Động thái của các quốc gia

+ Trung Quốc:

Trung Quốc đẩy mạnh hoạt động du lịch trái phép. Tập đoàn vận tải Trung Quốc COSCO chuẩn bị ra mắt các tuyến du lịch trên Biển Đông vào tháng tới. Trong đó, tuyến đầu tiên bắt đầu từ Tam Á tới quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Chủ tịch COSCO cho biết: “Đây là động thái nhằm thúc đẩy kinh tế địa phương thông qua phát triển du lịch, vận tải và cơ sở hạ tầng”. Tháng Tư vừa qua, công ty vận tải này đã ký hợp đồng với Tập đoàn dịch vụ Du lịch Quốc gia Trung Quốc và Công ty Xây dựng Viễn thông để thành lập một công ty cung cấp dịch vụ du lịch tàu biển.

Trung Quốc ca ngợi lập trường Campuchia về Biển Đông. Về bình luận hôm 20/6 của Thủ tướng Campuchia Hun Sen liên quan đến vụ kiện của Philippines, Phát ngôn viên Bộ ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh ngày 21/6 tuyên bố: “Trung Quốc hết sức hoan nghênh và cảm ơn phát biểu của Thủ tướng Hun Sen tại lễ tốt nghiệp Học viện hành chính quốc gia Campuchia. Tôi muốn tái khẳng định Trung Quốc không chấp nhận bất cứ giải pháp nào mang tính áp đặt hay đơn phương sử dụng cơ chế giải quyết của bên thứ ba. Trung Quốc cam kết giải quyết tranh chấp thông qua đàm phán trực tiếp giữa các bên liên quan trên cơ sở tôn trọng sự thật lịch sử và phù hợp với luật pháp.” Về việc tờ Wall Street Journal mới đây khẳng định chỉ 8 nước công khai ủng hộ lập trường của Trung Quốc về vụ kiện, bà Hoa cho hay: “Chúng tôi biết rằng một số cơ quan truyền thông phương Tây thường đổi trắng thay đen nhưng đến nay mới biết họ còn gặp vấn đề trong việc làm các phép tính. Như chúng ta đều biết, ngày càng có nhiều quốc gia sau khi hiểu vấn đề lịch sử và bản chất vụ kiện, đã công khai ủng hộ lập trường Trung Quốc bằng văn bản; một số khác thì ủng hộ bằng tuyên bố. Một số tuyên bố được đưa tin, số khác thì không. Gần đây có thêm Zambia, Cameroon, Ethiopia, Malawi đã bày tỏ sự ủng hộ lập trường của Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông.”

Trung Quốc phát hiện băng cháy dưới Biển Đông. Tờ Guangzhou Daily hôm 26/6 đưa tin cơ quan Khảo sát Địa chất Trung Quốc đã phát hiện mỏ băng cháy ở đáy biển sâu, gần lòng chảo Châu Giang. Khu vực này có thể chứa 100 - 150 tỷ m3 khí thiên nhiên. Phát hiện mới nhất ở phía tây của lòng chảo hé lộ một vành đai rộng 350 km2 với những suối nước lạnh dưới mực nước biển 1.350-1.430 m. Trung Quốc sử dụng một tàu lặn điều khiển từ xa có tên gọi “Cá ngựa” cho hoạt động thăm dò này.

+ Việt Nam:

Việt Nam nêu vấn đề Biển Đông tại Hội nghị các nước UNCLOS. Phát biểu tại hội nghị trên ngày 23/6, Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại Liên Hợp Quốc Đại sứ Nguyễn Phương Nga bày tỏ quan ngại về những diễn biến phức tạp gần đây ở Biển Đông, đặc biệt là các hoạt động cải tạo và xây dựng quy mô lớn làm thay đổi tính chất tự nhiên của một số cấu trúc ở Biển Đông, các hoạt động quân sự hóa, gây xói mòn lòng tin, gia tăng căng thẳng, ảnh hưởng nghiêm trọng tới hòa bình, ổn định và an ninh trong khu vực. Trưởng đoàn Việt Nam kêu gọi các bên liên quan cần chấm dứt ngay các hành động làm thay đổi nguyên trạng, phá hoại môi trường biển và làm phức tạp thêm tình hình Biển Đông.

Việt Nam yêu cầu Trung Quốc chấm dứt hoạt động du lịch Hoàng Sa. Về việc Trung Quốc tiếp tục tiến hành xây dựng và đưa vào sử dụng một số công trình ở quần đảo Trường Sa, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình ngày 24/6 khẳng định: “Việt Nam có chủ quyền không tranh cãi đối với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Việc Trung Quốc xây dựng, đưa vào sử dụng trái phép các công trình trên các đá, bãi tại khu vực quần đảo Trường Sa hay tổ chức các tuyến du lịch ra quần đảo Hoàng Sa đều xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam. Những hành động phi pháp như vậy không thể làm thay đổi sự thực về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo này. Việt Nam kiên quyết phản đối và yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam, chấm dứt ngay các hoạt động sai trái nêu trên.”

