Động thái của các quốc gia

+ Trung Quốc:

Trung Quốc phản ứng trước chỉ trích của Nhật Bản về việc quân sự hóa Biển Đông. Phát biểu trong cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 4/5, Người phát ngôn Hồng Lỗi tuyên bố: “Nhật Bản là bên không liên quan đến vấn đề Biển Đông. Điều Trung Quốc có thể thấy là những chứng cứ nghèo nàn của Nhật Bản về việc chiếm đóng các đảo, đá ở Biển Đông trong Thế chiến Thứ hai, cũng như mục đích ngầm của nước này trong vấn đề Biển Đông. Trung Quốc thúc giục Nhật Bản ngừng các nỗ lực như vậy.” Về thông tin ứng cử viên Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte tuyên bố sẽ đàm phán song phương với Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông và thậm chí cùng khai thác tài nguyên, ông Hồng cho hay: “Trung Quốc hy vọng chính phủ mới của Philippines sẽ giải quyết đúng đắn tranh chấp Biển Đông và có những nỗ lực cụ thể để cải thiện quan hệ hai nước.” Về vụ kiện của Philippines, ông Hồng hôm 5/5 tuyên bố: “Năm 2006, chính phủ Trung Quốc đã ra tuyên bố về quyền loại trừ khỏi các cơ chế trọng tài bắt buộc theo điều 298 của UNCLOS. Vụ kiện của Philippines ngay từ đầu đã là không hợp pháp và chính đáng. Mục đích thực sự là khiêu khích về mặt chính trị với Trung Quốc dưới vỏ bọc luật pháp.” Về việc các chuyên gia của Mỹ gần đây cho rằng, các rạn san hô ở Biển Đông đã bị tan phá quy mô lớn do hoạt động cải tạo đất của Trung Quốc, ông Hông hôm 6/5 bao biện rằng: “Hoạt động của Trung Quốc ở Trường Sa tuân thủ nghiêm ngặt nguyên tắc thực hiện các dự án xanh và xây dựng các đảo, đá phù hợp về sinh thái học. Là bên sở hữu Trường Sa, Trung Quốc quan tâm đến việc bảo vệ môi trường sinh thái xung quanh các đảo, đá hơn bất cứ quốc gia, tổ chức nào trên thế giới. Hoạt động xây dựng đã hoàn tất, hoạt động bảo vệ môi trường sinh thái sẽ đặc biệt được tăng cường.”

Tàu chiến Trung Quốc tập trận quy mô lớn trên Biển Đông. Ngày 4/5, ba tàu chiến thuộc hạm đội Nam Hải của hải quân Trung Quốc đã rời căn cứ Tam Á, tỉnh Hải Nam, bắt đầu cuộc tập trận thường niên tại Biển Đông và các vùng biển lân cận. Ba tàu này, gồm tàu khu trục tên lửa Hợp Phì, tàu khu trục Tam Á và tàu tiếp tế Hồng Hồ, sau đó sẽ hội quân cùng tàu khu trục tên lửa Lan Châu, Quảng Châu và tàu khu trục nhỏ Ngọc Lâm. Cùng 3 trực thăng và hàng chục lính đặc công, hạm đội trên sẽ chia làm ba nhóm đến Biển Đông, phía Đông Ấn Độ Dương và Tây Thái Bình Dương để tiến hành các cuộc tập trận với mục đích “nhằm tăng cường khả năng sẵn sàng chiến đấu và phối hợp giữa tàu chiến, máy bay và các lực lượng khác.”

Trung Quốc dọa siết chặt lệnh cấm đánh bắt cá ở Biển Đông. Cục trưởng Cục Ngư nghiệp, Bộ Nông nghiệp Trung Quốc Triệu Hưng Vũ hôm 5/5 tuyên bố lệnh cấm đánh bắt cá trên Biển Đông từ ngày 16/5 đến 1/8 sẽ do hải cảnh và cơ quan ngư nghiệp địa phương thực hiện, “Chúng tôi chắc chắn sẽ đẩy mạnh thực thi pháp luật ở Biển Đông với tàu cá của chúng tôi và tàu cá nước ngoài”. Lệnh cấm phi lý này được Trung Quốc đơn phương áp đặt trên gần như toàn bộ Biển Đông, kéo dài đến vĩ tuyến 12, kể từ năm 1999.

Trung Quốc tuyên bố những chỉ trích nhằm vào nước này phản tác dụng. Tuyên bố trên được Vụ trưởng Vụ các vấn đề biên giới và hải dương thuộc Bộ Ngoại giao Trung Quốc Âu Dương Ngọc Tĩnh đưa ra hôm 6/5. Phát biểu trong một cuộc họp báo, ông Âu Dương nói: “Tất nhiên chúng tôi sẵn sàng tiếp nhận những phát biểu mang tính xây dựng và cả những chỉ trích của các quốc gia liên quan. Nhưng nếu chúng nhằm gây sức ép lên Trung Quốc hay bôi nhọ tên tuổi của chúng tôi, thì bạn có thể thấy chúng sẽ phản tác dụng như thế nào. Sức ép càng nhiều thì mức độ phản ứng càng lớn.” Trước đó Đại sứ Trung Quốc tại Anh ông Lưu Hiểu Minh hôm 4/5 chỉ trích chính trị gia và truyền thông của Anh, Mỹ đang khuấy động tranh chấp ở Biển Đông, “Vấn đề Biển Đông đang được thổi bùng lên bởi những người ở Mỹ và Anh với cáo buộc Trung Quốc gây căng thẳng. Những tuyên bố định kiến và thiên v của họ về tự do hàng hải và hàng không sẽ chỉ làm gia tăng căng thẳng ở khu vực này”.

