Bản PDF tại đây


Động thái của các quốc gia

+ Trung Quốc:

Ngoại trưởng Vương Nghị: ‘2014 là năm thành công của ngoại giao Trung Quốc.’ Phát biểu trong Hội nghị “Tình hình thế giới - Ngoại giao Trung Quốc 2014” do Viện nghiên cứu các vấn đề quốc tế Trung Quốc tổ chức ngày 24/12, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị khẳng định “Trên mặt trận ngoại giao, Trung Quốc nghiên cứu những lý thuyết và thực tế mới để triển khai các mối quan hệ quốc tế, tham gia quản lý kinh tế và tài chính toàn cầu, tiến hành giao lưu hữu nghị với các nước ở tất cả các khu vực quan trọng, và góp phần giải quyết hòa bình các vấn đề ở một số điểm nóng.” Theo ông Vương, Trung Quốc đã thiết lập sự khởi đầu tốt đẹp trong năm 2014, cụ thể là: (i) Trung Quốc đã thúc đẩy tầm nhìn thông qua xây dựng quan hệ quốc tế kiểu mới: Đưa ra cách tiếp cận phù hợp về nguyên tắc và lợi ích, xây dựng quan hệ cường quốc lớn kiểu mới giữa Trung Quốc và Mỹ, theo đuổi chính sách ngoại giao láng giềng toàn diện, hữu nghị, chân thành và cùng có lợi; (ii) Trung Quốc đã tích cực tăng cường quan hệ với các nước: Trong khoảng thời gian ngắn 2 năm kể từ Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 18, Chủ tịch Tập Cận Bình và Thủ tướng Lý Khắc Cường đã thực hiện 17 chuyến công du nước ngoài, tới hơn 50 quốc gia trên khắp năm châu lục. Điều này đã tạo ra một “cơn lốc Trung Quốc” trên thế giới; (iii) Trung Quốc đã đóng góp vào phát triển chung của thế giới: Là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, Trung Quốc là hoàn toàn ý thức về trách nhiệm của mình và đã làm hết sức để thúc đẩy sự phát triển và thịnh vượng của thế giới; (iv) Trung Quốc đã góp phần giải quyết các điểm nóng trên thế giới: Người Trung Quốc luôn yêu chuộng hòa bình. Không chỉ cam kết với con đường phát triển hòa bình, Trung Quốc cũng nỗ lực bảo vệ hòa bình, thực hiện hòa bình và duy trì hòa bình trong các vấn đề quốc tế. Trung Quốc đã cam kết đối thoại, tham vấn và giải quyết hòa bình các tranh chấp liên quan đến chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, quyền và lợi ích biển. Trong khi kiên quyết bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, Trung Quốc tích cực ủng hộ “cách tiếp cận kép” trong việc giải quyết vấn đề Biển Đông, cụ thể là, các tranh chấp cần được giải quyết hòa bình thông qua đàm phán hữu nghị giữa các nước liên quan trực tiếp, đồng thời Trung Quốc và các nước ASEAN cùng nhau duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông.”

Đài Loan hạ thủy tàu tên lửa lớn nhất. Đài Loan hôm 23/12 hạ thủy tàu hộ tống Tuo Chiang được trang bị 16 tên lửa, trong đó có 8 tên lửa siêu thanh chống hạm Hsiung-feng III. Phát biểu tại lễ hạ thủy con tàu, người đứng đầu cơ quan quốc phòng của Đài Loan Yen Ming cho hay đây là con tàu đầu tiên loại này mà Đài Bắc sản xuất: “Việc hoàn thiện thế hệ tàu hải quân mới được kỳ vọng sẽ giúp đảm bảo an ninh trên eo biển Đài Loan và bảo vệ các tuyến đường biển.”

Đài Loan chuẩn bị xây hải đăng trên đảo Ba Bình. Chính phủ Đài Bắc có kế hoạch xây dựng hải đăng trên đảo Ba Bình, thuộc Quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Theo một quan chức giấu tên của Đài Loan, Bộ Giao thông Đài Loan đã giao việc thiết kế và xây dựng hải đăng cho Công ty thiết kế công trình Đài Loan CECI phụ trách. Dự án sẽ được khởi công vào tháng 07/2015 hoặc vào năm 2016. Cũng theo quan chức này, đây là dự án rất quan trọng và không loại trừ khả năng đích thân Tổng thống Đài Loan Mã Anh Cửu tới dự lễ khánh thành.