+ Indonesia:

Indonesia khẳng định không có yêu sách biển chồng lấn với Trung Quốc. Trước việc Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 20/6 tuyên bố nước này và Indonesia không có tranh chấp lãnh thổ nhưng tồn tại một số yêu sách chồng lấn về “quyền và lợi ích biển”, Ngoại trưởng Indonesia bà Retno Marsudi tuyên bố: “Chúng tôi đã tuyên bố rõ ràng rằng các yêu sách chỉ có thể dựa trên luật pháp quốc tế. Đối với Indonesia, chúng tôi không bất kỳ yêu sách chồng lấn nào với Trung Quốc ở các vùng biển Indonesia”. Theo bà Marsudi, cho hay quan hệ hai nước vẫn tốt đẹp.

Indonesia sẽ đánh chìm 30 tàu cá nước ngoài đánh bắt trái phép. Ngày 21/6, Bộ trưởng về Biển và Nghề cá Indonesia Susi Pudjiastuti cho biết 30 tàu cá nước ngoài trên có liên quan tới các hoạt động đánh bắt cá trái phép, không báo cáo và không đăng ký, bị đơn vị hỗn hợp gồm Bộ Biển và Nghề cá, Hải quân và Cảnh sát biển Indonesia bắt giữ. Những tàu này sẽ bị đánh chìm trong các ngày 9-10/7 tới. Theo Bộ trưởng Susi Pudjiastuti, Indonesia đã đánh chìm tổng cộng 176 tàu cá nước ngoài trên khắp nước này kể từ tháng 10/2015.

Indonesia bóc trần chiêu bài của Trung Quốc trên Biển Đông. Phát biểu trong một cuộc họp báo hôm 21/6, Tư lệnh Hạm đội Tây Indonesia, Chuẩn Đô đốc A. Taufiq R. khẳng định, “Việc Trung Quốc đánh bắt trộm cá của chúng ta chỉ là một cái cớ, thực chất đó là một động thái để củng cố yêu sách chủ quyền. Khi bạn tuyên bố chủ quyền ở một vùng lãnh thổ, bạn phải duy trì sự hiện diện ở đó, trong trường hợp của Trung Quốc đó là triển khai tàu đánh cá”. Phát biểu trên của ông Taufiq được đưa ra vài ngày sau khi tàu hải quân Indonesia bắt giữ một tàu Trung Quốc và toàn bộ thành viên thủy thủ đoàn. Trước đó hôm 20/6, Phó tổng thống Indonesia Jusuf Kalla tuyên bố Indonesia muốn gửi một thông điệp tới Trung Quốc, yêu cầu nước này tôn trọng chủ quyền của Indonesia đối vùng biển quanh quần đảo Natuna, “Đây không phải là một vụ va chạm mà chúng tôi đang bảo vệ khu vực này”. Ông Kalla cũng khẳng định Indonesia sẽ tiếp tục có hành động cứng rắn hơn.

Tổng thống Indonesia Joko Widodo thăm đảo ở Biển Đông. Ngày 23/6, Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã đến thăm quần đảo Natuna trên một tàu chiến. Tháp tùng ông Widodo trong chuyến thăm này có Bộ trưởng An ninh, Chính trị Luhut Pandjaitan và Ngoại trưởng Retno Marsudi. Tổng thống Widodo có ý định tổ chức một cuộc họp ngay trên tàu chiến, bàn về kế hoạch phát triển các đảo xa. Bộ trưởng An ninh Luhut Panjaitan cho biết, chuyến thăm gửi đi “thông điệp rõ ràng” về việc nước này cực kỳ coi trọng vấn đề bảo vệ chủ quyền, “Trong lịch sử, chúng tôi chưa bao giờ cứng rắn như thế. Điều này cũng cho thấy rằng ngài tổng thống không hề coi nhẹ vấn đề này”.

