Động thái các quốc gia

+ Trung Quốc:

Cục hải sự Trung Quốc, ngày 20-22/4, cảnh báo hàng hải về hoạt động dầu khí tại Biển Đông. Các hoạt động cảnh báo là: (1) 02 tàu Trung Quốc thực hiện lặn sâu trong phạm vi 02 hải lý quanh giếng dầu LH29-1 (từ 20/4 - 31/12/2020); (ii) Giàn khoan dầu khí hải dương 944 do tàu kéo 685 dịch chuyển 600 mét (từ 20h00 ngày 21/4/2020 đến hết ngày 22/4/2020) từ vị trí có tọa độ 18-36.96N 107-45.63E đến vị trí có tọa độ 18-20.31N 108-09.45E; (3) Giàn khoan dầu khí hải dương 944 tiến hành khoan tại vị trí có tọa độ 18-20.31N 108-09.45E (từ 21/4/2020 đến 31/5/2020).

Trung Quốc triển khai trinh sát cơ ở Trường Sa. Ảnh vệ tinh của Công ty ImageSat International (ISI) chụp ngày 10/4 cho thấy ít nhất một máy bay trinh sát biển KQ-200  trên đường băng trên đá Chữ Thập Trung Quốc xây dựng trái phép, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Tài khoản Twitter của ISI ngày 20/4 đánh giá, “máy bay KQ-200 có thể đang triển khai trong một đợt huấn luyện. Máy bay loại này sử dụng để diễn tập tìm kiếm tàu ngầm và tăng khả năng giám sát mặt biển. Sự hiện diện của không quân có thể là chỉ dấu cho hoạt động diễn tập mở rộng ở khu vực.”

Bộ Quốc phòng Trung Quốc phản bác Tuyên bố của Mỹ về Biển Đông. Phát biểu tại cuộc họp báo thường kỳ ngày 20/4, Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc ông Ngô Khiêm tuyên bố, “Các buộc của Mỹ về việc tàu cảnh sát biển Trung Quốc đâm chìm tàu cá Việt Nam là vô căn cứ, làm gia tăng căng thẳng ở Biển Đông, biện minh cho sự hiện diện quân sự của Mỹ ở khu vực. Thực tế Trung Quốc tiến hành các hoạt động chấp pháp phù hợp với luật lệ trong phạm vi chủ quyền. Trung Quốc thúc giục Mỹ dừng các cáo buộc sai lầm, ngừng các hành động gây bất ổn khu vực.”

Trung Quốc bao biện các hành động quyết đoán ở Biển Đông. Tại cuộc học báo thường kỳ ngày 20/4, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng cho hay, “Việc Trung Quốc thành lập 2 "quận Tây Sa" và "quận Nam Sa" trực thuộc Tam Sa thuộc phạm vi chủ quyền của Trung Quốc. Trung Quốc phản đối các hành động và tuyên bố của Việt Nam, đe dọa đến chủ quyền và lợi ích của Trung Quốc ở Biển Đông, sẽ triển khai các biện pháp cần thiết để bảo vệ lợi ích và quyền lợi.” Bình luận về hoạt động của tàu khảo sát HD8, ông Cảnh ngày 21/4 cho rằng tình hình Biển Đông tổng thể là ổn định. Hiện không có tình trạng “đối đầu” giữa tàu Trung Quốc và Malaysia trên Biển Đông. Tàu khảo sát đang tiến hành hoạt động bình thường trong vùng biển Trung Quốc quản lý. Phản ứng trước phát biểu của NT Mike Pompeo rằng Trung Quốc tận dụng sự chú ý của thế giới về đại dịch để gây áp lực lên Hồng Kông, Đài Loan và Biển Đông, ông Cảnh ngày 23/4 cho hay: “Trung Quốc sẽ kiên trì bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh và lợi ích phát triển. Các vấn đề của Đài Loan và Hồng Kông hoàn toàn là vấn đề nội bộ của Trung Quốc, bất kỳ thế lực bên ngoài nào đều không được phép can thiệp. Trung Quốc có đầy đủ cơ sở lịch sử và pháp lý về chủ quyền đối với đảo đá ở Biển Đông và vùng biển lân cận. Đồng thời, Trung Quốc cũng kiên trì thông qua hiệp thương đối thoại giải quyết tranh chấp với các bên trực tiếp liên quan. Phía Mỹ đã đảo ngược trắng đen.”