+ Việt Nam:

Tàu Cảnh sát biển Việt Nam cứu nạn tàu cá Trung Quốc. Hôm 23/12, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam đã điều động tàu CSB 9002 đi cứu nạn tàu cá JIHANG quốc tịch Trung Quốc, gặp nạn trên khu vực biển Khánh Hoà. Sau gần 5 giờ tìm kiếm, lúc 13h50, tàu CSB 9002 đã tiếp cận được tàu bị nạn ở vị trí cách Vịnh Vân Phong 28 hải lý về phía Đông Bắc. Lúc 1h50 hôm 24/12, tàu Cảnh sát biển 9002 đã kéo Tàu Trung Quốc bị nạn cập cảng Nha Trang - Khánh Hòa và sẽ dự kiến sẽ bàn giao tàu Trung Quốc này cho lực lượng Biên Phòng tỉnh Khánh Hòa xử lý.

+ Philippines:

Philippines dự định xây dựng thêm hai căn cứ hải quân gần Biển Đông. Quân đội Philippines đang chuẩn bị xây dựng thêm 2 căn cứ hải quân ở tỉnh Palawan để bố trí những tàu chiến mà nước này mới mua sắm mà theo kế hoạch sẽ chuyển giao trong năm 2015. Ngoài tàu khu trục lớp Pohang trang bị tên lửa dẫn đường do Hàn Quốc tặng, Philippines đang đợi được chuyển giao hai tàu khu trục mới của Hàn Quốc, hai tàu vận tải chiến lược và một số tàu của Indonesia. Hiện tại hải quân Philippines cũng đang phát triển căn cứ hải quân ở vịnh Ulungan (tỉnh Palawan) và chuyển đổi vịnh Oyster thành căn cứ hải quân hiện đại.

Hải quân Philippines sắp phiên chế tàu chiến mới. Philippines sẽ cho nghỉ hưu từ 5 đến 10 tàu chiến của nước này trong vòng 2 năm tới và thay thế bằng các lớp tàu hiện đại hơn được trang bị tên lửa. Chuẩn Đô đốc Caesar Taccad, Phó tư lệnh Hải quân Philippines cho hay hải quân sẽ trang bị hai tàu đổ bộ lớp Makassar vào năm 2016 và 2017 và các tàu tấn công đa năng mang tên lửa MPAC vào năm 2017 và 2018. Hiện tại, Hải quân Philippines đang duy trì hoạt động hơn 100 tàu chiến các loại, trong số đó chỉ có từ 10-12 tàu có khả năng hoạt động dài ngày trên biển và tác chiến xa bờ.

Philippines sẽ điều tra mạng quan trắc ngoài khơi của Trung Quốc. Phát ngôn viên của phủ Tổng thống Philippines Edwin Lacierda cho hay Bộ Ngoại giao nước này sẽ xác minh thông tin rằng Trung Quốc đang xây dựng một hệ thống quan trắc ngoài khơi, trong đó có các trạm vệ tinh và radar nhằm tăng cường sức mạnh biển. Theo ông Edwin Lacierda, Bộ Ngoại giao Philippines sẽ thực hiện những bước cần thiết để bảo đảm lợi ích của nước này được bảo vệ và tránh leo thang căng thẳng với Trung Quốc.

+ Indonesia:

Indonesia sẽ tiếp tục hành động cứng rắn trên biển. Indonesia đang có kế hoạch mua thủy phi cơ Be-200 Altair của Nga trang bị cho Không quân. Thông tin này được Tư lệnh không quân Indonesia Ida Bagus Putu Dunia cho biết hôm 22/12 sau cuộc hội đàm giữa Bộ trưởng Công nghiệp và thương mại Nga Denis Manturov với lãnh đạo Phòng Thương mại Indonesia trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc tại Jakarta. Ông Ida Bagus cho rằng, ngoài Hải quân, cần phải có lực lượng Không quân mạnh để có thể nhanh chóng bắt giữ các tàu cá nước ngoài đánh bắt trái phép.