+ Campuchia:

Campuchia tuyên bố vụ kiện của Philippines là 'âm mưu chính trị'. Thủ tướng Campuchia Hun Sen ngày 20/6 đã bác bỏ thông tin Campuchia bị Trung Quốc thao túng để khiến ASEAN không đưa ra được tuyên bố chung trong hội nghị bộ trưởng ngoại giao ASEAN - Trung Quốc mới đây tại Côn Minh, “Những cáo buộc này là không thể chấp nhận được. Điều đó bất công với Campuchia. Một số nước đã sử dụng Campuchia để chống Trung Quốc”. Ông Hun Sen cũng chỉ trích vụ kiện trọng tài của Philippines, “Đây không phải là luật pháp, hoàn toàn là mục đích chính trị. Tôi sẽ không ủng hộ bất kỳ phán quyết nào của toà”. Đảng Nhân dân Campuchia (CPP) ngày 22/6 cũng ra tuyên bố ủng hộ lập trường của Thủ tướng Hun Sen và khẳng định Campuchia không ủng hộ phán quyết sắp tới của Tòa Trọng tài về vụ kiện. Ngoài ra tuyên bố cũng cho hay, “CPP phủ nhận bất kỳ cáo buộc không công bằng nào cho rằng Campuchia cản trở việc ASEAN ban hành một thông cáo chung về vấn đề Biển Đông, cả ở Côn Minh cũng như hồi năm 2012”.

+ Mỹ:

Khu trục hạm của Mỹ tiến hành tuần tra Biển Đông. Tàu khu trục USS Spruance đang tuần tra thường kỳ ở Biển Đông, nhằm hỗ trợ an ninh và sự ổn định trên biển ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Sĩ quan chỉ huy Manuel Hernandez của tàu hôm 20/6 cho hay, “Trong hai tuần qua, chúng tôi hoạt động ở Đông Thái Bình Dương cùng tuần duyên Mỹ và các đối tác ở Thái Bình Dương và hiện tàu đang thực hiện chiến dịch ở Biển Đông.” Theo ông Hernandez, “Khả năng tham gia linh hoạt nhiều nhiệm vụ chứng tỏ năng lực của Mỹ trong việc thực hiện hàng loạt chiến dịch trên phạm vi rộng lớn ở đại dương.”

Hải quân Mỹ gửi thông điệp cứng rắn về Biển Đông. Phát biểu tại Trung tâm An ninh Mỹ Mới hôm 20/6, Đô đốc hải quân Mỹ John Richardson cho hay việc Mỹ điều động hai tàu sân bay (Tàu USS John C. Stennis và USS Ronald Reagan diễn tập cuối tuần qua ở vùng biển phía Đông Philippines) đến cùng một vùng biển là điều hiếm gặp, “Chúng tôi hy vọng thông điệp này truyền tải rõ ý định ngăn chặn bất ổn”. Theo Đô đốc Richardson, hoạt động cải tạo đất quy mô lớn và quân sự hóa của Trung Quốc có khả năng đe dọa hoạt động lưu thông trong khu vực và Mỹ “buộc phải phản ứng.” Ông Richardson cũng nhắc đến việc Mỹ điều động thêm tàu sân bay thứ hai đến Địa Trung Hải, khu vực Mỹ đang lo ngại về sự tăng cườg hiện diện của Nga.

Mỹ cảnh báo Trung Quốc không khiêu khích trên Biển Đông. Phó Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách khu vực Đông Á bà Colin Willett ngày 22/6 đã cảnh báo Trung Quốc về bất kỳ hành động khiêu khích nào sau khi Tòa đưa ra phán quyết. Bà Willet khẳng định Mỹ có rất nhiều lựa chọn để đáp trả bất kỳ động thái nào của Trung Quốc tại Biển Đông, “Mỹ có lợi ích quốc gia rõ ràng ở khu vực này. Chúng tôi có nghĩa vụ đảm bảo các cam kết quốc phòng và sát cánh cùng các đồng minh an ninh trong khu vực. Mỹ đang hợp tác cùng các đồng minh và đối tác để duy trì một mặt trận thống nhất.”

+ Nga:

Nga tuyên bố căng thẳng Biển Đông là do thế lực bên ngoài. Phát biểu trong một cuộc phỏng vấn hôm 21/6, Đại sứ Nga tại Trung Quốc ông Andrei Denisov cho biết căng thẳng hiện nay trên Biển Đông liên quan trực tiếp tới sự can thiệp của nước bên ngoài khu vực, “Những cáo buộc hay nghi ngờ do một số nước dựng lên về việc Trung Quốc đe dọa tự do hàng hải ở Biển Đông đều là ngụy tạo và không có cơ sở thực tế. Đa số hoạt động vận tải hàng hóa của Trung Quốc diễn ra trên biển do đó Bắc Kinh là bên quan tâm đến việc đảm bảo  tự do hàng hải hơn bất kì ai”. Theo ông Denisov, “Quan điểm của Nga là hợp lý và tương đối rõ ràng. Chúng tôi kêu gọi giải quyết tranh chấp bằng biện pháp đàm phán giữa các quốc gia trực tiếp liên quan”.