Trung Quốc hạ thủy tàu đổ bộ tấn công lớp 075 thứ hai. Tàu đổ bộ tấn công lớp 075 thứ hai của Hải quân Trung Quốc được đóng tại xưởng đóng tàu Hộ Đông, Thượng Hải hạ thủy vào ngày 22/4. Chiếc đầu tiên cùng loại được hạ thủy vào ngày 25/9/2019.

Đài Loan kêu gọi các bên kiềm chế ở Biển Đông. Tuyên bố Bộ Ngoại giao Đài Loan hôm 24/4 bày tỏ “phản đối và quan ngại sâu sắc đối với hành động và tuyên bố của một số nước ở Biển Đông. Đài Loan có chủ quyền không thể tranh cãi đối với các thực thể và vùng nước xung quanh ở Biển Đông, kêu gọi các bên hành động kiềm chế, không tiến hành các động thái đơn phương gây gia tăng căng thẳng trong khu vực.”

Trung Quốc bị phản ứng do lồng ghép vấn đề biển trong một video ca nhạc. Ngày 24/4, Đại sứ quán Trung Quốc tại Manila đã phát hành một video âm nhạc có tựa đề "Iisang Dagat" ("Một biển") do Đại sứ Trung Quốc Huang Xilian viết lời, và được một nhóm trình bày gồm một nhà ngoại giao Trung Quốc, phó thống đốc Camarines Sur, một ca sĩ người Philippines gốc Hoa và một diễn viên từ Trung Quốc. Bài hát có đoạn: “Bạn và tôi ở cùng một biển, tình yêu của bạn luôn bên tôi. Tôi sẽ không buông tay bạn. Chúng ta có một tương lai tươi sáng phía trước”. Tuy nhiên, video nhận được ít nhất 65.000 lượt không thích và phản ứng giận dữ của người Philippines. Một người dùng Twitter viết, “Không có “một biển” hay Iisang Dagat nào hết. Trung Quốc không có quyền gì, nhất là sau khi đã chĩa súng vào tàu và ngư dân của chúng tôi.”

+ Việt Nam:

Việt Nam yêu cầu Trung Quốc hủy bỏ cái gọi là “khu Tây Sa” và “khu Nam Sa”. Ngày 19/4, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng tuyên bố: "Việt Nam đã nhiều lần mạnh mẽ khẳng định Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Lập trường nhất quán của Việt Nam là phản đối mạnh mẽ việc thành lập cái gọi là thành phố Tam Sa và các hành vi liên quan vì đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, không có giá trị và không được công nhận, không có lợi cho quan hệ hữu nghị giữa các quốc gia và gây thêm phức tạp tình hình Biển Đông, khu vực và thế giới. Việt Nam yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam, hủy bỏ các quyết định sai trái liên quan đến những việc làm đó và không có những việc làm tương tự trong tương lai." Về thông tin gần đây liên quan đến tình hình phức tạp ở vùng biển của một số nước ASEAN, Bà Hằng ngày 21/4 cho hay, “Việt Nam chân thành mong muốn quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của các quốc gia phù hợp với Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 được tôn trọng; các bên liên quan phải có trách nhiệm tuân thủ luật pháp quốc tế, Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982, thể hiện cam kết phát triển quan hệ hữu nghị giữa các quốc gia và hoà bình, ổn định, hợp tác ở Biển Đông, khu vực và trên thế giới.”

