng Albert Del Rosario hôm 23/4 nói rằng tranh chấp bãi cạn Scarborough hiện nay là một cách thức để Trung Quốc có thể gửi đi một thông điệp, “Tôi nghĩ rằng các quốc gia khác nên quan tâm đến những gì đang diễn ra. Khi Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền với hầu hết mọi thứ ở Biển Đông, thì thông điệp là nước này "có thể đặt ra luật chơi cho bất kỳ bên nào".

Philippines cảnh báo Trung Quốc đe dọa tự do hàng hải.Hôm 23/4 Manila lên tiếng rằng, các tuyên bố chủ quyền rộng lớn mà Trung Quốc đưa ra ở Biển Đông rốt cuộc có thể đe dọa tự do hàng hải ở khu vực nhộn nhịp nhất thế giới. Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines: “Các tuyên bố lãnh thổ đầy tham vọng của Trung Quốc đã khiến Biển Đông thêm căng thẳng. Hành động gây hấn của Trung Quốc ở bãi đá ngầm Scarborough, bao gồm cả yêu cầu tàu Philippines rút lui và điều động máy bay ra vùng đụng độ - cho thấy họ có thể làm điều tương tự với những phần còn lại của Biển Đông.

Philippines tham vấn Mỹ về tranh chấp với Trung Quốc. Manila hôm 23/4 cho hay sẽ chính thức bày tỏ quan ngại với Mỹ về tranh chấp lãnh thổ ngày một căng thẳng với Trung Quốc. Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Raul Hernandez, Philippines dự kiến nhờ Mỹ tư vấn trong các cuộc gặp cấp cao giữa hai nước diễn ra tại Washington tuần tới, "Có lẽ Mỹ cần được biết những gì đang xảy ra trong vấn đề bãi đá Scarborough, những diễn biến tại đây tạo ra mối đe dọa tiềm tàng không chỉ cho Philippines mà cả các nước khác muốn sử dụng nó vì mục đích hàng hải hoặc hoạt động thương mại không bị cản trở.”

Trang web Chính phủ Philippines bị tấn công. Ngày 23/4, Philippines cáo buộc các tin tặc được cho là từ Trung Quốc đã tấn công ba trang web của Văn phòng Tổng thống Benigno Aquino. Văn phòng tổng thống Philippines cho biết các tin tặc đã đánh sập trang công báo chính thức của chính phủ www.gov.ph và hai website khác (là www.pcdspo.gov.ph, www.malacanang.gov.ph). Theo tuyên bố trên, thông tin thu thập được từ phân tích dữ liệu cho thấy vụ tấn công này có nguồn gốc từ các địa chỉ IP được đăng ký ở Trung Quốc. Cũng trong diễn biến trên, tờ GMA (Philippines) cho hay các tin tặc Philippines ngày 22.4 đã thay đổi trang chủ và đánh sập các website Trung Quốc bao gồm: website Trường đại học Truyền thông Trung Quốc, website Hội Thanh niên Trung Quốc, một website khác của chính phủ

Philippines dự định khai thác khí đốt trên Biển Đông. Philippines ngày 24/4 cho biết nước này hy vọng đảm bảo tương lai năng lượng của mình qua việc khai thác một mỏ khí thiên nhiên tại một khu vực ở Biển Đông mà Trung Quốc cũng đòi chủ quyền. Bộ trưởng Năng lượng Philippines Rene Almendras bày tỏ lạc quan rằng bãi Cỏ Rong (Reed Bank), nằm cách đảo Palawan của nước này khoảng 148 km, sẽ có trữ lượng lớn khí tự nhiên. Mỏ khí tiềm năng này nằm gần Malampaya, hiện là mỏ khí đốt lớn nhất của Philippines và do tập đoàn Royal Dutch Shell của Hà Lan vận hành khai thác.