Quan hệ các nước

Nhật Bản - Mỹ - Ấn Độ khẳng định hợp tác về an ninh biển. Tham dự cuộc họp ngày 21/6 ở Tokyo, các quan chức ngoại giao cấp cao của ba nước chia sẻ quan điểm rằng hợp tác thông qua cuộc tập trận hải quân chung vừa kết thúc sẽ đóng góp cho hòa bình và ổn định tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Bên cạnh đó, các quan chức ba nước cũng cam kết phối hợp trong hoạt động xây dựng cơ sở hạ tầng tại khu vực Nam Á, nỗ lực cứu hộ thiên tai và viện trợ nhân đạo.

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh hội đàm với Bộ trưởng Cao cấp Campuchia. Sáng 22/6 tại Hà Nội, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh đã có cuộc hội đàm với Bộ trưởng Cao cấp Bộ Ngoại giao và Hợp tác quốc tế Campuchia Prak Sokhonn. Hai bên đã đánh giá cao và nhất trí tiếp tục tăng cường quan hệ hợp tác, phối hợp lập trường giữa hai nước tại các diễn đàn khu vực và quốc tế. Về vấn đề Biển Đông, hai bên nhất trí việc giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, phù hợp với các nguyên tắc được thừa nhận rộng rãi của luật pháp quốc tế bao gồm UNCLOS năm 1982; thực hiện DOC và sớm tiến tới COC.

Nga - Trung nhấn mạnh tầm quan trọng của luật pháp quốc tế. Trong chuyến thăm Trung Quốc của Tổng thống Nga Putin ngày 25/6, hai bên đã ra “Tuyên bố Trung – Nga thúc đẩy luật pháp quốc tế”. Theo đó, “hai nước tái khẳng định các nguyên tắc giải quyết hòa bình tranh chấp. Cần duy trì trật tự luật pháp quốc tế, theo đó các cơ chế và cách thức giải quyết tranh chấp dựa trên sự đồng thuận cùng thiện chí và tinh thần hợp tác; mục tiêu này không nên bị ảnh hưởng bởi các hàng vi lạm dụng. Nga - Trung nhấn mạnh tầm quan trọng của UNCLOS 1982 trong việc duy trì luật pháp liên quan tới các hoạt động trên biển. Điều tối quan trọng là các quy định của công ước này cần áp dụng một cách nhất quán, không làm suy yếu các quyền và lợi ích hợp pháp của các bên tham gia, đồng thời không tổn hại tới tính toàn vẹn của thế chế pháp lý công ước thiết lập.”

Chiến đấu cơ Indonesia bay chặn máy bay quân sự Malaysia. Một quan chức quốc phòng giấu tên của Malaysia ngày 26/6 cho biết một máy bay vận tải quân sự C-130 của nước này, trong khi bay theo lộ trình bình thường qua khu vực quần đảo Natuna của Indonesia, đã bị hai chiến đấu cơ Indonesia chặn lại. Chiếc C-130 hôm 25/6 khởi hành từ phía Tây Malaysia để tới bang Sabah ở phía Đông nước này. Tuy nhiên hôm 27/6, Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Hishammuddin Hussein: “Cần phải nói rằng chiếc MEGA 207 không bị không quân Indonesia ngăn chặn. Phía Indonesia chỉ tiến hành hoạt động nhận diện đơn thuần đối với máy của Malaysia”.

Phân tích và đánh giá

Tranh cãi nội bộ Trung Quốc về vấn đề Biển Đông” của Feng Zhang

Thực tế là không phải tất cả giới hoạch định chính sách của Trung Quốc đều biết họ muốn gì ở Biển Đông. Có ba trường phái quan điểm về Biển Đông trong chính giới Trung Quốc:

Phái thực tế cho rằng chính sách cơ bản của Trung Quốc đối với Biển Đông hiện nay là phù hợp và không cần thay đổi. Sẽ có những tổn thất đối với đối ngoại và hình ảnh quốc gia khi theo đuổi chính sách này, nhưng sự hiện diện thực tế của Trung Quốc ở Biển Đông quan trọng hơn vấn đề hình ảnh ở nước ngoài. Quyền lực thực tế mới là yếu tố quyết định trong chính trị quốc tế chứ không phải hình ảnh quốc gia, danh tiếng và luật pháp quốc tế. Tuy nhiên, phái này không chắc cần phải làm gì với những cấu trúc mới xây dựng. Đây là trường phái chủ đạo trong giới lãnh đạo Trung Quốc hiện nay.