Luật gia Trung Quốc bác bỏ vụ kiện trọng tài của Philippines. Ngày 8/5, hơn 300 thành viên Hội Luật Quốc tế Trung Quốc đã họp thường niên tại Thành phố Trường Xuân, tỉnh Cát Lâm, Đông Bắc Trung Quốc. Vụ kiện của Philippines là chủ đề nghị sự chính trong cuộc họp. Theo phía Trung Quốc, các chuyên gia tham gia cuộc họp đều thống nhất: Trung Quốc không nên tham gia vụ kiện vì tòa án trọng tài không có thẩm quyền xét xử tranh chấp Biển Đông hai bên. Họ cho rằng Trung Quốc có quyền hợp pháp chiếu theo luật pháp quốc tế để bác bỏ thẩm quyền xét xử của tòa, và Philippines nên tham vấn và đàm phán song phương để giải quyết tranh chấp, giúp duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực.

+ Việt Nam:

Tàu hải quân làm công tác bầu cử tại Trường Sa. Sáng 5/5, hai tàu hải quân mang biển số 639 và 633 thuộc Lữ đoàn 146 (Vùng 4 Hải quân) đã rời quân cảng Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa lên đường ra quần đảo Trường Sa để làm nhiệm vụ triển khai sớm công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021.  Hai tàu mang theo các thùng phiếu, phiếu bầu, thẻ cử tri, con dấu của các tổ bầu cử, danh sách và tiểu sử các đại biểu ứng cử đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân huyện Trường Sa và tỉnh Khánh Hòa để phục vụ công tác bầu cử tại các đảo. 

+ Mỹ:

Chiến đấu cơ của Mỹ áp sát máy bay Đài Loan ở Biển Đông. Tối 6/5, Cơ quan Quốc phòng Đài Loan xác nhận hai máy bay F/A-18 của Mỹ đã áp sát máy bay vận tải C-130 chở gần 30 quan chức Quốc Dân Đảng (KMT) Đài Loan khi họ bay về sau chuyến thăm đảo Ba Bình. Hai máy bay này, được cho là cất cánh từ tàu sân bay USS John C. Stennis hiện đang tuần tra và tập trận ở Biển Đông, đã không có hành động đe dọa nào và rời đi sau ít phút. Chuyến thăm tới đảo Ba Bình diễn ra hôm 5/5 theo yêu cầu của Người đứng đầu Đài Loan sắp mãn nhiệm  Mã Anh Cửu như một nỗ lực cuối cùng đòi hỏi chủ quyền của Đài Loan đối với Ba Bình.

 

+ Ấn Độ:

Ấn Độ tham gia cuộc tập trận ba bên trên biển. Bốn tàu của Hải quân Ấn Độ, trong đó có 2 tàu khu trục tàng hình, 1 tàu chở dầu, 1 tàu hộ tống cùng trực thăng, sẽ tham gia cuộc tập trận “Malabar” vào tháng tới ở khu vực gần Biển Đông. Cuộc tập trận này có sự tham gia của Ấn Độ, Mỹ, Nhật Bản ở ngoài khơi phía Đông tỉnh Okinawa của Nhật Bản. Phía Mỹ cho biết cuộc tập trận này là một yếu tố quan trọng trong việc đánh giá năng lực trên biển của cả các nước tham gia.

+ Pháp:

Tàu Hải quân Pháp cập cảng quốc tế Cam Ranh. Đây là chuyến thăm thứ ba của tàu hải quân nước ngoài đến cảng quốc tế Cam Ranh sau khi cảng này được khánh thành và đi vào hoạt động vào đầu tháng Ba. Tàu chỉ huy và đổ bộ Tonnerre là một trong những tàu lớn nhất của Hải quân Pháp; trên tàu có khoảng 200 sỹ quan, học viên của Hải quân Pháp và hải quân một số nước. Trong chuyến thăm 5 ngày này, phía tàu Tonnerre và Vùng 4 Hải quân dự kiến tiến hành luyện tập chung về tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn, thực hành Bộ quy tắc ứng xử cho các cuộc gặp bất ngờ trên biển.