Philippines muốn ASEAN can thiệp tranh chấp biển. Ngày 26/4, Philippines đã kêu gọi các nước thành viên ASEAN can thiệp vào vụ tranh chấp giữa nước này với Trung Quốc xung quanh Bãi cạn Scarborough. Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario khẳng định hành động gần đây của Trung Quốc ở Scarborough là vi phạm Tuyên bố chung về quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) mà Trung Quốc ký với ASEAN năm 2002. Ông Rosario nhấn mạnh rằng Trung Quốc vi phạm DOC do đã ngăn cản Philippines thực thi pháp luật của mình trong phạm vi vùng đặc quyền kinh tế và "ASEAN cần lưu ý đến điều đó."

Manila cáo buộc Bắc Kinh tiến hành chiến thuật "hăm dọa".Philippines hôm 28/4 đã tố cáo tàu của Trung Quốc lao qua hai tàu tuần tra bờ biển của Philippines với tốc độ hơn 20 hải lý (khoảng 37 km/giờ), gây nên một con sóng cao làm ảnh hưởng tới các tàu của Philippines. Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines Raul Hernandez: “Không ai bị thương nhưng những hành động như thế này của tàu Trung Quốc cho thấy mối đe dọa đối với các tàu của Philippines. Các tàu của chúng tôi không phản ứng trước sự hăm dọa.”

Aquino: Đụng độ thì Philippines lẫn Trung Quốc đều thiệt.Ngày 29/4, Philippines tìm cách giảm nhẹ căng thẳng đang âm ỉ với Trung Quốc bằng cách tuyên bố Bắc Kinh không thể dùng đến biện pháp quân sự để giải quyết tranh chấp ở Biển Đông. Tổng thống Benigno Aquino bác bỏ những cảnh báo gần đây của quan chức Trung Quốc về một hành động quyết định đối với Philippines để củng cố tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh đối với bãi cạn Scarborough, “Chúng tôi không nghĩ rằng ở giai đoạn này họ (Trung Quốc) sẽ can dự vào bất kỳ hành động quân sự nào”. Ông Aquino cũng cho biết đã chỉ thị cho quân đội "không được làm vấn đề leo thang."

+ Mỹ:

Mỹ tái khẳng định giá trị Hiệp ước phòng thủ chung với Philippines. Phát biểu với ký giả hôm 22/4, Trung tướng Duane Thiessen, tư lệnh lực lượng Thủy quân lục chiến Mỹ khu vực Thái Bình Dương nhắc lại rằng Philippines và Hoa Kỳ được gắn kết với nhau bằng thỏa thuận quân sự. Khi được hỏi là liệu Hoa Kỳ có hỗ trợ Philippines hay không nếu các lực lượng vũ trang Trung Quốc tấn công các đơn vị Philippines vì tranh chấp trên bãi ngầm Scarborough, tướng Thiessen trả lời: “Hoa Kỳ và Philippines có một Hiệp ước Phòng thủ Hỗ tương đảm bảo việc chúng tôi phải quan tâm đến các vấn đề quốc phòng của nhau và điều đó tự nó mang đầy đủ ý nghĩa rồi.”

Mỹ sẽ tái bố trí lại lực lượng quân đội Mỹ tại Châu Á. Theo kế hoạch được cho là hai chính phủ Mỹ và Nhật đã đồng ý, khoảng 9.000 trong số 19.000 lính thủy đánh bộ Mỹ đang đóng tại Okinawa sẽ được chuyển đến căn cứ ở Guam và các địa điểm khác trong khu vực, bao gồm cả Australia và Haoai. Việc bố trí lại lực lượng quân đội Mỹ đến các căn cứ mới có khả năng để nhằm đối phó với tiềm lực quân sự không ngừng gia tăng của Trung Quốc.

Mỹ kêu gọi giải quyết tranh chấp qua đối thoại.Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland cho biết Mỹ mong muốn vấn đề tranh chấp bãi cạn Scarborough phải được giải quyết thông qua đối thoại và các phương thức đồng thuận. Bà Nuland cũng cho hay trong mọi cuộc gặp gần đây với các quan chức ngoại giao Trung Quốc, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đều nhấn mạnh các vấn đề liên quan đến ASEAN phải được giải quyết một cách hòa bình và kiềm chế.

