I. Động thái của các quốc gia

+ Trung Quốc:

Trung Quốc khởi động dự án đo đạc, giám sát sự thay đổi của một số đảo điển hình ở quần đảo Hoàng Sa. Dự án sẽ tiến hành thu thập các thông tin, giám sát toàn diện, đa chiều đối với sự thay đổi và hoạt động khai thác của một số đảo điển hình thuộc quần đảo Hoàng Sa qua các số liệu vệ tinh, hàng không, đo đạc thực địa và hệ thống thông tin địa lý. Dự án này do Viện nghiên cứu môi trường và khảo sát công trình hải dương “Nam Hải” Trung Quốc thực hiện,  phối hợp cùng một số đơn vị khác[1].

Trung Quốc vẫn muốn giải quyết song phương tranh chấp Biển Đông. Khi căng thẳng tăng lên giữa Philippines và Trung Quốc về vấn đề Biển Đông, tân Đại sứ Trung Quốc tại Philippines Ma Keqing cho rằng hai quốc gia vẫn có thể giải quyết song phương vấn đề một cách hoà bình. “Song phương. Tôi nghĩ vậy. Và cũng có thông lệ quốc tế rằng, nếu xảy ra tranh chấp giữa hai quốc gia, thông thường hai bên nên trao đổi đàm phán như những láng giềng", bà Ma cho biết. “Anh sống cạnh tôi, nếu có gì bất đồng, chúng ta nên trao đổi với nhau, thẳng thắn. Tôi nghĩ đó là con đường tốt hơn".

“Tàu đổ bộ mới của Trung Quốc hướng về tranh giành biển Thái Bình Dương”. Hạ tuần tháng 1/2012, Trung Quốc đã cho xuất phát tàu đổ bộ 20.000 tấn, là tàu chiến lớn nhất do Trung Quốc tự thiết kế và đóng. Đây là tàu thủy quân đánh bộ mới lớp 071 có thể chở một lượng xe bọc thép, một số trực thăng hạng vừa, các tàu đệm khí (hover-craft) và 800 quân. Dự kiến Hải quân Trung Quốc sẽ biên chế 8 tàu loại này. Theo Ông Christien Le Miere, nhà nghiên cứu hải quân thuộc Viện Chiến lược Quốc tế Luân Đôn “Trang bị một hạm đội với các tàu đổ bộ tấn công lớn có thể rõ ràng là muốn thể hiện lực lượng”[2].

Hoa Kỳ can thiệp vào xung đột trong khu vực sẽ gây ‘trở ngại cho Trung Quốc’. Trong một cuộc thảo luận bàn tròn hôm thứ tư, ông Wang Yingfan, cựu đại sứ Trung Quốc ở Philippines cho rằng: “Sự can dự của Hoa Kỳ vào tranh chấp lãnh thổ ở khu vực là một trở ngại đối với Trung Quốc, việc đó làm vấn đề trở nên phức tạp và khiến chúng tôi khó giải quyết hơn”.

Chi ngân sách quốc phòng của Trung Quốc là rất cần thiết” của Li Hong, Tổng Thư Ký Hội giải trừ quân bị và kiểm soát vũ khí Trung Quốc. Với diện tích lớn thứ 3 thế giới gồm 9,6 triệu km2, trong đó 22.000km biên giới trên bộ và 18.000 km đường bờ biển, Trung Quốc có nhiều lý do để phát triển khả năng quốc phòng. Cải thiện đời sống quân nhân, đa dạng hóa các hoạt động quân sự trong và ngoài nước cũng như các thế hệ vũ khí mới là những nhân tố chính làm tăng chi tiêu quốc phòng. Nhân dân Trung Quốc có thể hưởng thành quả từ sự phát triển kinh tế thì 2,3 triệu quân nhân Trung Quốc cũng phải được hưởng những thành quả đó. Quân đội Trung Quốc đang thúc đẩy hiện đại hóa quân sự cùng với việc nghiên cứu và phát triển các vũ khí hạng nặng như máy bay chiến đấu và hàng không mẫu hạm thế hệ 5, điều này đòi hỏi nhiều thời gian và tốn kém.