+ Đức:

Đức kêu gọi không làm căng thẳng leo thang ở Biển Đông. Tại cuộc họp báo chung hôm 4/5 với người đồng cấp Nhật Bản Shinzo Abe đang ở thăm nước này, trả lời câu hỏi của phóng viên về phản ứng của Đức trước các hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông cũng như ý kiến cho rằng Berlin chỉ quan tâm tới vấn đề kinh tế trong quan hệ với Trung Quốc, Thủ tướng Merkel khẳng định không thể nói rằng Đức chỉ quan tâm tới vấn đề kinh tế trong quan hệ với Trung Quốc. Đức và Trung Quốc có quan hệ mạnh mẽ trong nhiều lĩnh vực, từ chính trị, kinh tế, văn hoá tới đối thoại nhân quyền. Bên cạnh đó, hai bên cũng trao đổi về các vấn đề nảy sinh, trong đó có tình hình ở Biển Đông. Đức tái khẳng định “cần phải đối thoại và giải quyết các tranh chấp một cách hoà bình, không để căng thẳng leo thang”.

Quan hệ các nước

Ngoại trưởng Nhật Bản công du các nước châu Á. Chặng dừng chân đầu tiên của Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida là Trung Quốc. Dự kiến, ngày 30/4, Ngoại trưởng Kishida sẽ hội đàm với Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị, Thủ tướng Lý Khắc Cường. Sau đó, trong chuyến thăm Việt Nam, Thái Lan, Myanmar, Ngoại trưởng Kishida sẽ hội đàm với người đồng cấp của các nước này. Trong cuộc gặp hôm 1/5 với người đồng cấp Thái Lan Don Pramudwinai, Ngoại trưởng Kishida tuyên bố các nỗ lực đơn phương nhằm thay đổi nguyên trạng ở Biển Đông, bao gồm cải đất trên quy mô lớn và xây dựng tiền đồn, là mối quan ngại chung của cộng đồng quốc tế. Ngày 2/5, tại Đại học Chulalongkorn ở Băng Cốc, Ngoại trưởng Kishida đã có bài phát biểu về chính sách của Nhật Bản đối với ASEAN. Về tranh chấp biển, Ngoại trưởng Kishida nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì một trật tự biển dựa trên các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, phản đối các hành động đơn phương thay đổi hiện trạng ở Biển Đông đồng thời kêu gọi các bên sớm hoàn tất một Bộ Quy tắc ứng xử hiệu quả trên Biển Đông. Ngày 4/5, tại thủ đô Vientiane - Lào, Ngoại trưởng Fumio Kishida cùng người đồng cấp Lào Saleumxay Kommasith đã nhất trí rằng cần giải quyết hòa bình các tranh chấp ở Biển Đông trên cơ sở luật pháp quốc tế. Trong cuộc gặp này, ông Kishida bày tỏ hy vọng Lào - hiện là Chủ tịch luân phiên ASEAN trong năm nay, sẽ phát huy vai trò của mình để ASEAN có thể đưa ra một thông điệp mạnh mẽ về vấn đề Biển Đông. Trong chuyến thăm Việt Nam từ ngày 5 - 06/5, Ngoại trưởng Kishida đã có cuộc hội đàm với Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh. Về vấn đề Biển Đông, hai bên nhất trí các bên liên quan không được có những hành động thay đổi nguyên trạng, gây phức tạp, mở rộng tranh chấp trên Biển Đông, giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, nghiêm túc tuân thủ luật pháp quốc tế.

Nhật Bản - Philippines đạt thỏa thuận cho thuê máy bay huấn luyện. Bộ Quốc phòng Nhật Bản ngày 2/5 thông báo Nhật Bản sẽ cho Philippines thuê năm máy bay huấn luyện TC-90 của Lực lượng Phòng vệ trên biển của Nhật Bản (MSDF). Động thái này mở đường cho việc lần đầu tiên Nhật Bản cung cấp máy bay MSDF cho nước ngoài. Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Gen Nakatani và người đồng cấp Philippines Voltaire Gazmin đã xác nhận thỏa thuận trên trong cuộc điện đàm tối 2/5. TC-90 có khả năng bay khoảng 1.900km, gấp đôi tầm bay của máy bay Hải quân Philippines hiện tại, giúp tăng cường năng lực giám sát trên biển của nước này.

Khai mạc cuộc tập trận chống khủng bố ADMM+ tại Brunei. Ngày 3/5, cuộc tập trận An ninh Biển và Chống khủng bố đầu tiên theo cơ chế của Hội nghị Bộ trưởng quốc phòng các nước ASEAN mở rộng (ADMM+) đã chính thức được bắt đầu với buổi lễ khai mạc tại Trung tâm Điều phối Đa quốc gia tại thủ đô Bandar Seri Begawan của Brunei.  Cuộc tập trận năm nay do Tư lệnh Các lực lượng vũ trang Hoàng gia Brunei và Lực lượng quân sự Singapore đồng tổ chức diễn ra từ ngày 1-12/5. Mục tiêu của cuộc tập trận nhằm tăng cường hợp tác quân sự cũng như khả năng liên kết giữa các nước tham gia nhằm phản ứng trước các mối đe dọa trên biển.