+ Xinh-ga-po:

Singapore chia sẻ quan điểm của Việt Nam về Biển Đông. Đồng thời cũng nhất trí tiếp tục phối hợp lập trường, duy trì đoàn kết ASEAN trong vấn đề này để cùng đảm bảo an ninh, an toàn và tự do hàng hải tại Biển Đông, trên cơ sở tuân thủ luật pháp quốc tế, Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 và Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC); sớm xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).

+ Ma-lai-xi-a:

Malaysia bắt ngư dân Việt Nam. Cơ quan chấp hành luật hải dương Malaysia ở cảng Tok Bali hôm 22/4 đã bắt 3 chiếc tàu với 32 ngư dân Việt Nam về tội danh đánh cá bất hợp pháp trong hải phận Malaysia. Một viên chức của lực lượng này nói rằng tất cả những ngư dân Việt Nam, tuổi từ 20 đến 61, đã bị câu lưu để điều tra.

+ Ấn Độ:

Công ty Ấn Độ xúc tiến thăm dò dầu trên Biển Đông. Công ty dầu mỏ ONGC của Ấn Độ sẽ cùng với một công ty dầu mỏ Việt Nam xúc tiến thăm dò dầu mỏ tại Biển Đông. Theo Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của ONGC, ông Sudhir Vasudeva: "Không có gì sai trong việc này. ONGC-Videsh giành quyền thăm dò này thông qua một cuộc đấu thầu quốc tế và chúng tôi sẽ xúc tiến công việc thăm dò cùng với một công ty dầu mỏ Việt Nam. Nếu có bất kỳ tranh chấp lãnh thổ nào giữa Việt Nam và Trung Quốc thì họ phải giải quyết vấn đề của họ. Đối với chúng tôi chỉ đơn thuần là hoạt động thương mại."

II. Quan hệ các nước

Việt -Anh tăng cường quan hệ đối tác chiến lược.Sáng 25/4, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã hội đàm với Bộ trưởng Ngoại giao Anh William Hague đang ở thăm Việt Nam. Liên quan đến vấn đề Biển Đông, hai Bộ trưởng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo đảm an ninh tự do và an toàn hàng hải quốc tế trên Biển Đông và việc giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế. Hai bên nhất trí tăng cường hơn nữa sự hợp tác và phối hợp, góp phần tích cực vào việc thúc đẩy quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và Vương quốc Anh.

Việt Nam và Trung Quốc tuần tra chung trên Vịnh Bắc Bộ. Năm 2012, Việt Nam và Trung Quốc tổ chức phối hợp tuần tra liên hợp nghề cá Vịnh Bắc Bộ lần thứ 7. Đúng 8 giờ sáng ngày 24/4, biên đội tàu của CSB Việt Nam mang số hiệu 2007 và 2008 cùng hai tàu mang số hiệu 301 và 46013 của Tổng đội Ngư chính khu Nam Hải thiết lập đội hình tại điểm 21 của đường phân định Vịnh Bắc Bộ (phía Đông đảo Cồn Cỏ), thực hiện nhiệm vụ tuần tra liên hợp trong vùng đánh cá chung tại khu vực Vịnh Bắc Bộ.

Chiến hạm Trung Quốc thăm Việt Nam.Hôm 23/4, Tàu huấn luyện Trịnh Hòa của hải quân Trung Quốc do Thiếu tướng Liêu Thế Ninh, Phó Tham mưu trưởng Hải Quân Trung Quốc, dẫn đầu đã ghé cảng Sài Gòn để thực hiện chuyến viếng thăm Việt Nam trong 3 ngày. Trên tàu chở 308 thủy thủ, trong đó có 110 sinh viên sĩ quan của Trường Võ bị Hải quân Đại Liên.