+ Mỹ:

Mỹ phản hồi kiến nghị trừng phạt Trung Quốc về vụ Hải Dương-981. Mỹ vừa chính thức phúc đáp thỉnh nguyện thư có gần 140.000 chữ ký, yêu cầu áp đặt các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc đối với Trung Quốc sau vụ Bắc Kinh đưa trái phép giàn khoan Hải Dương-981 vào Vùng Đặc quyền Kinh tế của Việt Nam hồi tháng 5 năm 2014. Trong thư phúc đáp ngày 23/12, Nhà Trắng khẳng định “Mỹ có lợi ích quốc gia tại Biển Đông, trong đó có tự do hàng hải, giải quyết các tranh chấp một cách hòa bình, tôn trọng luật pháp quốc tế và thương mại hợp pháp không bị cản trở. Mỹ từ lâu đã kêu gọi Trung Quốc và các bên tranh chấp khác theo đuổi yêu sách một cách hòa bình, không cưỡng ép và tuân thủ luật pháp quốc tế. Mỹ đã bày tỏ quan ngại trước các hành động của Trung Quốc, trong đó bao gồm việc triển khai giàn khoan HD - 981, đến các cấp lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc.”

Quan hệ các nước

Thái Lan và Trung Quốc nhất trí thúc đẩy quan hệ song phương. Ngày 22/12, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã có cuộc hội đàm với người đồng cấp Thái Lan Prayut Chan-o-cha đang ở thăm Bắc Kinh. Phát biểu trong cuộc gặp, Thủ tướng Lý Khắc Cường cho biết năm 2015 đánh dấu 40 năm ngày hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao, Bắc Kinh mong muốn thắt chặt hơn nữa mối quan hệ hợp tác, hữu nghị. Thủ tướng Lý Khắc Cường cho hay Trung Quốc sẵn sàng hợp tác với Thái Lan trong việc ký kết một thỏa thuận hợp tác Trung Quốc-ASEAN, nâng cấp khu vực tự do thương mại Trung Quốc-ASEAN hiện nay và thúc đẩy hợp tác biển. Về phần mình, Thủ tướng Prayut Chan-o-cha cam kết thúc đẩy quan hệ song phương, nhất trí sẽ hợp tác chặt chẽ với Trung Quốc nhằm thúc đẩy quan hệ ASEAN-Trung Quốc cũng như hợp tác khu vực.

Chủ tịch nước Việt Nam thăm Campuchia. Ngày 23/12, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam lên đường thăm cấp Nhà nước tới Vương quốc Campuchia từ ngày 23-24/12 theo lời mời của Quốc vương Campuchia Preah Bat Samdech Preah Boromneath Norodom Sihamoni. Trong thời gian 2 ngày, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng đoàn sẽ có các hoạt động thăm và làm việc cấp cao nhằm làm sâu sắc hơn mối quan hệ hữu nghị và hợp tác toàn diện giữa hai nước; trao đổi các biện pháp thiết thực tăng cường hợp tác song phương trong nhiều lĩnh vực như chính trị, an ninh, kinh tế, thương mại... trao đổi các vấn đề quốc tế, khu vực cùng quan tâm.

Việt - Trung cần kiểm soát tốt tình hình trên biển. Từ ngày 25-27/12/2014, Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch Ủy ban toàn quốc Hội nghị Hiệp thương chính trị nhân dân Trung Quốc Du Chính Thanh, đã sang thăm Việt Nam. Ngày 26/12, ông Du Chính Thanh đã tới chào Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng trong suốt 65 năm qua, quan hệ hai nước có lúc thăng, lúc trầm nhưng tinh thần hữu nghị và hợp tác luôn là dòng chảy chính. Về vấn đề trên biển, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị hai bên cần kiểm soát tốt tình hình, tránh không để nảy sinh vấn đề mới phức tạp, ảnh hưởng đến quan hệ hai nước; thúc đẩy các cơ chế đàm phán về vấn đề trên biển, nhất là triển khai Nhóm công tác về vùng biển ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ. Ông Du Chính Thanh cho biết mục đích chuyến thăm là nhằm góp phần tăng cường tin cậy chính trị và thúc đẩy hợp tác, giao lưu giữa hai Đảng, hai nước, đồng thời thúc đẩy hợp tác thực chất trên các lĩnh vực; phối hợp kiểm soát nhằm giữ ổn định tình hình trên biển, tăng cường hiểu biết và hữu nghị giữa nhân dân hai nước.