Trung Quốc - Lào thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược toàn diện. Trong cuộc gặp với Chủ tịch Lào Bounnhang Vorachit đang ở thăm Bắc Kinh hôm 4/5, Thủ tướng Lý Khắc Cường cam kết Bắc Kinh sẵn sàng củng cố, thúc đẩy hơn nữa các chương trình hợp tác song phương, tăng cường trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm với Lào về phát triển. Về phần mình, Chủ tịch Lào Bounnhang Vorachit khẳng định Lào sẵn sàng mở rộng hợp tác song phương và thực thi các dự án hợp tác với Trung Quốc trong đó có việc xây dựng tuyến đường sắt Lào-Trung Quốc, đồng thời cho biết Lào sẽ tham gia tích cực vào cơ chế Hợp tác Lan Thương-Mekong.

Liên Hợp Quốc luôn theo dõi sát tình hình, diễn biến Biển Đông. Trong cuộc hội đàm với Phó Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc ông Jan Eliasson hôm 4/5,  Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh đã trao đổi về tình hình khu vực và diễn biến phức tạp gần đây tại Biển Đông. Phó Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc khẳng định luôn theo dõi sát tình hình, diễn biến Biển Đông; cho rằng việc giảm căng thẳng phù hợp với lợi ích của các bên liên quan; mong muốn các bên liên quan kiềm chế, giải quyết hòa bình các tranh chấp quốc tế trên cơ sở luật pháp quốc tế và cần thúc đẩy để đạt được Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông.

Tranh chấp Biển Đông cần được giải quyết bằng luật pháp quốc tế. Ngày 5/5, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã tiếp Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam Hồng Tiểu Dũng. Về vấn đề Biển Đông, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đề nghị hai bên thực hiện nghiêm túc những thỏa thuận và nhận thức chung đã đạt được giữa Lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước. Hai bên kiểm soát tốt bất đồng, không có hành động làm phức tạp, mở rộng tranh chấp, giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế; trong đó có UNCLOS năm 1982, thực hiện đầy đủ, hiệu quả các điều khoản của DOC và sớm xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông.

Indonesia - Malaysia - Philippines dự định tuần tra trên Biển Đông. Một cuộc gặp giữa các ngoại trưởng và người đứng đầu lực lượng vũ trang của ba nước đã diễn ra hôm 5/5 ở thủ đô Jakarta. Phát biểu sau cuộc gặp, Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi cho biết ba nước đã nhất trí tiến hành tuần tra chung tại các khu vực dễ bị cướp biển tấn công trên Biển Đông và thành lập trung tâm xử lý các sự cố khẩn cấp, “Chúng tôi đã nhất trí thành lập một đầu mối giữa ba nước để tạo điều kiện chia sẻ thông tin một cách nhanh chóng và phối hợp trong mọi tình huống. Bằng cách này, chúng tôi có thể phản ứng nhanh hơn”. Các sáng kiến trên được áp dụng từ hoạt động thực tế của mô hình Tuần tra eo biển Malacca (MSP), từng được hải quân Indonesia, Malaysia, Singapore và Thái Lan đưa ra năm 2006 và thực hiện thành công.

Nhật - Anh khẳng định tính thượng tôn của luật pháp quốc tế. Phát biểu trong cuộc họp báo hôm 5/5 cùng người đồng cấp Nhật Bản Shinzo Abe đang có chuyến thăm nước này, Thủ tướng Anh David Cameron tuyên bố: “Về vấn đề Biển Đông, chúng tôi ủng hộ UNCLOS và chúng tôi tin tưởng rằng chúng ta đang ở trong một thế giới với các thể chế mạnh mẽ và các khuôn khổ dựa trên luật pháp mà các bên cần phải tuân thủ. Đây là mục tiêu đối ngoại quan trọng của Anh và tôi cho rằng Nhật Bản cũng vậy.” Về phần mình, Thủ tướng Shinzo Abe cho hay: “Bất khi chúng ta khẳng định điều gì, chúng ta cần dựa trên luật pháp. Không được sử dụng vũ lực, cưỡng ép hay thay đổi nguyên trạng. Các bên cần hướng tới các giải pháp hòa bình để giải quyết tranh chấp. Vụ kiện trọng tài của Philippines đang diễn ra và chúng tôi đánh giá rất cao tầm quan trọng của nó.”

Các hội nghị SOM ASEAN bày tỏ quan ngại về vấn đề Biển Đông. Trong hai ngày 6-7/5, tại cố đô Luang Prabang của Lào, các cuộc họp quan chức cao cấp (SOM) của ASEAN, ASEAN+3 và Hội nghị Cấp cao Đông Á đã diễn ra. Tại các cuộc họp, các nước dành nhiều thời gian trao đổi về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm. Trước những diễn biến phức tạp tại Biển Đông, nhiều nước đã bày tỏ lo ngại về các nguy cơ đe dọa môi trường hòa bình, ổn định ở khu vực, kêu gọi giải quyết hòa bình các tranh chấp, kiềm chế, không quân sự hóa, không đe dọa sử dụng vũ lực, tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982, cũng như các tiến trình pháp lý, ngoại giao; thực hiện hiệu quả DOC và thúc đẩy sớm Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông.

