Bản PDF tại đây 

Động thái của các quốc gia

+ Trung Quốc:

Chủ tịch Trung Quốc kêu gọi quân đội nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu. Trong cuộc gặp với các lãnh đạo cấp cao của quân đội Trung Quốc hôm 22/9, Chủ tịch Trung Quốc ông Tập Cận Bình chỉ thị: “Các sở chỉ huy của quân đội Nhân dân Trung Quốc (PLA) cần cải thiện khả năng sẵn sàng chiến đấu và năng lực quân sự, để giành chiến thắng trong một cuộc chiến tranh khu vực ở thời đại công nghệ thông tin.” Theo ông Tập, “Lực lượng PLA phải tuyệt đối trung thành với Đảng Cộng sản Trung Quốc, đảm bảo mệnh lệnh được xuyên suốt giữa các cấp và mọi nhiệm vụ từ trung ương được hoàn thành.”

Trung Quốc huấn luyện bắn đạn thật ở Biển Đông. Cục hải sự Trung Quốc hôm 24/9 thông báo quân đội nước này sẽ tổ chức diễn tập bắn đạn thật quy mô lớn tại khu vực phía đông nam đảo Hải Nam và phạm vi diễn tập kéo dài tới tận khu vực gần quần đảo Hoàng Sa. Theo thông báo này, thời gian diễn tập sẽ kéo dài từ 0 giờ ngày 24/09 đến 24 giờ ngày 30/09. Phạm vi diễn tập bắn đạn thật ở trong khu vực nằm trong phạm vi 7 tọa độ: 18.07N/110.40E; 18.21N/111.50E; 17.17N/112.06E; 16.46N/111.15E; 17.05N/110.37E; 17.23N/110.42.0E và 17.43,2N/110.35,3E.

Trung Quốc có kế hoạch đưa tàu chở cá cỡ lớn ra Trường Sa. Báo China Science Daily cho biết Học viện Khoa học Ngư nghiệp Trung Quốc đang có kế hoạch mua một tàu chở dầu 200.000 tấn và biến đổi nó thành một tàu chở cá sống. Bắc Kinh dự định triển khai con tàu này ra vùng biển quanh Bãi Vành Khăn thuộc Quần đảo Trường Sa. Tờ báo cho hay con tàu này có thể vừa là nơi chứa cá di động vừa cung cấp nhiều dịch vụ cho tàu quân sự và dân sự Trung Quốc trong khu vực. 

Trung Quốc kêu gọi giải quyết tranh chấp bằng luật pháp? Phát biểu tại cuộc thảo luận hàng năm của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc ở New York hôm 27/9, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị nhấn mạnh tầm quan trọng của việc sử dụng luật pháp quốc tế trong việc giải quyết các tranh chấp toàn cầu như khủng hoảng ở Gaza, Iraq, Cộng hòa Trung Phi và Nam Sudan, “Chúng ta nên bảo vệ công lý. Điều này là bắt buộc để thúc đẩy nền dân chủ lớn hơn và áp dụng các quy định của luật pháp quốc tế, sử dụng các quy tắc công bằng để phân biệt đúng sai, giải quyết tranh chấp, theo đuổi mục tiêu hòa bình và phát triển trong khuôn khổ luật pháp quốc tế.” Ông Vương đã không đả động đến những căng thẳng giữa Trung Quốc và các nước láng giềng ở Biển Đông phần lớn là do cách hành xử quyết đoán ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực.

+ Việt Nam:

Việt Nam kêu gọi các nước từ bỏ vũ lực trong quan hệ quốc tế. Từ ngày 24 đến 30/9 tại Mỹ đã diễn ra Phiên thảo luận cấp cao Khóa 69 Đại hội đồng Liên Hợp Quốc. Chiều 27/9, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã có bài phát biểu, chia sẻ những quan tâm về các vấn đề quốc tế hiện nay. Phó Thủ tướng nêu rõ: “Tôn trọng luật pháp quốc tế là nền tảng bảo đảm hòa bình, an ninh và ổn định phục vụ phát triển bền vững”. Các quốc gia thành viên, không phân biệt lớn - nhỏ, giàu - nghèo đều phải tôn trọng và thực hiện nghiêm túc các nguyên tắc, chuẩn mực, quy định của luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên Hợp Quốc. Đồng thời, cần từ bỏ việc sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế và thúc đẩy giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình. Trước đó tại cuộc gặp gỡ, trao đổi với các học giả, nhà nghiên cứu tại Asia Society hôm 24/9, Phó Thủ tướng đã nêu bật quyết tâm của Việt Nam trong việc bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của đất nước và chủ trương giải quyết tranh chấp trên Biển Đông bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế và UNCLOS 1982, nghiêm chỉnh thực hiện DOC, phấn đấu sớm đạt được COC. 