Phái cứng rắn có chung lập luận với phái thực tế nhưng đi xa hơn trong việc trả lời những câu hỏi mà phái thực tế chưa trả lời được. Dựa trên chủ nghĩa dân tộc cực đoan, phái này cho rằng Trung Quốc không chỉ cần hiện diện trên Biển Đông thông qua việc xây dựng các cấu trúc nhân tạo mới mà còn cần mở rộng hơn nữa lãnh thổ và sức mạnh quân sự. Cần biến các cấu trúc thành những căn cứ quân sự cỡ nhỏ, giành quyền kiểm soát một vài hoặc tất cả các cấu trúc mà nước khác đang quản lý, biến đường chín đoạn thành một đường biên giới thực sự, khẳng định hầu hết Biển Đông là vùng lãnh hải của Trung Quốc. Phái cứng rắn không quan tâm tới sự quan ngại của cộng đồng quốc tế, chỉ muốn đạt được lợi ích tối đa. Tư tưởng của phái này không chiếm ưu thế trong giới quyết sách của Trung Quốc nhưng tập trung trong quân đội và các lực lượng chấp pháp. Do đó, giới lãnh đạo không thể dễ dàng bỏ qua phái này do lo ngại sự phản đối của họ sẽ khiến mọi việc nằm ngoài tầm kiểm soát.

Phái ôn hòa cho rằng đã đến lúc Trung Quốc cần điều chỉnh chính sách theo hướng làm rõ ràng mục đích của mình trên Biển Đông. Các chính sách hiện tại của Trung Quốc làm quốc tế mất lòng tin và lo lắng, do đó cần từng bước làm rõ đường chín đoạn, không để đường chín đoạn trở thành một gánh nặng lịch sử và một chướng ngại vật trong việc hướng tới các thoả thuận ngoại giao. Tuy nhiên, phái này thiếu một chiến lược thay thế rõ ràng và hiệu quả trong vấn đề Biển Đông.

Tuy có khác biệt nhưng cả ba phái đều chia sẻ một điểm đồng thuận tối quan trọng, đó là cần phải cải tạo đảo, đá trên Biển Đông.

Như vậy, trừ phái cứng rắn đã có một câu trả lời ngắn gọn và đầy bất ổn, phần còn lại của Trung Quốc vẫn đang tranh luận chiến lược tiếp theo là gì. Đây là một điểm quan trọng vì cho thấy chính sách của Trung Quốc đối với Biển Đông vẫn còn có thể điều chỉnh. Cộng đồng quốc tế, nhất là Mỹ và ASEAN, nên tạo những điều kiện thuận lợi để định hình chính sách của Trung Quốc theo hướng hoà giải và hợp tác hơn. Họ nên giúp nâng cao tầm quan trọng của phái ôn hoà trong giới quyết sách Trung Quốc, biến quan điểm này từ một ý kiến thiểu số thành đồng thuận đa số. Về phần mình, Trung Quốc cần sớm minh bạch chính sách với các nước láng giềng và Mỹ.

Sự hỗn loạn ở Côn Minhcủa Nick Bisley

Cuộc họp giữa bộ trưởng các nước ASEAN thường bàn về những vấn đề tương đối “gây buồn ngủ”. Tuy nhiên, không hề có khả năng cuộc họp thượng đỉnh Ngoại trưởng ASEAN-Trung Quốc được tổ chức mới đây ở Côn Minh đi theo kịch bản thông thường. Khi Ngoại trưởng các nước ASEAN trước đó ra tín hiệu rằng họ không chỉ muốn bàn về vấn đề Biển Đông, mà còn lên kế hoạch đưa ra một tuyên bố chung - thể hiện rõ quan điểm của họ bằng ngôn từ - có khả năng đã xảy ra một sự bất hòa. Và mối bất hòa này đã được lộ ra. 

Rất ít người dự đoán rằng các quốc gia Đông Nam Á, cả những nước có và không có tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông, sẽ phản ứng mạnh mẽ về các hành động của Trung Quốc như những gì ghi trong bản tuyên bố chung của ASEAN được đưa ra, và ngay sau đó bị rút lại.

Theo nhiều nguồn thông tin, Bộ Ngoại giao Malaysia đã chuẩn bị một bản tuyên bố trước cuộc họp, phần lớn ám chỉ Bắc Kinh không hề phản đối. Hiện vẫn chưa rõ mục đích cụ thể của tuyên bố này nhưng nó đã được công bố và sau đó bị nhanh chóng thu hồi. Bộ Ngoại giao các nước chủ chốt, như Trung Quốc, Indonesia, Malaysia và Singapore, đều đưa ra các tuyên bố khác nhau, cố gắng thể hiện quan điểm xoay quanh nội dung của tuyên bố này, cũng như việc rút lại tuyên bố. 