Ba tàu Hải quân Hoa Kỳ thăm Việt Nam. Sáng 23/4, 3 tàu thuộc Hạm đội 7, Hải quân Hoa Kỳ gồm USS Blue Ridge (LLC-19), USS Chafee (DDG-90) và USNS Safeguard (T-ARS-50) cùng 1891 sĩ quan và thủy thủ đã cập cảng Tiên Sa, mở đầu chuyến thăm hữu nghị thành phố Đà Nẵng đến ngày 27/4. Theo chương trình, sĩ quan và thủy thủ tàu Hoa Kỳ sẽ tham gia trao đổi với Hải quân nhân dân Việt Nam chuyên môn về y học dưới nước, y học lặn và buồng cao áp trên tàu USNS Safeguard; trao đổi kinh nghiệm về tìm kiếm cứu hộ cứu nạn trên biển trên tàu USS Chafee.

Biển Đông 'nóng' tại hội nghị quốc phòng ASEAN. Thứ trưởng Quốc phòng, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự ADSOM+ tại Siemriep, cùng đoàn đại biểu của 10 nước ASEAN và 8 nước đối tác là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Ấn Độ, New Zealand, Nga và Mỹ. Vấn đề an ninh biển, trong đó có Biển Đông, được hầu như tất cả các đoàn dự hội nghị đề cập tới. Các đại biểu đã nhấn mạnh tầm quan trọng của an toàn và tự do hàng hải, nhất trí cần giải quyết hòa bình các vấn đề trên Biển Đông theo luật pháp quốc tế, cụ thể là Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS 1982), cũng như các cam kết khu vực mà các nước ASEAN và các nước đối tác đã cùng nhau ký kết.

Philippines và Mỹ tập tái chiếm giàn khoan dầu khí. Kịch bản được nhắc lại hôm 19/4 và thực hiện ngày 20/4 tại hai giàn khoan đang hoạt động ở mỏ khí đốt Malampaya nằm ngoài khơi bờ biển phía Bắc đảo Palawan. Phó đề đốc Alexander Lopez, chỉ huy lực lượng Philippines được giao nhiệm vụ bảo vệ mỏ khí đốt nói trên, khẳng định cuộc diễn tập giành lại giàn khoan là thích đáng khi xét đến những hành động hung hăng của Trung Quốc trong vùng Biển Đông tranh chấp.

III. Phân tích và đánh giá

Biển Đông - Sân chơi của các siêu cường trong tương lai của Kor Kian Beng. Trung Quốc đã thất bại trong nỗ lực ngăn cản các siêu cường trên thế giới nhòm ngó đến vùng Biển Đông, nơi Bắc Kinh đã xem là “sân sau” của riêng mình. Mỹ đã tăng cường sự hiện diện qua đợt tập trận chung trên biển với Philíppin và qua đợt giao lưu với hải quân Việt Nam. Đầu tháng này, tập đoàn dầu khí của Nga là Gazprom đã ký kết thỏa thuận với Việt Nam để khai thác dầu khí ở vùng đặc quyền kinh tế tại Biển Đông. Năm ngoái, Việt Nam cũng đã ký kết một thỏa thuận tương tự với Ấn Độ. Còn Nhật Bản luôn hiện diện trong vùng qua các chương trình đầu tư vào hạ tầng cơ sở với các nước thuộc Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Do vậy, theo giới quan sát, trong tương lai không xa Biển Đông sẽ trở thành “sân chơi” của các nước lớn, thậm chí có một số người còn lo ngại vùng biển này sẽ trở thành một “khu vực có tranh chấp”.