Việt Nam có biện pháp bảo vệ ngư dân tại ngư trường truyền thống. Về việc Cục Hải sự Trung Quốc thông báo, quân đội nước này sẽ tiến hành tập trận bắn đạn thật quy mô lớn tại phía Nam đảo Hải Nam, phạm vi tập trận kéo dài đến gần quần đảo Hoàng Sa, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình Lê Hải Bình hôm 25/9 cho biết: “Ngay sau khi có thông tin từ Cục Hải sự Trung Quốc ngày 24/9, các cơ quan chức năng của Việt Nam đã tích cực xác minh thông tin, đồng thời tiến hành các biện pháp cần thiết để tiếp tục bảo vệ ngư dân Việt Nam hoạt động bình thường trên ngư trường truyền thống ở Biển Đông.” Về việc Trung Quốc đã thay đổi hiện trạng tại các đảo ở quần đảo Trường Sa trên Biển Đông thành các đảo nhân tạo, ông Lê Hải Bình nhấn mạnh: “Mọi hoạt động của các bên liên quan ở Biển Đông cần tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của các quốc gia liên quan, tuân thủ luật pháp quốc tế đặc biệt là UNCLOS 1982 cũng như DOC và không có bất cứ hành động nào làm phức tạp thêm tình hình.”

+ Philippines:

Philippines nghi ngờ Trung Quốc dự định khoan dầu ở Trường Sa. Trả lời phỏng vấn Hãng thông tấn AP hôm 23/9, Tổng thống Philippines Benigno Aquino cho biết, Philippines không rõ mục đích của hai tàu khảo sát thủy văn Trung Quốc tại khu vực bãi Cỏ Rong, nhưng Manila nghi ngờ khả năng Bắc Kinh đang lên kế hoạch triển khai một giàn khoan dầu tại đây, “Điều rõ ràng là có 2 tàu đã thực hiện công tác đo đạc trong khu vực.” Theo ông Aquino, tất cả các quốc gia có hoạt động liên quan đến Biển Đông cần bày tỏ quan ngại về cách hành xử hăm dọa của Trung Quốc ở vùng biển chiến lược này, “Đó không chỉ là quan ngại của riêng Philippines. Tôi tin rằng ngoài các quốc gia liên quan, tất cả những ai có hoạt động qua Biển Đông đều bị ảnh hưởng.” Trước đó, phát biểu tại trường Quản lý hành chính Kennedy thuộc Đại học Harvard của Mỹ ngày 22/9, Tổng thống Aquino nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tuân thủ luật pháp quốc tế, cụ thể là UNCLOS 1982 trong việc giải quyết tranh chấp ở Biển Đông, “Tất cả các bên ký kết UNCLOS 1982 đã xác định sự công bằng về quyền lợi biển. UNCLOS cho chúng ta quyền bình đẳng và nghĩa vụ ngang nhau. Là một thành viên sáng lập của Liên Hợp Quốc, chúng tôi tin rằng những giao ước và các tổ chức như Tòa án quốc tế về Luật biển là cơ chế hợp lý, công bằng và đáng tôn trọng nhất để các nước tìm được sự hài hòa, bất chấp những khác biệt”. Ông Aquino cho biết, dựa trên nguyên tắc này, Chính phủ Philippines đã phác thảo 2 phương án hành động để thúc đẩy giải quyết tranh chấp trên Biển Đông. Trước hết là việc tiếp tục kêu gọi xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử của các bên và thứ hai là thông qua Trọng tài quốc tế để làm rõ nhưng quyền lợi biển của tất cả các nước liên quan.