Như vậy chúng ta có thể nhận ra điều gì sau sự kiện này? 

Điều rõ ràng nhất đó là các hành động của Trung Quốc cho thấy họ không thực sự thay đổi chiến lược cơ bản của họ với các nước ASEAN trong tranh chấp này. Trung Quốc dường như đã đánh giá thấp mức độ mà các nước thành viên ASEAN tỏ ra tức giận trước hành vi của mình. Trung Quốc cũng dường như bất ngờ bởi sự bất lực của họ trong việc kiểm soát cả các sự kiện cũng như các diễn biến theo cách mà họ quen làm ở sân nhà. 

Trung Quốc từ lâu đã cố thuyết phục cả các bên có tuyên bố chủ quyền và ASEAN rằng tranh chấp này liên quan đến những bất đồng song phương riêng biệt và bởi vậy nó không nằm trong tổng thể quan hệ ASEAN-Trung Quốc. Việc không đưa ra tuyên bố chung cho thấy Trung Quốc đang thua trong trận chiến này. Ngoại trưởng các nước ASEAN không chỉ phản đối hành vi của Trung Quốc mà còn như đã thấy qua việc không có tuyên bố chung được đưa ra, họ đồng thời bác bỏ định nghĩa của Trung Quốc về tranh chấp này, và thay vào đó coi đây là vấn đề làm tổn hại đến quan hệ giữa ASEAN và Trung Quốc. Lý do của việc rút lại tuyên bố, tất nhiên là bởi đây là động thái “đi quá xa” đối với một số thành viên, đặc biệt là Lào và Campuchia.

Cuộc họp này cũng gợi nhắc chúng ta rằng tranh chấp Biển Đông là phép thử tính hiệu quả của những phương cách quản lý trật tự thế giới cũ của châu Á. Châu Á đã trở lại thời kỳ của những bất đồng, không chỉ về vấn đề ai sở hữu thực thể nào trên Biển Đông, mà còn về cấu trúc ngầm và mục đích của trật tự thế giới của khu vực. 

Thăm dò dư luận của Viện Lowy: Ba phần tư người Úc ủng hộ thực hiện tự do hàng hải để thách thức đối với sự mở rộng quân sự của Trung Quốc tại Biển Đông”

Theo kết quả thăm dò hàng năm của Viện Lowy, 3/4 người Úc cho rằng Hải quân Úc cần theo Mỹ trong việc thách thức các hoạt động quân sự mở rộng của Bắc Kinh tại các vùng tranh chấp ở Biển Đông thông qua việc thực hiện các hoạt động tự do hàng hải.

Tuy nhiên, kết quả thăm dò cũng cho thấy sự phức tạp trong mối quan hệ của Úc với đối tác thương mại lớn nhất với việc Trung Quốc được nhìn nhận là “người bạn tốt nhất Châu Á” (30%), trên Nhật Bản (25%); quan hệ với Trung Quốc quan trọng như quan hệ với đồng minh lâu năm Mỹ (cả hai đều được 43%).

Sự thúc đẩy ngoại giao quyền lực mềm của Trung Quốc đã tạo ra “sự thân thuộc đang tăng lên” với người Úc, vốn từ lâu đã coi Trung Quốc là rất quan trọng về mặt kinh tế với Úc, “Tuy nhiên, sự lo ngại về các hoạt động của Trung Quốc trong khu vực…với việc tăng cường sức mạnh quân sự của Trung Quốc tại các đảo ở Biển Đông đã ảnh hưởng rất nhiều đến ý kiến của người Úc, khiến 74% người được hỏi ủng hộ việc thực hiện các hoạt động tự do hàng hải trong khu vực”.

Nhân khẩu học cũng đóng vai trò trong thái độ đang ấm lên của người Úc đối với Trung Quốc, với 51% người được hỏi dưới 45 tuổi cho rằng Trung Quốc có mối quan hệ quan trọng hơn, so với 35% người chọn Mỹ. Phản ứng này gần như hoàn toàn ngược lại đối với người Úc trên 45 tuổi. Theo đó, 45% người được thăm dò cho rằng Úc nên “tránh xa Mỹ” nếu Donald Trump được bầu làm Tổng thống; chỉ 51% cho rằng Úc cần “tiếp tục gần gũi với Mỹ” bất kể kết quả bầu cử như thế nào.

Các yếu tố tạo ra thái độ tích cực đối với Trung Quốc bao gồm sự tương tác cá nhân với người Trung Quốc, văn hóa và lịch sử Trung Quốc và tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc. Đầu tư của Trung Quốc ở Úc là yếu tố gây chia rẽ nhất, với 59% cho rằng có ảnh hưởng tiêu cực so với 37% đánh giá tích cực.