Việt Nam phản đối Trung Quốc ban hành cái gọi là danh xưng tiêu chuẩn cho 80 thực thể ở Biển Đông. Tại Họp báo Thường kỳ của Bộ Ngoại giao ngày 23/4, Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Ngô Toàn Thắng nêu rõ: “Việt Nam đã nhiều lần khẳng định có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, phù hợp với luật pháp quốc tế, đồng thời có quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia đối với các vùng biển được xác lập phù hợp với công ước của Liên Hợp Quốc về Luật biển 1982 UNCLOS. Mọi hành vi phương hại đến chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam đối với vùng biển của mình đều vô giá trị, không được công nhận và Việt Nam kiên quyết phản đối.”

+ Philippines:

Philippines gửi hai công hàm phản đối Trung Quốc về Biển Đông. Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Locsin, trên Twitter ngày 22/4, cho biết Philippines đã gửi hai công hàm đến Đại sứ quán Trung Quôc tại Manila để phản đối: (1) Trung Quốc chiếu radar vào tàu hải quân của Philippines trong vùng biển của Philippines, và (ii) thành lập hai huyện hành chính thuộc thành phố Tam Sa, chồng lấn vào phần lãnh thổ của Philippines trên Biển Đông. Philippines coi đây là các hành động vi phạm luật pháp quốc tế và chủ quyền của Philippines.

Philippines cáo buộc tàu Trung Quốc hành động nguy hiểm ở Biển Đông. Phó đô đốc Rene Medina, Tư lệnh Bộ tư lệnh miền tây Philippines (AFP Wescom) ngày 23/4 cho biết vụ việc xảy ra hôm 17/2 khi tàu hải quân  BRP Conrado Yap đang tuần tra ở khu vực mỏ dầu Malampaya và Trường Sa thì phát hiện một “tương tác radar” của tàu chiến số hiệu 541 gần đó. Đáp lại cảnh báo vô tuyến của tàu Conrado Yap, tàu 541 của Trung Quốc thông báo, “Trung Quốc có chủ quyền đối với Biển Đông, các đảo và vùng biển lân cận.” Sau đó, thủy thủ tàu Conrado Yap quan sát thấy hệ thống kiểm soát pháo của tàu chiến 514 nhắm về phía họ. Theo ông Medina, “Hành động thù địch của Trung Quốc và việc xâm nhập EEZ của Philippines vi phạm luật pháp quốc tế và chủ quyền của Philippines.”

+ Malaysia:

Bộ trưởng Ngoại giao Malaysia nhấn mạnh giải quyết hòa bình tranh chấp biển. Trong tuyên bố ngày 23/4, Bộ trưởng Ngoại giao Malaysia ông Hishammuddin Hussein khẳng định, “Malaysia giữ nguyên quan điểm rằng Biển Đông cần là vùng biển hoà bình và thương mại. Nguyên là Bộ trưởng Quốc phòng, tôi nhận thức sâu sắc và tỉnh táo về tình hình. Chúng ta phải tránh các vụ việc không chủ đích, bất ngờ ở vùng biển này. Quan điểm của chúng tôi là các tranh chấp nên được giải quyết hiệu quả thông qua các biện pháp hoà bình, ngoại giao và tin cậy lẫn nhau. Chúng tôi không tuyên bố công khai về việc này không có nghĩa là chúng tôi không làm tất cả các điều trên, Malaysia duy trì liên lạc mở và thông suốt với tất cả các bên liên quan, gồm Trung Quốc và Mỹ.”

+ Mỹ:

Hải quân Mỹ xác nhận hai chiến hạm đang triển khai ở Biển Đông. Trong email gửi Reuters ngày 21/4, người phát ngôn Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương bà Nicole Schwegman cho hay, “Tàu tấn công đổ bộ USS America cùng tàu tuần dương mang tên lửa dẫn đường USS Bunker Hill đang hoạt động ở Biển Đông. Thông qua sự hiện diện và hoạt động liên tục ở Biển Đông, Mỹ thúc đẩy tự do hàng hải và hàng không cùng các nguyên tắc quốc tế, vốn là cơ sở cho an ninh và thịnh vượng của Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.” Trong khi đó, chỉ huy Nhóm Tấn công Viễn chinh của tàu đổ bộ USS America, Chuẩn đô đốc Fred Kacher cho biết lực lượng này đã có một số tương tác trên biển an toàn và chuyên nghiệp với hải quân Trung Quốc. Các nguồn tin riêng của Reuters tiết lộ 2 chiến hạm này đang hoạt động gần khu vực tàu khảo sát Hải Dương địa chất 8 và tàu khoan thăm dò đáy biển West Capella của tập đoàn dầu khí Petronas, Malaysia.