+ Indonesia:

Indonesia quan ngại về tình hình Biển đông. Phát biểu tại một diễn đàn an ninh biển gần đây, Phó Đô đốc Desi Albert Mamahit – người đứng đầu Cơ quan Phối hợp An ninh Biển của Indonesia cho rằng vùng biển bao quanh Quần đảo Natuna của Indonesia đang thực sự gặp nguy hiểm trước sự hiện diện theo chiều hướng ngày càng tăng của Trung Quốc. Vùng biển xung quanh quần đảo Natuna dù không thuộc khu vực mà Trung Quốc yêu sách chủ quyền ở Biển Đông nhưng lại nằm gần khu vực này, và Trung Quốc vẫn chưa làm rõ rằng liệu các yêu sách của nước này có xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia. Theo ông Desi, “Đây rõ ràng là một mối đe doạ thực sự cho Indonesia” và Indonesia cần phải chuẩn bị trước các động thái của các bên liên quan đến tranh chấp.

+ Mỹ:

Tổng thống Mỹ: ‘Các nước phải tôn trọng luật lệ trong tranh chấp biển’. Phát biểu tại phiên họp Đại hội đồng Liên Hợp Quốc hôm 24/9, Tổng thống Mỹ Barack Obama tuyên bố: “Chúng tôi muốn nhấn mạnh tất cả các nước phải tôn trọng luật lệ và giải quyết tranh chấp một cách hòa bình, tuân thủ theo luật pháp quốc tế. Đó là cách thức mà Châu Á - Thái Bình Dương đã phát triển. Và đó cũng là phương thức duy nhất để bảo vệ quá trình này.” Ông Obama nhắc lại cam kết xoay trục Châu Á, theo đó nước Mỹ sẽ thắt chặt quan hệ với các đồng minh trong khu vực và tăng cường hiện diện hải quân tại đây, “Mỹ đang và tiếp tục trở thành một cường quốc Thái Bình Dương, thúc đẩy hòa bình, ổn định và tự do giao thương giữa các quốc gia trong khu vực.”

Đô đốc Mỹ: ‘Chống IS không ảnh hưởng tới chiến lược tái cân bằng Châu Á’. Phát biểu trong cuộc họp báo tại Lầu Năm Góc hôm 25/9, Tư lệnh Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương, Đô đốc Samuel Locklear tuyên bố: “Từ góc độ quân sự, dù chiến dịch chống Nhà nước Hồi giáo (IS) đang diễn ra, khả năng duy trì và làm những việc chúng tôi cần làm ở Thái Bình Dương sẽ không bị ảnh hưởng. Liên quân Mỹ là một lực lượng toàn cầu và đủ khả năng theo đuổi chiến lược tái cân bằng mà chúng tôi từng tuyên bố.” Theo ông Locklear, “Châu Á - Thái Bình Dương luôn có vai trò quan trọng đối với Mỹ. Phần lớn lợi ích an ninh trong tương lai của Mỹ sẽ gắn chặt với khu vực này. Ngay cả khi có mối đe dọa như IS, chúng tôi cũng không thể từ bỏ trách nhiệm với châu Á - Thái Bình Dương.”

Quan hệ các nước

Singapore và Philippines nhất trí đối thoại quốc phòng thường niên. Quyết định trên được đưa ra trong cuộc gặp giữa Bộ trưởng Quốc phòng Singapore ông Ng Eng Hen với người đồng cấp ông Voltaire T Gazmin. Bộ Quốc phòng Singapore cho hay trong cuộc gặp, hai Bộ trưởng đã tập trung thảo luận về việc duy trì ổn định khu vực. Bộ trưởng Ng Eng Hen nêu rõ: “Chúng tôi không phải một bên có tuyên bố chủ quyền. Chúng tôi không lợi ích trong việc ai giành được cái gì, song chúng tôi có lợi ích trong việc duy trì ổn định khu vực và chúng tôi ghi nhận vấn đề Biển Đông có thể gây bất ổn khu vực.” Ông Ng Eng Hen cho biết Singapore sẽ tập trung vào việc xây dựng và tuân thủ DOC, “Chúng tôi cũng nhất trí rằng giải pháp cho vấn đề Biển Đông phải thông qua các sáng kiến ngoại giao chứ không phải quân sự.”