Phân tích và đánh giá

"Luật Quốc tế và Biển Đông" của Vũ Minh TrườngPhạm Trang

Việc Trung Quốc công bố tài liệu lập trường về vụ kiện của Philippines cho thấy nước này đang tiếp tục chính sách bác bỏ các phản đối dành cho yêu sách của họ cũng như từ chối để một hội đồng pháp lý giải quyết các tranh chấp. Quy phạm vẫn là khía cạnh quan trọng của tranh chấp Biển Đông. Các bên tranh chấp định hình những yêu sách của họ trong các bối cảnh quy phạm riêng biệt. Ví dụ minh họa là trong khi Trung Quốc viện dẫn khái niệm “vùng nước lịch sử” và tính hợp pháp lịch sử để chống lưng cho yêu sách bành trướng của họ thì các quốc gia ASEAN như Việt Nam, Philippines, hay Indonesia lại phản đối nó bằng UNCLOS.

Mặt khác, những diễn biến gần đây trên Biển Đông, bao gồm việc hạ đặt giàn khoan dầu của Trung Quốc tại quần đảo Hoàng Sa và nhiều công trình xây dựng đang diễn ra ở Trường Sa, cho thấy mỗi bên lại có một mức độ cam kết khác nhau trong việc duy trì hiện trạng. Nếu không có cơ sở đồng thuận, bất kỳ cuộc đàm phán nào cũng đang nằm trên một nền tảng mong manh.

Việc thiếu trật tự quy phạm ở Biển Đông sẽ mở đường cho sự bùng nổ pháp lý và học thuật trong năm 2015, bắt đầu bằng việc Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ công bố một báo cáo (Limits in the Sea – Các giới hạn trên biển) phân tích tình trạng pháp lý của yêu sách đường chín đoạn của Trung Quốc chỉ hai ngày trước khi Trung Quốc công bố thông cáo về tuyên bố lập trường của họ. Đây có thể được xem là một đòn tấn công mạnh mẽ và trực tiếp vào độ tin cậy và tính hợp pháp của yêu sách của Trung Quốc, cũng như sẽ là một cơ sở pháp lý có liên quan đến những tranh chấp trên Biển Đông.

Quan trọng hơn, bản báo cáo này cũng có thể được coi là đề xuất của Mỹ với các nước ASEAN về một “liên minh pháp lý” đối với vấn đề tự do hàng hải và việc giải quyết tranh chấp ở Biển Đông. Với sự bất đối xứng về sức mạnh với Trung Quốc, việc có Mỹ bảo vệ cho hiệu lực của các quy tắc và thủ tục hiện có, cùng với  giá trị của những nguyên tắc trong việc quản lý tranh chấp ở Biển Đông, là một tài sản vô giá, đặc biệt là khi tất cả các bên đang tìm kiếm ưu thế chính nghĩa.

Tuy nhiên, ưu tiên số một của ASEAN là giải quyết được những khác biệt trong nội bộ của họ. Những khác biệt này đã làm hạn chế những hành động phản đối Trung Quốc của ASEAN, cũng như hạn chế khả năng lôi kéo các cường quốc khác can dự vào việc giải quyết hoà bình các tranh chấp trên Biển Đông. Mục tiêu đầu tiên là sự hợp tác chiến lược giữa Việt Nam, Philippines, Malaysia, và Indonesia. Bốn quốc gia này cần xây dựng và thông qua một lập trường chung về các khía cạnh khác nhau của luật biển ở Biển Đông, như một phần trong nỗ lực liên tục nhằm bác bỏ sự hợp pháp của yêu sách đường chín đoạn của Trung Quốc. Đối với ASEAN, trong bối cảnh đang diễn ra một sự chuyển dịch quyền lực khu vực, phương pháp tiếp cận dựa trên quy phạm và pháp lý đã và sẽ vẫn là giải pháp khả thi nhất trong việc đối phó với các quốc gia lớn hơn.

"Chính trị nội bộ ASEAN: Pháp trị lên ngôi" của Ernest Bower

Khi Philippines thông báo vụ kiện đối với yêu sách của Trung Quốc vào tháng 1/2013, nhiều quốc gia ASEAN đã im lặng hay thậm chí bày tỏ lo ngại rằng Manila đang “đánh bạc” và nước này sẽ phải hứng chịu cơn thịnh nộ của Bắc Kinh. Suy nghĩ của các quốc gia Đông Nam Á đã thay đổi. Trong năm 2015, các quốc gia ASEAN nhiều khả năng sẽ có thêm những động thái ủng hộ cho vụ kiện của Philippines.