Cuộc thăm dò diễn ra khi quan hệ của Trung Quốc trong khu vực sắp bị thử thách hơn nữa, với việc PCA sẽ sớm ra phán quyết của vụ Philippines kiện Trung Quốc về tuyên bố chủ quyền đối với phần lớn Biển Đông. Trung Quốc đã làm gia tăng sự giận dữ trong khu vực khi ép mạnh về phía Nam hướng quần đảo Natuna của Indonesia, làm phiền lòng quốc gia vốn cơ bản là trung lập cho đến nay.

Sự giả mạo trong ‘sự đồng thuận’ về vấn đề Biển Đông của Trung Quốc” của Bhubhindar Singh, Shawn Ho, Henrick Z. Tsjeng

Trong tuyên bố bốn điểm từ chuyến đi vào cuối tháng 4/2016 của Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị cho rằng, Trung Quốc đã đạt được sự “đồng thuận” với Brunei, Campuchia và Lào. Tuyên bố này gồm các thỏa thuận giữa bốn quốc gia về phương pháp xử lý các tranh chấp ở Biển Đông và đồng tình với quan điểm của Trung Quốc về vấn đề Biển Đông.

Vì “sự đồng thuận” ở đây chỉ là giữa ba nước ASEAN và Trung Quốc, chứ không phải giữa các nước ASEAN và Trung Quốc, điều này có thể sẽ gây chia rẽ trong nội bộ ASEAN. Do đó, cần xem xét tuyên bố riêng của ba nước ASEAN về những gì đã xảy ra trong chuyến đi của ông Vương Nghị tới các quốc gia này.

Mặc dù rõ ràng ông Vương Nghị đã gặp gỡ các nhà lãnh đạo Brunei, Campuchia và Lào, song dường như các nước này có một sự khác biệt trong tuyên bố về những gì thực sự được thỏa thuận trong các cuộc gặp song phương.

Trong thông báo của các Bộ Ngoại giao Brunei và Lào sau các cuộc gặp trên, cả hai đều tránh đề cập tới bất kỳ lời lẽ cụ thể nào về tranh chấp của Trung Quốc trên Biển Đông và không đề cập tới bất kỳ thỏa thuận nào với Trung Quốc. Về phía Campuchia, Bộ Ngoại giao nước này thậm chí còn không đưa ra tuyên bố sau cuộc họp song phương với Trung Quốc. Tuy nhiên, hai ngày sau tuyên bố của Trung Quốc, Người phát ngôn Chính phủ Campuchia, ông Phay Siphan, tuyên bố: “Không có thỏa thuận nào với Trung Quốc, đó chỉ đơn giản là một chuyến viếng thăm của Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc”. Rõ ràng Ngoại trưởng Trung Quốc đã đến thăm ba nước ASEAN nhằm đạt được thỏa thuận với từng quốc gia này trong vấn đề Biển Đông. Ông Vương Nghị chỉ thăm ba quốc gia, chứ không đến thăm bảy quốc gia còn lại. Động thái này có thể được coi là một phần của chiến lược lớn hơn của Trung Quốc nhằm chia rẽ sự đoàn kết trong khối ASEAN và tìm kiếm sự ủng hộ trước phán quyết sắp tới của PCA.

Sự “đồng thuận” mà Trung Quốc tuyên bố khiến nhiều người hiểu nhầm rằng Trung Quốc đã đạt được một thỏa thuận về quan điểm chung giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông. Điều này không đúng, đặc biệt là khi không có thông báo của Bộ Ngoại giao nào trong số ba nước trên sử dụng thuật ngữ “đồng thuận” (hoặc một thuật ngữ có ý nghĩa tương tự) khi nhắc đến các tranh chấp ở Biển Đông. Do đó, việc sử dụng từ “đồng thuận” dường như hoàn toàn là ý tưởng đơn phương của Trung Quốc. Đặc biệt, kết luận có thể rút ra là quan điểm về sự “đồng thuận” của ba nước ASEAN hoàn toàn khác với Trung Quốc. Do đó, những lo ngại về sự rạn nứt trong ASEAN có thể không quá nghiêm trọng như các tin tức trên các phương tiện truyền thông. Brunei, Campuchia và Lào có thể vẫn xem quan điểm của ASEAN quan trọng hơn nhiều so với bất kỳ thỏa thuận nào đã có với Trung Quốc. Một ASEAN thống nhất cũng là một ASEAN mạnh hơn, có “sức nặng” hơn với Trung Quốc trong các cuộc thảo luận về tranh chấp ở Biển Đông.