Hai tàu chiến Mỹ đến Philippines tham gia tập trận. Hai tàu chiến Mỹ, tàu tấn công đổ bộ USS Peleliu và tàu đổ bộ USS Germantown, đã có mặt ở cảng Subic hôm 27/9. Hai tàu thuộc Hạm đội 7 của hải quân Mỹ này sẽ hỗ trợ binh sĩ Mỹ và Philippines trong cuộc tập trận đổ bộ Phiblex trong 12 ngày với khoảng 5.000 binh sĩ Mỹ và lính Philippines tham gia. Cuộc tập trận bao gồm những hoạt động bắn đạn thật và tập tấn công đổ bộ bằng tàu chiến dọc bờ biển đảo Luzon và Palawan.

Quân đội Mỹ - Trung đẩy nhanh tiến độ xây dựng lòng tin. Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Susan Rice và Tướng Phạm Trường Long, Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã có cuộc gặp khi bà Rice thăm Bắc Kinh hồi đầu tháng 9. Theo phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc Cảnh Nhạn Sinh hôm 25/9, trong cuộc gặp trên, ông Phạm Trường Long và bà Rice đã nhất trí về tầm quan trọng của 2 cơ chế xây dựng lòng tin mà 2 bên đang hướng tới trong việc tăng cường lòng tin chiến lược chung. Ông Cảnh cho hay Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Barack Obama hồi tháng 6/2013 đã nhất trí thành lập cơ chế chung cho việc xác định các hoạt động quân sự lớn, cũng như các qui định về cách hành xử trên biển và trên không.

Nhật Bản-Australia ký hiệp ước tăng cường hợp tác quốc phòng. Ngày 24/9, Nhật Bản và Australia đã nhất trí phối hợp để thúc đẩy ký kết một hiệp ước nhằm tạo điều kiện tổ chức các cuộc tập trận chung và hợp tác giữa lực lượng quốc phòng hai nước. Theo Phó Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Hiroshige Seko, quyết định trên đã được Thủ tướng nước này Shinzo Abe và người đồng cấp Australia Tony Abbott thống nhất tại cuộc gặp diễn ra bên lề phiên họp của Đại hội đồng Liên hợp quốc ở Mỹ cùng ngày. Cũng tại cuộc gặp, lãnh đạo hai nước đã nhất trí phối hợp chặt chẽ với các nước như Mỹ và Ấn Độ để duy trì hòa bình và ổn định tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Phân tích và đánh giá