Điều đã thay đổi đó chính là niềm tin mà các quốc gia Đông Nam Á đặt vào chính sách Biển Đông của Bắc Kinh đã xói mòn. Lý do là bởi: i) các hành động của Trung Quốc; và ii) sự lo ngại ngày càng lớn của tầng lớp trung lưu tại Đông Nam Á – cộng đồng này đang ngày càng được mở rộng và ngày càng quan tâm nhiều hơn tới vấn đề chính trị - đối với ý đồ của Trung Quốc. (Ví dụ như việc Trung Quốc tiếp tục cứng rắn với việc chiếm Bãi cạn Scarborough, đơn phương tuyên bố vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) tại Biển Hoa Đông, đưa ra yêu sách đối với một thực thể chìm nằm tại vùng biển của Malaysia, và hạ đặt giàn khoan trong vùng thềm lục địa của Việt Nam).

Các chính phủ của ASEAN, vì ấn tượng với sự quyết tâm của Philippines trong vụ kiện phản đối yêu sách của Trung Quốc, đã bắt đầu chia sẻ công khai những gì mà họ thường chỉ nói phía sau cánh gà trong thời gian qua, ví dụ như việc họ đang rất lo ngại trước hành động bất tuân luật quốc tế trong tranh chấp Biển Đông của Trung Quốc. Ngay cả Singapore, nước đã từng có thể xây dựng một chính sách đối ngoại vô cùng thực dụng, hiện giờ cũng đang ngày càng bị ảnh hưởng bởi các làn sóng chính trị trong nước. 

Sự ủng hộ của ASEAN dành cho vụ kiện của Philippines đã bắt đầu trở nên rõ ràng hơn và đây là xu hướng mà chúng ta có thể mong đợi sẽ ngày càng trở nên mạnh mẽ trong năm 2015. Việt Nam đã gửi văn bản lên tòa trọng tài, trong đó phần nhiều là ủng hộ lập trường của Philippines, các nhà lãnh đạo chính trị tại Indonesia và Malaysia cũng bắt đầu bày tỏ lo ngại về các hành động và ý đồ của Trung Quốc tại Biển Đông. Sẽ có ngày càng nhiều hơn các quốc gia ASEAN lên tiếng khi mà thời điểm tòa đưa ra phán quyết cho vụ kiện của Philippines đang tới gần. 

"Hợp tác xác định các yêu sách Vùng Đặc quyền Kinh tế ở Biển Đông" của Lynn Kuok

Các bên có tuyên bố chủ quyền cần phối hợp xác định các yêu sách về Vùng Đặc quyền Kinh tế (EEZ) từ các đảo lớn nhất ở Biển Đông dựa trên nền tảng "không định kiến" - một cách thức để thoát ra khỏi tình trạng bế tắc chính trị và ngoại giao hiện nay. Đề xuất này được xây dựng dựa trên cơ sở một đề xuất trước đó của ông Robert Beckman và Clive Schofield, theo đó Trung Quốc cần xác định các yêu sách EEZ từ các đảo lớn nhất để các khu vực không có tranh chấp được xác định rõ ràng. Các khu vực không có tranh chấp là nơi mà các bên tranh chấp thuộc ASEAN có thể tiến hành các hoạt động mà không bị cản trở, cũng như các khu vực có yêu sách chồng lấn - nơi mà hoạt động khai thác chung có thể diễn ra, sẽ được xác định rõ ràng.

Xác định yêu sách EEZ từ những đảo lớn nhất là nhân tố bổ sung cho các kế hoạch nhằm quản lý xung đột bởi mọi yêu sách EEZ đều cần nhất trí về khu vực mà chúng được áp dụng quy chế. Quá trình cùng nhau xác định các yêu sách EEZ cũng có thể thúc đẩy lòng tin cần thiết cho những thỏa thuận hợp tác khác và khuyến khích các bên tranh chấp hạn chế các hoạt động khiêu khích đang làm gia tăng căng thẳng.