Đánh bại hạm đội pháo đài Trung Quốc và chiến lược A2/AD: Bài học cho Mỹ và đồng minh” của James Holmes

“Hạm đội pháo đài” thực chất là sự kết hợp giữa pháo đài và các căn cứ quân sự trên đất liền và nhìn chung có ưu thế vượt trội so với các hạm đội đơn thuần. Một thế kỷ trước, các khẩu pháo có tầm bắn hiệu quả cực ngắn, chỉ vài dặm. Đến nay, công nghệ đã giúp cho hải quân Trung Quốc có được sự hỗ trợ tầm xa của hỏa lực trên một vùng biển rộng lớn.

Hàn Quốc là một bán đảo phía Bắc giáp với lục địa châu Á còn Nhật Bản là một quần đảo kế cận. Do vậy, cả Nhật Bản, Hàn Quốc cũng như Hạm đội 7 của hải quân Mỹ đều nằm trong khu vực chống tiếp cận/chống xâm nhập (A2/AD) của Trung Quốc. Vậy làm sao để ngăn chặn Trung Quốc khi nước này có kho vũ khí lớn như vậy và nằm rất gần Mỹ và các đồng minh châu Á? 

Thứ nhất, nếu liên minh Mỹ-Nhật-Hàn được duy trì bền vững, đồng thời triển khai một loạt biện pháp ngoại giao, kinh tế, quân sự thì liên minh này sẽ có cơ hội tốt để buộc Trung Quốc phải cân nhắc trước khi hành động.

Thứ hai, cần làm suy yếu chiến lược “hạm đội pháo đài” thông qua duy trì, củng cố lợi ích chung của Mỹ với đồng minh cũng như thúc đẩy vai trò của các nỗ lực ngoại giao. Trung Quốc có thể vận hành ASBM nhưng khối liên minh của Mỹ cũng có năng lực chống hạm. Mỹ và đồng minh có hệ thống vũ khí có tầm bắn tới những vùng biển mà họ quan tâm và phạm vi quản lý vùng biển sẽ ngày càng xa trong những năm tới khi các bên thúc đẩy triển khai các hoạt động phối hợp chiến đấu. 

Mỹ và đồng minh có thể tận dụng yếu tố địa lý dọc theo chuỗi đảo thứ nhất để triển khai các ụ phòng thủ di động có khả năng phóng tên lửa chống hạm và máy bay. Các vũ khí trên đất liền có thể tấn công những tàu thuyền đang cố di chuyển từ Đông sang Tây, từ Biển Đông vào Tây Thái Bình Dương và ngược lại. Trong khi đó, các loại thủy lôi có thể hoàn thiện vòng phòng thủ ngoài khơi xa, còn các tàu ngầm di chuyển phía sau các chuỗi đảo có thể cung cấp các lực lượng tấn công di động ngăn không cho hải quân Trung Quốc trốn thoát. Đồng thời, một số tàu ngầm có thể nhanh chóng đột kích vào Hoàng Hải hoặc Hoa Đông để tấn công bất ngờ từ phía dưới.

Thứ ba, nếu chiến lược A2/AD tạo ra chiến tranh giữa các đảo hoặc trong thời bình tạo nên mối đe dọa thì khối liên minh Mỹ-Nhật-Hàn cần phải đáp trả. Xem xét việc Trung Quốc phụ thuộc vào việc nhập khẩu các nguồn khí đốt thiên nhiên và xuất khẩu các thành phẩm, việc phòng ngừa Trung Quốc từ xa có thể gây tổn thương cho họ về mặt kinh tế và quân sự. Các đồng minh của Mỹ có thể đàm phán một tầm nhìn địa lý về lao động để thực hiện chiến lược này. Nhật Bản có thể triển khai lực lượng dọc theo trục phía Tây Nam, quản lý các đảo và eo biển nằm giữa Nhật Bản và vùng lãnh thổ Đài Loan. Hàn Quốc có thể giám sát phía Đông và phía Bắc, đóng cửa eo biển Tsushima và kiểm soát vùng biển Nhật Bản trong trường hợp có đột nhập. Nếu Nhật Bản và Hàn Quốc có thể kiểm soát các vấn đề trong khu vực Đông Bắc Á, họ có thể khiến các lực lượng Mỹ tập trung hơn cho các hoạt động ở phía Nam- tức là thắt chặt hơn vòng phòng thủ tại Biển Đông, tấn công các đảo nhân tạo của Trung Quốc.

Việc khối liên minh này có thể chống lại sự cao ngạo, hung hăng sẽ nhắc nhở Trung Quốc về một điều mà người Hy Lạp cổ đại thường nói: “Chúa trời sẽ trừng phạt tính cao ngạo thái quá của con người”./.