Indonesia sắp đối đầu với Trung Quốc ở Biển Đông?của Scott Bentley. Tổng thống đắc cử Joko Widodo chuẩn bị chính thức nhậm chức vào cuối tháng tới, hiện chưa rõ chính sách tương lai của ông cả về đối nội lẫn đối ngoại. Tuy nhiên, có một điều tương đối rõ ràng là Indonesia đang theo đuổi mục tiêu dài hạn trở thành một “cường quốc biển”. Ông Joko Widodo không nói nhiều về tầm nhìn của ông liên quan đến khái niệm “cường quốc biển”, tuy nhiên những tuyên bố của ông trong suốt chiến dịch tranh cử tổng thống là ưu tiên bảo vệ quyền lợi trên biển của Indonesia. Các tuyên bố công khai cho thấy ông Joko Widodo đã nhiều lần đề cập đến ưu tiên này, đặc biệt về vấn đề đánh bắt cá bất hợp pháp. Trong tuyên bố được đưa ra đầu tháng này và được báo chí Indonesia đăng tải, Tổng thống đắc cử Joko Widodo nói rằng cần phải có hành động quyết liệt đối với tàu cá nước ngoài để ngăn chặn các hành vi trộm cắp liên tục các nguồn tài nguyên của Indonesia, “Nếu chúng ta không hành động quyết liệt, các tàu nước ngoài sẽ đánh cắp cá của chúng ta”. Tuyên bố này cho thấy, Joko Widodo có thể không hờ hững với chính sách đối ngoại như một số người đã tưởng. Trong thực tế, ông có thể quyết đoán hơn về những ưu tiên nhất định. Vấn đề đánh bắt cá bất hợp pháp của tàu thuyền nước ngoài có thể là một thách thức đáng kể đối với chính quyền Jokowi và gần như chắc chắn sẽ tạo ra căng thẳng với một “cường quốc biển” mới nổi là Trung Quốc. Tuy không phải là nước duy nhất có ngư dân đánh bắt cá bất hợp pháp trong vùng biển của Indonesia, nhưng Trung Quốc là nước duy nhất sử dụng tàu Cảnh sát biển  khuyến khích và hỗ trợ trực tiếp ngư dân đánh bắt cá trên vùng biển của nước khác. Việc Trung Quốc sử dụng ngư dân và các tàu công vụ mở rộng sự hiện diện tại các khu vực tranh chấp ở Biển Đông sẽ khiến cho nguy cơ đối đầu với Indonesia trên biển là không thể tránh khỏi.  Bộ Ngoại giao Indonesia tiếp tục duy trì đường lối “không có tranh chấp giữa Trung Quốc và Indonesia” ở Biển Đông, tuy nhiên những hành động gần đây của Trung Quốc lại cho thấy điều ngược lại. Một loạt các sự cố đã xảy ra ở khu vực này từ năm 2010. Phía Indonesia đã cố gắng truy tố ngư dân Trung Quốc vì hoạt động trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế của nước này tuy nhiên họ đã không thành công. Những nỗ lực khẳng định quyền tài phán trong vùng EEZ của Indonesia đã thất bại liên tục, và điều này có thể làm sụt giảm uy tín của Indonesia trong việc duy trì an ninh biển và làm lung lay cơ sở pháp lý cho tuyên bố chủ quyền của họ. Việc các tàu Cảnh sát biển Trung Quốc tiếp tục tuần tra tại các khu vực đang tranh chấp là thách thức đầu tiên đối với quyền lãnh đạo của tân Tổng thống Joko Widodo. Hiện chưa rõ chính quyền Joko Widodo có nhận thức được hoặc chuẩn bị ứng phó hiệu quả với nguy cơ nhãn tiền này hay không. Giải quyết thách thức này đòi hỏi các lãnh đạo của Indonesia - từ tân Tổng thống Joko Widodo đến nội các mới của ông – phải có thái độ cương quyết cả về chính sách đối nội lẫn đối ngoại.

Vì sao Trung Quốc xây đảo nhân tạo ở Biển Đôngcủa Gregory Poling. Việc Trung Quốc nạo vét và bồi đắp để biến năm thực thể đá ngầm ở Biển Đông thành đảo nhân tạo không phải là hành động mới. Năm 1995, Trung Quốc đã từng làm như vậy sau khi chiếm bãi đá Vành Khăn (thuộc quần đảo Trường Sa). Lúc đó Trung Quốc chỉ lấy cát từ lòng biển đắp vào các chỗ đá ngầm ngập dưới mặt nước. Lần này, Trung Quốc lấy cát và dùng xe ủi san bằng, sau đó cho xây kè chắn bằng bê tông. Cuối cùng, Trung Quốc sẽ xây dựng các công trình như bến tàu, bãi trực thăng và có thể là đường băng nhỏ. Trung Quốc làm thế vì hai lý do. Thứ nhất, ý đồ của Trung Quốc là áp đặt chủ quyền trên các đảo nhân tạo trước khi tòa án trọng tài quốc tế công bố phán quyết trong vụ Philippines kiện đường chín đoạn của Trung Quốc. Khi hiện trạng tranh chấp thay đổi, tòa sẽ khó xác định tình trạng địa lý ban đầu. Thứ hai, máy bay nhỏ hay tàu tuần tra của Trung Quốc có thể dễ dàng tiếp cận các đảo nhân tạo mới lập. Tuy nhiên, cho dù Trung Quốc đưa dân đến sinh sống trên các đảo nhân tạo thì tư cách pháp lý vẫn không thay đổi. Bởi khi xét xử vấn đề tranh chấp chủ quyền, tòa trọng tài quốc tế sẽ dựa vào ngày phát sinh tranh chấp để quyết định tư cách pháp lý của các khu vực tranh chấp. Sau ngày đó, mọi thay đổi trên thực địa không có ý nghĩa. Hầu hết các học giả đều kết luận hoạt động cải tạo đá ngầm trên biển không làm thay đổi tư cách pháp lý mà chỉ có thể tạo ra đảo nhân tạo (không được hưởng quy chế của đảo thực sự theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển cũng như không có vùng đặc quyền kinh tế hay thềm lục địa). Trong thời gian chờ tòa trọng tài quốc tế phán quyết về đường chín đoạn, vũ khí tối ưu nhất của Philippines và Việt Nam là kêu gọi cộng đồng quốc tế lên án hành động cải tạo của Trung Quốc ở Biển Đông, cần làm cho quốc tế thấy Trung Quốc đang vi phạm Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC). Hai nước cũng cùng phối hợp nỗ lực để ngăn cản toan tính của Trung Quốc nhằm thay đổi hiện trạng Biển Đông bằng cách ngay bây giờ phải tiến hành khảo sát các bãi, đá ngầm trước khi Trung Quốc tiếp tục mở rộng hoạt động cải tạo.