Đài Loan có kế hoạch mua tàu ngầm. Hải quân Đài Loan dự định sẽ yêu cầu cấp tiền để mua 8 tàu ngầm mới trong vòng hai tháng tới. Hồi tháng 4/2001, Tổng Thống Mỹ khi đó là George W.Bush đã phê chuẩn việc bán 8 tàu ngầm thông thường cho Đài Loan. Tuy nhiên, kể từ đó, thoả thuận không mấy tiến triển vì Mỹ đã không đóng các tàu ngầm thông thường trong hơn 40 năm. Các phương án mới đã xuất hiện mới đây khi 3 quốc gia đồng ý trợ giúp vùng lãnh thổ Đài Loan chế tạo hoặc bán vài tàu ngầm do Đức chế tạo. Hải quân ĐL hiện có 4 tàu ngầm, 2 do Hà Lan chế tạo, 2 chiếc do Mỹ chế tạo vào những năm 1940.

+ Việt Nam:

Việt Nam yêu cầu Trung Quốc dừng xâm phạm chủ quyền. Trong cuộc họp báo thường kỳ hôm thứ Năm ngày 23/2, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lương Thanh Nghị một lần nữa khẳng định Việt Nam ‘có chủ quyền không thể tranh cãi’ đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. “Mọi hoạt động ở khu vực hai quần đảo này mà không được sự đồng ý của Việt Nam là xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam,” Ông Nghị cũng chỉ trích các hoạt động của Trung Quốc ở hai quần đảo này đã ‘làm phức tạp và căng thẳng thêm tình hình trên Biển Đông, trái với thỏa thuận các nguyên tắc cơ bản giải quyết vấn đề trên biển đã ký giữa hai nước, không phù hợp với Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông, cũng như các cam kết duy trì ổn định, hòa bình trên biển.’ Trước đó, theo báo chí Trung Quốc thì chỉ trong vòng chưa đầy hai tháng từ đầu năm, nước này đã có các hoạt động dồn dập tại các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. 

+ Phi-líp-pin:

Philippines gấp rút hiện đại hóa quân đội. Ngày 18/2, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Voltaire Gazmin tuyên bố các lực lượng vũ trang nước này sẽ "trở lại trên đôi chân của mình" trong vòng hai năm tới. Ông Gazmin cho biết đến ngày 31/7 tới sẽ có ít nhất 138 hợp đồng được phê duyệt. Ngoài kế hoạch mua một phi đội F16 từ Mỹ, các lực lượng vũ trang Philippines hiện có kế hoạch mua một tàu đa chức năng của Hàn Quốc và cũng đang tìm kiếm các máy bay chiến đấu của Pháp và Italy.

+ Mỹ:

Nước nhỏ với một thông điệp lớn”. Ngày 21/2, trong bài thuyết trình tại trường Đại học Quốc gia Brunei (UBD), Tiến sĩ Richard J. Danzig, một chuyên gia về quốc phòng, Chủ tịch cơ quan nghiên cứu tại Trung tâm an ninh mới của Mỹ, đã nêu rõ sự cần thiết về sự hiện diện quân sự của Mỹ ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương và đề cập đến vai trò của Brunei trong giải quyết tranh chấp Biển Đông. Theo ông, sự có mặt về quân sự của Mỹ ở khu vực không nên được xem là “có tính xâm lược” và Brunei có thể đóng vai trò “rất có ích” trong nỗ lực nhằm khuyến khích một cơ chế giải quyết tranh chấp ở Biển Đông hoặc chí ít, cũng làm cho các nước hiểu rõ việc nên làm thế nào để giải quyết tranh chấp mà không đi đến một cuộc chiến tranh.

Quan chức ngoại giao của Đại sứ quán Mỹ tại Trung Quốc thăm Viện nghiên cứu Biển Đông của Trung Quốc. Hai bên đã trao đổi vấn đề hiện trạng an ninh khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, diễn biến quan hệ quân sự Trung - Mỹ và triển vọng tình hình Biển Đông; cho rằng mặc dù Mỹ và Trung Quốc có những lập luận khác nhau về một số vấn đề điểm nóng quốc tế và các điều khoản liên quan của luật quốc tế, nhưng hai bên luôn nỗ lực nhằm thu hẹp bất đồng, cải thiện quan hệ. Việc tăng cường giao lưu trong các lĩnh vực, nhất là tăng cường lòng tin giữa hai bên sẽ có lợi cho hòa bình và an ninh của toàn bộ khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, trong đó có khu vực Biển Đông[3].  