Việc thông qua đề xuất này sẽ cần sự thỏa hiệp và ý chí chính trị của tất cả các bên tranh chấp, khi mà chủ nghĩa dân tộc gia tăng đang làm phức tạp hóa vấn đề. Tuy nhiên, việc quay ngược bánh xe chủ nghĩa dân tộc, hay ít nhất là diễn giải lại về tinh thần dân tộc nên được thể hiện ra sao trong bối cảnh Biển Đông, là điều có thể làm được. Các bên tranh chấp trong ASEAN có lợi ích lớn khi chấp thuận đề xuất này vì họ đang ngày càng mất dần lợi thế trước Trung Quốc, đặc biệt trong bối cảnh xuất hiện các thông tin gần đây về các hoạt động cải tạo đất với quy mô lớn của Trung Quốc ở Quần đảo Trường Sa. 

Một sáng kiến chung nhằm làm rõ các yêu sách EEZ sẽ bao gồm các bước sau: i) các bên yêu sách công khai tuyên bố rằng xác định các yêu sách EEZ từ các đảo lớn nhất và bất kỳ sự phân định sau này giữa các EEZ chồng lấn là một "sự dàn xếp tạm thời có thể áp dụng trên thực tế" và sẽ không có ảnh hưởng tới quyết định cuối cùng về các tuyên bố chủ quyền hay sự phân định của đường biên giới trên biển; ii) các bên yêu sách chủ quyền cùng nhau chỉ định một nhóm các chuyên gia độc lập và thống nhất về các điều khoản tham chiếu; iii) các chuyên gia độc lập đi đến thỏa thuận về các tiêu chuẩn chung đối với việc xác định một hòn đảo có khả năng duy trì sự sống con người hay đời sống kinh tế hay không; iv) các chuyên gia thống nhất về cách tiếp cận đối với một thực thể đất mà trên đó các công trình đã được xây dựng; v) các chuyên gia độc lập xác định quy chế của các thực thể đất liền, cũng như đường cơ sở và quyền lợi trên biển mà chúng được hưởng; v) các bên yêu sách thống nhất về đường phân định trong trường hợp chồng lấn vùng EEZ sẽ là đường trung tuyến hay một đường nào đó chỉ cho các đảo này một phần hiệu lực.

"2015: Một năm với nhiều tín hiệu lạc quan cho Biển Đông?" của Nicholas Khoo

Trong một vài tuần trở lại đây, tình hình chính trị quốc tế tại Biển Đông đã cho thấy một số diễn biến khả quan. Tại cuộc gặp bên lề hội nghị APEC ở Bắc Kinh vào tháng 11, tổng thống Philippines Benigno Aquino tuyên bố đã có cuộc gặp “tâm đầu ý hợp” với Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào. Cũng tại hội nghị APEC, ông Tập gặp người đồng cấp phía Việt Nam, và hai bên cũng đã có những tín hiệu tốt đẹp tương tự sau cuộc gặp. Thú vị hơn, trong một bài xã luận trên tờ Jakarta Post cũng trong tháng 11, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đưa ra ý tưởng biến năm 2015 trở thành “năm Hợp tác trên biển giữa Trung Quốc-ASEAN”. Câu hỏi lớn dành cho các chuyên gia an ninh Châu Á trong năm 2015 đó là liệu bước chạy đà tích cực này có được các bên yêu sách duy trì hay không.

Không phải ngẫu nhiên mà bước chuyển này trong lập trường của Trung Quốc xuất hiện sau khi Mỹ và Philippines ký kết Hiệp định Hợp tác Quốc phòng Tăng cường (EDCA) trong chuyến thăm của ông Obama tới Manila năm 2014. Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Voltaire Gazmin cũng nói rằng từ khi EDCA được ký kết, các tàu hải quân Trung Quốc đã không còn quấy rối hoạt động tiếp tế của Hải quân Philippines cho một con tàu đang mắc cạn tại Bãi Cỏ Mây ở Biển Đông. 

Còn nhiều câu hỏi khác đang chờ được giải đáp trong năm 2015. Tòa trọng tài thường trực tại The Hague vẫn đang xem xét vụ kiện về tranh chấp lãnh thổ tại Biển Đông. Quyết định sẽ có vào cuối năm 2015 hoặc đầu năm 2016. Tòa sẽ đưa ra quyết định nào? Cùng với đó, các bên có liên quan có thể kết thúc quá trình đàm phán COC hay không? Nếu tình hình ngày càng tồi tệ, Mỹ có đứng ra ngăn cản các bên thực hiện các hành động có thể phá vỡ nguyên trạng tại khu vực hay không? 2015 hứa hẹn sẽ là một năm thú vị cho Biển Đông.

