Động thái của các quốc gia

+ Trung Quốc:

Trung Quốc đề xuất tập trận chung thường xuyên với ASEAN. Hãng Kyodo dẫn nguồn tin trong giới ngoại giao ASEAN cho hay Bắc Kinh đồng thời đề nghị các nước ASEAN không tiến hành các cuộc tập trận chung với nước ngoài mà không báo trước cho các quốc gia khác trong khu vực. Trước đó, ASEAN - Trung Quốc đã tập trận mô phỏng ở căn cứ hải quân Changi  vào đầu tháng 8 và dự kiến sẽ diễn tập trên biển ở Trung Quốc vào tháng 10.

+ Việt Nam:

Việt Nam phản đối Đài Loan diễn tập bắn đạn thật ở Biển Đông. Tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao ngày 23/8, Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Nguyễn Phương Trà cho biết việc Đài Loan diễn tập bắn đạn thật ở vùng biển quanh đảo Ba Bình thuộc quần đảo Trường Sa đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, đe dọa an ninh, an toàn hàng hải và hàng không trong khu vực, gây phức tạp tình hình. Bà Nguyễn Phương Trà nhấn mạnh, “Việt Nam kiên quyết phản đối hành động nêu trên và yêu cầu Đài Loan chấm dứt ngay các hành động này, không tiếp diễn các hành động tương tự trong tương lai”. Về thông tin Philippines mới đây bày tỏ quan ngại khả năng Trung Quốc đưa vũ khí hạt nhân ra các tiền đồn trên những đảo nhân tạo ở Biển Đông, bà Nguyễn Phương Trà nêu rõ: “Việt Nam cho rằng duy trì hòa bình ổn định, an ninh an toàn hàng hải và hàng không ở Biển Đông là lợi ích chung và là nghĩa vụ của các nước trong khu vực và trên thế giới. Vì vậy, các bên liên quan đều có nghĩa vụ đóng góp cho mục tiêu này”.

+ Philippines:

Philippines cảnh báo Trung Quốc nếu đơn phương khai thác dầu khí. Phát biểu trước các thị trưởng tại thành phố Cebu, Philippines hôm 21/8, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte tuyên bố, Tôi đã nói với Ngài Tập Cận Bình rằng chúng tôi cũng có tuyên bố chủ quyền. Chúng tôi có phán quyết của Tòa Trọng tài. Nhưng tôi sẽ không nhất quyết đòi thực thi phán quyết vì làm vậy có thể dẫn đến chiến tranh. Tuy nhiên, hãy lưu ý rằng một ngày nào đó trong nhiệm kỳ, tôi sẽ khẳng định phán quyết”. Tổng thống Duterte cho hay sẽ không lãng phí thời gian tranh cãi với những chỉ trích nói ông không làm gì khi Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông tuy nhiên, “Nếu Trung Quốc giành độc quyền khai thác dầu mỏ thì sẽ có rắc rối.” Đây là lần thứ ba trong vòng chưa đầy 2 tuần lãnh đạo Manila có phát ngôn gay gắt với Bắc Kinh.

Philippines nghiên cứu kế hoạch mua khí tài của Nga. Trả lời phỏng vấn bên lề một diễn đàn quân sự tại Nga hôm 23/8, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana cho biết Chính phủ Philippines đang xem xét kế hoạch mua sắm trực thăng, một số máy bay huấn luyện và tàu ngầm từ Nga. Một nhóm chuyên gia của lực lượng Không quân Philippines sẽ tới Moscow để tìm hiểu và đưa ra các kiến nghị về việc mua sắm trang bị này. Theo một nguồn tin nội bộ, Manila cũng đang nghiên cứu về một hợp đồng súng phóng lựu từ công ty Rosoboronexport của Nga trị giá 400 triệu Peso (khoảng gần 8 triệu USD). Tuy nhiên, nếu hợp đồng này thành hiện thực thì Philippines có thể sẽ phải đối mặt với lệnh trừng phạt do Mỹ thực hiện đối với các quốc gia có mua bán vũ khí với Nga.

Philippines lo ngại về nguy cơ vũ khí hạt nhân ở Biển Đông. Phát biểu trong cuộc họp báo ngày 23/8, người phát ngôn của Tổng thống Philippines ông Harry Roque cho hay, “Chúng tôi quan ngại sự xuất hiện của mọi loại vũ khí hạt nhân trong vùng biển của Philippines. Hiến pháp của chúng tôi quy định đây là vùng phi hạt nhân." Ông Roque đồng thời khẳng định các nước ASEAN đã ký hiệp ước tuyên bố khu vực Đông Nam Á là vùng không có vũ khí hạt nhân. Về việc liệu Tổng thống Duterte có thay đổi giọng điệu với Trung Quốc khi chỉ trích các cảnh báo radio của Trung Quốc nhằm vào máy bay tuần tra của Philippines gần đây, Người Phát ngôn Roque cho biết Tổng thống Duterte luôn nhất quán rằng việc công khai khiêu chiến với Trung Quốc sẽ không mang lại lợi ích vì điều này là phản tác dụng. Theo ông Harry Roque, quan điểm của Philippines vẫn là không từ bỏ chủ quyền, thúc đẩy các vấn đề có thể tìm được sự thống nhất và giữ nguyên hiện trạng trong các vấn đề chưa tìm được tiếng nói chung.

Tổng thống Philippines nói Mỹ không thực sự là bạn. Trong bức thư gần đây gửi Tổng thống Duterte, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis và Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross nhấn mạnh “mối quan hệ đối tác lâu dài được xây dựng trên nền tảng lịch sử và các giá trị” của Mỹ và Philippinesđề xuất có thể gặp trực tiếp ông Duterte nhằm thuyết phục Manila mua vũ khí của Washington. Đáp lại trong một bài phát biểu tại thành phố Davao ngày 24/8, ông Duterte cho rằng, “Thật khó để nói chúng ta là bạn. Chúng ta là bạn nhưng bởi Mỹ đã biến Philippines thành thuộc địa nhiều năm trước. Đó không phải là một tình bạn có được sự đồng thuận và hài lòng từ các bên. Đó là tình bạn mà Mỹ áp đặt lên Philippines”. Ông Duterte cũng nói rằng Mỹ chỉ thường bán cho Manila các vũ khí tân trang, đã qua sử dụng, đồng thời tỏ ý hoài nghi về chất lượng. Trong thương vụ mua 6 chiếc trực thăng mà Mỹ nói rằng đã được tân trang lại sau khi phục vụ trong quân đội NATO, 3 trong số 6 chiếc đã bị rơi, khiến các binh sĩ Manila thiệt mạng.

.......

Bản PDF tại đây