Phân tích và đánh giá

Chiến thuật mới của Trung Quốc: Chơi theo luật ở Biển Đông?” của Ashley Townshend Rory Medcalf

Khi căng thẳng gia tăng tại vùng biển tranh chấp ở châu Á, vấn đề đã trở nên phổ biến khi giả định hành vi quyết đoán của Trung Quốc vô tình có thể châm ngòi chiến tranh. Tuy nhiên thực tế phức tạp hơn như vậy.

Trong thực tế, lực lượng hải quân và không quân của Trung Quốc ngày càng thể hiện tính chuyên nghiệp, kiềm chế chiến thuật và tuân thủ các quy tắc quốc tế cho các hành vi an toàn trên biển. Tin tốt là ở chỗ nó làm cho xung đột ngoài ý muốn ít có khả năng xảy ra hơn so với chỉ một vài năm trước đây. 

Bằng việc chọn “biện pháp xây dựng lòng tin”, Trung Quốc khiến các quốc gia khác khó khăn trong việc ngăn chặn chiến lược lớn hơn của Trung Quốc: mở rộng kiểm soát ở Biển Đông và Hoa Đông. 

Bắc Kinh đã áp dụng các nguyên tắc an toàn hàng hải để ngăn chặn các quốc gia khác tính đến việc thu hồi những gì mà Trung Quốc đã chiếm trước đây. Tình hình hoàn toàn khác so với một vài năm trước đây khi tàu Trung Quốc chấp nhận rủi ro quấy rối tàu chiến Mỹ hay tàu bảo vệ bờ biển của Trung Quốc bao vây xung quanh tranh khu vực tranh chấp Senkaku/ Điếu Ngư, trong khi máy bay chiến đấu của Trung Quốc quấy rối máy bay trinh sát của Mỹ, đôi khi gần đến mức va chạm. Các hành động gây hấn này đã giảm, chưa có trường hợp xác nhận va chạm nguy hiểm trong gần 18 tháng qua. Các quan chức Mỹ nói rằng hành vi của hải quân Trung Quốc là chuyên nghiệp và có kiềm chế. 

Chắc chắn ông Tập phải lo lắng về chiến tranh. Với sự không chắc chắn về khả năng Trung Quốc giành chiến thắng đối với đụng độ vũ trang trên biển - đặc biệt là chống lại các lực lượng hải quân tiên tiến hơn của Mỹ hay Nhật Bản - lãnh đạo Trung Quốc không còn thấy sự liều lĩnh chiến thuật là công cụ cho sự quyết đoán chiến lược. Do đó Bắc Kinh đã âm thầm ra lệnh cho quân đội giữ thế an toàn.

Trung Quốc đã ký Bộ quy tắc ứng xử về những va chạm ngoài ý muốn trên biển (CUES) và hai thoả thuận với Mỹ về đụng độ trên biển và trên không. Trung Quốc cũng đang đàm phán một thỏa thuận giảm nguy cơ chính thức với Nhật Bản và tuân thủ các quy định ngầm xung quanh quần đảo Senkaku / Điếu Ngư.

Tuy nhiên lực lượng cánh sát biển của Trung Quốc hoặc các cơ quan dân sự khác, cùng với các đội tàu đánh cá lớn vẫn quyết đoán trên biển, ảnh hưởng đến ngư dân của Indonesia, Việt Nam và Philippines. Và ngay cả khi các lực lượng của Trung Quốc đang sử dụng chiến thuật thận trọng, chiến lược tổng thể vẫn là mở rộng quyền kiểm soát.

Trung Quốc đã tăng cường tuần tra hải quân và không quân trên khắp Biển Đông và biển Hoa đông.  Các hoạt động này cho phép Trung Quốc thay đổi hiện trạng biển châu Á mà không gây ra một cuộc khủng hoảng. Điều này đặt ra một thách thức “tế nhị” đối với Mỹ, Úc và những nước khác: làm thế nào để đối phó với Trung Quốc khi Trung Quốc sử dụng một số quy tắc để  phá vỡ những quy tắc khác.

Đối đầu giữa các cường quốc ở Biển Đôngcủa Ordon G. Chang

Trong một tuyên bố chung, Nga và Trung Quốc đã cùng nhau thể hiện một lập trường chống lại Mỹ trong vấn đề Biển Đông khi cho rằng tranh chấp ở Biển Đông cần phải được giải quyết hòa bình thông qua đàm phán giữa các quốc gia liên quan trực tiếp và các quốc gia ngoài khu vực không nên can thiệp vào tranh chấp.

Điều trớ trêu ở đây là Nga, nước không phải bên tranh chấp, lại đang tự mình can thiệp vào vấn đề khi nói các quốc gia khác không can thiệp.

Mỹ và Nga không phải là các quốc gia duy nhất có lợi ích ở vùng biển này, ngoài ra còn có các quốc gia khác như Ấn Độ và Nhật Bản, và gần đây 2 quốc gia này đều thể hiện mối quan tâm của mình đối với tranh chấp.