+ Nga:

Nga dự tính bán cho Trung Quốc máy bay Su-35. Theo ông Alexander Fomin, Phó Giám đốc Cơ quan liên bang về hợp tác kỹ thuật-quân sự Nga (FSMTC), Trung Quốc muốn có được hệ thống phòng thủ tên lửa mới của Nga S-400 Triumph vào năm 2015, nhưng tạm thời hiện nay Mátxcơva đang xem xét khả năng cung cấp cho Bắc Kinh loại máy bay tiêm kích đa chức năng Su-35. Máy bay tiêm kích Su-35 có tốc độ bay tối đa 1.400 km/giờ, có thể bay tới độ cao 18.000-24.000m và có khả năng phát hiện mục tiêu cách xa đến hơn 400km.

II. Quan hệ các nước

Việt Nam, Philippines thảo luận về hợp tác trong vấn đề Biển Đông. Ngày 19/2, Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Hồ Xuân Sơn dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam gồm 16 người đến Manila để tham gia Cuộc họp lần thứ Nhất Ủy ban Hợp tác Song phương Việt Nam – Philippines về Biển và Đại dương (JCMOC) vào ngày 20/2. Đoàn đại biểu của Philippines gồm 10 người do Thứ trưởng Ngoại giao Erlinda Basilio dẫn đầu. Chương trình nghị sự của JCMOC bao gồm cả thảo luận về sáng kiến của Philippines về Khu vực Hòa bình, Tự do, Hữu nghị và Hợp tác (ZoPFF/C) và Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC). Bộ Ngoại giao của cả hai nước không tiết lộ nội dung chi tiết, tuy nhiên phía Philippines nói rằng cuộc họp nhằm “xây dựng một cơ chế hợp tác song phương hiệu quả và có trách nhiệm hơn về biển và đại dương.”

Quan chức quốc phòng cấp cao ASEAN nhóm họp. Cuộc họp diễn ra hôm 21/2 tại thủ đô Phnom Penh, Campuchia để soạn thảo một tuyên bố về tăng cường hợp tác quốc phòng hướng tới mục tiêu hiện thực hóa Cộng đồng an ninh chính trị ASEAN trước năm 2015.

Trung Quốc tăng cường quan hệ với Inđônêxia”. Ngày 21/2, tại cuộc gặp với Bộ trưởng Quốc Phòng Inđônêxia Purnomo Yusgiantoro ở Trung Nam Hải, Phó Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cho biết: Trung Quốc sẵn sàng nỗ lực cùng với Inđônêxia để tăng cường quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước và sẵn sàng mở rộng quan hệ hợp tác song phương về quốc phòng, an ninh cũng như các lĩnh vực khác. Bộ trưởng Quốc Phòng Inđônêxia cũng nhận định: quan hệ hai nước đã có nền tảng vững chắc và triển vọng rộng mở. Inđônêxia sẵn sàng hợp tác sâu sắc hơn với Trung Quốc để hiện thực hóa sự phát triển “hai bên cùng thắng”.

Việt-Thái tăng cường duy trì tuần tra chung trên biển. Đoàn đại biểu cấp cao Quân đội Nhân dân Việt Nam do Thượng tướng Đỗ Bá Tỵ, Tổng Tham mưu trưởng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng dẫn đầu đang ở thăm hữu nghị chính thức Vương quốc Thái Lan trong các ngày 23-26/2. Điểm lại quan hệ hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng giữa hai nước, Thượng tướng Đỗ Bá Tỵ đề xuất một số nội dung, nhằm tiếp tục tăng cường quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa quân đội hai nước, bao gồm tăng cường trao đổi đoàn các cấp, trao đổi về đào tạo và duy trì tuần tra chung giữa lực lượng hải quân hai nước.