“Tình trạng phối hợp kém và thiếu nhất quán giữa các cơ quan chuyên trách về hải dương của Trung Quốc đã làm dấy lên những căng thẳng ở Biển Đông.” Đây là nhận định trong Báo cáo mới nhất của Tổ chức International Crisis Group (ICG). Trung Quốc hiện có tối thiểu 11 cơ quan cấp bộ và năm cơ quan thực thi pháp luật trực thuộc 11 cơ quan nêu trên đang tham gia công tác quản lý Biển Đông. Trong đó, một số cơ quan đua nhau tranh giành miếng bánh ngân sách lớn hơn, còn một số cơ quan khác (chủ yếu các chính quyền địa phương) vì muốn phát triển kinh tế, nên đã mở rộng hoạt động qua những vùng biển đang tranh chấp. Bản chất của việc làm này xuất phát từ động cơ quốc gia, nhưng tác động của nó ngày càng mang tính quốc tế. Nguy cơ xung đột giữa Trung Quốc và các nước láng giềng có thể nổ ra từ số lượng đang tăng lên của các tàu thuộc những cơ quan thực thi pháp luật và các tàu bán quân sự ngày càng tự động tung hoành trong các vùng biển có tranh chấp mà không tuân theo một khuôn khổ pháp lý nào rõ ràng.

“Quan điểm sai lệch của Trung Quốc về lịch sử Biển Đông.”Trung Quốc tuyên bố đã “phát hiện” hòn đảo nằm trong lãnh thổ của họ và thực hiện quyền kiểm soát nó. Cơ sở cho sự tuyên bố này chỉ đơn giản là một bản đồ có niên đại từ thời Trung Quốc nằm trong tay của một triều đại nước ngoài – thời Hốt Tất Liệt người Mông Cổ. Thậm chí Trung Quốc còn kỳ quặc hơn so với hành động của những người đi biển người Anh trong thế kỷ 19, đi khắp thế giới cắm cờ Anh và tuyên bố đó là vùng đất của họ. Trường hợp Scarborough, không có cắm cờ và thiết lập một khu định cư vĩnh viễn. Thật ra đây là nơi không thể sinh sống được và do đó không đủ điều kiện để trở thành một hòn đảo, điều kiện để đòi chủ quyền ở vùng biển xung quanh nó. Vấn đề bãi cạn Scarborough cho thấy chủ nghĩa bành trướng của Trung Quốc rõ ràng như thế nào. Đã đến lúc Malaysia và Indonesia thể hiện một số dũng khí và lập trường cùng với Philippines và Việt Nam, những nước đứng đầu chiến tuyến trong cuộc chiến Malay chống lại bá quyền Đại Hán.

“Quan hệ Mỹ-Trung trong bối cảnh thay đổi quyền lực tại Trung Quốc” của Stapleton Roy. Nếu Tổng thống Barack Obama tái đắc cử mùa thu tới, quan hệ giữa ông và ông Tập Cận Bình sẽ là một nhân tố quan trọng cho biết các quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ phát triển như thế nào. Trừ phi Trung Quốc và Mỹ có thể tìm cách ngăn chặn sự trượt dốc vào tình huống đối địch chiến lược, nếu không căng thẳng sẽ leo thang. Việc Mỹ gần đây dành sự chú ý nhiều hơn tới khu vực Đông Á, đặc biệt là Đông Nam Á, là một phần của một chính sách chặt chẽ của Mỹ tại Đông Á nhằm tìm cách không chỉ kiềm chế Trung Quốc mà còn gây dựng lại niềm tin trong khu vực. Không có gì đáng ngạc nhiên khi sự xáo trộn này trong hoạt động của Mỹ khiến không ít người ở Trung Quốc cho rằng Mỹ đang thách thức Trung Quốc ngay tại sân sau của nước này. Trong bối cảnh này, Trung Quốc và Mỹ sẽ không thể giảm bớt sự hồ nghi chiến lược, trừ phi và cho tới khi nào họ chuẩn bị để đối phó với câu hỏi chính: Liệu có cách triển khai quân đội và chiến dịch bình thường nào cho phép Trung Quốc vừa bảo vệ các lợi ích cốt lõi của mình mà vẫn cho phép Mỹ tiếp tục thực hiện đủ các cam kết quốc phòng trong khu vực hay không?