Mỹ - Việt những yêu sách chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đôngcủa David Brown. Ở Biển Đông, sự tham gia của Mỹ là yếu tố quan trọng nhất để ngăn chặn tham vọng của Trung Quốc. Chỉ phát biểu cứng rắn thôi sẽ không làm cho ASEAN mạnh hơn hay khiến Bắc Kinh chùn bước. Nhìn từ góc độ chiến thuật, Mỹ đã hành xử như thể họ không có lựa chọn khả thi nào khác ngoài xử lý mềm mỏng - lên án hành động khiêu khích của Trung Quốc - và xử lý cứng rắn - triển khai Hạm đội 7. Trái lại, Trung Quốc lại có những cách thức vừa mềm mỏng, vừa cứng rắn. Họ đã dựa vào lực lượng bán quân sự, các tàu cảnh sát biển và các “tàu đánh cá” phụ trợ để đẩy mạnh tham vọng chủ quyền trong khi Hải quân Trung Quốc kín đáo chờ thời ở đằng xa. Giống như chiến thuật của Trung Quốc, Mỹ cùng bạn bè và các nước đồng minh Châu Á có thể đẩy mạnh hợp tác giữa các lực lượng cảnh sát biển, lý tưởng nhất là bao gồm cả một lịch trình dày đặc các cuộc tập trận đa phương trên biển. Việc các quốc gia Đông Nam tăng cường năng lực phòng thủ trên biển sẽ làm giảm khả năng Trung Quốc tung ra những điều bất ngờ khó chịu. GS Carlyle Thayer lập luận, nếu được sắp xếp khéo léo, các hoạt động như vậy sẽ “đặt lên vai Trung Quốc trách nhiệm phải cân nhắc mức độ nguy hiểm trong việc đối đầu với đội hình hỗn hợp tàu thuyền và máy bay”. Washington cũng nên tăng cường quan hệ gần gũi hơn với Việt Nam, nước Đông Nam Á duy nhất có cả khả năng răn đe quân sự lẫn ý chí trước Trung Quốc. Tăng cường quan hệ chiến lược không phải là điều dễ dàng cho Hà Nội và Washington. Mỗi bên phải nhượng bộ một phần các quyền lợi chính trị của mình. Các điều chỉnh có tính thực tiễn có thể đặt nền tảng cho việc chống lại tham vọng giành quyền bá chủ đối với Biển Đông và thống trị các quốc gia lân cận của Trung Quốc. Một cách can dự quyết liệt hơn của Mỹ trong việc đương đầu với Trung Quốc ở Biển Đông đó là phải củng cố thế ngoại giao. Về mặt này, Mỹ có thể thúc giục Brunei, Malaysia, Việt Nam và Philippines tìm cách giải quyết các yêu sách của họ với nhau. Mỹ có thể đưa ra các sáng kiến lôi kéo Trung Quốc vào các cuộc thảo luận về quản lý đa phương các nguồn thuỷ sản đang cạn kiệt nhanh chóng hay kêu gọi các công ty Trung Quốc cùng thăm dò nguồn tài nguyên dầu khí dưới. Không có cách nào để Mỹ can dự tích cực hơn vào các vấn đề Biển Đông mà không làm Trung Quốc phật ý. Điều đó có thể sẽ có những hậu quả tiêu cực trong ngắn hạn cho hợp tác Mỹ-Trung trong các lĩnh vực khác, cho dù Bắc Kinh khó có thể ngừng việc hợp tác vì lợi ích riêng của họ. Hậu quả lâu dài của việc kiềm chế tham vọng bành trướng của Trung Quốc sẽ có tác dụng tích cực – Bắc Kinh sẽ hiểu rằng họ không thể tuỳ ý viết lại các quy tắc trong quan hệ quốc tế.