Thượng nghị sĩ Mỹ chỉ trích Trung Quốc lợi dụng Covid-19 để hành động ở Biển Đông. Trên Twitter ngày 21/4, ông Marco Rubio cho rằng những tuần gần đây, Bắc Kinh đã có hành động nhằm thúc đẩy các yêu sách bất hợp pháp ở Biển Đông. Đảng Cộng sản Trung Quốc đang lợi dụng khủng hoảng Covid 19 để thực hiện các hành động ở Hong Kong và Biển Đông.

Tàu chiến Mỹ đi qua eo biển Đài Loan lần thứ hai trong tháng 4. Hoạt động diễn ra ngày 22/4, cùng thời điểm nhóm tàu sân bay Trung Quốc đi qua eo biển Bashi ở phía nam đảo Đài Loan sau đợt diễn tập trên Biển Đông. Phát ngôn viên Hạm đội 7 hải quân Mỹ Anthony Junco cho biết hoạt động này “thể hiện cam kết của Mỹ với khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Hải quân Mỹ sẽ tiếp tục hoạt động ở bất kỳ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép.”

Ngoại trưởng Mỹ lên án hành động đơn phương của Trung Quốc ở Biển Đông. Trong tuyên bố báo chí ngày 23/4, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo khẳng định, “Gần đây, Bắc Kinh đã lợi dụng sự mất tập trung của quốc tế, tiến hành các hành động đơn phương như thành lập các đơn vị hành chính ở Biển Đông, đâm chìm một tàu cá Việt Nam, thiết lập những trạm nghiên cứu ở Đá Chữ thập và Đá Xu Bi. Trung Quốc tiếp tục triển khai dân quân biển ở quần đảo Trường Sa và gần đây nhất, triển khai một đội tàu khảo sát với mục đích đe dọa hoạt động khai thác dầu khí của các bên yêu sách khác ở Biển Đông”. Theo ông Pompeo, việc chỉ rõ cách Trung Quốc “lợi dụng sự tập trung của thế giới vào khủng hoảng Covid-19 để tiếp tục hành xử khiêu khích” là rất quan trọng. Cũng trong cuộc họp báo tại Washington ngày 23/4, Ngoại trưởng Pompeo nhấn mạnh, “Trung Quốc đang gây sức ép quân sự đối với Đài Loan, bắt nạt các nước láng giềng ở Biển Đông, thậm chí còn đi xa hơn khi đâm chìm tàu cá Việt Nam. Mỹ phản đối mạnh mẽ hành vi bắt nạt của Trung Quốc; Chúng tôi hy vọng các nước khác sẽ buộc họ chịu trách nhiệm.”

+ Úc:

Ngoại trưởng Úc lo ngại về các diễn biến ở Biển Đông. Trong tuyên bố ngày 23/4, Ngoại trưởng Marise Payne quan ngại về diễn biến gần đây, bao gồm việc ngăn cản hoạt động khai thác tài nguyên, tuyên bố thành lập các đơn vị hành chính trên các thực thể tranh chấp, tàu cảnh sát biển đâm chìm tàu cá Việt Nam. Ngoại trưởng khẳng đinh Úc không đứng về bên nào, có lợi ích lớn đối với sự ổn định ở Biển Đông và các quy định, nguyên tắc luật pháp. Úc thúc giục tất cả các nước tuân thủ luật quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982. Theo bà Payne, điều quan trọng ở thời điểm hiện tại là các bên tránh có các hành động làm bất ổn và tìm cách hạ nhiệt căng thẳng để cộng đồng quốc tế có thể tập trung toàn bộ vào hợp tác đối phó với dịch Covid 19.

Thực hiện: Đinh Anh