Việt - Úc đối thoại chiến lược quốc phòng, ngoại giao. Ngày 21/2, tại Canberra, Australia đã diễn ra Đối thoại Chiến lược liên Bộ Quốc phòng - Ngoại giao Việt Nam - Australia lần thứ nhất do Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Vinh, Thứ trưởng Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Ngoại giao Úc Gillian Bird và Thứ trưởng Quốc phòng Peter Jennings đồng chủ trì. Về biển Đông, hai bên khẳng định tầm quan trọng của việc bảo đảm hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải ở Biển Đông; giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình; tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên Hiệp Quốc về luật Biển 1982; thực hiện đầy đủ Tuyên bố chung về ứng xử của các bên tại biển Đông (DOC); sớm xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử (COC).

Hội nghị quốc phòng cấp cao mở rộng của ASEAN. Ngày 23/2, hội nghị đã khai mạc tại Phnom Penh (Campuchia) với mục tiêu tăng cường hợp tác về an ninh và hòa bình trong khu vực. Thành phần tham dự hội nghị có các quan chức quốc phòng cấp cao của ASEAN và các bên đối thoại gồm Mỹ, Nga, Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc, Australia và New Zealand. Hội nghị sẽ thảo luận dự thảo Tài liệu khái niệm xem xét tần suất Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng (ADMM+) để triệu tập hội nghị ADMM+ thường kỳ sau hai năm thay vì ba năm.

III. Phân tích và đánh giá

Tại sao lại quên UNCLOS?” của Dan Blumenthal, giám đốc bộ phận Nghiên cứu châu Á và Michael Mazza, nghiên cứu viên cao cấp, Viện Doanh nghiệp Mỹ. Phê chuẩn UNCLOS sẽ không giúp Washington và Bắc Kinh giải quyết được tranh chấp trên biển. Thay vì thế, cách giải quyết nằm ở việc Mỹ tiếp tục thực thi các quyền của mình trên những vùng biển quốc tế, đàm phán ngoại giao với Trung Quốc, với các bạn bè và đồng minh của Mỹ, tiếp tục duy trì thế trên cơ về quân sự. Ở đây tồn tại một mối nguy lớn nếu Mỹ phê chuẩn UNCLOS. Với việc áp dụng, xúc tiến, và hành động theo cách diễn giải mới về luật quốc tế, Trung Quốc đang cố gắng làm đảo lộn hiện trạng và tạo ra những chuẩn mới về ứng xử trên biển. Bằng việc ký UNCLOS, Mỹ có thể – một cách không cố ý – ký phê chuẩn cách diễn giải luật sai lệch đó. Washington phải tuyên bố rõ ý định của họ, là tiếp tục tuân thủ những luật pháp và thông lệ quốc tế đã tồn tại hàng thế kỷ qua, liên quan đến quyền tự do trên biển, trong đó có cả những điều khoản của UNCLOS mà phù hợp với những hoạt động của họ. Xưa nay, luôn là thực tiễn quyết định luật pháp quốc tế trên biển. Trung Quốc hiểu điều này, và đang cố sức thay đổi luật lệ thông qua hành động thực tiễn của họ. Chỉ có bằng cách tiếp tục hành động trên biển cả – như đã luôn hành động – thì Mỹ mới có thể hy vọng duy trì một hệ thống luật pháp quốc tế phục vụ lợi ích của chính mình. Phê chuẩn UNCLOS rất có thể sẽ mang đến kết quả ngược lại.

Quan hệ Mỹ - Trung: cột trụ an ninh châu Á” của Zbigniew Brzezinski. Sự trỗi dậy của "người khổng lồ ngủ say" Trung Quốc là thực tế không thể phủ nhận. Mỹ cần chấp nhận điều này và phải xây dựng các liên minh châu Á nếu muốn tăng cường hiện hiện trong khu vực và kìm chế Trung Quốc. Châu Á trong thế kỷ 21 vốn là môi trường tiềm tàng nhiều nguy cơ và đấu tranh bởi những bất ổn chính trị, sự gia tăng của chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi và sự cạnh tranh ngày càng gay gắt để chiếm hữu các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Sự ổn định của châu Á trong thế kỷ này phụ thuộc nhiều vào tình trạng của của hai tam giác chồng chéo nhau mà trung tâm là Trung Quốc và cách Mỹ ứng xử với mỗi tam giác này. Tam giác khu vực thứ nhất là Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan. Tam giác khu vực thứ hai là Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản với các quốc gia Đông Nam Á góp vai trò không nhỏ. Trong cả hai trường hợp, Mỹ luôn giữ vai trò quan trọng với khả năng thay đổi cục diện và chi phối kết quả. Một nước Mỹ hợp tác, góp mặt trong các cấu trúc đa phương, thận trọng ủng hộ sự phát triển của Ấn Độ, duy trì liên minh bền vững với Nhật Bản và Hàn Quốc và kiên nhẫn mở rộng hợp tác toàn diện với Trung Quốc sẽ quan trọng, giúp duy trì sự ổn định cho một châu Á đang vươn mình trỗi dậy mạnh mẽ.