Như vậy hiện đang tồn tại quan điểm, ý đồ trái ngược nhau giữa các cường quốc: Nga ủng hộ nỗ lực kiểm soát Biển Đông của Trung Quốc, trong khi đó Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và các quốc gia khác muốn bảo vệ vùng biển này dành cho tất cả các quốc gia. Và như vậy, đây là một cuộc cạnh tranh “được - mất” khi cả hai phe đều nhìn nhận theo chiều hướng vấn đề của mình đang bị thách thức. Nhưng điều khiến cho Biển Đông ngày càng trở nên nguy hiểm hơn là việc các bên hiện vẫn chưa định hình rõ được tình huống. Giống như thời kỳ trước khi nổ ra Thế chiến I, các bên rất khó đoán định được tình thế, không có sự kiểm soát bởi rất khó đoán định được các quốc gia sẽ làm gì nếu như nổ ra tình huống chiến tranh.

Chẳng hạn, hiện tại Mỹ không chỉ phải đối phó với Trung Quốc mà còn cả với Nga đối với bãi cạn Scarborough mà Trung Quốc đã chiếm của Philippines. Trong khi đó, Trung Quốc lại cho rằng Nhật Bản và Mỹ đang cùng nhau hợp tác bảo vệ Philippines.

Sự hình thành các mối quan hệ liên minh vẫn có thể tiếp tục và sự bất định chắc chắc sẽ làm bối rối các nhà hoạch đinh chính sách.

Các nhà hoạch định Trung Quốc cần lưu ý về bài học của Kim Il Sung vào tháng 6/1950. Vào thời điểm đó, phía Bắc Triều Tiên nhận định rằng sau khi Ngoại trưởng Mỹ khi đó là Dean Acheson đã đưa Hàn Quốc ra khỏi “phạm vi bảo vệ” của Mỹ ở Châu Á thì không một quốc gia nào bảo vệ được Seoul. Vì vậy Bắc Triều Tiên đã tiến hành cuộc tấn công châm ngòi cho cuộc chiến Triều Tiên. Nhưng điều không như mong đợi là Mỹ cùng với 15 quốc gia theo tinh thần của Liên Hợp Quốc đã bảo vệ Hàn Quốc. Cuối cùng Bắc Triều Tiên đã bị mất lãnh thổ khi hiệp định đình chiến được ký kết.

Một điu chúng ta nhận thấy là không quốc gia nào chu lưu ý khi ông Lavrov và Vương Nghị nói rằng các quốc gia khác hãy để Trung Quốc yên, đặc biệt là khi Bắc Kinh sử dụng ngoại giao và quân sự để chèn ép các quốc gia khác. Điều đó có nghĩa là mọi va chạm, dù nhỏ hay vô ý, đều có thể dẫn đến đụng độ giữa các cường quốc. Và mọi điều kiện dẫn đến xung đột đều nằm ở Biển Đông.

Căng thẳng Mỹ - Trung ở Biển Đông vẫn có thể nằm trong sự kiểm soát?” của Denny Roy

Tranh chấp trên Biển Đông đã diễn biến thành cuộc khủng hoảng trong quan hệ Trung -Mỹ và tình hình ngày càng trở nên nghiêm trọng bởi hai lý do:

Đầu tiên, cả Bắc Kinh và Washington đều đóng khung vấn đề Biển Đông là bảo vệ lợi ích quốc gia cốt lõi. Cả hai đều sẵn sàng đi đến chiến tranh vì lợi ích quốc gia cốt lõi của mình.

Thứ hai là khả năng leo thang xung đột. Hai bên đều bị đặt vào tình thế bất lợi  mà ở đó, bên nào cũng cảm thấy bắt buộc phải phản ứng với các hành động của đối phương.

Mặc dù vậy, vẫn có những lý do để tin rằng khủng hoảng trên Biển Đông có thể nằm trong sự kiểm soát bởi vì:

Đầu tiên chính là tiền lệ trong lịch sử. Kịch bản này đã từng diễn ra trong Chiến tranh Lạnh, các đơn vị của Mỹ và Liên Xô vẫn tiếp xúc gần gũi thường xuyên. Cả hai bên đều biết tuần theo quy tắc bất thành văn nào đó để ngăn chặn sự cố mà không bên nào mong muốn.

Hiện tại lực lượng hải quân và cảnh sát biển Trung Quốc triển khai trên Biển Đông biết rằng, đôi khi một tàu chiến hoặc máy bay Mỹ có thể xuất hiện, sau đó chúng lại rời đi. Những tình huống này không loại trừ khả năng một phi công hay thuyền trưởng Trung Quốc tận dụng để chứng minh lòng dũng cảm hay lòng yêu nước, nhưng vấn đề là hành động phải có mệnh lệnh và sự kiểm soát từ cấp cao hơn.

