Động thái của các quốc gia

+ Trung Quốc:

Trung Quốc giao quân đội quản lý lực lượng tuần duyên. Bắt đầu từ ngày 1/7, Quân đội Trung Quốc sẽ nắm quyền chỉ đạo lực lượng hải cảnh Trung Quốc, trước đây thuộc Cục Quản lý Hải dương. Dưới sự chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, lực lượng này có khả năng được tham gia trực tiếp các cuộc diễn tập với Hải quân Trung Quốc. Ủy ban Thường vụ của Nhân Đại Trung Quốc hôm 22/6 đã thông qua Quyết định trên. Đáng chú ý là các tàu của lực lượng này sẽ được trang bị các loại pháo hạng nhẹ thay vì vòi rồng như trước đây và thủy thủ đoàn cũng sẽ được trang bị vũ khí.

Trung Quốc hạ thủy thêm hai tàu khu trục hạng nặng. Hải quân Trung Quốc ngày 3/7 đã hạ thủy hai tàu khu trục Type-055 tại thành phố cảng Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh. Đây là chiếc thứ ba và thứ tư trong dự án Type-055 của hải quân Trung Quốc. Chiếc Type-055 đầu tiên được hạ thủy tại nhà máy của tập đoàn đóng tàu Giang Nam, thành phố Thượng Hải vào cuối tháng 6/2017. Type-055 là loại tàu khu trục lớn nhất, hiện đại nhất của hải quân Trung Quốc với chiều dài 180 m, trọng tải 10.000 tấn, được trang bị hệ thống phòng không, phòng thủ tên lửa cùng các vũ khí chống hạm, chống ngầm hoàn toàn mới. Đây được đánh giá là thành tựu quan trọng trong tham vọng hiện đại hóa lực lượng hải quân của Trung Quốc.

Trung Quốc khuyến khích tư nhân khai thác các đảo hoang trên Biển Đông. Cục Hải dương và Ngư nghiệp tỉnh Hải Nam hôm 4/7 cho biết, mọi đơn vị, cá nhân muốn đầu tư phát triển các đảo không có người ở chỉ cần tuân thủ các quy định và nộp bản kế hoạch phát triển cho các cơ quan quản lý biển của tỉnh. Cụ thể chính quyền Hải Nam cho phép khai thác các đảo không người ở với thời hạn cho đầu tư nuôi trồng thủy sản là 15 năm, hoạt động du lịch giải trí là 25 năm, hoạt động khai khoáng là 30 năm, 40 năm cho các công trình dân sinh và 50 năm cho đầu tư vào các công trình cảng biển.

Trung Quốc âm thầm thử nghiệm vũ khí điện tử tại Biển Đông. Trang tin CNBC hôm 5/7 dẫn một nguồn tin tình báo cho hay Trung Quốc hiện đang thử nghiệm vũ khí điện tử ở Biển Đông với khả năng gây nhiễu và vô hiệu hóa các hệ thống liên lạc và radar. Đây là hệ thống vũ khí Trung Quốc mới lắp đặt sau khi đã bố trí hệ thống tên lửa chống hạm và phòng không trên ba tiền đồn tại quần đảo Trường Sa vào tháng 5. Phát ngôn viên Lầu Năm Góc từ chối bình luận về thông tin này bởi coi đây là vấn đề tình báo.