“Vùng nước dữ: Mỹ, Trung Quốc và Biển Đông”của Patrick Cronin. Cuộc khủng hoảng gần nhất xảy ra sau khi lực lượng hải quân Philippines nhỏ bé, với chiếc tàu tuần duyên cũ mua của Mỹ được coi như soái hạm mới, cố bắt ngư dân Trung Quốc mà theo Hải quân Philippines là đang hoạt động bất hợp pháp gần bãi Scarborough. Mỹ không nên phớt lờ rủi ro tiềm ẩn trong những vụ như thế này, chí ít ở khu vực Biển Đông, sức mạnh quân sự của Trung Quốc sẽ tiếp tục va chạm với Hải quân Mỹ trong vai trò là người bảo đảm tự do trên biển. Thực tế mới này buộc Mỹ phải một chương trình hành động cụ thể, điều mà Mỹ dễ có nguy cơ không nhận ra, đó là: phải hiểu được rằng Trung Quốc đang thử một cách làm mới và gửi đi không có gì khác ngoài tín hiệu, nhưng Mỹ phải phản ứng với những bước đi chính xác và có chừng mực để bảo đảm rằng Trung Quốc không đẩy các giới hạn đi quá xa. Màn kịch trên biển gần bãi Scarborough chỉ là một vụ ồn ào của cuộc cạnh tranh chiến lược đang gia tăng mà chỉ có thể dàn xếp chứ không thể giải quyết triệt để.

“Cơn say sóng Biển Đông” của Trefor Moss. Công việc chính của năm 2012 sẽ là soạn thảo Bộ Quy tắc Ứng xử (COC) nhằm điều chỉnh hành vi ứng xử trên Biển. ASEAN chủ yếu soạn thảo bộ quy tắc mới đó. Hiệp hội này sẽ đưa các đề xuất của mình cho Trung Quốc vào tháng 7 và Bắc Kinh sẽ chịu áp lực chính trị là phải chấp nhận công thức ASEAN đưa ra, thay vì tỏ ra độc đoán, bác bỏ kế hoạch. Cần nhớ rằng trên lý thuyết, ASEAN đang đi tới việc xây dựng một Cộng đồng Chính trị-An ninh ASEAN mới vào năm 2015. Từ nay cho tới lúc đó, ASEAN phải có tiếng nói thống nhất về các vấn đề an ninh. Nếu các thành viên ASEAN có thể quyết tâm chỉ phát biểu một quan điểm thống nhất về chuyện Biển Đông, thì khi đó, đối đầu Trung Quốc-ASEAN sẽ không còn thường xuyên và nguy hiểm nữa, mà sẽ ít xảy ra hơn và dễ giải quyết hơn. Nếu ASEAN không hoàn thành được nhiệm vụ soạn thảo một bộ quy tắc ứng xử có ý nghĩa, thì sẽ là ngây thơ nếu tưởng rằng tàu Trung Quốc, tàu Việt Nam và tàu Philippines sẽ tiếp tục đối đầu với nhau một cách ôn hòa trên những vùng biển vô chính phủ của Biển Đông, họ sẽ không đến đó chỉ để nhìn vào mắt nhau và bỏ đi.

“Hòa bình trên Biển Đông: Viễn cảnh xa xôi?” của Jingdong Yuan. Tranh chấp bãi cạn Scarborough là tấm gương phản chiếu những căng thẳng và tranh giành ngầm giữa Trung Quốc và các nước láng giềng của họ: tranh giành chủ quyền, tài nguyên, và an ninh trên Biển Đông. Thứ nhất là nhu cầu ngày càng tăng về năng lượng và tài nguyên của tất cả các nước có yêu sách chủ quyền, để duy trì tăng trưởng và tạo sự thịnh vượng. Thứ hai là không quốc gia nào hão huyền đến mức tin rằng họ có thể bảo vệ yêu sách chủ quyền của mình trước các nước khác mà lại không sử dụng sức mạnh quân sự và không gặp rủi ro là tạo ra những khe hở đáng kể về ngoại giao cùng những hậu quả kinh tế nghiêm trọng. Thứ ba là, đối với những siêu cường đang nổi lên như Trung Quốc, sức mạnh trên biển là chìa khóa để nắm lấy những nguồn lợi chung toàn cầu và là nguyên liệu chủ chốt để làm nên những siêu cường trong tương lai. Cuối cùng, tăng trưởng và thịnh vượng trong hai thập niên vừa qua ở Đông Á đã đưa đến năng lực tài chính đủ để hiện đại hóa quân sự, đặc biệt là trong các lĩnh vực tuần tra đường biển và thể hiện sức mạnh trên biển.