Các hoạt động tuần tra tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông của Mỹ vốn không nhiều và chỉ mang tính biểu tượng. Trung Quốc có thể bỏ qua điều đó dù vẫn phản ứng cứng rắn bằng ngôn từ, bởi đó là điều bắt buộc.

Thứ hai là không có dấu hiệu nào cho thấy Trung Quốc đã bắt tay vào một chiến dịch buộc Mỹ phải rời khỏi Biển Đông ngay lập tức. Rõ ràng là Trung Quốc muốn giành chiến thắng trong dài hạn, nhưng việc tăng cường các hoạt động của Trung Quốc dường như phản ánh một sự phản ứng và chủ nghĩa cơ hội.

Việc Trung Quốc đẩy mạnh củng cố yêu sách ở Biển Đông lên một mức độ nguy hiểm mới trùng với việc vụ kiện của Philippines. Nhiều khả năng Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) sẽ ra phán quyết bất lợi với yêu sách của Trung Quốc, bởi vậy hoạt động bồi đắp mà Trung Quốc tiến hành là một chiến lược “thông minh” ít nhất là trong ngắn hạn. Trung Quốc hoàn toàn nhận thức được rằng hoạt động này khó có thể bị Mỹ hay bất cứ bên liên quan nào khác ngăn chặn, bởi rõ ràng đó sẽ được coi là hành động chiến tranh.

Nếu hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông chỉ giới hạn trong phạm vi củng cố yêu sách chủ quyền, thì căng thẳng Trung - Mỹ ở Biển Đông gia tăng có thể chỉ là hậu quả ngoài ý muốn chứ không phải một trận chiến mở màn cho một chiến dịch lớn hơn. Trong trường hợp này mục tiêu của Bắc Kinh sẽ là duy trì thể diện nhưng giảm thiểu căng thẳng với Mỹ.

Tuy nhiên, theo cách nhìn tổng thể thì Trung Quốc đã thất bại về mặt nền tảng chiến lược khi hành vi của nước này đã thúc đẩy sự lo ngại của các nước trong khu vực và đẩy các nước tăng cường hợp tác an ninh, một cái giá rất đắt để đánh đổi cho những tiền đồn quân sự nhỏ bé và dễ bị tổn thương.

Ba Bình có thể là chìa khóa trong vụ kiện của Philippines với Trung Quốccủa John Ford

Hòn đảo nhỏ này có thể sẽ quyết định người chiến thắng thực sự trong cuộc chiến pháp lý ở Biển Đông.

Khi chấp nhận xử lý vụ kiện này, Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) đã thông báo rõ ràng là sẽ không tuyên bố quốc gia nào có chủ quyền với các chuỗi đảo Trường Sa, mà sẽ chỉ quyết định liệu đường chín đoạn của Trung Quốc vi phạm luật pháp quốc tế hay không.

Vì Trung Quốc vẫn sẽ có thể duy trì yêu sách đối với quần đảo Trường Sa ngay cả khi nước này thua trong vụ kiện, nên các quyết định về quy chế đối với từng thực thể sẽ có ý nghĩa rất lớn. Nếu ngay cả một trong những thực thể trong quần đảo Trường Sa được công nhận là một hòn đảo và được hưởng EEZ 200 hải lý, thì Trung Quốc sẽ có thể đòi hỏi chủ quyền với cấu trúc đó và 200 hải lý đi kèm. Một yêu sách chủ quyền như vậy mặc dù không lớn như đường chín đoạn, nhưng vẫn sẽ là khá đáng kể.

Đây chính là mấu chốt vấn đề tại sao Ba Bình lại quan trọng như vậy. Ba Bình là cấu trúc tự nhiên lớn nhất trong quần đảo Trường Sa và là ứng cử viên hàng đầu trong tất cả cấu trúc của quần đảo này để có thể được phán quyết là đảo và được hưởng vùng EEZ. Tuy nhiên, PCA sẽ không chỉ căn cứ vào kích thước của Ba Bình khi đưa ra quyết định của mình mà sẽ xem xét các yếu tố khác được công nhận theo luật pháp quốc tế như nguồn cung cấp nước sinh hoạt, khả năng trồng trọt và định cư sinh sống. Về các mặt này thì có nhiều dẫn chứng hỗ trợ lập luận rằng Ba Bình là một hòn đảo. Nếu vậy, Trung Quốc sẽ ở vào vị thế tiếp tục yêu sách chủ quyền đối với Ba Bình và vùng EEZ 200 hải lý.

Tính chính trị của Ba Bình lại càng phức tạp hơn bởi thực tế là không chỉ Trung Quốc mà cả Philippines và Việt Nam đều tuyên bố chủ quyền với hòn đảo này. Trong khi đó, hòn đảo hiện lại đang được chiếm giữ bởi một bên thứ tư là Đài Loan. Tình trạng của Đài Loan theo luật pháp quốc tế là tình trạng không rõ ràng trong nhiều thập kỷ qua và vẫn chưa rõ là Đài Loan có phải là một quốc gia có tư cách quốc tế để đòi hỏi chủ quyền với Ba Bình hay không. Quan điểm của Trung Quốc là mọi yêu sách của Trung Hoa Dân Quốc (Đài Loan) sẽ được trao lại cho Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (Trung Quốc). Điều này khiến Đài Loan ở vào vị trí yêu sách chủ quyền có lợi cho Trung Quốc ở Biển Đông và đặt Đài Loan vào thế mâu thuẫn với Mỹ trong vấn đề an ninh ở Châu Á.