+ Việt Nam:

Bộ Ngoại giao lên tiếng vụ bản đồ Facebook vi phạm chủ quyền Việt Nam. Về việc Facebook đưa hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa ra khỏi bản đồ Việt Nam và tích hợp vào bản đồ Trung Quốc,  Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Ngô Toàn Thắng trong cuộc họp báo thường kỳ ngày 5/7 cho biết, “Ngay sau khi nhận được thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông của Việt Nam đã làm việc với Facebook và Facebook đã sửa thông tin sai lệch trên các bản đồ này. Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, được xác định phù hợp với luật pháp quốc tế.” Facebook đã cập nhật lại thông tin bản đồ vào ngày 2/7. Theo đó, hình ảnh hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam được tách khỏi bản đồ Trung Quốc.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo. Trong cuộc gặp chiều 8/7 tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hoan nghênh và đánh giá cao ý nghĩa chuyến thăm Việt Nam của Ngoại trưởng Mike Pompeo trong bối cảnh quan hệ hai nước đang có những bước phát triển tốt đẹp. Về phần mình, Ngoại trưởng Mike Pompeo khẳng định Mỹ coi trọng và mong muốn tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác toàn diện với Việt Nam. Ngoài ra, Mỹ luôn ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN tại khu vực Ấn Độ - Thái Bình Bương, ủng hộ tự do hàng hải và giải quyết hòa bình các tranh chấp trên Biển Đông trên cơ sở luật pháp quốc tế.

+ Philippines:

Philippines có kế hoạch tăng cường sức mạnh không quân. Phát biểu tại một sự kiện của Không quân Philippines (PAF) hôm 3/7, Tổng thống Rodrigo Duterte cho hay chính phủ Philippines đã nỗ lực thực hiện tầm nhìn thứ hai trong Chương trình hiện đại hóa Các lực lượng vũ trang của Philippines tới năm 2022 với 16 dự án dành cho PAF với tổng trị giá hơn 139 tỷ pesos (khoảng 2,6 tỷ USD).  Bên cạnh đó, người đứng đầu PAF Trung tướng Galileo Gerald Kintanar cho hay đã lên kế hoạch mua sắm hệ thống radar giám sát, máy bay không người lái, xây dựng thêm các căn cứ không quân.

+ Malaysia:

Malaysia tái khẳng định quan điểm về Biển Đông. Phát biểu với báo giới bên lề sự kiện “Hari Raya Open House” hôm 1/7, Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Mohamad Sabu cho biết, “Quan điểm duy trì Biển Đông là khu vực tự do và ổn định đối với tất cả các nước của Malaysia sẽ được chuyển tới Trung Quốc. Thủ tướng Malaysia dự kiến sẽ sớm đi thăm Trung Quốc.” Trong cuộc gặp với Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis tại Đối thoại Shangri-La ở Singapore hồi tháng 5, Bộ trưởng Mohamad cũng làm rõ, “Malaysia không muốn tàu chiến của các cường quốc như Trung Quốc và Mỹ phô trương sức mạnh quân sự ở Biển Đông. Chúng tôi sẽ giải quyết vấn đề này một cách thân thiện thông qua đàm phán với các bên liên quan. Malaysia không muốn xung đột, giống như ở Trung Đông, xảy ra ở Biển Đông. Các tàu chiến của Trung Quốc và Mỹ được tự do đi qua vùng biển của Malaysia, nhưng không được lưu lại lâu để phô diễn sức mạnh.” Theo ông Mohamad, hiện Malaysia chưa có kế hoạch triển khai thêm khí tài để tuần tra vùng biển của Malaysia.

+ Nhật Bản:

Nhật Bản dự kiến triển khai tàu chở trực thăng tới Biển Đông. Hãng Reuters ngày 4/7 dẫn một nguồn giấu tên cho hay, “Đây là một phần trong nỗ lực của Nhật Bản nhằm thúc đẩy khái niệm Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở." Theo dự kiến, tàu sân bay trực thăng Kaga (DDH-184) sẽ bắt đầu hải trình 2 tháng tới Biển Đông và Ấn Độ Dương từ tháng 9. Tàu Kaga dự kiến sẽ diễn tập trên biển kết hợp ghé thăm một số quốc gia như Indonesia, Sri Lanka và Ấn Độ.. Người phát ngôn Lực lượng phòng vệ biển Nhật Bản không đưa ra bình luận về thông tin của Reuters.

.......

Bản PDF tại đây