“Chính sách cây gậy nhỏ của Trung Quốc ở Biển Đông”. Dùng phương tiện phi quân sự trong những đụng độ về lãnh thổ cho thấy một chiến lược tinh xảo, cẩn thận, nhằm củng cố các yêu sách của Trung Quốc trên toàn vùng biển châu Á. Thứ nhất, dùng lực lượng tuần duyên để củng cố thông điệp ngoại giao của Trung Quốc. Thứ hai, việc dựa vào các lực lượng hải giám sẽ giới hạn những trở ngại ngoại giao mà không phải hy sinh quyền lợi của Trung Quốc. Thứ ba, sử dụng hình thức phi quân sự, nghĩa là tránh sự căng thẳng trong khi giữ các tranh chấp trong giới hạn khu vực. Thứ tư, những tàu phi quân sự cho phép Bắc Kinh sử dụng áp lực mức độ thấp nhưng liên tục lên các nước đối thủ có tuyên bố chủ quyền biển đảo ở biển Đông. Hoa Kỳ và các đồng minh Đông Nam Á cần phải chú ý nhiều tới những chiếc tàu dân sự bình thường – cây gậy nhỏ của Trung Quốc. Không bao giờ bỏ qua ý nghĩa chính trị của những chiếc tàu chỉ bởi chúng không trang bị nhiều pháo và tên lửa.

“Thiếu vắng cơ chế quản lý xung đột: Biển Đông lại nổi sóng cồn?” của Ian Storey. Sau một thời gian tương đối yên ắng trong nửa cuối năm 2011, căng thẳng ở Biển Đông bắt đầu nóng trở lại vào quý đầu của năm 2012. Đặc biệt, vụ đối đầu căng thẳng trong tháng tư giữa một tàu hải quân Philippines và ba tàu tuần tra Trung Quốc về việc đánh cá bất hợp pháp gần bãi cạn Scarborough cho thấy tần suất ngày càng tăng của các sự cố trên biển, trong khi thiếu vắng chế ngăn ngừa xung đột giữa các lực lượng vũ trang của các nước yêu sách, thể leo thang thành cuộc đối đầu nguy hiểm hơn. Trong khi, cuộc họp của các nhà lãnh đạo ASEAN vào đầu tháng cho thấy những chia rẽ sâu sắc bên trong tổ chức về cách thức tiến tới một bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông giữa ASEANTrung Quốc. Trước những vấn đề khó khăn cần được giải quyết trong COC – chẳng hạn như phạm vi địa lý của thỏa thuận, những hình thức hoạt động nào sẽ bị ngăn cấm, và quan trọng nhất, nó sẽ được thực thi như thế nào – dường như rất khó để bản phác thảo bộ quy tắc có thể sẵn sàng vào tháng Bảy tới, hạn chót Tổng thư ký ASEAN Pitsuwan đưa ra. Trong khi đó, thời kỳ gió mùa đã hết, các tàu đánh cá lưới quét và tàu khảo sát đã quay trở lại Biển Đông, sẽ làm tăng thêm căng thẳng và khả năng về các cuộc đối đầu trên biển có thể leo thang thành cuộc khủng hoảng quân sự hoặc ngoại giao nghiêm trọng.

Bản PDF tại đây



[1] Báo Hải dương Trung Quốc ngày 23/4

[2] Theo CCTV ngày 28/4

[3] Thời báo Hoàn cầu ngày 20/4