Tham vọng bá quyền không dễ thắng ở Biển Đông. Trong bối cảnh khu vực ngày càng chống lại một Trung Quốc nổi lên, và lo ngại về nguy cơ suy yếu của Mỹ, các nước châu Á đang dần thiết lập một quan hệ đối tác an ninh mới với nhau. Mạng lưới liên kết mới manh nha này trên toàn khu vực - không chỉ bao gồm các quốc gia Đông Nam Á mà cả các mối quan hệ giữa từng nước Đông Nam Á với các nước ngoài khu vực như Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và Ấn Độ - đang diễn ra và sẽ phát triển mạnh mẽ trong những năm tới. Mô hình quan hệ sức mạnh đang nổi này sẽ mở ra một kỷ nguyên mới với các tác động tới cam kết của Mỹ tại khu vực. Việt Nam được cho là quốc gia bản lề quan trọng khi nói tới Biển Đông. Nếu Việt Nam không chống lại sức mạnh đang lên của Trung Quốc, thì các nước yếu hơn và ít xác quyết hơn, như Philippines, sẽ có ít cơ hội ngăn chặn sự bá quyền của Trung Quốc.

Mỹ vẫn bối rối sau chuyến thăm của Tập Cận Bình. Sau chuyến thăm được chờ đợi bấy lâu, người Mỹ đã biết được rằng, vị lãnh đạo tương lai của Trung Quốc thích thú bóng rổ và bầu không khí trong lành tại Midwestern nhưng vẫn còn mơ hồ về chuyện ông sẽ giải quyết các căng thẳng đang gia tăng như thế nào. Đây không phải là lần đầu tiên các nhà hoạch định chính sách Mỹ bối rối về hệ thống chính trị của Trung Quốc, khó trông vào một mẫu hình cá nhân để đoán biết ra manh mối nào đó. Ông Tập Cận Bình được cho là sẽ dẫn dắt Trung Quốc đi qua một thập niên - thời gian mà nhiều chuyên gia tin là nước này sẽ vượt qua Mỹ để trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới và nhanh chóng mở rộng ảnh hưởng. Ralph Cossa, chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế tại Hawaii nói, mối quan hệ cá nhân ấm dần giữa ông Tập và các nhà lãnh đạo Mỹ có thể chỉ là một điểm tích cực. "Nó cũng có thể giúp cho hình ảnh của Trung Quốc tại Mỹ và sau đó tạo điều kiện dễ dàng hơn cho một vị tổng thống có thái độ thân mật hơn mà không bị cáo buộc phải uốn mình trước Trung Quốc.”

Ấn Độ và Việt Nam: Mối quan hệ hợp tác và đối tác trong bốn thập kỷ qua” của Praful AdagaleVinayak Lashkar, Nghiên cứu sinh Tiến sĩ tại Trung tâm An ninh Quốc tế và Phân tích Quốc phòng Yashwantrao Chavan (YCNISDA), Đại học Pune. Quan hệ giữa Ấn Độ và Việt Nam đã phát triển đáng kể sau thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Hai bên đã hợp tác phát triển trong tất cả các lĩnh vực bao gồm chính trị, an ninh và quốc phòng, thương mại và đầu tư, văn hóa, du lịch và phát triển nhân lực. Việt Nam trong thế kỷ 21 sẽ vẫn là một điểm trọng tâm – một khu vực có nhiều sự chú ý do vị trí địa lý chiến lược giáp ranh với Trung Quốc. Các cường quốc, cụ thể là Hoa Kỳ, Nhật Bản và Ấn Độ, sẽ hoạt động như một chất xúc tác để đẩy mạnh phát triển kinh tế và hỗ trợ Việt Nam chống lại sự trổi dậy của Trung Quốc. Hiện tại thì New Delhi đã nhận thức được sự tham vọng của Trung Quốc cũng như sự gia tăng quyền lực của nước này ở Biển Đông và trong khu vực Ấn Độ Dương (IOR).