Biển Đông: Vẫn không có bằng chứng trong các yêu sách lịch sử của Trung Quốccủa Bill Hayton. Các lập luận gần đây của học giả Trung Quốc lặp lại một số hiểu lầm thường thấy và không đưa ra được các dẫn chứng thực tế củng cố cho các yêu sách lãnh thổ của Trung Quốc. i) Sự mơ hồ. Vẫn có những văn bản cổ nhất định của người Trung Quốc nhắc tới “các đảo/quần đảo”, thế nhưng chúng vẫn cực kỳ mơ hồ, không liên quan tới các vùng đất cụ thể và không đưa ra được các bằng chứng về sự khám phá hay tuyên bố chủ quyền. Một vài trong số các văn bản này là các báo cáo thông tin được những người ngoại quốc đến Trung Quốc cung cấp, một số khác đề cập tới các vùng đất bí ẩn gần lối vào của thế giới ngầm và một số khác nữa là những bản sao chép của bản đồ Châu Âu. ii) “Quan niệm phổ biến”, không phải là bằng chứng lịch sử. Càng nghiên cứu các tuyên bố của Trung Quốc, càng nhận thấy những lập luận của họ đều dựa trên các khẳng định không căn cứ được lặp đi lặp lại hàng thập kỷ mà không có sự kiểm chứng nghiêm túc nào. Rất nhiều trong số các khẳng định này đã trở thành một phần của “quan niệm phổ biến” quốc tế về Biển Đông. Chúng được đề cập trong các bài viết của Hungdah Chiu và Choon-ho Park, trong bài viết  “Các đảo/quần đảo tranh chấp trên Biển Đông” của tác giả Dieter Heinzig năm 1976, và trong cuốn sách “Tranh chấp Biển Đông” của Marwyn Samuels năm 1982 – những tài liệu mà rất nhiều các học giả sau này đã dựa vào tham khảo. Nỗ lực của Heinzig and Samuels có thể xem là các nghiên cứu tiên phong, mang lại cái nhìn sâu sắc cho chủ đề này. Nhưng các nghiên cứu của họ lại chủ yếu dựa trên các bài viết được đăng tải trên các báo của Đảng Cộng Sản Trung Quốc sau khi Trung Quốc chiếm đóng nửa phía Tây quần đảo Hoàng Sa vào tháng 1/1974. Một bài được đăng vào tháng Ba 1974 trong ấn phẩm hàng tháng của Nguyệt san Thất thập Niên đại (Ch'i-shi nien-tai yüeh-k'an), và hai bài trong ấn phẩm hàng tháng của tờ Minh Báo (Ming Pao) tháng 5/1974. Các bài báo rõ ràng không phải là các bài viết học thuật trung lập: chúng được viết để bao biện cho cuộc xâm lược. iii) Các trích dẫn được chọn lọc. Thứ nhất, về công thư của Thủ tướng Phạm Văn Đồng, học giả Trung Quốc cho rằng công thư đã khẳng định yêu sách của Trung Quốc đối với các thực thể ở Biển Đông. Tuy nhiên, toàn văn bức Công thư của Thủ tướng Phạm Văn Đồng gửi cho Chu Ân Lai đã không nhắc đến yêu sách này dù tán đồng “Tuyên bố về Vùng Lãnh hải” của Trung Quốc. Câu văn đầy đủ là: “Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa công nhận (recognize) và chấp thuận (approve) bản tuyên bố ngày 4/9/1958 của Chính phủ nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa về quyết định liên quan đến lãnh hải của Trung Quốc”. Đúng là Công thư trên không bác bỏ yêu sách của Trung Quốc một cách rõ ràng, nhưng nó cũng không chấp thuận yêu sách này. Học giả Trung Quốc cũng trích dẫn sai Tuyên bố Cairo ngày 27/11/1943, theo đó: “Nhật Bản cũng sẽ bị trục xuất khỏi TẤT CẢ các vùng lãnh thổ khác mà nước này đã chiếm hữu được bằng bạo lực và sự tham lam”. Tuy nhiên, trích dẫn này không phải là cách diễn tả đúng tuyên bố trên. Câu văn thật sự như sau: “Nhật Bản sẽ bị tước hết tất cả các đảo ở Thái Bình Dương mà nước này đã chiếm hữu hay chiếm đóng từ lúc chiến tranh thế giới thứ nhất bắt đầu năm 1914, và rằng tất cả các vùng lãnh thổ mà Nhật Bản đã lấy cắp của Trung Quốc như Mãn Châu (Manchuria), Đài Loan (Formosa) và Bành Hồ (The Pescadores) phải được trao trả cho Trung Hoa Dân Quốc. Nhật Bản cũng sẽ bị trục xuất khỏi tất cả các lãnh thổ khác mà nước này đã chiếm hữu được bằng bạo lực và sự tham lam”. Trung Quốc cần phải đưa ra các hành động chủ quyền thực tế được thể hiện bởi các đại diện của chính phủ. Luận điểm của tôi là phía Trung Quốc không có hành động chủ quyền thực tế nào trước ngày 6/6/1909 đối với trường hợp quần đảo Hoàng Sa và ngày 12/12/1946 ở quần đảo Trường Sa.