"Vì sao Bắc Kinh tỏ ra mềm mỏng hơn trong vụ Philippines bắt giữ ngư dân Trung Quốc?" của Lim Kheng Swe, Li Mingjiang

Tháng 11/2014, tòa án Philippines đã kết tội 9 ngư dân Trung Quốc đánh bắt trộm rùa biển gần Bãi Trăng Khuyết. Manila khẳng định vụ việc xảy ra trong Vùng Đặc quyền Kinh tế (EEZ) của mình. Do vậy, các ngư dân Trung Quốc bị phạt 102.000 USD/người hoặc phải chịu án tù đến tháng 5/2015. Điều đáng nói là Trung Quốc cũng yêu sách chủ quyền đối với bãi cạn này. Tuy nhiên, Bắc Kinh đã khá kín tiếng trước việc bắt giữ, xét xử và kết án của Philippines bất chấp thực tế giới lãnh đạo Trung Quốc từng thể hiện quyết tâm mạnh mẽ trong việc bảo vệ lợi ích ở Biển Đông của mình. Cách tiếp cận này là rất khác so với lập trường cứng rắn của Bắc Kinh trước Nhật Bản năm 2010, khi lực lượng tuần duyên của Nhật bắt giữ một thuyền trưởng tàu cá Trung Quốc tại vùng biển Senkaku/Điếu Ngư đang có tranh chấp.

Vấn đề là tại sao? Rõ ràng, trong vụ việc giữa Nhật và Trung Quốc, “vấn đề lịch sử” có ảnh hưởng rất lớn tới phản ứng của Trung. Dường như giới chức Trung Quốc "cảm thấy" an toàn hơn khi cho rằng việc thể hiện lập trường bớt cứng rắn sẽ không kích động mạnh mẽ chủ nghĩa dân tộc ở trong nước.

Tuy nhiên, còn nhiều yếu tố khác nữa. Sự kiện nhỏ này cho thấy Trung Quốc có thể đang thay đổi giọng điệu của mình ở Biển Đông. Có thể do 4 lý do sau: i) nhiều nhân vật trong giới lãnh đạo Trung Quốc có thể "ngầm thừa nhận" yêu sách chủ quyền của họ ở Biển Đông - vốn mập mờ ở nhiều khía cạnh - có nhiều điểm yếu. Bắc Kinh thừa hiểu, theo luật pháp quốc tế, sẽ là không thực tế khi đưa ra yêu sách chủ quyền đối với toàn bộ vùng biển nằm trong cái gọi là "Đường chín đoạn", bất chấp lợi ích của các nước láng giềng Đông Nam Á; ii) sự việc nhỏ như vậy xảy ra rất thường xuyên trên Biển Đông; iii) Philippines đã đệ đơn kiện lên tòa án quốc tế về tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông. Dù không chính thức thừa nhận tiến trình pháp lý này, song Bắc Kinh không muốn gây thêm căng thẳng, điều có thể tác động đến vụ kiện đó. Ưu tiên hàng đầu của Trung Quốc là khiến tòa án quốc tế từ bỏ vụ kiện. Bắc Kinh có thể lo ngại rằng một cách tiếp cận "lớn tiếng và vụng về" trong vụ ngư dân bị bắt giữ sẽ chỉ có lợi cho Manila; iv) Trung Quốc đang tìm cách hàn gắn quan hệ với các nước thuộc ASEAN sau nhiều năm căng thẳng liên quan đến tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông. 

Trung Quốc đang gặp phải tình thế "tiến thoái lưỡng nan" ở Biển Đông. Nếu thực hiện yêu sách chủ quyền một cách quyết liệt, Bắc Kinh có nguy cơ phá hỏng quan hệ với các nước láng giềng, ảnh hưởng đến sự ổn định của khu vực. Tuy nhiên, nếu không làm vậy, Trung Quốc sẽ thể hiện sự thiếu nhất quán trong việc phản đối hành động bắt giữ các ngư dân Trung Quốc. Điều này cũng đồng nghĩa với việc Bắc Kinh sẽ tự làm suy yếu yêu sách của họ tại Biển Đông.