Nghịch lý giữa chính sách hài hòa và chính sách Biển Đông của Trung Quốc” của John Daly, Tổng Giám đốc Điều hành Tập đoàn "U.S.-Central Asia Biofuels." Bắc Kinh trong nhiều năm qua đã nỗ lực không mệt mỏi xây dựng hình ảnh hài hòa trong chính sách đối ngoại của mình. Tuy nhiên, như những gì mà các nước láng giềng ven biển của Trung Quốc chứng kiến, thì những miêu tả về quan điểm hòa bình của Bắc Kinh không bao gồm chính sách tại Biển Đông. Hiện tại, Trung Quốc cho rằng nước này có chủ quyền đối với 750 đảo lớn nhỏ thuộc quần đảo Trường Sa, chồng lấn với các tuyên bố chủ quyền của Philíppin, Đài Loan, Việt Nam, Malaixia và Brunây, đồng thời khẳng định tuyên bố chủ quyền của mình với các bản đồ cổ của Trung Quốc, bất chấp "Tuyên bố về cách ứng xử của các bên tại Biển Đông" năm 2002. Tuy nhiên, có lẽ Biển Đông không phải là một "món hời lớn" như Bắc Kinh vẫn nghĩ bởi chi phí để khai thác nguồn trữ lượng tài nguyên tại đây là rất đắt đỏ

Áp lực của Mỹ sẽ làm giảm hợp tác chiến lược” của tác giả Wang Wen Wen. Thách thức lớn nhất hiện nay trong quan hệ Mỹ - Trung là Mỹ không cho phép Trung Quốc có không gian chiến lược để trở thành cường quốc toàn cầu. Điều này có thể thấy rõ trong thái độ của Mỹ đối với vấn đề Biển Đông và việc Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan. Gần đây, Mỹ đã tuyên bố cấp cao quay trở lại khu vực châu Á – Thái Bình Dương và một số người cho rằng giai đoạn phát triển hòa bình và cơ hội chiến lược của Trung Quốc đã chấm dứt. Tuy nhiên, trên diễn đàn quốc tế và đặc biệt khu vực Đông Á, nước này vẫn còn không gian chiến lược rất lớn và một khoảng đệm. Do đó, Trung Quốc cần phản ứng lại với những động thái của Mỹ.   

Hợp tác an ninh biển tại Đông Nam Ácủa Agus Haryanto. Vào thời điểm hiện nay, Diễn đàn Hàng hải ASEAN và Diễn đàn an ninh Khu vực ASEAN đã tiến hành các cuộc thảo luận rộng rãi về các chiến lược quản lý nạn cướp biển, hoạt động buôn lậu hàng hóa cũng như khủng bố và các thảm họa hàng hải.  Từ những diễn đàn như vậy, các nước liên quan đã và đang triển khai công tác đào tạo và tuần tra phối hợp giữa các lực lượng hải quân, đạt nhất trí về tàu thuyền nước này được phép đi vào lãnh hải nước khác qua các “tuyến đường nóng”. Đến nay, những biện pháp phòng ngừa như thế đều đang phát huy hiệu quả. Trong bối cảnh ASEAN đang hướng tới việc hình thành Cộng đồng Kinh tế ASEAN và sự kết nối lớn hơn giữa 10 nền kinh tế ASEAN với các nền kinh tế lớn của khu vực, thì hợp tác chặt chẽ hơn giữa các nước trong việc duy trì an ninh hàng hải là cần thiết.

 

Bản PDF tại đây



[1] Theo Báo Hải dương Trung Quốc ngày 22/2

[2] Báo “The Egyptian Gazette” ngày 16/2

[3] Theo Mạng Tin tức Trung Quốc ngày 22/2