Giữa bối cảnh phức tạp như vậy, Ba Bình có thể trở thành mấu chốt của vấn đề khi PCA ra phán quyết cuối cùng trong tháng 5. Nếu Tòa án quyết định rằng Ba Bình là một hòn đảo, Trung Quốc - ngay cả khi tuyên bố đường chín đoạn không còn hiệu lực nữa, sẽ tiếp tục đưa ra yêu sách đối với một vùng rộng lớn ở Biển Đông và yêu sách này, trớ trêu thay, sẽ được Đài Loan hỗ trợ. Tuy nhiên mặt khác, nếu PCA cho rằng Ba Bình chỉ đơn thuần là một cấu trúc đá, thì yêu sách của Trung Quốc tại Biển Đông sẽ bị giáng một đòn nặng nề.

Lập trường của Đài Loan ở Biển Đông sẽ đi về đâu?của Jiye Kim

Là tổng thống đầu tiên của Đảng Dân Tiến trong 8 năm qua, mọi lựa chọn của bà Thái Anh Văn sẽ thể hiện cho yêu sách hiện nay của Đài Loan ở Biển Đông. Tuy nhiên, dù như thế nào thì chính sách Biển Đông của bà vẫn sẽ bị dẫn dắt bởi một tình thế lưỡng nan.

Tình thế này xuất phát từ thực tế khó khăn là trong tranh chấp, Đài Loan lại có quan điểm tương tự với Trung Quốc mặc dù vẫn theo đuổi các quy định quốc tế. Tình thế này sẽ đưa đẩy chính sách Biển Đông của Đài Loan như thế nào? Và kết quả sẽ ra sao?

Cả Trung Quốc và Đài Loan đều có yêu sách về đường chữ U và cũng tương đồng về cách diễn giải lịch sử. Nhưng về vị thế trên trường quốc tế và cách diễn giải luật quốc tế lại khác nhau.

Đài Loan cho rằng về mặt lịch sử, địa lý và luật quốc tế, Hoàng Sa, Trường Sa, Đông Sa, Trung Sa và các vùng biển xung quanh cũng như vùng đất bên dưới…thuộc về Đài Loan với tư cách là một phần lãnh thổ không thể tách rời.

Gần đây (năm 2005), có vẻ như Đài Loan có chút điều chỉnh về yêu sách của mình khi tuyên bố yêu sách chỉ tập trung vào các đảo, vùng biển xung quanh, thềm lục địa thay vì yêu sách toàn bộ vùng biển bên trong đường chữ U.

Đối với các quốc gia yêu sách khác, Đài Loan cũng đã có xung đột với Việt Nam về tranh chấp đảo Ba Bình, cũng như về bản đệ trình chung về thềm lục địa giữa Việt Nam và Malaysia. Đối với Philippines, Đài Loan cũng chỉ trích các hoạt động đối ngoại và cả trong nước của nước này, trong đó có cả vấn về vụ việc Philippines kiện Trung Quốc tại tòa Trọng tài. Đài Loan cũng phản đối Philippines về việc Philippines cho rằng Ba Bình về mặt tự nhiên không phải là một hòn đảo.

Đối với những quan ngại gần đây về việc quân sự hóa các thực thể và những tiềm ẩn va chạm, Đài Loan chú trọng theo đuổi các mục tiêu dân sự: Sáng kiến Hòa bình ở Biển Đông. Sáng kiến này đã dẫn đến việc ký kết Thỏa thuận Liên quan Thúc đẩy Hợp tác về Chấp pháp Biển đối với Các vấn đề Ngư nghiệp với Philippines vào tháng 11/2015. Sáng kiến này được thúc đẩy từ Sáng kiến Hòa bình Hoa Đông mà Đài Loan đưa ra vào năm 2012. Thời điểm đó, tổng thống Mã Anh Cửu cho rằng Sáng kiến Hòa bình Hoa Đông giúp giảm mức độ tập trung vào vấn đề lãnh thổ và chỉ tập trung vào việc hợp tác và chia sẻ nguồn tài nguyên. Và do đó có thể áp dụng đối với Biển Đông. Đài Loan vẫn đang tự tin thúc đẩy Sáng kiến Hòa bình Biển Đông bằng việc tận dụng kinh nghiêm quản lý vấn đề hợp tác ở Hoa Đông.

Các tổng thống có những quan điểm và nguyên tắc khác nhau về vấn đề kiểm soát mối quan hệ hai bờ. Nhưng vấn đề về yêu sách chủ quyền có thể sẽ khuyến khích Đài Loan vượt quan được tình thế lưỡng nan hiện nay./.