Đằng sau việc Đài Loan vẽ bản đồ Biển Đôngcủa  Ralph Jennings. Đài Loan sắp hoàn thành dự án vẽ bản đồ Biển Đông sử dụng hình ảnh vệ tinh có độ phân giải cao, và theo các nhà phân tích, tấm bản đồ vô cùng chi tiết này sẽ giúp thúc đẩy yêu sách của Đài Loan trên Biển Đông. Từ trước đến nay, yêu sách của Đài Loan – giống với yêu sách đường 9 đoạn của Trung Quốc - thường tỏ ra yếu thế so với các nước khác trong khu vực, và tấm bản đồ mới này cho thấy Đài Loan đang thật sự nghiêm túc trong việc khẳng định yêu sách của mình. “Chúng tôi không có đủ nguồn lực và nhân lực hay sức mạnh quân sự để duy trì [yêu sách của mình],” ông Alexander Huang, giáo sư nghiên cứu chiến lược tại Đại học Tamkang, Đài Loan cho biết. Theo ông, tấm bản đồ này sẽ giúp Đài Loan “có nhiều chứng cứ hơn” bổ sung cho yêu sách của mình và cho thấy rằng “Đài Loan không hời hợt trong vấn đề này”. Tấm bản đồ có độ phân giải lên tới 1:5000 này có thể sẽ là một tài sản tình báo vô cùng có giá trị. Theo ông Huang, các học giả tại Washington sẽ chào đón tấm bản đồ này của Đài Loan bởi họ sẽ coi đây là cơ sở để xem xét chi tiết yêu sách của Trung Quốc đối với Biển Đông. Tuy nhiên, động thái mới này của Đài Loan có thể sẽ không được các quốc tại Châu Á chào đón. Trong vụ kiện của Philippines, nếu Tòa trọng tài của Liên Hợp Quốc đứng về phía Philippines trong vụ kiện của họ với Trung Quốc, Manila cũng sẽ có cơ sở để phản đối yêu sách của Đài Loan. Ông Ramon Casiple, một blogger và cũng là một nhà phân tích chính trị tại Philippines, cho biết “Đài Loan cũng nên xem xét tới Công ước Luật Biển của Liên Hợp Quốc bởi công ước này cũng có những tác động lên yêu sách của họ”. Theo các nhà phân tích, trong thời gian tới, ngoài việc hoàn thành tấm bản đồ, Đài Loan có thể sẽ củng cố cơ sở hệ thống hạ tầng tại Đảo Ba Bình. Hiện tại, họ đang vận hành một đường bay tại đây và dự kiện sẽ kết thúc việc xây dựng một bến tàu vào năm tới để đón các tàu hải quân và tàu cảnh sát biển. Ông Shane Lee, giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Chang Jung Christian của Đài Loan cho biết. “Tôi nghĩ [Đài Loan] đang lo ngại rằng các nước khác đang yêu sách chủ quyền tại khu vực và nếu bạn không làm gì cả, bạn sẽ bị gạt ra ngoài rìa.”